Tạp chí Sông Hương - Số 161 (tháng 7)
Ký văn hóa của Hoàng Phủ Ngọc Tường
15:10 | 28/08/2008
TRẦN THÙY MAICó lần anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói: tính chất của người quân tử là phải "văn chất bân bân". Văn là vẻ đẹp phát tiết ra bên ngoài, chất là sức mạnh tiềm tàng từ bên trong. Khi đọc lại những bài nghiên cứu về văn hóa – lịch sử của anh Tường, tôi lại nhớ đến ý nghĩ ấy. Nếu "văn" ở đây là nét tài hoa duyên dáng trong từng câu từng chữ đem lại cho người đọc sự hứng thú và rung cảm, thì "chất" chính là sức mạnh của vốn sống, vốn kiến thức rất quảng bác, làm giàu thêm rất nhiều cho sự hiểu biết của người đọc.

Quả thật tôi có phần ngạc nhiên khi thấy những bài nghiên cứu rất công phu của Hoàng Phủ Ngọc Tường lại được gộp chung trong thể loại bút ký, như chữ đề trên bìa cuốn sách do nhà xuất bản Trẻ và Công ty Văn hóa Tổng hợp Phương Nam ấn hành. Nhưng nghĩ kỹ thì cũng không có gì khác biệt giữa ký văn học và ký văn hoá dưới ngòi bút của anh Tường. Khác chăng là một bên ghi lại những chiêm nghiệm trước cuộc sống hiện tại, một bên ghi lại những suy tư khi quay nhìn vào quá khứ. Đối tượng chiêm nghiệm tuy khác nhau, nhưng cả hai chỉ là một: con người Việt , con người Huế.
Huế trong ký văn hóa của Hoàng Phủ Ngọc Tường không giới hạn ở những thành quách, lăng mộ, sông núi, hay những chuyện vua chúa hậu phi chép dài dài trong những sách sử. Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là nhà khảo cổ, nhà địa lý học hay sử học, nhưng là một nhà văn có kiến thức rất sâu rộng về những lãnh vực đó; là một nhà văn, điều anh quan tâm là con người, và với sự hiểu biết khoa học của mình anh đã dựng lại một diện mạo tâm hồn của Huế xưa - điều mà không một nhà Huế học nào làm được. Khi nói về thành Châu Hóa ngày xưa, anh không những cung cấp cho ta những kiến thức chính xác về thời kỳ trứng nước của Huế, mà còn tái hiện lại những bước chân, những dáng hình, ước mơ của người Huế ngày ấy, những người mà theo tác giả đã thông qua cuộc sống của mình để thực hiện cuộc đấu tranh để khẳng định văn hóa Việt trên vùng đất mới. Chính vì nhấn mạnh sự sinh thành của Huế trong vận động lịch sử, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện ra tính cách sâu thẳm của người Huế qua một phác đồ giản dị nhưng chính xác: Thiên nhiên – nội tâm – xu hướng tâm linh. Anh có những phát hiện rất độc đáo với hệ ngũ sắc Huế cùng với sự xuất hiện của màu tím mà anh cho là màu tạo nên sự dịu êm của tâm hồn Huế; hệ ngũ âm Huế với nét buồn lưu luyến từ âm hưởng nhạc nam; và cả cách ăn uống của người Huế, xưa nay đã nhiều người ca ngợi vì sự thanh cảnh, thẩm mỹ và tinh tế, nhưng cũng chỉ có mình anh là phát hiện ra: cách ăn của người Huế có đặc điểm là "trên cơ sở vật chất khiêm tốn, vẫn chuyển tải những ý tưởng nhân văn sâu sắc". Vì vậy cho nên, theo anh, "nếu chỉ chú ý về cái nghèo thì không thể nhìn thấy Huế".
Những nhân vật lịch sử được anh Tường tái hiện qua ngòi bút của mình hầu hết đều là người Huế, hoặc ít nhiều liên hệ đến Huế, hoặc qua cuộc đời, hoặc qua thơ văn. Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Đào Duy Từ, Đặng Huy Trứ... là những cái tên lớn trong lịch sử mà chúng ta đều biết đầu đuôi gốc ngọn từng hành vi của họ qua những bộ sử và văn học sử. Nhưng chỉ dưới ngòi bút của anh Tường, ta mới có thể nhìn qua những cơn bão táp của nội tâm và của thời đại, những chọn lựa sinh tử mà họ đã phải thực hiện trước ngã rẽ lớn của cuộc đời.
Hoàng Phủ Ngọc Tường nói nhiều về sự chọn lựa của những nhân vật lịch sử: Sự lựa chọn đau đớn của Nguyễn Trãi khi về núi để tự trong sạch một mình, sự lựa chọn của Ưng Bình Thúc Giạ trong ba lần trở về lớn lao của một đời người, sự lựa chọn của Ngô Kha mà theo anh là sự lựa chọn mang tính chung thẩm của người lính ra trận, có thể bị hủy diệt nhưng không bao giờ thất bại. Hình như chọn lựa trước hết đã là một ám ảnh trong tâm hồn Hoàng Phủ Ngọc Tường, như anh đã viết khi bàn về thể ký: trước khi chảy qua ngòi bút, những điều ấy đã chảy qua trái tim anh như một dòng máu. Bởi vậy, trong những năm đất nước chưa đổi mới, anh đã nêu tấm gương của Đào Duy Từ "đấu tranh để bảo vệ quyền tự do thương mại của người dân". Trong những năm tham nhũng còn là một chứng bệnh nan y của đất nước, anh đã viết về "từ thụ yếu quy" của Đặng Huy Trứ như một lời cảnh tỉnh. Những năm sau chiến tranh, anh đã nói về người anh hùng Tây Sơn với lời nhận định: "Khát vọng lớn ở đời của Nguyễn Huệ không phải là chiến công mà là chính trị, làm sao xây đắp nên một nền đại chính để nhân dân sống có hạnh phúc". Nhà nghiên cứu Hoàng Phủ Ngọc Tường không nhìn vào cõi xưa với thái độ của người hiếu cổ hay người phục cổ, càng không có ý mượn xưa để nói nay; điều anh muốn đạt tới, và anh đã đạt tới, là tìm cho ra dòng chảy của sự sống đã nối liền những con người Việt Nam từ xa xưa cho đến bây giờ. Đó là điều mà suốt cuộc đời cầm bút anh đã hướng tới, với tất cả tâm nguyện và hoài bão của chính anh. Như anh đã đúc kết: "Một chữ tâm có sức chứa đựng tất cả". Chữ tâm, mà giờ đây được dùng quá nhiều đã trở thành một thuật ngữ sáo mòn, nhưng dưới ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn luôn trọn vẹn ý nghĩa chân thật của nó, như anh đã định nghĩa một cách giản dị và đầy đủ: "Đấy là một tấm lòng tốt muốn đem tâm hồn mình làm quà tặng". Những bài ký văn hóa này, cũng như cả bốn tập sách của anh thật xứng đáng được đón nhận với tất cả lòng trân trọng, bởi vì đó là món quà một đời mà tác giả đã gửi đến chúng ta.
T.T.M

(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

 

Các bài mới
Đọc Lão Tử (28/08/2008)
Các bài đã đăng