Tạp chí Sông Hương - Số 166 (tháng 12)
Đọc “Văn chương tài năng và phong cách” của giáo sư Hà Minh Đức
16:53 | 09/09/2008
HOÀNG SĨ NGUYÊN Hồi học Đại học, tôi và mấy đứa bạn phải đi bộ năm, sáu cây số vòng quanh các hiệu sách thành phố để tìm mua cho được cuốn "Thơ và mấy vần đề trong thơ Việt nam hiện đại" (Hà Minh Đức, NXB KHXH, 1994).

Chúng tôi mến kính tiếng giáo sư Hà Minh Đức qua hàng loạt công trình nghiên cứu của ông. Mãi đến tháng chạp năm Kỷ Tỵ (2001), trong căn phòng làm việc ấm cúng của giáo sư Trương Đăng Dung ở Viện Văn học, tôi mới vinh dự nhận được cái bắt tay nồng ấm của giáo sư Hà Minh Đức. Qua luận bàn chuyện học hành tôi càng hiểu thêm thái độ nghiêm túc của giáo sư với công việc nghiên cứu văn học.
Đầu năm 2002, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội xuất bản cuốn "Văn chương tài năng và phong cách" (Hà Minh Đức). Cuốn sách dày 571 trang, tập hợp 33 bài viết nghiên cứu về lý luận và lịch sử văn học Việt Nam, một bài về thơ Wislawa Szymborska (giải Nôben Văn học 1996). Có thể tạm chia 34 bài viết trong công trình này thành hai phần: 11 bài đầu "mang ý nghĩa tổng kết về sự phát triển của văn hoá văn nghệ Việt Nam trong thế kỷ XX", 23 bài sau chủ yếu "nghiên cứu về tác giả, tác phẩm" (theo lời giới thiệu, trang 5). Chúng tôi xin mạo muội được điểm qua công trình nghiên cứu này.
Phần thứ nhất được mở đầu với bài viết "Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá văn nghệ". Với cái nhìn bao quát cả sự nghiệp lãnh đạo và thực tế sáng tác của Chủ tich Hồ Chí Minh, giáo sư đề cập đến các quan điểm, mối quan hệ giữa quan điểm và sáng tác.Ở đó là mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, không hề gượng ép, non lép. Các luận điểm nêu ra đều được lý giải, chứng minh bằng những luận chứng khoa học, có đối chứng với yêu cầu đúng đắn của văn hoá, văn nghệ nước nhà trong từng chặng đường cách mạng, có ý kiến nghiên cứu của các nhà văn hoá văn nghệ uy tín trên thế giới và trong nước
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá văn nghệ, có tác dụng làm rõ và được bổ sung hơn trong cái nhìn toàn cục với "Đường lối văn nghệ của Đảng và những thành tựu của nền văn học cách mạng". Sau thời kỳ đổi mới, có nhiều ý kiến muốn phủ nhận sạch trơn thành tựu của nền văn học cách mạng. Nhất là những năm gần đây, khi thuyết "vô thức" của Freud thịnh hành, với những tìm tòi mới lạ gần với trường phái ấn tượng trong hội họa của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực cực đoan thì sự "coi thường" văn học cách mạng, đặc biệt văn học thời kỳ 1975-1985 càng rõ ở một số cách nhìn sai lệch. Việc rung tiếng chuông cảnh báo và xác lập một cách nhìn khách quan, khoa học với đường lối văn nghệ của Đảng và những thành tựu văn học cách mạng như vậy là rất cần thiết. Không loại trừ "nghệ thuật vị nghệ thuật" nhưng trước hết nghệ thuật phải "vị nhân sinh" cái đã. Khi mà máu của đồng bào đang đổ trên chiến trường, quả tim nhói đau vì "Những cánh đồng quê chảy máu" (Nguyễn Đình Thi), đầu óc căng thẳng vì lo hàn gắn vết thương chiến tranh, giữ vững thành quả cách mạng, tấm lòng quặn đau vì trẻ thơ thiếu sữa, cụ già thiếu cơm thì làm sao lại không đòi hỏi văn nghệ có "chất thép" được, và văn nghệ cũng không thể không tự nguyện khoác áo sử thi trong tiếng còi xung trận. Nhận xét của giáo sư Hà Minh Đức: "Trên nửa thế kỷ phát triển của văn học cách mạng, thành tựu đạt được thật to lớn" là một quan điểm đánh giá khách quan, tỉnh táo và khoa học.
Cũng với trường nhìn có ý nghĩa tổng kết và đánh giá đó, giáo sư Hà Minh Đức đã lý giải, chứng minh "Bản sắc dân tộc sâu đậm của nền văn hoá và văn học Việt Nam", "Một nền văn nghệ giàu giá trị nhân bản và đậm đà tính dân tộc", "Thế kỷ XX với sự phát triển và giao lưu văn hoá ". Nguyễn Trãi ngày trước đã từng khẳng định:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Đó là chân lý hiển nhiên, vậy mà vẫn không ít kẻ muốn bác bỏ. Kiến thức uyên thâm và cách trình bày mạch lạc, khúc chiết của giáo sư Hà Minh Đức ở hai bài viết này cũng chính là một tài năng phong cách văn hoá của người Việt Nam trong việc biết nhìn mình, nhìn người để rõ hơn mình, khẳng định mình. Không phải đao to búa lớn tranh cãi áp đặt mà là nêu vấn đề, lý giải, chứng minh bản sắc riêng trong tất cả các lĩnh vực bằng lớp trầm tích văn hoá vật chất và phi vật chất quen thuộc, thiêng liêng, trìu mến ai cũng có thể biết được. Đặc biệt đi sâu vào văn học "yếu tố trội trong văn hoá Việt Nam" (trang 73), bài viết là những công trình chạm khắc tương xứng với "Bàn tay vàng trong những công trình nghệ thuật" (trang 141) của dân tộc. Cùng với bài viết về "Thơ Wislawa Szymborska" "Giáo sư N.I. Niculin nhà nghiên cứu uyên bác, người bạn thân thiết của giới nghiên cứu văn học Việt Nam", giáo sư Hà Minh Đức đã làm rõ luận điểm: Văn hoá văn nghệ Việt Nam đi đúng quỹ đạo và giao lưu, "Khi hai nền văn hoá gặp gỡ đối thoại nhau, chúng không hoà trộn mà cũng không lẫn lộn vào nhau, mỗi bên bảo vệ sự thống nhất và sự nguyên vẹn để ngỏ của mình, nhưng cả hai có thể làm giàu thêm cho nhau" (Bakhtin). Giáo sư Hà Minh Đức đã ghi nhận những chuyển động lớn của văn hoá văn nghệ thế kỷ qua trong sự kết hợp tổng kết một cách thấu đáo các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu hàng đầu.
Hai bài viết "Văn học - một hoạt động sáng tạo cần thường xuyên được bình luận, đánh giá" "Nghĩ về tác phẩm đỉnh cao trong văn học" là những bài viết mang tính lý luận sắc sảo. Cái nhìn của nhà lý luận tài năng và nghiêm túc đã đặt ra những định hướng đầy tâm huyết: "Tác phẩm văn chương phải được đánh giá, bình luận" (trang 167), "Mọi cuộc trao đổi tranh luận phải có kết luận, phải có tổng kết đúng sai". Mỗi thời, văn chương đều có những kiệt tác. Kiệt tác đó có được khi mà “Tài năng phải đi đôi với tâm huyết. Tâm huyết là tấm lòng gắn bó sâu sắc với nhân dân đất nước và nghề nghiệp" (trang 161). Đó cũng chính là thông điệp gửi đến các nhà văn văn trong sự tin tưởng" Chúng ta có quyền tin vào tương lai, tin vào tài năng của các nhà văn Việt . Chúng ta chờ đợi những tác phẩm đỉnh cao..." (trang165).
Trong tâm thế tin tưởng và chờ đợi những giá trị văn chương đích thực đó, giáo sư Hà Minh Đức luận bàn "Giá trị nhất thời và lâu dài của thông tin báo chí và văn học". Không thống nhất với các ý kiến cho rằng báo chí chỉ có giá trị nhất thời, giáo sư khẳng định: "Khi cuộc đời không tự lập lại, sự kiện không nảy sinh hai lần thì tác phẩm nào miêu tả được chân thực nhất, sinh động nhất cái thời điểm thiên tải nhất thì và hiện tượng có một không hai sẽ trở thành bất tử" (trang 115). Đó là yêu cầu đặt ra cho người cầm bút trên tất cả các lĩnh vực, "về phía người cầm bút cũng cần phải xác định là muốn có được những tác phẩm báo chí có giá trị phải có một cách sống chủ động, nhập vào thời cuộc và có mặt ở những nơi thử thách của đời sống. (...) nhà báo không thể là người đứng ngoài cuộc hoặc ở bên lề của những sự kiện. Phải chứng kiến, hoà nhập với tất cả ý thức và tâm huyết của mình" (trang126, 127).
Bài viết "Truyện ngắn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX" và " Sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam sau cách mạng tháng Tám 1945" là những công trình tổng quan kết tụ sự nghiên cứu và am hiểu sâu sắc một thể loại quan trọng của văn học Việt Nam trong suốt một thế kỷ cách tân, định hình và phát triển. Qua các bài viết, người đọc sẽ thấy được khái quát đặc điểm nổi bật của truyện ngắn từng thời kỳ, yêu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng đối với truyện ngắn ở từng giai đoạn, ghi nhận sức sáng tạo của nhiều tài năng văn học.
Mục đích của giáo sư Hà Minh Đức trong phần nghiên cứu tác giả, tác phẩm là "Nhằm bảo vệ những giá trị đúng đắn của tác phẩm văn chương, điều chỉnh và phê phán những nhận định chưa chính xác" (lời giới thiệu). Đây quả là một công việc khó, nếu không có tâm lớn, tài cao thì các bài viết dễ sa vào thuyết lý câu chữ, ít có giá trị thuyết phục.
Đọc "Bản sắc riêng độc đáo và giá trị lớn lao của Nhật ký trong tu" người đọc càng có dịp hiểu sâu hơn con người và sự nghiệp văn chương của Hồ Chí Minh. Với cái nhìn "xương sống" của văn học là vấn đề thể loại (theo Bakhtin), yếu tố trung tâm của thơ trữ tình là nhân vật trữ tình, tác giả đã có công đào bới sâu những điều mình biết để đưa ra những luận cứ xác đáng nhằm "phê phán dứt điểm" một tiếng nói lạc lõng bên ngoài.
Hai mươi mốt bài viết về tác giả và tác phẩm trong cuốn là 21 công trình nghiên cứu tác giả tác phẩm có ý nghĩa thẩm định và ghi nhận những thành công của các tác phẩm văn chương có dấu ấn. Ở các bài viết này giáo sư Hà Minh Đức vận dụng đầy đủ và linh hoạt các phương pháp nghiên cứu: từ phương pháp nghiên cứu tiểu sử, nghiên cứu cảm hứng chủ đạo, tìm cảm hứng chủ đạo qua hệ thống hình tượng nghệ thuật, phân tích ngôn từ, đến phương pháp nghiên cứu phong cách, thi pháp. Cái nhìn đa diện, tổng hợp như thế sẽ tránh được sự nhất phiến, thiên lệch, nên các bài viết đều chứa đựng lượng thông tin lớn, các ý kiến đưa ra có cơ sở nền tảng vững chắc. Ví dụ trong "Lời giới thiệu toàn tập Nam Cao", giáo sư đưa ra nhận định đánh giá có tính tổng kết toàn diện mà cô đọng, đúng ngang tầm với cuộc đời và văn nghiệp của Nam Cao: "Nam Cao là một chứng nhân cho nỗi thống khổ của thời đại, là một tấm lòng nhân hậu ở giữa những tấm lòng, là lương tri tỉnh táo giữa cuộc đời lẫn lộn trắng đen. Tác phẩm của Nam Cao đã đặt được nhiều vấn đề sâu sắc, quy tụ được nhiều giá trị của thời đại, khai thác được nhiều tư liệu của thế kỷ văn minh và man dại, nhân hậu và tàn nhẫn, nhiều công lao và cũng nhiều lầm lẫn" (trang 241). Trong lời giới thiệu tập thơ "Ta với ta" của Tố Hữu, giáo sư Hà Minh Đức đúc kết nội dung tư tưởng và cảm hứng chủ đạo của cả tập thơ qua những luận điểm tinh tế, ngắn gọn mà thâu tóm được cái "thần" của tập thơ: "Ta với ta” là tập thơ có nhiều niềm vui, "Ta với ta” là tập thơ mang nặng tình đời, tình cảm với đất nước, nhân dân, bạn bè, "Ta với ta cũng là tập thơ mang nhiều kỷ niệm thời gian của cá nhân".
Hai bài viết về Nguyễn Đình Thi đã khắc họa chân thực gương mặt nhà văn toàn năng ở nhiều thể loại văn học nghệ thuật, "đã có những đóng góp quan trọng cho nền văn học mới. Thành công của ông là phần thưởng tinh thần quý giá cho tài năng và nỗ lực riêng của tác giả, là chứng tích cho thành công của nền văn học mới quy tụ ở từng tác giả và tác phẩm" (trang 303). Những bài viết này cũng chính là những phần thưởng xứng đáng ghi nhận thành quả lao động nghệ thuật miệt mài, vất vả của các nhà văn.
"Cần đánh giá lại giá trị của "Mười năm" và "Đống rác cũ" là một việc làm cần thiết của những người có lương tâm, trách nhiệm trong hoạt động phê bình, nghiên cứu văn học. Thời gian đã đủ độ lùi cho cái nhìn tỉnh táo với các tác phẩm như vậy. Nếu không có các bài viết như thế, chúng ta dễ bàng quan với các tác phẩm có giá trị mà một thời vì lý do nào đó có cái nhìn chưa đúng. Sai không chịu sửa hoặc không có người minh công đứng ra sửa sẽ vô tình đánh mất đi bao tài sản văn chương có giá trị. Công, tội phải được phán xét rõ ràng. Cái được, cái chưa được phải xác lập để những thế hệ kế tiếp biết được cái cần tiếp thu, giữ gìn, cái cần loại bỏ - đó là tiếng nói công tâm và trách nhiệm mà giáo sư Hà Minh Đức gửi đến cho chúng ta trong các bài viết về "Phong trào thơ mới - Một nguồn mạch phong phú của thơ ca dân tộc trong thời kỳ hiện đại" (trang 446), "Hội thảo về văn chương Tự lực văn đoàn" (trang 467), "Những cuộc tranh luận tư tưởng và nghệ thuật một thời qua (1990 - 1945) (trang 538)...
Phê bình văn học là hoạt động đồng sáng tạo. Và cao hơn nữa là giới thiệu, quảng bá, định hướng, thẩm định lưu giữ những giá trị văn chương đích thực. Cũng đã có nhiều cuốn sách phê bình gây ồn ào tranh cãi mà giá trị của nó cũng chỉ dừng lại ở chỗ tranh cãi. Lối phê bình có đầu không đuôi kiểu đó rất dễ phương hại đến văn chương, bởi nó dễ tạo cảm giác đánh lẫn, nhoè mờ chữ nghĩa mà trong phê bình không chấp nhận. "Văn chương tài năng và phong cách" của giáo sư Hà Minh Đức có thể được xem là một công trình mẫu mực. Đó là điểm nhìn của con mắt tinh đời, cái tài thấu suốt, cái tâm nhạy cảm, tấm lòng trách nhiệm và bộ óc uyên bác, có bề dày kiến thức, có kinh nghiệm phóng chiếu được những chiều cao thẩm thấu và đánh giá công minh, khoa học văn chương. Đó là cuốn tiểu luận cần thiết. Chúng ta mong chờ có nhiều công trình như thế nữa.
H.S.N

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bahnar (09/09/2008)