Tạp chí Sông Hương -
Đường đã mở...
14:15 | 15/01/2010
(Thừa Thiên Huế trên tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương)


TRƯỜNG AN


          Ghi chép


Kết luận 48 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 đã tạo nên một luồng gió hân hoan mát rượi, đầy phấn khích thổi qua miền đất trải dài từ dòng Ô Lâu đến Hải Vân Quan. Đó là ngọn gió mang màu xanh của cái nhìn biện chứng về vùng đất Cố đô, của lòng tự hào và trách nhiệm, của khát vọng và tình yêu xứ xở, của ngập tràn hy vọng ẩn chứa bên trong sức bật nội lực tiềm tàng của lòng quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh xuyên suốt bao thế hệ... Đây cũng chính là ngọn gió mà người dân Thừa Thiên Huế đã bao nhiêu năm mong đợi. Vì vậy khi đón nhận nó với những tín hiệu mát lành và lạc quan, người người phấn khích như thỏa lòng mong ước là lẽ rất thường tình. Những cuộc điện thoại đường dài, những dòng email hồ hởi báo tin: Thừa Thiên Huế sẽ sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếng thì thầm như reo lên, như muốn nhảy cẫng lên, bung ra khỏi lồng ngực, vang xa...

Giá trị của vị trí Thừa Thiên Huế đã được Bộ Chính trị đánh giá: “là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang... Đây cũng là nơi Bác Hồ và gia đình Bác đã từng sinh sống, học tập... Thừa Thiên Huế có thành phố Huế - Cố đô  của Việt Nam, là đô thị loại I, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival và theo quy hoạch, Huế là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và của cả nước. Thừa Thiên Huế còn là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn trong thời kỳ CNH-HĐH; là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước, là trọng điểm của quốc phòng, an ninh của quốc gia. Xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt đối với miền Trung - Tây Nguyên và đất nước”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, sẽ “xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á...”

Đó thật sự là hoài bão của bao thế hệ người dân Thừa Thiên Huế. Nơi ấy, những người mẹ nghèo đã chắt chiu không quản tháng ngày cho con cái học hành cũng chỉ vì ước muốn những đứa con sẽ trở thành người hữu ích cho đời, cũng như có vị thế giữa thế gian, xứng đáng với vùng đất văn hóa, giàu truyền thống học hành...

Tầm nhìn của Bộ Chính trị, cũng là khát vọng của những người dân yêu xứ sở của mình rất mực. Vấn đề thời sự đặt ra cho chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế là làm sao xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương?

Sức mạnh tổng lực của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế được huy động. Kết luận số 48 của Bộ Chính trị được triển khai rộng khắp, nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Khởi điểm là văn hóa. Văn hóa Huế đang tiếp tục được chú trọng gìn giữ và phát huy truyền thống, phát huy di sản trong bối cảnh phát triển. Đời sống văn hóa đô thị Huế được đặt ra, gắn liền với các yếu tố về mức sống, lối sống, lý tưởng sống, thị hiếu, giải trí, thói quen... trong xã hội hiện đại. Đời sống văn hóa của nông thôn trong tiến trình đổi mới và hội nhập cũng được tính đến, chẳng hạn làm sao những thách thức đối với các giá trị truyền thống không tác động quá lớn đến những miền quê văn hóa... Diện mạo Huế - Thành phố Festival, trung tâm văn hóa lớn của cả nước và của thế giới đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn, sống động hơn, với vị thế được nâng cao hơn...

Một trong những nhiệm vụ mà Bộ Chính trị yêu cầu Thừa Thiên Huế thực hiện là tập trung hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông. Từ nhiều năm trước, quyết tâm nối lại thật gần rừng núi với biển khơi đã được Thừa Thiên Huế xác quyết và rất nhanh chóng, những con đường nối liền rừng biển đã được xây đắp, 100% xã có đường nhựa đến trung tâm, đường bê tông tỏa khắp các thôn làng... Những chiếc cầu không chỉ bắc qua sông mà còn bắc qua phá Tam Giang mênh mông khiến bao người dân đi qua cầu mà cứ ngỡ trong mơ. Giao thông vẫn tiếp tục phát triển trong thời gian gần đây. Những cung đường ray song song gợi nhớ nỗi buồn ly biệt ngày xưa giờ dập dồn những cảm xúc mới của tốc độ thời hiện đại, nhanh hơn, mạnh hơn. 100 km với 9 ga lớn nhỏ trong hệ thống giao thông đường sắt qua Thừa Thiên Huế đang từng bước hiện đại hóa. Ga Huế thân thiện với bình quân 2000 lượt khách/ngày, nhưng cũng đủ sức để có lúc cao điểm đón đến 30.000 lượt học sinh, phụ huynh đến Huế như trong những ngày sĩ tử cả nước đổ về thi. Trong tương lai, Huế sẽ nằm trong cung đường sắt cao tốc Bắc - Nam, trong đó ga Lăng Cô sẽ xây mới gắn với sự phát triển của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ga Huế hiện thời sẽ được di chuyển ra khỏi nội đô, các ga hàng hóa sẽ được đầu tư ở những cái tên thân thuộc từ lâu như Văn Xá, Hương Thủy, Thừa Lưu...

Hệ thống đường thủy cũng được chú trọng phát triển bởi với Huế, đường thủy không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, mà còn làm cho sôi động thêm đời sống văn hóa sông nước, là gắn với phát triển du lịch. “Đò từ Vỹ Dạ thẳng Ngã Ba Sình”, đi đò dọc Tam Giang đỗ lại các bến Cồn Tôộc, Cồn Gai, Vĩnh Tu... chao nghiêng cả mạn thuyền cái sự “con đi đò dọc mẹ liều con hư”, là cái làm nên sức hấp dẫn lạ kỳ mà ai cũng muốn trong đời một lần đi cho biết. Với chiều dài 70 km từ cửa sông Ô Lâu phía Bắc Thừa Thiên đến chân núi Vĩnh Phong phía Nam, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á đương nhiên là một vùng môi trường cực tốt cho phát triển giao thông và du lịch đường thủy. Hiện Thừa Thiên Huế đang duy trì và phát triển các tuyến thủy Tam Giang - Cầu Hai, tuyến thủy sông Hương từ cửa Thuận An đến Ngã Ba Tuần, tuyến thủy dọc sông Bồ qua các vùng cây trái làng nghề xanh mát hương thơm Hương Vân, An Lỗ, Bao La, Hạ Lang, Hương Cần, Liễu Cốc, An Thuận, Vân Cù...

Bên đầm phá mênh mang sông nước là những vịnh biển đẹp tinh khôi ngập tràn sóng gió. Ở đó, Cảng nước sâu Chân Mây như một con cá voi khổng lồ đem lại cho dân chúng nhiều điềm phúc. Cảng có độ sâu nhất nước, đã từng đón tàu khách sạn 5 sao Queen Elizabeth II với 2000 du khách. Cảng đang chuẩn bị tiếp tục xây dựng bến số 2. Trong tương lai, đây là cửa ngõ quan trọng thông ra biển Đông của cả hành lang kinh tế đông - tây của khu vực. Đó cũng chính là cánh cửa mở của kinh tế biển Thừa Thiên Huế. Nó góp phần “gắn xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế trong mối quan hệ hữu cơ với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng...” như Bộ Chính trị yêu cầu.

Một yêu cầu nhân sinh khác là xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống ở vùng núi như Nam Đông, A Lưới. Chiến lược phát triển kinh tế rừng cho phát triển miền núi thật sự là hướng đúng. Với 331.782 ha diện tích rừng và đất rừng, chiếm tỷ lệ gần 70% diện tích đất tự nhiên, trồng rừng ở Thừa Thiên Huế đang giữ vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, chống xói mòn, cân bằng sinh thái, điều tiết nguồn nước. Trong ba năm gần đây (2006 - 2008), Thừa Thiên Huế trồng thêm 13.179 ha rừng. Ngược lên vùng miền núi Nam Đông, A Lưới bây giờ, dấu vết một thời đạn bom, hóa chất của Mỹ rải thảm đã phai nhạt dần, thay vào đó là màu xanh cây lá. Mỗi năm, tỉnh thu mua và chế biến xuất khẩu khoảng 140.000 m3 gỗ dăm sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2008, giá trị xuất khẩu từ dăm gỗ ở Thừa Thiên Huế đạt 12 triệu USD... Ở Thừa Thiên Huế hiện có một nghề gọi là “nghề rừng”. Nghề rừng được xã hội hóa. Nhà nước giao đất, giao rừng cho dân quản lý, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ và làm giàu vốn rừng. Đến nay, tỉnh đã giao  59.100 ha rừng cho khoảng 170 đơn vị và 12.000 hộ nhận chăm sóc và quản lý. Có mười xã thuộc bốn huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền xây dựng mô hình nhận quản lý, chăm sóc 4.000 ha rừng tự nhiên theo cộng đồng thôn, bản và nhóm hộ. Các hộ sống ven rừng còn phát triển mạnh trồng cao-su. Riêng Nam Đông đã trồng 3.500 ha cao-su, trong đó có khoảng 1.200 ha đã cho mủ. Xã Hương Phú có 562 hộ trồng 600 ha cao-su, trong đó có hơn 200 ha trong thời kỳ khai thác, mỗi năm thu từ 150 tấn đến 200 tấn mủ tươi. Xã Hương Sơn có 214 hộ với 100% đồng bào dân tộc Cà Tu, đã trồng  trên 260 ha, trong đó diện tích khai thác hiện khoảng 100 ha. Nhiều hộ trồng cao-su cho thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm...

Những con số ấy đã đẩy lùi những ấn tượng buồn thảm về những mái nhà sàn tăm tối, xua tan nỗi day dứt về cái đói ở vùng cao. A Lưới, Nam Đông bây giờ, nhà tầng mọc lên hai bên đường đánh dấu những thay đổi căn bản trên núi cao. Du khách nước ngoài đã vào ngủ say trong bản làng mà Nhâm (A Lưới) là một điểm đến lý tưởng...

Ở đồng bằng, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng trên từng mét vuông đất là điều nông dân đang hướng đến. Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư tỉnh vào cuộc nhân giống lúa, lạc chất lượng cao, nuôi bò, gà, lợn, hàu, ốc hương cao sản... Trường đại học Nông lâm Huế cũng vào cuộc trồng rau an toàn với toan tính thu nhập 50 triệu đồng/ha ở Hương Long. Tỉnh đang nhắm đến năm 2010 cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp 90%, đến 2020 sẽ 100%.

Với sự chuyển dịch mạnh hơn cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, ngành công nghiệp cũng đang phát triển nhanh và bền vững. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có chuyến công tác ở Huế đánh giá: công nghiệp Thừa Thiên Huế đang vượt ngưỡng và chuyển sang giai đoạn mới, chất lượng, hiệu quả hơn. Nhiều dự án công nghiệp lớn được tiếp tục triển khai. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tốt trên “sân chơi” thương trường. Điển hình là Bia Huế với những cơ hội vàng, đã biết chớp lấy thời cơ đầu tư, bắt đúng mạch thị trường để có chính sách phát triển hợp lý. Chẳng hạn, như Giám đốc Nguyễn Mậu Chi phân tích: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, nhiều dự án đầu tư của ngành bia trên thế giới đứng im phăng phắc, Bia Huế quyết định mở rộng công suất, quả nhiên “trúng đậm” khi có được hợp đồng đấu thầu cung cấp thiết bị với giá cực thấp, bởi nhà sản xuất chấp nhận giảm giá đến mức tối đa để cạnh tranh. Mở rộng thị trường tiêu thụ cũng được Bia Huế thực hiện khá ngoạn mục. Do hụt lượng bia dịp tết con Trâu, nhiều người chuyển “gu” sang uống bia Huế đang dồi dào và có mặt khắp nơi, dòng bia Huế chảy vào niềm vui thị trường tăng đến 25% trong năm 2009 này.

Cùng với sự hình thành các khu công nghiệp, vấn đề phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu. “Bài học Vê đan” vẫn đang rung chuông trong gió cảnh báo. KCN Phú Bài có 25 doanh nghiệp hoạt động thì chỉ vài đơn vị đầu tư xử lý nước thải. Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Nguyễn Việt Hùng nói với báo giới rằng, ngoài các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài chấp hành nghiêm các quy định môi trường, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì khó khăn kinh tế, phần khác vì xử phạt chưa đủ mạnh nên việc vi phạm về môi trường của họ đã như căn bệnh trầm kha, cứ mãi thế thì làm sao lớn mạnh được? KCN Phú Bài đang nỗ lực khắc phục hạn chế trầm kha ấy bằng cách đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất giai đoạn 1 là 4000 m3/ngày đêm. Tỉnh cũng cho xây dựng bãi chôn lấp chất thải y tế, chất thải nguy hại tại Phú Sơn... Đó là những nỗ lực có thể ghi nhận và hy vọng, song rõ ràng vấn đề nâng cao ý thức để người dân cũng như doanh nghiệp cùng tham gia phát triển bền vững là quan trọng hơn nhiều. Thành phố trực thuộc Trung ương phải có những thị dân có tư duy xứng tầm, khát vọng xứng tầm, hành động xứng tầm...

Rời khỏi cái điểm nhìn tổng quan, bây giờ nhìn riêng năm 2009 đã thấy những tín hiệu xanh. Nền kinh tế xã hội Thừa Thiên Huế năm 2009 vừa qua, mặc dù ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt tiếp tục ổn định và tăng trưởng, có 15/17 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Trong đó đáng kể là lần đầu tiên, tổng thu ngân sách Nhà nước vượt trên 2.500 tỉ đồng. Mới năm 2005, phấn đấu rất mãnh liệt, Thừa Thiên Huế mới gia nhập CLB 1000 tỉ. Vậy mà chỉ vài năm sau, Thừa Thiên Huế đã tham gia CLB 2.500 tỉ, bằng chứng của một cú vươn vai đầy sức vóc.

Con đường tương lai phía trước đã mở rộng, người dân Thừa Thiên Huế đang tiến gần đến đích khát vọng về một cơ hội mới để phát triển giàu và đẹp.

Toàn cảnh Thừa Thiên Huế như đang trên một công trường lớn xây dừng Thành phố trực thuộc Trung ương. Ở đó, bên cạnh những vôi vữa ngổn ngang, vẫn đằm thắm một vóc dáng nền nã của văn hóa Huế dưới bóng mát cây xanh rười rượi.

T.A

(251/01-2010)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng