Khánh ngâm mà như độc thoại. Câu thơ mỏng dần, mỏng dần rồi tắt lặng. Giọt nước mắt hiếm hoi khó nhọc bò trên hõm má. Anh giống như con đại bàng sã cánh ngật ngưỡng tiến về căn chòi chông chênh ngoài bãi vắng. - Rồi, lại say khướt! Cánh cửa gắt gỏng mở toang, tiếng than thầm lặn vào đêm, ngập ngừng một tiếng nấc... Cái bóng to lớn đổ ụp xuống nền nhà. Ánh nến chập chờn cô độc.
Thắm quẩy đôi thùng tôn lên vai, mặt sông như chảo nước sôi mù mịt khói. Cô vén dải sương dày, khỏa đôi chân trần tê cóng, nén tiếng sít dài bước lên bờ cát. Mắt cô bỗng vấp phải vật lạ. Trời ơi! Sát mí nước là một con người. Anh ta yếu ớt thở. Nửa trên bờ, nửa dưới nước. Không biết bằng cách nào người ấy qua sông? Tại sao lại vượt sông khi trời đầy sương gió? Không kịp lý giải. Thắm buông gánh khỏi vai, thận trọng kéo anh lên vạt đất khô. Móc hộp diêm trong túi áo bông, cô vơ vội ôm lá cây, loay hoay mãi mới nhen được lửa. Sương tan loang lổ. Dễ đến nửa chiều người ấy mới cựa mình mệt mỏi. Họ im lặng nhìn nhau. Mười năm bình yên trôi nhanh. Mười năm căn chòi bớt gió. Mười năm... Thắm không hỏi mà anh không kể. Dề lục bình ngan ngát trôi ngang. Cu An tròn tám tuổi... - Nhà tỉnh chưa? Nhai khẩu mía này cho giã rượu – Thắm ngập ngừng – Em ra bến một chặp rồi về. Có cháo trên bếp đó. - Mình... - Muốn nói gì lát nói được không? Nhà cứ nghỉ cho khỏe. Vết sẹo dài trên trán Thắm chợt ửng. Ngó mặt chồng Thắm không nỡ giận. Giận chi? Tâm tư anh Thắm hiểu quá mờ. Riết rồi quen. Phần số mình sao đành vậy. Hết hơi men anh ấy hiền khô. Phải chi người ấy đừng xuất hiện. Ờ, đâu có được? Cái chuyện tình cảm sao nói khơi khơi? Nhìn điệu bộ người ấy chắc cũng cực lắm. Có cực mới lặn lội tìm anh chớ. Con nhỏ ấy chắc chắn cỡ tuổi cu An... Cái trận đòn hồi đêm còn nhức đến giờ. Tại mình không kịp tránh? Không phải! Tại ảnh say. Mà say đâu biết mình sai? Cu An sợ chết lặng, khóc chẳng ra hơi. Tiếc chiếc bình thủy vừa mua bị đập bể. Tiếc... Thắm khóc tự lúc nào. Khóc mà không có tiếng. Chỉ nước mắt nối giọt rơi hoài. Suốt một đời sống lành như câu hát, Thắm có lỗi gì đâu? Bữa chứng kiến họ gặp nhau cuối dốc. Thắm khóc còn nhiều hơn họ. Ngày Thắm có anh, ai cũng thở phào chép miệng: - Con Thắm rút cục cũng yên. Cái phận bồ côi bồ cút thiệt lắm. Phải chi chị Tư còn sống để thấy cảnh này. Cầu mong chúng nó bình an. Mười năm khúc sông lặng sóng. Mười năm... Bữa Thắm theo chân mẹ con người thiếu phụ về thành phố, Khánh đâu có hay. Người ấy ngó bộ giàu sang mà sao cũng long đong làm vậy. Đứa nhỏ giống anh như hai giọt nước. Nếu giàn mặt với cu An thì hệt hai đứa song sinh. Thắm cúi xuống ngắm mình chợt thấy tủi thân. Người ấy như hoa ngọc. Thắm sao mộc mạc cỗi cằn. Hèn chi chưa một lần anh nhìn mặt Thắm. Mà nhìn chi? Thắm đâu có đẹp? Anh chỉ gần Thắm lúc say, khi đêm tối. Anh chỉ nói với Thắm những câu thật cần thiết, thật ngắn. Không cảm xúc. ... Chiếc rễ cây trồi lên mặt đất khiến Thắm xuýt té nhủi. Cô tấp vô gốc dâu da câm lặng. Nói là ra bến nhưng chân Thắm lại ngược rừng. Đang chính ngọ, không gian tràn ngập nắng. Hai chú sẻ thanh thản nhảy bên bụi mận xôi. Xa xa, con đường mòn mảnh như sợi chỉ ôm lấy chân đồi rồi mất hút. Hình như không có bắt đầu mà không có cả kết thúc. Thắm thận trọng nhìn ngó xung quanh rồi khẽ lần mở cúc áo. Nơi bầu ngực mưng mưng vết xước dài bầm máu. Cao hơn chút nữa, chiếc cần cổ in hằn mười vết ngón tay. Đêm qua xém chút nữa Thắm thành người thiên cổ. Cho đến giờ Thắm cũng không hiểu nổi vì sao mình không kêu cứu. Cái khoảnh khắc ấy thật mỏng manh. Cú đạp bất tử của chồng trúng mạng mỡ còn đau ê ẩm. Tất cả, tất cả rồi sẽ qua. Đáng sợ nhất là lúc anh chợt rùng mình vì chót chạm môi vào ngực Thắm. Không có tình yêu, không có đam mê. Và Thắm khóc. Cu An quờ tay ngang mặt mẹ, nó ngọng nghịu: - Má! Má! Ai chọc giận má để An "uýnh" cho. An thương má mờ. Phía trong, Khánh trở mình lặng lẽ. ... - An! Má con đâu? - Con không biết! Chắc má ngoài bến ba à! - Còn ai ngoài bến giờ này nữa? Trưa trật rồi. Bả đi đâu cà? Cu An lấm lét nhìn Khánh, nó rợm nói điều gì lại thôi. Khánh ngó bâng quơ, quay nhìn con dịu giọng: - Mà con đói bụng rồi chưa? Xách tô ba múc cháo cho. Cháo má nấu hồi đêm đó. Thằng An gật rồi lắc: - Con chờ má "dzìa". Hồi tối má kiếm ba quá chừng, đâu có ăn gì? Hồi đêm sao ba hung quá. Ba ơi! Ba đừng "uýnh" má nữa nghen. Má thương ba. Con cũng thương ba nữa. Cái bà đèm đẹp hôm rày là ai hả ba? - Hả! – Khánh giật mình quát con – Mầy biểu sao? Mầy đã nhìn thấy gì? Nói! Cu An mặt tái xám. Nó la líu cả lưỡi: - Má! Cứu con! Ba... Để từ từ con nói. Ba đừng la con sợ lắm! Hu... Hu... Má ơi! - Nín! Tao biểu mày nín! Muốn tau đập bể đầu sao mà khóc tùm lum vậy? Đã nín rồi chưa? Thắm ào vô ôm xiết lấy con. Cu An chúi vào ngực mẹ thổn thức. Thắm quay qua chồng từ tốn: - Con nó còn dại đâu biết chuyện gì mà nạt nộ? Nó thấy sao nói vậy chứ lỗi phải gì? Muốn hỏi nhà hỏi em nè. - Ừm! Khỏi thách. Té ra cô đã biết mọi chuyện? Vậy cô tính sao? Bày đặt giả nai làm chi? Có gì huỵch toẹt ngay đi chớ? - Chuyện vợ chồng nhà hơn thua chi vậy? Em biết mà giống như chưa biết. Nhà rành tánh em mà sao cắn đắng hoài? Hở chút gây lộn chòm xóm cười chê. Chúng mình lớn hết cả rồi. Giờ nhà tính sao em cũng chịu. Em không khó dễ chi đâu. - Dẹp đi! Thằng này không mượn cô dạy khôn... Cô biết tôi trốn án mà vẫn lờ đi. Thật ra bụng cô đầy mưu mô nhưng cứ ra vẻ cam phận. Tôi ngán cô đến tận cổ rồi. Nói cho cô hay, nếu không kẹt chuyện tù tội, ai mà thèm ở lại với cô? Giọng Thắm khản đặc: - Nhà giận nhà nói cay nói đắng chi cũng được. Chỉ xin đừng nghi ngờ lòng dạ má con em. Quá khứ nhà thế nào em đâu xét nét? Em biết nhà có nhiều tâm sự không tiện giãi bày. Mà cũng tại em ngu ngơ hèn mọn, có muốn xẻ chia với nhà cũng chịu. Bữa trước, má con em chỉ vô tình... Khánh đá bụp chiếc nồi trên bếp cáu kỉnh bỏ đi. Đôi mắt Thắm ầng ậc nước.
Thắm quèo vội mớ lang, chiếc liềm ngoắc ngọt ngón chân, máu loang thấm đất. Một linh cảm nhói lên trong Thắm mãi chẳng chịu tan. Càng gần trưa, lòng dạ Thắm như ngồi trên chảo nóng. Ý nghĩ "phải về" thôi thúc. Thắm quáng quàng ngược rừng. Mấy lần bàn chân vấp đá đau điếng. Căn nhà nhỏ của Thắm kia rồi. Thằng An ném cái gì lên mái bắt nắng lấp lóa. Chiếc cổng anh ấy vừa sửa, đóng kín. Thắm thở nhẹ! Vậy mà mình cứ lo! Hai bố con quẩn quanh đâu hết cả? Chỉ có con Ky vẫy đuôi mừng chủ rối rít. Cái mõm ẩm ướt dụi mãi vào tay Thắm. Nửa mảnh sân loa lóa những lát sắn trắng tinh như những đồng xu. Con mái xám nảy ra khỏi ổ cục tác váng nhà... Không gian yên ả quá! Thắm nhẩn nha xếp đồ cất nón, tiện tay Thắm đổ cho con heo nái thùng cám mới rửa chân lên nhà. Đập vào mắt Thắm là cái dáng nằm co quắp của cu An. Một vệt nước mắt còn hoen trên má. Chắc nó đã khóc thiệt nhiều mới chịu thiếp đi. Ba nó sao chừng này chưa về! Hồi sáng... - Má! – Thằng An choàng dậy bệu bạo. - Ăn uống gì chưa mà ngủ vùi vậy An? Ba con đâu? Nó mếu máo: - Ba đi rồi má! - Mà đi đâu? Thắm hoảng thực sự. - Con hổng biết! Má đi một chặp ba cũng xếp đồ ra bến. Ba biểu... - Biểu sao? - Biểu con phải ngoan, chịu khó phụ má việc nhà. Má không cần tìm ba. Thắm vật mình xuống giường. Vậy là hết! Vẫn biết ngày này rồi sẽ đến nhưng Thắm vẫn bất ngờ. Thương mình mỏng duyên, thương con mỏng phúc. Thương cả những tháng ngày bầm dập đã qua. Đã đành chuyện vợ chồng Thắm không mặn nồng như chuyện người ta, nhưng sao xót xa quá! Ít nhất Thắm cũng đã có những tháng ngày hạnh phúc. Hạnh phúc chắt ra từ cay đắng. Nó vừa ngọt ngào vừa ngang trái. Vừa như có vừa như không. Chỉ riêng sự có mặt của cu An trên đời này là không thể bôi xóa. Hỡi ôi! Đến cả cái sự ràng buộc máu thịt ấy, anh còn đành đoạn dứt bỏ thì Thắm là cái gì mà giữ nổi anh? Thắm như bóng cây trên sa mạc, như cục cháy anh ăn lúc đói lòng. Thắm không danh không phận, không sắc không duyên. Thắm chỉ có một tấm lòng. Mà tấm lòng Khánh đâu có kiếm? Anh dạt vào đời Thắm trong lúc nửa sống nửa chết để rồi cùng Thắm chịu bao cơ cực ngọt bùi. Chiến tranh lùi xa đã lâu, Thắm vẫn không dám hé nửa lời hỏi về thân phận gốc gác chồng. Một đời Thắm đã vì anh, giành cho anh bao yêu thương ấm lạnh để rồi chỉ cần người ấy xuất hiện là anh kiếm cớ bỏ đi. Anh đi mà không nỡ nói một lời từ biệt. Mà biết nói chi? Dù sao Thắm cũng thầm biết ơn số phận đã đẩy anh đến với cô. Có anh, dù chỉ là gá nghĩa. Với Thắm thế cũng là quá đủ. Người đàn bà có chồng giống như thứ hàng quý được dán mác. Người đàn bà có con, bao nhiêu thiếu hụt khiếm khuyết được đứa con san phẳng lấp đầy. Thắm đã yên ổn trong cả hai điều ấy... - Má! Má! – Cu An kéo mẹ về thực tại. Thắm quay lại: - Chi vậy? - Ba kiếm gì trong hốc bương buồng má ý. Thắm đờ đẫn nhìn hốc bương trống hoác. Hai chỉ vàng Thắm com cóp bao năm biến mất...
Chiếc giường ngủ sang trọng thoảng mùi nước hoa ngoại, lùng nhùng đệm gối. Khánh nằm dài bất động. Điếu thuốc lập loè trên khóe miệng. Phía trong, người đàn bà đẹp nằm nghiêng khép hờ rèm mi. Hơi thở không đều chứng tỏ nàng còn thức. - Em nghĩ kỹ chưa? Khánh không đổi thế nằm. Đôi mắt người đẹp mở choàng: - Em đã nói cả rồi? Sao còn hỏi hoài vậy? - Vì anh không hiểu! Không thể khác được sao? - Dạ! Tiếng "dạ" sao mà độc địa. Khánh bật dậy: - Vậy còn tình yêu? Còn con chúng ta? Em phản bội anh một lần chưa đủ sao? Trời ơi lòng dạ đàn bà... - Phản bội? – Đôi mắt người đàn bà man dại: Từng ấy năm mà anh không thay đổi gì sao? Anh đâm hắn trọng thương rồi trốn biệt tăm. Em biết làm gì với cái thai trong bụng? Em chấp nhận lấy hắn để cứu mạng sống của anh, để nuôi con cho anh. Cả một thời thanh xuân em sống bên hắn, không có nổi một lần hạnh phúc. Như thế chưa đủ ư? - Anh muốn em ở lại – Khánh van nài. - Điều ấy là không thể? - Sao lại không thể? Em không yêu hắn kia mà? - Nhưng em yêu con. Nàng khóc, giọng sũng nước – Tha lỗi cho em. - Ngụy biện. Cô chỉ giỏi ngụy biện. Cô bảo không yêu hắn nhưng lại sẵn sàng đi sang đó với hắn. Cô bảo cô yêu tôi, yêu con, nhưng lại đang tâm vứt bỏ con lại cho tôi để đi vui thú một mình. Cô nói đi, vì sao? hả? - Anh nói hết chưa? Nếu hết rồi thì nghe đây: Anh phải có trách nhiệm nuôi dạy con anh. Tôi không thể mang theo vì hắn đã biết không phải con hắn. Hắn chỉ cần tôi. Tôi muốn để lại cho con tôi mọi thứ trong ngôi biệt thự này. Muốn thế, chỉ còn một cách là đánh đổi. Nếu không có tôi, hắn sẽ đòi lại tất cả. Mà anh thì lấy gì nuôi mẹ con tôi? Ân nghĩa như mẹ con Thắm anh còn đang tâm rứt bỏ thì mẹ con tôi là cái thá gì? Anh đã may mắn gặp được hai con đàn bà tử tế nhưng nói thật, thứ anh chẳng xứng! Cả với tôi. Cả với Thắm. Bây giờ anh có hai cách lựa chọn. Hoặc ở lại đây nuôi con cho tôi, hoặc anh biến đi như năm xưa đã từng hèn hạ bỏ đi, không cần biết người ở lại sống chết ra sao. Còn không, con tôi, tôi khắc liệu. - Con cô cũng là con tôi. Tôi cấm cô làm khổ nó. - Anh lầm! Nó là con tôi trong suốt mười năm và chỉ biết anh được mấy ngày? Ở lại đây nuôi con là cách lựa chọn khôn ngoan. Khánh chồm lên: - Không đời nào! Dù có phải cạp đất để sống tôi cũng không nhận sự đổi chác bẩn thỉu của cô. Cô nhớ lấy. - Tùy anh! Người đàn bà phẩy tay kiểu cách, đôi mắt ráo hoảnh. Khánh lao ra màn đêm. Mưa ken đầy nuốt chửng lấy anh. Ục oàng sấm. Và mưa ào ạt...
Chạng vạng tối, Thắm hối con học bài rồi bưng mâm chén ra sân. Chợt cô sựng lại! Trong ánh sáng leo lét của cây đèn hột vịt, Khánh hiện ra như mọc từ đất. Bên cạnh anh, con nhỏ cỡ tuổi cu An đang bỡ ngỡ nhìn. Đôi mắt nó sợ sệt thiệt tội. Sau phút bàng hoàng, Thắm lấp vấp: - Nhà về sao không vô trỏng? Cả con nữa, vô đi! Cô đặt vội mâm chén xuống rồi cuống quít kêu con: - An! An! Ba "dzìa" nè con! Thằng nhỏ chân trần tuông ra cửa Nó sựng lại cách ba nó một bước khóc òa: - Ba! Ba thiệt hả ba? Khánh ào đến ôm cứng cu An nấc nghẹn: - Ờ! Ba thiệt nè con! Sao ốm nhom vậy? Thằng An thổn thức nép vô ngực ba nó trong khi Khánh chằm bặp nắn khắp người con. Anh hít cái mùi hôi khét nồng trên tóc nó, nước mắt ướt nhòa. Thắm ngây người nhìn cảnh tượng trước mắt. Nếu không có con nhỏ xớ rớ bên ảnh chắc Thắm ngỡ mình mơ. Ngó ánh mắt như con chim trong lồng của nó Thắm thấy lòng nhói buốt. Gần như vô thức, Thắm chìa tay về phía con nhỏ dịu dàng: - Lại đây con! Một thoáng ngập ngừng nghi ngại, cuối cùng, đọc được sự chân thành trong mắt Thắm nó dè dặt bước đến, đôi môi giật giật mấp máy. - Má... Ba con thằng An quay lại sững sờ. Chỉ có con chim khách sáng nay bay qua cửa nhà mách đúng. Cuối cùng, họ đã có một ngày bình yên. Tháng 12.2001 Q.V
(nguồn: TCSH số 165 - 11 - 2002)
|