Tạp chí Sông Hương - Số 161 (tháng 7)
Ngôi nhà dài, nơi nối kết và hội tụ nghĩa gia tộc của người Taôih
16:24 | 28/08/2008
TRẦN HOÀNGDân tộc Taôih ở Thừa Thiên Huế thường quây quần sống với nhau thành từng vel (làng, bản). Mỗi vel, thuở xưa có trên dưới vài ba chục nóc nhà (dung). Cũng như làng của dân tộc Kinh, vel của người Taôih chứa đựng nhiều mối quan hệ xã hội như: gia đình - gia tộc, láng giềng, chòm xóm... Mỗi vel thường có một cái tên riêng, hoặc mang tên nguồn nước, khe suối, đồi núi nơi dân vel cư trú, hoặc khởi nguyên từ những trang huyền thoại, huyền tích của bộ tộc từ thuở xa xưa.
Ngôi nhà dài, nơi nối kết và hội tụ nghĩa gia tộc của người Taôih

Vào các vel của đồng bào Taôih, ta thấy có hai loại nhà, một loại nhà của từng hộ riêng lẻ, một loại của cả một gia tộc, và do vậy mà cấu trúc của hai loại nhà này cũng có những nét khác nhau.
Những người có quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống trong một dòng họ lớn (Yăq), nếu sống với nhau trong một ngôi nhà - thì ngôi nhà ấy là ngôi nhà dài, một kiểu nhà đặc biệt chỉ có ở miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên. Sau khi đã gieo lúa xong trên rẫy, vào thời kỳ nông nhàn - từ tháng 6 đến tháng 9, đồng bào Taôih thường lo việc làm nhà để đến lúc vào vụ gặt là có thể đón được lúa mới về. Họ xem hai việc nhà mới, lúa mới cùng đến được một lúc là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn đối với các gia đình, gia tộc.
Nhà dài gồm nhiều gian nối với nhau và kéo dài tới chục mét; đặc biệt có nhà dài trên dưới một trăm mét (Độ dài của nhà tuỳ thuộc vào quy mô và số bếp, số người trong gia tộc). Sàn, cột, xà nhà làm bằng các loại gỗ quý như gõ, sến, dổi... Chúng được đẽo đục công phu và liên kết với nhau theo kỹ thuật riêng của người thợ mộc Taôih. Để chống ẩm, chống mối mọt, người ta kê cột lên các tảng đá dày to và vuông vức. Ngôi nhà cũng nhờ vậy mà thêm vững chãi, chắc chắn, bề thế.
Vách nhà cũng được làm bằng các tấm gỗ mỏng đã bào nhẵn. Trên vách, các ông thợ thường chạm khắc nhiều hình thù như hoa lá, chim muông... để làm vật trang trí. Đáng lưu ý là lá lợp nhà. Thường người Taôih dùng lá mây rừng để lợp nhà dài. Loại lá mây có độ bền hơn tranh rạ, và lại mang tính thẩm mỹ cao. Người ta vào rừng chọn các phiến lá không già quá mà cũng không non quá, cắt lấy và đem về phơi héo, rồi ép cho phẳng theo từng lớp. Khi lợp, các lớp lá mây được nối kết với nhau bằng các sợi mây nhỏ chuốt nhẵn. Từng lớp lá được lợp chồng lên nhau theo một thứ tự nhất định, rất kỹ thuật đã tạo nên các mái nhà vừa phẳng phiu, vừa đẹp mắt. Nếu như mái nhà rông của người Bana, Êđê... thường cao và dốc đứng, thì mái nhà dài của người Taôih lại nghiêng với độ nghiêng vừa phải và trải rộng về bề ngang. Đầu hồi nhà người ta thường gắn khúc gỗ cong như chiếc sừng trâu chĩa thẳng lên trời. Vật này được xem như vật thiêng bảo trợ và mang đến cho gia đình - gia tộc cuộc sống bình an, no ấm...
Nhà dài được phân nhiều gian khác nhau, có gian dùng làm phòng khách hoặc hội họp, vui chơi; có gian được dùng làm bếp, làm phòng ngủ, gian sinh hoạt của từng gia đình nhỏ (bếp). Phòng khách nằm ở gian giữa nhà và rộng hơn các gian khác nhiều. Các đồ thờ cúng, cồng chiêng... được đặt gian này. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày các loại cung tên, sừng thú, da thú v.v... Vào các ngày vui của gia tộc, mọi người cùng quây quần nơi gian khách để trò chuyện, hò hát rất say sưa, ấm cúng... Các con lớn của các bếp cũng thường tới ngủ ở gian khách.
Nối kết giữa các gian nhà là một giải hành lang dài bên ngoài và ba cầu thang được bố trí ở ba nơi: hai ở đầu hồi và một dẫn vào gian chính. Do vậy mà việc đi lại, vào ra rất thông suốt và tiện lợi. Bên cạnh loại nhà dài có hành lang bên ngoài, còn có loại nhà lối đi lại được bố trí giữa lòng nhà. Nhà kiểu này, giữa các gian (các bếp) không có vách ngăn. Các đôi vợ chồng trẻ được bố trí ở trong các phòng lồi có phên tre che kín. Đây cũng là phòng cất giữ của cải của mỗi bếp riêng biệt.
Thuở xưa, các thành viên trong gia tộc người Taôih sống trong các nhà dài thường tồn tại dưới ba dạng:
- Ở chung- làm chung- ăn chung (dạng cổ nhất)- đối với các gia tộc ít người, ít hộ
- Ở chung- làm chung- ăn riêng
- Ở chung- làm riêng- ăn riêng
Dù là thuộc dạng nào, người cùng cư trú dưới một mái nhà vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp, bền chặt, ứng xử với nhau bằng tình yêu thương sâu sắc và sống có nề nếp, kỷ cương. Mọi sự bất hoà giữa người này với người khác, giữa bếp này với bếp khác đều được giải quyết ổn thoả, êm thấm. Phong tục, lễ nghi của bộ tộc, của gia tộc được giữ gìn, phát huy. Lương thực, thực phẩm (gạo, ngô, rau quả, thịt cá...) là do công sức của cả gia tộc làm ra. Nó được phân chia rất công bằng cho từng bếp. Mỗi bếp tự nấu nướng, vợ chồng con cái ăn riêng với nhau, trừ lúc cả gia tộc có việc chung như lễ tết, cưới hỏi, ma chay... Cha mẹ già thì sống với con trưởng, song các bếp và mọi thành viên của gia tộc đều có trách nhiệm chăm nom săn sóc, nuôi dưỡng người đã sinh thành ra mình.
Ngày nay kinh tế hộ gia đình đã phát triển đến trình độ cao. Các bếp tách riêng thành các hộ cá thể với ngôi nhà riêng của mình. Những ngôi nhà dài ngót trăm mét không còn nữa. Song nó mãi mãi vẫn là biểu tượng là thành tựu văn hoá đặc sắc và là sự thể hiện cao tính cộng đồng của dân tộc Taôih trên núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
T.H

(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Lão Tử (28/08/2008)