Xin thưa: sự đời bao giờ cũng có hai mặt. Ngay cả với những tác giả đã “lặng lẽ” làm nên tác phẩm xuất sắc cũng cần sự “ồn ào” kèm theo. Không có những lời khen (và cả tiếng chê) nối nhau xuất hiện trên báo chí, thì giữa thời buổi thiên hạ đang khoái các món ngắn gọn và “mì ăn liền”, làm gì có chuyện các bộ sách dày cộp, cầm đọc mỏi tay, giá lại đắt như “Chiều chiều” của Tô Hoài, “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà, “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh... lại được độc giả tìm đọc; sách vừa xuất bản đã phải tái bản. Một sự “ồn ào”, ba phía được lợi: đông đảo bạn đọc lại được hưởng cái thú mỉm cười một mình trước những trang sách hay; Nhà xuất bản và “đầu nậu” lời to; còn tác giả có thêm nhuận bút. Hình như đã có người nhận xét là Huế không giỏi cách thức làm “ồn ào” ấy; nói theo ngôn ngữ thương mại là tiếp thị kém, mình có nhiều cái hay cái quý mà không biết cách quảng bá với thiên hạ. Chẳng biết ý kiến đó là đúng hay sai. Tôi chỉ bàn riêng về lĩnh vực văn nghệ, về một loại hình “nghệ thuật không lời” đang cần được “tiếp âm”. Chợt nhớ hồi đầu tháng 3, trong buổi làm việc với nhà thơ Nguyễn Duy - đại diện Ban biên tập báo Văn nghệ, tại trụ sở tòa soạn Tạp chí Sông Hương, ông Nguyễn Xuân Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên-Huế đã nhắc đến sự kiện sẽ có Trại Điêu khắc quốc tế lần thứ hai tổ chức vào năm 2002. Chuyện đang ở “thì tương lai” mà đã được quảng bá từ hôm nay. Làm ăn có tính toán, có kế hoạch, biết nhìn xa thế là phải. (Xin được mở ngoặc nói thêm: Có một tờ báo nêu nhận xét rằng, nhiều cơ quan chỉ lo chạy “dự án” để có tiền “phần trăm” để hưởng các “tiêu cực phí”, chứ việc triển khai các dự án thế nào, hậu quả nó ra sao thì bất cần! Các sự kiện “Từ điển...” ồn ào mấy tháng nay và hai công trình kè bờ sông tốn hàng chục tỷ đồng vừa mới bị tạm đình chỉ, liệu có lây nhiễm cái bệnh ấy không? Nếu không, xin coi mấy dòng trên như là... một cách phòng bệnh vậy) Liên quan đến chuyện “trong ngoặc” là “hậu dự án” Trại Điêu khắc quốc tế lần thứ nhất. Xin nói ngay để khỏi hiểu lầm: Những người lo cho Trại lần I đã làm hết sức để Huế có thêm những công trình nghệ thuật mới và tôi là người có bài viết sớm nhất, đăng trên tờ báo có lượng phát hành vào loại lớn nhất nước (tờ “Kiến thức ngày nay”) giới thiệu thành công của Trại. Chuyện “hậu dự án” Trại Điêu khắc quốc tế lần I là quang cảnh vườn tượng hôm nay. Ngay từ khi Trại mới kết thúc đã có sự “đùn đẩy” trách nhiệm hoàn chỉnh khuôn viên và quản lý vườn tượng. Lại có ý kiến rằng vị trí mỗi bức tượng và của cả vườn tượng nữa chưa có quyết định dứt khoát. Có phải vì vậy mà đến nay, vườn tượng vẫn như là không chủ?... Xin nói sang một khía cạnh khác. Vườn tượng tồn tại đã hơn 2 năm, nhưng nhiều du khách đến Huế vẫn chưa biết, vì nếu tôi không nhầm, nó chưa được giới thiệu trong các sách hướng dẫn du lịch thông dụng, chưa trở thành một địa chỉ văn hóa. Lại nữa, bên cạnh những tấm biển đồng ghi tên tác giả dưới mỗi bức tượng, tiếc gì không dựng một bảng đồng cho thật “ấn tượng”giới thiệu vắn tắt, đại thể “Vườn tượng này được hình thành từ Trại Điêu khắc quốc tế tổ chức từ 1/11 đến 15/12/1998 với sự tài trợ của...., có 29 tác giả tham dự - trong đó 16 người đến từ các nước...”, tạo nên “cột mốc” hình thành một địa chỉ văn hóa mới và thu hút người xem. Không chỉ ở vườn tượng quốc tế, bức tượng cụ Phan Bội Châu cũng rất cần bảng giới thiệu vắn tắt quá trình hình thành, tác giả, kích thước, trọng lượng... của pho tượng. Nhiều lần dẫn những người bạn đến đây, họ đều hỏi về những điều đó, nhưng làm sao tôi nhớ hết được. Nhân nhắc đến bức tượng cụ Phan, xin được nêu lại vấn đề mà các cơ quan hữu quan ở Huế đã bàn bạc nhiều lần vẫn chưa quyết định được. Đó là việc nên đặt bức tượng này ở đâu cho thích hợp? Gần đây, nhân ngày giỗ lần thứ 60 của cụ Phan, trên báo “Lao động”, ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong bài “Pho tượng chưa được đặt đúng chỗ” cũng đã viết: “...Dự kiến tượng sẽ được đặt trên khoảng không gian rộng đầu cầu Phú Xuân. Đáng tiếc là ý tưởng tốt đẹo ấy không thành hiện thực...Hình như có chủ trương chưa thành văn bản là vì Huế chưa có tượng đài Bác Hồ nên chưa thể đặt tượng người khác...”! Cần phải nói thẳng: còn có những ý kiến ấu trĩ như vậy thì văn hóa không thể phát triển. Xin được nhắc rằng, cụ Phan là bạn đồng niên với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, thân phụ nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc; và từ 3/4 thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã viết những dòng biểu lộ lòng kính mộ của mình đối với một chí sĩ thuộc thế hệ cha anh: “Phan Bội Châu, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng...” Xét về khía cạnh chính trị thì việc đưa tượng cụ Phan ra một vị trí rộng rãi thoáng đãng hơn là cách thực hiện tích cực Nghị quyết 5 của Đảng. Xin đừng cho là tôi cố “nói lấy được”. Đưa bức tượng ra chỗ đông người qua lại, nhiều người biết đến, chính là việc phổ biến rộng rãi các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa của công chúng đông đảo, đồng thời góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng. Huế giải phóng đã hơn một phần tư thế kỷ, đã bước sang thiên niên kỷ mới, không lẽ một “vấn đề cũ” như thế cứ bị treo lại mãi? “Nghệ thuật không lời” cần được “tiếp âm” còn là số phận những galery và những bức tranh có giá trị của Huế. Sau galery Bội Trân ở Sài Gòn Morin, Lê Quý Long ở đường Lý Thường Kiệt..., họa sĩ Dương Đình Sang vừa mở galery khá sang trọng ở cùng địa chỉ Sông Hương (số 5 Phạm Hồng Thái). Cũng như vườn tượng quốc tế, hình như chưa có cuốn sách hướng dẫn du lịch thông dụng nào ghi địa chỉ các galery. Các họa sĩ Lê Quý Long, Đường Đình Sang cho biết: Khách ghé lại, chẳng qua đi dạo phố, tình cờ thấy, vào xem, nên số lượng bán được rất ít. Tôi hỏi: “Sao các anh không in những tờ quảng cáo rồi xin được “đính” vào một chỗ nào đó ở phòng tiếp tân các khách sạn lớn như Hương Giang, Ceintury, Lê Lợi...?” Trả lời: “Không thật quen biết, dễ gì họ cho!...” Một sự thật ai cũng công nhận: kể từ sau 1975, nghệ thuật tạo hình - môn “nghệ thuật không lời” đã phát triển nhanh chóng, các nghệ sĩ đã sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy vậy, do nhiều điều kiện khách quan, việc tiêu thụ sản phẩm tác phẩm khó khăn hơn ở Hà Nội hay T.P. Hồ Chí Minh, nên khả năng để tái sản xuất, nâng cao tay nghề bị hạn chế. Cùng với việc mở rộng phương thức quảng bá cho các công trình nghệ thuật, các galery, với mối quan hệ gắn bó Hà Nội-Huế-Sài Gòn, thiết nghĩ tổ chức Hội chuyên ngành ở Huế nên chủ động ký kết hợp tác với các Hội ở Hà Nội và T.P. Hồ Chí Minh việc tổ chức triễn lãm định kỳ mỗi năm vài lần cho từng nhóm tác giả, thay vì để các tác giả tự xoay chạy một cách vất vả như lâu nay. Việc “tiếp âm” cho bộ môn “nghệ thuật không lời” còn một khía cạnh khác, 5 năm trước, tôi đã một lần nêu lên mặt báo, nay nhân kỷ niệm 26 năm giải phóng Huế và năm mở đầu thiên niên kỷ mới vào lúc Thành Phố và Tỉnh đang triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, xin được nhắc lại: Huế cần sớm có một Nhà Bảo tàng Mỹ thuật! Tôi chợt nghĩ: Giá như việc này được quyết định sớm từ mươi, mười lăm năm trước thì bây giờ chúng ta đã có thêm một địa chỉ văn hóa mới làm sang trọng thêm cho Huế với những tác phẩm tiêu biểu của những Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Tôn Thất Văn, Trịnh Công Sơn, Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng... và rất nhiều tên tuổi khác. Nghĩ đến những tác phẩm ấy nay không biết đang “phiêu dạt” nơi đâu, thật là tiếc! Cuộc đời những tác phẩm có giá trị dài hơn cuộc đời người nghệ sĩ và nghệ sĩ sẽ sống mãi với những tác phẩm đó, nếu như có Nhà Bảo tàng! Hẳn sẽ có người hỏi: Tiền ở đâu ư? - Xin cứ “kiểm kê” các tòa nhà vừa xây dựng rất “đàng hoàng” ở Huế trong mấy năm qua, sẽ thấy còn rất nhiều phòng rộng để trống hoặc rất ít sử dụng. Vấn đề là cách nhìn của người có quyền phân phối sử dụng đồng tiền mà thôi! Nói thật vắn tắt, thiên hạ biết đến Huế chỉ vì Huế đẹp! Một ngành nghệ thuật chỉ làm đẹp thêm cho Huế thì tiếc gì... Trường An, 20/3/2001
NguyỄn KhẮc Phê (nguồn: TCSH số 146 - 04 - 2001) |