Tạp chí Sông Hương -
"Nhà văn nhặt bút" và những kỷ lục
09:40 | 06/01/2012
Với 245 tác phẩm đã xuất bản, tổng cộng gần 8 vạn trang sách, dịch giả - nhà văn Dương Thu Ái vừa được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đề xuất xác lập ba kỷ lục: Nhà văn có số sách đã xuất bản nhiều nhất trong một năm; Nhà văn có số lượng sách viết và dịch nhiều nhất; Nhà văn duy nhất viết sách bằng bút nhặt... Điều thú vị hơn, những cái lạ lùng và “nhất Việt Nam” của lão nhà văn này, dường như còn nhiều hơn thế!
Ảnh: Đặng Vương Hưng
Tháng 9/2008, tôi là người đầu tiên “phát hiện” được Dương Thu Ái và cho công bố bài viết: Nhà văn nhặt bút soạn 7 vạn trang sách trên TT&VH, đã gây xôn xao dư luận. Từ thông tin này, hàng chục ấn phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình đã vào cuộc và biểu dương ông... Tên tuổi Dương Thu Ái bỗng dưng nổi như cồn.

Về hưu bỗng… nổi như cồn

Hơn 3 năm sau, tháng 12/2011, tôi bất ngờ khi nhận được tin nhà văn Dương Thu Ái đã cho ra mắt thêm gần 100 cuốn sách, với khoảng 1 vạn trang in nữa. Bằng 245 cuốn sách đã xuất bản, tổng cộng gần 8 vạn trang sách đã in, ông là dịch giả, nhà văn vừa xác lập ba kỷ lục quốc gia: Nhà văn có số sách đã xuất bản nhiều nhất trong một năm; Nhà văn có số lượng sách viết và dịch nhiều nhất; Nhà văn duy nhất viết sách bằng bút nhặt... 

Không chỉ có 245 đầu sách các loại đã xuất bản, Dương Thu Ái còn hàng chục tập bản thảo khác đang chờ in và phát hành. Đó là một số lượng tác phẩm khổng lồ, mà chưa một nhà văn Việt Nam nào đạt được! Được biết, để thẩm tra, xác định kỷ lục quốc gia cho Nhà văn Dương Thu Ái, tổ chức xác lập kỷ lục đã cử nhân viên đến nhà ông, yêu cầu bày tất cả các cuốn sách của ông ra sàn nhà đếm từng quyển một; bê cả mấy thùng bút nhặt ra... để họ chụp ảnh và ghi hình.

Có nhiều người trong suốt cuộc đời công chức của mình, dù đã trải qua bao gian nan, vất vả, nhưng lại chẳng mấy thành công và chẳng ai biết đến. Nhưng khi đã về hưu, chuyển nghề mới, thì lại nổi như cồn. Với họ, về hưu không phải là nghỉ ngơi, mà là để... bắt đầu tạo dựng sự nghiệp và thậm chí là “lập danh”. Dương Thu Ái là một người như thế. Giải thích về sự thành công và “bí quyết” của mình, ông cười: Đơn giản lắm! Đó là... lao động và lao động!

Rồi Dương Thu Ái kể một chuyện thú vị: Tôi có vợ chồng ông bạn thân, đó là GS Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học VN) và TS Thanh Vân. Dịp Tết, vợ chồng ông ấy thường đến ăn với gia đình tôi một bữa cơm. Phong Lê bảo: Vợ chồng ông ấy chưa bao giờ đi ăn cơm ngày Tết ở nhà bạn bè nào cả, chỉ “ưu tiên” duy nhất với Dương Thu Ái. Nhưng ông cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đến ăn Tết với ông không phải là GS,TS đến với nhà văn, mà là những người lao động đến với nhau”.

Quả thật, Dương Thu Ái suốt ngày chỉ biết làm việc và làm việc. Ngày nào mà ông không viết được mươi trang bản thảo là sẽ “ăn không ngon, ngủ không yên”. Mà ông có ăn uống cũng rất thanh cảnh, lại không nghiện rượu, bia, chè, thuốc lá... Lạ nữa, hầu như Dương Thú Ái không xem phim, không xem ti vi, tờ báo duy nhất ông đọc hàng ngày là Đại đoàn kết, do được người ta biếu, vì ông “có chân” trong Mặt trận Tổ quốc phường. Thú vui duy nhất của Dương Thu Ái có lẽ là đi bộ thay thể thao và kết hợp nhặt bút người ta đánh rơi để mang về viết sách.

Nhà văn triệu phú đô la

Sẽ có bạn đọc thắc mắc: Đã in mấy trăm cuốn sách, nhiều cuốn tái bản hàng chục lần... vậy tiền nhuận bút của nhà văn Dương Thu Ái được bao nhiêu và sử dụng làm gì? Xin thưa, trên đời này có những người kiếm tiền rất giỏi, nhưng lại không biết cách tiêu tiền để “y phục xứng kỳ đức”, nhà văn Dương Thu Ái là một ví dụ như vậy. Bà Nguyễn Kim Hanh, vợ ông nhớ lại: Hồi gia đình họ mới chuyển từ Bắc Giang về Hà Nội, cuộc sống khó khăn lắm, phải đi bán than, bán muối, nước mắm... cực khổ vô cùng. Nhưng nhờ chăm chỉ làm việc, tiết kiệm chi tiêu và cơ chế thị trường ủng hộ, rồi ông bà cũng có “bát ăn bát để” và giàu có dần lên... 

Người ta thường nói “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng bạn đọc sẽ bất ngờ khi biết rằng Nhà văn Dương Thu Ái hiện đang đứng tên chủ sở hữu tới 4 ngôi nhà ở Hà Nội. Nhà ông đang ở và một ngôi nhà khác ở Đường Bưởi đều có mặt tiền bám đường ô tô rộng 7m; một ngôi nhà khác ở Gia Lâm rộng tới 350m2, rồi còn nhà ở Nhân Chính và 1.600m2 đất mặt đường nhựa ở Tân Yên… Chưa hết, lão nhà văn tiết lộ với tôi: Mình còn gần chục tỷ đồng tiền mặt gửi ở ngân hàng. Nhưng em đừng viết lên báo chuyện này làm gì, vì thấy mình có nhiều tiền, người ta không hiểu, lại ganh ghét cho. Tôi bảo: Số tiền này là do thày lao động chân chính mà có, chứ đâu phải do tham nhũng, hối lộ, hay buôn lậu trốn thuế; cho nên, đáng tự hào vì có nó!

Một nhà văn đã có tài sản “triệu phú đô la”, nhưng, sinh hoạt của Dương Thu Ái vẫn hết sức giản dị và tiết kiệm. Có việc đi đâu, ông thường ngồi xe buýt hoặc xe ôm. Ăn uống thì không bao giờ tới nhà hàng, bởi “vợ nấu món nào cũng thấy ngon, miễn là nó mềm, đừng cứng và dai”. 

Bạn bè đến chơi đều thấy lạ, vì gia đình ông hầu như chưa có phòng khách tương xứng. Đặc biệt hơn, là cái “phòng văn”, nơi ông ngồi viết hàng ngày, trên tầng 3, chỉ rộng có 8m2, cũng là cái “kho chứa đồ cũ” của gia đình, chất đầy những xoong nồi, bát đĩa, quần áo, lẫn với sách vở, bản thảo… Nhưng nơi đây, 245 cuốn sách của ông đã ra đời và một chồng bản thảo nữa, với hàng chục tác phẩm đã hoàn thành, đang chờ được xuất bản.

Tiền bạc, đất, nhà… đều thừa cả/ Chỉ tiếc thời gian còn ngắn thôi/ Bút nhặt, giấy xin… say hối hả/ Viết những trang vui hiến dâng đời! - Đó là mấy câu thơ của Nhà văn Dương Thu Ái nhờ tôi chép gửi tới bạn đọc. Sáng thứ Bảy, 7/1/2012, nhân kỷ niệm 77 năm ngày sinh của ông, Lục bát Hội quán (6/40 Võ Thị Sáu, Hà Nội) sẽ tổ chức buổi gặp mặt giao lưu để tôn vinh lão nhà văn nhặt bút mà lập nhiều kỷ lục “nhất Việt Nam”.

Theo Đặng Vương Hưng - TT&VH


















Các bài mới
Các bài đã đăng