Tạp chí Sông Hương -
Suy nghĩ về việc giới thiệu các truyện Nôm cổ
11:21 | 30/05/2008
(Nhân đọc: "Truyện Mã Phụng - Xuân Hương") * Truyện "Mã Phụng - Xuân Hương" trước đây còn được quen gọi dưới nhiều tên khác nhau, lúc là Vè Bà Phó, Vè Mã Phụng - Mã Long, khi là Thơ Mụ Đội, khi lại là Truyện Mã Ô - Mã Phụng v.v... là một tác phẩm văn học dân gian vốn được nhân dân Bình - Trị - Thiên rất yêu thích, phạm vi phổ biến trước Cách mạng Tháng Tám 1945 khá rộng.

Năm 1984 - như vậy là cách đây đã 16 năm rồi (và từ đó cho tới nay chưa có một công trình nghiên cứu giới thiệu khác về tác phẩm đó ra mắt bạn đọc), Nhà xuất bản Thuận Hóa thực hiện chương trình sưu tầm vốn cổ của dân tộc đã phát hành rộng rãi tác phẩm đó, một việc làm đáp ứng yêu cầu bạn đọc không chỉ của Bình - Trị - Thiên quê hương tác phẩm, mà còn của cả đông đảo bạn đọc trong cả nước.
Bài viết này không có mục đích đánh giá toàn diện công trình sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu của hai ông Nguyễn Thạch Giang - Trần Việt Ngữ, như về nghệ thuật tác phẩm, tình hình văn bản và vấn đề xử lý văn bản, mà chỉ nhân đọc Truyện Mã Phụng - Xuân Hương phát biểu một số suy nghĩ về việc giới thiệu các truyện Nôm dân gian nói chung.
Truyện Mã Phụng - Xuân Hương kể lại câu chuyện ba đời họ Mã, cha là Mã Ô, hai con là Mã Long và Mã Phụng, cháu là Mã Điểu, đã hết lòng với vua, đánh đông dẹp bắc để bên trong dẹp yên giặc giã, bên ngoài đánh lùi ngoại xâm. Đến khi nhà vua mất, bọn gian thần lợi dụng hoàng tử còn nhỏ để cướp ngôi. Phái trung thần trong triều, trong số đó gia tộc họ Mã chiếm số đông, đã giải thoát cho hoàng hậu và hoàng tử đưa vào rừng lánh nạn. Sau khi dẹp yên bọn phản thần, hoàng tử về kinh được tôn lên ngôi vua đã trọng thưởng cho gia tộc họ Mã.
Tất nhiên theo lối kết thúc có hậu của truyện cổ, vua mới xuống chiếu tha sưu thuế ba năm liền cho dân, chẩn cấp cho những người tàn tật, nghèo khổ, cô nhi, quả phụ..., nhân dân được an cư lạc nghiệp, chúc tụng nhà vua "Vạn thọ vô cương"!
Qua công trình, bạn đọc nhận thấy hai ông Nguyễn Thạch Giang - Trần Việt Ngữ đã có nhiều tìm tòi suy nghĩ đi sâu vào nội dung câu chuyện để làm rõ những điều hay, vẻ đẹp của người xưa, về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, về tình chung thủy giữa vợ chồng, về tình yêu chân chính của trai gái, về nghĩa tớ thầy, nhiều đạo đức truyền tống của dân tộc đến nay vẫn còn giá trị và cần được phát huy mặt tích cực trong những điều kiện lịch sử mới.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn là cần đánh giá thế nào cho đúng mức, tuyệt đối không được "hiện đại hóa" tư tưởng và hành động của người xưa. Chúng tôi nghĩ rằng khẳng định Truyện Mã Phụng - Xuân Hương là "một bài trường ca về lòng yêu nước và tự hào dân tộc, một bản dân ca biểu dương tình yêu, bình đẳng, tự do, chung thủy, một cái nhìn mới về người phụ nữ trung hậu, đảm đang" như trong Lời nhà xuất bản (trang 5) là không thực tế, là phi lịch sử. Cũng như trong Lời tựa của sách cho rằng Truyện Mã Phụng- Xuân Hương "mang tính lạc quan tươi mát lạ lùng" (trang 7), hay trong phần Giới thiệu tác phẩm đi tới kết luận rằng ngày nay đọc lại tập truyện "vẫn gây cho chúng ta âm hưởng trong trẻo lạ lùng về những giá trị văn hóa một thời và nhất là về truyền thống vì đại nghĩa mà hy sinh phấn đấu của dân tộc! Gia đình họ Mã ba đời cùng chung "một chiến hào" đánh giặc cứu nước là một trong những biểu hiện cụ thể chói lọi của truyền thống đó" (trang 39) thì rõ ràng không đi sâu vào bản chất của sự kiện, đã tách rời các nhân vật với thời đại họ sống, không nắm được động cơ và tích chất của các việc họ làm, vì vậy không nêu được các mặt hạn chế của các nhân vật trong truyện, cũng như không đánh giá đúng tư tưởng và hành động của họ.
Riêng trong trường hợp Truyện Mã Phụng - Xuân Hương, nếu chú ý đến một số sự kiện, chi tiết được phản ánh qua tác phẩm thì sẽ có thể đánh giá được đúng đắn hơn. Cần xác định bối cảnh lịch sử được phản ánh qua tác phẩm là Việt Nam vào những năm nửa sau thế kỷ XlX. Lúc này triều đại phong kiến cầm quyền là nhà Nguyễn đang bị đặt trước hai nguy cơ lớn: một là phong trào nông dân khởi nghĩa đang phát triển mạnh mẽ và lan tràn rộng khắp, và sau đó là chủ nghĩa đế quốc phương Tây đang ráo riết đẩy mạnh âm mưu xâm lược. Cho nên một tai họa lớn trong nhân dân lúc bấy giờ là bị bắt đi lính liên miên suốt năm này qua năm khác. Nhân vật Mã Ô xuất thân nghèo khổ, tứ cố vô thân, vừa đúng 18 tuổi đã bị "bắt rày bổ dân", để rồi bị sai phái đi tham gia đàn áp "giặc ở Giang Đông", tức là các cuộc nổi dậy của nông dân để chết thay cho bè lũ vua quan phong kiến và cường hào sâu mọt ở nông thôn, sao có thể gọi là "tình nguyện đi lính cho làng"! Đến khi có giặc Tây Phiên kéo tới thì chuyển sang chống ngoại xâm, và lúc này Mã Phụng (con của đô đốc Mã Ô) lĩnh chức Đổng nhung cầm quân đi đánh giặc xâm lăng theo lệnh của triều đình, hành động đó có ý nghĩa tích cực. Tiếc rằng Mã Phụng đã bị thua, bị tướng giặc bắt, may được vợ là Xuân Hương "hóa phép" giải thoát! Tuy rằng quân Tây Phiên sau đó đã bị thất bại, thì đó cũng chỉ là một sự phản ánh lệch lạc thực tế lịch sử theo ước vọng, mong muốn của tác giả và những người cùng thời, chứ thực ra như chúng ta đều biết rằng cuối thế kỷ XlX, dưới triều Nguyễn, nước ta đã bị mất vào tay tư bản phương Tây.
Để kết thúc bài viết này, như đề bài ở trên đã xác định, chúng tôi chỉ muốn nhân đọc lời giới thiệu sách Truyện Mã Phụng - Xuân Hương nhấn mạnh rằng khi nghiên cứu các di văn, đặc biệt là các truyện Nôm cổ, cần phải nắm vững bối cảnh ra đời của tác phẩm, cùng các đặc điểm gắn liền với bối cảnh lịch sử đó, mới có thể đi tới những nhận định, đánh giá sát hợp, nếu không thì chỉ đi tới những nhận định, đánh giá thiếu chính xác, nếu không muốn nói là sai trái về các sự kiện cũng như về các hành động của các nhân vật trong truyện. Thiết tưởng đó là một nguyên tắc có tính phương pháp luận không thể không bảo đảm trong nghiên cứu vốn cổ văn hóa dân tộc.

PHẠM ĐÌNH LÃM
(nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001)

--------------------------------------------
(*) Nguyễn Thạch Giang - Trần Việt Ngữ phiên âm, khảo thích, chú giải và giới thiệu.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thư Sông Hương (18/03/2008)