Tạp chí Sông Hương - Số 166 (tháng 12)
Chuyện ông tổ nghề nuôi tôm ở Phá Tam Giang
16:07 | 09/09/2008
MINH TÂMTôi nghe bà con bán tôm ở chợ Bến Ngự kháo nhau: Dân nuôi tôm phá Tam Giang đã xây miếu thờ “Ông tổ nghề” của mình gần chục năm rồi. Nghe nói miếu thờ thiêng lắm, nên bà con suốt ngày hương khói, cả những người nuôi tôm ở tận Phú Lộc, dân buôn tôm ở Huế cũng lặn lội vượt Phá Tam Giang lễ bái tổ nghề.

Tôi đến Sở Thủy sản hỏi thăm, anh em bảo: “Đúng như thế! Và điều cực kỳ có ý nghĩa là “Ông tổ nghề” của dân nuôi tôm là một người Cộng sản. Anh cứ đi tìm hiểu thì rõ. Chuyện hay lắm". Ca dao xưa than: Thương anh em cũng muốn vô/ Sợ Truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang... Bây giờ Phá Tam Giang đã khác rồi, vui rồi. Có thể nói, đây là huyền thoại mới bên Phá Tam Giang. Thế là, một ngày sau cơn lụt tiểu mãn tháng 10, anh Nguyễn Hồng Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư Thừa Thiên Huế tình nguyện đèo xe máy chở tôi đi tìm tư liệu về “Ông tổ nghề nuôi tôm” ở tận bên kia Phá Tam Giang.
MIẾU THỜ MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN
Chiếc xe máy của chúng tôi luồn lách dọc con đường xuống Bao Vinh ra Sịa, 30 cây số bụi mù mịt do bùn ngập lụt mới khô, gần tiếng đồng hồ mới tới được bến đò bờ bên ni Phá Tam Giang. Con đò máy chạy ba mươi phút ngoằn nghèo trên phá giữa bủa vây nò, sáo, giăng như mắc cửi. Bên về Quảng Công là bến Vĩnh Tu. Dọc đường anh Nguyễn Hồng Việt giải thích, làm tôi rất bất ngờ: "Ông tổ nghề tôm" chính là anh Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc sở Thủy sản Bình Trị Thiên (cũ) , tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở thủy Sản tỉnh Thừa Thiên Huế. Người đảng viên cộng sản ấy đã lăn lộn bày cho bà con đào những ao hồ nuôi tôm đầu tiên, đi kiếm từng giống tôm về cho bà con nuôi, và người cũng đã hy sinh vì con tôm, vì sự nghiệp nuôi trồng thủy sản! Anh Hồng Việt, là cán bộ Sở Thủy sản từ những năm anh Phương còn làm giám đốc. Chúng tôi đến xã Quảng Công, Quảng Điền, xã đầu tiên có hồ nuôi tôm của vùng Phá Tam Giang. Đầu Thôn 14, gặp một phụ nữ, nước da biển bánh mật, chị bưng rổ đựng thứ thức ăn tôm cá trông như cám, trên có đặt thẻ hương, đang sải bước về phía những hồ nuôi tôm bên bờ phá. Chúng tôi hỏi thăm miếu thờ “Ông tổ nghề nuôi tôm”. Chị bảo: “Các bác theo em”. Tôi hỏi tên, chị ngư dân cho biết, chị tên là Lê Thị Khoa, vợ người nuôi tôm nổi tiếng Phạm Việt. Anh Phạm Việt đang bận việc ngoài Trại tôm giống, không về nhà được. Lội qua một con mương, chúng tôi đến trước hai cái miếu thờ được dựng ngay bên bờ những ruộng tôm mênh mông, quay mặt ra Phá Tam Giang. Miếu thờ được xây rất công phu, có trụ đứng vững chắc, trên mái chạm trổ rồng chầu, phượng múa theo kiểu kiến trúc cung đình. Bây giờ vụ tôm thứ hai trong năm đã thu hoạch xong, các hồ vắng người. Hồ tôm của gia đình chị Khoa ở gần miếu thờ, đang thả cá rô phi giữa hai vụ để tăng thu nhập. Gió từ Phá Tam Giang thổi vào nồng nàn mùi rong rêu. Chị Khoa giải thích: “Hai cái miệu này, miệu có ảnh là thờ Bác Phương, còn miệu không có ảnh, là thờ Thổ thần đất đai ruộng tôm. Mười năm nay, quê em nhờ hai vị thần này phù hộ, bà con đã khá giả nhiều lắm...”. Nói rồi, chị bật lửa thắp nhang chia chúng tôi mỗi người ba nén, cùng với chị khấn vái và cắm lên trang thờ. Tôi cầm que nhang, ngắm nhìn bức chân dung anh Phan Thế Phương mái đầu bạc, gương mặt sáng sủa, thông minh, nụ cười hiền hậu, mà lòng rưng rưng xúc động. Tôi bỗng nghĩ miên man về sự tồn tại. Cái miếu thờ anh Phan Thế Phương ở giữa vùng trời nước mênh mông này là sự tồn tại với trời đất, với nhiều thế hệ người nuôi tôm. Còn “Ông tổ nghề nuôi tôm” là danh danh hiệu cao quý do nhân dân phong tặng, là sự tồn tại vĩnh viễn trong lòng người dân đầm phá! Đời người chớp mắt. Nhưng trong cái ngắn ngủi phù vân đó, ai biết sống hết lòng vì mọi người, sẽ để lại tiếng thơm trong lòng nhân dân! Còn ai cậy vào chức quyền để nhũng nhiễu, làm hại nhân dân, đục khóet làm giàu cho bản thân thì sống mà như đã chết, cho dù “hạ cánh an toàn”, suốt đời cũng bị dân coi khinh, phỉ nhổ!
LỊCH SỬ THÔN 14 VÀ SỰ ĐỔI ĐỜI CỦA CƯ DÂN ĐẦM PHÁ
Phá Tam Giang - Cầu Hai mênh mông tới 22.000 ha, dài 70 cây số, từ cửa sông Ô Lâu, đầu huyện Phong Điền đến chân đèo Hải Vân (Phú Lộc). Đây là “kho vàng” trời phú không đâu có được! Vùng đất ngập mặn mênh mông lớn nhất Đông Nam Á, được gọi là “biển cạn” này là tài nguyên kinh tế - du lịch lớn chưa được khai thác. Theo điều tra, vùng đầm phá này có nguồn gen cao nhất so với các đầm phá ở Việt . Gồm 921 loài thuộc 444 chi, giống và 237 họ. Chim có 73 loài, trong đó có 30 loài di cư. Có đến 230 loài cá với 23 loài cá kinh tế, 12 loài tôm, 18 loài cua, cùng nhiều loài trìa, sò huyết, rau câu... Trữ lượng tôm cá hàng trăm ngàn tấn với các loại cá quý như cá mú, cá dìa, cá chim, cá đối, cá buôi, hanh.v.v..
Phá Tam Giang giàu có thế, nhưng từ ngàn xưa, người dân vạn chài, quanh năm sống bấp bênh trên chiếc đò con, kiếm ăn từng bữa, không nhà cửa, không “điện, đường, trường, trạm”. Dân số hàng năm tăng ba bốn phần trăm năm. Nhà nào cũng bảy tám đứa con lít nhít, nheo nhóc. Trẻ con đa phần sinh ra không có giấy khai sinh, không đi học. Họ chỉ luẩn quẩn kiếm ăn từng bữa bằng các nghề đánh bắt cá tôm thô sơ cha truyền con nối như nò, sáo, te, quệu, nơm, dũi, câu, quăng chài.v.v... Gần đây thêm các nghề hủy duyệt tôm cá như đánh cá bằng chất nổ, bằng xung điện. Mỗi ngày họ chỉ kiếm được một vài chục nghìn, không đủ gạo để nuôi gia đình đông đúc bảy tám miệng ăn. Đời người đã khổ lại không an toàn. Một con bão lũ là người chết, đò bị cuốn trôi, sóng đánh tan hoang. Có tới 300.000 dân, tức là 33% dân số tỉnh sống trong vùng đầm phá này. Nên ổn định cuộc sống cho họ là một cuộc cách mạng lớn, nói chi đến việc giúp họ làm giàu! Cơn bão sexil đổ bộ vô Huế 1985 đã gây nên cảnh tượng thảm khốc đối với các vạn đò trên đầm phá. Hàng ngàn con đò bị cuốn ra biển, trên ba trăm người không tìm thấy xác!
Trước tình hình đó, tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã có chủ trương kiên quyết lập các khu định cư dân vạn đò trên đất liền. Định cư thì dễ, nhưng duy trì cuộc sống cho dân mới khó. Liệu Nhà nước nuôi họ mãi được không? Một câu hỏi được đặt ra: Làm sao vừa định cư, vừa tổ chức cho bà con sống với nghề của mình?. Câu hỏi ấy luôn ám ảnh kỹ sư thủy sản Phan Thế Phương. Với cương vị Giám đốc Sở Thủy sản, anh cảm thấy đây là trách nhiệm lớn của mình. Thế là những ý tưởng táo bạo ra đời: Phải lập khu định cư và tổ chức nuôi trồng thủy sản xuất khẩu! Ý kiến anh được lãnh đạo tỉnh ủng hộ. Nhưng từ nghị quyết trên giấy đến thực tế khoảng cách rất xa! Đó là những công trình lớn, đổi đời cuộc sống bà con đầm phá! Nhưng phải bắt đầu từ đâu?.
Sau cơn bão 1985, nhiều lần anh Phan Thế Phương một mình từ Huế đi “đò chợ” “lẻn” cơ quan về vùng Quảng Ngạn, Quảng Công bên kia Phá Tam Giang để tìm hiểu, nghiên cứu cách thức định cư cho bà con. Ông đã bàn với lãnh đạo xã Quảng Công thành lập một khu định cư dân vạn chài. Thế là Thôn 14 ra đời với 36 hộ dân đò phiêu dạt vì bị bão được vận động về lập thôn. Anh Nguyễn Văn Bỉnh, Chủ tịch xã Quảng Công nhớ lại: "Lúc đó tôi đi bộ đội mới về, làm phó chủ tịch xã, nghe bác Phương nói chuyện định cư thích lắm. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ cái lợi là dễ quản lý hộ dân hơn, vì họ hay lang thang trên đò, không nghĩ được như bác Phương là “phải thay đổi cuộc sống dân vạn chài, làm cho họ giàu hơn!". Anh Phương đã đứng hàng giờ trước Phá Tam Giang để tìm lời giải cho bài toán. Thế là chuyện đào hồ nuôi tôm bắt đầu từ đó. Ông Phạm Hóa, một chủ nuôi tôm giỏi ở Thôn 14, nơi ông Phương về Quảng Công, thường ở trọ trong nhà, có lần nước mắt giàn dụa, kể với nhà báo: "Bác Phương về nhiều lần. Về là cởi quần dài lội ra phá. Bác thuyết phục tôi hàng đêm về chuyện đào hồ nuôi tôm. Nghe bác Phương nói, tôi thấy lợi, thế là theo! Không ai thương dân như bác Phương...”. Từ đó 36 hộ đầm phá cùng về định cư trên bãi đất hoang cuối xã Quảng Công, cạnh quốc lộ 49, bên Phá Tam Giang với cái tên làng mới: thôn 14. Họ đào ao nuôi tôm. Lúc đầu, ba hộ đều là anh em họ Phạm là Phạm Hóa, Phạm Việt, Phạm Dũng chỉ đào được 3 hồ (0,5 ha), anh Phương hướng dẫn vào Đà Nẵng, Nha Trang mua giống tôm, thức ăn. Anh Phương vận động ngân hàng cho họ vay vốn. Lúc đầu vì sợ thất bại nên chỉ dám thả tôm giống 3- 4 con/ 1m2. Nhưng kết quả thật phấn chấn. Tôm nuôi rất mau lớn và bán được giá. Thế là năm 1988, Thôn 14 phát triển hồ tôm lên 2 ha, cũng đều của anh em họ Phạm. Đến năm 1989, cả xã Quảng Công đã có 20 ha hồ nuôi tôm, chủ yếu cũng ở thôn 14. Lúc này tôm giống thả rất thưa, chủ yếu là tôm đất, tôm rảo, nhưng năng suất cũng đạt 200- 300 kg/ ha. Mừng lắm, mơ cũng không thấy! Chưa bao giờ người dân đầm phá lại một lúc có trong tay được vài tạ tôm sú, giá hơn chục triệu đồng!. Những ngày đó kỹ sư Phan Thế Phương bám sát thôn 14. Ở Huế, thứ bảy hay ngày ít việc, anh đều ra bến sông Đông Ba, đi đò chợ gần hai tiếng đồng hồ, về bến đò Cồn Gai (Quảng Công), rồi đi bộ đến thôn 14. Vừa đến nơi là ông cởi quần dài, mặc quần lót, may ô lội ra hồ tôm kiểm tra vệ sinh, thức ăn. Một người chủ đò xưa viết “ông Phương” vì ông nhiều lần đi, kể: ”Lúc ngồi trên đò, ông luôn nghê nga bài hát “Đàn chim Việt “ của Văn Cao: Từng đôi tung cánh trắng, ríu rít ca u ù u ú..Cành đào hoen nắng chan hòa. Chim kêu thương nhớ, chim ca vang u ù u ú. Hồn còn ngây ngất về xuân... Nhìn vẻ tuơi tỉnh phấn chấn của ông, không ai biết ông đang theo đuổi một công việc đầy khó khăn và to lớn như thế!”
Năm 1989, sau “thắng lợi bước đầu” ở Thôn 14, anh Phan Thế Phương tổ chức “Hội nghị nuôi tôm đầu bờ" ở ngay thôn 14, Quảng Công. Có tới 150 đại biểu vượt phá về tận ruộng tôm để bàn việc phát triển nghề nuôi tôm. Trong số đó có 100 đại biểu là những ngư dân các xã ở Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền về dự để học tập. Còn lại là các kỹ sư, tiến sĩ chuyên ngành. Do trước đây, anh Phương từng là Phó chủ nhiệm Khoa thủy sản Trường Đại học Nông Nghiệp I, rồi Trưởng Phòng Giáo vụ Trường Đại học Thủy sản, rồi Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thủy Sản Hải Phòng, nên ông đích thân đi mời bạn bè, đồng nghiệp là các giáo sư, tiến sĩ giỏi, tâm huyết ở Trường Đại học Thủy Sản ở Hải Phòng, Nha Trang đến Quảng Công giúp sức. Người dân Quảng Công gọi đó là một “ Hội nghị “Diên hồng” kinh tế đầm phá”. Họp hội nghị mà ai cũng toát mồ hôi, vì suy nghĩ và nắng gió, mãi tối mới vượt phá về Huế ăn cơm!
Từ sau Hội nghị đầu bờ Thôn 14, Quảng Công ấy, anh Phan Thế Phương đã triển khai việc nuôi trồng thủy sản trên quy mô lớn toàn tỉnh. Nuôi rau câu, nuôi cua ở Thuận An, Tân Mỹ. Nuôi tôm sú ở các xã ven phá của Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền rầm rộ phát triển. Rồi sau này bà con nuôi thêm nhiều loại như cá mú lồng, nuôi vẹm xanh, hàu.v.v. Cho đến cuối năm nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đã lên 3.845 ha. Năm 2002, nghề nuôi tôm thu 2.551 tấn, góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 24 triệu USD, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năng suất tôm của tỉnh từ 189kg/ ha (1998) lên 1.605 kg/ha (2001). Đến nay 100% xã đầm phá có điện, 38% số hộ có hệ thống nước sạch. Có 2008 hộ dân đầm phá được định cư. Riêng xã Quảng Công, nơi ông Phan Thế Phương lăn lộn chỉ đạo trong bốn năm năm trời, hiện đã có 109 ha nuôi tôm, năm 2002 thu được gần 90 tấn, tăng hơn năm ngoái 11 tấn, giá trị 7,5 tỷ đồng. Năm 2001 đã có thêm 5 hồ nuôi tôm trên cát (2 ha) của ông Lê Quốc, Hồ Cây. Có 2 trại nuôi tôm giống, của ông Phạm Việt, Phạm Dũng. Đó là kết quả chưa từng có!. Trong đó xã Quảng Công có 5 hộ (Trần Thắng, Nguyễn Bá Di, Phạm Dũng, Võ Hào, Lê Quốc) được chọn là hộ nông dân sản xuất giỏi. Hầu hết họ ở thôn 14. Giàu nhất là hai anh em Phạm Việt và Phạm Dũng, mỗi năm lãi ròng từ con tôm cả trăm triệu đồng. Họ ông Phạm Việt ở thôn 14 có 5 hồ tôm, 1 trại tôm giống, thuê 3 lao động, trả lương mỗi người 500 ngàn đồng/ tháng. Không chỉ ông Phạm Việt, trong Hội nghị nông dân giỏi của tỉnh tuần trước, đã tôn vinh 150 hộ nuôi tôm cua, cá thu nhập cao nhất 400 triệu đồng/năm. Từ hai bàn tay trắng, sống lênh đênh trên sông nước nay đây mai đó, kiếm ăn bữa có bữa không, nhờ công ơn anh Phương, họ đã trở thành những ông chủ giàu có! Ở Thôn 14 bây giờ đã thành 46 hộ, ở thành cụm như phố, sầm uất, xanh tươi. Ở đây toàn là hộ khá giả, mỗi năm ai cũng thu lãi tôm từ 20- 30 triệu đồng. Nhiều ngôi nhà khang trang hai ba tầng, tiện nghi không thua gì nhà giàu ở Huế. Từ chỗ thất học, xã Quảng Công mấy năm nay, mỗi năm có 7 - 8 em đậu vào các trường cao đẳng đại học. Xã đã xây dựng Trường tiểu học 2 tầng 500 triệu. Xã đang đề nghị mở phân hiệu cấp 2, 3 tại xã để cho con em có điều kiện đi học, vì hiện nay các em phải qua tận Điền Hải học, xa quá. Ở Quảng Công ai cũng bảo: “Cứ làm theo cách ông Phương, lập làng định cư, nuôi trồng thủy sản, thì vừa giàu có, vừa văn minh thôn xóm!”
NGƯỜI ANH HÙNG TRONG LÒNG DÂN
Tháng 7- 2001, tỉnh Thừa Thiên Huế có tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị phong Danh hiệu anh hùng lao động cho anh Phan Thế Phương. Đến nay đề nghị trên đang “chờ được phê duyệt”. Nhưng đã từ lâu rồi, Phan Thế Phương đã là Người Cộng sản Anh hùng trong lòng dân đầm phá! Người dân kể rất nhiều giai thoại về anh. Anh Ngô Văn Ngoãn, một cán bộ hưu trí kể: ”vợ chồng ông Phan Thế Phương là trí thức, vợ là chị Lê Thị Vinh, tiến sĩ hóa, dạy Đại học sư phạm Huế, ông là Giám đốc sở, nhưng sống rất bình dân. Buổi sáng chị đi dạy học sớm, anh ở nhà tự nấu cơm rồi ăn với nước mắm, cũng chén hết hai bát!”. Anh Nguyễn Văn Bế, bí thư xã Quảng Công năm 1988 kể: “Anh Phương về đây như về nhà. Thường không hẹn trước. Cứ rảnh là anh về, ăn cơm với mắm, nói chuyện con tôm suốt buổi. Còn anh em tôi mỗi lần đi Huế đều về nhà anh Phương nấu cơm ăn với anh, anh chẳng quan cách gì!”. Ngày 6- 10- 1991, trên đường vào Nam Bộ nghiên cứu chuẩn bị con giống cho vụ nuôi trồng thủy sản năm 1992 trở ra, vì bức xúc phải đi nhanh để đón người kỹ sư ở Nha Trang ra giúp cho tôm giống đẻ, anh đã bị tai nạn ô tô hy sinh tại tỉnh Bình Thuận. Đám tang anh là đám tang đông chưa từng có ở Huế sau ngày giải phóng. Đưa tiễn anh, không chỉ có đầy đủ các quan chức ba tỉnh Bình- Trị- Thiên, các cơ quan, gia đình, bạn bè ở Huế. Mà đông đảo hơn là hàng ngàn ngư dân từ khắp các ruộng tôm trên toàn tỉnh kéo về. Tất cả bà con gào khóc nức nở, thương tiếc người cán bộ đã lăn lộn dạy cho họ nghề nuôi tôm, cá, tạo công việc làm và cuộc sống ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình dân đầm phá. Không có lời ca ngợi nào hơn hình ảnh ấy!
Sau đám tang, 3 anh em ruột Phạm Hóa, Phạm Việt, Phạm Dũng và bà con thôn 14, bà con vùng cát Quảng Công, Quảng Ngạn, nhờ con tôm mà phát đạt, giàu có, thay mặt cho 20 vạn người dân làm nghề nuôi trên trên Phá Tam Giang, lập miếu thờ, tôn vinh anh Phan Thế Phương là “Ông tổ nghề nuôi tôm” của Phá Tam Giang. Miếu thờ được người dân trong vùng hương khói thường xuyên. Đây cũng là địa chỉ linh thiêng để bà con nuôi tôm trong tỉnh đến thăm và bái tạ mỗi khi làm ăn thành công. Còn vào các ngày rằm hay cuối tháng, ngày giỗ anh, ngư dân Quảng Công lại nhang đèn, áo giấy, hoa quả ra miếu cúng anh. Tiến sĩ Vinh, vợ anh Phương, dù đã chuyển vào dạy Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh từ trước, rồi về hưu, năm nào nào đến ngày giỗ chồng, cũng vượt ngàn cây số, vượt Phá Tam Giang về Quảng Công cùng thăm bà con cô bác Làng 14. Chị phóng một tấm ảnh của anh thật to, thật đẹp tặng dân làng để thờ trong miếu. Tấm ảnh đó người Quảng Công đã nhân thành nhiều bản để lập bàn thờ tại các hồ tôm, trại giống của mình. Mới đây, một đoàn ngư dân nuôi tôm huyện Phú Vang về Quảng Công tham quan đã đến thắp nhang vái “Ông tổ nuôi tôm” của mình. Rồi họ đã xin thôn 14 rước một tấm ảnh sao của “Ông tổ nghề” về để thờ tại ở các trại tôm của mình!
Anh Phan Thế Phương ơi, anh đang đồng hành mỗi ngày cùng người dân nuôi tôm trên con đường phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài vùng đầm Phá Tam Giang. Anh đang từng đêm ngày chia sẻ nỗi lo lắng, khó khăn vất vả khi tôm đẻ, tôm bị bệnh, khi bão lũ, cũng như lúc mùa tôm bội thu giàu có, hạnh phúc của họ, những điều mà khi sống anh hằng trăn trở, ước mơ!
Quảng Công- Huế, cuối tháng 10-2002

M.T

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bahnar (09/09/2008)
Thăm chồng (09/09/2008)