Tạp chí Sông Hương - Số 161 (tháng 7)
Vài suy nghĩ về tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường
15:32 | 28/08/2008
NGÔ MINH Tôi quen biết với anh Tường hơn 25 năm nay ở Huế như một người bạn vong niên thân thiết. Trong máy tính của tôi còn lưu trữ bài Anh Tường ơi viết từ năm 1998, gần 3000 chữ chưa công bố. Đó là bài viết mà nhà văn Nguyễn Quang Hà, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương lúc đó, bảo tôi viết, sau chuyến chúng tôi đi thăm anh Tường bị trọng bệnh đang nằm hôn mê ở Bệnh viện Đà Nẵng về.
Vài suy nghĩ về tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường

Anh Nguyễn Quang Hà thở dài bảo:"Gay lắm, mong manh lắm, Ngô Minh phải viết cho một bài lỡ anh Tường có sao...". Nhưng thật may mắn và hạnh phúc là anh Tường đã vượt qua được cơn tai biến hiểm nghèo của số phận, để được thấy Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường trang trọng như thế này. Đối với tôi, khi bên chiếu rượu ngồi nghe anh Tường nói, hay đọc bút ký, nhàn đàm,thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường là những lần được nghe các "cua" ngoại khoá sâu sắc về nhân văn và nghề văn. Tôi tự biết rằng, trong vốn liếng để hành trình trên đường đi không đến, con đường văn chương thăm thẳm của mình, có một phần "học lỏm" được từ Hoàng Phủ. Bởi thế, tôi rất cảm kích và hởi lòng hởi dạ trước bộ sách Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường 4 tập bìa cứng, có bìa phụ bọc ngoài, in ảnh tác giả ở bìa 4 và ở cả gáy sách, giấy rất trắng, trình bày công phu và hiện đại mà NXB Trẻ và Công ty Văn hoá Phương Nam vừa ấn hành. Mỗi tập sách khi chưa bóc tem đều được bọc giấy bóng và bộ tuyển tập được đóng trong hộp bìa các-tông rất lịch sự. Tủ sách gia đình tôi có nhiều tuyển tập các nhà văn Việt , nhưng chưa có tuyển tập nào được in ấn sang trọng và quý phái như thế. Thật đáng đồng tiền bát gạo! Đây là "giải thưởng" chân chính nhất, và xứng đáng nhất mà những người yêu văn chương dành cho nhà văn tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường! Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi đã "thọ giáo" được mấy bài học về nghề văn.
Trước hết là bản lĩnh nhà văn. Tôi nghĩ rằng mỗi nhà văn là một nhà tư tưởng, họ góp phần vẽ nên bức chân dung của thời đại mình. Muốn làm được điều đó, nhà văn phải có chính kiến rạch ròi, bản lĩnh sống và bút lực mạnh mẽ để chuyển tải chính kiến của mình đến người đọc. Chính kiến đó của Hoàng Phủ Ngọc Tường là tình yêu Tổ quốc và nhân dân cháy bỏng, là sự dấn thân đấu tranh để xây dựng một nền dân chủ và nhân văn cao cả. Không giống như một số người, nói khác, làm khác, nói khác, viết khác, họ luôn đeo một cái mặt nạ ngăn cách tâm trạng thực của mình với xã hội. Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nói chơi, hay nói bốc đồng trong cuộc rượu cũng giống y chang những điều anh viết thành văn, thành thơ trên trang sách. Anh Tường nói đến tận cùng, viết đến tận cùng của vấn đề mà không sợ sự suy diễn, quy chụp nào, vì anh đang nói đang viết bằng cái tâm đỏ thắm của mình vì CON NGƯỜI vì TỔ QUỐC. Nhờ chính kiến mạnh mẽ đó mà trong những bài nhàn đàm rất ngắn như Phùng Quán lạy dưa, Quẻ vị tế, Chuyện cơm hến, Con chim bách thanh.v.v, Hoàng Phủ đã lẩy ra được những vấn đề lớn, sâu thẳm về nhân văn, nhân thế như những triết lý cuộc sống, đưa đến những khoái cảm thẩm mỹ cho người đọc và sự lay thức mạnh mẽ trong dư luận. Còn trong bút ký, bằng tình yêu nhân dân, yêu Tổ quốc tha thiết từng ngày, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện ra nhiều giá trị nghệ thuật mới mẻ, đẹp đến nao lòng, nhân ái tràn ngập từng trang viết, chia sẻ, cầm tay con người đứng vững trên mảnh đất nghèo đói đầy tang thương chiến tranh của xứ sở. Trong thơ, bằng cái tôi mạnh mẽ đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đào sâu đến mạch vỉa của nỗi buồn và hư vô, làm cho những hình tượng thơ có sức bám vào tâm khảm con người. Không có chính kiến mạnh, nhà văn dễ trở thành những người chuyên né tránh, tự biên tập, viết những cái hời hợt, vô bổ ngoài mình, ngoài cuộc đời! Mặt khác chính kiến đó đã tạo nên bút lực mạnh mẽ, dồi dào của nhà văn; đồng thời là chiếc ăn ten lương tâm nhạy cảm giúp nhà văn bắt được những tín hiệu thẩm mỹ nhỏ nhất trong cuộc sống!
Bài học về đọc, đi và viết. Nhà văn chỉ có ba việc thường trực hàng ngày là đọc, đi và viết. Đọc tức là học trí thức sách vở. Đi tức là học kiến thức thực tế cuộc sống. Sau đó mới đến viết, tức là tạo ra những giá trị thẩm mỹ mới từ các chất liệu, vốn liếng kiếm được. Anh Tường là người có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực triết học, lịch sử, chính trị, địa lý, văn hoá, văn học.v.v.. Anh lại là người ham đọc sách, hay suy tư nghĩ ngợi, nên tôi và anh Nguyễn Trọng Tạo hay gọi anh Tường "là nhà hiền triết cũ còn sót lại". Nhờ kiến thức uyên thâm đó mà Hoàng Phủ Ngọc Tường soi sáng được dưới nhiều góc nhìn khác nhau những vấn đề mà mình quan tâm, từ đó chiết ra được những ý nghĩa mới, giá trị hình tượng mới, cái mà anh Tường gọi là sự hư cấu trong bút ký. Trong tập 3, Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường có đăng bút ký Bùi Giáng trong tôi rất hay. Anh Tường viết bút ký này tháng12 - 1998 tức là chỉ 4 tháng sau khi qua khỏi cơn hôn mê 2 tháng ở Đà Nẵng, vừa mới ra viện về nhà được hơn tháng. Nghĩa là lúc đó anh đang đau đớn dữ dội, mắt anh chưa đọc tạm được như bây giờ, nên anh không đọc sách báo gì được; khi viết thì nằm trên giường đọc cho cô bé giúp việc tên là Thơm hoặc chị Dạ chép (Bây giờ tôi thấy mệ là người đang làm thư ký cho con rể). Thế mà trong bút ký đó anh đã dẫn từ trí nhớ của mình đến 50 câu thơ hay của Bùi Giáng, chưa kể đến những chi tiết kỷ niệm. Kể một chi tiết nhỏ để nói rằng Tường là một cuốn từ điển sống về tri thức quả không ngoa. Tường cũng là người chăm đi, chăm ghi. Đọc bút ký, nhàn đàm, thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường ta biết được những địa danh anh đã đến từ Rừng hồi Lạng Sơn đến đất Mũi, Từ Núi Bài thơ Hạ Long đến Tháp Mười, từ Phố Con Mèo Câu Cá Paris đến Trời Điện Biên mây trắng.v.v.. Anh lang thang cùng Trịnh Công Sơn, Trần Quốc Vượng, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Tạo, lang thang cùng nhà tư bản đỏ Lê Minh Ngọc.v.v.. Ở Huế, khi chưa bị bệnh, anh hay đi ngồi chiếu rượu với bạn bè. Uống thì ít mà nói thì nhiều. Anh nói như thốt lên những suy ngẫm của mình về cuộc sống mà anh vừa phát hiện ra. Có lần tôi đến mời anh đi nhậu, mệ bảo: "Ông ấy đi nói rồi". Anh gọi mình là "người ham chơi', đó là cách nói ngoa dụ, nhưng cũng rất đúng, vì chơi nghệ thuật văn chương là cuộc chơi thượng hạng! Thực ra anh chẳng chơi chút nào, đúng hơn anh người ham đi, ham ghi, ham nghĩ Sau những chuyến đi như thế, anh ngồi lỳ lật từng trang sổ tay ghi chép, để viết. Anh ngồi trên cái ghế cổ không có chỗ để tựa lưng, như thể không cho phép mình được buông bút! Nói về sự học, sự đọc, sự đi của anh Tường mà buồn cho thế hệ nhà văn tuổi trên dưới 50 mươi như chúng tôi, một thế hệ nói như thơ Hồng Nhu "Mắt là mắt của người ta - Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi". Do chiến tranh và sự thiên kiến, một thế hệ đã không được dạy dỗ, học hành đến nơi đến chốn, lại có không ít người vì "kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi”, hay ham làm giàu, ham chức tước nên không còn thời gian để đọc, để học, thật buồn!
Thơ Tường là cái thốt lên chứ không phải là cái được viết ra: Tại sao thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường lay động lòng người? Là người làm thơ, đọc thơ anh Tường, tôi biết anh không hề có ý định cách tân hình thức hay ngôn ngữ thơ. Thơ anh là sự giải bày những bức xúc tâm trạng, viết để giải toả. Vì thế mà anh vẫn giữ những thể thơ cổ điển truyền thống cũ như lục bát, năm chữ, sáu chữ, tám chữ. Thậm chí trong thơ anh dùng rất nhiều chữ sáo, cũ mà từ lâu, hình như từ những năm 60 của thế kỷ XX, đã vắng dần trong ngôn ngữ thơ như: tình sầu, sầu muộn, mộng mị, hồ rượu, lời nguyền, nét mày.v.v.. Trong ngôn ngữ học người ta gọi đó là những từ "tiêu cực", nghĩa là những từ đang ở độ tàn, không còn được sử dụng nữa. Có chuyện vui, hồi anh chưa bị bệnh, có lần nhậu ở một nhà hàng, tôi và anh Nguyễn Trọng Tạo đã "chê" thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũ, giống y những nhận xét trên, anh Tường buồn trầm ngâm suy nghĩ, nhưng không đỏ mặt, cũng không phản ứng gì. Nhưng đến khi chủ quán mời anh đọc thơ thì anh "lẫy": Mình không đọc nữa, thơ dở đọc ra ngượng chết!.
Nói là nói thế, nhưng tôi bao giờ cũng rất thích những vẻ đẹp huyền bí trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đó là vẻ đẹp thần thái, từ sự ngất ngưỡng thi sĩ và trí thức uyên bác thốt lên, chứ không phải là viết ra! Vậy sức mạnh của thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là gì? Thứ nhất đó là sự hồn nhiên thi sĩ. Hồn nhiên như trẻ thơ, vô thức như ma ám. Không ở trạng thái không trọng lượng đó, không thể viết ra được những câu thơ giản dị mà rất thần, như một triết lý nhân sinh, lay động: Thời gian sao mà xuẩn ngốc/ Mới thôi đã một đời người; Tôi còn ngồi chi đây một mình,... Vẽ tôi nghe tiếng mơ hồ/ Bàn tay em vỗ bên bờ hư không; Tôi ra mở cửa đón người/ Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang; hay Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi; Vẽ tôi một đoá bông hồng/ Tàn phai từ bữa em cầm trên tay.v.v.. hay đoạn thơ: Mày là con Kănguru tự do/ Của những mặt đất rạn vỡ... Lang thang như con ngựa hồng/ Túi đựng đầy trống không.v.v..
Vâng, đó là thơ thốt lên từ cõi Tâm cảm, Linh cảm, không thể kềm chế được! Những câu thơ như thể đọc một lần là ám ảnh. Anh Tường viết:Than đá là quá khứ của trái đất, nhưng than đá không bao giờ cũ, nó bị dồn nén cồn cào trong lòng đất và luôn đời bốc cháy!" Đó chính là văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đó cũng là mạch vỉa, là hồn vía, của thơ, chứ không phải là thứ ngôn từ "làm ra vẻ bí hiểm", lối nói đại ngôn hay cấu trúc rắc rối... mà không ít bạn làm thơ trẻ hiện nay đang ngộ nhận là hiện đại! Cái hiện đại nhất, sâu sắc nhất chính dễ đi vào lòng người nhất! Đó mới là ngôn ngữ của bậc kỳ tài!
Một nét riêng cần nhấn mạnh là thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường có hơi hướng, khí chất như bay lên như ở xứ đền đài miếu mạo thâm u linh thiêng nào đó, hay như từ đất vọng lên. Đó có phải là âm hồn Huế, âm thanh Huế, là màu sắc mùi vị Huế?
Bỏ quên đôi cánh trên trời
Em về mặt đất làm loài phù du
Tưởng cho ta cả thiên thu
Hoá ra một chút sương mù trên tay

Vâng, đó chính là tình yêu xứ sở đã hoá linh hồn, tạng văn, chất giọng của tác giả. Không có những dấu ấn hồn vía đó thì mỗi nhà thơ không thể có ngôn ngữ riêng của tâm hồn mình!
Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều thơ về nỗi buồn, về cõi chết: Bây giờ đã hết trò chơi/ Đã tàn cuộc rượu để người ra đi”; "Mai kia tôi về ngủ trên đồi"..v.v.. Mai kia rồi cũng xa người/ Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa.v.v.. Đó là sự chiêm cảm, linh cảm của phận người trong cõi đi về (chữ của Trịnh Công Sơn). Đó là vẻ đẹp huyền bí của cõi hư vô. Nỗi buồn, cõi tận cùng cái chết ấy làm cho con người trở thành con người hơn. Hay nói cách khác, chạm vào cõi không ấy, đối diện với cõi vô cùng ấy, con người mới thực là mình. Cái phi lí chính là bản chất của cái có lý. Vì thế mỗi lần đọc lại các tác phẩm của Tường, ta lại phát hiện ra lấp lánh những tầng nghĩa mới, những vẻ đẹp mới hiện ra từ tâm thức nhờ sự bốc cháy của những mạch vỉa than đá ấy!
Huế 5 – 2002
N.M

(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

 

Các bài mới
Đọc Lão Tử (28/08/2008)
Các bài đã đăng