Tạp chí Sông Hương - Số 166 (tháng 12)
Năm 2002, đọc lại bài thơ "Chống tham ô lãng phí" Phùng Quán viết năm 1956
17:11 | 09/09/2008
NGUYỄN BÙI VỢI"Chống tham ô lãng phí" là một bài thơ về đề tài chính trị xã hội, một vấn đề bức xúc của cuộc sống. Nó được viết ra năm 1956 khi miền Bắc sau chín năm kháng chiến chống Pháp gian khổ đang hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang, phục hoá, tìm công ăn việc làm...

Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 chưa ráo mực thì bên kia giới tuyến tạm thời những lực lượng phản động chính trị đã âm mưu chia cắt vĩnh viễn đất nước, hô hào "Bắc tiến", lấp sông Bến Hải. Năm ấy, Đảng lại phát hiện ra những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức cần phải sửa sai...
Khó khăn trăm bề như thế, nhưng những cán bộ thoái hoá mất phẩm chất, vô trách nhiệm vẫn quan liêu, tham ô, lãng phí tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.
Sau chín năm chiến tranh, nhiều người mệt mỏi, muốn "an phận thủ thường" hoặc muốn an nhàn hưởng thụ nhưng Phùng Quán thì không. Tiếp xúc với cuộc sống bề bộn, khó khăn trăm bề của đất nước sau chiến tranh, nhìn thấy đời sống nhọc nhằn của nhân dân lao động, không chịu được thói quan liêu, tham ô, lãng phí của một số cán bộ nhà nước thoái hoá, Phùng Quán thấy thơ không chỉ có nhiệm vụ ngợi ca, cổ vũ mà quan trọng hơn là phát hiện và chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác. Là người lính đã đổ máu ở chiến trường, trong xây dựng hoà bình, anh sẵn sàng đổ máu. Anh viết bài thơ "Chống tham ô lãng phí" một cách quyết liệt. Anh viết theo mệnh lệnh của trái tim và tin như Mai-a-kốpsky: "Trái tim tôi thuộc về Đảng".
Là một nhà văn có tài, anh rất giỏi khai thác đời sống và tìm được những chi tiết rất đắt, rất động lòng:
Tôi đã gặp
Những bà mẹ quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng
Bới đồn giặc trồng ngô, trỉa lúa
Có những nơi:
Hai mùa rồi lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ
Và thương sao "Những em thơ còm cõi/ lên năm lên sáu tuổi đầu/ cơm thòm thèm độn cám và rau/ Mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết/ để được ăn no có thịt..."
Nông thôn thì thế, ở thành phố thì 'Những đêm mưa lất phất/ Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm/ Chị em công nhân đổ thùng/ Run lẩy bẩy chui hầm xí tối/ Vác những thùng phân/ Thuê một vạn một thùng/ Mấy ai dám vác/ Các chị suốt đêm quần quật/ sáng ngày vừa đủ nuôi con..."
Cách nhìn hiện thực đời sống một cách trần trụi như thế đã làm nổi đoá nhiều người. Họ thích cái thứ văn chương tô vẽ, đèm đẹp mà Xuân Diệu cho là "nước đường pha loãng". Có nói đến khó khăn, gian khổ thì cũng chỉ tí ti khó khăn, tí ti gian khổ, còn thuận lợi là chính, tốt đẹp là chính. Lối viết ấy người ta gọi là "tô hồng", còn viết như Phùng Quán thì bị chụp mũ là "bôi đen ", là phủ nhận thành quả của cách mạng.
Cùng lứa viết với Phùng Quán, năm 1956 tôi đọc bài thơ "Chống tham ô lãng phí " một cách thích thú và khâm phục. Tôi kính trọng sự dấn thân của anh như sau này (1982) khi đã phục hồi hội tịch Hội Nhà văn, anh đã viết:
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt
                        (Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe)
Những năm ấy thơ phản ánh kịp thời các vụ việc: khai hoang, làm thuỷ lợi, làm bèo dâu, đắp đê chống lụt, vào tổ đổi công, vào hợp tác xã, nuôi lợn tập thể, tín dụng, ngân hàng, sinh đẻ có kế hoạch v..v. và v.v.
Những bài có vần nhạt nhẽo ấy, in xong là quên ngay nhưng được an ủi là loại thơ... có ích! Người ta chỉ cần nhà thơ phản ánh, cổ vũ, động viên, không ai khiến nhà thơ phát hiện!
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của nhân dân lao động
Đang buộc bụng thắt lưng để sống
Để dựng xây kiến thiết, nước nhà
Để yêu thương nuôi nấng chúng ta
Trước sau như một, nhà thơ quan tâm đến đời sống, đến giọt mồ hôi của nhân dân lao động. Những câu thơ không làm duyên làm dáng mà hộc lên từ những nỗi đời, những niềm thương cảm. Phùng quán nói có sách, mách có chứng:
Về Định mà xem
"Đài Xem Lễ" họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng bỏ dở
Mười một triệu đồng giầm mưa giãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu.
Mười một triệu đồng thời ấy, tính ra gạo, so với bây giờ là hơn 1 tỷ đồng, vâng hơn một nghìn triệu! Thì ra cái khái niệm "tiền chùa" xuất hiện trong cơ chế thị trường sau 1986 đã phục kích từ lâu trong xã hội ta.
Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo
Thiếu cơm, thiếu áo
Theo công bố năm 2002 của Unesco thì nước Việt ta sau nhiều năm phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, số người nghèo khổ hiện nay chiếm 32% dân số. Năm ấy ở tuổi ngoài 20, tôi đọc câu thơ tận đáy lòng của Phùng Quán, thấy nổi gai lên và bây giờ thấy Đảng và Nhà nước lo đau đáu việc "Xoá đói giảm nghèo" tôi mới thấy Phùng Quán là... tiên tri!
Đoạn cuối của bài thơ, tác giả như gầm lên gọi:"Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu/...Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo gầy/ Chúng nảy nòi sinh sôi như dòi bọ", gọi "những con chuột mặc áo quần bộ đội/ đục cơm khoét áo chúng ta/ ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ... Có người trách anh nặng lời nhưng tôi cho rằng nói như thế còn là nhẹ với bọn tham nhũng!
Năm 1956, năm Phùng Quán viết bài thơ này, nạn tham ô, lãng phí, quan liêu chưa trầm trọng và phổ biến như bây giờ. Mười ông cán bộ cụ Hồ thì chỉ một, hai người tha hoá, mất phẩm chất.
Còn bây giờ, tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Nó hoành hành ở các ngành các cấp và chúng ta chưa có những biện pháp chống trả hữu hiệu. Hơn lúc nào hết, đồng tiền có sức mạnh tác oai, tác quái, chi phối xã hội, làm sai lệch lẽ phải, rối loạn kỷ cương. Một số cán bộ cao cấp ngoạm những đồng tiền vấy máu của băng đảng xã hội đen Năm Cam, cam tâm làm cái việc bảo kê, hèn mạt cho chúng nó giết người, cướp của, đánh bạc, cho vay nặng lãi, trừ khử lẫn nhau và phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của người nghèo.
Từ 46 năm trước, bài thơ "Chống tham ô lãng phí" đã là lời cảnh báo nghiêm khắc và chính xác của một nhà thơ tài năng và dũng cảm, đáng tiếc là nó đã bị xuyên tạc, bị vô hiệu hoá và tác giả của nó nhận đủ mọi oan khuất, thiệt thòi.
Năm 2002 đọc lại bài thơ "Chống tham ô lãng phí" thấy bài thơ vẫn nóng hổi tính thời sự, tính chiến đấu. Điểm tựa vững chắc của bài thơ là của nhân dân và Đảng.
                                                                                                 N.B.V

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bahnar (09/09/2008)