Tạp chí Sông Hương - Số 164 (tháng 10)
Yếu tính nữ trong Huế xưa
15:37 | 05/09/2008
TRƯƠNG THỊ CÚC * Như cá lội tung tăng trong nước, không hề biết mình bơi bằng cách nào, đôi lúc người Huế cũng sống hồn nhiên, không cảm nhận một cách rạch ròi về tính cách Huế, về yếu tính của một vùng đất mà mình đã sinh ra, lớn lên và một đời gắn bó máu thịt.
Yếu tính nữ trong Huế xưa

Có lúc, từ những vị khách ở phương xa đến, với con mắt tinh đời và con tim nhạy cảm, bằng sự so sánh văn hoá, họ cảm nhận được ngay những nét lạ trong yếu tính của Huế, cảm nhận một cách trực tiếp, nóng hổi và cũng đầy chủ quan.
Một người Pháp sống ở Huế thuở còn bóng dáng thực dân đã đưa ra một nhận định thú vị: “Huế là nơi cái chết mỉm cười, vui tươi thổn thức” (Le deil sourit, la joie soupire). YÁ tưởng ngộ nghĩnh này nhằm diễn đạt lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn không hề gợi lên cảnh tang tóc, mà đó là nơi chốn dạo chơi thanh thản của người đời. Trái lại, thú vui chơi độc đáo của người Huế- thưởng thức ca Huế trên sông Hương- lại luôn luôn vang vọng những điệu buồn thổn thức, da diết.
Từ cuối thế kỷ XVII (1695), Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Hoa đến Huế theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, khi vừa đến mảnh đất này đã đưa ra nhận định khá kỳ lạ “Nước Đại Việt (mà ông chỉ biết qua Huế) phong thổ khí hậu, đại ước khí âm thịnh, khí dương suy. Nghiệm chứng... con trai thông minh không bằng con gái” (1).

* Lịch sử xứ Huế từ ngày trở thành lãnh thổ của Đại Việt dưới thời nhà Trần đã gắn liền với số phận lênh đênh của một người phụ nữ: công chúa Huyền Trân. Với đám cưới của vua Chămpa Chế Mân và công chúa Huyền Trân vào năm 1306, hai châu Ô và Lý- vùng đất Thuận Hoá, Thừa Thiên- Huế và Quảng Trị sau này chính là món quà sính lễ của vua Chămpa dâng tặng để cưới nàng công chúa Đại Việt. Huế về với đất Việt qua lễ cưới của một nàng công chúa.
Sau đám cưới của công chúa Huyền Trân, xứ Huế vẫn còn là vùng đất biên cương hẻo lánh ở cực Nam của nước Đại Việt, những sự kiện lịch sử và con người ở xứ “Ô châu ác địa” hiếm khi được các sử gia ở Thăng Long ghi chép liệt kê. Nhưng trong những dòng địa chí hiếm hoi ấy, Huế lại được cả nước biết đến qua những chi tiết trong thông sử của quốc gia gắn liền với một người con gái đẹp, một bà phi họ Nguyễn- Nguyễn Quý phi. Sử chép: “Bà là người xã Hoà Thược, huyện Kim Trà (Hương Trà về sau này). Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành (1471) dừng lại ở xã này, thấy bà gánh nước qua, có nhan sắc, vua đem lòng yêu, bèn cho vào cung, được nhà vua quý mến. Lần lần phong đến bậc phi, về sau sinh ra Triệu Vương”(2).
 Nguyễn Quý phi còn được sử sách ghi lại qua một hành vi ứng xử độc đáo của người con trai- Triệu Vương. “Triệu Vương Thoan là con thứ 13 của vua Thánh Tông. Mẹ là người xã Hoà Thược, huyện Kim Trà. Vương từ nhỏ đã thông minh quả cảm. Có người ở quê mẹ  ông tới kinh làm việc, đi đến ngoài cửa Đại Hưng, một viên tiểu hoàng môn vừa đi đến thấy người ấy áo quần lam lũ, lại tranh đường, bèn hỏi rằng “Mày ở đâu?”. Người ấy đáp: “ở Thuận Hoá”. Viên hoàng môn ấy mắng rằng: “Loại sâu bọ này lại dám vô lễ à?”. Lúc ấy Vương từ chỗ cửa cung cấm đi ra, nghe thấy thế, chợt nổi cơn giận, lấy gậy đánh chết viên ấy. Rồi ông đi tắt vào tâu vua rằng: “Tôi là con thiên tử, mẹ tôi người Thuận Hoá. Viên tiểu hoàng môn nói phạm đến tôi, tôi không nén được cơn giận, trót đã giết mất nó rồi. Như thế là đã mắc tội tự tiện giết người, xin nạp tiền để đền mạng nó”. Nhà vua thương hại tấm lòng của ông, lại cho là có nghĩa khí, cuối cùng không bắt tội” (3).

* Lồng trong lịch sử của vùng đất này, những huyền thoại, huyền sử của xứ Huế cũng tô đậm dấu ấn nữ tính.
Truyền thuyết phổ biến của Huế từng được chúa Nguyễn Phúc Chu cho khắc vào bia đá chùa Thiên Mụ (năm 1715), được Nguyễn Khoa Chiêm chép vào bộ Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí (năm 1719) đã kể về vị nữ thần Thiên Mụ từ cõi trời hiện ra ở đồi Hà Khê vào giữa đêm báo tin sau này sẽ có bậc chân chúa tìm đến đồi dựng lại chùa, tụ linh khí để giữ bền long mạch. Chuyện còn kể chính chúa Nguyễn Hoàng trong lần tuần du đến đồi Hà Khê đã được nữ thần phán bảo hãy thắp lên nén nhang, từ chùa Thiên Mụ xuôi theo sông Hương, khi nhang tàn chính là lúc tìm được đất dựng nghiệp. Kinh đô Huế trong huyền thoại đã gắn liền với Thiên Mụ- vị nữ thần dung nhan còn trẻ mà tóc đã bạc phơ, trang phục áo đỏ quần lục từng hiện lên giữa vùng đồi Hà Khê đầy linh khí (4).
Đi liền với huyền thoại Thiên Mụ, người Huế còn phủ lên các vị nữ thần của Chămpa một lớp huyền sử mới, biến thần Po Naga của Chămpa trở thành nữ thần Y Na, rồi Thiên Y A Na, rồi Vân Hương thánh mẫu và bà chúa Ngọc ở điện Hòn Chén theo tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt; biến “hòn đá thiêng” ở vùng biển Thai Dương trong truyền thuyết Chămpa thành Thai Dương phu nhân, biến vị thần Shiva bên bờ sông Bồ thành Kỳ Thạch phu nhân; biến những nơi thờ bà Giàng thành những miếu Dương Nữ nghi ngút khói hương.

* Chuyển mình từ một vùng đất biên cương cực Nam của Tổ quốc trở thành thủ phủ của Đàng Trong, rồi kinh đô của cả nước, Huế lại có điều kiện tích tụ tinh hoa của cả vùng, cả nước để bồi đắp thêm bản sắc của chính mình. Những đặc tính thanh lịch, tinh tế... ngày càng được nâng cao, góp phần hình thành thêm yếu tính nữ độc đáo của vùng đất này.
 Chính từ dinh phủ Phú Xuân dưới thời các chúa Nguyễn mà nghệ thuật múa hát cung đình Huế với lớp lớp tiểu hầu mỹ nữ xuất hiện; nghệ thuật ẩm thực tinh tế của xứ Huế được nâng cao; nghệ thuật trang trí kiến trúc dinh phủ lộng lẫy được trau chuốt. Đặc biệt, từ trong Chính dinh của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã sản sinh ra chiếc áo dài độc đáo, làm thăng hoa vẻ đẹp thướt tha của người phụ nữ Việt Nam, trở thành quốc phục của nữ giới cả nước sau này.
Dưới triều đại Quang Trung Nguyễn Huệ, Phú Xuân- Huế đón nhận thêm một vị công chúa từ đất Thăng Long văn vật- công chúa Ngọc Hân của nhà Lê về làm Bắc cung Hoàng hậu, và từ mảnh đất này khúc “Ai tư vãn” khóc người anh hùng áo vải nổi tiếng của bà đã ra đời, cuối cùng bà cũng đã trở về với cát bụi ở xứ Huế.
Từ trong dinh phủ của kinh thành Huế, những trang giai nhân quốc sắc, những bậc mệnh phụ thế gia vọng tộc như hình ảnh của Tống Thị, Ngọc Cầu, Từ Dũ, Học Phi, Nguyễn Nhược Thị... được biết đến như những nữ lưu lừng danh. Trong vô vàn những nàng công chúa, hoàng nữ của triều Nguyễn, các nhà thơ nữ Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố, con gái vua Minh Mạng đã nổi danh một thời trên chốn thi đàn.
Mảnh đất kinh kỳ này đã góp phần không nhỏ hình thành một vùng văn hoá đặc sắc mà ở đó từ nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, trang trí, ẩm thực, lối sống... đều toát lên một nét riêng: sự tinh tế, thanh lịch, trang nhã, nhẹ nhàng, sâu lắng,... thường là một đặc trưng nổi bật của xứ Huế.
Nhưng Huế không phải chỉ là xứ sở của sự nhu thuận. Vùng đất một thời là biên cương cực Nam của Tổ quốc, nơi từng là “ phên dậu” của đất nước đã được tôi luyện qua nhiều thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước, Huế còn có chất lửa như sông Hương vẫn ẩn chứa trong lòng nó những cơn cuồng lưu dữ dội đằng sau sự êm ả tưởng chừng dùng dằng bất động. Trong giới nữ của Huế gương mặt hoạt động yêu nước của Au Triệu Lê Thị Đàn, Đạm Phương Nữ Sử, của các bà Nguyễn Thị Thanh, Trần Thị Như Mân, Đào Thị Xuân Yến,... trở thành những người phụ nữ Huế tiêu biểu, lưu danh với cả nước.

Những khuôn mặt của phụ nữ Huế xưa đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng từ trong di sản, những yếu tính nữ của Huế xưa vẫn không ngừng luân chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 Không phải chỉ trong chốn dinh phủ đài các, mà cả trên mọi nẻo của thôn xóm, phố phường, ở những tầng lớp bình dân tưởng chừng như vô danh, yếu tính nữ đôi lúc lại lắng đọng rất sâu, cả trong Huế xưa và Huế hôm nay.
Nhưng cũng đừng vội nghĩ như bậc cao tăng Thích Đại Sán, rằng đây là xứ “âm thịnh dương suy”, là chốn “đàn ông không thông minh bằng đàn bà”. Huế vẫn là một vùng đất có khả năng dung hợp một cách tài tình những yếu tính đối lập: dung hợp giữa thanh lịch và kiên cường, giữa nhẹ nhàng và quyết liệt, giữa cung đình và dân gian... để làm nên một yếu tính rất riêng của Huế: yếu tính dung hợp.
T.T.C
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002) 

-------------------------------------
(1) Thích Đại Sán. Hải Ngoại Kỷ Sự. Viện Đại học Huế. 1963. Trang 49.
(2) & (3) Đại Việt Thông Sử. Lê Quý Đôn toàn tập. Tập III. Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1978. Trang 133, 151.
(4) Nguyễn Khoa Chiêm. Triều Công Nghiệp Diễn Chí. Tập I. Huế. 1986. Trang 113.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đưa đò (05/09/2008)