Tạp chí Sông Hương -
Hiện tượng văn hóa văn nghệ 2011
09:42 | 29/12/2011
Ngoài những sự kiện tích cực, năm qua có nhiều sự cố lại trở thành tâm điểm, hiện tượng trong đời sống văn hóa văn nghệ cả nước.
Hiện tượng văn hóa văn nghệ 2011
Bình chọn của ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong dựa trên những yếu tố: Hiện tượng gây hiệu ứng xã hội nhất định, được dư luận công luận quan tâm trong thời gian khá dài.

1. Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của Nhân loại, còn hát xoan được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Cần được Bảo vệ Khẩn cấp. Đây là sự kiện văn hóa lớn, đặt ra nhiều thử thách xung quanh việc bảo tồn Thành nhà Hồ, bảo vệ khẩn cấp và phát huy giá trị độc đáo của hát Xoan- một loại hình nghệ thuật còn chưa được biết nhiều ngay với người dân trong nước.


 2. Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới của nhân loại. Mặc dù còn tranh cãi xung quanh hình thức bầu chọn và tư cách pháp nhân của nơi đứng ra tổ chức bầu chọn, việc vịnh Hạ Long có tên trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới có ý nghĩa tích cực quảng bá hình ảnh Hạ Long cũng như Việt Nam, đưa đến những cơ hội mới về văn hóa và du lịch.

3. Lùm xùm quanh giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đồng thời với đó là các đề cử danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú có chiều hướng “quý hồ đa” trong khi giá trị giải thưởng ngày càng tăng (giải Hồ Chí Minh được thưởng kèm 200 triệu đồng). Thường thì đợt xét giải nào cũng có ồn ào, nhưng đợt này được đánh giá có nhiều kiến nghị, khiếu nại hơn cả. Dự kiến trao giải vào dịp Quốc khánh, song đến nay những giải thưởng và danh hiệu này vẫn dừng lại ở mức đề cử. Ngay trong giới VHNT cũng có ý kiến nên dừng xét giải hoặc chuyển sang hình thức khác phù hợp với tình hình mới.

4. Làng điện ảnh nổi sóng với bê bối đạo phim (Giao lộ định mệnh) ở giải Cánh Diều; vụ thất thoát 34 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh; còn kết quả và công tác tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cũng chưa thỏa mãn người hâm mộ. Cả kết quả Cánh Diều hồi đầu năm lẫn kết quả LHP cuối năm làm giảm lòng tin và quan tâm của khán giả điện ảnh. Số tiền thất thoát ở Cục Điện ảnh khiến lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, hai quan chức đã phải từ chức cùng lúc vì bê bối này.

5. Lần đầu tiên Việt Nam có đại sứ du lịch nhưng đó lại là nhân vật không được sự đồng thuận cao của dư luận và báo giới. Dù bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch họp báo kêu gọi ủng hộ tân đại sứ Lý Nhã Kỳ, nhưng rồi dư luận công luận sau đó vẫn không mấy quan tâm đến các hoạt động quảng bá du lịch của cô.

6. Sự bất cập trong văn bản quy định và trong cách xử lý tình huống của cấp quản lý qua sô diễn của ca sĩ hải ngoại Chế Linh. Quy định 47 của Bộ Văn hóa ra đời đã 7 năm, nay chính Bộ VH-TT&DL thừa nhận bất cập, bởi đã gây nên sự chồng chéo trong việc cấp phép biểu diễn. Khi sự cố sô diễn Chế Linh xảy ra, cơ quan quản lý thuộc Bộ lại xử lý vụng, gây bức xúc và cả thiệt hại cho khán giả.

7. Cặp đôi Hoàn hảo - cuộc thi có ý nghĩa như game show truyền hình, mở ra khá hấp dẫn nhưng càng vào sâu càng bất cập, do khả năng hạn chế của thí sinh và việc chấm điểm của giám khảo dẫn đến một đêm chung kết chông chênh. Song song với diễn biến của các đêm thi là hàng loạt phát ngôn gây sốc, phản cảm của một số người trong cuộc. Chính điều đó dư luận công luận đặt vấn đề: về địa vị “ngôi sao” của giới biểu diễn; về vai trò và trách nhiệm của giám khảo cũng như tính minh bạch của các cuộc thi giá trị giải thưởng lớn người xem đông; về thị hiếu; về phông văn hóa hành xử và ứng xử...

Theo Ban VHVN - TP

















Các bài mới
Các bài đã đăng