Tạp chí Sông Hương - Số 163 (tháng 9)
Nhà ái quốc và nhà giáo dục lớn của nước ta đầu thế kỷ XX
10:01 | 04/09/2008
TRẦN THANH ĐẠMNgày13 tháng 06 năm 2002 vừa qua là dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày mất của một trong những nhà yêu nước và cách mạng tiền bối, một nhà giáo dục lớn của nước ta đầu thế kỷ XX: chí sĩ Lương Văn Can (1854-1927).
Nhà ái quốc và nhà giáo dục lớn của nước ta đầu thế kỷ XX

Đối với đương thời cũng như hậu thế, tên tuổi, sự nghiệp và uy tín của cụ có thể xếp ngang hàng với các nhà cách mạng đi tiên phong trong thế kỷ XX như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền... Tên tuổi ấy gắn liền với một sự kiện lịch sử và văn hóa trọng đại của đất nước ta đầu thế kỷ XX mà năm nay cũng được tròn 95 năm: đó là Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT).
Sách Lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam do giáo sư viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn chủ trì biên soạn đầu những năm 1970, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã đánh giá rất cao vai trò của ĐKNT trong lịch sử cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sách viết: "Mở đầu phong trào đấu tranh của nhân dân ta trong các thành thị, tháng 3-1907, một nhóm sĩ phu thành lập trường ĐKNT tại phố Hàng Đào Hà Nội, do Lương Văn Can và Nguyễn Quyền phụ trách. Nhà trường được các nhà yêu nước và những người có con theo học ủng hộ về tài chánh. Trường thu hút có lúc tới hàng ngàn học sinh, gồm cả trẻ, già, trai, gái. Họ không phải đóng học phí, lại được cấp giấy bút, sách vở. Trường có bốn ban: Ban Giáo dục, Ban Tài chính, Ban Cổ động, Ban Trước tác. Ban Trước tác đã biên soạn được một số sách cung cấp cho các học viên, như: Quốc dân độc bản, quốc giai sự, quốc vĩ nhân, Việt quốc sử lược, quốc địa dư, Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Văn minh tân học sách...".
"ĐKNT là một tổ chức cách mạng dùng hình thức mở trường, dạy học, tuyên truyền văn hóa để đào tạo nhân tài, tập hợp lực lượng yêu nước và là trung tâm của một phong trào vận động văn hóa mang tính chất dân tộc, dân chủ. Ảnh hưởng của phong trào từ thành thị lan về nông thôn, từ Bắc Kỳ lan vào Trung Kỳ và Kỳ..." "ĐKNT tuy tuyên truyền cải cách văn hóa, xã hội, hô hào thực nghiệp, tiến công vào tư tưởng lề thói phong kiến, nhưng vẫn không quên kẻ thù chính của dân tộc là thực dân Pháp. Những bài khuyên làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, mặc vải nội hóa, học chữ quốc ngữ... được truyền bá đồng thời với những bài kêu gọi hồn nước, ca ngợi truyền thống dân tộc chống xâm lăng, tố cáo nạn sưu cao, thuế nặng, phản đối nhà ngân hàng Đông Dương, kịch liệt lên án việc lưu hành tiền sắt. Những hoạt động của ĐKNT thường kết hợp với những hoạt động của Đông Du, kết hợp Minh xã (hoạt động công khai) với Ám xã (hoạt động bí mật) cùng thống nhất mục tiêu và hành động và cùng phối hợp thực hiện"...
"ĐKNT là một tổ chức cách mạng có cống hiến lớn trong việc tuyên truyền cổ động cách mạng, đồng thời cũng góp phần tích cực vào việc phát triển văn hóa dân tộc, ngôn ngữ và văn tự Việt '... "Mới đầu bọn thống trị Pháp tưởng ĐKNT chỉ tiến hành các hoạt động cải lương. Sau chúng thấy đó thật là "cái lò phiến loạn" ở Bắc Kỳ nên đã lập tức thẳng tay đàn áp. Tháng 12-1907 chúng đóng cửa trường. Năm 1908, chúng bắt các sĩ phu ĐKNT trong đó có Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Lê Đại... tịch thu và cấm lưu hành, tàng trữ các tài liệu của ĐKNT..."
Những đoạn trích trên đây đã thể hiện sự đánh giá rất cao của Đảng ta và nhân dân ta đối với ĐKNT và ảnh hưởng to lớn của tổ chức giáo dục và văn hóa yêu nước và cách mạng này. ĐKNT là một hiện tượng lịch sử và văn hóa độc đáo. Chỉ tồn tại hơn nửa năm trời, nhà trường này đã để lại một dấu ấn sâu xa với những ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong lịch sử mà ý nghĩa nhiều mặt cho đến ngày nay chưa phải là đã được khám phá và phát hiện hết, chưa được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và giáo dục của chúng ta quan tâm một cách thật xứng đáng. Hy vọng trong vòng 5 năm nữa, đến dịp kỷ niệm 100 năm thành lập và hoạt động của Nghĩa thục (1907 – 2007), sẽ có những công trình nghiên cứu đầy đủ hơn về sự kiện này cùng với hành trạng cao quý của các nhà ái quốc trong tổ chức và phong trào đó, mà đứng đầu là chí sĩ Lương Văn Can.
Chí sĩ Lương Văn Can là linh hồn và đầu não của ĐKNT. Cụ là sáng lập viên chính của Nghĩa thục, được các đồng chí tôn cử từ đầu làm Thục trưởng (tức Hiệu trưởng) cùng với Nguyễn Quyền làm Giám học. Sự hủy hoại của chính quyền thực dân đối với các tài liệu của Nghĩa thục, các tác phẩm cũng như lai lịch của các yếu nhân của Nghĩa thục gây khó khăn rất nhiều cho chúng ta ngày nay khi tìm hiểu về các cụ. Tuy nhiên, qua một số tài liệu ít ỏi còn sót lại, qua chứng cứ của các môn sinh và thân nhân của cụ, chúng ta cũng có thể tái hiện ít nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của con người đáng kính đó.
Cụ Lương Văn Can sinh năm 1854 (cao tuổi hơn cụ Phan Bội Châu già một con giáp) tại làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) trong một gia đình thanh bạch. Tuổi nhỏ, nhà nghèo, hiếu học, có lúc cụ làm thợ để có tiền theo học. Năm 21 tuổi, cụ thi Hương đậu cử nhân, năm sau thi Hội nhưng không cập đệ. Từ đó cụ cũng giã từ luôn khoa cử và công danh dưới chế độ phong kiến, thực dân. Triều đình Huế định bổ nhiệm cụ giữ chức Giáo thụ phủ Hoài Đức, cụ không nhận. Chính phủ Pháp cũng có lần cử cụ vào Hội đồng Thành phố Hà Nội, cụ cũng từ chối. Cụ ở nhà mở trường dạy học, cùng vợ mở ngôi hàng ở số 4 Hàng Đào. Sớm có lòng yêu nước, có chí tự lập, có khí phách khảng khái, cương trực mà lại trầm tĩnh, hòa nhã (biệt hiệu Ôn Như), cụ có phong độ của một nhà giáo dục gương mẫu, đồng thời rất nhạy cảm với cái mới, với tinh thần cách mạng, duy tân lúc đương thời. Đứng ra chủ trì ĐKNT, cụ không những cống hiến trí tuệ, sức lực mà cả sản nghiệp của mình. Nhà cửa của cụ được dùng làm cơ sở dạy học của Trường, từ Hàng Đào sang Hàng Quạt. Công việc kinh doanh của hai cụ trước sau đóng góp phần tài chính cho hoạt động của Trường, các con cháu đều tham gia công việc của Trường và phong trào yêu nước.
Khi Nghĩa thục bắt đầu hoạt động, cụ đã ngoài 50 tuổi, vào bậc trưởng thượng, được kính nể, có uy tín trong các sĩ phu đương thời, làm trung tâm đoàn kết, tập hợp họ để giáo huấn cho người học. Cụ không để lại nhiều thơ văn, song trong việc biên tập, trước các tài liệu dạy học của Nghĩa thục chắc chắn có sự tham gia, đóng góp của cụ.
Khi thực dân Pháp khủng bố nhà trường, cụ và một số yếu nhân của Nghĩa thục bị bắt, nhiều người bị kết án đày ra Côn Đảo, chịu cảnh lưu đày khổ sai ngoài đảo. Năm 1913, cụ bị thực dân Pháp "an trí" tại Pnom-Pênh, mười năm sau mới được trở về Hà Nội. Các nhà trí thức yêu nước lúc bấy giờ tuy bị đày ải khổ cực về thể xác song uy tín tinh thần của họ trong nhân dân lại rất cao, cho nên giới cầm quyền thường bao vây, cấm vận họ để ngăn chặn ảnh hưởng của họ. Trở lại Hà Nội, nhà số 4 Hàng Đào, cụ lại mở trường dạy học, học trò khá đông, tuy không còn quang cảnh ĐKNT ngày xưa song vang bóng của nó trong những năm 20 vẫn còn rõ rệt, nhất là trong các năm 1925, 1926, rầm rộ các phong trào yêu cầu trả tự do cho Phan Bội Châu và sau đó là phong trào để tang Phan Chu Trinh. Mọi sinh hoạt, hành vi của cụ Lương đều bị mật thám Pháp giám sát thường xuyên. Năm 1926, cụ bà mất, năm sau cụ ông mất, ngày 13.6.1927. Một năm sau đám tang Phan Chu Trinh, đám tang Lương Văn Can cũng là một sự kiện chấn động dư luận Hà Nội và cả nước. Rút kinh nghiệm từ đám tang trước, nhà cầm quyền thực dân dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự biểu lộ tình cảm yêu nước của nhân dân nhân dịp đám tang của cụ. Tạo cớ và lấy cớ cụ qua đời vì "bệnh thời khí", chính quyền Pháp không cho đưa linh cữu cụ về quê, bắt phải tống táng ngay trong ngày tại nghĩa trang Bạch Mai. Tuy vậy, tin cụ qua đời lan nhanh trong thành phố và trong cả nước. Đám tang có cả ngàn người đi theo linh cữu đến nghĩa trang lúc 7 giờ tối. Giặc Pháp huy động mật thám, cảnh binh và lính khố xanh theo dõi, canh gác đám tang và nghĩa trang, đe dọa các người đi đưa đám. Mặc dù vậy, đám tang Lương Văn Can ở Hà Nội tiếp theo sau đám tang của Phan Chu Trinh ở Sài Gòn là một dịp biểu dương tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự do của nhân dân ta trong cả nước. Báo chí cả nước đều đưa tin buồn, nhiều nơi tổ chức truy điệu. Ở Sài Gòn, theo lời kêu gọi của tờ Đông Pháp thời báo do Trần Huy Liệu, một môn sinh của Lương Văn Can, làm chủ bút, các giới đồng bào đã bãi thị, bãi công làm lễ truy điệu vào ngày 26.6.1927.
Đám tang của cụ cử Lương Văn Can vào đúng 20 năm sau ngày thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục chứng tỏ thời gian và thế sự không làm phai mờ ký ức tốt đẹp của nhân dân về Nghĩa thục và đối với một con người yêu nước chân chính, hết lòng phấn đấu, hy sinh vì đồng bào, đất nước, vì văn hóa, giáo dục nước nhà.
96 năm từ ngày thành lập Nghĩa thục và 75 năm từ ngày qua đời của vị đứng đầu của Nghĩa thục, bước sang thế kỷ XXI, tôi trộm nghĩ ký ức về con người đáng kính ấy lại càng sáng tỏ hơn bao giờ hết trong tâm tư của thế hệ hôm nay, khi quay nhìn lại những giá trị và truyền thống ưu tú của thế kỷ mới đi qua. Viết mấy lời về cụ Lương Văn Can, tôi muốn tô đậm hình ảnh của cụ như một nhà giáo dục lớn của nước ta thời kỳ hiện đại. Cần lưu ý rằng: con người ấy không chỉ giáo dục các thế hệ học trò của mình trở thành những người yêu nước mà các con cái của hai cụ trong gia đình đều trở thành những nhà cách mạng, trong đó có Lương Ngọc Quyến đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc. Lương Ngọc Quyến (Lương Lập Nham) là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (8-1917) đã cùng với Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) làm binh biến lật đổ chính quyền thực dân, thành lập chính quyền độc lập trên một tỉnh của đất nước. Trước khi cuộc khởi nghĩa thất bại và Lương Ngọc Quyến hy sinh, chính quyền độc lập đó đã tồn tại được một tuần lễ và cuộc đấu tranh vũ trang đó kéo dài được 6 tháng, gây tiếng vang lớn trong nhân dân cả nước.
Khi qua đời, cụ Lương Văn Can để lại sáu chữ cho học trò: "Bảo quốc tuý, tuyết quốc sỉ" (gìn giữ tinh hoa của dân tộc, rửa sạch tủi nhục cho đất nước). Ngày nay, nơi vĩnh hằng, hẳn anh linh cụ đã ngậm cười vì ước nguyện đó của cụ và của thế hệ các nhà ái quốc đầu thế kỷ XX đã và đang được các thế hệ người Việt Nam hôm qua và hôm nay biến thành hiện thực.
Tác phẩm của cụ mất mát nhiều, song vài bài thơ để lại ý tứ thanh cao, lời lẽ trong sáng, đúng tâm trạng và khẩu khí của một nhà giáo yêu nước mang phong cách bất khuất, ung dung.

KHUYẾN TRUNG
(Bài này có lẽ làm khi giảng dạy ở ĐKNT)

Áo cơm lộc nước đã bao lâu
Một tấm lòng trung trả nghĩa sâu
Mưa gió giữ gìn bền chí mãi
Non sông gánh vác ghé vai vào
Rửa hơn quốc gia theo Lê tướng (1)
Xong nợ công danh học Phạm hầu (2)
Sự nghiệp quốc dân là bổn phận
Thân này quan trọng dám quên đâu...

CẢM TÁC
(Bài này có thể được làm khi đi tù trở về)

Chín năm xa nước với xa nhà
Lần lữa ngày qua lại tháng qua
Buôn tính hơn thua toan mặc trẻ
Sách vui soạn thuật tự quên già
Đồng tâm thêm rộng tri giao nữa
Quá nhãn càng nhiều kiến thức ra
Tổ quốc trở về lòng luống những
Ta nay nào đã khác xưa ta...
Theo sách "Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX"
6.2002
T.T.Đ
(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)
--------------------------
1. Lê tướng: Lê Lợi, lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn, sáng lập nhà hậu Lê, miếu hiệu là Lê Thái Tổ
2. Phạm hầu: Phạm Lãi, nhân vật thời Chiến quốc ở Trung Hoa, giúp Việt vương Câu Tiễn khôi phục nước Việt, sau đó từ bỏ công danh, chu du ngũ hồ.

Các bài đã đăng
Lối trăng (03/09/2008)