Tạp chí Sông Hương - Số 165 (tháng 11)
Một lần đến Hy Lạp
15:06 | 08/09/2008
NGUYỄN XUÂN THÂMChúng tôi đến Aten vào cuối tháng chín, mà buổi trưa vẫn còn oi bức như bao trưa miền biển ở Việt . Thanh Tùng và tôi loay hoay mãi vẫn không bắt được taxi để chuyển tiếp đến sân bay nội địa.
Một lần đến Hy Lạp

Kể ra thì cũng có đôi chiếc nhưng khách quá đông, nên lái xe bắt chẹt, đòi những chín nghìn greek (50 USD), mà có xa xôi gì đâu, quãng đường chỉ có hai, ba cây số. Tôi trả bốn nghìn, họ lắc đầu. Thế là chúng tôi quyết định đi bộ, dẫu nắng như đổ lửa xuống đầu, xuống lưng, xuống con đường đất đỏ quạch. May mắn quá, chúng tôi nhập đoàn với hai cô gái người Mỹ, tăng bạt trĩu nặng trên vai và mười lăm phút sau đã được xe buýt đưa đến sân bay.
Hôm ở Băngkok tôi đã OK vé máy bay chặng đường Aten - đảo Rôđơ, nhưng khi đến chỗ cân hành lý thì máy bay đã cất cánh. Mới ra ngoại quốc lần đầu, nên Thanh Tùng rất lo lắng, hết kéo túi du lịch đến chỗ này lại kéo đến chỗ khác.
Nghe tôi trình bày sớm mai phải có mặt ở Rôđơ để dự hội thảo quốc tế chương trình "sóng ba biển", nhân viên điều hành của hãng máy bay Olympic (Mỹ) đã thu xếp cho chúng tôi được đi chuyến máy bay đêm ra đảo. Mừng quá, chúng tôi tự thưởng cho nhau mấy hộp bia Hy Lạp.
21giờ, máy bay Olympic hạ cánh. Chẳng ai ra đón, chúng tôi biết về đâu bây giờ. Ở Rôđơ có hai trăm khách sạn lớn, không hiểu tổ chức "sóng ba biển" bố trí cho chúng tôi ở khách sạn nào. Cô nhân viên phòng thông tin sân bay cho tôi biết ở khách sạn Benvêđe đêm nay có mở cốctai và sẽ có những nhà văn nhà thơ nổi tiếng của Châu Âu đến đấy. Chúng tôi bắt taxi về Benvêđe, thôi thì cũng liều như đánh số đề vậy. Taxi chạy được một lúc, người lái xe ngoảnh lại, nói bằng tiếng Việt:
- Hai ông là Việt cọng?
- Anh đã ở Việt ?
- Vâng. Tôi đã sống và học tiếng Việt ở Đà Nẵng.
- Lính Mỹ?
- Vâng. Nhưng, tôi là người Hy Lạp.
Benvêđe là một khách san lớn nằm bên bờ biển. Bà Ewa A Kumlin (Coordinator) đã đặt phòng cho chúng tôi ở tầng 3. Suốt đêm tôi thao thức trong sóng biển Êgiê. Tôi nghĩ miên man đến lịch sử mảnh đất này, ở thế kỷ XIV Rôđơ là thủ đô của những hiệp sĩ dòng Saint - Jean, nói bảy thứ tiếng: Pháp,Ý, Đức, Aragông (Tây Ban Nha), Anh, Prôvăng, Ôvécnhơ. Về sau Rôđơ bị tàn phá bởi vua Đan Mạch Vanđêma IV.
Rôđơ là một thành phố cổ, có tuổi hơn 2000 năm, cái gì cũng bằng đá: bãi biển đá, vỉa hè đá với những bức tranh màu cổ, pháo đài đá, hải đăng đá, nhà hát cổ đá, tượng đá,... chẳng hiểu sao tượng đá nhiều cái không có đầu. Do chiến tranh, do bọn cướp biển hay do bị đỗ vỡ, phần cổ của tượng là yếu nhất, nên gãy ngang ở đấy. Dẫu do nguyên nhân gì thì tôi vẫn xót xa. Tôi có chụp cho Thanh Tùng một bức ảnh bên tượng không đầu trong nhà hát cổ. Đoàn kịch Xtốckhôn đã trình diễn ở đây. Diễn viên (trong vai cướp biển, lính, nhà vua, công chúa,...) đã trộn lẫn với người xem, biến người xem cũng thành diễn viên trên sân khấu nhà hát rộng tới 1000m2. Cái sân khấu trời này có trăng, sao, sóng biển của đảo Rôđơ.
Dễ đến bốn trăm nhà văn, nhà thơ, dịch giả, sử gia nhà báo... của bốn mươi nước tham gia hội thảo "Văn học và Internet". Tôi xúc động nhất là được gặp và trò chuyện với nhà thơ Blaga Dimitrova. Bà đã bảy mươi lăm tuổi, đi lại có phần khó khăn, nhất là đi bộ trong đêm trên con đường đá có tên Hiệp Sĩ. Đá cứ như khoai tây được lèn chặt xuống mặt đường. Bà nhắc mãi đến anh Xuân Diệu và hận không kịp chuyển tập thơ của anh đã dược in ở Bungari. Một nhà thơ Thuỵ Sĩ làm tôi khó quên, đó là Thio Inđe Xmittơn, anh đã đi xe đạp hơn 1000 cây số để đến Hy Lạp. Anh biết bảy thứ tiếng kể cả tiếng Hy Lạp cổ. Anh đưa cho tôi một tập thơ và đề nghị tôi viết bên lề mỗi bài lời nhận xét. Anh yêu Việt , nên đi đâu cũng kéo hai chúng tôi đi theo. Thio còn vẽ mề đay vàng để thưởng Thanh Tùng về tài đọc thơ lúc gần 12 giờ đêm bên bãi biển ở Amfi Theatre.
Cuối thu mà ở Rôđơ buổi sớm chỉ thoáng một ít sương mù, sau đấy mặt trời như cái bánh xe lăn qua biển, đảo. Đây là cái "mỏ" nắng của Châu Âu, nên thu đông nhiều khách du lịch tìm đến để tắm nắng và ăn sò huyết, cá biển. Bãi biển đá quanh đảo, chỗ nào cũng là bãi tắm. Biển xanh lắm, xanh như màu trái ô liu. Những thiếu nữ tắm rồi nằm phơi nắng, cứ lật đi lật lại như ta phơi mực qua hết cả buổi trưa. Tắm biển, tắm nắng chán thì lên các quán ăn sò huyết sống với muối, tiêu, chanh. Dĩ nhiên là phải uống rượu mạnh. Cua thịt, ghẹ, tôm cũng được ăn sống như thế  trong buổi tiệc sang trọng. Một cái bàn dài ba thước, trên có một lớp tuyết dày (có lẽ là tuyết cacbonic), tôm sú, cua lửa còn sống, nhảy và bò. Cứ thế người ăn bóc vỏ, chấm muối tiêu chanh. Thêm một cốc whichky black label nữa là trở lại sống với ông bà thuở xa xưa. Đây là cái nôi văn hoá của loài người. Ăn trong ánh đuốc bó bằng gỗ sồi và tiếng ngựa hí. Ăn bên cạnh những văn hào Ba Tư, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Tây ban Nha, Thuỵ Điển, Đan Mạch,... bên cạnh những người xoã tóc đọc trường ca cổ Hy Lạp. Thanh Tùng nói với tôi: "Bây giờ tôi chết thì cũng không còn hận gì nữa". Chết thế nào được, bởi Thanh Tùng và tôi còn muốn thả bước lang thang trên những vỉa hè, phố chợ Hy Lạp để cảm nhận "những vỉa hè thơm mùi thiếu nữ".
Đường phố ít xe cộ, người đi bên đường, tôi nhìn người nào cũng đẹp. Như thể những sưu tập hoa hậu thế giới được trưng bày tự nhiên ở đây, nơi thành cổ, sóng, nắng, gió, những người đánh cá, những người trồng ô liu... Một điều huyền bí là Hy Lạp có quá nhiều người đẹp. Tóc đẹp, mắt đẹp, mũi đẹp, miệng đẹp, tay đẹp, chân đẹp, vóc đẹp, đi đẹp, ngồi đẹp. Và rất thích nghe đọc thơ. Bảy mươi nghìn cây số với bốn lần đổi máy bay để đến đây kể cũng không bõ công.
N.X.T

(nguồn: TCSH số 165 - 11 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngày bình yên (08/09/2008)