Tạp chí Sông Hương -
Nguyễn Huy Thiệp viết… kịch bản chèo!
14:57 | 04/02/2012

Lần đầu tiên, tác giả của “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Bộ ba truyện lịch sử”, “Những ngọn gió Hua Tát”… sẽ thể nghiệm với một thể loại hoàn toàn mới: kịch bản chèo. Tại đây, độc giả còn có cơ hội chiêm ngưỡng một Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn mới với thơ lục bát.

Nguyễn Huy Thiệp viết… kịch bản chèo!
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

 “Vong Bướm” là tên cuốn sách sắp được xuất bản của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cuốn sách bao gồm hai kịch bản chèo mang tên “Vong Bướm” (hay “Sự tích chàng nghệ sỹ” và “Truyền thuyết tìm vua” (Hay sự tích Chúa Chổm).

“Vong Bướm” là câu chuyện lấy cảm hứng từ cuộc đời và tác phẩm của thi sĩ Nguyễn Bính và nhiều văn nghệ sĩ khác đương thời. Nhân vật chính của câu chuyện là Điệp Lang, một nhân vật xuất thân từ nông thôn, bỏ quê đi ra thành phố, hướng về lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ, thứ vừa là biểu tượng của sự tiến bộ nói chung nhưng mặt khác cũng là một sự tha hoá về tinh thần và đạo đức. Lên chuyến tàu định mệnh, Điệp Lang ký khế ước với Ma vương, làm bạn cùng bốn con quỷ đầy cám dỗ là “tửu, sắc, yên, đổ”, vượt qua bốn ngọn núi Sinh, Lão, Bệnh, Tử để đến với ánh sáng của Chân - Thiện - Mỹ.

“Đi mà không đến là Tây trúc. Đến mà không được ấy Đào nguyên”, Điệp Lang đã thực hiện dang dở lý tưởng của mình. Bi kịch của Điệp Lang cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc: tất cả chúng ta đều đang trên đường hoàn thiện lý tưởng về Chân - Thiện - Mỹ, cũng là lý tưởng của mọi hình thái sự sống trên cõi đời này.

Sau “Vong Bướm”, “Truyền thuyết tìm Vua” được viết trên cảm hứng về cuộc đời chúa Chổm, một nhân vật đặc biệt ở trong lịch sử. Cuối thế kỷ XVI ở Việt Nam, nhà Lê (nhà Lê sơ – do Lê Lợi lập ra vào năm 1527) sau 100 năm tồn tại ngày càng suy đồi. Đến đời vua Lê Chiêu Tông (1616) xã tắc rối ren, Mạc Đăng Dung lạm quyền, vua phải bỏ chạy ra ngoài cung điện. Tương truyền khi chạy ra ngoài, bị giam cầm, Lê Chiêu Tông gặp gỡ với một cô bán rượu ở làng Lủ, huyện Thanh Trì và truyền lại ấn tín, sau này sinh ra Lê Duy Ninh hay Lê Duy Huyến tức chúa Chổm.

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, Hưng quốc công Nguyễn Kim tập hợp các công thần nhà Lê giương cao ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” lập căn cứ ở biên giới Thanh Hoá - Sầm Nưa. Hai cha con Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đã tìm ra chúa Chổm tôn phò làm vua, mở ra thời kỳ lịch sử Lê trung hưng (tồn tại 255 năm với 16 đời vua, từ vua Lê Trang Tông tức chúa Chổm đến Lê Chiêu Thống).

Trong chuyện đời chúa Chổm thú vị ở chỗ hai yếu tố truyền thuyết dân gian và sự thật lịch sử hoà quyện với nhau. Cách đánh giá nhân vật lịch sử này rất khác nhau. Trong kịch bản này, tác giả nhấn mạnh ý nghĩa của việc tìm Đạo dưỡng Chân “buông thân thể bỏ thông minh” hơn là việc cố ý đi tìm một vị hoàng đế có hấp lực cụ thể ở trong lịch sử. Số mệnh chúa Chổm hiển nhiên ở ngôi chân mệnh đế vương. Điều mà Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi gắm đến người xem nghệ thuật là cảm nhận cuộc sống cho chính mình: “Hơn cả sân khấu, hơn cả mọi hình thức nghệ thuật nói chung, đấy là nghệ thuật cảm nhận của mỗi chúng ta về “cái đang là” hôm nay, bây giờ, trong khoảnh khắc này”.

Nói về sự ra đời của “Vong Bướm”, Nguyễn Huy Thiệp cho biết, ông đam mê chèo từ thuở nhỏ. Sau này, trở thành nhà văn, ông vẫn luôn để tâm đến loại hình nghệ thuật truyền thống này, mà đặc biệt là phần kịch bản mà người xưa hay gọi là “thân trò” hay “tích trò”. Tuy nhiên, theo thời gian thì chèo, thứ “đặc sản văn hóa có một không hai của văn minh Đồng Bằng Bắc Bộ” này đang dần bị mai một, bị “dung tục hóa”: “Đa số phần lời trong các ca từ chèo gần đây chỉ là vần vè, vớ vẩn, vô vị, không có tư tưởng và vì thế không còn hấp dẫn đối với người xem”. Bởi vậy, “Vong Bướm” ra đời, như một sự lưu giữ truyền thống. Viêt kịch bản chèo, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng lục bát làm phương tiện truyền đạt, bởi theo ông: “Thơ - ở Việt Nam, trước hết phải là lục bát. Nó cũng giống như xon-nê ở Pháp, hai-ku ở Nhật, tứ tuyệt, thơ Đường…ở Trung Quốc. Nó là thể thơ mang dân tộc tính rất cao. Lục bát còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước ta còn”.


Đồng thời, tác giả cũng hy vọng những kịch bản này sẽ sớm đến tay những người biết cách sử dụng và dàn dựng nó trên sân khấu: “Được như vậy, gọi là “nhân duyên tương phùng”, cũng gọi là “đến bờ bên kia” hay “đáo bỉ ngạn””.

Theo thông tin từ công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, ngày 5.2 tới, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ ký tặng sách cho độc giả yêu văn học. Sự kiện này được tổ chức nhân dịp Ngày Thơ Việt Nam và ra mắt tác phẩm “Vong Bướm” – thể nghiệm mới nhất của Nguyễn Huy Thiệp

                                                                                                                          Theo Thu Thủy - LĐO

 

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng