Có tất cả tám ô để tám loại tiền hiện hành, trong đó loại năm trăm trở xuống để chung một ô. Ô nào cũng xếp ngăn nắp, trừ ô tiền trăm hơi lộn xộn, vì nó còn được dùng chi tiêu hàng ngày. Không có ngân phiếu hoặc đô- la, dì Ty chỉ có một đội quân tiền Việt xếp hàng rất tề chỉnh. Thỉnh thoảng dì lại mở rương điểm binh một lần với cặp mắt sáng rực như đang nói chuyện với những tờ giấy đầy quyền thế. Đậy nắp rương, khoá lại, rút chìa ra, dì lắc thử ổ khoá. Gà gáy. Nhiều đêm gà gáy hiệp một thì cũng là lúc dì Ty bỏ tiền vào rương, đậy nắp, khoá lại, rút chìa ra rồi lắc thử ổ khoá như thế. Dì ra giếng. Trời lạnh cóng, nước như cắn vào da thịt. Bên kia rào thưa, một bóng đen xuất hiện, thì thào nói chõ qua "Cưng, cưng ơi!". Dì Ty không ngạc nhiên, không giật mình, chỉ khép đôi bắp vế trắng ngần dưới trăng theo phản xạ giới tính tự nhiên rồi róc rách dội nước làm vệ sinh. Dì đang lau dấu nước bọt thối hoắc thằng cha nào để lại giữa rốn thì cái bóng đen bước qua, ôm lấy. Trong nhà, ngọn đèn hạt đỗ vẫn im lặng thức sáng một vùng bé nhỏ.
Thiên hạ chửi dì Ty là con đĩ già. Mẹ tôi thì chửi đầy đủ hơn. Nghe mẹ tôi chửi, cha tôi quẹt que đóm vào nõ điếu cày: - Hoàn cảnh mà! Thiên hạ ghét, ta ghét nữa, thì ai thương! - Ngựa quen đường cũ - Mẹ tôi oang oang - Cái đồ trời đánh! Cha tôi phà thuốc lào mù mịt: - Túng phải tính bà ạ. - Nó bôi xấu cả họ - Mẹ tôi càng nổi điên - Ra đường tôi phải úp nón vào mặt mà đi! Dì Ty đẹp nhất vùng. Từ mười lăm tuổi, hễ dì qua chuyến đò ngang nào, là chuyến ấy suýt chìm. Tôi lớn lên thì dì đã biến khỏi làng từ hồi nào, mọi chuyện chỉ nghe kể lại. Thuở ấy chiến tranh, thông tin mọi thứ chắp vá, nhưng dì đi đâu thì ai cũng thông tỏ. Nghe nói dì đi khắp, Hà Nội có, Nghệ An có; không làm gì ra làm gì nhưng áo quần là lượt, son phấn thơm lừng, lúc nào cũng phong lưu với cái miệng cười trắng loá hàm răng ngà ngọc làm chết mệt đám mày râu. Trong số đàn ông mê dì, đâu như có cả các ông tướng, các ông to, có ông bị vợ đánh ghen mà mất cả cơ đồ sự nghiệp. Sau hoà bình thống nhất, dì dông vô Sài Gòn. Ba mươi tuổi, cao mét sáu bảy, mềm mại và khoẻ khoắn, uyển chuyển và rực rỡ như Nữ Thần Ái Tình. Trời phú cho dì quyền sai khiến những con đực, buộc bọn họ phải cung phụng dì ăn chơi đã đời, chán rồi lạnh lùng chia tay một đi không trở lại. Đến với dì phải là loại "râu hùm hàm én", đám chuột nhắt quấy đuôi vào hũ mỡ thì đừng có bén mảng. Có anh giàu sụ nhưng thấp choằn choặn, mặt như đĩa đèn đến tán tỉnh, dì cười nhẹ: "Anh có dám chồng tiền lên mà đứng cho cao ngang bằng tôi không? Cho hôn cái mà đi nè". Anh nọ xấu hổ quá chẳng còn mặt mũi nào nữa mà hôn với hít. Có anh rủ dì đi Mỹ, dì đã toan đi, nghĩ lại lại thôi. Dì về lục tỉnh, một ông chủ hãng xe đưa dì đi hết Cà Mau lên biên giới, sang Phnôm-Pênh; ông nọ cạn túi vì phải chịu dì xài sang, đành bán rẻ cái xe "đưa nàng về kinh"... Thế rồi năm nọ, vừa Tết ra, làng đang tổ chức tế thần cho ngành văn hoá quay phim chụp ảnh, thì dì Ty đột ngột về. Tôi ra ga xách hộ dì hai cái va ly. Biết tôi sắp sửa vào đại học, dì cho một cái, còn một cái, dì nói: "Cái này của em, sau này nó đi học xa". Dì mang về một thằng bé lên năm rất đẹp. Thằng bé con ông nào, ở đâu, mọi người cứ rì rầm hỏi nhau, không dám hỏi dì; trong lúc dì lại nói nhỏ với mẹ tôi: "Bố nó làm to, nhưng tử rồi. Em cho nó mang họ Trần nhà mình, Trần Minh Nguyên, thế là đủ". Làng phục hồi cái chợ ngoài bờ sông, xưa gọi là chợ Hà. Dì Ty dựng một căn lều bán mỹ phẩm, vải hoa, áo quần thời trang, rặt hàng lạ mắt, đám choai choai chen nhau mua. Dì xin đất dựng một mái nhà tranh ba mươi mét vuông đầu chợ đủ để đặt một cái giường, một cái bàn và một cái bếp. Vì sao dì Ty từ bỏ thói đi hoang về lại làng quê thì không ai rõ; chỉ biết là trông dì cũng thảnh thơi như ai, son phấn không còn nhưng đẹp vẫn đẹp. Có anh giữa đường đứt gánh ngỏ ý cùng nhau chắp lại đường tơ, nhưng dì trả lời: "Tôi ở thế nuôi con thôi, lấy chồng thì tôi đã không về làng". Có anh lân la tán tỉnh, tưởng dì là gái làm tiền, bị dì mắng: "Tôi chưa làm cái nghề bẩn thỉu ấy bao giờ. Anh là cán bộ xã, anh phải gương mẫu". Nói rồi dì quay mặt vào tường bưng miệng cười. Từ đó không còn ai dám bờm xơm với dì nữa, mọi đàm tiếu, thêu dệt trong thiên hạ cũng theo thời gian biến mất. Sau lễ tế thần năm kia, làng tôi được kết luận là làng có truyền thống văn hoá lâu đời, bèn cho sửa sang ngôi đình, phục hồi phường hát bội và trùng tu ngôi chùa Viên Phúc mấy mươi năm không hương khói cạnh chân núi. Từ đó ngày rằm hàng tháng các bà lại lên chùa dâng hương, lễ bái vì hai cuộc chiến tranh đã xoá hết những sinh hoạt văn hoá truyền thống ở quê tôi. Dì Ty lễ chùa thành tâm và rất khéo, dì làm sao, các bà cứ thế mà làm theo, nhất là mẹ tôi khoái ra mặt. Dì xướng lên việc xây lại ngôi nhà thờ họ Trần, rồi nhất định xin góp tiền, mặc dù đàn bà không phải góp. Có chuyện vui thế này: Ngành Giáo dục có công văn yêu cầu các cô giáo đến trường phải mang áo dài. Dân quê tôi có biết mang áo dài là gì đâu. Dì Ty dẫn các cô đến tiệm may. Cô nào mang màu gì, tất cả đều do dì lựa chọn. May xong áo, họ thẹn, không ai dám mang. Thế là dì Ty đóng bộ tím hoa cà có đủ dây chuyền, vòng xuyến dẫn cả đàn bươm bướm xanh đỏ tím vàng lên huyện lỵ chơi nhân ngay Quốc khánh, từ đó thành quen... Mẹ tôi nức nở khen dì Ty, lại nói cười ra kiểu xin lỗi vì lâu nay hiểu sai về đứa em. Dì tâm sự: - Em lông bông một đời, cũng coi như hư hỏng, giờ phải tập trung cho con ăn học nên người để bù lại. Vì thế em phải về làng, ở thành phố phức tạp quá, sợ nó hư đốn thì đời em coi như cũng hết! Dì Ty bỏ chốn phồn hoa về quê là để nuôi mộng đẹp. Mẹ con nuôi nhau. Mẹ nuôi con bằng đồng tiền góp nhặt từ góc chợ quê, con nuôi mẹ bằng viễn cảnh của một con người. Thằng Minh là đứa trẻ ngoan, học giỏi. Mỗi năm mỗi lớp, thấm thoắt đã vào lớp mười hai. Dì soi gương thấy tóc đã vài sợi bạc, dì thở dài rồi gọi: - Minh ơi, Minh. - Mẹ gọi con? Có việc gì ạ?- Thằng Minh từ cổng chạy vào, ngơ ngác. Dì cười: - Không gì hết, là mẹ gọi con thế thôi. Rồi dì ôm con vào lòng như sợ mất nó. Đôi lúc giữa canh khuya, dì bật dậy, vén màn coi mặt thằng Minh trong bóng trăng chiếu qua ô cửa. Cuối năm lớp mười hai, thằng Minh lăn ra ốm. Nó ôm bụng mà gào, đi hết ba tuyến viện mới hay bị bệnh lồng ruột, một căn bệnh ít gặp và rất nan giải. Chuyến ấy dì phải bán hết tư trang cho một cuộc đại phẫu thuật để cứu con, rất may là nếp gỗ chuẩn bị làm nhà tính bán mà không phải bán. Minh thi ba trường đại học, đậu hai cuối cùng quyết định vào đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh. Nó thì nhập nhằng, đó là dì tôi quyết. tính toán sít sao cỡ tám trăm ngàn đồng một tháng. Vài tháng sau cu cậu xin mẹ học thêm Anh văn và Tin học. Dì gật rất vui vẻ: "Học gì cứ học, miễn đừng vào vũ trường, quán bar". "Mẹ yên tâm. Ngay sinh nhật bạn bè trong lớp, con cũng không muốn đi, vì tốn kém vì thấy hình thức quá". "Sinh nhật là nét văn hoá đẹp, rất nên tham gia. Đến lượt, mình cho con tổ chức đàng hoàng". "Từ nay...từ nay... một tháng phải gần triệu bạc cơ mẹ ơi!". "Nhiều nhỉ. Nhưng con yêu ạ, mẹ sẽ lo. Một triệu sử dụng đúng vẫn nên bỏ ra chứ không được chi dù một cắc vào chuyện lung tung". "Con thương mẹ lắm, chỉ lo mẹ ốm". "Mẹ không có quyền ốm, nếu con chưa học xong!"... Hàng tháng dì Ty ra quầy dịch vụ điện thoại gọi cho con một lần. Không lần nào nói ngắn mà đủ, có khi cúp máy rồi, dì lại quay gọi nói chuyện tiếp mà vẫn chưa hết chuyện. Có lẽ chuyện thì cũng cần, nhưng dì cần hơn là được nghe giọng thằng Minh, kể cả hơi thở của nó như lúc nào cũng nóng hổi qua cái tổ hợp. Triệu bạc một tháng! Thật lè lưỡi! Dì tôi nuốt ực một cục nước bọt xưa nay chưa từng có. Quầy hàng ở chợ của dì bị thiên hạ "tranh giành thị phần" quá mạnh, có buổi chỉ bán được một bộ đồ lót như cái nhau mèo. Vét hết tiền tiết kiệm, cũng chỉ lấp đầy 6 tháng. Thế nên thượng vàng hạ cám, những gì bán được dì đem bán tất, từ món nữ trang cuối cùng cho đến bộ cột, kèo, đòn tay, rường xà, rui mè chuẩn bị lâu nay. Một năm làm nhà ba năm sắm gỗ; rồi kêu bán trong một khắc, để rồi cũng lại một mái tranh ba chục mét vuông, một cái giường, một cái bếp và có thêm con mèo kể từ ngày thằng Minh đi học xa. Nhưng cái mái tranh bát úp ấy cũng không yên, nó bắt đầu dở chứng rung rinh. Đất dì làm nhà nghe nói nằm trong quy hoạch xây dựng của địa phương, cụ thể là rồi cái chợ sẽ mở rộng ra; lúc xin người ta cho ào, không lẽ bây giờ giở lý ra thì dì thất thế. Một buổi sáng người ta đến cắm một cái cột mốc vào ngay đầu hồi nhà, cái cột mốc mang hình một cây thập tự. Chủ tịch xã ngồi chồm hổm trước sân phì phèo thuốc ba số. Dì phải một anh, hai anh mời gãy lưỡi, ông ta mới uể oải vào nhà. Sau lần gặp ấy, dì tôi buộc lòng tô lại một chút môi son!
Bóng đen và dì Ty dìu nhau rời khu giếng đi vào nhà. Ngọn đèn hạt đỗ vụt tắt. Hắn vật dì Ty đang ướt mèm ra giường. Đó la vị chủ tịch xã, chính là cái anh mười mấy năm trước, lúc dì mới về từng tới gạ gẫm, đã bị dì tạt cho một gáo nước bùn: "Anh là cán bộ xã, anh phải gương mẫu". Giờ gã tìm cách trả thù. Gã là một trong số rất ít khách làng chơi "miễn phí" của dì. Bất kể lúc nào, hễ chủ tịch xã đến, là dì phải vui vẻ tiếp. Bốn mươi bảy tuổi chưa phải tàn xuân với một giai nhân. Dì Ty không còn con đường nào khác hơn phải bán mình nuôi con ăn học. Cũng biết đồng tiền kiếm được là không sạch sẽ; nhưng ngẫm thấy ở đời, lắm anh giàu sang khả kính, đạo mạo oai phong vô cùng nhưng xem ra đồng tiền trong tay họ cũng có gì sạch sẽ, thậm chí nó còn vấy máu. Lại nghĩ nhắm mắt làm tiền nuôi con ăn học dư luận sẽ dành cho một sự thông cảm hơn là làm tiền để xây nhà lầu, tậu xe hơi... Dì tôi lao vào những cuộc bán mua cười chảy nước mắt. Gần, xa, sang, hèn... thôi thì đủ cả. Không chê bất kỳ ai, tiền lành, tiền rách, một chinh, một cắc... "ô kê" tất. Khách chơi nhà quê áo hôi mùi ruộng phèn, bàn tay cầm cày ráp như da thuộc: chấp nhận. Có đứa thua dì một giáp, có cụ con cháu sửa soạn mừng thọ: chấp nhận. Với đối tượng nào dì cũng phải đóng kịch, nào quằn quại rên xiết, nào nũng nịu dỗi hờn, nào ước hẹn chỉ non, thề bể; phải đưa mọi ngón nghề ăn chơi ra mà nắm lấy hầu bao của những đứa ngu lâu. Căn nhà nhỏ của dì tôi bên xó chợ Hà nhiều khi thành sân khấu diễn tích tuồng Nghêu Sò Ốc Hến! Mẹ tôi chửi từ ngõ chửi vào trong lúc dì Ty đang tự nhuộm lấy mái tóc ngắn kiểu gái chạy bàn, luống cuống hất đổ lọ thuốc ra ghế. - Mày bôi tro trát trấu lên cả cái họ Trần! Nhớ là họ Trần xưa từng có ông Trần Tích là quan thượng thư, ông Trần Tán là quan phòng thành biết bao là danh giá. Còn như bố mày là ông Trần Quảng, từng làm chủ tịch lâm thời thôn. Mày làm nhục ông cha, mà cứ nhơn nhơn! Đồ lạc loài! Dì Ty thu mình vào xó nhà, định cãi, rằng ông Trần Tích chỉ án sát, còn như ông Tán chỉ là lính phòng thành tỉnh Đông nhưng sau bị đày phát vãng vì tội bao che quân trộm cướp, thì danh giá gì! - Đồ bán trôn nuôi miệng. Ngứa nghề cho đến lúc vào hòm chắc? Ngứa thì ra gộc tre mà cà. Mày có thấy tiền trong tay mày là thứ tiền bẩn thỉu không hở cái con đĩ thập thành kia! Dì Ty chui ra: - Chị cho vay lãi cắt cổ tiền ấy sạch a? Mẹ tôi xắn quần lên, nhưng do hơi bị béo nên khá vất vả: - A cái con này! Mày bảo tao ăn bẩn chứ gì? Tao cho vay, bàn dân thiên hạ ai cần, thì vay, có ai ép ai. Mày đừng vơ đũa cả nắm, đừng đánh bùn sang ao! Chửi no mẹ tôi lạch bạch ra về, tuyên bố từ đứt không chị em ruột rà gì nữa, đồng thời đòi phải đuổi ngay đứa dâm phụ ra khỏi họ Trần vô cùng cao quý! Dì Ty ôm con mèo tam thể ngồi tựa cửa đếm thời gian. Ngày dài như tháng, tháng dài như năm, và một năm là cả một kiếp nhân sinh. Mùa mưa mới buồn tệ buồn hại. Ngôi nhà như sụp xuống trong le lói ánh chớp và rào rào nước tuôn xối xả. Có lúc tưởng muốn chết. Từng thấy người nhảy lầu tự tử, nghĩ khó thế sao họ làm được. Té ra chết rất dễ. Giờ mới hiểu vì sao người ta không muốn sống nữa, và đúng chết là giải thoát như lời Đức Phật Thích Ca... Nhưng dì tôi không cầm giữ số phận mình! Khác tâm trạng của mẹ, với thằng Minh, thời gian trôi đi lúc nào không biết. Vèo cái đã xong bốn năm trên ghế giảng đường trường đại học. Đứng trước gương, cu cậu phát hiện ra mình có một hàng ria xanh trên đôi môi đỏ. Lạ thật, mình mọc ria từ lúc nào nhỉ? Lấy tay sờ coi, rõ ràng là đã có hàng ria. Thằng Minh sẵn thông minh, lại chăm chỉ, chịu khó và biết sử dụng đồng tiền thấm đẫm nước mắt của mẹ đúng mục đích, nên cuối cùng cu cậu đã toại nguyện. Minh tốt nghiệp với điểm số cao, liền lọt vào "mắt xanh" công ty nọ với lương tháng trả bằng đồng Mỹ kim. Cậu gửi trọn tháng lương đầu tiên về cho mẹ như là báo công. Dì Ty ấp gói tiền vào ngực, bật khóc. Trời có mắt, con ơi! Cha ông dạy sông có khúc, người có lúc mà. Mẹ chết rồi, nhưng giờ đây con đã cho mẹ được hồi sinh! Mẹ chịu đựng bao năm để bây giờ có được niềm đại hạnh này thì cũng bõ công... Dì Ty cứ đứng giữa nhà mà khóc cùng bốn bức vách nứa tả tơi gió lùa và căn bếp đằng đẵng bao năm một hình một bóng bên ngọn lửa hiu hắt. Rồi dì mở gói tiền ra, soi lên ánh sáng, chậm rãi đếm từng tờ với đôi tay hãy còn run rẩy. Tối hôm ấy, có lẽ do ma quỷ xui khiến, vị chủ tịch xã mò đến nhà dì Ty rất sớm. Thấy trong nhà điện bật sáng choang, gã lấy làm lạ. Bước vào sân, gã hỏi: - Cả đời không thấy điện đóm gì, hay cưng vừa trúng số giải đặc biệt? Ngồi trên giường, hai chân duỗi dài, dì Ty không hề ư hử. Gã sấn tới, nhanh chóng hôn chụt lên má dì một cái, tức thì bị ngay một cái tát! Gã giật lùi, xửng rửng, cặp mắt ti hí nhìn láo liếng: - Cưng đùa... quá tay hí. - Từ nay thôi cái trò ấy đi. Đủ rồi! - Cưng nói... nói là sao? - Bước khỏi đây ngay! Đến đây thì gã biết không còn chuyện đùa nữa: - Thật à? Nghĩa là cô không cần tiền nữa? Dì Ty phẩy tay: - Không! Chủ tịch xã móc ra một nắm tiền mới cứng cột vòng cao su màu xanh, đưa ngón trỏ rẽ kêu tanh tách: - Tôi có tiền, nhiều lắm, mà không ai cần, thật là phí. - Đi sắm lấy cái áo quan kẻo muộn! Gã xanh mặt: - Cô rủa độc tôi sắp bị khởi tố rồi chứ gì? - Đáng kiếp! Đất cát làng này ông tự do bán xới lấy tiền ăn nhậu, phá phách những bao nhiêu? - Dì Ty nhổ toẹt xuống nền nhà - Mời ông ra khỏi đây cho tôi còn thay đồ đi theo công chuyện. Son phấn, những lọ thuốc nhuộm tóc màu đen, những lọ thuốc nhuộm móng tay móng chân màu hồng và những thứ bí mật chốn đèn mờ quán gió dì đem gói lại một cục rồi ném xuống dòng sông chảy xiết. Lâu lắm dì Ty không lễ chùa, cũng không bén mảng tới trước nhà thờ họ, vì nghĩ mình không xứng đáng đặt chân tới những nơi tôn nghiêm ấy. Thế rồi dì tắm gội sạch sẽ, chải chuốt tươm tất, khăn áo gọn gàng mạnh dạn đến thưa với chư vị thần phật chùa Viên Phúc và ông trưởng họ Trần, thành tâm xin được trở lại làm một tín đồ ngoan đạo và thành viên của dòng họ, mặc dù chưa ai lần nào cấm cửa dì. Một độ sau, dì bỏ tiền xây cái am nhỏ cạnh cái cột mốc hình thập tự giá trong vườn. Nghe đồn rằng quy hoạch xây lại chợ Hà sẽ thay đổi, và mảnh đất dì tôi đang ở lại vẫn cứ là đất dì tôi vẫn ở. Mà nói thế, chứ cái cột mốc vẫn đang còn kia, nghĩa là cái am và cái cột mốc cái nào sẽ tồn tại, thì vẫn chưa ai nói trước được. Dì Ty nhờ bố tôi trông coi thợ thầy thi công, ông tỏ ra vui lắm, cứ cười tủm tỉm. Đúng ngày rằm, dì sắm sanh đồ lễ đặt lên bàn thờ trong am rồi quì xuống khấn vái rất lâu. Mẹ tôi hơn dì Ty sáu tuổi, nhưng tóc mới có đôi ba sợi bạc, còn dì thì đã trắng xoá từng mảng lớn. Lâu nay dì nhuộm kỹ, không biết, hoá ra tóc dì bạc nhanh quá. H.T.S (nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002) |