Tạp chí Sông Hương -
Giữ lấy nếp làng
14:57 | 23/09/2011
Trong những năm gần đây, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã tạo nên sự trù phú cho nhiều làng quê Việt. Tuy nhiên, song hành với đó bản sắc văn hóa làng Việt đang bị mai một dần; nếu không có giải pháp gìn giữ thì những làng quê truyền thống, những nếp làng xưa sẽ chỉ còn trong ký ức.
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ở góc độ nào đó, có thể khẳng định, nông thôn nước ta vài năm trở lại đây đã có những bước chuyển mình đáng kể. Đó là sự chuyển mình về đời sống kinh tế, cơ sở hạ tầng, đặc biệt người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin, nâng cao trình độ tri thức. Hệ thống phát thanh, truyền hình đã giúp người dân cập nhật thông tin, thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng... Điện, đường, trường, trạm khang trang, sáng sủa khắp nẻo đường làng... Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển như thế những người từng sinh ra và lớn lên từ làng quê vẫn đau đáu trong lòng khi nông thôn đang đánh mất dần đi bản sắc của mình từ nếp sống cho đến kiến trúc làng quê.

Nguồn: channelvn.net

Thực tế đã nhiều năm nay, đi tìm cho làng quê Việt một mô hình phát triển nhằm giữ hồn cốt của nó vẫn đang được các cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc thực hiện vẫn chỉ dừng ở vài nét chấm phá và xây dựng mô hình theo kiểu “quyết toán kinh phí đề án”. Bởi bất cập lớn nhất lại chính là quy hoạch nông thôn vẫn đang ở mức “dò đường”. Nhắc đến vấn đề này, người ta lại nhớ đến người kỹ sư tài danh Hoàng Như Tiếp từng thành công khi thiết kế Khu Tam Thiên Mẫu ở Hưng Yên. Mặc dù công trình đã được thiết kế cách đây 40 năm nhưng đến giờ vẫn được coi là hình mẫu lý tưởng. Một “hương trấn” của Trung Quốc tại nước ta. Tuy nhiên, với nhiều lý do mà mô hình chưa được hoàn thiện và từ đó đến nay mô hình nông thôn dẫu được nhắc đến nhiều song vẫn chưa có một mô hình nào thống nhất. Chính vì lẽ đó, bộ mặt nông thôn dù đã thay da đổi thịt nhưng cảm nhận chung vẫn là sự “lủng củng” về kiến trúc. Hình ảnh một kiến trúc nhà vài ba tầng độ xộ, cổng kín tường cao bên luỹ tre làng dường như không là điều lạ lẫm. Ngay như Làng cổ Đường Lâm thực tế vẫn đang diễn ra. Sự phá vỡ kiến trúc làng quê đối với không ít người dân như lẽ thường tình chỉ vì họ có nhu cầu ở nhà rộng hơn, thuận tiện hơn...

Nhiều người con xa quê khi trở về làng trong lòng vô cùng tiếc nuối khi những nét đặc trưng làng Việt đã biến mất. Quá trình đô thị hóa đã làm cho kiến trúc làng Việt bị phá vỡ, biến dạng. Những làng lúa, làng hoa ngày ấy, giờ là những khu đô thị, khu chung cư cao tầng đông người; nhiều nơi không còn tìm đâu ra cây đa giếng nước mái đình… Những con đường làng ẩn mình dưới luỹ tre xưa đã được thay bằng con đường bê tông phẳng lỳ, nhà cao tầng đua chen mọc san sát bên đường. Trước đây, ở làng quê, mỗi nhà chỉ cách nhau cái “giậu mồng tơi”, rất dễ tìm đến nhau để chia sẻ, giờ được ngăn cách bằng tường cao, tình làng nghĩa xóm cũng theo đó mà nhạt dần. Nhiều làng quê vùng ven đô, do giá đất lên cao ngất ngưởng nhiều gia đình đua nhau bán cả đất vườn, theo đó những làng nghề truyền thống “vang bóng một thời” cũng vì thế mà biến mất.

Bên cạnh đó, nếp sống làng quê nay cũng đã có nhiều thay đổi. Nét đẹp văn hóa làng xưa là tính cố kết cộng đồng. Người làng, người quê thường chân chất, mộc mạc nhưng trọng nghĩa, trọng tình, “tối lửa tắt đèn” có nhau... Thế nhưng khi nông thôn thay đổi thì nếp làng và tình làng nghĩa xóm cũng ít nhiều phai nhạt. Ảnh hưởng của lối sống Tây hóa mô hình gia đình đa thế hệ ở nông thôn cũng đang mất dần. Nhiều làng quê nghèo giờ rơi vào cảnh đìu hiu thiếu vắng người trẻ tuổi, phụ nữ. Chủ yếu là người già, trẻ con nương tựa vào nhau. Một cuộc sống như thế rất khó duy trì nếp sinh hoạt gia đình, dòng tộc như xưa…Và hơn thế, các sinh hoạt văn hoá cộng đồng ngày càng thưa vắng hoặc mai một dần và tệ nạn xã hội đang có xu hướng thâm nhập vào các tầng lớp dân cư nông thôn...

Đành rằng, khi xã hội phát triển, nông thôn cũng thay đổi để thích nghi thời cuộc mới. Song để sự phát triển đó không mang tính tự phát, phá vỡ nét đẹp truyền thống của làng quê rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Từng có ý kiến cho rằng, để bảo vệ làng Đường Lâm, di tích lịch sử đã có vài trăm tuổi tại sao chính quyền và cơ quan chức không quy hoạch bên cạnh đó một ngôi làng mới liên thông với làng cổ. Qua đó, người dân vừa bảo tồn được làng cổ vừa đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Hơn thế, họ còn có thể tận dụng làng cổ để làm du lịch tốt hơn, tạo thu nhập ổn định thường xuyên cho người dân.

Làm gì để vừa xây dựng văn hoá mới vừa giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hôm nay? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời…Thiết nghĩ, có lẽ một trong những điều cần quan tâm nhất là phải có một quy hoạch tổng thể về kiến trúc và không gian văn hóa làng... Hy vọng với việc triển khai thực hiện tổng thể Đề án “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” sẽ tạo ra nhiều đổi thay cho nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và nhất là sẽ gìn giữ, dung dưỡng những nét đẹp văn hoá của làng quê Việt.

Theo Đinh Loan – DBND






Các bài mới
Các bài đã đăng
Biển ru (21/09/2011)