Tạp chí Sông Hương - Số 163 (tháng 9)
Chim Gõ Kiến
15:09 | 03/09/2008
TRẦN DUY PHIÊN - Cắp vở qua bên chú Kỳ nhờ chú chỉ cho mà học! - Mẹ tôi nói. Tôi vẫn giả bộ không nghe. Những con tò he bằng đất do tôi nặn lấy chưa khô. Tôi mà bỏ đi có người phá - Nói thế mà không thủng tai ư? - Mẹ đảo mắt tìm một vật gì đó làm roi.

Tôi đứng dậy, cừ rừ nhìn mẹ ngầm ý xin khất lại ngày mai. Nhưng mẹ tôi quắc mắt. Hũ mực, cây bút chì có sẵn trong túi quần, vơ lấy tập vở, thoáng một cái tôi đã ra ngõ.
-Đi đâu? - Dì Qua ngồi trong quán gióng hỏi, tôi vẫn tảng lờ. Dì chạy theo tôi - Có phải qua nhà ông Kỳ không? - Tôi gật đầu, dì cau có - Đừng đi!
- Mẹ bảo cháu đi mà!
- Ngày hai buổi cứ ngồi đây - Dì chỉ tay vào quán hàng tạp hoá - dì vừa bán buôn vừa bày cháu học.
Tôi phản đối, vùng vằng thoát khỏi tay dì Qua. Nếu được quyền, tôi chọn đi chơi. Nếu phải học, tôi chọn chú Kỳ. Với mẹ tôi cảm thấy bị ràng buộc đủ thứ, thêm dì Qua, khó mà thở nổi! Nghĩ như thế, tôi chạy như bay đến nhà chú Kỳ. Nếu không gặp con Ngao gầm gừ chận cửa, tôi đã lao thẳng vào phòng chú ấy.
- Ai đấy? - Mẹ chú Kỳ từ nhà sau đi lên, giọng bà rền như mới khỏi bệnh.
- Cháu đây ạ - Tôi đứng ngay ngắn ở ngưỡng cửa - Cháu qua nhờ chú Kỳ dạy học.
- Đi rồi - Bà trở bước xuống nhà dưới, nói với lại - Mới ra khỏi cửa chừng mươi lăm phút.
Vậy là trúng tủ, tôi có muốn học đâu! Nhưng tôi không về lại nhà mình. Mẹ tôi là người ham công tiếc việc và có tài biến hoá. Thấy tôi ló mặt về, mẹ có trăm cách buộc tôi vào bàn học mặc dầu bà không biết dạy chữ cho con phải bắt đầu thế nào. Tôi đi một mạch xuống trảng cát dọc theo biển. Gió mạnh ngược chiều rát bỏng da mặt nhưng tôi không ngại, chỉ lo tụi nó không còn tụ tập ở cái mả Tàu nữa. Giờ này cát bắt đầu bốc hơi, chỉ một đoạn ngắn, mồ hôi đã vã khắp mình mẩy. Đúng như tôi dự đoán, không một bóng người, không một bóng trâu, tôi yên trí ngoặt lên rú - nơi có nhiều cây cao và khe suối. Khi tai không còn nghe sóng biển gầm réo, không còn nghe gió thổi xào xạc qua rừng phi-lao bạt ngàn, tôi chợt nhận ra tiếng chim lạ. Tạch! Tạch! Tè! Tiếng kêu đục mà dòn. Nó kìa! Một con chim gõ kiến đang đập cái mỏ dài vào thân cây mọc từ lưng đồi lả ngọn xuống lòng khe. Tôi cho tay vào túi quần, lúng túng vì tập vở và cây bút chì, nhưng rồi cũng kéo ra được cái ná cao su. Khi tôi sắp sửa nhả đạn, ngay hướng nhắm, chú Kỳ hiện ra lồ lộ như người trong truyện cổ tích mà dì Qua thường kể cho nghe. Cũng như tôi, chú đang chăm chăm quan sát con chim gõ kiến. Tôi vội ẩn mình vào bụi rậm, theo dõi.
Lưng đeo túi dết, chú Kỳ quỳ xổm hai chân xuống mặt cỏ, vươn người tới, mắt hết nhìn chim lại nhìn xuống một tờ giấy lớn trải dài trước mặt. Con chim gõ kiến gõ ba cái ngoáy mỏ một vòng. Chú Kỳ dùng ngón tay chỉ, bắt chước chim. Con chim gõ kiến gõ năm cái ngoáy mỏ hai vòng. Chú Kỳ đổi cách và làm y theo. Nhưng khi chim mổ kiến - Tôi đoán thế - chú nắm tay lại, gõ vào khoảng không trước mặt. Lạ nhỉ? Không lẽ bọn nhóc chúng tôi học người lớn, còn người lớn lại đi học chim? Bỗng có tiếng hót đổ hồi đâu đó bên kia đồi, con gõ kiến ngừng mổ, chửng tai. Chú Kỳ đưa mắt nhìn quanh như tìm ai. Tôi vội nằm xuống, ép mình sát đất, nhưng mắt vẫn không rời chú. Rồi con gõ kiến nghễnh mặt hót, chú Kỳ rướn theo giống hệt nó, có điều cổ họng chú không phát một âm thanh nào.
Từ trưa hôm ấy, tôi bắt đầu có những suy nghĩ về chú Kỳ không như bấy lâu nay. Nghịch ngợm, tò mò, tôi thích gần gũi chú hơn nữa - thích như muốn nhìn cho rõ một vật lạ. Đổi thay này, mẹ tôi lầm tưởng tôi đã ý thức học tập và bà vui mừng. Nhưng dì Qua không tán thành nhận xét của mẹ tôi. Vì sao, tôi không rõ mặc dầu dạo này dì hay nói bóng gió và cho tôi nhiều quà.

- Bấy lâu nay chị có biết ông Kỳ dạy thằng cu Minh học những gì không? - Dì Qua hỏi, mẹ tôi hơi bất ngờ nên ngồi im - Thơ tình đấy!
- Dì bảo sao? - Mẹ tôi giật thót cả người.
- Thơ tình! - Dì lặp lại - Không tin em, chị bảo nó đọc cho mà nghe - Mẹ tôi lừ mắt nhìn tôi.
Nhưng tôi không thấy có gì phải quan trọng đến mức ấy. Điều làm tôi khó chịu bây giờ là mấy cái kẹo dì Qua vừa cho sao không dòn như tuần trước, nó cứ bám vào răng, rất khó mút. Còn chuyện chú Kỳ dạy tôi những gì, mẹ tôi phải chịu lấy. Chính mẹ khăng khăng buộc tôi làm học trò chú. Mẹ nói làng ta không ai học giỏi bằng chú Kỳ. Chú ấy nhỏ tuổi hơn bố nhưng hai người là bạn đồng môn và chú ấy luôn dẫn đầu lớp.
- Con đọc thử mẹ nghe cái mà dì Qua vừa nói! - Mẹ tôi bảo, vẫn chưa tin dì Qua.
- Mon âme a son secret, ma vie a son mystère... -Tôi đọc ngay vì những thứ ấy đang ở đầu lưỡi - Mẹ tôi kinh ngạc vì sao không phải tiếng nước nhà, còn nghĩa lý thế nào không những tôi mù mà mẹ cũng mù - Hélas! J'aurais passé près d' elle inapercue.  L' amour... - Bà hốt hoảng đưa tay bảo tôi dừng ngay rồi nhìn dì Qua cầu cứu.
- Chị muốn nghe hử? - Dì thách, mẹ tôi gật đầu - Lòng ta chôn một khối tình. Tình trong giây phút mà thành thiên thu... Hỡi người đó ta đây. Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân... - Vậy đó! Thơ Tình Tuyệt Vọng của Avers - Dì dấm dẳn.
Mẹ tôi ngồi lặng yên ngẫm nghĩ rồi kéo tôi vào buồng riêng. Nhưng khi nhướn mắt nhìn lên, tôi thấy mẹ như đang giấu một nụ cười.
- Từ rày về sau, chú Kỳ dạy thứ gì phải đọc theo cho mẹ nghe trước rồi mới đọc thuộc lòng, rõ chưa?
- Dạ! - Tôi lúng búng vâng theo mà bụng ấm ức ghê gớm. Bảo đọc thì đọc lầu lầu, không khen lấy một câu còn đe này nọ!
Tối hôm ấy, chú Kỳ sang chơi, có mang quà biếu từ bà ngoại cho đến mẹ tôi nhưng dì Qua dứt khoát từ chối. Dì viện cớ không quen dùng kẹo Mỹ, kêu van nhức đầu xin đi nghỉ sớm. Tôi biết dì không thật lòng. Thứ kẹo ấy, có lần lên phố dì đã mua về. Còn nhức đầu, bao giờ cũng thế, đang nói cười vui vẻ, chú Kỳ ló mặt vào là dì bệnh ngay.
- Tôi định qua nhà thăm bà và thưa với chú về việc học của thằng Cu - Nhân khi nói đến chuyện tin tức đài báo, mẹ tôi chen vào - Cháu nó còn nhỏ quá, chỉ mong chú kèm cho ít quốc ngữ cũng đủ, miễn sao hè tới vào được lớp ba tiểu học.
- Chị khỏi lo - Chú nói - Em tập trung dạy cháu ba môn: viết tập, toán pháp và chính tả - Mẹ tôi tỏ vẻ ưng ý, khẽ gật đầu - Còn Pháp văn, học sớm càng hay, lớn tuổi cứng lưỡi khó uốn giọng.
- Nhưng chú dạy cao quá - Mẹ tôi vẫn cố cho chú hiểu điều không nói được - Có phải không nào, chú dạy cao quá mà nó chỉ được tốt cái trí nhớ nên chi cứ đọc như con vẹt, nghĩa lý làm sao hiểu thấu!
Sau lần nói chuyện ấy, chú Kỳ không dạy tôi học những câu rất khó đọc khó hiểu mà dì Qua bảo là thơ tình lẩn thẩn. Ngoài ba môn chính đã hứa với mẹ, chú dạy thêm cho tôi những bài đọc rất êm tai, rất dễ nhớ, còn ý tưởng trong đó tôi chỉ tơ lơ mơ. Chú gọi những dòng như thế là thơ - thơ của chú làm. Vì thơ nên tôi dại gì trình cho mẹ hay, cũng không đọc cho dì Qua nghe. Tôi sợ mẹ cấm, dì mắng như dạo trước.
Gặp được những buổi nghĩ học, tôi lên rú bày cho bọn chăn trâu nghêu ngao ca hát. Đứa nào cũng thích. Chẳng bao lâu thơ bay khắp làng. Ở đâu có cỏ, ở đó có thơ chú Kỳ. Nắng đã lên rồi. Qua chơi kẻo nhớ. Mai mốt mưa dầm mờ mịt cỏ cây. Bên kia có nhớ bên này. Bên này thì nhớ từng ngày bên kia. Bên kia có rẽ có chia. Bên này thì quyết không lìa được nhau. Tôi tới chơi nhà nào hoặc đi đâu cũng nghe người ta hát thơ chú Kỳ nhất là những đêm trăng ngày mùa. Bao năm vương vấn bên Hoa. Mà anh cứ ngỡ như là sơ giao. Vì em bắc bậc làm cao. Hay anh lẩn thẩn khi chào hỏi nhau. Ai gieo giọt lạnh tình đầu. Để anh hứng chịu tình sau hững hờ. Đêm đêm không ngủ mà mơ. Một dòng sông trắng hai bờ hai ta. Hai bờ còn có cầu qua. Hai ta vời vợi sao sa giữa trời.
Tôi hăng say lan truyền hàng chục bài thơ theo kiểu đó. Cho đến một hôm, tình cờ nghe được mẹ tôi và dì Qua chì chiết với nhau, tôi mới thôi.
- Em cấm cửa anh ấy! - Dì nói - Là đàn bà, chị quá biết có lúc phải mềm lòng.
- Mình bảo vệ mình nhưng không được xúc phạm người ta - Mẹ tôi nói - Ai cũng có nhân cách, một người có học như chú ấy càng được tôn trọng hơn nữa - Dì Qua cãi lý không hơn mẹ tôi, ức quá ngồi khóc.
- Còn thằng cu nhà chị - Dì nói ra điều ghim gút bấy lâu để trả miếng - Chị không có cách gì bít miệng nó hử? Bây giờ làng trên xóm dưới rân ran cũng do nó tha những câu si dại ngớ ngẩn từ cửa nhà ông ấy. Xấu hổ quá, em xấu hổ đến nỗi không muốn ra khỏi cửa!

Một buổi sáng, tôi trốn mẹ vào rú. Vừa đến nơi thường khi tụ hội, bọn chăn trâu táo tác tứ phía. Một con trâu đực đang tơ, tự dưng nổi điên đánh lại con trâu đầu đàn. Ban đầu trâu tơ thua, bỏ chạy, trâu già rượt theo. Nhưng khi tới bờ suối, cùng đường trâu tơ quật lại, trâu già trúng đòn gãy mất một sừng, máu phun lai láng. Cuộc tương tranh vẫn dai dẳng, chúng tôi tìm cách cứu chữa. Sau một hồi hò hét, chúng tôi chỉ còn trơ mắt mà nhìn, ngay thằng Bòn - đứa chăn giữ con trâu tơ, một tay nổi tiếng gan dạ cũng không dám cầm roi xông vào. Thằng Be đề nghị dùng bổi buộc đầu sào, châm lửa gí vào đầu chúng. Nó nói chính cha nó đã có lần làm như thế. Nghe có lý nhưng lửa đâu? Trong lúc chúng tôi đang bàn tính, con trâu già bươn chạy rồi cả hai con mất hút vào rừng. Thằng Bòn dẫn đầu chúng tôi bám theo.
Trên đường đi, khi ngang qua chỗ mà trước đây tôi bắt gặp chú Kỳ với chim gõ kiến, tôi vớ được tấm giấy chú ấy đã có lần trải trước mặt mình để làm theo chim. Ngay lúc ấy tôi tách khỏi bọn chăn trâu, âm thầm trở về nhà. Có thể sáng nay chú Kỳ đã đến đây và hai con trâu quần thảo nhau lan tới chỗ chú đang toạ thị. Chú thì mải mê, trâu thì đột ngột, cho nên chú bỏ của lấy người, chạy thoát nạn? Ban đầu tôi dự tính mang trả cho chú, nhưng khi tới ngõ, tôi đổi ý. Về nhà, tôi trải tấm giấy lên nền, úp mặt vào. Rối rắm. Mù mịt. Tôi đem hỏi ngoại tôi. Thoạt đầu bà chẳng hiểu tí ti, bảo tôi dẹp cái thứ giấy má vớ vẩn. Nhưng khi nghe tôi thuật lại tờ giấy của ai, do đâu mà tôi có được, ngoại tôi không còn xem thường nữa. Bà lấy kính lão mang vào, cố gắng đoán những hình vẽ như giun bò trên mặt giấy. Bùa ư? - Bà nói rất khẽ, ánh mắt trở nên u tối xót xa. Ngay lập tức, bà mang tấm giấy ra tận vườn sau, châm lửa đốt. Bùa? Bùa là gì? Tôi chạy theo hỏi nhưng bà giả bộ không nghe. Hôm sau, tôi hỏi cha thằng Bòn và được ông giải thích tường tận. Bùa là vật người ta tin có phép thuật trừ ma quỷ hoặc làm mê người khác để sai bảo họ vâng theo ý mình. Làm sao có bùa? Chú Kỳ luyện bùa làm gì? Tôi không dám hỏi thêm cha thằng Bòn nữa.
Chiều hôm sau, chú Kỳ qua nhà ngoại tôi, cũng có mang theo quà. Nhưng lần này chú không có người để biếu - ngoại lên phố từ sáng qua, mẹ tôi xuống bãi đón tàu về, dì Qua vừa thoát vào buồng riêng khoá kín cửa. Còn tôi, sợ chú hỏi tấm giấy, rúc ngay vào giường trùm kín từ đầu đến chân. Nhưng chớ tưởng tôi không nghe thấy gì bên ngoài. Ban đầu chú Kỳ ngồi trên cái ghế đẩu ở quán tạp hoá, đặt mấy phần quà lên chiếc bàn con - nơi thường khi dì Qua giao hàng cho khách. Được một lúc, chú đứng dậy ném tàn thuốc ra hiên rồi bước vào phòng khách, dừng lại rất lâu trước cửa buồng dì Qua. Tôi đưa tay ém họng, thở dài nhè nhẹ cho thoát cơn ho chợt đến.
- Qua ơi, mở cửa ra! - Chú khẽ gọi, không có đáp trả. Chú gọi lớn hơn, vẫn không có đáp trả. Chú đứng im lặng nhìn cánh cửa buồng không chớp mắt. Bất thần chú đưa tay lên - đúng cánh tay chú bắt chước con chim gõ kiến, gõ vào khoảng không trước mặt ba cái rồi ngoáy một vòng. Như một người bắt trộm quả tang, nhưng phải cố hết sức tôi mới không tung mền ngồi dậy. Cửa buồng vẫn im lìm. Chú lại gõ vào khoảng không năm cái ngoáy hai vòng. Linh nghiệm? Có gì đâu! Chú đứng sững như kẻ thất thần.
- Qua ơi, mở cửa cho anh! - Chú gắng gọi một lần nữa, thống thiết nhưng đôi mắt chú u sầu tuyệt vọng.
Khi bóng chiều lan dài lên thềm hiên, chú Kỳ lảo đảo ra về. Tự dưng, tôi thương chú và thầm oán dì Qua. Nhẹ nhàng ra khỏi giường, tôi đến trước buồng dì Qua, đứng vào chỗ chú vừa bỏ đi.
- Dì ơi, mở cửa ra! - Tôi khẽ gọi như cách chú Kỳ, thử xem dì có còn trong đó không. Cánh cửa bật mở. Dì Qua buồn bã đứng trước mặt tôi, đầu tóc rối. Hình như dì vừa khóc, mắt có ngấn nước. Mới đây, bố thằng Bòn nói với tôi, trong rú rậm loài chim gõ kiến có bùa. Khi nào đói nó vẽ bùa vào bộng cây, kiến có lì đến đâu cũng phải bò ra. Bây giờ tôi hiểu chú Kỳ khổ công luyện bùa gõ kiến để làm gì. Chú không đói kiến đói cơm nhưng đói tình. Tôi tự hứa sẽ giúp chú. Còn giúp thế nào, tôi nghĩ chưa ra.

Mười hai tuổi, tôi thi đỗ lớp sáu trường trung học quận. Mẹ tôi vui mừng nhưng cũng lo lắng con đi học xa. Thời gian này tôi thương vắng nhà mỗi kỳ ba tháng. Nhưng khi về thăm, tôi cảm thấy nhà mình không có gì thay đổi. Ngoại tôi vẫn quanh đi quẩn lại từ bếp ra vườn. Mẹ tôi buổi sáng chạy chợ buổi chiều xuống bến đón tàu. Còn dì Qua vẫn tránh mặt chú Kỳ. Nhiều lần tôi muốn hỏi mẹ dì Qua yêu ai nhưng chuyện ấy người lớn quá. Trong nhà ngoại tôi có những vũng bóng tối mà trẻ con không được soi vào.
Mùa xuân năm sau, tôi cảm thấy có gì không yên ổn ở những người lớn bao quanh tôi mặc dầu dạo này tôi thường nghe nói hoà bình. Rồi mẹ tôi vội vàng lên quận bốc tôi khỏi nhà trọ đưa về quê. Tôi qua thăm chú Kỳ thấy chú buồn bực gầy gò. Tôi hỏi có phải bệnh không, chú lắc đầu. Mẹ chú nhìn tôi với ánh mắt cay độc như ngấm ngầm hờn giỗi. Tôi về nhà hỏi, mẹ tôi bảo lớn lên con sẽ biết. Cả nhà ta đã tới hồi ghẻ lạnh với chú Kỳ rồi sao? Ý nghĩa này làm tôi nao lòng. Tôi về quận học, thuộc vào tốp dẫn đầu lớp, đặc biệt hai môn Việt văn và Pháp văn chẳng đứa nào dám đối địch. Được như thế là do công lao chú Kỳ. Tại sao mọi người, nhất là mẹ tôi, hãnh diện tôi học giỏi lại không bệnh vực chú ấy. Đã thế, dạo này tôi thấy dì Qua đổi tính đổi nết - nói cười luôn miệng.
Sau ba ngày chuẩn bị, mẹ tôi đưa tôi lên thành phố. Chính nơi phồn hoa đô hội này, một thằng bé như tôi mới hay đất nước đã được hoàn toàn giải phóng. Và điều bất ngờ xảy ra - Tôi gặp cha tôi từ núi xuống. Ông không có gì cho tôi ngoài một cái hôn dài sâu thẳm. Còn mẹ tôi, vốn dĩ không son phấn, tự dưng tươi thắm từ làn môi đến ánh mắt. Chúng tôi ở nhà tập thể chừng một tuần lễ, trong thời gian ấy, mẹ tôi dốc hết túi tiền mang theo mua sắm cho cha tôi từ chiếc xe đạp tới đồng hồ đeo tay. Rồi cha tôi xin được phép cơ quan, với chiếc xe đó, cha tôi đưa vợ con về nhà ngoại. Những bữa cơm vui như ngày tết. Bà con, bạn bè xa gần tới thăm. Nhưng tôi không thấy mặt chú Kỳ!
Một buổi tối, sau khi tiễn khách, cha tôi xem đồng hồ rồi bảo tôi đi cùng. Thì ra ông đến nhà chú Kỳ. Hai người gặp nhau, tay bắt mặt mừng, còn giơ cả nắm đấm lên khụi vào lưng nhau như tôi và thằng Bòn mỗi khi tôi từ quận về thăm nhà. Họ nói với nhau đủ chuyện học hành con cái, tôi lảng lờ ra hiên. Ở nơi thoáng mát này, nhìn lên trăng sao, nhớ lại những gì người lớn nói với nhau mấy hôm nay, bây giờ tôi mới hình dung được những mảnh đời liên quan đến tôi khi tôi chưa ra đời.
Ông ngoại là liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp. Ông hy sinh rất sớm tại quê nhà, để lại cho bà tôi hai người con gái - mẹ tôi và dì Qua. Mẹ tôi chưa qua bậc tiểu học, phải ở nhà phụ giúp sinh kế với bà. Dì Qua học cao hơn mẹ rất nhiều, nghe đâu đã đỗ tú tài. Vì một vụ rải truyền đơn ở trường (chống chế độ ở miền ), dì Qua bị tù ba tháng. Sau thời gian điều tra, không có bằng chứng, dì được thả với lời phê trong giấy phóng thích "Can nghi phá rối trị an". Dì ôm hận về quê sống với mẹ. Lúc ấy chú Kỳ sắp tốt nghiệp cử nhân văn chương. Mùa hè năm 63, chú tham gia phong trào đấu tranh thất bại, bị đàn áp, chú Kỳ đưa theo hai người bạn cùng chí hướng về ẩn cư tại nhà mình. Đó là cha tôi và chú Cường. Nhưng họ không thể tập trung dưới một mái nhà, phải tránh con mắt chính quyền xã lúc bấy giờ. Chú Kỳ gởi hai bạn qua nhà ngoại tôi. Cuộc tình của cha mẹ tôi cũng như chú Cường với dì Qua bắt đầu từ đó. Dần dà, họ bắt đầu được đường dây, nhưng chỉ có cha tôi và chú Cường lên núi.
- Chú ở lại vùng tạm chiến có khổ lắm không? - Cha tôi hỏi, cười ha hả.
- Khỏi phải nói - Chú Kỳ cũng vui không kém cha tôi - Nhưng gian nan vất vả không bằng anh.
- Có còn làm thơ nữa không? - Cha tôi hỏi lại - Thế lấy thời gian đâu mà làm giàu - Thay vì trả lời, hình như họ nâng ly cùng uống với nhau. Bỗng dưng tôi đứng phắt dậy, xoay nhìn ngôi nhà rường ba gian hai chái to như cái đình của ông cụ để lại cho chú Kỳ, bên trong - sập gụ, tủ trà, trường kỷ khảm cừ lấp lánh. Chú Kỳ là con nhà giàu từ khi nứt mắt. Lớn lên, chú củng cố và phát triển gia sản hơn nữa. Rừng phi-lao bạt ngàn chạy dọc theo biển do chú trồng, tàu Thanh Hà - Gia Hội do chú khởi xướng, đội máy cày Kubota cha thằng Bòn đang quản lý cũng chú đầu tư - Tôi trở về mấy hôm nay nghe nhà tôi nói, tôi mừng cho chú - Sau một lúc im lặng, cha tôi lại lên tiếng - Chú đúng là mẫu người đạt ba tiêu chuẩn một thời bọn mình hay kháo nhau - Con nhà giàu - Đẹp trai - Học giỏi!
- Em chỉ là người may mắn nhưng chưa bao giờ chiến thắng - Chú Kỳ nói nhưng chỉ có cha tôi cười. Tôi tự hỏi chú Kỳ nói vậy là ám chỉ gì? Không đi lính cho chế độ mà mình bất phục nhờ lý lịch độc đinh? Không có mặt trong đoàn quân chiến thắng như cha tôi? Không được dì Qua đáp lại tình cảm như chú Cường nào đó? Những thắc mắc ấy làm tôi hết thích thú ở nhà chú Kỳ lâu hơn nữa. Khi ra tới cổng, tôi gặp mẹ chú đang hóng mát. Tôi khẽ chào như để nhờ bà báo lại với cha, không biết bà có nghe?

Về tới nhà, tôi leo lên chiếc giường con của mình... Một con chim gõ kiến. Rồi hai con. Không, cả một đàn! Tôi đưa chiếc ná cao su lên. Tao chứ không phải chú Kỳ mà để yên cho chúng mày múa mỏ vẽ vời. Đợi đấy! Ông tỉa từng con một. Tôi buông tay, đạn vút tơí. Đàn chim bay lên... bay lên... Sức gió phản hồi ào ào như mưa bão, đánh thức tôi tỉnh ngủ. Ngay khi ấy cha tôi mới về.
- Anh em gặp nhau có vui không? - Mẹ tôi hỏi.
- Anh định ngủ lại nhưng sợ em trông - Cha tôi nói, ngồi xuống đầu giường, bên cạnh mẹ. Tôi khép hờ mắt, giả ngủ. Mẹ tôi ra khỏi buồng. Cha tôi thay áo quần, mùi rượu bia thoang thoảng qua mũi tôi. Rồi mẹ tôi trở vào, tôi đoán có mang theo thức ăn. Họ chưa có dấu hiệu muốn đi ngủ.
- Có nên nói thẳng với Qua về chuyện ấy không? - Mẹ tôi khẽ hỏi.
- Thằng cu ngủ lâu chưa? - Cha tôi nói - Chuyện ấy nên tranh thủ xin ý kiến mẹ trước.
- Nhưng anh có chắc không?
- Sao lại không? - Cha tôi quả quyết - Ngày ấy anh ra dưỡng thương Hà Nội, Cường có mời đi dự đám cưới của anh ta nhưng anh không đến. - Mẹ tôi thở dài. Hai người bắt đầu ăn - Chú Kỳ đã có nơi nào chưa? - Cha tôi hỏi nhưng mẹ tôi không trả lời.
- Mười năm chờ đợi hoài công! - Mẹ tôi than - Em may mắn hơn dì ấy. Thế mà đôi khi quẩn quá, em nghĩ dại anh sẽ không về - Mẹ tôi nghẹn ngào ém nước mắt - Chú Kỳ vẫn chưa có nơi nào khác Qua nhưng dì ấy một mực giữ kẽ, không ly một sợi tóc. Chú ấy si dại làm thơ và dạy cho thằng cu nhà mình, những mong nó rót được vào tai dì nó. Có bài như vận vào đôi lứa chúng mình - Nghe đến đó, cha tôi khúc khích khiến mẹ tôi bực tức.
- Ngày xưa bọn anh đứa nào cũng võ vẽ làm thơ - có khi làm thơ bằng cả tiếng Pháp, riêng anh rất thích thơ của Kỳ - Cha tôi dịu giọng lấy lòng vợ - Em còn nhớ bài nào của chú ấy?
- Lạc nhau từ thuở sinh ra - Mẹ tôi bắt đầu đọc - Bây giờ lạc cửa lạc nhà của nhau. Lạc nhau từ thuở tình đầu. Bây giờ lạc cả tình sau muộn màng. Lạc từ đò dọc đò ngang. Bây giờ lạc xóm lạc làng của nhau... - Mẹ tôi bật khóc nức nở. Cha tôi xúc động im lặng cúi mặt. Có lẽ lúc ấy, cha tôi mới với tới tận cùng nỗi đau của mẹ tôi - có con mà chẳng có chồng!
Hôm sau, tôi dậy muộn nhưng cũng kịp ăn sáng với cả nhà.
- Qua ạ, mẹ nghĩ không còn ai hơn... - Cuối bữa, bà tôi nói. Dì Qua ngồi bất động, nhìn ra vườn cam. Mẹ tôi pha cà phê cho cha tôi rồi dọn bàn nhưng mắt không rời dì Qua.
- Em có tin những gì anh nói không? - Cha tôi ân cần hỏi như đánh thức dì Qua ra khỏi cơn mê.
- Có - Dì khẽ gật đầu - Nhưng em không thể...
- Vì sao?
- Em không thể vượt qua con sông mà bấy lâu nay em ra sức đào để ngăn cách anh ấy - Dì bình tĩnh nói - Không có thứ hạnh phúc với người bạc ác cùng đường. Em đang trên đà rơi, còn anh ấy, bấy lâu trúng thương và rã cánh. Chúng em đi tìm tình yêu chứ không phải những kẻ hành hương cứu trợ - Dì khoan thai đứng dậy - Anh chị hãy thông cảm cho em! Mẹ hãy tha thứ cho con! - Rồi dì lặng lẽ đi vào buồng mình. Ngoại tôi đưa mắt nhìn theo.
Ba hôm sau - khi cha tôi chưa trở lại cơ quan, đúng vào ngày giỗ ông - dì Qua lên thành phố bằng con tàu khách của chú Kỳ. Từ đó, dì đi vào ngôi chùa nữ tu nằm dưới chân núi Khánh Vân. Còn chú Kỳ vẫn ở vậy phụng dưỡng mẹ, lúc nhàn rỗi lên rú nhìn ngắm chim gõ kiến và sáng tác nhiều hơn nữa. Những bài thơ tình của chú làm bao thôn nữ trong làng mỗi khi nghe đều rơi nước mắt.
Kon Tum, 2002
T. D. P

(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng