Tạp chí Sông Hương -
Lối thoát nào cho môn Lịch sử?
14:35 | 02/08/2011
Với đặc thù của môn Lịch sử ở bậc THPT, những câu hỏi mang tính khái quát về tiến trình lịch sử sẽ có giá trị hơn nhiều so với những câu hỏi đi quá sâu vào tiểu tiết mà chúng ta vẫn gặp trong các đề thi Lịch sử hiện nay và kết quả thi nhiều khả năng sẽ tốt hơn.
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Mỗi mùa thi đại học đi qua, xã hội lại thêm một lần trăn trở vì kết quả thi môn Lịch sử không hề biến chuyển, mà ngày một thấp hơn. Không khỏi xót xa khi có những trường ĐH chỉ duy nhất... 1 thí sinh đăng ký dự thi đạt điểm 5 ở môn học này.

Đã có rất nhiều lời bàn với mong muốn cải thiện tình hình, nhưng nhìn chung các ý kiến vẫn chỉ tập trung vào thay đổi phương pháp dạy và học, tăng cường phổ biến kiến thức lịch sử qua các phương tiện truyền thông. Người viết cho rằng, các giải pháp đó mới chỉ đi chung quanh chứ "đánh" chưa đúng và chưa trúng vấn đề. Trong bài viết này, xin nêu lên một số điểm sau đây.

Quá chi tiết và vụn vặt

Từ bậc tiểu học tới bậc THPT, môn Lịch sử được giảng dạy theo mô hình vòng tròn đồng tâm. Lần lượt trở đi trở lại với các nội dung lịch sử cổ đại, trung đại và hiện đại. Cách tiếp cận này giúp học sinh nhiều lần được ôn lại tiến trình lịch sử của Việt Nam và thế giới.

Tuy vậy, trọng tâm chương trình học và thi ở các bậc học, nhất là bậc THPT với 2 kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, chủ yếu chỉ nhằm vào giai đoạn từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cho tới khi 2 miền Nam-Bắc thống nhất và phần lịch sử thế giới tương ứng với quãng thời gian này. Tất nhiên, đây là 1 giai đoạn lịch sử quan trọng, song nếu đa số nội dung thi chỉ gói trọn trong khoảng nửa thế kỷ này, sẽ nảy sinh 1 số vấn đề sau đây.

Thứ nhất, vì nội dung học và thi giới hạn trong 1 giai đoạn lịch sử quá ngắn, việc đi quá sâu vào tiểu tiết là điều khó tránh khỏi. Với trí nhớ thông thường, chắc chắn việc hiểu và nắm được tiến trình lịch sử chung của đất nước với các mốc trọng đại từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay, sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc phải ghi nhớ nội dung các hội nghị, nghị quyết của trung ương, các phong trào, chiến dịch, trận đánh lớn nhỏ với các chi tiết về thời điểm, bối cảnh, diễn biến, kết quả.

Sự chi tiết và vụn vặt quá mức là nguyên nhân khiến môn Lịch sử trở nên quá khó nhớ và học sinh sẽ chỉ học thuộc lòng chứ không hiểu và chắc chắn sẽ rất mau quên. Thiết nghĩ, với đặc thù của môn Lịch sử ở bậc THPT, những câu hỏi mang tính khái quát về tiến trình lịch sử sẽ có giá trị hơn nhiều so với những câu hỏi đi quá sâu vào tiểu tiết mà chúng ta vẫn gặp trong các đề thi Lịch sử hiện nay và kết quả thi nhiều khả năng sẽ tốt hơn.

Thứ hai, chương trình học và thi chú trọng vào giai đoạn lịch sử này khiến học sinh thiếu cái nhìn toàn diện về lịch sử. Nhất là phần lịch sử trung đại vô cùng hào hùng của dân tộc. So với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, quãng thời gian mà chúng ta tập trung cho học sinh học và thi chỉ là 1 dấu son nhỏ.

Đây cũng là vấn đề tương tự của môn Văn: Bao năm nay chúng ta chỉ đặt trọng tâm vào 1 vài tác giả và tác phẩm giai đoạn 1930-1975 và bỏ hẳn mảng văn học trung đại. Thật phi lý khi nội dung thi ĐH môn Văn không có Truyện Kiều, trong khi riêng về Tây Bắc đã có khoảng 5 tác phẩm.

Làm sao học sinh có thể coi là đã nắm được lịch sử đất nước nếu các em chỉ chăm chăm học thuộc 1 giai đoạn lịch sử rất ngắn mà hoàn toàn không biết gì về hàng ngàn năm quá khứ?

Thứ ba, có sự trùng lặp giữa nội dung môn Lịch sử lớp 12, bậc THPT với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (nay là môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam) sẽ được giảng dạy tại tất cả các trường ĐH, CĐ. Do vậy, liệu có nên bắt học sinh THPT cố gắng ghi nhớ những nội dung sẽ được giảng dạy rất chi tiết 1 lần nữa ở bậc học cao hơn, cùng với kiến thức chung về lý luận chính trị? Trong khi cái thiếu và cái yếu của học sinh THPT là kiến thức có tính hệ thống và phổ quát về lịch sử đất nước và thế giới.

Xem xét lại việc xếp các khối thi ĐH

Xét tới cùng, nguyên nhân lớn nhất khiến kết quả thi môn Lịch sử và cả Địa lý ngày càng thấp đi là do thí sinh trở nên kém mặn mà với khối C (Văn-Sử-Địa), vì số ngành học tuyển sinh theo khối C và cơ hội phát triển nghề nghiệp tương lai đang giảm sút nghiêm trọng.

Dù xã hội đều biết kiến thức về lịch sử là vô cùng quan trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay khi những vấn đề tranh chấp chủ quyền đang đặt ra rất bức thiết, song sức chi phối của nhu cầu và lợi ích vẫn khó cưỡng lại.

Vậy thì, rõ ràng, cách thiết thực nhất để học sinh thấy được sự cần thiết của môn Lịch sử là nâng tầm quan trọng của nó trong việc thi cử của học sinh. Để làm được điều đó, chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại việc tuyển sinh ĐH theo các khối A, B, C, D như hiện nay.

Người viết cho rằng việc tuyển sinh theo các khối thi với các môn thi như hiện nay không phù hợp khi áp dụng vào các trường và các ngành học cụ thể.

Thí dụ, các trường kinh tế đều tuyển sinh theo khối A nhưng nội dung môn Vật lý và môn Hóa học không hề phục vụ chương trình học tập về sau, nhất là ở các chuyên ngành thiên về kinh doanh hơn là kinh tế học. Đây là sự lãng phí về nguồn lực trí tuệ. Trong khi đó, nội dung hai môn Lịch sử và Địa lý lại rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu đào tạo tại các trường này và nên được dùng làm môn thi tuyển sinh.

Khó có thể kinh doanh, nhất là kinh doanh trong môi trường quốc tế thành công nếu thiếu hiểu biết về đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lý, nhất là địa lý kinh tế của phía đối tác. Nhìn vào đề thi tuyển sinh ĐH môn Địa lý năm nay, chúng ta sẽ thấy những câu hỏi rất sát với nội dung nhiều môn học được đưa vào giàng dạy ở các trường kinh tế.

Chưa kể, trong chương trình học của các trường này, rất nhiều môn học có đặc tính của môn Lịch sử, như lịch sử các học thuyết kinh tế, sự phát triển của các hệ thống bản vị tiền tệ, sự phát triển của thương mại quốc tế... Các môn học này đều đòi hỏi nền tảng kiến thức về lịch sử mà sinh viên hầu như đều "hổng".

Người viết cho rằng, tùy theo nội dung, mục tiêu đào tạo của từng ngành học; các trường sẽ ra quyết định về môn thi tuyển sinh. Chẳng hạn, cùng là ngành kỹ thuật, nhưng ngành kỹ thuật của ĐH Bách khoa sẽ không cần thi tuyển sinh bằng môn Lịch sử.

Nhưng ngành kỹ thuật của các trường quân sự và an ninh thì không thể thiếu môn này bên cạnh ba môn Toán-Lý-Hóa. Vì đối tượng đào tạo của các trường này là các kỹ sẽ đảm nhận các nhiệm vụ chính trị. Sửa đổi theo hướng này, "đất" cho môn Lịch sử sẽ được mở rộng hơn rất nhiều và sự mở rộng này là cần thiết.

Khi đó, vị thế của môn Lịch sử sẽ được nâng cao và việc học tập môn này cũng sẽ được cải thiện, tất nhiên phải kết hợp với sự thay đổi về nội dung trọng tâm như đã trình bày ở trên.

Từ bỏ cách tổ chức cứng nhắc về các khối thi như hiện nay, chúng ta không chỉ "cứu" được môn Lịch sử mà còn cải thiện được nhiều vấn đề khác. Thí dụ, tuyển sinh đầu vào các ngành công nghệ, kỹ thuật theo các môn Toán-Lý-Hóa là hợp lý nhưng lại khiến đa số sinh viên ngành này yếu ngoại ngữ do bỏ bê từ thời học phổ thông.

Khi vào ĐH ở tuổi trưởng thành, khả năng tiếp thu ngoại ngữ thường rất thấp, nhất là khi đã "mất gốc". Đây là một trở ngại để các em phát triển sự nghiệp trong tương lai. Nên chăng, các ngành này nên đưa Ngoại ngữ vào nội dung tuyển sinh?

Sẽ có ý kiến cho rằng chương trình thi ĐH quá nặng nề. Đó chẳng qua là do chúng ta đã quá quen với việc học sinh chỉ học tủ một số môn học và lãng quên hoàn toàn các môn học khác, trong đó Lịch sử là môn học bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo Khương Duy - tuanvietnam





Các bài mới
Các bài đã đăng