Cho từng ánh lửa, tập thơ đầu tiên của sự đam mê và giàu dự cảm của Hải Trung là chứng chỉ cho những gì được ấp ủ từ nguội lạnh đến bập bùng, được vực dậy từ cõi quên và cõi nhớ của chính tác giả. Nếu phát minh kỳ diệu của loài người là tạo lửa và giữ lửa thì đến lượt nó, lửa đã lưu giữ bao nhiêu huyền thoại tình yêu và hiện thực cuộc đời. Nó thể hiện mặt hiển minh của sự chiếm lĩnh sự sống từ thuở có con người trên trái đất với hình thức thô sơ nhất của nó. Tôi bắt gặp trong thơ Hải Trung chất suy tư, tự nghiệm ấy bằng cách đi ngược thời gian để đòi "trả lại ta nếp gấp trên tay" để nhận ra sự mong manh và thiêng liêng của lửa "Lửa bén lên vưông chiếu của từng số phận - Để lại tro than đằm thắm sắc màu - Để lại tháng năm cùng nhiều nghi vấn" và cuối cùng nhận ra qui luật muôn đời "lửa vẫn thắp lên từ phía chân trời" của mộng mơ, ước khát. Sự tìm lại thời gian cũng là cách để hiểu những chứng tích lưu giữ trên từng sự vật, hiện thực trần thế, kể cả những gì mỏng manh, hút hắt nhất là cái chết và hư vô. Hải Trung đã dựng lại các chiều của thời gian, qua đó tạo hệ qui chiếu thời gian - không gian. - Lối gạch cũ đón gót hài năm cũ - Ngẩn ngơ xanh theo lối cũ trồi lên - Sông hư ảo từng vùng nhẵn bóng Cả tiếng cười trên môi, trái tim trong lồng ngực cũng đều là thời gian và không gian hoá trong nhau: "Em ví ngực anh - hạt lúa lép cuối mùa... Những chuỗi cười đã lên rêu bổi hổi". Những người làm nhang là bài thơ giàu suy tư và liên hệ lạ. Nhìn những que nhang xếp hình xoè hoa phơi giữa mặt đường, tác giả liên tưởng đến "hương thời gian", rồi nghĩ đến khói hương huyền vũ cô độc "phận mình ngún khói tháng năm". Vậy mà, cái dễ tan biến vào thinh không ấy lại là cái "gạch nối không lời" nối hai cõi thế: dương gian và âm giới. Hữu thể và hư vô khúc xạ vào nhau qua hình ảnh làn hương gửi theo ngọn gió. Những cánh nhang phơi giữa chân trời Khúc xạ ngày đêm cựa mình theo gió. Tác giả dành gần nửa tập thơ để nói về thời gian. Những tiêu đề bài thơ không hề vô nghĩa mà là những ám ảnh, là sự thức nhận cá nhân: Thời gian, Có thoáng mùa thu, Chuyện tháng năm, Sự đi qua, Mùa trôi, rồi từ Những tháng ngày không tên quay về Giấc mơ cổ tích. Hành trình thời gian đi từ cụ thể đến thăm thẳm nhạt nhoà mà chiều quay hướng về quá vãng. "Ký ức", "hồi ức", "dư âm", "dấu cũ", "năm cũ", "vườn cũ", "cổ tích"... là những day dứt của người thơ. Nhờ nẻo về này mà cõi nhớ hiện lên: "Vét trong cái quên thức giấc cái nhớ". Tác giả đã đánh thức từng Ký ức xanh, Ký ức nâu, Ký ức mưa, Ký ức mờ xa cổ tích... qua đó để "dựng nụ cười trang nghiêm" và tạo hương thơm cho chuỗi lãng quên từ "những tháng ngày không tên", "để cho giấc mộng nhói đau chân trời" và "mùi hương ghim nỗi nhớ quê nhà"... Hiện tại tính từ mốc ngày sinh là thời gian hiện thực bắt đầu. Trong cái quỹ tuổi đời người, thêm một tức là vơi một. Đó là sự xuẩn ngốc của thời gian. Một bình minh hồng tươi hay một đêm mưa giá buốt, con người không có quyền lựa chọn để sinh ra lại là định mệnh có thật. Con người đi giữa khúc dạo và khúc kết. Còn khúc ngân vượt ra ngoài hành trình khép kín này chính là khát vọng vĩnh hằng do con người tạo ra trong khoảng nhân sinh ấy. Chưa tìm thấy trong thơ Hải Trung có khúc dạo và khúc kết, chỉ thấy câu hỏi và câu đáp vừa mơ hồ vừa cụ thể. Hỏi: Dáng bao nhiêu tuổi Đáp: Tóc người vội sương Rồi lại vội vã quay về điểm mốc ban đầu để nghe tiếng khóc "tự ban sơ lọt lòng". Có bi quan lắm không? hay là tác giả triết lý theo kiểu "hữu hoàn vô" mà vội sợ cho sự hiện hữu vật chất của mình? Dẫu gì, câu trả lời vẫn còn trong im lặng, chỉ còn đây tiếng khóc ban sơ - là một lời nhắc nhở. Cho từng ánh lửa cũng dành phần nhiều để ngẫm về đời tư, thế sự và tình yêu. Hải Trung không lý sự mà chủ yếu là bình và cảm nhận những vấn đề trên theo cách riêng của mình để "mọi ý nghĩ xé lẻ thành từng đốm sáng", "Ta một mình, ừ nhỉ có đôi khi - Ngồi đối thoại với khuôn mặt rỗng". - Cứ phóng đãng mà nương theo gió Mà long tong nhịp xuống mạn thuyền Mà đẩy đưa mái chèo đưa đẩy Chuỗi âm thanh rò rỉ màn đêm - Đêm đồng loã tình yêu ngày con gái Để hôm nay chăn chiếu lạnh lưng trần. Trong ớn lạnh của cõi vô thức mà vẫn nghe được sự "im lặng choàng qua vai" quả là sự đợi chờ đã chín. Và dù trong ngang trái, một nhen nhóm khác lại hiện lên từ ký ức tình ca. Bài hát vẫn vọng vang trong ký ức Nhắn niềm tin trong ngực Nỗi đau em trái gió lại đâm mùa. Và như một lây lan của cảm giác trong mơ để được vỗ về, an ủi. Ru là nuôi ướt cơn mưa Ru là nắng sớm vàng lưa thưa thềm Ru là mắt phố lim dim Em như trốn giữa lặng im chưa về. Đi từ mình đến tha nhân, thơ Hải Trung phảng phất nỗi buồn nhân thế. "Nghĩ trước đá vọng phu" là suy nghĩ mới về những điều đã cũ, đồng vọng trong xao xác những linh hồn đã lãng đãng giữa núi ngàn xa ngái để còn đây "Thiếu phụ bồng mây đầu khe ngọn suối, tự nghe "Thời gian rùng mình tóc rối - Lấm tấm buồn gió sượt qua vai". Trước đá vọng phu, tác giả liên hệ đến mình, lỡ cái ngày không còn có mặt trên đời. "Có bao giờ để đá vọng ngu ngơ"? Nhân đọc văn từ mệnh của Tự Đức, tác giả đã dựng lại chân dung trừu tượng nhưng giàu liên tưởng về một vị hoàng đế - thi sĩ tài hoa nhưng đầy rủi may, bi kịch trong cuộc thử vận "sấp ngửa cơ may bám víu cuộc đời". Đâu rồi quyền uy của văn từ mệnh để còn đây nỗi đau thời thế và tâm trạng bi ai giằng xé giữa hai bờ hư - thực, giữa niềm tin và bất lực, giữa sự khẳng định và sự bám víu vào mệnh trời. "Lễ đăng quang niềm vui chợt tắt" mà vẫn dám gánh vác non sông trong mưa cầu số phận được bình an để cuối cùng không tránh khỏi sự buông xuôi, vô vị, kinh hoàng, tự trách mình và thời thế. Lễ đăng quang cuối thời tàn cuộc Để lòng người chuếnh choáng giữa sơn khê Bao kinh hoàng bước dài bất trắc Gôm nỗi buồn trang sức cơn mê+ Bi kịch nhà vua, bi kịch tinh thần là không thể khác "theo nhau trào lên ngọn tóc- Bạc những sợi đang hãy còn xanh".
Tuy chưa tạo được những phức điệu ổn định cho thơ nhưng từ những ám ảnh quá vãng, từ dấu cũ, mùa xưa, từ những ký ức và lãng quên, từ sự xáo động của thời gian tâm lý và sự đam mê dại ngộ trong tình yêu, Hải Trung đã dự cảm những tín hiệu thơ đáng chú ý. Nỗi u hoài không định trước được tác giả gọi về phía có bập bùng ánh lửa trong cõi thẳm của lòng, trong phía đường chân trời hé đỏ của khát khao hạnh phúc, và khát vọng thi ca. Tuy vậy, Cho từng ánh lửa vẫn còn những hụt hẫng, nuối tiếc trong người đọc vì những cảm xúc nhẹ và những tứ thơ còn tản mát. Và vì thế, sự vượt trội lên trong các tập thơ sau của Hải Trung về ngôn ngữ, hình ảnh, triết luận... là mong mỏi, hy vọng của nhiều người và là sự nỗ lực của Trung. Huế, 12-1999 H.T.H (nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002) |