Tạp chí Sông Hương - Số 161 (tháng 7)
Cha mẹ tôi - những người Huế
09:16 | 28/08/2008
ĐẶNG NHẬT MINHCha mẹ tôi là những người Huế. Quê nội tôi ở An Cựu và quê ngoại ở làng Lại Thế. Tôi nghe bà tôi kể: đám cưới cha mẹ tôi là một đám cưới chạy tang.

Mẹ tôi đã khóc rất nhiều trước khi về nhà chồng để rồi không lâu sau trở lại nhà mình để chịu tang cha. Phải chăng vì sự khởi đầu như vậy nên cuộc sống chung của hai người vui ít buồn nhiều. Chắc chắn cha mẹ tôi đã có những ngày rất hạnh phúc bên nhau, nhưng những ngày ấy rất ngắn ngủi. Sau khi cha tôi quyết định lên đường sang Nhật du học, đi theo tiếng gọi của lý tưởng khoa học, là bắt đầu những chuỗi ngày xa cách chia ly. Tôi thuộc Chinh phụ ngâm trước khi biết Truyện Kiều là do mẹ tôi, bà hay đọc cho tôi nghe từ nhỏ. Lớn lên tôi biết thêm rằng con người ta còn có những lý tưởng khác nữa như: Giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, không có người bóc lột người v.v... Lý tưởng nào cũng đòi hỏi sự hy sinh và nỗi cô đơn của người phụ nữ. Về sau tôi hiểu thêm: lý tưởng cũng như tôn giáo, nó còn đòi hỏi một sự sùng tín nữa, hy sinh không chỉ bản thân mình mà cả những người thân xung quanh mình. Cha mẹ tôi là một trong muôn vàn thí dụ về sự hy sinh như thế.
Những năm 40, việc một người phụ nữ trẻ, ôm một nách 3 con, con nhỏ nhất mới hơn một tuổi, vừa nuôi con vừa hầu hạ bố mẹ chồng, sống cô đơn ròng rã suốt 7 năm trời là một chuyện hy hữu. Sau này trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc vợ chồng xa cách nhau, kẻ Bắc người là chuyện thường tình. Có lẽ chưa ở đâu trên thế giới có nhiều phụ nữ chờ chồng như ở ta. Vợ chờ chồng 10 năm, 20 năm, 30 năm... Mẹ tôi chờ chồng 7 năm, nhưng 7 năm ấy đối vời bà là một chuỗi ngày dài đằng đẵng. Còn đối với tôi 7 năm ấy là cả một miền ký ức vô tận của tuổi thơ...
Ngày ấy, sau khi cha tôi lên đường du học, mẹ tôi cùng 3 anh em chúng tôi về sống trong ngôi nhà nội tôi tại An Cựu. Tôi chỉ còn giữ lại trong ký ức hình ảnh ông nội tôi như một ông đồ nho đầu búi tó củ hành. Quanh vùng người ta gọi ông là ông Khoá. Có nghĩa ông tôi suốt đời vẫn là một anh học trò... chẳng đỗ đạt bằng cấp gì. Dầu sao được gọi như vậy cũng coi như được xếp vào hạng người có học trong xã hội rồi. Nghe nói ông tôi đã nhiều lần đi thi nhưng không thành, phẫn chí quay ra làm giầu bằng con đường phi thương bất phú và rồi... ông tôi giầu thật, giầu nhất vùng An Cựu. Ông tôi quyết chí làm giầu cốt để có tiền nuôi con ăn học, sau này đỗ đạt thành người, rửa cái hận thi cử bất thành của mình. Gọi đó là lý tưởng của ông tôi cũng được. Mà khởi đầu có gì đâu? Chỉ là một sạp hàng trong chợ An Cựu của bà nội tôi. Cơ ngơi chỉ có thế: một cái sạp hàng bán vải. Bây giờ mỗi lần về thăm nhà đi qua chợ An Cựu tôi không khỏi cười thầm khi nghĩ: kể từ thời bà nội tôi cho đến nay dễ hơn một thế kỷ, gia đình tôi không lúc nào không có một sạp hàng trong chợ đó. Mẹ tôi một dạo cũng từng ngồi bán vải trong đó và bây giờ con gái ông anh con bác tôi đang ngồi trong đó, cũng bán vải. Có cảm tưởng như gia đình tôi có duyên nợ nào đó từ kiếp trước với cái chợ này, để đến bây giờ cái biển đường phố mang tên cha tôi cứ suốt ngày đau đáu nhìn sang phía cổng chợ. Trong cuộc đời đầy dâu bể con người ta đôi khi cũng cần bấu víu vào những cái gì đó bất biến, không đổi thay. Mà những cái đó thì trong gia đình bên nội tôi có nhiều lắm. Đó là nề nếp của một gia đình theo khổng giáo, lấy chữ hiếu làm đầu, tự bao đời nay được coi là nền tảng bất di bất dịch trong cái thế giới thu nhỏ này. Ông nội tôi mất đi, đến lượt bác tôi, bác tôi mất đi đến lượt anh cả con bác tôi... hết lớp người này đến lớp người khác bền bỉ duy trì nếp sống đó trong gia đình hệt như những vận động viên chạy tiếp sức truyền nhau một ngọn đuốc. Xin đơn cử một việc mà tôi được chứng kiến từ hồi còn nhỏ đó là lệ cúng trà vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Từ ngày ông nội rồi bà nội tôi mất, bác Kế tôi, ngày nào cũng như ngày nào đều đặn đạp xe lên thắp hương cúng trên mộ ông bà tôi rồi mới đến trường Quốc học làm việc (bác tôi là giám thị lâu năm nhất của trường này). Chiều tan việc xong lại đạp xe lên mộ thắp hương trước khi về nhà. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông bền bỉ giữ trọn đạo hiếu đối với cha mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Bây giờ đến lượt anh cả con bác tôi, và rồi sẽ đến lượt con ông anh tôi... chắc chắn là như vậy. Những ngôi mộ trong nghĩa trang họ Đặng mỗi năm một nhiều thêm và việc hương khói vẫn thế, không hề sao nhãng.
Từ Vỹ Dạ rẽ phải đi qua cầu ông Thượng về làng Lại Thế là đến quê ngoại tôi. Ông ngoại tôi làm Thượng thư dưới triều đình Khải Định. Ông tôi đã xây chiếc cầu này nên cầu có tên là cầu ông Thượng. Ông ngoại tôi có bốn bà, nhưng tôi chỉ biết có bà Ba và bà Tư, hai bà trước qua đời khi tôi còn chưa đẻ. Mẹ tôi là con bà Ba. Mỗi lần được về bên ngoại đối với tôi thực sự là những ngày hội. Chúng làm xáo động cuộc sống bình lặng của tôi trong những ngày sống ở bên nội. Tôi được về với đồng quê, được ngửi mùi thơm của rơm rạ, được sống trong một không gian khác hẳn khung cảnh phố phường ở An Cựu. Các dì các cậu tôi nhiều lắm. Chỉ riêng con bà Ba và Bà Tư cũng đã có tới mười ba người. Ai cũng chiều chuộng, yêu thương tôi. Có một điều tôi không cắt nghĩa nổi tại sao xuất thân trong một gia đình đại quan lại và phong kiến như vậy mà các dì các cậu tôi đều tham gia vào các tổ chức bí mật của Việt Minh hoạt động trong nội thành. Cứ mỗi lần có dì hoặc cậu nào bị bắt là mẹ tôi lại đến Cung An Định xin Bà Từ Cung can thiệp với Sở mật thám Pháp để họ tha cho. Hẳn là mẹ tôi đã bịa ra đủ thứ lý do để làm mủi lòng bà Hoàng Thái hậu vốn còn chút tình nghĩa với gia đình quan thượng thư ngày nào. Rồi các dì các cậu tôi được tha về để lại tiếp tục hoạt động và rồi lại bị bắt. Tôi không biết mẹ tôi đã xin cho các dì cậu tôi bằng cách như vậy được mấy lần rồi thôi. Tôi chỉ nhớ một hôm mẹ tôi mặc quần áo sạch sẽ cho tôi rồi dắt tôi đi theo vào Đại Nội. Qua rất nhiều tầng cửa có lính gác, cuối cùng mẹ tôi dắt tôi đi dọc theo một dẫy xà lim dài... dừng lại bên một khung cửa vuông nhỏ. Một gương mặt hốc hác bầm tím hiện ra sau ô cửa. Tôi giật mình nhận ra cậu Long em mẹ tôi. Tôi đau nhói trong tim nhưng không khóc được. Mẹ tôi đưa qua ô cửa những ổ bánh mỳ cùng thức ăn khô, hỏi han cậu tôi. Cậu tôi cố gượng cười để mẹ tôi yên lòng, rồi cúi xuống nhìn tôi. Hơn 50 năm qua ánh mắt ấy, gương mặt sau ô cửa xà lim ngày ấy vẫn còn ám ảnh tôi, theo suốt cả cuộc đời tôi. Đối với tôi đó là gương mặt của Lương tâm, của Phẩm giá và Nhân cách.
Tuổi thơ tôi cứ như vậy trôi đi giữa hai miền nội ngoại - An Cựu và Lại Thế. Hết 4 năm tiểu học ở Trường An cựu tôi vào Trường Khải Định, đã bắt đầu biết ngẩn ngơ nhìn sang tường bên kia Trường Đồng Khánh mỗi khi tan trường. Chẳng có gì biến động lớn lao ngoại trừ cái đêm toàn quốc Kháng chiến nổi lửa đốt khách sạn Morin sáng rực cả một góc trời. Rồi những ngày lênh đênh trên thuyền cùng bên ngoại tản cư ra tận Phá Tam Giang, mà đối với tuổi thơ vô tư của tôi như một cuộc du ngoạn dài. Mặt trận Huế vỡ, gia đình ngoại tôi lại trở về Lại Thế, trở thành cơ sở bí mật của Thành uỷ Thuận Hoá, còn mẹ con chúng tôi lại trở về bên nội. Tôi lại tiếp tục đi học. Nhưng cuộc sống tưởng chừng bất biến ấy đã một lần xáo động, xáo động đến nỗi không một ai trong gia đình tôi dù có giầu tưởng tượng đến mấy cũng không thể ngờ tới.
Đó là vào một buổi tối năm 1950... một người đàn ông đến tìm gặp mẹ tôi tại nhà với vẻ mặt đầy bí ẩn. Tôi nhận ra người đó là bác thợ cạo vẫn ngồi dưới gốc cây đa trước Miễu Đại Càng, nơi tôi thường hay ra cắt tóc. Người đàn ông đó gặp mẹ tôi chưa đầy 5 phút rồi cáo lui. Ông đến rồi đi như một cái bóng. Về sau tôi mới biết rằng đêm đó người thợ cắt tóc, một cơ sở bí mật trong thành phố, đã chuyển đến tận tay cho mẹ tôi một bức thư của cha tôi viết từ chiến khu Việt Bắc. Tôi không được chứng kiến giây phút đó nhưng có thể hình dung hết được sự ngạc nhiên mừng rỡ như thế nào của mẹ tôi khi bà nhận ra nét chữ quen thuộc của chồng mình sau hơn một năm bặt vô âm tín. Thì ra ông không còn ở Nhật nữa. Ông đã trở về vùng tự do theo kháng chiến và bây giờ đang nóng lòng chờ gặp mẹ tôi cùng 3 anh em chúng tôi. Điều bất ngờ nhất đối với họ hàng trong gia đình tôi là việc cha tôi, một người chỉ biết có kính hiển vi và phòng thí nghiệm, bỗng nhiên đi theo Việt Minh, theo kháng chiến. Còn mẹ tôi hẳn không băn khoăn lắm về điều đó. Bà chỉ nóng lòng chờ cơ sở bí mật đến bắt liên lạc để tổ chức vượt thành, đi gặp chồng. Cơ sở bí mật được giao làm việc đó không phải ai khác chính là cậu tôi, người mà mẹ tôi và tôi đã từng đi thăm trong xà lim Đại Nội ngày nào. Vậy là vào một ngày đã định, mẹ tôi cùng 3 anh em chúng tôi xin phép ông bà cùng họ hàng bên nội, lên một chiếc xe kéo để về quê ngoại ăn kỵ. Thực ra không có kỵ giỗ nào cả. Ngay khuya hôm ấy 3 du kích địa phuơng đến đón bốn mẹ con chúng tôi đi. Tôi và mẹ tôi đi bộ còn hai em gái tôi có người cõng trên lưng. Trong đêm tối chúng tôi lẳng lặng đi theo sau những người dẫn đường. Một lần chúng tôi phải dừng lại nằm chờ bên một con đường nhựa, cách không xa một lô cốt địch. Chúng tôi giữ im lặng tuyệt đối để rồi lát sau chạy vụt qua đường khi có người ra hiệu. Tảng sáng chúng tôi đã đến bên bờ một con suối rộng. Bên kia là chiến khu Dương Hoà, vùng tự do của ta. Nhưng từ đây đến Việt Bắc, chỗ cha tôi ở còn xa lắm. Phải 3 tháng sau mới có cuộc trùng phùng. Mẹ tôi được trang bị một giấy giới thiệu của Ủy ban Kháng chiến Tỉnh Thừa Thiên với nội dung: Bà Tôn Nữ Thị Cung trên đường đi gặp chồng là bác si Đặng Văn Ngữ  đề nghị các cấp địa phương hết lòng giúp đỡ. Mẹ tôi giữ nó trong người như lá bùa hộ mệnh. Cứ từng chặng giao liên một, mẹ tôi lại chìa lá bùa đó ra. Địa phương lại cử dân quân dẫn đường và địu 2 em gái tôi (một lên 8 và một lên 10) đi tiếp. Tôi sẽ không kể ra đây về những ngày trèo đèo lội suối qua Liên u Ba Rền để ra Khu IV, rồi từ Khu IV ra Việt Bắc của mấy mẹ con chúng tôi vì đó là chuyện quá quen thuộc đối với bất cứ người nào đã qua hai cuộc kháng chiến. Nhưng đối với mẹ tôi và ba anh em tôi ngày ấy là một chiến công. Tôi còn nhớ như in giây phút khi cha mẹ tôi gặp nhau bên bờ suối ở Chiêm hoá, tỉnh Tuyên Quang, sau 7 năm xa cách. Cha tôi từ trên đồi chạy xuống còn mẹ tôi thì quay lưng đi, lội dọc theo con suối nhỏ... Bà đã mong đợi bao lâu giây phút này nhưng khi nó đến thì bà lại không đủ can đảm để đón nhận nó. Bà đã quá mệt mỏi vì đợi chờ, vì lặn lội đường xa... vì đủ mọi gian truân vất vả không thể nào kể xiết trong những ngày xa cách.
Tiếp theo là những ngày hạnh phúc của sum họp, đoàn viên. Cha tôi mải mê với công việc chế tạo ra nước lọc Penicilline để cứu chữa những vết thương cho bộ đội ngoài mặt trận, giảng dậy cho khoá sinh viên 52 của Trường Y khoa kháng chiến. Để được gần gũi cha tôi nhiều hơn mẹ tôi vào làm xét nghiệm viên trong phòng bào chế Penicilline của cha tôi.
Cha tôi là người Huế, thành phần Tiểu tư sản trí thức. Mẹ tôi là người Huế, thành phần quan lại phong kiến. Cả hai đều đi theo Cách mạng. Khởi đầu do cha tôi trong những ngày du học ở Nhật tình cờ đọc được lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bèn từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học để về nước tham gia vào sự nghiệp chung của dân tộc. Một bác sỹ học trò cũ của cha tôi kể lại rằng trên một chuyến tầu từ Nam ra Bắc sau 75 tình cờ anh nằm cùng một toa với một người mà sau khi biết anh là học trò của cha tôi, đã thổ lộ chính ông ta trước đây là công an được cài làm y tá bên cạnh cha tôi trong những ngày đầu khi ông mới về nước để theo dõi. Trong con mắt cảnh giác của cơ quan chức năng thì một người từ nước ngoài trở về lại không do một cơ sở nào của ta móc nối là một chuyện thật đáng ngờ. Thật vậy cha tôi đã từ Nhật Bản đáp tầu thuỷ về Thái Lan, tìm gặp đại diện của Chính phủ ta ở Bangkok để xin về nước tham gia kháng chiến, chẳng có một tổ chức nào giới thiệu, móc nối. Ông làm việc đó như một lẽ tự nhiên, chỉ vì một động cơ duy nhất: Lòng yêu nước. Biết bao vinh quang và khổ ải trên con đường đi theo lý tưởng của một người trí thức yêu nước. Đôi khi tôi tự hỏi không biết những người như cha mẹ tôi đã phải tự kiểm điểm những gì trong những cuộc chỉnh huấn trên Việt Bắc vào năm 1954? Không biết họ có phải ân hận về xuất thân thành phần giai cấp của mình để được coi là thành khẩn và điều đó có nhọc nhằn lắm đối với cha mẹ tôi không? Những điều đó tôi hoàn toàn không được biết. Tôi chỉ được nghe kể rằng mẹ tôi chỉnh huấn rất thành khẩn, được biểu dương trong lớp, còn cha tôi thì chỉ im lặng, ít nói. Không lâu sau khi tham dự lớp chỉnh huấn đợt một thì mẹ tôi qua đời. Khi bà  hôn mê, cha tôi đang tham dự lớp chỉnh huấn đợt hai. Tôi đã không có trong mặt trong giờ phút lâm chung của mẹ tôi. Lúc đó tôi đang học mãi tận Nam Ninh bên Trung Quốc. Sau này tôi nghe dì tôi kể lại rằng mẹ tôi hôn mê ba ngày ba đêm liền chờ cha
tôi về mới trút hơi thở cuối cùng. Là bác sỹ nhưng ông đành bó tay bất lực vì đã quá muộn. Cha tôi nằm bên xác mẹ tôi suốt một đêm, rồi sáng hôm sau chôn mẹ tôi ngay trên nền nhà trước khi rời Việt Bắc để về tiếp quản Thủ Đô. Đó là tổn thất lớn nhất của gia đình chúng tôi trong cuộc Kháng chiến lần thứ nhất. Những ngày sau hoà bình lập lại ở Miền Bắc công việc chính của cha tôi là tiêu diệt bệnh sốt rét. Cha tôi lại lặn lội trở về với những khu căn cứ địa cũ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai... để thực hiện một chương trình chống sốt rét toàn diện và quy mô chưa từng có. Sau 10 năm thực hiện chương trình, bệnh sốt rét căn bản đã bị đẩy lùi trên Miền Bắc nước ta. Trong những ngày ấy cha tôi luôn mang trong lòng nỗi nhớ không nguôi về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình - xứ Huế. Ông luôn nuôi hy vọng trở về gặp lại bà nội tôi, lúc đó đã cao tuổi lắm rồi, dù chỉ một lần. Nhưng đến ngày đất nước thống nhất có thể về được thì ông đã không còn. Ông đã mất trước đó 8 năm trong một trận bom B52 ở phía Tây Phong Điền Tỉnh Thừa Thiên. Ông cùng đồng nghiệp vào đây để nghiên cứu vacxin chống sốt rét cho bộ đội. Ông chưa tìm ra được vacxin miễn dịch sốt rét cho họ thì ông đã chia xẻ với họ cái chết. Ông nằm trên Trường Sơn lặng lẽ suốt hai mươi năm cho đến khi tình cờ một người tiều phu phát hiện được mộ ông như mộ một người lính vô danh. Người ta đưa di hài ông về Nghĩa trang liệt sỹ xã Phong Mỹ và mãi năm năm sau anh em chúng tôi mới biết để đưa cha mình về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình. Sau 46 năm xa cách cha mẹ tôi cuối cùng đã về bên nhau.
Đầu xuân Nhâm Ngọ nhà văn Nguyễn Khải từ Thành phố Hồ chí Minh gửi bưu điện ra tặng tôi một cuốn sách mới của anh có tựa đề Sống ở đời. Lật bìa sách ở trang đầu tôi đọc giòng chữ ông viết: Rất quý mến tặng Đặng Nhật Minh một cuốn sách tôi rất thích (nhất là truyện Danh dự). Khỏi phải nói, tôi liền đọc ngay một mạch truyện Danh dự. Chuyện kể về một người hàng xóm trước đây của nhà văn trong khu tập thể quân đội ngoài Bãi Phúc Xá ven sông Hồng. Anh có tên là Quang, Thiếu tá Cục quân báo, người Huế, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Cha là Bố Chánh, ông nội là Thượng Thư. Bản thân từng học trường giòng Providence ở Huế cho đến hết bậc tú tài. Quang tham gia cách mạng từ cuối năm 1945 làm công tác quân báo. Nhà văn Nguyễn Khải đã đem mình ra so sánh với nhân vật Quang một cách rất thật thà: ông đi bộ đội chỉ vì một tính toán rất tầm thường: không vào bộ đội sớm thì chết đói! Còn Quang  nếu không đi theo Cách mạng thì vẫn là một công tử con ông cháu cha, ăn sung mặc sướng, vẫn có chỗ ngồi đàng hoàng trong xã hội cũ. Đến năm 1962 thì Quang được quân
đội cho chuyển ngành sang làm công tác nghiên cứu ở Bộ Ngoại thương (chắc vì gốc gác thành phần không thích hợp cho việc tiếp tục ở lại trong quân ngũ). Nhưng rồi đến năm 1964 Quang lại được trên điều trở về lại quân đội. Anh được cử vào làm nhiệm vụ của một tình báo viên cắm sâu trong lòng địch để khai thác những tin tức bí mật. Với giấy tờ giả mạo Quang vào hoạt động ở Sài gòn. Giữa nơi đầy hiểm nguy rình rập đó Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình bằng sự che chở, tiếp tay của họ hàng bà con xa gần, của bạn học cũ mà tất cả đều xuất thân như anh, từ những gia đình trí thức, quan lại. Rồi Quang bị bắt và những người từng giúp anh cũng bị đưa ra tòa án binh Sài Gòn trong vụ án đặc biệt xử nhóm trí thức có liên hệ với cộng sản Bắc Việt. Quang mỉm cười sau khi nghe Toà tuyên án chung thân rồi nói với phóng viên Hãng thông tấn AFP bằng tiếng Pháp: Dans deux ans je reviendrai au Dinh Độc lập (hai năm nữa tôi sẽ trở lại Dinh Độc lập). Đọc xong truyện này tôi ngờ rằng đây là câu chuyện có thật, nhân vật Quang là nhân vật có thật. Tôi biết nhà văn Nguyễn Khải bao giờ cũng chỉ viết về những người và những việc có thật. Ông không bịa được vì như ông từng nói: Thực tình người viết văn chẳng bịa được cái gì lạ hơn những biến hoá của mỗi mỗi gia đình trong hơn mười năm qua...
Tôi đem cuốn sách đến cho dì tôi đọc. Dì Toản là em mẹ tôi, từng là nữ sinh Đồng khánh, cũng thuộc tầng lớp như Quang, cũng hoạt động ở Huế. Đọc xong dì tôi cười bảo tôi: anh Quang này thì dì không biết, chắc tác giả dấu tên. Nhưng những người mà Quang móc nối để hoạt động vì để tên thật nên dì biết, họ đều là bạn của dì cả. Bây giờ họ đều sống ở Thành phố Hồ chí Minh, một vài người sống ở nước ngoài.
Năm 1985 Quang về hưu, hưởng lương hưu trung tá. Đến đầu năm 1991 thì vào bệnh viện vì bị ung thư hạch. Khi nhà văn Nguyễn Khải vào thăm, ông mỉm cười tâm sự: Phận sự làm người đã xong, danh dự làm người trải qua nhiều thử thách không hề bị hoen ố, con cái đã trưởng thành, chí nguyện một đời nói cho cùng là mãn nguyện. Tiền không cần, danh không cần, còn cần gì nữa nào? Hết! Không còn gì phải tiếc nuối cả. Tôi nghĩ, cha mẹ tôi, và cả cậu tôi nữa (người cậu liệt sỹ bị giam trong xà lim ngày nào) nếu còn sống chắc họ cũng nói như vậy. Cái động lực gì đã thôi thúc những con người ấy trong cả cuộc đời, theo Nguyễn Khải ấy là Danh dự. Ông viết: Người ta sống không chỉ vì sự an toàn, mà còn phải sống trong danh dự. Không nói đến danh dự thật tình không có gì để nói để viết về con người cả, con người của hôm qua và con người của bây giờ. Có thể nói đó là Danh dự hay là Nhân cách cũng được. Bởi vì có Nhân cách con người mới biết sống trong Danh dự. Nhân cách là sản phẩm của văn hoá và giáo dục. Nó không phải là sản phẩm riêng của một giai tầng nào. Nó như một loài hoa chỉ mọc trên mảnh đất được chăm bón bởi  những giá trị bền vững của đạo đức.
Cách đây 6 năm có dịp sang Nhật, tôi đã lần tìm lại dấu vết của cha tôi trong những ngày du học tại đây. Tôi gặp được một vài người từng quen biết cha tôi như bà Seino, trợ lý cho cha tôi trong phòng thí nghiệm, kỹ sư Lê Văn Quý ở cùng một phòng trong Đông kinh học xá cùng cha tôi trong suốt 6 năm. Tôi được nghe kể rất nhiều mẩu chuyện cảm động về cha mình. Cuối cùng tôi được giới thiệu đến gặp giáo sư Tomio Takeuchi, Viện trưởng Viện Hoá vi sinh Tokyo . Trên đường đi bà Seino nói với tôi: Giáo sư Takeuchi là một bác học rất nổi tiếng ở Nhật. ở Nhật Bản này ông được xếp vào hạng người bất tử, nghĩa là được làm việc cho đến hết đời không phải về hưu. Giáo sư Takeuchi ân cần tiếp tôi trong phòng khách của Viện. Ông cho biết đã từng làm việc với cha tôi tại Trường Đại học Y khoa Tokyo trong 3 năm trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh. Rồi ông nói: Nhưng tôi chỉ là đàn em của cha anh thôi. Hồi đó cha anh đã có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao trong giới Y học. Có một số công trình tôi viết chung với cha anh, nhưng tên ông bao giờ cũng để trên tên tôi. Ông là bậc đàn anh của tôi. Công việc nghiên cứu của ông đang tiến triển rất thuận lợi, không hiểu sao ông lại bỏ dở tất cả để về nước. Sau này nghe tin ông mất chúng tôi rất thương tiếc... Giáo sư kể tiếp: Mà cũng lạ. Hồi ấy người Mỹ cũng đã băt đầu biết đến cha anh, mời cha anh cộng tác với họ, nhưng rồi cha anh cũng từ chối. Tôi nghĩ ông có điều gì thôi thúc lắm ở bên trong. Tôi nghĩ thầm: Giáo sư không hiểu tại sao cha tôi lại bỏ tất cả để về nước ư? Thưa giáo sư, là vì cha tôi không muốn làm nguời đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc mình. Nhân cách của cha tôi không cho phép ông làm như vậy. Ông cũng biết rằng nếu ông tiếp tục ở lại Nhật Bản làm việc cùng giáo sư thì con đường khoa học của ông hẳn cũng rực rỡ như của giáo sư bây giờ. Nhưng ông đã chọn cho mình con đường khác, và đó có lẽ là một đặc điểm nổi bật nhất của người trí thức Việt .
Năm nào tôi cũng về Huế thăm gia đình. Mỗi lần về anh chị tôi đều dành cho tôi cả căn gác trên tầng 2 để nghỉ ngơi. Nơi đó trước đây là nơi ở của ông bà nội tôi, rồi đến vợ chồng ông bác, anh cả của cha tôi. Căn gác bây giờ chỉ dành làm nơi thờ cúng. Nằm một mình trong đêm yên tĩnh, tôi có cảm giác như đang nằm giữa những người thân đã khuất. Nhưng họ không ngủ, mà cứ mở mắt chong chong nhìn tôi từ những khung ảnh trên bàn thờ. Trong cái không gian sâu thẳm đó, tôi bỗng nhận ra sự nhiệm mầu của mảnh đất này - xứ Huế...
Đ.N.M
(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

Các bài mới
Đọc Lão Tử (28/08/2008)
Các bài đã đăng