Tạp chí Sông Hương -
Hát xoan: Còn nhiều việc phải làm
08:36 | 22/12/2011
Hát Xoan Phú Thọ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Để di sản thế giới này thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, xem ra Hát Xoan còn nhiều việc phải làm.
Hát xoan: Còn nhiều việc phải làm
Nghệ nhân cao tuổi trình diễn Hát Xoan.

1. Cho đến nay, Hát Xoan vẫn là một loại hình diễn xướng không được nhiều người chú ý, quan tâm. Công chúng và cả giới nghiên cứu am hiểu tường tận về Hát Xoan cũng không có nhiều. Những giá trị đặc sắc cũng như các hình thức trình diễn, các điệu múa, nhạc…gắn với dân ca nghi lễ Hát Xoan được hiểu biết, tuyên truyền rất hạn chế. Thật không quá khi khẳng định, có tới 80 - 90% người dân Việt Nam chưa từng xem diễn xướng Hát Xoan. Ngay trước khi được quyết định xây dựng Hồ sơ Quốc gia đệ trình UNESCO vào năm 2009, Hát Xoan nảy sinh nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người tỏ ra ái ngại vì cho rằng loại hình dân ca nghi lễ này không có mấy đặc sắc, xã hội và cộng đồng xưa nay chưa thật sự ghi nhận giá trị của Hát Xoan. Thậm chí bên cạnh Hát Đuống, Hát Ghẹo… nhiều nhà nghiên cứu còn đánh giá các di sản văn hóa phi vật thể này xứng đáng được xây dựng Hồ sơ Quốc gia đệ trình UNESCO hơn Hát Xoan…

Muốn bảo tồn hay phát huy giá trị di sản, trước hết chính những chủ thể văn hóa và cả cộng đồng xã hội phải hiểu được chân giá trị của di sản. Hát Xoan không phải là một ngoại lệ và việc trước tiên mà chúng ta cần phải làm là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Hát Xoan cho chính những nghệ nhân, những người trình diễn Hát Xoan cũng như cộng đồng, xã hội. Hiện Hát Xoan có nhiều huyền tích, truyện kể khác nhau về nguồn gốc, xuất xứ của loại hình dân ca nghi lễ này. Có huyền tích gắn với những chuyến du ngoạn, vi hành của Vua Hùng, có chuyện kể gắn với những sinh hoạt văn hóa của các nàng Mỵ Nương xưa… Những biến thể về nguồn gốc, xuất xứ của Hát Xoan vì thế cần phải được trân trọng, phổ biến rộng rãi chứ không nhất thiết phải hợp nhất các truyện kể, huyền tích này thành một luận giải về nguồn gốc, xuất xứ của Hát Xoan.

Bên cạnh đó, Hát Xoan hiện còn lưu giữ, diễn xướng nhiều bài bản, thể cách mang lời cổ mà ngay chính những nghệ nhân, những người đang diễn xướng, truyền trao di sản này cũng không hiểu ý nghĩa. Chẳng hạn như bài "Xin Huê": "Anh xin nàng chút huê trong đụn/ Huê trong đụn anh thuận huê gì?". Theo các nghệ nhân trẻ Hát Xoan thì nhiều ngữ nghĩa trong lời Xoan xưa nay không còn sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, họ chỉ hát theo lời cổ các cụ nghệ nhân cao tuổi xưa truyền dạy. Đấy là chưa nói, cả trong phần Lễ và Hội, Hát Xoan đều có những biến thể, thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, theo từng phường Xoan hay không gian diễn xướng khác nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan khẳng định: "Hát Xoan là một trong những thể loại ca nhạc chứa đựng và đan xen nhiều tầng văn hóa, nhiều loại hình tín ngưỡng và nhiều tầng âm nhạc mang đặc trưng của những thời đại lịch sử khác nhau". Việc hệ thống những bài bản, thể cách cũng như thống kê những bài Xoan cổ thực sự là việc cần phải làm ngay để công tác tuyên truyền, phổ biến Hát Xoan có hiệu quả đối với những chủ thể văn hóa cũng như tạo sự hiểu biết, từ đó chú ý, quan tâm và yêu thích Hát Xoan cho cộng đồng, xã hội.

2. Nghệ nhân chính là những người sáng tạo, diễn xướng và truyền trao di sản văn hóa phi vật thể. Họ chính là chủ thể văn hóa của di sản và muốn bảo vệ hay phát huy bất cứ di sản văn hóa phi vật thể, trước hết cần phải có chính sách nghệ nhân. Theo thống kê, hiện nghệ nhân Hát Xoan trên 70 tuổi có 69 người, nhưng trong số 31 nghệ nhân từng biểu diễn loại hình dân ca nghi lễ này trước năm 1945, giờ chỉ còn 8 người có thể nhớ và có khả năng truyền dạy cho cộng đồng con cháu. May mắn nhiều nghệ nhân Hát Xoan vẫn còn đủ sức khỏe và trí nhớ để trình diễn, truyền dạy. Như nghệ nhân Nguyễn Thị Quy hiện đã 103 tuổi, mắt đã nhòa nhưng vẫn hát rõ lời từng bài Xoan cổ, hay cụ Nguyễn Thị Đá 100 tuổi vẫn có thể trình diễn Giáo trống, Giáo pháo cho lớp trẻ… Như cách gọi của UNESCO, họ chính là "những báu vật nhân văn sống" mà giới nghiên cứu cũng như những nhà quản lý văn hóa cần sớm thực hiện những bản ghi âm, ghi hình để lưu giữ những vốn xưa, tích cũ mà họ còn nhớ, làm cơ sở để bảo tồn, truyền trao giá trị gốc của Hát Xoan cho các thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, một trong những thuận lợi trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ này khu biệt trong bốn làng Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét - nằm trong hai xã Kim Đức và Phượng Lâu thuộc Tp Việt Trì, Phú Thọ. Các nghệ nhân vì thế cũng dễ triển khai công tác truyền dạy cho các thế hệ đi sau hơn. Mà việc bảo tồn, định hình trở lại các phường Xoan vì thế cũng dễ dàng tìm ra vùng lõi, có những hạt nhân để khôi phục trở lại. Xưa, các phường Xoan tự đứng ra tổ chức truyền dạy. Khi làng có việc, muốn mời các nghệ nhân Xoan đến trình diễn phải thông qua ông trùm. Ông trùm cũng chính là người lên kế hoạch, chương trình truyền dạy, trình diễn. Nhưng nay, vai trò ông trùm dường như không còn ở các phường Xoan. Các bài bản Xoan cổ, các cụ hát hoặc đọc cho con cháu chép lại. Các bạn trẻ yêu Xoan không phải lúc nào cũng có thể theo đuổi việc học hát Xoan hay múa… Việc bảo tồn Hát Xoan vì thế nên chăng khôi phục lại mô hình Phường Xoan bên cạnh việc thành lập các CLB Hát Xoan mới mẻ.

Hiện, chính sách của Nhà nước cho nghệ nhân vẫn chưa được thống nhất, triển khai. Thông tư hướng dẫn về việc phong tặng danh hiệu cũng như các chính sách đi kèm đối với các nghệ nhân văn hóa dân gian vẫn còn nằm trên bàn các nhà quản lý văn hóa… Nhưng điều may mắn với Hát Xoan là toàn bộ nghệ nhân hiện đang sinh sống và diễn xướng, truyền dạy ở hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Chính vì thế, hai địa phương này hoàn toàn có thể chủ động xây dựng và triển khai chính sách đối với các nghệ nhân Hát Xoan một cách sớm nhất, có thể theo cấp tỉnh, mang tính chất đặc thù… Hơn thế, việc triển khai mở các lớp tập huấn, truyền dạy cho các nghệ nhân cũng dễ dàng hơn nếu địa phương thực sự quan tâm. Việc tạo điều kiện cho các nghệ nhân trình diễn trong các Hội làng hay Lễ hội cấp tỉnh, huyện hay xã trên vùng đất Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng chính là một hướng đi để Hát Xoan đến với công chúng nhiều hơn, lan tỏa giá trị của một di sản thế giới.

3. Môi trường diễn xướng của Hát Xoan hiện đang đặt trong tình trạng "báo động đỏ", cần bảo vệ khẩn cấp. Trước đây, giới nghiên cứu vẫn ngầm định là Hát Xoan tồn tại trong 17 làng thuộc cả Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Sức sống của Hát Xoan cũng đã được khẳng định khi loại hình dân ca nghi lễ này từng đến với nhiều xã quanh vùng sông Lô, sông Thao… Nhiều vùng đất xưa tuy không có các phường Xoan nhưng vẫn mời các nghệ nhân Xoan về diễn xướng trong các dịp hội làng. Sau khi Xoan trình diễn trong các lễ nghi quan trọng thì mở Hội hát giao lưu với người dân địa phương. Vì thế, lan tỏa ra nhiều vùng đất khác nhau. Nhưng hiện Hát Xoan chỉ còn 4 phường Xoan cổ và hai CLB Hát Xoan mới thành lập, biểu diễn chủ yếu trong 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu. PGS.TS Lê Văn Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẳng định: "Môi trường diễn xướng của Hát Xoan rõ ràng là đang bị báo động".

Ghi danh Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, UNESCO ghi nhận ba không gian diễn xướng của Hát Xoan: hát thờ phụng Vua Hùng, thần, Thành Hoàng làng; Hát trong các lễ hội mùa màng và hát trong các lễ hội làng, như một hình thức giao duyên. Điều đáng nói là hiện Hát Xoan chủ yếu chỉ diễn xướng trong các lễ nghi thờ cúng Vua Hùng. Một phần vì những năm gần đây Lễ hội Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức quy mô hơn nên Hát Xoan cũng có nhiều dịp để khoe sắc. Trong khi đó, các hội làng gần như vắng bóng Hát Xoan. Hình thức dân ca nghi lễ này cũng đã mai một rất nhiều nếu không muốn nói là gần như đã không còn chức năng hát giao duyên, tỏ tình tán tỉnh giữa nam và nữ trong đời sống hiện đại. Lẽ dĩ nhiên, di sản không phải lúc nào cũng bất biến nhưng để bảo tồn Hát Xoan, thực sự cần lưu ý hai hình thức, không gian diễn xướng đã và đang mai một trầm trọng này.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, việc bảo tồn và phát huy luôn gắn với di sản vật thể. Hát Xoan cũng không phải là ngoại lệ khi trong quá trình xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO, giới nghiên cứu đã ghi nhận dân ca nghi lễ này đã ghi dấu ở 30 cửa Đền Đình. Nhưng hiện nay theo thống kê thì chỉ còn 13 Đình Đền thường đón nghệ nhân Xoan về diễn xướng. Trong số 13 Đình Đền này thì có tới hai Đình Đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng, còn nhiều Đình Đền đã hoang phế, không còn một dấu tích về vật thể... Việc trùng tu tôn tạo những di tích vật thể này là một việc làm tất yếu để "hồi sinh" Hát Xoan, bởi ai cũng biết dân ca nghi lễ này ra đời và tồn tại chủ yếu là để hát thờ Vua Hùng và các thần, Thành Hoàng làng. Huyền tích về nguồn gốc Hát Xoan gắn với một di sản vật thể là miếu Lãi Lèn. Nhưng hiện miếu này đã bị phá hủy, chưa tìm ra chứng tích gì để khảo cứu, tái tạo. Đây cũng chính là việc làm quan trọng mà giới nghiên cứu cần phải quan tâm, tiếp tục tìm hiểu, dò chứng tích để có thể phục hồi di sản được xem là nơi phát tích di sản thế giới - Hát Xoan

                                                                            Theo Phúc Nghệ - CAND.com.vn















Các bài mới
Các bài đã đăng