Tạp chí Sông Hương - Số 161 (tháng 7)
Thông điệp thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường
15:27 | 28/08/2008
HỒ THẾ HÀHoàng Phủ Ngọc Tường dấn thân vào nghiệp bút nghiên bằng thơ cùng những năm tháng "hát cho đồng bào tôi nghe" sục sôi nhiệt huyết đấu tranh chống thù và ước mơ hòa bình trên quê mẹ Việt yêu dấu.
Thông điệp thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhưng khi nói đến sự nghiệp văn chương, mọi người lại nghĩ ngay đến anh như một trong những nhà viết ký tài năng của thế kỷ XX. Với 7 tập bút ký trải dài theo hành trình cuộc sống và hành trình sáng tạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tự chọn cho mình thể loại sinh tử để lập thân và lập ngôn. Các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiều về bản sắc và phong cách ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là hệ quả từ sự lựa chọn đó của anh. Trong bài viết ngắn này, tôi muốn nói đến một thế giới khác trong con người tâm linh Hoàng Phủ Ngọc Tường – thế giới nghệ thuật thơ. Nếu không quá máy móc căn cứ ở những ngày tháng ghi dưới mỗi bài thơ thì có thể thấy cảm hứng sáng tạo chính trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là sự hòa quyện những cảm hứng lớn về nhân dân, đất nước và cảm hứng thẳm sâu về thiên nhiên, về tình yêu được thể hiện tiếp biến từ những năm tháng kháng chiến đến những năm tháng hòa bình. Con người nghệ sĩ và conngười công dân cùng với những trải nghiệm và kiếm tìm từ cuộc sống thật của mình đã làm nên hồn thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa hiện thực vừa lãng mạn; vừa trang nhã quý phái vừa triết lý, ảo diệu cả trong 2 tập thơ Những dấu chân qua thành phố (1976) và Người hái phù dung (1995), (tái bản lần thứ nhất 1998).
Có thể nhận xét một cách khái quát về động thái thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó là cách kiến trúc trục không gian – thời gian nghệ thuật một cách ảo diệu gắn liền với ký ức tâm hồn giàu biến thái của anh khi nghĩ về tình yêu, thiên nhiên và đất nước.
Thơ anh không mới về thể thơ và hình thức biểu đạt, nhưng thơ anh có sức ám ảnh lớn về sự sống thật của cõi người qua cách tổ chức ý thơ và tứ thơ cùng việc vận dụng vốn ngôn ngữ giàu tính văn hóa hán học, triết học, sử học; kể cả dân tộc học, sinh vật học cũng như cách huy động hình ảnh thơ, liên tưởng thơ ảo diệu, làm cho hiện thực cuộc sống và tâm trạng luôn xao động giữa các phạm trù sống – chết, giới hạn – vĩnh hằng, cái thoáng chốc phù du và cái thiên thu bất tuyệt. Và sau tất cả những xao động đó là khát vọng hiện sinh đầy trách nhiệm của những con người biết sống qua sự đối chiếu với thiên nhiên và thời gian khách quan thường nghiệm.
Anh hái cành phù dung trắng
Cho em niềm vui cầm tay
Màu hoa như màu ánh nắng
Buổi chiều chợt tím không hay
Nhìn hoa bâng khuâng anh nói
Mới thôi mà đã một ngày.
Một ngày trôi qua, một thoáng trôi qua, một năm trôi qua và một đời người trôi qua, kết thúc một còng luân hồi là qui luật sinh vật học; còn qui luật của trái tim và khối óc mang đầy khát vọng thì sao? Tác giả tự trả lời một cách dứt khoát – cách để chiến thắng cái "xuẩn ngốc" của thời gian vật chất kia như sau:
Dù năm dù tháng em ơi
Tim anh chỉ đập một đời
Nhưng trái tim mang vĩnh cửu
Trong từng giọt máu đỏ tươi
Vậy là chìa khóa để đi vào thế giới thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được ký mã, thám mã và giải mã. Toàn bộ những ám ảnh phù du, ám ảnh nỗi buồn, ám ảnh cỏ hoa mang manh dễ vỡ trong thơ anh là thi pháp đối cực, đối trọng để anh nói về cái trường cửu, niềm vui và khát vọng sống thật của cõi người.
Hoài niệm về những con đường rừng cũ vì vậy lại hồi sinh nguyên vẹn:
Ôi những con đường chỉ một lần qua
... Nhưng từ đó cây hoang rừng già
Thương mãi đàn con gian khổ
... Tôi đi trên những con đường ấy
Mang Việt Nam trong linh hồn
Trên hệ qui chiếu ấy, những dấu chân một thời đi qua thành phố trở thành đường chân trời mơ mộng "Đến bây giờ trên mặt thành cỏ biếc – Đá trăm năm còn tạc dấu chân trần".
Ôi những dấu chân in thành vết son
Dù tháng năm mưa gió không mòn
Khi ta đặt bàn chân lên đó
Sức nghìn năm khôi phục giữa tâm hồn.
Những bàn chân – dấu chân in hình trên đất đai của quê hương, xứ sở là chứng tích không phai của những con người yêu nước mình, đêm hành quân ngủ dưới trời sao sáng "Thấy đất nước cười lấp lánh chiêm bao", và khi đi qua một trời giông bão để "đến tận nguồn sông ta lại gặp – Bạn bè đông thành phố rộng không ngờ".
Vẫn với cách ký mã và giải mã ấy, ta thấy được vẻ đẹp lung linh tình sử trong thơ tình yêu của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Ta gặp trong thơ anh những tình xa, tình tan, tình mây khói với bao là tạ từ, chiêm bao, cảm tạ chờ mong, phù du mộng ảo... nhưng bên sau là một trời thương nhớ, gấm hương hoa mộng, cả ở thế giới ngày sau:
Cảm ơn người trái đào tiên
Tôi về lãng đãng nơi mình cỏ gai
Cỏ gai hoa thẳm mặt người
Trinh nữ ơi, trinh nữ ơi tôi buồn
Thôi người ở lại soi gương
Tôi đi về phía con đường cỏ lau
Nợ người một khối u sầu
Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi.
Dù trong hiện tại, có lúc người thơ không khỏi mang tư tưởng cô đơn, bi đát và hốt hoảng khi thấy: "Trên tài hoa nhàu nát – Trên trần gian khói sương – Trên mặt người biến sắc – Mưa in dấu vô thường" và chính người thơ đăm chiêu ngồi dáng người thượng cổ đối ẩm và tự thoại với bóng mình theo dáng một loài cây. "Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá – Tôi gập người trên bóng tôi" và lan ra thành điệp khúc cô đơn:
- Chỉ mình tôi với bóng cây
- Chỉ một mình tôi với bóng mây
- Chỉ một mình tôi với bóng chim
Và cuối cùng là tư thế thiền định:
- Chỉ có tôi ngồi với tôi
- Không ai cười nói, không ai khóc
- Tôi ngồi im vắng như lau sậy
Mờ mịt như màu sương khói thôi.
Vậy mà đối cực của sự cô đơn kia là ước vọng lại hiện lên ngọt ngào, xoa dịu ám ảnh ly tan đơn độc.
Thôi em cảm tạ chờ mong
Ngày anh đi hái phù dung chưa về
Đêm qua hương đã tàn mê
Mây đi còn dấu trăng thề như in.
Và niềm hạnh phúc giận hờn trở thành kinh nghiệm buồn để nuôi dưỡng ước mơ lại trở về trinh nguyên, hoang dã: Trên kỷ niệm giận hờn – Có ngôi sao chiều tím – Là môi em cúi xuống – Trên mình anh vết thương".
Đến "Dạ khúc", bài thơ diễn ra một tình sử đoạn trường "ngọt ngào như trái nho tươi".
Có buổi chiều nào mộng mị vây quanh
Nửa vành mi cong hờn dỗi
Em xõa muộn sầu trên gối
Rối bời như mớ áo xanh
Và người thơ van xin niềm ân huệ ở người tình, ở thiên nhiên – niềm trinh nguyên xanh thẳm.
Tôi còn ngọn nến hao gầy
Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
Tôi xin em chút lòng thành
Cài lên một phiến u tình làm hoa
hoặc:
Ta tìm lại trong hình hài hóa bướm
Chút tự do quả thực trên đời
Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng
Núi thông nhiều, ta hãy rong chơi.
Rong chơi để hóa giải nỗi buồn, rong chơi để xoa tan nỗi đam mê hoang tưởng chính là sự rong chơi có ích và chứa đầy khát vọng tình yêu. Những hình ảnh giai nhân lại hiện ra trong ký ức và tiềm thức của tác giả thật đẹp, đặc biệt là hình ảnh một tiên nữ buồn rầu, xõa tóc như mưa, như mây khói ám ảnh tác giả đến cả trong giấc mơ.
- Em xõa muộn sầu trên gối
Rối bời như mớ tơ xanh
- Có nàng xõa tóc tiên nga
Quỳ hôn cát bụi khóc òa như mưa
- Tôi về ngủ dưới vầng trăng
Có em từ chốn vĩnh hằng nhìn tôi
Tình xa xa mãi trong đời
Tóc tiên trinh nữ rối bời trên vai.
Đến đây, ta có thể thấy nỗi buồn và ám ảnh phù du trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đi trọn hành trình đau khổ của nó để thấu triệt sự âu lo hiện sinh của chính mình thông qua các phạm trù thời gian – không gian, thông qua thiên nhiên, hoa cỏ – nơi thanh lọc và làm cao sang, hóa giải nổi buồn, để nhà thơ tiếp tục mơ mộng vào khát vọng thiên thu bằng biện pháp đồng nhất hoá thần thoại từ những tình sử Hy lạp lunh linh.
Cánh phù du bay hoài không nghỉ.
Chút thời gian lay động ở trên cao
Bụi phù du kết thành tinh thể
Người trần gian mê mãi nhìn sao
Từ đó những vì sao Hy Lạp
Trong thiên thu mang khát vọng con người
Từ đó trên trời đêm Hy Lạp
Niềm say mê cháy mãi không nguôi.
Đấy là toàn bộ những ẩn số của thế giới thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường dù anh muốn thông điệp đến chúng ta. Và đó cũng là ẩn số của chính cuộc đời anh để chiến thắng nỗi buồn và thần chết để tiếp tục sáng tạo.
Huế, 5.5.2002
H.T.H

(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

 

Các bài mới
Đọc Lão Tử (28/08/2008)
Các bài đã đăng