Tạp chí Sông Hương -
Chào 2012: Nối tay muôn phương…
14:39 | 09/01/2012
Thời buổi internet thật tuyệt vời, nói vui theo “teen” kiểu “sát thủ đầu mưng mủ” thì quả là “tiện ích như cú hích”. Với nhà văn, tác phẩm viết ra xong không nhất thiết phải in thành sách, cứ post lên blog cũng có hàng nghìn hàng vạn bạn đọc truy cập, rồi cư dân mạng khắp nơi trên thế giới cập nhật thông tin, coppi, comment bày tỏ quan điểm, phô bày xúc cảm ngay, vui ra phết, chí tình ra phết.
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Báo chí văn nghệ thường không được mời dự các cuộc họp do chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tổ chức, thì có sao đâu, “Giáo sư” Google sẵn sàng cung cấp, rất mực “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Nhà văn yêu quê hương mà muốn viết bài bút ký liên quan đến kinh tế xã hội nơi mình sống cũng có thể tìm ra các số liệu cần thiết bằng cách tìm đến nhờ GS.Google. Bây giờ thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa, việc tìm kiếm thông tin chỉ cần một cú nhấp chuột là đã nối tay muôn phương, cần chi phải được mời họp mới có thông tin này nọ.

Cái bác GS. Google ấy vô tình vô cảm chứ có quen biết chi đâu mà sao ngày càng thân thiết với nhà báo văn nghệ thế...

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Văn nghệ sĩ Huế dâng hoa lên tượng Nguyễn Tất Thành ở Trường Quốc Học nhân kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đi tìm đường cứu nước - Ảnh: LVT

Vừa nhờ GS. Google cho nghe bản nhạc “Nối tay nghìn trùng” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn - vừa hỏi GS một câu: “Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012” ? Ngay lập tức, không quanh co đưa đẩy hay một cửa một dấu hay ra vẻ ban ơn, GS cho đến 1.400.011 câu trả lời. Giữa muôn vàn thông tin ấy, chợt chú ý đến một tệp tin liên quan đến kế hoạch Năm du lịch, mang số 77/KH-UBND của tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo kế hoạch đó thì Năm du lịch quốc gia gắn với Festival Huế 2012 được xác định là một sự kiện văn hóa có tầm quốc tế, sẽ giới thiệu và quảng bá với bạn bè khắp nơi trên thế giới những giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của Việt Nam nói chung, Huế nói riêng. Một trong những mục tiêu của kế hoạch là Thừa Thiên Huế phải tập trung xây dựng cho được một số sản phẩm du lịch có thương hiệu quốc gia và quốc tế thông qua Năm du lịch này. Các hoạt động do Thừa Thiên Huế tổ chức sẽ kéo dài suốt năm đại khái như sau: Chương trình khởi động sẽ tổ chức tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân từ 30/1 đến 6/2/2012. Tiếp đó là Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia và Festival Huế 2012 với chủ đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” diễn ra từ 7 - 15/4/2012.  Từ 4 - 6/5/2012 là Lễ Phật Đản và Lễ hội Hoa đăng Huế. Chương trình khám phá biển và đầm phá sẽ là chuỗi các sự kiện diễn ra trong tháng 4 và tháng 5/2012 với Festival biển 2012 với chủ đề “Về với biển Huế” diễn ra ở Thuận An, Lễ hội “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới” ở Phú Lộc, Lễ hội Sóng nước Tam Giang ở Quảng Điền. Tháng 8/2012 nhằm “tháng bảy vía cha” sẽ là tháng của Lễ hội truyền thống Điện Hòn Chén. Tháng 10/2012 sẽ diễn ra Chương trình khai thác sản phẩm du lịch trong mưa…

*
Nghe mà thấy có nhiều cái thú vị, thấy Huế đang hội nhập và nối tay với bạn bè muôn phương. Hội nhập mà vẫn đầy màu sắc văn hóa Huế.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Poster Festival Huế 2012

Festival Huế năm nay có khác mọi năm. Thứ nhất là nó dời lên trước hai tháng so với các kỳ trước. Thứ hai là nó gắn liền với sự kiện hội nghị các đô thị lịch sử trên thế giới đổ về. Đó cũng là cú nối tay muôn phương đầy sang trọng. Festival Huế 2012 sẽ có các chương trình nghệ thuật Khai mạc, Bế mạc, Đêm Hoàng cung; Lễ tế Nam Giao, Lễ hội Áo dài, Chương trình sân khấu hoá “Thiên hạ thái bình”, Đêm Phương Đông, Lễ hội trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt, Chợ quê ngày hội” và “Hương xưa làng cổ”…

Lễ hội sóng nước Tam Giang nếu được tổ chức thì đây là lần thứ hai. Lần đầu chưa có kinh nghiệm, Quảng Điền làm còn nhiều sạn. Chẳng hạn dù được quảng cáo là lễ hội tổ chức giữa gió trời lồng lộng song vào mới biết là nó nóng quá sức. Các gian hàng trưng bày quá nhỏ, thành ra không thảnh thơi khi đi ngắm các sản phẩm Tam Giang. Vào gian ẩm thực, muốn ăn một món đặc sản địa phương cũng không có ghế ngồi. Muốn mua sản vật địa phương, thì lại thấy la liệt đồ Trung Quốc… May mà cuối cùng mua một mo cơm và một thẩu mắm, gọi là có đi Sóng nước Tam Giang. Rất mong những hạt sạn đó được “nhặt” trong kỳ tới…

Du lịch cùng đặc sản mưa Huế là ý tưởng cực kỳ lãng mạn. Nhưng để du khách cùng lãng mạn với những sợi mưa Huế thì phải làm sao cho cái lãng mạn ấy không bắt người ta gặp phải sự bất tiện như phải chịu ướt át kéo dài chẳng hạn. Ngồi xích lô che bạt đi trong mưa, với cư dân Huế sinh năm 1970 trở về trước, đó là một sự trải nghiệm tuyệt vời, đó là cả một trời thương nhớ, không biết ban tổ chức có hình thành tour ấy không? Bởi cái tiếng mưa rơi ngay trên tấm bạt rất gần đỉnh đầu, rất gần thân thể lành lạnh vì mưa, nó đã gõ vào ký ức dân Huế những ký tự vượt thời gian, vượt cả không gian. Những ký tự tiếng mưa ấy đã trôi theo những vòng bánh xe xích lô chầm chậm, trôi từ xa xưa cho đến tận bây giờ…

*
Các hoạt động của Năm du lịch ấy nằm trong chuỗi của Chương trình phát triển sản phẩm du lịch. Trong đó có việc sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến 2015, định hướng đến 2025, trong đó có quy hoạch phát triển du lịch do Akitek Tenggana – Singapore làm tư vấn. Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao như xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh dựa trên các di sản văn hóa Huế: quần thể di tích Cố đô Huế, các đình chùa, đền miếu có kiến trúc độc đáo, các làng cổ và nhà cổ, Nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế, múa hát dân tộc truyền thống, các lễ hội dân gian...; xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề ở làng hoa giấy Thanh Tiên, đan lát Bao La, cầu ngói Thanh Toàn...; phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở đầm phá, các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trên biển như lướt ván, đi thuyền kayak, lặn biển... tại Chân Mây - Lăng Cô, Cảnh Dương, Đảo Sơn Chà...; du lịch sinh thái ở Sông Hương, Tam Giang với thuyền du lịch mẫu mới...; du lịch gắn với ẩm thực Huế... Tiếp đó, Thừa Thiên Huế sẽ thúc đẩy loại hình du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm); du lịch mua sắm với việc hình thành các phố đêm tài các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu; du lịch cộng đồng...

Thừa Thiên Huế cũng hòa vào các đề án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch mang tính liên quốc gia của các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ; tăng cường khai thác các thị trường khách quốc tế đến từ các nước Asean và Đông Bắc Á, các thị trường truyền thống như Việt Kiều, khách từ Tây Âu, Bắc Âu. Bắc Mỹ, Australia, Nga, CH Séc, các nước SNG cũ...; nghiên cứu thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Mỹ La tinh, Nam Phi, Trung Đông...; khai thác các tour du lịch liên quốc gia từ Thái Lan qua Lào vào miền Trung...

Một điểm đáng chú ý là Thừa Thiên Huế sẽ xúc tiến tổ chức các chuyến bay thử nghiệm Incheon (Hàn Quốc) – Phú Bài; Changi (Singapore) – Phú Bài, mở các đường bay nội địa đến Đà Lạt, Cần Thơ...để nối Huế với một số trung tâm có nguồn khách du lịch lớn…

Nếu thực hiện thành công kế hoạch nói trên, Thừa Thiên Huế sẽ “nối tay nghìn trùng” thêm được nhiều không gian bè bạn hơn. Đó sẽ là những cú nối tay muôn phương đầy màu sắc Huế, mang tính chất đột phá của một Huế khao khát muốn làm nên một Huế mới: thành phố trực thuộc trung ương, trung tâm văn hóa lớn…

Phát triển du lịch tiếp tục là một trong những chương trình trọng điểm của Thừa Thiên Huế trong năm 2012, với mục tiêu: Tạo bước đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực...

*
Chú tâm phát triển du lịch đã từ rất lâu, thế nhưng đến nay du lịch Thừa Thiên Huế vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. “Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2010” của Tỉnh ủy nói thẳng một trong những hạn chế: Tài nguyên về tự nhiên, lịch sử, văn hóa chậm được đầu tư khai thác...

Nhận định đó là rất đúng. Đơn cử một trong những di sản hết sức quý báu của Thừa Thiên Huế là diễn trình của 700 năm hình thành và phát triển nền Văn Học Nghệ Thuật (VHNT), thế nhưng lâu nay các giá trị ấy gần như không được để ý khai thác, nếu không nói là bị bỏ quên.

Nói nền VHNT ấy dài 700 năm là tính từ bài thơ đầu tiên xuất hiện trên phá Tam Giang năm 1354 mang tựa đề “Hóa Châu tác” của Trương Hán Siêu. Từ đó, VHNT xứ Huế có những đặc điểm hết sức đặc trưng. Thử nêu ra vài điểm nhấn: Huế là nơi Nguyễn Du viết Kiều; trung tâm VHNT thời Nguyễn với đặc điểm hết sức đặc biệt là dòng thơ Hoàng tộc; nền văn học Huế có sự đóng góp của các chí sỹ, các nhà cách mạng lỗi lạc (Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…); Huế là nơi khởi phát phong trào Thơ Mới; Huế là nơi khởi phát nền văn học cách mạng với thi ca của Tố Hữu; Huế là nơi xuất hiện đầu tiên các nhà văn nữ phá bỏ rào cản để viết nên những trang viết giải phóng sự ràng buộc của tư tưởng phong kiến (tiêu biểu là Nữ sử Đạm Phương); Huế là nơi từ xưa đã có những vở tuồng diễn hàng tháng trời như “Vạn bửu trình tường”; Huế là nơi sinh ra Ông tổ nghề nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ; Huế là nơi khởi phát tranh sơn mài đầu tiên cả nước với họa sỹ Lê Văn Miếng; Huế là nơi có nhà xuất bản âm nhạc Tinh Hoa cổ súy cho nền tân nhạc Việt Nam phát triển; Huế là cái nôi của âm nhạc Trịnh Công Sơn...

Du lịch Huế đã khai thác được bao nhiêu phần trăm trong số di sản VHNT ấy? Dễ nhận ra là chưa được bao nhiêu. Ngoài ca Huế xuống đò do nhà thơ Võ Quê khởi xướng, còn lại thì có khi chỉ mới là những câu thơ trong tác phẩm “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử và huyền thoại liên quan đến cô giáo Hoàng Cúc được trưng dụng để mời du khách về ăn chè bắp nơi Cồn Hến…

Huế có mật độ dày đặc các địa chỉ di sản VHNT nhưng chưa thấy ai đề xuất đưa vào tuyến du lịch. Trong lúc đó, tại Quy Nhơn, chỉ một ngôi mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng mà người ta cũng tổ chức được một điểm du lịch với hàng ngàn du khách ghé thăm mỗi ngày.

Nhân đây xin nói rằng, các nhà nghiên cứu vừa xác định Đại thi hào Nguyễn Du đã viết Kiều trong một xóm nhỏ vùng Kim Long - Huế. Nên chăng cần gấp rút tổ chức một cuộc hội thảo xác định địa điểm rồi từ đó tổ chức dựng bia kỷ niệm, trước để ghi nhớ Tố Như, sau để muôn người hậu thế đến chiêm bái. Đó không phải là làm du lịch khai thác giá trị của VHNT xứ Huế đó sao?

Đó không phải là cách để Huế thêm phần nối tay muôn phương đó sao?

Đừng để du khách muôn phương hiểu rằng văn hóa Huế chỉ là quần thể di tích triều Nguyễn và ẩm thực Huế như lâu nay báo chí và các báo cáo nhắc đi nhắc lại, phải giới thiệu cho người ta biết Huế còn có bề dày 700 năm Văn Học Nghệ Thuật đã góp phần làm nên một Huế văn vật đầy thơ mộng song cũng đầy trí tuệ. Những giá trị đó còn lớn lao hơn rất nhiều so với quần thể di sản được Unesco công nhận...

Nếu biết trân quý những giá trị VHNT ấy, những giá trị mà từ xưa đến nay đã hun đúc nên tính chất Huế, hun đúc nên tâm hồn con người Huế, thì cái gốc rễ vững bền của văn hóa Huế mới không bị bào mòn. Huế từ xưa đã trở thành một trung tâm văn hóa lớn cũng là nhờ những giá trị đó.

Một bảo tàng cho văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế với chiều dài 700 năm vừa bắt đầu được giới văn nghệ sỹ khởi động với Hội thảo “Giá trị văn học Thừa Thiên Huế - những định hướng bảo tồn”. Liên hiệp Các Hội VHNT Thừa Thiên Huế cũng đang xúc tiến một cuộc hội thảo đánh giá các giá trị của VHNT Thừa Thiên Huế trong dòng chảy văn hóa Huế, mục đích là để tạo những bước khởi động đầu tiên cho việc tiến tới xây dựng một bào tàng VHNT Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, bảo tàng này mới chỉ được giới văn nghệ sỹ đề đạt mà chưa được đưa vào tầm ngắm phát triển của lãnh đạo tỉnh nhà, cho dù là tầm ngắm dài đến năm 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Quả là một điều hết sức
đáng tiếc.

Lâu nay, văn nghệ sỹ xứ Huế, theo sáng kiến của Tạp chí Sông Hương, kể từ năm 2009, mỗi mùa xuân đều lặng lẽ thực hiện chương trình “Ngày xuân viếng mộ thi nhân”. Đó thật sự là một tour du lịch tâm linh độc đáo. Ban đầu thì chỉ một nhóm anh em văn nghệ sỹ. Về sau còn có các em học sinh tham gia. Năm vừa rồi lại có thêm các nhà văn nhà thơ từ hai đầu đất nước cùng về. Những người hành hương lần lượt viếng mộ các bậc tiền bối anh hùng hào kiệt, thi tài đang nằm giữa đất trời xứ Huế. Đó cũng là cách nối tay nghìn trùng, nối tay muôn phương của thi ca Huế...

Mở đầu năm mới 2012, Liên Hiệp Các Hội VHNT TT Huế đã có sáng kiến tổ chức Tuần lễ Tôn vinh các giá trị Văn Học Nghệ Thuật TT Huế, với chủ đề “Văn Học Nghệ Thuật đồng hành cùng di sản”. Trong các ngày đầu năm mới sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh: Âm nhạc đường phố, Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, Sân khấu Hài... Đặc biệt, đêm 1/1/2012, Đêm Tôn vinh Văn Học Nghệ Thuật TT Huế sẽ được truyền hình trực tiếp... Và tháng 3.2012, Hội thảo “Vai trò của văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế- nhìn lại và phát triển” sẽ được tổ chức với quy mô cao, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong bất cứ nền văn hóa của vùng đất nào, đóng góp của VHNT là rất quan trọng. Riêng với vùng đất Thừa Thiên Huế, VHNT với đặc điểm là nơi khởi phát của các trào lưu sáng tác mang tính chất quốc gia, VHNT xứ Huế càng đóng vai trò lớn trong dòng chảy văn hóa xứ Huế nói riêng, trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Vì vậy, đánh giá vai trò của VHNT Huế trong dòng chảy văn hóa Huế qua các thời kỳ từ Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế để từ đó thử dự báo hướng phát triển của nền VHNT trong tương lai là điều cần làm. Một vấn đề khác, trong lúc giới văn nghệ sỹ trong và ngoài nước đang nóng lòng xây dựng cho được bảo tàng VHNT Thừa Thiên Huế, thì việc xác định các giá trị của văn học nghệ thuật xứ Huế lại càng bức thiết hơn...

Đó là những khởi động hết sức ý nghĩa, sẽ đem lại một sắc thái mới cho không khí VHNT vùng đất thi ca.

*
Trên dòng Hương Giang, ngày xưa Đại thi hào Nguyễn Du hạ bút:

“Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu”

Trong một mái nhà nơi xóm nghèo Kim Long - Huế, tác giả Truyện Kiều cũng từng tự thán:

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?”

Những câu thơ của Tố Như vẫn mãi còn ứa lệ giữa đất trời xứ Huế, mãi còn níu kéo bao trái tim hậu thế tìm về.

Một câu thơ có thể nối tay hàng triệu tâm hồn, một nốt nhạc có thể nối tay hàng triệu trái tim... Nối tay nghìn trùng, nối tay muôn phương không thể bỏ qua những giá trị mà Văn Học Nghệ Thuật đã để lại trên xứ sở thi ca Huế bên dòng “ Trường Giang như kiếm lập thanh thiên” (Sông dài như kiếm dựng trời xanh) như nhà thơ Cao Bá Quát đã từng đề thơ lên sóng nước trong cuộc đời chỉ biết có cúi lạy hoa mai...

HỒ NGUYÊN TRƯỜNG
(SH275/1-12)







Các bài mới
Các bài đã đăng