Tạp chí Sông Hương -
TÍNH LIÊN VĂN HÓA - MỘT THÁI ĐỘ GIÁO DỤC
13:27 | 28/02/2012

Vào buổi bình minh của thời Cận đại (thế kỷ 16-18), có hai nhà tư tưởng lớn người Pháp chủ trương hai con đường khác nhau và đều gây ảnh hưởng sâu đậm đến ngày nay

1. Sự kiện và sự kiện văn hóa

Vào buổi bình minh của thời Cận đại (thế kỷ 16-18), có hai nhà tư tưởng lớn người Pháp chủ trương hai con đường khác nhau và đều gây ảnh hưởng sâu đậm đến ngày nay. Một ông là Michel de Montaigne. Với ông, con đường có mục đích tự thân; đi để mà đi, thế thôi. Ông viết: “Nếu tôi lỡ bỏ qua một cảnh đẹp đáng nhìn? Thì tôi cứ quay lại, đàng nào cũng nằm trên con đường đi của tôi thôi mà! Tôi chẳng việc gì phải bám vào một con đường có sẵn, dù đó là đường thẳng hay đường cong”[1]. Ông không chờ đợi một sự “tiến bộ” theo đường thẳng, nếu phải vì thế mà bỏ qua bao cỏ lạ hoa thơm. Tác giả của bộ Essais (1580) nổi tiếng chấp nhận và thích thú với đường vòng.

Ông kia, René Descartes, thì lại rất ghét những ai “không bao giờ biết giữ vững một con đường để đi thẳng đến đích”[2]. Tác giả cũng lừng danh không kém của Discours de la Methode / Luận văn về Phương pháp (1637) chủ trương: nếu bị lạc trong rừng rậm thì phải chọn một con đường - bất kể theo hướng nào - rồi cương quyết đi thẳng cho tới khi thấy ánh sáng. Ông tin vào “phương pháp” có giá trị siêu-thời gian, siêu-kinh nghiệm, hay nói ngắn, ông không thích đường vòng. Với Descartes, “rừng rậm” là hình ảnh của cái xa lạ, nguy hiểm, thù địch; còn sự “vững chắc của nhận thức” là kết quả của việc loại trừ hết những thứ đó, nhờ vào “Phương pháp”. Không lạ gì khi quyển Essais có tính đối thoại, “biện chứng” (dialogic), còn quyển Discours có tính chặt chẽ, quy luật (nomologic). Một bên chuộng việc “lý giải” những cái mới mẻ, bất ngờ, bên kia yên tâm “áp dụng” thành tựu có sẵn của phương pháp. Một bên quan tâm đến nhu cầu định hướng của con người cụ thể, bên kia sẵn sàng chấp nhận sự “cào bằng”, hy sinh hiện hữu cá biệt cho tri thức có phương pháp.

Là môn đồ của trường phái Descartes, Émile Durkheim, một trong các ông tổ của xã hội học hiện đại, xem những sự kiện xã hội (faits socials) như những sự vật (comme des choses), vì, để bảo đảm tính khách quan của nhận thức khoa học xã hội, sự kiện xã hội phải có một đời sống riêng, độc lập với những biểu hiện cá nhân, và được tái hiện trên cơ sở một tính thuần lý siêu cá nhân (“une existence propre: indépendente de ses manifestations individuelles”)[3]. Thế nhưng, cách hiểu ấy lại hầu như ngược hẳn với bản chất của sự kiện văn hóa. Sự kiện, tự nó, là vô nghĩa, trong khi sự kiện văn hóa là cái gì có ý nghĩa. Nhận ra trong chuỗi âm thanh (“sự kiện”) một giai điệu, đó là văn hóa. Bảy trăm cảnh sát bảo vệ năm cây anh đào ở Hà Nội mấy ngày vừa qua, tuy thật mỉa mai, cũng là văn hóa: năm cội anh đào không phải chỉ là… năm cái cây! Giống như mọi sự ẩn dụ, văn hóa chỉ có mặt khi một cái gì đó vượt ra khỏi chính nó, khi hình dung ra được cái không phải là bản thân nó. Chính ý nghĩa hay tầm quan trọng mới biến một sự kiện thành một sự kiện văn hóa (fait culturel) và khêu gợi nhu cầu lý giải. Không có lý giải, tức, không có cảm nhận, giải lý, phê phán, ắt không có các định chế giáo dục, không có văn hóa. Nghiên cứu văn hóa là đến với những “thành quả” như đến với những hiện tượng mà tầm quan trọng của chúng sẽ mất đi nếu không xét đến phần tham dự của con người. Nói cách khác, sự kiện văn hóa khác với sự kiện trần trụi chính là ở chỗ: văn hóa là ẩn dụ, tức là đường vòng.

Thêm vào đó, các thảm trạng của thế kỷ XX (chiến tranh, bạo lực, độc tài, nghèo đói, dốt nát…) càng làm cho các câu hỏi trở nên trầm trọng: tình trạng ấy còn kéo dài đến bao giờ? Còn lún sâu đến đâu nữa? Tri thức và hạnh phúc - giấc mơ và khẩu hiệu từ Thế kỷ Ánh sáng Âu Châu – kết hợp với nhau như thế nào? Và trước hết: đi về đâu một nền văn hóa không chỉ cho phép mà còn khuyến khích phân chia thế giới thành “của ta” và “của họ”, thành bạn và thù, thành ưu việt và thấp kém?

Các câu hỏi ấy là động lực cho sự hình thành một bước ngoặt văn hóa (cultural turn), xuất phát từ một nhận thức thật đơn giản mà kinh hoàng: nền văn hóa rất mong manh và có thể tiêu vong. Không chỉ những nền văn hóa riêng lẻ đã và đang chết do hậu quả của chủ nghĩa thực dân mà nền văn hóa nói chung, như tổng thể của thế giới do con người tạo ra và ban cho nó ý nghĩa: “nếu trước kia con người sợ mãnh lực tự nhiên tiêu diệt thì bây giờ sợ trước thế giới do chính mình kiến tạo nên”[4]. (Adorno: “sau Ausschwitz, không thể làm thơ được nữa và mọi “văn hóa” trở thành rác rưởi!”. Ta có thể thêm: sau “Cách mạng văn hóa”, sau “chế độ Pol Pot”, sau, sau…). Không hề cường điệu những nguy cơ để rơi vào một thuyết bi quan về văn hóa, các nhà tư tưởng hàng đầu trên thế giới (mà tiên phong là các nhà triết học văn hóa) đang nỗ lực tìm lối thoát. Thay vì tiếp tục nuôi dưỡng ảo tưởng đi tìm một “vương quốc” của cái trực tiếp; cái nguyên thủy hay cái tuyệt đối ở đàng sau hay phía bên kia thế giới của những hình thức biểu trưng hay những hiện tượng văn hóa như trước đây, người ta đang hướng mắt vào những hiện tượng, những ý nghĩa, những giá trị, những hình thái văn hóa hiện thực của bản thân thế giới này. Thay vì phải chọn lựa giữa con đường thong dong (nhưng có thể lạc lối!) của Montaigne và sự hiệu quả của con đường thẳng (nhưng mang tính độc quyền và độc tôn) của Descartes, có lẽ con người hiện đại sẽ chọn những con đường vòng để sống còn, vốn dành cho những thân phận hữu hạn, không biết nhưng không mất hy vọng ở tương lai. Văn hóa - theo nghĩa từ nguyên của chữ cultura là vun trồng, nuôi dưỡng – cho thấy: thực tại bao giờ cũng có thể do con người kiến tạo nên, và chính văn hóa sẽ cung cấp những tiêu chuẩn cho việc con người khai phá, bảo vệ và mạnh bước tiến vào những con đường vòng. Văn hóa chỉ ra đời khi không có hay không còn những thúc ép của cơm áo, thời thế, khi hận thù, sợ hãi được gác lại; nói ngắn, khi thực tại được nhìn bằng một cách nào đó để cho sự cởi mở, sự tò mò và lòng khao khát cái mới có vị trí xứng đáng của chúng. Khi bảo rằng con người là một “sinh vật văn hóa”, ta không suy tưởng theo giác độ nhân học cho bằng theo giác độ triết học văn hóa. Thật thế, sự “ranh mãnh” của lý tính con người được hiện thực hóa như là văn hóa, chứ không phải ở trong lịch sử như cách nghĩ của Hegel! Sau sự sụp đổ của mọi thứ “biện thần luận” (mang màu sắc tín ngưỡng hay thế tục) hứa hẹn một sự hòa giải toàn diện, con người còn một niềm an ủi - nhỏ bé nhưng quý giá - đó là: kỳ cùng, thông qua những chủ đề và những luận điểm của triết học văn hóa, ta sẽ đi tới kết quả: ta có thể đi những con đường vòng. Một trong những con đường vòng ấy là tính liên-văn hóa trong một thế giới ngày càng nhỏ bé và gần gũi.

2. Tính liên-văn hóa (Interculturality): yêu cầu của thời đại

Đi liền với tiến trình toàn cầu hóa, “liên-văn hóa” đang trở thành một chủ đề thời sự, và bắt đầu được thiết lập như một ngành học “hàn lâm” hẳn hoi[5]. Khuôn khổ một bài báo chỉ cho phép giới thiệu thật ngắn gọn.

Liên-văn hóa, như một môn học, được xét ở bốn viễn tượng: triết học, tôn giáo, chính trị và giáo dục.
• trong viễn tượng triết học, liên-văn hóa là một thái độ, một tinh thần và một sự thức nhận rằng mọi thành tựu của tư tưởng nhân loại đều là những biến thái của một philosophia perennis (“triết học vĩnh cửu”), trong đó sự tương đồng giữa các câu hỏi quan trọng hơn sự dị biệt giữa các câu trả lời, từ đó ngăn chặn việc biến một truyền thống hay một hình thái triết học nhất định thành hình thái tuyệt đối như là định nghĩa duy nhất cho chân lý triết học. Với nhận thức ấy, có lẽ đã đến lúc cần phải viết lại một bộ lịch sử tư tưởng, - và nói riêng, một lịch sử triết học - của nhân loại.
• trong viễn tượng tôn giáo, tính liên-tôn giáo là tên gọi khác của tính liên-văn hóa, bởi một religio perennis / sanatara dharma (“tôn giáo vĩnh cửu”) cũng mang nhiều tấm áo tín ngưỡng khác nhau. Tất nhiên, bản thân tính liên-tôn giáo không phải là một tôn giáo để người ta tin theo. Nhưng, đó là một thái độ khiến ta cởi mở và khoan dung. Ngoài ra, nó cũng giúp ta tránh được mọi cám dỗ của óc cuồng tín tôn giáo và thuyết “bảo căn” (fundamentalism).
• trong viễn tượng chính trị, tính liên-văn hóa cũng là một tên gọi khác của tinh thần cộng hòa-dân chủ, không chấp nhận bạo lực và sự độc quyền thống trị.
• trong viễn tượng giáo dục - và đây là viễn tượng quan trọng nhất -, thái độ, tinh thần và sự thức nhận liên-văn hóa về cả ba viễn tượng trên cần được dạy và học trong gia đình và xã hội, từ nhà trẻ cho đến đại học, trong tư tưởng lẫn hành động. Chỉ có như thế mới hy vọng sớm ngăn chặn tư tưởng cục bộ, toàn thủ (integrism), vị chủng, bởi một khi chúng đã chiếm lĩnh vũ đài thì mọi nỗ lực giáo dục đều đã trở nên quá muộn.
 

                                        theo Bùi Văn Nam Sơn - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tháng

 

Các bài mới
Các bài đã đăng