Tạp chí Sông Hương -
Nhân bàn về bài thu vịnh - Thử tìm hiểu cái gốc của sự buồn tẻ trong việc dạy văn hôm nay
16:57 | 02/06/2008
Gần đây đọc các bài của Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Hùng Vĩ bàn về ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến trên Văn nghệ (1), tôi thấy câu "Nước biếc trông như tầng khói phủ" trong bài Thu vịnh là câu thơ sáng rõ, không có gì khó hiểu mà lại được bàn nhiều. Mỗi người hiểu mỗi cách mà đều hiểu không đúng, chỉ vì không để ý rằng câu thơ này được viết theo lối "đảo trang".

Câu thơ đảo trang là gì?
Câu thơ đảo trang là câu thơ mà do âm vận, người viết phải đảo trật tự các chữ trong câu. Người đọc không chú ý sẽ khó nắm được nghĩa. Đỗ Phủ từng chủ trương nếu không viết được những câu thơ "kinh người" thì... chết cũng không yên (ngữ bất kinh nhân tử bất hưu). Một trong những câu thơ đó là câu: Hương đạo trác dư anh vũ lạp/ Bích ngô thê lão phượng hoàng chi. Cứ theo trình tự từng chữ, khó mà hiểu ông viết gì: Lúa thơm (hương đạo) mổ (trác) thừa (dư) anh vũ (anh vũ) hạt (lạp)/ Cây ngô biếc (bích ngô) đậu (thê) già (lão) phượng hoàng (phượng hoàng) cành (chi) Nhưng nếu "đảo trang" lại (Anh vũ trác dư hương đạo lạp, Phượng hoàng thê lão bích ngô chi), câu thơ có nghĩa là: Chim anh vũ mổ những hạt gạo thơm còn sót lại/ Chim phượng hoàng đậu trên cành ngô già.
- Thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng có những câu đảo trang. Thí dụ, bài Điếu La Thành ca giả có câu: Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng/ Phong nguyệt không lưu tử hậu danh, bản dịch cũ (Nxb. VH, H, 1959) đã dịch là: "Phấn son đã không rửa sạch những nghiệp chướng lúc sống/ Trăng gió chỉ để tiếng lại sau khi chết".
Mới xem qua tưởng chừng như không có vấn đề gì nhưng ngẫm nghĩ thì thấy có cái gì vướng, không lô-gích, khó hiểu: Phấn son sao lại rửa sạch được nghiệp chướng lúc sống? Nghiệp chướng lúc sống là nghiệp chướng gì? Và trăng gió sao lại có thể để tiếng lại sau khi chết? Thì ra nhà thơ muốn nói như thế này: Lúc sống nàng không rửa sạch được cái nghiệp chướng phấn son. Nghiệp chướng phấn son, tức là làm ca kỹ. Câu sau cũng thế. Hai câu này đều viết theo lối đảo trang, nên phải đảo lại trật tự câu thơ (Sinh tiền bất tẩy yên chi chướng, Tử hậu không lưu phong nguyệt danh) mới hiểu được. Cho nên phải dịch là: "Nghiệp chướng phấn son lúc sống đã không rửa sạch được, sau khi chết vẫn để lại cái tiếng trăng gió" (Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. VH, H. 1965).
- Trong thơ Nôm (Truyện Kiều), đôi khi Nguyễn Du cũng viết đảo trang. Thí dụ "Đoạn trường sổ rút tên ra/ Đoạn trường thơ phải đưa mà giả nhau" thì phải hiểu là Rút tên ra khỏi sổ đoạn trường/ Giả lại nhau thơ đoạn trường. Vì sau khi Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường, được ngư phủ vớt lên, còn đang "mơ màng phách quế hồn mai" thì Đạm Tiên hiện về nói rằng: nàng tuy "phận mỏng" nhưng "phúc dày", "còn nhiều hưởng thụ về sau"... nên trời đã rút tên (nàng) ra (khỏi) sổ đoạn trường rồi! Đạm Tiên phải (hiện về để) đưa mà trả nhau (= Kiều) (bài) thơ đoạn trường mà Kiều tặng Đạm Tiên khi xưa.
- Câu thơ thứ 6, đảo trang "rất nhẹ" mà nhiều người cũng lầm. Đó là câu Trời xanh quen với má hồng đánh ghen". Chữ "với" bị chữa thành "thói". Người ta tưởng chữa thế là đúng vì chữ "thói" gây liên tưởng tới chuyện không tốt (thói hư tật xấu, chẳng hạn). Các bản Kiều Quốc ngữ hiện nay đều chữa là: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Không phải. Đây là câu thơ đảo trang. Nguyễn Du nói tới cái thuyết "tài mệnh tương đố", "chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau", chứ ông không ác cảm gì với "trời xanh". Vậy Trời xanh quen với má hồng đánh ghen = Trời xanh quen đánh ghen với má hồng. Nếu chữa thành "thói", thì câu thơ vẫn cứ là câu đảo trang. Nhưng "đảo" thế nào thì vẫn què về nghĩa, vẫn mất đi liên từ "với" chỉ đối tượng trực tiếp mà "trời xanh" ghen.
BÀI THU VỊNH
1. Về tên bài thơ: Nguyễn Khuyến có ba bài thơ thu nổi tiếng: Thu vịnh (Vịnh mùa thu). Thu ẩm (Uống rượu mùa thu), Thu điếu (Câu cá mùa thu). Nghĩa rõ như vậy, nhưng từ năm 1991 đến 1999, sách giáo khoa Văn 11 lại chú thích thế này:
- "Thu vịnh: thông thường vẫn hiểu là vịnh mùa thu, nhưng về chữ Hán còn cho phép hiểu: mùa thu, làm thơ (vịnh). Cách hiểu này sẽ ăn khớp với cách hiểu hai tiêu đề sau: Thu điếu: mùa thu, câu cá. Thu ẩm: Mùa thu, uống rượu".
Chú như thế là lủng củng. Dù có giảng nghĩa từng chữ Hán: thu/ vịnh/ điếu/ ẩm, thì cũng là để học sinh hiểu nghĩa tên các bài thơ chứ không thể để học sinh hiểu tên mỗi bài thơ có hai nghĩa như thế được.
Đến năm 2000, Văn học 11 – sách chỉnh lý hợp nhất – lại chú thích là:
- "Thu vịnh: Thường được dịch là "Thơ vịnh mùa thu", nhưng trong một chùm ba bài của tác giả là Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm thì nghĩa của nó phải là "Mùa thu làm thơ", "Mùa thu câu cá" và "Mùa thu uống rượu" mới đúng".
Chú lại thế, vẫn có chỗ sai: a) Thu vịnh Vịnh mùa thu chứ không phải "Thơ vịnh mùa thu". b) Dịch "Thu vịnh là "mùa thu làm thơ" là sai, vì chữ "vịnh" không phải là "làm thơ" tuy thơ cũng là một trong những thể văn vần để ngâm vịnh. Nghĩa chính của "vịnh" là ca xướng (ca vịnh), ngâm ngợi (ngâm vịnh), ca tụng. Vậy tôi nghĩ rằng, trong quan hệ chính phụ của "Thu vịnh", "Thu điếu", "Thu ẩm" thì ba động từ vịnh, điếu, ẩm là chính. Vậy chỉ nên dịch là Vịnh mùa thu, Câu cá mùa thu, Uống rượu mùa thu là được, chứ không phải chú thích lằng nhằng như thế.
2.1 Bài Thu vịnh không có câu nào khó hiểu cả. Ta đọc lại mà xem:
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao/ Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu/ Nước biếc trông như tầng khói phủ/ Song thưa để mặc bóng trăng vào/ Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào/ Nhân hứng cũng vừa toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
"Nước biếc trông như tầng khói phủ" là câu thơ dễ hiểu. Ta hãy trở lại câu thơ đảo trang: Nước biếc trông như tầng khói phủ = Trông như tầng khói phủ (trên mặt) nước biếc. Nguyễn Khuyến viết "trông như tầng khói phủ". Vậy cái trông như tầng khói ấy là gì Là sương chứ không thể là khói được. Khói hun chuột cũng không thể sà xuống để phủ lên khắp mặt nước! Sương mà trông như khói thế này còn thấy "mịt mù" ở Hồ Tây (Hà Nội): "Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ", còn thấy ở thôn Vĩ Dạ (Huế): "... Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà". Đó là những ví dụ chợt đến.
Nếu cứ giảng ra văn xuôi cho "tan" nghĩa từng câu, thì cả ba bài thơ thu này, bài nào cũng có những câu "đảo trang nhè nhẹ": Lưng giậu phất phơ làn khói nhạt = Làn khói nhạt phất phơ bên lưng giậu; Sóng nước theo làn hơi gợn tí = (Mặt ao) hơi gợn tí sóng nước theo làn (gió thu nhè nhẹ). Nếu chúng ta không giảng điều này thì học sinh sẽ khó nhận nghĩa và bị hạn chế trong việc nhận thức đặc điểm của câu thơ cổ.
Vậy cứ "căng" với nhau mãi rằng: nước biếc xanh quá nhìn vào trông giống như khói phủ trên mặt nước, tức là chưa có khói; rằng: khi khói hiện thực đã phủ kín mặt nước hiện thực kia thì làm sao Nguyễn Khuyến lại nhìn ra rõ 100% là nước biếc đây? hay: khói trên nước biếc trong câu thơ trên là hợp lý.
Tôi xin thưa thêm về chữ "biếc". Chữ "biếc" ở đây là chỉ chữ đưa đẩy chứ vị tất nhà thơ phải trông thấy màu nước nó "biếc" mới viết được. Cho nên cũng đừng chi li rằng: Nếu khói đã phủ rồi thì làm sao nhà thơ nhìn rõ "nước biếc" đến như thế để tả thực được?. Câu dưới Song thưa để mặc bóng trăng vào cũng thế. Chữ "thưa" cũng là chữ đưa đẩy mà thôi. Dù song thưa hay song dày... phòng trộm chăng nữa, ánh trăng vẫn cứ lọt vào. Chữ quan trọng (nhãn tự) trong hai câu thơ này là chữ "nước" và "song". Chữ "thưa" sinh ra chẳng qua là để đối với chữ "biếc". Thơ cổ là thế.
2.2. Câu thơ hiện thực đến thế, sao cứ phải truy tìm xem nó đã ảnh hưởng câu thơ Đường nào? Các nhà chú giải Truyện Kiều đầu thế kỷ cũng mắc chuyện này. Họ cố tìm cho được sách nào đã có hai chữ "bách niên" để chú hai chữ "trăm năm" trong câu Trăm năm trong cõi người ta. Thế có khổ nhau không? Chẳng lẽ câu chữ nào trong Truyện Kiều cũng phải tìm chữ như thế? Nhưng ta nên biết cho rằng ngày xưa các cụ từng có quan niệm "vô tự bất hữu xuất xứ" tức là chữ nào cũng phải có xuất xứ từ sách Thánh hiền mới chứng tỏ nhà thơ đọc nhiều sách, văn thơ mới sang. Thành thử, nhiều cụ đỗ đạt rất cao, quan chức cũng khá, để lại hàng trăm bài thơ, bài nào cũng rất đúng niêm luật, "văn kêu boong boong" mà con cháu cũng chỉ... để thờ, chứ có ai nhớ được câu nào đâu! Tiến sĩ trong Văn Miếu thì nhiều mà nhà thơ thì rất hiếm là vì thế.
2.3. Có lẽ khi viết câu Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Nguyễn Khuyến đã chịu ảnh hưởng sự sáng tạo của Nguyễn Du trong câu "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông". Nói Nguyễn Du sáng tạo, là bởi khi tả Kim Trọng trở lại vườn Thuý, nếu quả là Nguyễn Du nhớ tới câu thơ Thôi  Hộ, thì nghĩa chữ Hán, câu thơ "Đào hoa y cựu tiếu đông phong" là Hoa đào vẫn cười trước gió đông như cũ, không có chữ nào cho nghĩa "hoa đào năm ngoái" cả. Năm ngoái chỉ là thời gian phiếm định, thời gian tâm lý, chỉ quá khứ nói chung. Vịnh mùa thu mà nói đến mấy chùm "hoa năm ngoái" thì cũng là một cách nhìn của nhà thơ, gợi nên tâm trạng nhớ nhung đó thôi. Tôi không rõ nếu bám vào mặt chữ, thì ta sẽ bình giảng câu thơ miêu tả "bóng tối" của những số phận phụ nữ sau chiến tranh qua đằng đẵng đợi chờ "Cả nước theo em ra ngõ một mình/ Cau vườn rụng một tàu đã cũ" như thế nào, nhưng hai từ "đã cũ" đã cho tôi tận hưởng chút thời gian – quá khứ. Chữ "năm ngoái" cũng vậy thôi. Thời gian tính của câu thơ đã cho hàm nghĩa về sự ngậm ngùi, hồi cố của thi nhân, cho ta chút dư vị ngọt ngào của một quá vãng không thể nào quên... Ta yêu thơ, yêu nhà thơ là do vậy. Vì thế, theo tôi thì không nên hiểu "hoa năm ngoái" là hoa đã nở từ năm trước. Nó là hoa tâm trạng.
2.4. Giảng hai câu Nhân hứng cũng vừa toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào, các sách giáo khoa và luyện thi đại học cứ không quên cho rằng Nguyễn Khuyến nhắc tới Đào Tiềm (365-427) là người có nhân cách cứng cỏi, không thèm làm quan, về ở ẩn từ năm 41 tuổi... chứng tỏ ông tự thấy chưa sánh kịp nhân cách Đào Tiềm vì tuy cũng cáo quan, nhưng thấy thực dân dày xéo đất nước mà ông không làm gì cứu vớt được v.v... Tôi thấy không nên đẩy quá xa ý nghĩa đơn giản của câu thơ để bắt học sinh phải hiểu cẩn thận, kín cạnh "như người lớn" thế. Đừng lão hóa các em! Bởi vì chuyện Nguyễn Khuyến có tâm sự u hoài, yêu nước thương dân, không cộng tác với giặc, đả kích sâu sắc một số nhân vật đương thời... là chuyện có thật. Nhưng những phẩm chất cao quý đó thể hiện ở toàn bộ hành trạng của ông, thơ văn của ông chứ không phải ở bài thơ này. Và dù thế nào thì ông vẫn cứ là ông Trạng nguyên, ông Tổng đốc Sơn– Hưng – Tuyên. Ông vẫn yêu quý triều Nguyễn, đến nỗi trước khi chết còn cẩn thận Di chúc cho con rằng: "Còn cờ biển vua ban ngày trước/ Lúc đưa thầy con rước đầu tiên/  Lại thuê một lũ thợ kèn/ Vừa đi vừa thổi mỗi bên dăm thằng "... Thế thì việc gì Nguyễn Khuyến phải so sánh nhân cách của ông với nhân cách một người sống cách ông. ..1.600 năm? Có chăng ông so sánh tài thơ của ông với Đào Tiềm.
Vậy ta chỉ nên giới thiệu tiểu sử Đào Tiềm cho học sinh, mở rộng bài giảng bằng việc giới thiệu trích đoạn bài Quy khứ lai từ. Còn việc giảng câu này thì chỉ giảng: Nguyễn Khuyến khiêm tốn nói rằng thơ ông không thể sánh với thơ của Đào Tiềm. Thế thôi. Đừng sợ như thế là không “trang bị tư tưởng” cho học sinh...
THỬ XEM VÌ SAO MÔN VĂN CÓ THỰC TRẠNG NHƯ HÔM NAY.
Chỉ một bài Thu vịnh mà hàng chục năm qua, ngay từ chú thích đã có chuyện đáng bàn như thế, việc hiểu câu thơ cũng mơ hồ như thế, thì quả là sách giáo khoa có vấn đề. Ước sao sách giáo khoa của chúng ta đúng hơn, hay hơn. Nhưng trước hết, cần phải đúng về mặt kiến thức, về mặt khoa học vì đây là sách công cụ, sẽ để lại vết hằn sâu trong nhận thức của học sinh. Sách giáo khoa vẫn cần sự tu chỉnh bởi công sức của nhiều người để các thầy cô đang đứng lớp có thể yên tâm giảng dạy.
Từ sách giáo khoa như thế, tất sinh ra những hạt sạn trong bộ đề thi tuyển sinh môn văn vào các trường Cao đẳng và Đại học. Chúng tôi hoan nghênh việc Bộ quyết định xóa bỏ bộ đề thi vài năm qua. Nhưng thực ra, xoá mà không phải xóa, vì vẫn những bài "văn mẫu", đáp án vẫn lẩn quất đâu đó còn tác dụng với thí sinh.
Hàng chục năm nay học sinh thi vào Đại học phải học thuộc các bài "văn mẫu" trong bộ đề. Như thế, khó mà khẳng định rằng ai đã bước chân vào ngưỡng cửa trường Đại học ngành văn cũng là người yêu môn văn, có khả năng viết văn, thích đọc sách. Đến nỗi có người ra trường rồi, viết câu văn còn què cụt. Sự tồn tại của bộ đề đã làm các thí sinh không cần "tập làm văn", không lý thú học văn. Đến mùa thi, họ ngoan phân công nhau tản ra các lò luyện. Người học văn, người học sử, người học địa. Rồi về chuyển vở ghi cho nhau photo. Tiết kiệm được. Rồi họ sản xuất "phao". Cứ chép đúng bài mẫu bộ đề, thầy nào dám đánh trượt? Vậy nên, để đón "đầu ra", học sinh cứ yên tâm học theo bộ đề là có hy vọng vào đại học.
Môn văn tẻ nhạt là do vậy chăng?
6.3.2001

ĐÀO THÁI TÔN
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)

--------------------------------------------
(1) Các số 47, 51 và 8 - Ngày 18/11/2000, 16/12/2000 và 24/2/2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
(30/05/2008)
(30/05/2008)