Bộ sách gồm 3 phần, dày trên 1.500 trang. Phần I: "Krishnamurti tinh yếu" bao gồm những điểm cốt yếu cơ bản nhất trong nội dung thuyết giảng của Krishnamurti, được chọn lọc từ những cuốn nổi tiếng như "Tự do đầu tiên và cuối cùng" (The first and last freedom), "Đường vào hiện sinh" (Commentaries on living), "Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống" (Education and the Significance of life), "Giáp mặt cuộc đời" (Life Ahead), "Giải thoát tri kiến" (Freedom from the known), "Krishnamurti với chính mình" (Krishnamurti to himself) các phần nhật ký của ông được tập hợp lại dưới tựa đề "Hãy suy nghĩ về những điều này" (Thinking of these things) cùng nhiều bài phát biểu của ông tại thủ đô Whashington... Phần II: "Đời không tâm điểm" và phần III: "Dòng sông thanh tẩy" là hai phần có thể gộp lại trong một cuốn lớn giới thiệu về cuộc đời của Krishnamurti từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, trở thành "bậc đạo sư của thế giới" và "triết gia vĩ đại nhất của thời đại" (Đức Đạt Lai Lạt Ma). Phần này do bà Pupul Jayakar – một nhà văn rất giỏi về ngôn ngữ cũng như đã từng tri kiến, gắn bó với đời sống, những chuyển đổi tinh thần của Krishnamurti trong suốt 40 năm viết. Và để làm phong phú thêm bộ sách, giúp bạn đọc hiểu thêm về một sự kiện khiến dư luận xôn xao từ suốt những năm đầu thập niên của thế kỷ XX cho đến ngày nay, đó là Hiện tượng Krishnamurti, đoạn cuối của phần III còn đăng tải một loạt những cuộc trò chuyện của các nhân vật cùng thời như A. Govinda, D.Bohm, B. Griffiths, E. Schallert, Wapola Rahula, Renée Weber, Samdhong Rinpoche, Lý Tiểu Long... và một số cuộc phỏng vấn những người thân cận khi đồng tình, khi phản bác với Krishnamurti.
Để viết về cuộc đời của một tâm hồn vĩ đại, một kinh nghiệm vĩ đại, (Đức Đạt Lai Lạt Ma), bà Pupul - khuôn mặt sáng chói trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và tôn giáo của Ấn đã đặt bản tường trình đầy tâm sự hành giả của mình vào bối cảnh Ấn Độ và các vấn đề xã hội, con người quen thuộc với hoàn cảnh Việt Nam, viết nên tiểu sử của Krishnamurti theo một loạt các chủ đề mà ông quan tâm nhất: tôn giáo, khoa học, triết học, nghệ thuật, võ thuật, giáo dục, quán tướng... Nếu như trong cuộc đời của nhiều người, Krishnamurti đã ảnh hưởng sâu đậm lên họ, giúp họ tự mình xuyên phá những giới hạn cấm cản đối với giải thoát tự do mình áp đặt cho mình, thì trong cuộc đời của bản thân, dấu ấn đầu tiên sâu đậm với ông có lẽ là hình ảnh Đấng Krishna - người chăn bò, người con thứ tám theo truyền thuyết Ấn Độ đã gắn liền tên tuổi thiêng liêng và sự tưởng nhớ trong ông. Sinh ra tại phòng nguyện ngày 12.5.1895 trong một gia đình dòng dõi Bà-la-môn thuộc đẳng cấp thấp Velanadu xuất xứ từ Giddu, hay Jiddu – một ngôi làng nằm giữa những cánh đồng lúa, Krishnamurti đã bắt đầu cuộc hành trình chân lý của mình từ những ngày lang thang kiếm sống ven bờ biển Andhra. Cậu bé có đôi mắt mở to thông minh và khuôn mặt thanh tú, khi đến trường bị xem là "ngớ ngẩn" đã được Hội Thông thiên học (Theosophy) - một tổ chức tôn giáo lớn được thành lập từ thế kỷ XIX ở Ấn Độ với mục đích đại kết tôn giáo nhận về nuôi nấng. Kỳ vọng vào Krishnamurti, xem ông như là đấng giáo chủ tương lai, người mẹ đỡ đầu, một nhà tư tưởng tự do Annie Besant cùng cỗ máy khổng lồ của tổ chức này đã vận hành từ giáo dục cho đến cơ sở vật chất để chuẩn bị lễ tấn phong, "giáng lâm" của bậc đạo sư. Năm 1925, đau xót trước cái chết của người em trai Nitya thân thiết đã luôn chia sẻ với ông sự cô độc, những triết lý, đức tin tuyệt đối vào tương lai, các cuộc gặp gỡ và thị kiến với các tôn sư đã tan ra từng mảnh. Mãnh liệt của sự ưu sầu đã đưa tới nhận thức bao la, giúp ông nhận ra các vị thần đều là hư dối, là phóng hiện của tư tưởng con người. "Chân lý là một miền đất không có lối vào. Không ai đưa dắt bạn vào được. Chính con người phải tự vươn tới chân lý, chứ không phải chân lý hạ xuống cho hợp với khuôn khổ con người" - với tuyên bố đó, Krishnamurti giã từ vòng hào quang đang sắp sửa quàng lên mình, tuyên bố giải tán Dòng tu Ngôi sao Phương Đông. Ông bắt đầu cuộc hành trình lang thang của mình khắp thế giới, trò chuyện cùng mọi người về cuộc sống - con đường giải thoát ngay chính trên thế gian này. Luôn luôn hướng về sự giải thoát, Krishnamurti cho rằng cái ta nhìn thấy, "bản ngã" của ta, sự hiện diện trong tư tưởng xưng danh là "tôi" nếu được nhìn nhận, không chạy trốn khổ đau, xung đột hay đập tan nó, sẽ là khởi đầu của giải thoát. Bởi theo ông, thời gian không chỉ là thời gian vật lý, nó còn nằm trong tư tưởng con người, phân chia hư dối giữa tư tưởng và người tư tưởng, gây ra cái nhìn nhị phân về vạn pháp thành các cặp đối kháng, gây ra xung đột, khổ đau của cuộc đời. Diến tiến đấy như một dòng sông, nó có sự bắt đầu, sự chấm dứt, nhưng quá trình thanh tẩy lại là bất khởi, bất chung, vô thời gian. "Tự nhìn thấy mình", đó chính là vận hành của đời sống, một đời sống được giải thoát trong hân khởi của sáng tạo. Quan tâm đến con người, Krishnamurti cũng quan tâm đến giáo dục, "Ngọn lửa tình yêu" mà ông đề ra cho một nền giáo dục toàn diện đã được soi chiếu trong "Cõi không người tan; trước hết, tại Trường Thung lũng Rishi. Tuy nhiên, vẫn không có một hệ thống và phương pháp nào được đưa ra để giải quyết hỗn loạn thực tế này. Có quá nhiều luận thuyết làm con người mất đi khả năng bén nhạy hướng đến với miền đất của mình, và như những bông hoa tự nhiên cứ hé nở, những lời rao giảng của Krishnamurti vẫn vang lên, dù không để làm gì, dù có rất nhiều người nghe nhưng không mấy ai hiểu và thực hiện được những lời ông nói.
Năm 1986, Krishnamurti ra đi. Ông vĩnh biệt thế gian nhưng những huấn từ của ông, "huấn từ của Đức Phật" (A. Huxley) với một thẩm quyền nội tại vẫn lấp lánh quyền lực yêu thương và minh triết thức tỉnh những con người đang tiến đến với thời đại của mình. Quyền lực yêu thương con người ấy, không liên kết một tôn giáo phương Đông, phương Tây nào, đã bắt đầu từ một thị trấn âm u và lan tỏa cho toàn thế giới. L.M.Y
(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)
|