Tạp chí Sông Hương - Số 165 (tháng 11)
Lý thuyết Cácnavan hoá của M.Bakhtin và tư duy tiểu thuyết hiện đại
14:34 | 09/09/2008
TRẦN ĐÌNH SỬTrong cuốn sách dịch, đúng hơn là trích dịch Những vấn đề thi pháp Đoxtoiepxki của M.M Bakhtin, chúng tôi đã giới thiệu những lời đánh giá quan trọng của các học giả thế kỷ XX đối với Bakhtin: "Bakhtin, nhà lý luận văn học lớn nhất của thế kỷ XX" (TS. Todorov). "Bakhtin, người giữ cho các khoa học nhân văn đối tượng riêng của chúng" (X.X. Avêzinxép), "Bakhtin, người đem lại một quan niệm hoàn toàn mới về ngôn từ tiểu thuyết" (A. Tritrêrin)...
Lý thuyết Cácnavan hoá của M.Bakhtin và tư duy tiểu thuyết hiện đại

Nhưng đáng tiếc là nhiều tư tưởng quan trọng của Bakhtin cho đến nay vẫn chưa được giới lý luận, phê bình quan tâm thích đáng, đây đó còn có những lời hạ thấp ý nghĩa của ông, đại loại như tư tưởng Cácnavan hoá của Bakhtin vận dụng vào nước ta không hợp với đặc trưng văn hoá châu Á, hoặc vận dụng các tư tưởng đó sẽ làm giảm sút tính chất dân tộc của lý luận văn học, rằng nên quay về khai thác các kiến giải lý luận văn học truyền thống của ông cha để xây dựng một nền lý luận văn học hiện đại.v.v... và. .v.v...
Chúng tôi tán thành việc khai thác, phát huy các tư tưởng lý luận truyền thống của dân tộc trong bối cảnh hôm nay, nhưng cho rằng việc đó chỉ có ý nghĩa khi biết khai thác các yếu tố hiện đại trong truyền thống (Xin xem Truyền thống dân tộc và tính hiện đại của truyền thống trong sách Văn học và thời gian, 2002). Như vậy, người ta chỉ thực sự hiểu các giá trị cập nhật của truyền thống chừng nào có hiểu biết thấu đáo các tư tưởng lý luận hiện đại. Gần đây tôi tình cờ đọc được một công trình nước ngoài có nhan đề "Nho gia và tư tưởng tự do" (10 - 2001), nó làm nhớ lại tư tưởng trong bài viết của tôi: Tư tưởng tự do trong truyền thống văn học cổ Việt (TC. Văn học, số 1 - 2001, in lại trong Văn học và thời gian). Chính vì như vậy mà tôi nghĩ cần phải tìm hiểu các tư tưởng lý luận hiện đại để hiểu rõ hơn các giá trị văn học truyền thống của dân tộc ta, mà lý thuyết Cácnavan hoá của Bakhtin là một trong số đó.
Vậy Cácnavan là gì và Cácnavan hoá là gì? Cácnavan (lễ hội dân gian, lễ hội hoá trang kiểu Cácnavan, do khó dịch chính xác mà người ta thường để nguyên) theo Bakhtin, không chỉ đơn giản là lễ hội, mà là cuộc sống thứ hai của con người do các yếu tố khôi hài của dân chúng tạo thành. Vì sao mà có các lễ hội Cácnavan ấy, theo Bakhtin đó không phải do mục đích lao động hay tập dượt lao động, hay nhu cầu nghỉ ngơi tự nhiêncó tính chu kỳ của con người. Giải thích như thế thì khó tránh rơi vào xã hội học dung tục. Theo Bakhtin lễ hội Cácnavan trung đại đó là nhu cầu vượt khỏi cuộc sống nền nếp hàng ngày của tư tưởng tôn ty trật tự phong kiến, của chủ nghĩa cấm dục tăng lữ, nó nhằm làm mềm hoá những khuôn khổ cứng nhắc của các thiết chế xã hội đương thời. Do đó lễ hội Cácnavan là một phạm trù có ý nghĩa thế giới quan, một phạm trù văn hoá. Cácnavan có hai tính chất; một là tính thời gian. Cácnavan thường xảy ra các ngày lễ hội mùa màng hoặc các ngày lễ lịch sử trọng đại, tức là các thời điểm có sự đổi thay trong cuộc sống nó nâng đỡ sự đổi thay trong thế giới quan. Hai là tính không gian. Cácnavan thường diễn ra ở quảng trường, bãi chợ là những nơi không có trung tâm, không có quyền uy, mọi người đều có thể tham gia tự do với khát vọng dân chủ nguyên thuỷ. Các nghi thức và trò chơi trong lễ hội Cácnavan đóng vai trò rất quan trọng trọng việc tạo nên cuộc sống thứ hai cho con người, chẳng hạn nghi thức tấn phong, hạ bệ, sự xúc tiếp suồng sã, sự báng bổ, các trò phỏng nhại, trò hề... đã thực sự tạo nên "cuộc sống thứ hai". Nhưng đây chỉ là cuộc sống thứ hai phi quan phương bên rìa của cuộc sống thứ nhất thông thường.
Ý nghĩa của tư tưởng của Bakhtin không nằm ở bản thân các lễ hội Cácnavan, mà ở cách lý giải của ông về Cácnavan như một hiện tượng văn hoá có ý nghĩa thế giới quan, và từ cơ sở đó mà tìm đến một cách lý giải mới về tiểu thuyết và ngôn từ tiểu thuyết mà ông gọi là hiện tượng "Cácnavan hoá". Bakhtin hiểu Cácnavan hoá theo một nghĩa rất rộng: các nghi lễ, các trò chơi, các chuyện cười, các cách sống có tính chất Cácnavan hoá, nhằm chỉ cuộc sống thứ hai, phi quan phương, bên rìa, nhằm giúp con người tạo một khoảng tự do vượt khỏi tạm thời cuộc sống nền nếp, chặt chẽ trong các thiết chế, thể chế xã hội thường nhật. Từ quan niệm Cácnavan hoá, Bakhtin đưa ra khái niệm "Văn học Cácnavan hoá" với các thể loại văn học nghiêm túc - buồn cười như thể đối thoại kiểu Sôcrát, thể trào phúng mênippê, thể tiểu thuyết phức điệu Doxtoíepxki, thể tiểu thuyết quái đản Rabơle... Từ đó mà Bakhtin đem đối lập tiểu thuyết với các thể loại sử thi. Nếu sử thi luôn ở trung tâm, mang tính chất quan phương thì tiểu thuyết là thể loại ở ngoài rìa, phi quan phương. Nếu sử thi luôn nghiêm trang thì tiểu thuyết luôn pha trộn sự cười nhạo, trào phúng. Nếu sử thi tiếp xúc cuộc sống theo lối trật tự, tôn ti, thì tiểu thuyết lại mở ra kiểu tiếp xúc suồng sã, thân mật. Nếu sử thi miêu tả những gì đã xong xuôi, hoàn tất, thì tiểu thuyết luôn luôn là không kết thúc, chưa xong xuôi. Nếu sử thi luôn sùng thượng quá khứ thì tiểu thuyết luôn hướng về hiện tại. Nếu sử thi luôn xác lập một khoảng cách cô định không thể vượt qua giữa người trần thuật và cuộc sống được thể hiện, thì tiểu thuyết lại xoá bỏ khoảng cách ấy. Nếu sử thi tạo ra khoảng cách và tôn tri trật tự của các thể loại thì tiểu thuyết đem hoà trộn chúng với nhau. Nếu sử thi luôn tuân theo các khuôn mẫu, thì tiểu tuyết luôn đổi mới chính bản thân mình...
Từ cách hiểu đó, ta thấy, nếu Cácnavan là hiện tượng lễ hội trung cổ  phương Tây, thì khái niệm Cácnavan hoá có thể giúp ta hiểu thêm về bản chất văn hoá của văn học, hiểu thêm các quy luật chung của văn học phương Đông. Theo tôi, mỗi tác phẩm văn học trong ý nghĩa hiện đại là một sản phẩm Cácnavan hoá phi quan phương nho nhỏ, tạo ra một cuộc sống thứ hai cho mỗi người, nó có không gian, thời gian riêng giúp người ta thoát khỏi tạm thời không - thời gian thực tại để sống trong tưởng tượng. Trong những khoảnh khắc tự do, phóng túng, suồng sã theo kiểu Cácnavan hoá ước lệ ấy con người được giải thoát, được nhìn thế giới theo một nhãn quan khác, nhiều chiều, được thoả mãn nhãn quan, được tích luỹ năng lượng để rồi trở lại cuộc sống thường nhật với một tinh thần sáng tạo mới. Do vậy, nếu thu hẹp tiểu thuyết vào phạm vi quan phương, đồng nhất tiểu thuyết vào sử thi tức là thu hẹp không gian văn hoá của con người, thu hẹp khả năng tích luỹ năng lượng tinh thần để sống thêm dồi dào và mạnh mẽ cho cuộc sống thực tại.
Ngôn từ nghệ thuật cũng là một tác phẩm có tính chất Cácnavan hoá. Trong văn học, ngôn từ thoát khỏi các qui tắc ngôn ngữ thông thường để sống một cuộc sống mới. Nó vượt khỏi cấu trúc chuẩn mực của ngôn ngữ để đi vào những kết hợp mới tự do mang tính thẩm mỹ. Chỉ đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du thôi ta cũng thấy cả một cácnavan tưng bừng của tiếng Việt. Những giọt tủi, giọt sầu, giọt hồng, giọt châu, giọt ngọc, những giấc tiên, giấc hoè, những dặm băng, dặm xanh, dặm hồng..., những câu thơ trốn chủ ngữ, những câu thơ đảo trang, những phá vỡ quy phạm để cấu tạo lại như kiểu: gió lá cành chim, nắng tủi mưa sầu, ăn gió nằm mưa, gió gác trăng sân, cười phấn cợt son, hồn rụng phách rời... không bao giờ ta thấy trong từ điển. Nếu không có một nhãn quan kiểu Cácnavan hoá như thế thì tiếng Việt làm sao lại có được cuộc sống lạ lùng như vậy để thể nghiệm các cung bậc,giới hạn của sáng tạo?
Nhìn vào lịch sử văn học Trung Quốc, những truyền kì, dã sử, những thoại bản, tiểu thuyết chương hồi... có bao giờ hiện diện trong hệ thống phân loại văn học quan phương? Suối hàng nghìn năm trời, chúng chỉ tồn tại ngoài rìa quan phương văn dĩ tải đạo.Chỉ mới vào đầu thế kỉ XX, chúng mới được xếp vào hệ thống thể loại văn học Trung Quốc. Trong văn học Việt Nam,những ngâm khúc, truyện Nôm, hát nói, thơ Nôm đừờng luật, truyện tiếu lâm...cũng chỉ được tồn tại bên rìa văn học chính thống viết bằng chữ Hán, và được mệnh danh là "nôm na mách qué" và bị cấm đoán, hạn chế. Chỉ sang đầu thế kỉ XX, chúng mới được đưa vào hệ thống thể loại văn học.
Xem thế đủ thấy cácnavan tuy là hiện tượng của phương Tây trung đại, nhưng cácnavan hoá là một khái niệm văn hoá hiện đại. Nếu hiểu được nó và biết vận dụng thì khái niệm đó sẽ góp phần soi sáng nhiều vấn đề văn học, bất kể là phương tây hay phương đông, đặc biệt là giúp ta hiểu thêm bản chất văn hoá của văn học và đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại
6-2002
T.Đ.S

(nguồn: TCSH số 165 - 11 - 2002)

 

Các bài đã đăng