Tạp chí Sông Hương -
Dư âm Liên hoan Phim VN lần thứ XVII: Ai cũng có phần!
08:54 | 19/12/2011
Sự cả nể để làm nên “cơn mưa giải thưởng”, kiểu ai cũng có phần như vậy chỉ làm giảm giá trị giải Bông sen
Dư âm Liên hoan Phim VN lần thứ XVII: Ai cũng có phần!
Các nghệ sĩ nhận giải tại lễ bế mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XVII. Ảnh: Hoàng Lan Anh

Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ XVII đã khép lại trong ngỡ ngàng với những giải thưởng được trao theo kiểu “hòa cả làng”.

Kết quả giải thưởng mà theo nhiều người trong giới là “bất bình thường” đã khiến cho cuộc họp báo đối thoại giữa ban tổ chức và báo chí kéo dài đến gần 0 giờ đêm 17-12. Thế nhưng, những lý giải của ban giám khảo (BGK) về kết quả giải thưởng vẫn chưa thỏa đáng, rất khó thuyết phục.

Mỗi phim có thế mạnh riêng

Trước thềm trao giải, hầu hết những dự đoán Bông sen vàng đều nghiêng về bộ phim Mùi cỏ cháy (kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn NSƯT Nguyễn Hữu Mười, Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất). Bởi thông lệ lâu nay, ở các LHP của Việt Nam, phim Nhà nước vẫn luôn chiếm ưu thế trong những “công cuộc” thu gom giải thưởng. Thế nhưng, cho dù Mùi cỏ cháy đã nhận được rất nhiều lời khen thì bộ phim cũng khó chạm đến Bông sen vàng một cách thuyết phục vì chưa thật sự là một tác phẩm xuất sắc nhất. Câu chuyện về 4 nhân vật khắc họa từ cuộc đời thật là Hoàng, Thành, Thăng, Long có ý nghĩa nhưng chưa xúc động và vẫn còn khiên cưỡng.

Để cho phim Hotboy nổi loạn… đứng ngang hàng với Mùi cỏ cháy cũng đã là một nỗ lực chấm giải theo tiêu chí “đổi mới và hội nhập” của BGK. Theo nhiều người trong giới, đó chính là mặt “được” nhất của LHP lần này. Thế nhưng, việc phim Vũ điệu đam mê vượt qua cả Cánh đồng bất tận và Long thành cầm giả ca (giải Cánh diều vàng 2010) để đứng ở vị trí Bông sen bạc đã khiến cho nhiều người trong giới không thể tâm phục.

Lý giải về việc có đến 3 phim chen chân vào chia Bông sen bạc, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, chủ tịch BGK phim truyện, nói: “Ở bất cứ LHP nào, chúng tôi cũng đều mong muốn vinh danh một phim xứng đáng nhất, nhưng có những dòng phim khác nhau, mỗi phim đều có một thế mạnh riêng. Chúng tôi thấy rằng nếu chỉ chọn một thì không công bằng với các phim”.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh giải thích thêm: “LHP này có hai dòng phim, một dòng là Hotboy nổi loạn…, một dòng là Mùi cỏ cháy. BGK đã mất 3 ngày để cọ xát nhưng không thể đưa ra được quyết định cuối cùng”. Chính đạo diễn Lưu Trong Ninh cũng nhiều đêm mất ngủ để chọn ra giải thưởng xứng đáng. Ở Hotboy nổi loạn…, tính nghề nghiệp rất tốt, trong khi đó Mùi cỏ cháy lại tạo được cảm xúc đáng trân trọng. Khác với các kỳ LHP trước, phim nào điểm cao nhất sẽ đoạt giải vàng, quy chế năm nay quy định phim đoạt giải vàng phải ở khung điểm từ 9,5 đến 10, nhưng cả Hot boy nổi loạn… và Mùi cỏ cháy không vượt qua 9,5 điểm. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định tiêu chí của LHP năm nay là đổi mới và hội nhập. Chủ tịch BGK hay thậm chí là Trưởng Ban Tổ chức đều không thể can thiệp vào giải thưởng. Ông Ninh ví von 9 người trong BGK đều là “9 con hổ” đầy đủ bản lĩnh nghề nghiệp để đưa ra những đánh giá độc lập. Về riêng mình, ông Ninh cho biết ông kính trọng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng về mặt nghề nghiệp. Hotboy nổi loạn… là một đề tài về những con người dưới đáy xã hội nhưng những hình ảnh trong phim lại rất cảm xúc và nhiều đoạn như một bài thơ.

Những giải thưởng “kỳ lạ”

LHP Việt Nam lần thứ XVII để lại “dấu ấn bất ngờ” nhưng là những bất ngờ gây bức xúc. Ngay sau lễ bế mạc, nhiều đạo diễn, nghệ sĩ từ TPHCM bày tỏ sự bất bình trước những giải thưởng “kỳ lạ”. Hạng mục Nữ diễn viên chính – phụ xuất sắc nhất được chia phần cho Lan Ngọc – Nguyễn Mỹ Hạnh và Phương Thanh – Lê Khánh. Quá nhiều hạng mục đồng giải khác cũng gây không ít ngỡ ngàng.

Về bất ngờ dành cho Vũ điệu đam mê và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho diễn viên Mỹ Hạnh trong phim này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng đừng đặt doanh thu để đánh giá tiêu chí phim hay hay không, bởi nếu vậy thì Long ruồi sẽ là đỉnh cao. Trước khi xem phim, có thành viên giám khảo không thiện cảm với phim này nhưng sau khi xem xong thì cả 9 thành viên đều cảm thấy rất được. “Chúng tôi không xem phim bằng cảm tính”, chủ tịch BGK phim truyện nhấn mạnh. Đánh giá về giải Nữ diễn viên chính bất ngờ của Mỹ Hạnh, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng Mỹ Hạnh diễn rất đời và tinh tế. Đây chính là nữ diễn viên tải toàn bộ câu chuyện phim hay nhất trong số 17 phim dự giải kỳ này. Trong khi đó, Lan Ngọc diễn chân thực nhưng “một màu”. Chính các giám khảo khác đã thuyết phục chủ tịch BGK bỏ phiếu cho Lan Ngọc để khuyến khích một sinh viên của trường sân khấu điện ảnh. Trường hợp này cũng giống như đồng giải thưởng ở hạng mục Quay phim xuất sắc nhất. Nguyễn Nam là người quay mà “không thấy máy quay”, trong khi K’Linh trẻ trung, bước vào đời với những bộ phim rất tốt. Nếu LHP này không có Lan Ngọc, K’Linh thì thực sự đáng tiếc.

Năm nay, không có Giải BGK báo chí, thay vào đó là Giải BGK dành cho 3 phim: Long thành cầm giả ca, Tâm hồn mẹ và Cánh đồng bất tận. Sự thay đổi quy chế tại LHP lần thứ XVII cũng gây nhập nhằng, như việc cuối cùng các phim đề cử đều đường hoàng có giải từ BGK (!). Những ứng viên sáng giá tại LHP cũng là những tác phẩm đã nhận được nhiều giải thưởng trước đó hoặc có giá trị từ “sức nặng lời khen”, vinh danh tất cả xem ra cũng là một giải pháp an toàn nhất. Nhưng chia sẻ bên lề, cũng không mấy người có giải thấy vui thật sự khi được trao giải theo kiểu “cá mè một lứa”.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói phải nhìn thẳng vào sự thật là LHP năm nay đã thật sự đổi mới nhưng ông cũng thừa nhận rằng “có thể thiện cảm thành quá mức” khi đã quyết định “trao tặng” quá nhiều giải. Nhưng sự cả nể để làm nên “cơn mưa giải thưởng”, kiểu ai cũng có phần như vậy cũng chỉ làm giảm giá trị giải Bông sen!”.


Liên hoan phim dành cho ai?

Vinh danh và tri ân những thế hệ nghệ sĩ đã có những đóng góp cho điện ảnh là một điều đáng trân trọng nhưng sự có mặt của các nghệ sĩ lão thành đã không thể lấp nổi khoảng trống hụt hẫng khi vắng mặt những đạo diễn, diễn viên tên tuổi – vốn đang là lực lượng nòng cốt làm nên diện mạo của điện ảnh hôm nay.

LHP lần này cũng chứng kiến cảnh nhiều nghệ sĩ nhận giải thay. Không ít nghệ sĩ đoạt giải lại không có mặt trong buổi lễ tôn vinh chính mình như Mỹ Hạnh, Lê Khánh, Hồ Vĩnh Khoa, Vũ Ngọc Đãng... Trả lời thắc mắc này, bà Ngô Phương Lan, Cục phó phụ trách Cục Điện ảnh, Phó Ban Tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XVII, chia sẻ kết quả có rất muộn và các nghệ sĩ có rất ít thời gian, trong khi việc di chuyển đến Phú Yên rất khó khăn nên trở tay không kịp. Thêm vào đó, mỗi đoàn phim chỉ được cử một người đối với phim tài liệu, phim truyện được 4 người, trong đó bao gồm đạo diễn và diễn viên chính. Có rất nhiều hãng phim người cử đi không phải là người được giải nên việc nhận giải thay là chuyện bất khả kháng.



                                                 Theo Hoàng Lan Anh & Tiểu Quyên - NLĐO

















Các bài mới
Các bài đã đăng