Tạp chí Sông Hương - Số 166 (tháng 12)
“...Như một ảo ảnh!”
15:38 | 09/09/2008
NGUYỄN TRỌNG HUẤN(Mười năm Kỷ niệm... Một cuộc rong chơi)Trong quan hệ bè bạn lâu năm, có lẽ chưa lần nào chúng tôi có với nhau một cuộc rong chơi đã đời và thú vị như lần ấy. Mà hình như đấy là cuộc đi cuối cùng của Quán trong cõi đời này. Còn những cuộc du hí tiếp theo ở thế giới bên kia với những ai thì cho đến bây giờ tôi cũng không được rõ lắm.

Ấy là khoảng mùa Đông năm 1992. Theo lệ, cứ vào dịp sắp năm hết tết đến, thường thì Hoàng Phủ Ngọc Tường từ Huế vào Sài Gòn, nằm nhà tôi viết báo lấy tiền tiêu tết. Tôi nhớ lần ấy Tường đi dự “Kỷ niệm Một trăm năm Đà Lạt” về, bảo tôi: ”Tớ gọi Phùng Quán vào chơi”.
Chả là ông giám đốc một công ty tư nhân chuyên doanh mì ăn liền, không biết “ăn phải bả thơ Phùng Quán” sao đó, đã ra một quyết định động trời: “Cung cấp miễn phí mì ăn liền bổn hãng cho nhà thơ Phùng Quán dùng trọn đời trên phạm vi toàn quốc. Tất thảy đại lý từ Bắc đến có trách nhiệm thực thi quyết định này”.  Quán bảo tôi: “Ông xem, đây là trường hợp thứ hai trong lịch sử thi ca nhân loại. Trước tớ chỉ có Lý Bạch, được uống rượu miễn phí của Đường Minh Hoàng trên khắp lãnh thổ Đường triều. Rượu thì kể chi. Còn mì ăn liền ăn nhiều thế chó nào được! Thằng ấy khôn”. Chả biết thực hư?
Nhận lệnh từ tổng giám đốc, đại lý công ty ở Hà Nội đến gặp Quán: “Ông Tường đang ở Sài Gòn nhắn cụ vào chơi. Xin cho biết cụ bay chuyến nào để chúng em mua vé?”. Quán giọng rất “mệ”: ”Đất nước mình dài rứa, đẹp rứa, bay trên mây chưa tới hai tiếng đồng hồ đã hết. Uổng tiền. Các chú cho tui đi xe lửa. Xe chạy từ Bắc vô , mình ngồi uống rượu, ngắm sông núi, làng quê lướt qua ngoài cửa sổ.  Sướng!”.
Mấy người bạn trẻ đáng yêu đó không biết điều này: một đời “cá trọm – rượu chịu – văn chui”, Quán làm gì có chứng minh nhân dân để mua vé của hãng hàng không Quốc gia, để được đường hoàng bước lên một chiếc phản lực cơ sang trọng, ngả lưng trên ghế đệm, uống vang trắng Bordeaux, có người hầu kẻ hạ như những người bình thường khác. Nói vậy chẳng qua là không thể nói ra cái điều chẳng đặng bằng người của mình đấy thôi. Theo chỗ tôi biết, cho đến chết, Quán chưa từng một lần đặt chân đến bất cứ một sân bay nào. Một thời ai mời đi đâu, Quán cũng tha thiết xin cho được một cái Giấy Mời có triện đỏ. Xin mãi, Tường phát cáu. Tường đâu biết không có “cái giấy ấy”, Quán làm sao ăn nói với cảnh sát khu vực về những ngày mình vắng nhà?
Gần ba tháng cuối 1992, đầu 1993, cho đến sát tết âm lịch năm ấy, Quán, Tường ở chơi với gia đình chúng tôi, thực sự là những ngày hội của tình bè bạn, của những người yêu thơ Tường, Quán, của những ngày vui nối tiếp ngày vui, và tôi hiểu được thế nào là ma lực của nghệ thuật, của văn chương khi nó thực sự đi vào đời sống, đi vào lòng người. Mà nó đến một cách hồn nhiên, tự nguyện, không chèo kéo, không nghi lễ. Phải chăng bằng tài năng, bằng nhân cách của người nghệ sỹ, Quán và Tường đã phát sinh quanh mình một từ trường cực mạnh thu hút người đọc, thu hút bạn bè, như nam châm hút sắt vậy? Tôi bỗng nhớ một tuyên ngôn của Quán (mà Quán thì cũng có hơi bị nhiều tuyên ngôn!): ”Con bọ hung vào nhà tôi cũng là thượng khách của tôi!”. Có vẻ như chính tình yêu chân thật, nồng nhiệt, trong sáng với đời, với người, không màu mè, không vụ lợi, đã đóng một vai trò nào đó để lan toả quanh ta một từ trường tạo nên sức hút ấy chăng? Và cắt nghĩa như Trịnh Công Sơn, nghe ra là đáng suy ngẫm hơn cả: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?...Để gió cuốn đi!“. Tôi cứ nghĩ mãi về điều ấy. Đúng là: “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI”.
Tường nhiều bạn. Quán cũng chẳng kém. Có người quen biết cũ. Có người chỉ nghe tên, nghe tiếng, đến thăm. Quán râu dài, được gọi bằng cụ. Tường nhẵn nhụi chỉ gọi bằng anh. Tranh cãi tối ngày về đủ thứ chuyện. Cùng gọi nhau là Phùng Mâu, Hoàng Thuẫn.
Một lần Nguyễn Hải đến chơi. Không báo trước. Quán chỉ cần thế, có rượu và có bạn. Uống! Theo tôi, Quán uống không nhiều. Rượu chỉ trợ hứng cho Quán trò chuyện. Mà Quán là người nói chuyện có duyên. Nguyễn Hải, Phùng Quán, lần đầu gặp nhau. Một điêu khắc, một nhà thơ, không hiểu làm sao lại có thể chuyện vãn với nhau từ sáng đến chiều? Đang uống thì Hồng Đăng đến, thêm một ông nhạc sỹ. Nguyễn Hải rủ rê: ”Tất cả về nhà tớ?“. “Ừ thì về!”. Hải là dân miền Tây, trăm thứ bệnh trong người mà nhất định không chịu đi bệnh viện, tự điều trị theo phương pháp dân gian “Đói ăn rau, đau uống rượu“. Hải bảo: “Khám thế nào cũng ra bệnh, rách việc, thêm lo!”.
Lần tao ngộ ấy kéo dài đến khoảng gần bốn giờ sáng hôm sau tại nhà hàng Nancy . Hai ông già quyến luyến nhất định không chia tay. Chị Chinh, vợ Nguyễn Hải, chỉ còn nước khóc. Nể vợ bạn, Quán đứng dậy, Nguyễn Hải chỉ mặt: ”Tao chưa từng thấy một thằng nào bỏ bạn giữa đường như thế!“. Với Quán, đòn đó nặng. Nguyễn Hải vô tâm. Nhưng: “bỏ bạn giữa đường!!!?“, dẫu biết đùa chơi thì Quán cũng khó lòng chịu nổi. Đã vậy thì ngồi lại. Gọi thêm chai nữa! Người giải vây cho chúng tôi đêm ấy là Chinh Lê, con gái rượu của Nguyễn Hải, đang học đại học Mỹ Thuật. Chinh Lê xuất hiện, và chúng tôi nảy ra sáng kiến: “Đấu thơ”. Cặp đấu đầu tiên: Chinh Lê –Phùng Quán. Mỗi người đọc một bài, (tất nhiên là thơ mình) theo thể thức thi đấu bóng bàn, quên bỏ, hết vốn coi như thua. Đêm ấy Quán thua hay nhường cháu thì không rõ. Chúng tôi được trả tự do sau lần tao ngộ kinh hoàng của hai ông già. Ngoài đường, những chiếc xe lam, xe máy nổ dòn, hối hả chuyển cá, chuyển rau về các chợ.
Thường Quán dậy rất sớm. Cô vợ tôi khép nép: ”Sáng nay hai anh ăn gì để em chuẩn bị?”. “Em cho tụi ni cấy chi nóng nóng mà nước nước rứa đó”. Dịch ra tiếng phổ thông, như vậy có nghĩa là: ”Phở ”. “Mà ra tiệm ra quán muốn nói chuyện cũng khó hí”. Như vậy có nghĩa là: “Phở nóng mua về”. Và bữa điểm tâm không thể thiếu rượu. Làm vài chén, Quán nói chuyện rất vui. Rủ rỉ, rù rì, thông minh, dí dỏm, mà rất hiền. Tôi chưa bao giờ nghe Quán nói xấu một ai, nghĩ xấu về ai, kể cả những người đã từng đối xử không hay với Quán. Mọi bi kịch đã qua, với Quán chỉ còn là những chuyện kể để cười. Cho vui!?. “Rượu chịu – Cá trộm – Văn chui“ là những phương cách băng qua khó khăn, thử thách khắc nghiệt của hoàn cảnh để tồn tại, có quan hệ đến danh dự và mạng sống, vậy mà khi Quán kể, chỉ còn là những truyện vui, dù cái vui ấy đẫm ướt nỗi đau đời và cay xè sống mũi người nghe. Một nhà báo xin được ghi lại. Chỉ thấy Quán rót đầy ly, vê chòm râu rung rung, uống cạn rồi chuyển sang chuyện khác. Từ những ngày trai trẻ còn trong quân ngũ, Quán đã nổi tiếng nghịch ngợm. Trào “Nhân văn –Giai phẩm”, Quán bị kỷ luật phải ra khỏi quân đội, tôi đọc báo thấy kể trong bản tự kiểm điểm, kết thúc phần tự phê bình, mục nguyện vọng, Quán ghi: 1/. “Đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng toàn nhân loại khỏi ách áp bức bóc lột”. 2/. Được mua một đôi lốp xe đạp đúng giá mậu dịch quy định”. Hồi về làm lao công tạp dịch ở văn phòng Bộ, chuyên trị nấu nước sôi, lau bàn ghế, chánh văn phòng hồi đó cũng chỗ thân quen. Bị lãnh đạo Bộ phê bình, “Ông chánh “thanh minh: “Ông ấy tự nguyện chứ ai ép”. Sau này Quán giải thích: “Việc ấy nhàn ông ạ! Sáng ra, chịu khó nấu mấy ấm nước sôi, thời gian còn lại trong ngày là của mình. Tha hồ. Mà ông biết không: đỡ khó cho bạn!”.
Chúng ta đã không bao giờ còn dịp nghe cái giọng khề khà của Quán kể lại những chuyện đời thật như bịa ấy nữa. Nhưng tôi biết Quán đau. Cái đau muốn hiến dâng, muốn đóng góp, cái đau của ông thánh họ Khổng ở bên Tàu: “Quân tử tật một thế nhi danh bất xưng yên” (Người quân tử hận rằng tới chết mà không ai biết tiếng mình). Trong bài “Say”, Quán đã phải rên lên: “... Ta cười thân ta/ Thiên sinh ngã tài.../ Mà ta vô ích! Vô ích! Vô ích!". Năm làm bài thơ đó Quán 38 tuổi. Hai mươi ba năm sau, 61 tuổi, lần đầu tiên bài thơ được đăng trên một tờ báo chẳng liên quan gì đến văn chương. Hai năm sau, 63 tuổi, Quán chết!.
1986, tôi ra Côn Đảo, đến thắp hương ở nghĩa trang Hàng Dương. Về đọc lại Quán, không khỏi ngạc nhiên:
“...không có gì lạnh lẽo và rùng rợn bằng đến nghĩa địa Côn Đảo vào một buổi trưa mùa hè. Nắng như đổ lửa, rang bỏng nghĩa địa đầy cát, nhìn loá cả mắt. Thông heo hút rên rỉ, gió đưa những tấm thẻ tù trên cọc gỗ lắc lư. Khỉ, vượn hú vang thảm thiết, chạy ngang qua nghĩa địa, biến hút vào rừng sâu. Vài khúc xương trắng, dăm chiếc đầu lâu lăn lóc trên cát...”.
Dễ gì, dễ gì một chú bé chăn trâu cắt cỏ, tuổi ngoài đôi mươi, chỉ mới được nghe các bậc đàn anh tù binh Côn Đảo kể lại bên bãi biển Sầm Sơn mà hình dung ra, mà thuật lại được “cái không khí thê lương rờn rợn của chốn địa ngục trần gian“ ấy?.
Tôi còn trở lại Côn đảo nhiều lần vì lý do nghề nghiệp, có thể vẽ lại bản đồ Côn Đảo bằng trí nhớ. Tôi chịu Quán ở chỗ, chỉ nghe kể thôi, mà Quán viết về địa hình, địa thế Côn Đảo chỉ sai một chi tiết, ấy là từ nhà lao đi Bến Đầm không qua Ma Thiên Lãnh. Ma Thiên Lãnh là chiếc cầu vượt một hẻm núi, Tây làm dang dở, nằm ở hướng khác.
“Vượt Côn Đảo“ viết xong tháng 11 năm 1954, Quán 22 tuổi, chưa ra đảo lần nào. Cho đến chết, với Quán, Côn Đảo vĩnh viễn là một vùng đất thánh, yên vị ở cõi tôn thờ. Từ “Vượt Côn Đảo“ ngày ấy đến “Tuổi thơ dữ dội“ lúc gần cuối đời, Quán đã viết như tâm nguyện: ”...Một niềm yêu tôi không đổi thay/ Một niềm tin tôi không thay đổi để nghiến răng gìn giữ đến cùng: Trái-tim-thơ-trong –sạch/ Và gương mặt Thơ-bi -
thiết của mình.
Ở nhà tôi, sau bữa điểm tâm, việc ai nấy làm. Tường ra sức cày, viết bài gửi báo. Quán đọc sách. Cơm trưa thường là lúc chúng tôi nghe Quán kể đủ thứ chuyện trên đời. Nhiều chuyện cười ra nước mắt. Có hôm Quán vào bếp, nấu ăn rất ngon. Những hôm ấy Tường thường nhấc điện thoại: “Này! Ông tới chơi đi, Quán nấu món ni được lắm. Tới làm một ly”. Một thành ba, ba thành năm, nhà tôi chật, nhiều hôm phải ngồi xuống đất vì không đủ ghế, nhưng chẳng ai nề hà. Không phải bạn bè đến để ăn, người ta đến để nghe Quán, Tường đọc thơ, nói chuyện. Hôm nào vắng, chúng tôi lai rai, thường tận khuya. Anh Thơ quen tính, biết sau chương trình TV kết thúc vào lúc 12 giờ đêm, thế nào Quán cũng hỏi: ”Có phim chi hay không em?”. Bữa ăn nhẹ lúc đêm tàn, cháo trắng trứng vịt muối để tiếp tục luận bàn về cuốn phim võ thuật vừa xem, Lý Tiểu Long, Hoàng Phi Hồng gì đó. Kết thúc ngày hôm ấy thường thì khoảng một hai giờ sáng để vài tiếng đồng hồ sau, lại đón một ngày mới bắt đầu.
Chúng tôi đã rong chơi ròng rã như vậy gần ba tháng trời. Khi đi miền Tây thăm anh Sáu Thế Hùng chủ tịch thành phố Mỹ Tho, khi về Vũng Tàu chơi Nô-En với Xuân Sách, đi Bảo Lộc, nhấm nháp thịt rừng bên bờ suối Mơ trong điền trang của Lê Minh Ngọc, lúc lên Đà Lạt đón năm mới trong cái rét căm căm của mùa Xuân cao nguyên. Tôi còn giữ được một đoạn băng vidéo quay cảnh Quán ngồi câu cá dưới chân thác Đămbri, trong quầng bụi nước mờ mờ hư ảo. Chiếc áo chàm xanh quen thuộc, râu tóc bạc phơ bay trong gió chiều, tĩnh lặng như một triết nhân bên dòng suối xưa, như thực, như mơ, như không, như có... như một ảo ảnh. Như ảo ảnh cả một đời người đã từng hạnh phúc và cả từng nếm trải đến tận cùng cay đắng, khổ đau.
Quán có một chiếc áo mang đầy chữ ký bạn bè, trước ngực, sau lưng, trên vai, trên cổ. Chiếc áo có nguồn gốc từ một cuộc chơi. Hôm ấy Thu Bồn mới được vợ sắm cho một chiếc áo xẩm, đũi tơ tằm chính hiệu, mặc vào, lựơn qua lượn lại. Quán có chiếc áo chàm, gạ đổi. Quán đề nghị Thu Bồn ký một chữ lên ngực làm kỷ niệm. Sáng kiến ấy được hưởng ứng, thành phong trào, mọi người thay nhau ký, chút bằng chứng một cuộc vui gửi bạn bè để Quán mang về Hà nội. Bút tích nhiều kiểu, nhiều màu, thêu lên áo một thứ hoa văn ngẫu hứng, lạ mắt. Lâm Triết, Anh Thơ lấy sơn dầu vẽ hẳn một chân dung nhỏ, mấy hình trang trí. Trên chiếc áo ngộ nghĩnh ấy, khá nhiều chữ ký nổi tiếng. Mà nổi tiếng nhất có lẽ lại là chữ ký của một cô bé, bảy tuổi, học sinh lớp hai trường phổ thông nổi tiếng Hòa Bình, một trường cấp một toạ lạc ở trung tâm thành phố nhìn thẳng ra vương cung thánh đường Sài Gòn, một kiến trúc còn nổi tiếng hơn nữa.
 Quán quý chiếc áo ấy lắm. Nó đi với Quán đến cuối cuộc đời, trở thành áo liệm, thay bạn bè tiễn Quán về thế giới bên kia. Cũng có người tiếc, bảo chị Trâm: ”Sao không giữ lại?”. “Anh ấy bảo để anh ấy mang đi”. Tôi thì tôi nghĩ: “Thế mới là Quán“. Kỷ niệm mang theo về bên ấy, chút tình bằng hữu sẽ sưởi ấm lòng ta trong thế giới lạnh lẽo của những nấm mồ.
Đời thơ Quán cho đến chết, chỉ có “Trăng Hoàng cung” được in, nhưng ở nước ngoài, Đinh Cường vẽ bìa và minh họa, Thanh Văn xuất bản. Mấy quyển sách biếu chỉ làm Quán thêm khổ thân, mất công, mất tiền photo, ký tặng bạn. Để có nó, Quán bò ra sàn nhà dàn trang, tỉ mẩn đếm từng tờ, gập, vuốt, xếp, xâu, xỏ, đóng..., đầu gối quá vai, liếm liếm, mút mút mấy sợi chỉ, căp kính lão cũ không biết ai cho, tụt lên tụt xuống trên sống mũi cao gầy, luồn được sợi chỉ qua trôn kim lại tủm tỉm cười một mình, mặt mày rạng rỡ như vừa hoàn thành một kỳ công, nhất định tự làm, không cho ai giúp. Tôi ngồi nhìn Quán, Quán ngồi nhìn sách, đắm đuối, đăm chiêu một cách rạng rỡ như người sản phụ nâng niu đứa con rứt ruột, như sợ có ai sắp giật khỏi tay mình. Ôi! đứa con đầu lòng sinh nở vụng trộm ngoài hôn thú, lén lén lút lút, thấy mà thương!
Cũng cuốn “Trăng Hoàng cung” ấy, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 1995, sau khi Quán chết, cũng 13 chương, cũng khai từ, hậu từ đủ cả, cũng “Thượng đế ơi!/ Tôi đã làm gì?/ Mà ly rượu đời Người ban cho tôi/ Đắng thế?... “. Sao thế nhỉ? Người tử tế đến vậy, có làm gì bậy bạ đâu? Hay tại làm thơ? Thơ gì không làm lại đi làm cái thứ thơ chống tham nhũng, chống tham ô lãng phí? Lại còn: ”Tôi cầm khẩu-tiểu-liên báng-gập-Thơ, đánh vỗ mặt thói dối trá, đạo đức giả, tệ quan liêu tham nhũng, tuy ngày đó chỉ mới manh nha, nhưng tôi đã dự cảm sẽ là hiểm hoạ khôn lường đang rình phục Nhân dân tôi, Đảng tôi; có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng, cao qúy mà cả triệu người suốt thế kỷ qua đã không tiếc máu xương để tạo dựng, bảo vệ...”.
Chả hiểu được!? Mấy ông nhà thơ?!!! Hình như trong cơ thể họ lúc sinh ra có thiếu một cái gì đó, hoặc thừa một cái gì đó, hoặc quá thông minh hoặc quá khờ dại, không như mọi người...?.
Ấy là thương mà trách vậy! Giận thì nói vậy! chứ cái ngu dại ấy còn qúy bằng vạn lần thứ “giả thi nhân” – “ngụy quân tử “, “làm thơ thì ít – làm thịt thì nhiều”, xênh xang mũ áo, còn đầy rẫy đó đây, hàng ngày, trong cuộc sống quanh ta.
Sinh thời thơ Quán toàn xuất bản “bằng mồm“. Vì vậy, đời trả cho Quán “nhuận bút lỗ tai“ từ tình yêu của bạn bè, từ thính giả, không thể hạch toán bằng bất cứ đơn vị tiền tệ nào. Ai bảo nhà thơ không sống nổi bằng thơ? Một chút khác nhau là ở chỗ nhà thơ dùng thơ vào việc gì, để làm gì? Thế thôi! Việc Quán đặt tên cho các bài thơ của mình cũng chẳng giống ai: “Cây dứa”, ”Cây cọ”, “Cây xương rồng”, “Cây vạn niên thanh”, “Trường ca cây cà”, “Hoa cứt lợn” vv... nghe như mục lục sách sinh vật của học trò cấp Một. Còn: ”Chống tham ô lãng phí”, “Tự kiểm điểm“, “Tôi tự hào chế độ nước tôi”, “Tôi muốn mời đến Tổ Quốc tôi” thì hơi hướng nghe na ná mấy bài xã luận kém chất lượng “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”, “Viết tặng thi sỹ Hoàng Cầm trong giây phút anh ngã lòng suy sụp”, ”Thơ đọc trước linh cữu mẹ vợ trước khi hạ huyệt”, “Thơ đọc trước linh cữu Trần Thịnh hiệu là Thịnh râu đạo diễn điện ảnh“ vv... nghe như tựa đề mấy bài tập làm văn lôi thôi vụng về!
Nhưng thật thú vị khi nghe Quán đọc. Quán thú nhận thừa hưởng nghệ thuật trình diễn này từ Thanh Tịnh, ông tổ độc tấu thơ, người đầu tiên kết hợp thơ với độc diễn sân khấu, một loại hình mà trong Hội nghị văn nghệ ở Việt Bắc 1948, tạp chí Văn nghệ “số tranh luận“ hồi ấy in sau chữ “độc tấu thơ” một dấu hỏi nhoáy nhoáy (?). Chúng tôi, Thiếu sinh quân liên khu Bốn cũ, mỗi lần Thanh Tịnh về thăm, được nghe ông “độc tấu” bài “Ông ké gác đường” lại há hốc mồm ra một cách say sưa. Quán tiếp thu rất nhanh phát hiện này. Thời đó, thể loại hùng ca đóng vai trò chủ yếu trong đời sống tập thể, sinh hoạt đám đông những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Quán yêu “Mai- a” và say mê trở thành một “nhà thơ quảng trường” có thể đã khởi đầu từ đó. Một trường ca bây giờ chắc không còn ai nhớ nữa: ”Năm anh hùng Sévastopol” Quán viết khoảng 1951- 1952 (?) về câu chuyện của năm người lính Hồng quân lần lượt hy sinh bảo vệ thành Sévastopol trong chiến tranh vệ quốc của Liên Xô là một hùng ca đẹp: “Năm Bốn mốt, giữa trưa hè tháng Sáu/ Liên Xô mênh mông, lúa chín, nắng vàng...”. Năm ấy, trước những trung đoàn chiến binh chuẩn bị vào chiến trường máu lửa, chàng trai Phùng Quán, tuổi mới đôi mươi, mắt sáng môi hồng:”Phát xít Đức như một bầy hổ đói/ Tấn công Liên xô với hai trăm bốn mươi sư đoàn/ Trên Krem ly, Stalin cất tiếng gọi/ Hàng triệu thanh niên như thác chuyển lên đường,/ Từ giã nông trường, nhà máy/ Từ giã đôi mắt biếc người thương/ Không hẹn nhưng cùng nói: Anh đi anh lại về/ Đợi Anh, Anh lại về... đã thổi vào tâm hồn thơ trẻ thế hệ chúng tôi, hào khí của những tấm gương hy sinh quên mình cho Tổ Quốc để cùng nhau đi trọn cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong những đồng đội của chúng tôi năm ấy đã ngã xuống trên chiến trường, nhiều người lính trẻ chắc còn mang theo trong tim mình hình ảnh lộng lẫy của “Năm anh hùng Sévastopol” trong thơ Quán.
Không cầu lợi danh, Quán đắm mình trong rượu, hít thở dưỡng khí bằng hữu, cảm nhận đời và bộc bạch mình bằng tư duy thơ bỏng cháy. Vì vậy, không phải một lần, Quán tuyên bố (lại tuyên bố!): “Thơ là lý lịch đời tôi! “. “Có những phút ngã lòng/  Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Không biết sau này, có lúc nào thơ Quán được in, được phổ biến rộng rãi? được sử dụng cho công cuộc chống quốc nạn tham nhũng đang nổi lên như một vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay mà Quán đã tiên cảm và dự báo bằng thơ gần năm mươi năm trước, được bảo hiểm bằng danh dự và mạng sống cuả chính mình? Mà dù không đi nữa, việc thơ Quán hiện hữu trong những cuốn sổ tay riêng tư, trên những trang ghi của các cháu nhỏ, giữa yêu thương bè bạn lúc tửu hậu, trà dư, tự nó đã là một tồn tại, một hiện thực.
Gần hết một đời người, trong thế giới bạn bè vắng vẻ của mình, tôi chỉ mới thấy PHÙNG QUÁN và THÁI BÁ VÂN là hai người bạn từ thuở thiếu thời, khi uống rượu say, ngửa mặt lên trời ngâm câu “Phú qúy bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất...” mà không phải hổ thẹn. Thế mới biết “Làm -Một -Con -Người” đúng nghĩa thật cũng không dễ dàng gì.

 Tôi có việc phải đi Hà nội vài ba hôm. Hồng Đăng đưa tôi và Hồ Đắc Hoài đến thắp hương cho Quán. Người xưa không còn, cảnh cũ đã khác. Vườn xưa thành phố chợ, mua bán ỳ xèo. Chúng tôi chạy đến tận cùng con đường mới mở, không nhận ra nhà cũ ở đâu. Cái “chòi ngắm sóng” cơ hồ khuất lấp đâu đó trong đám hỗn mang những biển hiệu “Lẩu cá Tây hồ”, “Cá mè đặc sản” xanh đỏ đủ màu. Thăm hỏi giờ lâu, vườn xưa nay đã thành “Lưu Linh quán!!!?”. Chị Trâm đi vắng, nghe nói sang Lào thăm cháu ngoại. Bà chủ quán mỡ màng chỉ chúng tôi ra sau bếp. Bàn thờ Quán ở đấy, chỗ ngày xưa Quán khề khà thù tiếp bạn bè, chỗ “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”  nhìn ra một mảnh vườn nhỏ có giàn chanh giấy nay đã trở thành sân nước, mổ cá, làm gà. Chiếc thang gỗ dẫn lên “chòi ngắm sóng” nơi Quán nhìn xuống đáy nước Tây hồ mời Ông -Núi -Ba -Vì uống rượu, đã cửa đóng then cài, khép lại một cõi đi về ngày ấy! Chúng tôi thắp hương, lấy rượu trên bàn thờ xuống, rót mỗi người một ly nâng chén với Quán, lòng bùi ngùi nhớ bạn.
Có hẹn với vợ chồng Lâm Triết - Kim Minh, tôi đổi lộ trình, ghé Huế thăm Tường, Dạ, thăm bạn bè, thắp hương phần mộ gia đình, thắp hương cho chị Điềm, tạ lỗi ngày chị mất, chúng tôi không về Huế đưa tiễn chị được. Đứng bên đồi Vọng cảnh, nhìn sang bên kia sông, nhớ ngày nào thay mặt anh em xin phép chị Trâm đưa Quán về Huế, tính xây cho Quán một ngôi mộ bằng đá trắng, chỗ ngọn đồi nhỏ um tùm lau lách “có sóng sông Hương ru vỗ du dương”, để Quán được đêm ngày nhìn ngắm dòng sông một thời niên thiếu chăn trâu, cắt cỏ, bắt gặp Cách mạng và đã hào hiệp hiến dâng “Tuổi thơ dữ dội “ và cả “Một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ”.
Gần mười năm không trở lại, Huế nay đã khác nhiều. Nghe nói sông Hương nhiễm mặn đến tận bến Tuần, nhà máy nước Vạn Niên phải đóng cửa. Nhưng đại cảnh nhìn từ cầu Phú Xuân, sông Hương hình như vẫn vậy, vẫn xanh thắm một màu xanh thủy chung? Những sườn núi trên triền Đông Trường Sơn phía Tây thành phố, nắng vẫn dát những mảng vàng lên nền xanh lam vĩnh cửu huyền bí. Trên đường phố, cây xanh xanh đến nao lòng. Rừng thông Thiên An tốt tươi che khuất tầm nhìn, không còn trông thấy dãy Thiên Thai điệp trùng, lượn sóng, đóng khung một thiên nhiên tĩnh lặng, hoang đường cũ.
Mộ chị Điềm nằm trên một sườn đồi xinh xắn nhìn xuống con đường lên lăng Khải Định, nơi thời thơ ấu, theo cha đi xây lăng, đùa vui với những hòn sỏi nhỏ bên bờ suối. Hơn tám mươi năm, sau khi đã vòng quanh thế giới, vẫn những trò nghịch ngợm cùng sỏi đá, với những chiều kích khác nhau, thổi vào chúng tâm hồn và tư tưởng, ghi tên mình vào lịch sử nghệ thuật của nhân loại để rồi lại trở về đây, bên dòng suối xưa, trên một triền đồi thoải dốc nhìn xuống thung lũng lũng Châu Ê, ngủ giấc ngàn năm trong trò chơi nghịch ngợm của những “mẫu tự” bằng đá ong nồng ấm mầu đất nung trong tiếng thông reo vui thủ thỉ, rì rầm.
Ước gì... Ước gì... Quán cũng được về đây sau những tháng năm dài trầm luân, lưu lạc, ngũ giấc vĩnh hằng dưới bóng thông xanh, có chị có em, những đêm trăng thanh gió mát...
Có một chuyện kể lại cho vui, chỉ để góp một nét nhỏ vào chân dung Phùng Quán, để bạn bè tủm tỉm mà rằng Quán là vậy: Cuộc tao ngộ giữa Quán và Nguyễn Thị Hoàng, hai nhà văn đồng hương, từng “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.
Hai người biết nhau từ lâu, trên văn đàn, trong dư luận. Hoàng biết Quán từ “Vượt Côn Đảo“ và những bài thơ chống tham nhũng, cây thập giá mà Quán mang vác trọn đời, đến tận những ngày “Tuổi thơ dữ dội“ được đưa lên màn ảnh, trình chiếu rộng rãi, công khai. Còn Quán thì biết Hoàng từ những ngày đọc trộm “Vòng tay học trò” xôn xao dư luận mà giới văn chương Sài Gòn coi là một hiện tượng, một Francois Sagan của tư trào hiện sinh trong văn học miền trước 1975. Cuộc gặp tình cờ nhân một lần Tường đưa Quán đến thăm em gái trong một hẻm nhỏ hun hút, ngoằn nghèo, ở quận Phú Nhuận. Quán thích món Huế mà Hoàng thì nấu ăn rất ngon. Hoàng mời Quán ở lại ăn cơm. Quán bảo: “Để đấy mình mời Hoàng món chả cá Lã Vọng, đặc sản Hà Nội“. “Nhà anh ở ngoài Bắc làm sao mời?” “Mình vào đây ở nhà Nguyễn Trọng Huấn. Nhà bạn mình tức là nhà mình”.
 Gia đình chúng tôi nhận chỉ thị: “Ngày mai tiếp khách. Thực đơn: chả cá Lã Vọng. Thực khách: mẹ con Nguyễn Thị Hoàng. Đầu bếp: Phùng Quán. Phụ bếp: Võ Anh Thơ. Giờ tiếp: 17 giờ”. Cô vợ tôi con nhà lính, toàn gia bộ đội, “chả cá Lã Vọng“ là món chỉ được nghe đồn, xách bị đi theo anh Quán, mọi thứ phải sắm từ đầu. Cho đến giờ, tôi vẫn còn giữ được cái bếp lò nướng chả từ cuộc vui năm ấy.
Giữa tôi và Hoàng có một hiểu lầm nho nhỏ, lỗi ở phần tôi. Nhiều năm không gặp. Bây giờ tái ngộ, chưa biết sẽ ra sao? Tôi đi mua hoa, gọi thợ cấp tốc đóng thêm một chiếc bàn nhỏ, dự trù khách có thể đông. Hai anh em Phùng Quán, Anh Thơ hì hục suốt một ngày, quạt lò, nướng cá, khói lửa mịt mù. Đúng giờ, mọi thứ đã tươm tất. Bạn đến đầy nhà, không nhớ hôm ấy những ai. Chừng nửa tiếng sau, nhân vật chính xuất hiện trong bộ đồ đen kiêu sa, điếu thuốc lá quen thuộc phập phù trên môi cháy đỏ. “Nữ hoàng” nhấp một ly Whisky, đốt một điếu Marlboro, trịnh trọng thông báo “ban” cho Quán mười lăm phút vinh dự về sự có mặt, sau đó, khách có việc, hẹn dịp khác. Cho đến khi Quán chết, hai người chưa từng gặp lại nhau. Còn chúng tôi hôm ấy được đánh chén một bữa chả cá Lã Vọng thoả thích do chính tay đầu bếp tên Quán, họ Phùng đích thân nấu nướng.
Sau cuộc chơi ấy, vợ chồng tôi cùng cháu Thủy Tiên tiễn bác Quán tận ga Huế. Tường, Quán ra trước. Chúng tôi bay ra sau. Đêm ấy nhằm hăm ba tháng chạp. Quán về Hà Nội ăn tết với vợ con. Đêm mùa Đông, sân ga nhỏ, con tàu đen rùng mình, rít lên, lao vào đêm đen. Hai năm sau, cũng đúng một đêm mùa Đông trước ngày đưa ông Táo, Quán lên đường, đi mãi vào cõi vĩnh hằng, miên viễn.
Thời gian trôi nhanh. Vậy mà sắp chẵn mười năm. Hồi tưởng về một cuộc rong chơi, tôi viết bài này thay nén nhang, thả khói vào trời xanh. NHỚ BẠN.
Thành phố HCM, Rằm Trung thu Nhâm Ngọ (21/9/2002)
             N.T.H

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thăm chồng (09/09/2008)