Tạp chí Sông Hương -
Sông Hương và du lịch sông nước
09:35 | 26/12/2011
Huế là thành phố sông ngòi chằng chịt, từ sông đến đầm phá và biển. Đặc biệt, sông Hương và hệ thống thủy đạo kinh thành Huế cũng như các cồn bao quanh kinh thành phần lớn là hình ảnh mang tính biểu tượng của Huế, là một trong những cảnh quan chính của thành phố. Một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sông nước và lịch sử thành phố có khả năng tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo cho Huế, mở ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cũng như cải thiện cuộc sống người dân dọc hai bên bờ sông.
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Du lịch sông Hương

Thật ra, du lịch sông nước ở Huế đã được các nhà quản lý và người dân đặt ra, khai thác từ lâu. Từ xa xưa, du khách cũng như giới quý tộc ở Huế đã từng tổ chức thưởng ngoạn trên sông với những chuyến đi dài ngày mang theo cả lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, thú ngủ đò trên sông Hương là một sinh hoạt văn hóa khá thú vị. Bỏ qua một bên những tiêu cực của ngủ đò, tìm làn gió sông mát rượi trong những ngày nắng nóng gay gắt mùa hè và gió mát, trăng thanh, ngắm phong cảnh hữu tình để hiểu hơn ý nghĩa sông Hương trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Huế; ngao du qua các sông đào để hiểu hơn về lối trị thủy của cha ông xưa, để hiểu hơn vì sao Huế có thêm sông An Hòa, An Cựu... có hệ thống thủy đạo kinh thành Huế.

Sau ngày thành phố giải phóng, mặc dù hệ thống giao thông quanh Huế ngày càng tốt và thuận tiện nhưng du khách vẫn thú vị hơn khi được đi thuyền rồng thăm điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, đến các chùa chiền lăng tẩm quanh Huế; đêm đêm nghe ca Huế trên sông Hương... Sự phát triển rầm rộ song do không tổ chức quản lý tốt, khiến còn đó nhiều vấn nạn. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Đâu là thuyền rồng chính thống? Đâu là ca Huế pha tạp? và kèm theo đó là bao hệ lụy của nạn chèo kéo khách. Thế nhưng, đêm đêm vẫn có hàng trăm du khách thưởng thức ca Huế trên sông Hương, hàng trăm gia đình sống được từ sự trỗi dậy của ca Huế; ca Huế từ trong bóng tối đã bước ra ánh sáng với lực lượng ngày càng đông đảo.Và trong chừng mực nào đó, ca Huế và sông Hương đã mở ra một mảng đời sống mới góp phần làm cho thành phố Huế không còn đi ngủ sớm.

Rõ ràng, sông Hương và du lịch trên sông nước là một lợi thế của Huế. Những phát triển lâu nay, nghiêm túc mà nói, mới chỉ dừng lại ở tính tự phát và còn sơ khai. Vấn đề đặt ra là làm sao để sản phẩm du lịch này ngày càng độc đáo hơn, phong phú và mang tính chuyên nghiệp hơn. Từ một nơi cư dân vạn đò sống nhếch nhác với bao hệ lụy trở thành một nơi du lịch sang trọng của Huế “không đến không về” là điều đặt ra nghiêm túc đối với các nhà hoạch định, làm thế nào để lợi thế sông Hương được phát huy trên nhiều phương diện.

Những vấn đề đặt ra

Lâu nay du lịch sông nước ở Huế chủ yếu là các chuyến tham quan ngắn diễn ra trong ngày và nghe ca Huế trên sông, các dịch vụ trên sông còn nghèo nàn và chất lượng chưa cao. Trong lúc đó, khả năng tổ chức các chuyến du lịch từ 3-5 ngày hoặc dài hơn bằng thuyền và thuyền trở thành cơ sở lưu trú cho khách là một thực tế. Thực ra, đây không phải là vấn đề quá mới mẻ, trong quá khứ có người đã làm và nay cũng có doanh nghiệp tính đến. Mới đây ở Thủy Biều, Công ty trách nhiệm hữu hạn Du thuyền cảm xúc sông Hương đã chính thức đưa 2 thuyền du lịch vào hoạt động phục vụ lưu trú trên thuyền và du thuyền khám phá sông Hương, các vùng ven Huế. Những suy nghĩ mới và táo bạo này cần được quảng bá và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hưởng ứng.

Để làm được điều này, trước hết phải nâng cấp hai bờ sông Hương, cải thiện đáng kể tầm nhìn của dòng sông. Quá trình chỉnh trang phải tính đến người dân sống trong vùng cũng như điều kiện sống của họ và không làm mất đi tính thẩm mỹ của thành phố; đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trên sông và dọc hai bờ sông. Việc chỉnh trang hai bờ sông Hương phải nhằm mục tiêu biến hai bờ sông thành “mặt tiền” của Huế với các bến đỗ là điểm đến các khu di tích, các khu du lịch sinh thái với các điểm vui chơi giải trí, khu mua sắm hàng lưu niệm, nhà hàng và các hoạt động thể thao dưới nước... Những công viên dọc hai bờ sông nên được trồng cỏ và cắt xén cẩn thận, những nhếch nhác cần được dẹp bỏ. Tất nhiên, quá trình chỉnh trang phải được tiến hành cẩn trọng bởi tính nhạy cảm của nó, thí dụ như Huế đã có nhà hàng nổi trước trường Đại học Sư phạm, các nhà nổi có thể phát triển thêm ở vùng hạ lưu sông Hương ở khu vực Vĩ Dạ, Bao Vinh, ngã ba Sình... như là nơi giới thiệu ẩm thực, các hoạt động biểu diễn trên sông, khu mua sắm hàng lưu niệm và thủ công mỹ nghệ. Nhiều địa phương hình thành chợ nổi trên sông gây nhiều ấn tượng với du khách, Huế tại sao lại không có “phố nổi”?

Việc chỉnh trang hai bờ sông cũng cần tính đến các cồn trên sông của Huế, hiện nay các cồn đang bị lạm dụng quá mức và đối mặt với nhiều vấn đề xã hội do cư dân sống trên thuyền còn nghèo và họ sử dụng các cồn như nơi cư trú. Nên chăng biến các cồn thành điểm du lịch, biến các cồn thành khu vực giải trí và mua sắm của du khách, nơi để du khách tìm hiểu cuộc sống sông nước qua đó tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, thay đổi cuộc sống. Cũng do tính nhạy cảm của nó, trong lúc chờ những dự án tổng thể, nơi đây có thể phát triển các ngôi nhà truyền thống phục vụ tham quan, du lịch.

Vấn đề cực kỳ quan trọng trong du lịch sông nước ở Huế là việc khơi thông dòng chảy. Bằng thuyền, du khách có thể đến được phần lớn các điểm đến của Huế, từ Huế ra các vùng phụ cận. Từ đó đặt ra việc khai thác cát sạn trên sông phải song hành với việc nạo vét lòng sông, tháo dỡ các đập, cửa khâu không còn tác dụng. Có lẽ khi xây dựng cầu Vĩ Dạ, xây dựng công trình ngăn mặn Thảo Long, người ta đã tính đến việc tháo dỡ Đập Đá, cửa khẩu... tiếc rằng việc này diễn ra quá ì ạch. Mặt khác, việc khơi thông dòng chảy sẽ đẩy lùi ô nhiễm trên sông Hương và các dòng sông phụ cận; góp phần đáng kể trong điều tiết nước trong mùa lũ lụt. Du lịch sông nước trong mùa lũ lụt nếu được tổ chức hợp lý sẽ làm cho du khách hiểu hơn những cơn lũ lịch sử ở Huế, hiểu thêm một đời sống văn hóa mùa lũ xứ Huế rất thú vị và nét văn hóa trong cách trị thủy của cha ông xưa cũng như của hôm nay.

Song hành với việc khơi thông dòng chảy là việc đẩy lùi ô nhiễm trên sông Hương. Ô nhiễm đẩy lùi đến đâu chất lượng sống của người dân Huế được nâng cao và hấp dẫn du khách đến đó. Vì vậy, cần có sự khảo sát, đánh giá thực trạng ô nhiễm trên sông Hương, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Đây là việc phải làm, cần làm và có lẽ là tiêu chí số một khi nói Huế là đô thị sinh thái.

Biến hai bờ sông Hương thành “mặt tiền” của Huế. Làm được điều này, du lịch sông nước sẽ trở thành thế mạnh thực sự của du lịch Huế. Lợi thế này nhiều nơi khó sánh được.

LÊ VĂN LÂN
(SH274/12-11)








Các bài mới
Các bài đã đăng