Tạp chí Sông Hương -
Thành phố di sản và vấn đề đặt ra với kiến trúc Huế
09:34 | 28/05/2009
Huế được Chính phủ xác định là một trong 5 thành phố cấp quốc gia, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Trung, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ du lịch. Quá trình phát triển đô thị, Huế đồng thời cũng đứng trước những thử thách mới, còn nhiều bất cập nhưng Huế vẫn giữ được nét kiến trúc riêng. Hình ảnh một thành phố mà kiến trúc và thiên nhiên hoà quyện, phải chăng đó là bản sắc Huế, khó trộn lẫn với bất kỳ một đô thị nào khác trong cả nước.

ĐỊNH HƯỚNG HUẾ CHO NĂM 2020

Đặc thù của Huế là tổng thể các di tích tồn tại trong lòng đô thị mới. Cố đô  chung sống với thành phố đang phát triển. Để xứng đáng với vị trí của thành phố cấp quốc gia có di sản quý giá của nhân loại, định hướng phát triển đô thị Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 đã xác định: bảo tồn nâng cao giá trị của quần thể di tích Huế trong môi trường thiên nhiên bền vững, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển, bảo tồn và kết hợp hài hoà của một Cố đô lịch sử, giữ cho được một thành phố vừa cổ kính vừa hiện đại; kết hợp chặt chẽ việc cải tạo đô thị và trùng tu khôi phục các di sản kiến trúc, văn hoá lịch sử của dân tộc, bảo vệ và cải thiện cảnh quan thiên nhiên, tạo được bản sắc kiến trúc độc đáo.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO KIẾN TRÚC HUẾ

- Thách thức lớn nhất là sự đô thị hoá khó kiểm soát được ở khu vực Kinh thành. Tại đây có 7 phường ở trong và bao bọc bên ngoài với gần 8,5 vạn dân. Có trên 2800 hộ dân ở trong khu vực I của di tích. Một số di tích bị biến đổi chức năng và đất đai bị chiếm dụng. Nền kinh tế thị trường, sản xuất nhỏ đang làm nát vụn các khu vườn với hàng loạt nhà hộp bêtông cốt thép, màu sắc chói chang. Dân cư tăng kéo theo các công trình dịch vụ, phúc lợi được đầu tư nhiều, làm cho mật độ xây dựng trở nên quá lớn; không gian xanh của các khu vườn, hàng chục hồ nước bị xâm lấn; môi trường nước, chất thải rắn đang là vấn đề bức xúc.

- Công tác quy hoạch hiện nay của Huế làm được chưa nhiều, nhưng cũng không ít. Ngoài quy hoạch tổng thể, ½ diện tích thành phố đã có quy hoạch chi tiết, nhưng khi triển khai dự án cụ thể cứ thấy “thiếu”. Giữa thực tế của yêu cầu cuộc sống và đồ án quy hoạch còn một khoảng cách không  nhỏ.

Người trước đã quy hoạch Huế theo những quan niệm triết học phương Đông, xây dựng nên một tổng thể kiến trúc có giá trị cao, khai thác tốt thiên nhiên; nhưng không ít quy hoạch xây dựng hiện nay của các khu đô thị mới cứ thấy hao hao nhau. Phải chăng đó là sự thiếu bản sắc.

Việc tổ chức không gian tận dụng được đặc thù của thế sông, thế núi, điều kiện thời tiết khí hậu của từng địa phương mới tạo nên bản sắc riêng. Nếu Huế đánh mất sông Hương, đánh mất vùng núi Tây Nam thì chắc không còn là Huế nữa. Sông Hương là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong tổng thể thành phố, nó góp phần tạo ra bản sắc Huế, là không gian chuyển tiếp giữa khu Kinh thành và khu đô thị phát triển sau nầy. Vì vậy, việc chậm trễ trong quy hoạch sẽ ảnh hưởng tới việc xây dựng và quản lý.

- Một đặc thù của kiến trúc Huế là rất quan tâm kiến trúc ngoại thất. Hầu như mọi công trình đều có sân vườn, có khoảng lùi so với đường phố, vừa tạo được không gian tĩnh, vừa có cây xanh bóng mát, trong vườn của các ngôi nhà ở còn có non bộ bình phong... Hiện nay không ít những khoảng lùi đó đang được chuyển hoá thành các kiốt kinh doanh, có vườn được cắt thành nhiều mảnh.

- Ở phía Nam sông Hương còn tồn tại một quần thể kiến trúc được xây dựng thời Pháp thuộc. Theo điều tra ban đầu có khoảng 240 công trình với nhiều loại hình khá phong phú, phần lớn là công sở, trường học, nhà ở. Khi quy hoạch và xây dựng khu phía Nam, các kiến trúc sư Pháp đã tôn trọng vẻ đẹp của con sông Hương nói riêng và tổng thể kiến trúc Kinh đô Huế nói chung.

Các công trình kiến trúc Pháp đã có tuổi thọ từ 80 đến 100 năm, nhiều nhà đã rệu rã, một số nhà đã sụp đổ, không ít công trình đã thay hình đổi dạng bởi nhiều lý do... Dư luận xã hội cũng đã lên tiếng khá gay gắt. Hiện chưa có một công trình nghiên cứu một cách toàn diện về giá trị kiến trúc thời Pháp thuộc. Nếu không có một cách nhìn khoa học sẽ có những thái độ trái ngược nhau. Hoặc là chúng ta mất đi một “dòng’ kiến trúc quan trọng trong suốt 100 năm lịch sử, ngược lại, phải giữ những cái cũ khi nó vừa không có giá trị gì lớn lắm lại vừa hết tuổi thọ... Nếu việc khảo sát, đánh giá chậm trễ thì khu phố Tây nầy sẽ không còn nữa.

- Không gian bảo tồn thiên nhiên phía Tây Nam thành phố, nơi tập trung quần thể kiến trúc lăng tẩm chùa chiền đang có nguy cơ bị xâm hại. Do nằm ngoài địa giới hành chính thành phố, một phần do công tác quản lý còn lỏng lẻo, ở đây hiện tượng mua bán đất tuỳ tiện, xây cất không giấy phép, kiến trúc tự do, lăng mộ xuất hiện ngày càng nhiều.

- Chính sách đất ở cần được thiết lập phù hợp với đặc thù cho từng địa phương. Nếu chỉ tiêu đất ở như hiện nay thì không bao lâu nữa không còn các khu nhà vườn. Kiến trúc nhà ở như thế nào? Nhất là nhà ở dân tự xây, hiện không quản lý được. Từ trước tới nay chủ yếu là phân lô. Cách làm đó vừa lãng phí quỹ đất vừa không tạo dựng được bộ mặt kiến trúc. Phân lô lớn để mật độ thấp thì khả năng kinh tế của người dân không có, xây dựng chung cư thì liệu có hợp với Huế không? Tốc độ đô thị hoá nhanh, quỹ đất có hạn, không thể không tính đến chung cư cao tầng nhưng kiến trúc chung cư như thế nào cho thích hợp là điều đáng quan tâm.

Nhu cầu về nhà ở ngày một tăng với tốc độ ngày càng lớn, kéo theo là dịch vụ, du lịch ngày một gia tăng đang có nguy cơ làm mất đi những ngôi nhà rường truyền thống, những khu vườn tiêu biểu, nhiều vườn đẹp đã bị chia nhỏ thành những nhà “hình ống hiện đại”; mật độ cây xanh giảm xuống; phần lớn biệt thự bị biến dạng bởi nhiều chủ ở cùng trong một nhà, đến khi hoá giá thì mỗi chủ cải tạo một kiểu khác nhau. Môi trường cảnh quan có khu vực trở nên nhức nhối: khu vực sông và sau chợ Đông Ba, dọc đường Kim Long các “phố” nhà “cọc” sát Kinh thành ngày một dài; khu vực Tam Thai, Ngự Bình, núi Bân “ngút ngàn” mồ mả...

- Quy định cấp phép xây dựng như hiện nay (Thông tư liên bộ số 09/LB của Bộ Xây dựng và Tổng cục Địa chính) không yêu cầu người thiết kế nhà phải có chuyên môn, không cần tư cách pháp nhân, gia chủ tự chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến tình hình  không quản lý được kiến trúc đối với nhà dưới 200 m2, 03 tầng. Quy định nầy đẻ ra một loạt nhà ở xấu rải khắp thành phố.

Trong cơn lốc đô thị hoá hiện nay, nếu kiến trúc không được quản lý chặt chẽ, bộ mặt thành phố nhanh chóng trở nên lộn xộn, xây dựng nhiều nhưng không có kiến trúc.

Thời gian qua có hiện tượng trái ngược nhau trong kiến trúc:

+ Sự sơ lược trong hoàn thiện công trình cả bên trong lẫn bên ngoài làm cho công trình thô, đơn điệu. Hiện tượng nầy thường xẩy ra ở những thập niên trước do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân kinh tế và tay nghề người thiết kế. Thời gian gần đây được khắc phục nhiều.

+ Gần đây nhiều công trình lại đi vào sự rườm rà, chắp vá, bắt chước kiến trúc cổ điển châu Âu. May mà ở Huế ít nhà chóp, nhà vòm. Nhưng phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu mà ta thường gọi là kiến trúc Pháp đang được nhiều chủ đầu tư và xã hội ưa chuộng.

+ Kiến trúc Việt Nam, kiến trúc của từng địa phương ở thế kỷ XXI này như thế nào? Nhất là kiến trúc nhà ở, quả thật còn quá lúng túng.

Một thành phố văn hoá đóng góp cho đất nước nhiều danh nhân kiệt xuất, nhiều anh hùng dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, văn hoá, khoa học... nhưng Huế lại quá ít tượng đài. Hệ thống tượng đài trong thành phố đã được đặt ra từ lâu nhưng trong chính sách xây dựng chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy khi có nhu cầu xây dựng thì rất lúng túng về địa điểm và quy mô công trình.

-Trên địa bàn thành phố có một bộ phận dân cư thường xuyên sống trên sông nước với gần 900 hộ, hơn 8000 người. Phần lớn cư dân vạn đò không có nghề ổn định, đời sống kinh tế và xã hội hết sức thấp kém và thuộc diện đói nghèo. Trẻ em ít được đi học. Tốc độ tăng dân số khu vực nầy rất cao. Nước sinh hoạt và nước thải trên cùng một chỗ. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại khu vực các vạn đò sinh sống, cảnh quan hai bên bờ sông bị xâm hại. Tỉnh và thành phố  Huế đã có nhiều chủ trương, chính sách để định cư dân vạn đò. Một số dự án đã được triển khai ở Kim Long, Bãi Dâu... Đây là một vấn đề xã hội lớn có tác động đến cảnh quan và môi trường đô thị, do đó, việc định cư dân ở khu vực nầy là “nhiệm vụ cấp bách”.

-Thành phố Huế được xác định là một trong 5 thành phố cấp quốc gia nhưng cơ chế như hiện nay là thành phố loại II trực thuộc tỉnh. Điều đó rất khó cho quản lý đô thị nói chung, quản lý kiến trúc nói riêng.

- Vai trò tư vấn phản biện trong kiến trúc là một nhiệm vụ quan trọng của Hội Kiến trúc, thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch của tỉnh, công tác tư vấn trong kiến trúc ở thành phố Huế đã tạo được tiếng nói nhất định. Lãnh đạo tỉnh và các ban ngành thường xuyên có yêu cầu với Hội đồng trong thiết kế kiến trúc và quy hoạch. Tuy nhiên, nhận thức về công tác tư vấn còn đơn giản, có khi còn làm lấy lệ. Ở một đô thị di sản, đặc biệt trong công tác trùng tu di tích, việc tư vấn phản biện cần trở thành một nguyên tắc trong lập dự án, có như vậy mới tập hợp được những ý kiến khoa học và tìm giải pháp tốt nhất cho công trình kiến trúc và xây dựng đô thị.

Trên đây là một số vấn đề bức xúc của kiến trúc Huế. Đây là một lĩnh vực lớn được xã hội quan tâm và cần có tiếng nói đồng tình để có được những giải pháp hữu hiệu.

Chúng ta đang sống trong thập kỷ mới với những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ. Toàn cầu hoá là tất yếu. Kiến trúc có nhiệm vụ phải tham gia vào sự phát triển chung nhưng đồng thời phải đạt được tính bền vững cho đô thị và góp phần vào công tác giảm nghèo. Nhiệm vụ đó không ngoại lệ đối với những người quản lý và các kiến trúc sư ở Huế.

Tạo lập được diện mạo đô thị đặc trưng, góp phần xây dựng nên thành phố Huế hiện đại, văn minh tương xứng với tầm vóc của đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chúng ta cần thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng tâm là kế thừa, bảo vệ, tôn tạo và giữ gìn các di sản lịch sử, văn hoá và các công trình kiến trúc có giá trị, đồng thời phát triển văn hoá kiến trúc đô thị mới hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Con đường đó không dễ dàng và có nhiều chông gai. Cha ông ta để lại một Cố đô đẹp, chúng ta có trách nhiệm tiếp nhận, giữ gìn và tôn tạo nó ngày càng tốt hơn.

Huế , tháng 3 năm 2002.
NGUYỄN THẾ TRUYỀN
(174/08-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng