Tạp chí Sông Hương - Số 161 (tháng 7)
Cây hạnh tiên ngàn năm
09:26 | 28/08/2008
TRÚC PHƯƠNGDừng lại nghỉ chân, chị Dần tựa lưng vào gốc cây cơm nguội râm bóng bên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên dốc Lưng Mây. Mấy cô gái Stiêng quảy gùi đi ngược ra phố trấn chốc chốc gởi lại nụ cười tự nhiên như hoa cỏ cho người phụ nữ miền xuôi đi thăm người nhà trong trại.

Một người đàn ông quá tuổi trung niên có thân hình gân guốc, da đen sạm, tóc mốc xám màu đá núi, như mọi lần đến bên chị Dần với nụ cười hiền từ van vỉ vốn có của những người làm mướn. Cô lại đi thăm chú à. Để tôi gánh cho cô nghen. Hồi sáng đến giờ chỉ mới được một chuyến. Bữa nay ít người thăm nuôi qua lối này lắm. Hôm nay không có gì nhiều, chỉ mươi ký gạo quê, khô mắm với mấy bánh thuốc rê thôi ông à. Thì tôi phụ cô, trả bao nhiêu thì trả, ai bắt cô phải thiệt đâu mà sợ. Người đàn ông khẩn khoản, khuôn mặt khắc khổ co giật theo câu nói khiến nó nhăn nhúm như miếng vỏ cây rừng khô. Bên kia con suối tiếng chim ríu rít gọi nhau trên cành những cây hạnh tiên bông vàng thoang thoảng hương đưa. Bỗng người đàn ông trông thấy gương mặt lấm tấm mồ hôi của cô gái trắng bệch, hai hàm răng cắn nghiến vào nhau, tay cô cứ bứt vào áo, vào ngực, mắt nhắm nghiền, hơi thở hổn hển kèm theo tiếng rên riết quái dị. Người đàn ông sợ hãi nhìn quanh quất để tìm người cầu cứu, nhưng giữa trời trưa nắng không thấy một ma nào, bèn bế xốc vị nữ khách lỡ đường với sức mạnh của thời trai trẻ còn sót lại trong một cuộc bình sinh hì hịch đưa vào căn chòi xiêu vẹo cất bên bờ suối vắng. Ông lấy nước nóng nấu cây sâm rừng cho cô gái uống và lau nước lá thơm cho cô tỉnh dậy. Đoạn ông chạy ra đồng mang vác hết đồ đạc của người đàn bà vào túp lều. Ông bước đến sau bếp hâm lại ca sữa dê ban sáng rồi múc từng muỗng đổ vô miệng chị. Chị khách nuốt sữa, lắc đầu, mắt vẫn nhắm nghiền. Cô khỏe lại rồi chớ, cô Hai?. Tôi... tôi.... Chưa nói hết câu, người đàn bà đã ngồi bật dậy, mặt phờ phạc như người lên đồng, đưa mấy ngón tay yếu đuối gài lại cái nút áo tự mình làm sút ra khi lên cơn. Cô làm tôi sợ quá!. Tôi... hay bị như vậy lắm. Cô bị bệnh kinh phong từ bé à?. Không không phải kinh phong. Chỉ khi nào tôi nhớ... thì tôi mới bị... Cô nhớ, mà nhớ cái gì dễ sợ vậy chớ, chắc là ma quỷ?. Không, tôi nhớ đến chồng tôi... Cô nhớ chồng...!. Bây giờ... cảm ơn ông, để tôi đi, kẻo muộn. Muộn rồi chớ kẻo gì. Bây giờ mặt trời đã núp bên chóp núi. Cô phải đi qua cái dốc Lưng Mây nầy rồi xuống thung lũng Cỏ Tranh, lại xuyên qua rừng Khậm Nu mới hết con đường tắt đến trại 15. Chi bằng cô cứ ở đây đến sáng, khi con chim rù rì thức giấc, tôi sẽ đưa cô qua dốc để được gặp chồng. Tôi nhớ anh ấy quá rồi ông à. Với lại tôi có hẹn. Sợ mai lại nhỡ... Anh ấy muốn có con... Thật là rắc rối. Nhưng... thì đi. Tôi chỉ sợ cô phải ngủ đêm giữa rừng. Ông vui lòng đi với tôi chớ? Tôi sẽ trả ông hai mươi ngàn, tức là ông chỉ cần đưa tôi qua đến bên kia rừng Khậm Nu. Để tôi cho lũ dê nhà tôi nó ăn cái đã. Sương xuống, đá trơn, đi đêm qua dốc Lưng Mây là nguy hiểm lắm. Ông ráng giúp dùm, tôi đội ơn. Anh ấy đang đợi tôi từng giây phút đó, ông à.
Gập ghình mãi, người đàn ông của núi mới tha được gánh hàng và người đàn bà mảnh mai lên đỉnh dốc thấp thoáng mây mưa. Cái mặt trời già nhăn nhó đùa cợt cùng sự mỏi mệt của người đàn ông và người đàn bà lỡ đường. Ông ráng được chớ. Cũng phải ráng cho vừa lòng cô. Anh ấy đợi tôi từ trưa đến giờ. Tôi sẽ cho ông thêm mười ngàn nữa. Cố đi thêm một đoạn, chuẩn bị xuống núi thì mặt trời đã lặn. Người đàn ông lấy rọi ống tre ra mồi lửa. Bỗng một tiếng kêu thét đau đớn. Chị Dần ngã vật ra dồ đá rên riết. Chết tôi rồi! Cô sao...?. Cô bị bệnh nhớ nữa à... Trời ơi, thật là khổ... Không, tôi... bị trặc chân... Vậy à... Người đàn ông rọi đuốc bứt lá thuốc nhai đắp lên mắt cá chân chị Dần, giọng trách móc: Nông nỗi nầy thì đi với đứng gì nữa. Bây giờ phải làm sao hở ông vác?. Cõng chớ làm sao?. Người đàn ông lấy chiếc dao đi rừng từ thắt lưng ra, đốn một cây gậy, lấy dây buộc các thứ đồ đạc quàng lên người rồi khum lưng xuống, tay chống gậy run run... mãi mới cõng được người khách tệ hệ ấy lê được một đoạn. Đúng là đàn ông núi người khỏe như vâm. Người phụ nữ nghĩ thầm. Cô phải thêm tiền cho tôi chớ?. Thêm cho bác mười ngàn nữa. Một chục ký gạo thơm của tôi rồi. Nhưng cô ở thành phố, kiếm tiền dễ hơn tụi tôi ở rừng. Cũng cực nhục như chó ăn thứ. .. bác à. Tôi cũng thuộc loại bần hèn chớ có sang cả gì đâu. Chắc cô buôn bán? Tôi làm mướn trong trại nuôi bò sữa. Tôi tưởng cô phải là bà chủ mới đúng. Tôi chỉ là "bà chủ" lúc nầy thôi. Người đàn bà tinh nghịch cười méo mó. Cô có muốn xuống vực sâu để cười không?. Trời ạ, ông đừng có ác, tôi chỉ lỡ miệng cười. Thêm được một đoạn, nhìn thững ngọn đèn leo lét dưới thung sâu, ông vác lắc đầu. Phải nghỉ lại dọc đường thôi. Hai chân tôi như có ai buộc đá rồi. Nghỉ một lát rồi đi tiếp được không bác?. Phải sáng mới đi tiếp được. Vậy là ông xã tôi... ôi, anh ơi..! làm sao tôi có con được với anh ấy... ông... Một đống lửa được đốt lên giữa các mỏm đá. Lửa bập bùng. Ông vác lấy cơm khô - món lương thực hàng ngày ông vẫn dùng trong lúc đi vác hàng mướn, bẻ chia cho người phụ nữ mắc căn bệnh "nhớ" kỳ lạ ấy một miếng, nhóp nhép nhai, rồi ngước mồm tu ừng ực chai nước lá thơm vào bụng. Xong, ông dùng tay áo quẹt mồm và ngã lăn kềnh ra thớt đá hút chưa tàn điếu thuốc lá là ngáy "kho kho". Đến khi đẫy giấc, ông vác bật dậy, không ngờ người phụ nữ kỳ lạ ấy vẫn ngồi cầm que chọc chọc vào lửa, mặt thiu buồn. Cô không ngủ được miếng nào à? Cả đời tôi chưa bao giờ trông thấy một người đàn bà như cô. Gia cảnh cô ra sao mà chồng cô phải ngồi tù?. Chuyện dài lắm. Thì cô cứ kể tôi nghe. Ông vác lấy bao thuốc rê, se một điếu gắn lên cái môi thâm xỉn hô dẩu ra ngoài như trêu nghịch, bặp bặp ngọn lửa như nhai ớt rồi tựa lưng bên ghế đá lim dim nghe chuyện kể.
Chồng tôi đã ở tù ba lần rồi. Lần trước ba năm. Lần sau, tới bảy. Còn lần nầy thì chẵn trọn mười năm. Gia cảnh thì rầu lắm. Anh ấy còn một bà mẹ già, chồng chết lúc cưới nhau ngủ chưa rách chiếc chiếu. Nghề nghiệp: đất đai không có... Bộ ăn trộm, ăn cắp dữ lắm hay sao mà ở tù hoài?. Không đâu... mà... bác để tôi kể, anh ấy là một người tốt. Tốt...? Phải... Cơ sự cuộc đời bắt đầu từ lần bị bắt oan. Lần ấy đi vác mướn đồ hàng cho người hàng xóm, anh Nỉ (lúc đó là chồng người khác) bị bắt và bị kết tội buôn lậu hàng gian của nhà nước. Chỉ một thùng bột ngọt với mấy chục hộp sữa Ông Thọ, cây thuốc Sa Mít mà bị kêu án tới ba năm tù. Trước khi xử án, anh Nỉ kêu oan mà không được. Bữa nọ bà chủ hàng đến thăm trước khi anh bị đưa ra tòa, không hiểu đã ngọt ngào gì, anh Nỉ bèn vui vẻ nhận án để bà chủ phây phây tiếp tục ở ngoài đi buôn lậu. Bà già anh Nỉ bệnh thập tử nhất sanh, bỗng đâu nhận được tiền của con trai gởi về, liền đi vô bệnh viện lớn, mấy tháng sau khỏi bệnh. Dù có người nói ra nói vô chuyện ở tù mướn nhưng chẳng ai tin, dè đâu là chuyện thật. Khi anh Nỉ ra tù, bà con mới biết câu chuyện được giấu kín từ lâu của bà buôn lậu và anh. Một ngày làm mướn được mười đồng (hồi đó tiền bạc còn mắc) một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, trừ một trăm ngày bệnh đau thất nghiệp, vị chi một tháng ba trăm, chín tháng hai ngàn bảy. Hai ngàn bảy lúc đó tương đương hai lượng vàng. Làm sao có được? Về nhà anh Nỉ còn dư tiền cưới vợ con của ông già chạy xe ba bánh. Đó rồi, trúng con vợ quỉ thần, tối ngày bài bạc chơi bời, chưa kịp đẻ cho anh Nỉ thằng con nối dõi thì đã nợ nần lên tới cổ. Vốn là người cục mịch hiền lành. anh Nỉ định cho bả một trận nên thân, ai dè thấy vợ quỳ lạy hẹn hứa lại thôi, dang thân đi làm mướn trả nợ. Trả được một đồng thì bà vợ ác báo đó lại vay hai đồng. Đến khi chủ nợ đòi cào nhà, cắt cổ đổ sông thì người chồng khốn khổ ấy lại được người ta đến gạ ở tù thuê. Lần này thì án tù của tay trùm kiểm lâm, tên Huỳnh Cọp: hắn ta phạm tội gây thương tích trầm trọng cho một người đi lấy củi. Lập hồ sơ sang án, viết cho anh một lời khai phải học thâu đêm để thuộc lòng (nhờ người khác đọc dùm chớ anh đâu biết chữ) anh mới chịu đưa tay vô còng chờ đi nhận án với số tiền được hứa là bốn cây vàng. Lọt đầu lọt đít cho cán bộ tòa án, kiểm sát cũng hết một cây. Bà mẹ thương con trai mình đòi ở tù thay nhưng nào có được. Nhờ ở tù có kinh nghiệm nên mới năm năm lao động cải tạo tốt anh Nỉ đã được ân xá vào dịp lễ Độc Lập. Vừa về đến nhà thì hỡi ơi... Bà già chờ không nổi con trai về đã mãn. Còn con vợ quỷ vợ ma của ảnh thì đã bán đứt căn nhà cho người khác rồi xách đồ theo trai. Lúc đó thấy anh không cửa không nhà, má tôi mới kêu anh về nhà mẹ con tôi ở tạm. Xóm giềng trong trấn tuy có dị nghị lúc đầu, nhưng rồi cũng êm, vì bà con thương tôi là gái ế chồng... (Chị Dần tuồn tuột kể mà không cần sĩ diện khiến người đàn ông trố mắt vểnh tai nghe). Dừng một chút, chị Dần cố nhấc cái chân trặc để lên nùi cỏ cho bớt đau, mắt mơ màng nhìn ngọn lửa tí tách nô đùa như để nhớ về một thời con gái. Cô ngộ người ngộ nết vầy mà khó lấy chồng sao? Tôi tuổi dần, cao số lắm bác à. Má tôi nói: mầy mà không bỏ bùa được thằng tù đó thì chẳng con ma nào nó ngó tới mầy đâu. Coi vậy chớ nó là thằng hiếu nghĩa... Chị Dần chợt cười thẹn với lửa. Bên kia cái hàm răng vàng nghính khói thuốc cũng nhe ra rúm ró cùng chị. Cô tuổi dần bảo khổ, tôi tuổi ngọ con ngựa ở rừng có sướng hơn cô đâu. Năm nay tôi năm bốn tuổi rồi. Vậy là bác lớn hơn tôi tới mười lăm tuổi. Mười lăm tuổi mà làm tới "bác" thì hơi thiệt cho tôi. Vậy chớ ai biểu. .. ông... à... bác già... Thì già cũng được chớ sao đâu. Cô kể tiếp đi. Đó rồi đợi mãi không thấy ảnh tỏ tình, tôi "hát" xa "hát" gần muốn mỏi cả cổ mà ảnh cũng trơ như gỗ đá, tức quá, lựa lúc không có bà già ở nhà, tôi đi tắm, xức dầu thơm phức rồi đến ngồi bên anh. Anh có thích đi ra vườn Tiên chơi với em không? Tôi chỉ muốn ở nhà, ra đó mắc cỡ lắm, chỗ của mấy đứa con nít chơi mà. Thì em cũng là con nít đây mà. Tôi chỉ muốn uống rượu. Cô thích thì ở nhà uống rượu với tôi. Đành vậy. Tôi uống như mèo thì ảnh uống đổ dế. Đến lúc tôi muốn nói thiệt là tôi thương ảnh thì ảnh đã ngáy khò khò như ống bể lò rèn. Dù sao thì tôi cũng được lấy khăn lau nước nóng cho anh, được hiểu thế nào là người đàn ông bằng xương bằng thịt. Cũng đêm đó tôi phát bệnh, cái bệnh kỳ lạ mà người ta hạ cố đặt cho cái tên mỹ miều là bệnh "trai trêu". Dân quê mùa thì gọi nó là bệnh cà hước. Cứ nghĩ đàn ông đang thương lên ngực, lên môi mình là xuất mồ hôi, lịm ngất như lên đồng. Hồi xế chiều bác thấy rồi đó. Bác đừng cười tôi, lúc đó là tôi đang nhớ tới ảnh, đang tưởng ra cái điều sẽ cho ảnh đứa con... Rồi tôi bị bò quật hôm đi dọn chuồng bò cho chủ, phải vô nằm nhà thương. Rủi mà may: anh đi làm mướn thay tôi rồi còn vô nhà thương thăm tôi nữa. Hôm ra ngồi trên băng đá bệnh viện, tôi được ảnh cầm tay và run lẩy bẩy mà hẹn với tôi rằng: Tôi thấy cô hiền lành, giỏi giang tôi cũng muốn thương... Nhưng cô hãy đợi tôi đi tìm gặp Huỳnh Cọp, đòi ổng thêm số tiền... Đó rồi anh ấy đi. Ai dè tôi ở nhà chờ anh như chờ người ra trận. Đến nơi anh thấy con vợ ngày nào của mình đang nằm trong tay tên trùm kiểm lâm; vội nổi máu giang hồ, rồi chưa chi thì lại tra tay vào còng, vì bị vu cho tội ăn cướp. Tao cho mầy rục xương. Lần nầy mày phải "đóng" lại cho tao con vợ. Không biết thế nào mà thằng trùm kiểm lâm làm được việc đó. Một bản án nữa ra đời. Lần nầy thì tới mười năm mà không được đồng nào. Má tôi chờ anh về để làm đám cưới cho đứa con gái cao số của mình mà không kịp. Hôm bà hấp hối, tôi phải đến trại giam xin phép giám thị trưởng được vào gặp anh lấy chữ ký cho tờ giấy đăng ký kết hôn (thực ra là dấu gạch thập) mang về để mẹ tôi vui. Bà cầm tấm hôn thú của đứa con gái tuổi dần, rưng rưng nước mắt, gật đầu rồi ra đi. Từ đó tôi thành gái có chồng. Đêm đêm tôi cầu Trời khẩn Phật, mong cho ngày tháng qua mau để anh còn được quay về. Nhưng mười năm chớ có phải đâu là đôi trăng ba tháng mà mau. Chiếu rách, giường hư mà vẫn thâu đêm một phận một mình. Bây giờ thì đã ba năm bảy tháng mười một ngày, một đêm... Anh vừa chuyển được lên trại nầy và nhắn về kêu tôi lên để hai chúng tôi được hưởng tuần trăng mật. Hồi dưới thành phổ, tui tôi chỉ gặp nhau trong giây lát, đâu có yêu thương gì được, chỉ cầm tay nhau, vậy mà về nhà đã sướng mấy đêm rồi... Bác coi, tôi cũng muốn làm đàn bà, làm mẹ, anh ấy cũng muốn làm chồng làm cha, nhưng hoàn cảnh, biết đâu mà lường. Kỳ này mấy ông Ban sẽ cho vợ chồng tôi ngủ chung trong nhà khách của trại hai ngày hai đêm. Được vậy cũng quý lắm rồi phải không bác. Tù tội thì còn ước chi hơn. Rồi thì tôi sẽ đẻ con cho anh ấy, sẽ đặt tên cho con của tôi là Non, Nỉ với Non mà... Nói đến đây, chị Dần híp mắt cười khiến "con ngựa già" của núi cũng vui lây bên bếp lửa.
Tiếng gà rừng gáy xa. Sau một bữa điểm tâm bằng muỗng cơm khô, ông vác chống gậy quảy hàng, tay còn lại cố dìu vị khách chốn đào nguyên nhấc từng bước xuống thung lũng. Có chiếc xe bò đi lại từ xa. Già núi hú to rồi nai lưng ra cho người đàn bà ngồi lên mà cõng. Khi đến được chiếc xe bò của chàng trai Stiêng thì trán ông vác như bốc khói. Con gái bác à? Chị ấy bị rắn độc hay sao vậy? Không, cô ấy bị trặc chân. Cô ấy là người miệt dưới, con của thiên hạ chớ có phải con của già đâu. Chị đi thăm bà con hay đi mua đất của rừng? Không, tôi đi thăm chồng bên kia trại Khậm Nu. Tội nghiệp không. Hay là chị lên này đốt rẫy làm nương với bà con Stiêng ở đây cho gần chồng. Chỉ sợ anh với bác đây không cho thôi. Chị cười như có nắng trên môi vậy. Đàn ông Stiêng thích con gái miền dưới lắm. Nhưng tôi sắp làm bà già già rồi. Bà già như chị thì con gái cũng mắc ghen, mặt trăng mặt trời, ông voi ông cọp cũng mắc ghen...
Tối hôm ấy, khi ông vác trở về với căn lều bên suối lấp loáng bóng trăng của mình, nằm gác tay lên trán cố nhớ lại mùi mồ hôi ngòn ngọt trên cơ thể người phụ nữ chưa được làm đàn bà ấy như để tương tư, thì bên nầy chân rừng Khậm Nu, chị Dần được ôm người chồng thương nhớ của mình trong vòng tay nóng nả, bồi hồi. Chuyện trong mơ đã thành hiện thực. Cái gì cũng vội vàng, cũng lụp chụp như sợ hở chút là bị mất đi. Trong căn phòng hạnh phúc dành riêng cho tội cải tạo hạng A (loại tốt) anh chàng Nỉ luống cuống vụng về như chưa một lần được gần đàn bà. Anh vồ vập nhận phần thưởng của mình như trẻ con tranh nhau nhận quà từ ông già Noel. Còn chị Dần thì đợi chờ giây phút thiêng liêng nhất đời mình là được dâng hiến và tận hưởng. Nhưng rồi, cơn sốt rét rừng hoang dại nhẫn tâm đã lại đến bất ngờ như một tên ăn trộm. Bắt đầu là cơn run, run nổi sóng nổi gió. Thay vì ôm để được ngây ngất, được chìm trong những phút giây tuyệt vời bên người đàn ông bấy lâu chờ đợi thì chị ôm anh để anh được ấm. Hết cơn rét buốt xương chạy cuộn trong từng đường gân thớ thịt thì tới những ngọn lửa thiêu đốt. Đến lượt anh tuột áo cho chị lấy khăn ướt lau lên khắp cơ thể vẫn không dịu được cơn nóng dại người. Rồi nửa đêm đờ dẫn đi qua với những tiếc nuối tội tình của người phụ nữ. Hôm sau, phải xin giám thị nắm thuốc bó chận cữ, người tù vẫn bất an với tâm trạng sợ vợ mình buồn. Thường thì sốt một ngày. nghỉ một ngày. Nhưng cứ buộc thuốc cho chắc ăn. Cơn sốt rừng đã bỏ quên địa chỉ mà không trở lại. Dẫu vậy, sự rã rời bạc nhược của cơ thể sau những cơn sốt dồn dập đã giết chết khả năng làm chồng của người tù đang muốn được làm cha. Chị Dần yêu chồng đến quên mất cái chân đau mà vẫn không toại nguyện. Hay là... để em xin giám thị cho em được nán lại một đêm. Ừ, biết đâu giám thị sẽ thương tình. Thêm một ngày và một đêm nữa. Chị Dần mơ hồ trong cảm giác chưa được làm đàn bà, chưa có cơn đau đầu đời mà bạn bè cho chị biết. Dù vậy, chị cũng cảm thấy đê mê và vơi đi ít nhiều cái mặc cảm "tuổi dần" cao số chết tiệt của mình. Họ luyến tiếc chia tay nhau. Nhớ, phải sanh cho anh đứa con nối dõi nghe em. Hết lần này anh sẽ không vô tù nữa mà ở nhà với mẹ con em.
Một năm hai lần được thưởng. Những cơn rét rừng lúc đi lúc lại cứ làm hai vợ chồng chị Dần chờ đợi đến mỏi mòn. Bác sĩ cho biết năm nầy không có con được thì càng về sau hy vọng càng mong manh. Chị Dần khăn gói lên rừng lần nữa và không quên mang theo cả rượu tắc kè. Một tháng rồi hai tháng chờ đợi. Vẫn hoài công. Chị Dần chợt nghĩ ra một kế hoạch táo bạo cho lần thăm nuôi giáp Tết. Và ngày đó đã đến. Y như mọi lần, chị Dần tìm tới căn lều bên suối như chốn đào nguyên của lão già núi gân guốc có sức khỏe của một vị thần. Những con dê bên trảng cỏ vẫn hào phóng, yêu đời và tận tụy cùng ông. Đêm tháng chạp. Trăng lên. Người đàn ông có tiếng cười hào sảng của núi rừng đốt lửa nướng mấy gắp thịt mễn đãi khách quý. Rượu ngâm với sâm rừng và trái hạnh tiên được mang ra một vò. Tôi không ngờ cô lại ghé thăm tôi trước khi vào trại. Thật là ơn trời. Tôi vẫn nhớ ơn lần "ông chú"cõng tôi qua núi. Cả mười ngàn ông chú không chịu nhận công thêm. Bữa nay cô chịu cho tôi trẻ lại một bậc à. Tôi đã nghĩ bụng từ lâu rồi đó chứ. "Chú" nghe nó gần gũi và tình cảm hơn. Với lại, em... à... tôi cũng nhớ... Cảm ơn cô. Sao cô lâu đi đường nầy quá vậy? Thấy qua núi khó quá, lại có mấy người bạn hay rủ đi vòng đường xe. Cô đã có cháu rồi và hết bịnh...? Chị Dần đỏ mặt thẹn thùa. Bệnh thì đã hết, cháu thì chưa. Chú nhà còn bao lâu nữa? Năm năm ông chú à. Cũng sắp hết rồi. Mời cô. Đây là con mễn tôi bẫy được từ chiều. Mai cô nhớ đem vô cho chú ấy một miếng. Cám ơn ông chú. Rượu cạn dần. Trăng vằng vặc sáng. Sao ông chú cứ sống mãi một mình bên bờ suối nầy? Vùng nầy là đất của ông tôi khai phá. Cha tôi theo ông lên rừng lập nghiệp, lấy vợ đẻ con. Vợ của cha tôi là con gái của bộ tộc Stiêng đã từng có tổ tiên sống hàng ngàn năm trên đất nầy. Thời 45, Việt Minh dậy vùng, ông tôi hiến đất cho dân làng rồi đi theo cách mạng. Cha tôi bị Tây bắt đày đi lính lê dương đánh giặc tận Châu Phi. Sang xứ lạ quê người, cha tôi cặp bồ với người phụ nữ da đen làm gái. Tôi được ra đời và bị bỏ rơi trong trại mồ côi. Đến ngày hồi hương, cha tôi mang tôi theo ông về nước. Chiến tranh đã làm người mẹ Stiêng và mấy anh em cùng cha khác mẹ của tôi theo ngọn gió rừng về sống cùng tổ tiên. Tôi được bà con chia cho vuông đất bên bờ suối nầy và sống ở đây từ bấy đến giờ. Ngày trước tôi đã từng cưới người vợ Stiêng và có hai con. Một cơn lũ rừng hung tợn như thần ác đã lấy đi tất cả hạnh phúc của đời tôi. Tôi còn lại một mình như cây cơm nguội cô độc tật nguyền... Đời ông chú kể nghe buồn quá. Mà ông chú ơi lần thứ nhất nghe ông chú kể về bông hạnh tiên... Bông hạnh tiên ở đâu mà thơm vậy? ông chú có còn cho em tắm được không? Cô muốn tắm à, để tôi lấy nước cho, nước tôi đã đun sẵn từ chiều. À, còn cây hạnh tiên thì cao lắm. Nó phải mất một ngàn năm để trổ ra bông. Bông nó ngày xưa ông tôi, cha tôi hay hái cho bà và người mẹ Stiêng của tôi tắm. Cả vợ và con tôi hồi nào cũng hay tắm cái nước thơm ấy dưới trăng. Hương nó ngan ngát. Con trai, con gái hay vợ chồng giận nhau người ta thường đưa nhau tới trước gốc cây hạnh tiên cổ thụ này để vái van cùng trời đất, nhặt lá và bông mang về nhà cất thành nước hoa thơm. Tương truyền thần tình yêu của người Stiêng đã trồng cây hạnh phúc ấy cho bộ tộc Stiêng từ nghìn năm xưa lận. Chị Dần ngồi tắm dưới trăng, giây sau chị gọi: ông chú ơi, ông giúp dùm... em cái nầy. Nào, cầm tóc lên. vậy đấy. Sao cô... ừ, mà sao ông chú sống một mình lại thích hái bông hạnh tiên để trong nhà vậy. Trước kia thỉnh thoảng tôi mới lấy một lần cho người trong thung xa. Từ ngày gặp cô, không hiểu sao, ừ như là từ cái đêm đưa cô qua dốc Lưng Mây, về nhà tôi cứ hái... Ông chú nói thiệt à? Mai nầy cô đi tôi lại buồn. Cô nhớ lấy nhiều bông hạnh tiên về nhà dùng. Hay là mỗi năm tôi sẽ gởi về dưới ấy cho cô một lần... Chị Dần quay lại. Đôi mắt già núi nhìn chị sao mà chân thành tha thiết biết bao nhiêu. Ông chú... hay là... ông chú đưa em ra gốc cây thần linh đi... Nếu cô thích thì tôi chiều. Chị Dần quấn hờ chiếc khăn tắm màu lá rừng lên người, gương mặt đẫm trăng rạng rỡ cứ làm già núi lóng cóng tay chân. Ông chú ơi, chân... chân em... lại đau rồi... mau lên... Gió lao xao trên tán lá cây hạnh tiên ngàn tuổi làm ánh trăng lung linh hơn trong mắt chị Dần. Người đàn ông chưa giáp tuổi lục tuần chợt già chợt trẻ vừa căng đôi tay và bộ ngực chắc nịch nhẹ nhàng bế người phụ nữ trời sinh ra như để dành riêng cho ông đêm nay đi về phía gốc cây hạnh tiên với hơi thở hừng hực của chàng hiệp sĩ. Chị Dần thành nàng tiên nhỏ đu vào cổ ông già núi và nghe bông
hạnh tiên thơm tỏa bên người. Rồi chị nhắm nghiền mắt lại đợi chờ. Mấy tiếng lá khẽ chạm vào thời gian vừa chùng xuống cùng nỗi khát khao. Trăng rơi lên môi chị, lên da thịt vừa trẻ lại tuổi xuân thì của chị-người con gái của thiên nhiên nhân từ cao cả bị cuộc đời bỏ quên vì trót sinh ra trong cái tuổi dần lận đận trớ trêu cùng sự vô tâm đáng trách của con người.
Cái đêm trăng ấy chừng đã không bao giờ qua đi. Cái đêm trăng ấy chừng đã ở lại mãi mãi. Nhưng rồi giấc mơ tuyệt đẹp cõi đào nguyên đã như bóng mây phù du trôi khỏi đôi tay thô ráp, bé nhỏ của hai người khi có tiếng con chim rù rì gọi nắng. Sáng lại, ông già núi đưa chị qua rừng Khậm Nu rồi ngút mắt nhìn theo người khách lỡ đường của hai năm trước, lòng quạnh quẽ như vừa chia tay với hạnh phúc đời người. Ông trở về gốc hạnh tiên gom nhặt từng chiếc lá. Những chiếc lá có ánh trăng khô và những hạt sương vừa tan.

Kỷ niệm sinh nhật 51,12/01/2002
T.P
(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

Các bài mới
Đọc Lão Tử (28/08/2008)
Các bài đã đăng