Tạp chí Sông Hương - Số 166 (tháng 12)
Khuynh hướng cao cả của hồn thơ Phùng Quán
17:17 | 09/09/2008
VĂN TÂMXứ Huế – Thừa Thiên có một vị lão thành cách mạng được nhiều người biết tên tuổi. Đó là cụ Nguyễn Vạn, tức Lê Bốn; tên khai sinh là Phùng Lưu – "thầy Lưu", sinh năm 1916, quê ở làng Thanh Thủy Thượng (nay thuộc xã Thủy Dương), huyện Hương Thủy.
Khuynh hướng cao cả của hồn thơ Phùng Quán

Nguyễn Vạn tham gia cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939), thoát ly gia đình đi hoạt động từ đầu năm 1945; từng vào sinh ra tử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; và từng đảm nhiệm các cương vị công tác: Khu ủy viên Khu ủy Trị Thiên Huế, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kiêm Bí thư Thành ủy Huế; sau giải phóng miền Nam là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên...
Cách đây 2 năm,, nhà cách mạng lão thành này đã cho xuất bản tập hồi ký gần 200 trang: Đời người cách mạng (Nxb Thuận Hóa, Huế – 2000). Trong Phần I tập hồi ký (Vài nét về truyền thống cách mạng của gia đình) có đoạn hồi tưởng chuyện cũ như sau:
“Gia đình tôi là nhà nông nghèo, bố tôi Phùng Kiểm là nhà nho, mẹ tôi Lê Thị Me là bần nông (...) Gia đình bị bần cùng, thường bị thiếu đói. Bố tôi xin đi làm lính hộ lăng của nhà vua ở lăng Minh Mạng, được cấp một mẫu rưỡi ruộng công gọi là ruộng lương điền, ruộng hạng nhất. Mẹ tôi chăm lo làm ruộng rẫy được mùa, đủ nuôi con ăn học. Nhưng được mấy năm thì anh tôi là học sinh trường Quốc Học bị bắt, bị bồi thường học phí (1) rất nặng. Gia đình tôi trở lại bần cùng (...). Anh cả tôi Phùng Văn Nguyện học lớp đệ tam niên nội trú trường Quốc Học, hăng hái tham gia các phong trào truy điệu cụ Phan Chu Trinh, đòi thả cụ Phan Bội Châu, tham gia các cuộc bãi khóa, xuống đường biểu tình chống chế độ thực dân Pháp năm 1926. Sau đó bị bắt giam, bị kết án 2 năm tù treo, và bị bồi thường 3 năm tiền học phí (2) là 360 đồng bạc Đông Dương. Số tiền quá lớn, vì giá thóc hồi đó một tấn chỉ có 25 đồng, bố mẹ tôi phải bán hết gia tài và phải vay thêm mới đủ 360 đồng để nộp cho thực dân Pháp. Thế là gia đình tôi lại lâm vào cảnh nghèo khó. Mẹ tôi quá đau buồn ốm rồi chết (...). Anh tôi bị quản thúc ở xã nhưng vào Sài Gòn đổi tên là Phùng Quý Đông thi đỗ vào ngạch công chức của Pháp được bổ nhiệm làm thông phán sở kho bạc Sài Gòn. Sau mấy năm làm công chức Pháp, anh tôi tưởng là hết hạn tù treo rồi thì không còn gì rắc rối nên xin chuyển về Huế để lập gia đình, không ngờ bị tên cường hào Lý Hòe tố giác (...). Anh tôi xin chuyển vào Hội An để tránh né nhưng vẫn bị mật thám theo dõi phải đi trốn, định chạy sang Lào nhưng đến Đà Nẵng thì bị bắt và bị giam ở nhà lao Đà Nẵng. Sau 2 tháng bị tra tấn thì chết trong lao tù (tôi nhấn mạnh – VT). Năm 1932 khi anh tôi chết, đứa con trai duy nhất của anh chưa biết đi, mới biết bò. Sau này nó chính là Phùng Quán..." (tr.9-12).
Đọc đến đoạn này, có lẽ không ít độc giả ngờ ngợ: "Phùng Quán nào? Phùng Quán nào nhỉ?".
... Thưa đúng đấy! Phùng Quán nói ở đây chính là Phùng Quán Vượt Côn Đảo (1955- Giải Ba Hội Văn Nghệ Việt Nam, 1954-1955), Phùng Quán Chống tham ô lãng phí (1956), Lời mẹ dặn (1957), Phùng Quán Tuổi thơ dữ dội (1987 – Giải A Hội Nhà văn Việt Nam, 1988)...
Sở dĩ không ít độc giả ngờ ngợ như vậy là do mấy chục năm qua cho tới lúc lặng lẽ nhắm mắt xuôi tay vĩnh biệt đời (22-1-1995 – âm lịch: 22 tháng Chạp, năm Giáp Tuất) Phùng Quán hầu như chưa khi nào nhắc tới cái đoạn lý lịch trích ngang "về truyền thống cách mạng của gia đình" như mấy trang hồi ký mà ông chú ruột lão thành cách mạng đã xác định; mặc dù những tình tiết lý lịch ấy hẳn nhiều khi hết sức cần thiết, hữu ích đối với cuộc sống bao cay đắng gian nan của tác giả Vượt Côn Đảo – cay đắng gian nan đến mức hơn một lần, "cánh chim cô đơn" (hình tượng thơ Nguyễn KhắcThạch tặng Phùng Quán) Phùng Quán bị ám ảnh bởi mấy câu thơ thi tứ chua chát xót xa của Etxênhin:
Ở cuộc đời này chết chẳng có gì mới.
Nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn (
3).
(Tôi dịch Etxênhin)
Tôi quen biết Phùng Quán ngót nghét 40 năm, tuy quan hệ không mật thiết lắm – như các nhà thơ Hoàng Cầm, Phùng Cung (tác giả tập thơ Xem đêm, Nxb Văn hóa Thông tin, H.1995; đã mất năm 1997), Lê Huy Quang... đối với chàng, nhưng tất nhiên cũng không ít lần cùng nhau trò chuyện, đàm đạo bao thứ chuyện vui buồn ấm lạnh trên đời; vậy mà chưa lần nào tôi thấy Phùng Quán nhắc đến chuyện ông cụ thân sinh (Phùng Văn Nguyện) thời "tiền chiến", khi là học sinh "Đệ tam niên nội trú" trường Quốc Học Huế đã hăng hái tham gia đấu tranh yêu nước: biểu tình, bãi khoá xuống đường trong các phong trào truy điệu Phan Chu Trinh, đòi ân xá Phan Bội Châu..., bị đuổi học, bị bồi hoàn học bổng (ai cũng rõ: học sinh trình độ xuất sắc mới được cấp học bổng)...; rồi sau đó mấy năm bị thực dân Pháp giam cầm ở nhà lao Đà Nẵng: "Sau 2 tháng bị tra tấn thì chết trong lao tù".
Xem ra thái độ suốt đời "kín tiếng" về thân thế người cha khí tiết liệt sĩ yêu nước ấy đã phần nào bộc lộ nét nhân cách đáng quý của họ Phùng: sự Cao thượng, khác bao kẻ nổi chìm theo thế tục thường dựa dẫm (hơn nữa: tô vẽ hư cấu) mấy dòng "trích ngang" lý lịch gia đình dòng họ... hòng đạt thu hoạch cao trong các dịch vụ danh lợi.
Vừa rồi, hỏi chuyện chị Vũ Bội Trâm (tức bà quả phụ Phùng Quán) giáo viên Văn trường THPT Chu Văn An – Hà Nội (đã nghỉ hưu); thì chị Trâm cũng cho tôi rõ: chung sống với chồng hơn 30 năm (họ đăng ký kết hôn năm 1962), chưa khi nào chồng kể rõ ngọn ngành với vợ chuyện về người cha yêu nước liệt sĩ đã mất trong nhà lao Đà Nẵng, mà chỉ nhắc lại chuyện cũ vắn tắt rằng: bố bị chết trong lao tù "quốc sự phạm" của thực dân Pháp.
Câu nói của nhà thơ Tố Hữu (người không có quan hệ huyết tộc nhưng có quan hệ họ hàng xa với Phùng Quán) khi trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (1998) càng khẳng định thêm nét nhân cách cao thượng đó. Khi nhà thơ xứ Nghệ thắc mắc với Tố Hữu: "Sự phục hồi Hội tịch (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – VT) quá muộn. Sao anh không nói đỡ cho Quán một câu?" thì Tố Hữu trả lời: "Nó không thích như thế, mình cũng không thích như thế", mặc dầu từ lâu ông đã thấy rõ rằng: "Xét cho cùng, không có một sáng tác nào của Phùng Quán lệch lạc về chính trị" – xem Nguyễn Bùi Vợi: Hỏi chuyện nhà thơ Tố Hữu về nhà văn Phùng Quán (Tiền Phong số 27, 10-2-1998).
Kết thúc bài phỏng vấn, Nguyễn Bùi Vợi viết:
"... trên gương mặt của nhà thơ vừa bước sang tuổi 78 một nét buồn phảng phất:
- Cũng tội!.
Tiếng Huế, thế là thương lắm!
Cũng có người cho rằng giờ đây tác giả Từ ấy mới phát biểu thế, thì e rằng "đã muộn" – Tôi nghĩ khác: Vẫn rất quý! "Muộn còn hơn không"!
Trong ứng xử đời thường, Phùng Quán "kín tiếng" về "truyền thống cách mạng của gia đình". Khi cầm bút sáng tác văn chương, nhà thơ vẫn "kín tiếng" như không muốn "hệ lụy" gì ai. Có chăng chỉ một lần, chàng viết một câu ngắn gọn về người cha sớm quá cố thuở chàng còn măng sữa:
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi.
(Lời mẹ dặn – 1957)
"Năm hai tuổi" đó chính là năm 1932, Quán "chưa biết đi, mới biết bò" thì cụ Phùng Văn Nguyện đã mất trong nhà lao Đà Nẵng như hồi ký cụ Nguyễn Vạn (tức Phùng Lưu) đã ghi. Trên nhiều trang viết khác, kể cả những trang có tính tự truyện, bao lần Phùng Quán quay về dĩ vãng xa xưa, nhưng cũng chỉ chấm phá loáng thoáng đại khái: "Tôi có người bạn ở làng quê, bạn từ thời để chỏm; cùng đi chăn trâu cắt cỏ, cùng học a, b, c. .. ở trường làng..." (4)
Thậm chí lúc trả lời phỏng vấn, được gợi ý thuật lại chuyện xưa – như trường hợp nhà văn quân đội Nguyễn Thị Như Trang đề nghị: "... được biết năm nay, tác giả Tuổi thơ dữ dội đã tròn 60 tuổi, nhân dịp này xin anh kể lại đôi điều về mình với bạn bè và độc giả trẻ tuổi cho vui" (Trò chuyện với tác giả Tuổi thơ dữ dội – Thể thao và Văn hóa số 19, 9-5-1992) thì tác giả bộ tiểu thuyết gần nghìn trang nổi tiếng, liên quan đến nhiều giải thưởng văn nghệ này vẫn chỉ ngắn gọn khiêm nhường: "... ngày nhỏ tôi có tên là Bê (...) cha mất sớm"; tuyệt nhiên không nửa lời trình bày tư liệu về người cha tài đức song toàn: học giỏi, khí tiết cao, giàu lòng yêu nước... đã tử nạn trong lao tù "quốc sự phạm" của thực dân Pháp.
Trong thơ Phùng Quán có một vệt bài thi tứ tương tự phần thơ Hoa mộc môn trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi – những bài thơ ca ngợi cỏ cây (Cây vạn niên thanh, Cây xương rồng, Cây dứa, Cây cọ...).
Ngô Minh, một bạn thơ ở Huế (Khi Phùng Quán về thăm Huế thường ăn, nấu ăn, nghỉ ngơi... ở nhà người bạn thơ này) đã cảm nhận chính xác thi tứ về cụm thơ "khẩu khí" ấy như sau: "Phùng Quán ngắm hoa lá cỏ cây theo cách riêng của mình. Anh không ca ngợi vẻ đẹp, màu sắc, hương thơm quyến rũ như trước một giai nhân đơn thuần của cỏ hoa, mà chủ yếu là anh phát hiện và xưng tụng sự hữu ích, sự hy sinh, lòng nghĩa khí của cây cỏ. Với anh, nhiều loại cây cỏ có phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng! Bởi vậy, nhà thơ coi những cây vạn niên thanh, cây xương rồng, cây dứa... là những bậc thầy của mình về bản lĩnh sống nên phải xưng bằng "Anh", "Người"... "Cả một đời tôi chỉ khiếp phục anh!..." (Cỏ hoa Phùng Quán – Tuần báo Văn nghệ số 48, 1-12-2001). Hoàng Phủ Ngọc Tường kể lại một lần chứng kiến "Phùng Quán lạy dưa" rồi kết luận: "Trong văn chương, tôi biết có ba người sống trên đời không biết cúi đầu bao giờ (tôi nhấn mạnh – VT) thế nhưng lại quỳ lạy những vật vô tri. Thứ nhất là Cao Bá Quát lạy hoa mai (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa). Người thứ hai, Phan Bội Châu lạy đá (Bái thạch vi huynh). Và bây giờ đến lượt Phùng Quán lạy dưa hấu" (Quân đội nhân dân số 17, 28-4-1996).
Tôi chú ý hai câu kết thúc bài thơ Hoa cứt lợn trong cụm thơ "cỏ hoa":
Đẹp hết mình vì cộng đồng cây cỏ
Chẳng hệ luỵ gì miếng đỉnh chung.
Từ đáy tâm khảm, người đang viết những dòng này muốn dâng "lại quả" thi nhân hai câu thơ mặc nhiên tự họa chân dung chuẩn xác ấy.
Lúc tồn tại vững vàng thì khiêm cung lùi xuống, những muốn cách ly với tập quán ngã chấp thường tình của thế nhân xa thêm được chừng nào hay chừng ấy, tận dụng mọi công năng thiên phú "vì cộng đồng". Đến khi Quy luật khái quát dóng tiếng chuông thông báo giờ "hóa thân" đã gần kề thì ước mong đạt được bản lĩnh người chiến sĩ nghĩa khí nơi tiền tuyến:
Xương Rồng ơi Xương Rồng
Anh có thật xương rồng?
Ngã xuống rồi hóa thân?...

(Cây xương rồng)
Tác giả Tuổi thơ dữ dội (TTDD) đã "ngã xuống rồi hóa thân" như thế nào?
Gắn bó máu thịt thắm thiết với đất làng quê chôn rau cắt rốn, Phùng Quán từng bày tỏ ý nguyện: khi sắp chết sẽ cố lết về Huế để được lắng nghe tiếng thông reo trên núi Ngự Bình, tiếng sóng vỗ ở phá Tam Giang... Tình quê hương sâu nặng ấy ít nhiều đã thể hiện trong bài Tạ (1985) "đọc mở đầu đêm thơ do Mặt trận Tổ quốc xã Thuỷ Dương quê nội tổ chức mừng đứa con mồ côi cha mẹ, thi sĩ của làng" - Thơ Phùng Quán, tr.90):
(...) Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao!
Con tạ ơn cha
Đã yêu đằm thắm mẹ con
Con tạ ơn mẹ
Đã sinh con đúng lúc
Con tạ Trời
Tạ Đất
Đã mưa thuận gió hòa đêm mẹ lên giường sinh...
Do đó, sau 1975, hằng năm, Phùng Quán thường về thăm quê.
Mùa đông 1994, sau mấy tháng thăm lại cảnh cũ người xưa cố hương, khi trở ra Hà Nội, Phùng Quán hồng hào khỏe mạnh như được "đất làng quê" tiếp viện sinh lực.
Nhưng thương ơi! Kiếp nghiệp oái ăm khôn lường...
Một chiều mùa đông. Phùng Quán kêu mệt, bụng óc ách chán ăn. Mấy hôm sau, bác sĩ Huyền Trân (em dâu chị Vũ Bội Trâm) tình cờ đến chơi, xem xét sơ bộ sức khỏe cho Phùng Quán, khuyên nên đến bệnh viện kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Nhân Phùng Cung, tuy không có quan hệ huyết tộc nhưng thân thiết còn hơn ruột thịt cũng đang muốn kiểm tra huyết áp, đôi bạn chí thân cùng đến bệnh viện St. Paul (5). Phùng Quán được bác sĩ thông báo: có thể đã bị "xơ gan cổ trướng". Mấy hôm sau, xét nghiệm của bệnh viện Bạch Mai xác định thêm: buồng gan của Phùng Quán đã lâm nguy, đúng là "xơ gan cổ trướng". Lời định bệnh như sự tuyên án của định mệnh ("phong, lao, cổ, lại; tứ chứng nan y..."). Phùng Quán phát biểu với một bạn sống ở nước ngoài: dù sao cũng chết theo tư thế người lính.
Và rồi họ Phùng "ngôn hành hợp nhất".
Càng giống một chiến sĩ nghĩa khí cao cả nơi chiến địa, dẫu tử thương vẫn nắm chắc vũ khí không xa rời vị trí chiến đấu: trên giường bệnh nan y, Phùng Quán vẫn cầm bút tiếp tục viết. Chàng viết gì vậy? Một kịch bản phim cho đạo diễn điện ảnh tài năng Huy Thành: Chiếc cối giã trầu bằng thép, kể chuyện mẹ Hồ Thị Vang, người Vân Kiều ở Thừa Thiên có thành tích đặc biệt trong công tác nuôi dưỡng hàng binh lê dương Âu Phi; cuối cùng, bà mẹ bị giặc sát hại một cách thảm khốc (thiêu sống). Phùng Quán hoàn thành phần I của kịch bản và đã trao cho đạo diễn Huy Thành (6). Do bụng bị trướng to, ngồi vướng víu khó làm việc, tác giả kịch bản phải nằm để viết: dùng bút chì tỳ lên một tờ giấy kê trên (thực ra là đặt ở phía dưới) một tấm ván gỗ treo nghiêng nghiêng như mặt bàn đặt úp phía trước mặt – Bạn bè đã ghi lại tư thế sáng tácchiến đấu khác thường đó (xem ảnh). Thời gian "tác chiến" đặc biệt như thế kéo dài khoảng 2 tháng. Nói chung thời gian này, Phùng Quán sống trầm tĩnh, bình thản đến mức như thanh thản, giảm uống rượu; nhưng cũng không uống thuốc giảm đau.
Cữ trung tuần tháng Chạp năm Tuất đó, tôi và Cao Xuân Hạo tình cờ đến chơi với Quán. Phong độ chủ nhân vẫn như xưa, chỉ hơi ít nói, và nếu có điều lạ thì đó là ông chủ hầu như không uống rượu, mặc dầu bà chủ Vũ Bội Trâm "Hà Nội gốc” (7) đảm đang chung thủy, nội tướng tuyệt vời của Quán đã chuẩn bị chiêu đãi khách món cá luộc, đồng thời chủ nhân vốn hiếu khách cũng đã bê ra một vò rượu ngon khá lớn... Cơm nước xong xuôi chúng tôi lên gác, tức Vọng ba lâu, vừa "ngắm sóng", vừa ngắm bút tích bao danh sĩ khắp 3 miền Trung Nam Bắc (cả kẻ sĩ quốc tế); cả tranh chân dung Phùng Quán do Văn Cao vẽ bằng bột màu, trên vách gỗ đơn sơ (8). Mãi tới lúc gần ra về, chúng tôi mới được rõ hơn tình trạng sức khỏe không bình thường của chủ nhân. Hai hôm sau, tôi và Cao Xuân Hạo lại đến thăm Quán với một bọc to quà hảo hạng "bồi dưỡng người ốm", và hẹn sau mấy hôm sẽ quay lại nữa. Nhưng lần "quay lại nữa" ước hẹn thăm Phùng Quán không khi nào còn thực hiện được – như Lê Huy Quang, nhà thơ, họa sĩ trang trí sân khấu tài năng, nghệ sĩ ưu tú, một trong những người bạn rất gần gũi với Quán đã viết về "mấy hôm nữa" tiếp theo đó:
"Trời lạnh buốt gió Hồ Tây. Nhà thơ Phùng Quán nằm im, mở to mắt nhìn xa mà không cảm giác. Sáng hôm sau Phùng Quán có vẻ đỡ hơn. Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến. Vào lúc 16 giờ 50 (giờ Canh Thân), ngày Qúy Sửu, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Tuất (22-1-1995) nhà thơ Phùng Quán đã trút hơi thở cuối cùng. Anh tuổi Tân Mùi (1931) hưởng thọ 64 tuổi và yên nghỉ tại quê hương của vợ anh – thôn Kiều Mai (Phú Diễn, Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội) (Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác... – Tiền phong số 27, 3-3.1998)".
Đọc đến đây, có thể độc giả thắc mắc: tại sao tựa đề bài viết như muốn bàn về "Thơ" Phùng Quán, nhưng từ đầu đến giờ ít nói về thơ mà chú trọng nhiều đến bản lĩnh sốngnhân cách của Phùng?
Số là, trên tựa đề, người viết bài này đã sử dụng chữ Thơ với hàm nghĩa rộng rãi như Phùng Quán hay dùng.
*Thơ với hàm nghĩa rộng rãi; trước hết, đề cập một tố chất mỹ học trong sáng tạo nghệ thuật (đẹp như thơ, nên thơ nên hoạ...) chứ không phải chỉ một thể loại, thể tài văn chương.
Thực tế là: với tâm hồn khoáng đạt, Phùng Quán nhiều khi cũng không muốn phân định rành rẽ các thể loại văn chương: thơ, tiểu thuyết... tiêu biểu là trường hợp tác phẩm "tiểu thuyết tình 13 chương" kỳ thú Trăng Hoàng cung(THC) (1984-1985). Tác giả THC đã tuyên bố thẳng ra là: tác phẩm tiểu thuyết này có tính "thơ văn xôi đỗ": "Nó xuất xứ từ những bài thơ (9) tình tôi viết tặng mối tình si mê, mộng tưởng và trong cơn say bất tận.
Đến khi tỉnh mộng, tỉnh mê... và đã ở cách xa hàng ngàn dặm, tôi đọc lại, thêm vào những lời chú giải... Và thế là, tự nhiên, không khiến, cuốn tiểu thuyết (10) thành hình".
Có nhà nghiên cứu cho rằng THC là "thơ văn xuôi" (poème en prose), "thơ tự do".
Thể tài thì "kỳ cục" (họ Phùng tự giễu) nhưng hình thái "kỳ cục" ấy lại có khả năng chứa đựng một nội dung Thơ – kỳ diệu – không chỉ trong những bài thơ tình xen kẽ mà tồn tại cả ở những trang viết có cấu trúc ngôn ngữ hoàn toàn văn xuôi – tất nhiên chan chứa ý vị Thơ: Chương một: Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng; Chương bốn: Chán chộ; Chương năm: Mưa Huế; Chương bảy: Trăng Hoàng cung;... Thể tài "kỳ cục" này hình như manh nha đã khá lâu: từ bài Anh là ai? và Anh từ đâu đến, đọc trong buổi lễ sinh nhật nhạc sĩ Văn Cao 60 tuổi (1983). Mấy tác phẩm văn xuôi lừng danh khác của Phùng Quán cũng tràn ngập chất Thơ. Hãy kể đến bộ tiểu thuyết gần nghìn trang Tuổi thơ dữ dội (TTDD) (Nxb Thuận Hóa in lần thứ nhất: 1987; đến nay, các nhà xuất bản Kim Đồng, Thanh niên, Hội Nhà văn... đã tái bản 5, 6 lần), thì bộ tiểu thuyết văn xuôi này cũng dạt dào chất Thơ, chất tráng ca; và còn giàu cả tính kịch (bi kịch, hài kịch, chính kịch) với các hồi (acte), màn, cảnh (tableau), lớp (scène) khá rõ cùng các thủ pháp quen thuộc của kịch bản sân khấu: đột biến – báo trước,... Xin độc giả đọc lại phần gần kết thúc tác phẩm: đoạn tả nhân vật Mừng, chú bé chiến sĩ thiếu niên trinh sát của Trung đoàn vĩnh biệt người mẹ (tổ trưởng dân công anh hùng) hấp hối; sau đó Mừng "nhào xuống đáy huyệt, ôm chặt xác mẹ, nức nở kêu gào: "Con không phải Việt gian! Con là Vệ Quốc Đoàn mạ ơi!"; và đoạn tả Mừng tử thương, áo quần đẫm máu (như toàn tiểu đội), trên đài quan sát bảo vệ chiến khu Hòa Mỹ, gọi điện thoại cho Trung đoàn trưởng, vừa báo cáo địch tình, vừa thanh minh vĩnh biệt:
"Anh ơi, đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!
Lời cầu xin khẩn thiết cuối cùng của người chiến sĩ thiếu niên vừa tròn mười ba tuổi đời, yếu ớt và nhỏ dần như một hơi thở, nhưng trong khoảnh khắc ấy đã trùm lấp cả tiếng bom đạn giặc...".
Khuynh hướng Cao cả của bộ tiểu thuyết văn xuôi kiệt xuất này đã khiến nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện đáng kính (người rất quan tâm đến công cuộc giáo dục nhân cách cho các thế hệ thiếu niên và nhi đồng) mong ước: "Tôi chỉ mong làm sao cho tất cả các em thiếu nhi Việt Nam được đọc sách này" – ông Nguyễn Khắc Viện lão thực cũng đã có ý định dịch TTDD sang tiếng Pháp, nhưng do điều kiện sức khỏe nên không thực hiện được.
Sự phối hợp hết sức hài hòa, đúng tỷ lệ giữa các yếu tố mỹ học: bihùng, các thể tài văn học: (người thật việc thật), tiểu thuyết (hư cấu), thơkịch... đã chứng tỏ khả năng nhạy cảm nghệ thuật tuyệt vời của tác giả TTDD, đồng thời góp phần làm sáng tỏ nói chung: khả năng nghệ sĩ bẩm sinh, thiên phú của nhà thơ, nhà tiểu thuyết hy hữu Phùng Quán. Và hẳn cũng chính sự phối hợp rất hài hòa đúng liều lượng các yếu tố mỹ học và các thể tài văn học đã tạo cho tác phẩm TTDD công năng cảm nhiễm thấm thía sâu sắc dài lâu: "Tôi đã khóc, đã kiêu hãnh, tự hào, đau đớn trước Tuổi thơ dữ dội" (Lâm Thị Mỹ Dạ); "Đọc Tuổi thơ dữ dội chính là đọc lại một phần lịch sử tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào" (Nguyễn Trọng Tạo); "Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng cho con người, là Tuổi thơ. Viên ngọc mầu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời.
Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay. Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó.
Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi Thơ sắp ra đời" (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Có lẽ hiện tượng phối hợp đắc sách trong sáng tạo nghệ thuật này xứng đáng là đối tượng nghiên cứu trong một luận văn đại học hoặc trên đại học.
Bạn đọc nào muốn tìm hiểu hiện tượng "khuynh hướng Cao cả trong thơ Phùng Quán" với thuật ngữ thơ theo hàm nghĩa thông thường (một thể tài văn học) vẫn có thể bắt gặp ngay nhiều bài thơ đề tài tôn vinh cái Cao cả:
- Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo – Giải nhất trong kỳ thi Văn nghệ hưởng ứng Đại hội liên hoan Vacxôvi ở Việt Nam (cái Cao cả ở đây là lòng yêu nước thiết tha, hành động hy sinh dũng cảm):
(...) Trên đường vào đảo hôm qua,
Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven rừng
Cài lên mái tóc rối tung,
Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê
(1956)
- Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe (cái Cao cả là tinh thần thân dân, lòng nhân ái, thái độ vị tha).
Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối


Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói
(...)
Miệng nói nhưng lòng nghĩ
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không gỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!

Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!
Đặc biệt: "khuynh hướng Cao cả trong thơ" đã thể hiện ở thái độ tôn vinh tót vời các yếu tố "chân thật", trung thực:
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật


Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Súng nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá
(Lời mẹ dặn – 1957)
*Thứ nữa, Thơ với hàm nghĩa rộng rãi không chỉ là thao tác hòa đồng các thể tài văn học: thơ, văn xuôi... hoặc sáng tạo những tác phẩm tiểu thuyết dạt dào ý vị Thơ; mà Phùng Quán còn quan niệm Đời sống con người cũng có thể có Thơ, thậm chí chan chứa chất Thơ.
 Từ quan điểm nhân sinhvăn hóa đó, tác giả THC phát biểu ngay ở phần Khai từ tác phẩm "kỳ cục" – kỳ diệu này:
"Thơ là lý lịch, là mạng sống đời tôi" (TPQ, tr.95).
Trước đó 20 năm, Phùng Quán từng viết:
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.
(1965)
Do đó, tựa đề bài viết này như muốn bàn về "Thơ" Phùng Quán, mà nội dung chú trọng nhiều đến cuộc đời (và cả văn xuôi) của họ Phùng là cũng phù hợp với quan niệm của Phùng Quán, chứ không "tiền hậu bất nhất".
Tìm hiểu thêm Thơ trong đời sống, nhân cách họ Phùng, chúng ta hãy trở lại với "tiểu thuyết tình 13 chương" THC, vì tác phẩm "kỳ cục" – kỳ diệu này không chỉ "thơ văn xôi đỗ", mà còn đậm đà yếu tố . Thể (với các loại: phóng sự, ký sự, bút ký, tùy bút) có 2 đặc trưng cơ bản liên đới quan hệ: người thật việc thật (chân nhân chân sự) và xuất hiện nhân vật "tôi" (tất nhiên, "tôi" người thật việc thật có "địa chỉ chính xác", chứ không phải nhân vật "tôi" hư cấu). Trước khi xuất hiện Chương bảy (Trăng Hoàng Cung), thì ở Chương Khai từ mở đầu THC có đoạn rằng: "Cạn kiệt thơ giữa cuộc sống thị thành, tôi quyết định rời bỏ gia đình, bạn hữu, giữa cái tuổi ngoài năm mươi, lên rừng tìm đào bới mạch thơ giữa thiên nhiên.
Tôi đã sống một mình suốt 3 năm (6-1981 – 8-1984) trong cái lán lợp lá mía, giữa một bãi đất phù sa cổ hoang vu vùng đồi núi Thái Nguyên". Đó là sự tình có thật (chân nhân chân sự) khi Phùng Quán công tác ở Cục Văn hóa quần chúng (Bộ Văn hóa) chuyển lên sống ở một khu đất tăng gia sản xuất của Bộ Văn hóa ở Thái Nguyên: "Trong 3 năm, tôi đã ăn thịt được hơn chục con hổ mang chì, giết chết vài chục con rắn lục, săn bắt vài chục con móc xiết – một loài chồn răng sắc như gươm, sinh sống bằng thịt rắn – đốt phá hơn chục tổ ong lỗ..." (TPQ, tr.97).

Trong tác phẩm THC có 2 nhân vật chính: Nàng"nhà thơ". Để nhấn mạnh tính người thật việc thật đáng kể của THC, tác giả đã viết ở cuối tác phẩm: "Tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết huyễn hoặc nhất đi nữa, cũng đều xuất xứ từ những mẫu hình có thật" (TPQ, tr.148). Nhiều người, nhất là những ai công tác văn học nghệ thuật, văn hóa ở xứ Huế "đẹp và thơ", từ lâu biết khá rõ: "mẫu hình" (nguyên mẫu) nhân vật Nàng trong THC là một nhà văn nữ có nhan sắc sống ở Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng công tác ở tòa soạn một tờ báo văn nghệ văn hóa có uy tín đất Cố Đô. Và như thế, nhân vật "tôi" – "nhà thơ", theo luận lý, cũng như theo giấy trắng mực đen ắt phải là Phùng Quán. Ngay Chương một của THC (Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng), nhân vật "nhà thơ" đã sáng tác một bài thơ tặng Nàng, thi tứ có đoạn khá tương tự bài Lời mẹ dặn của họ Phùng từ 1957:
(...) Là nhà văn
Tôi yêu tha thiết
Sự ngay thẳng tột cùng
Sự ngay thẳng thủy chung
Của mỗi dòng chữ viết...
Viết trọn một đời văn
Dòng đầu thẳng ngay như dòng cuối.
"Nhà thơ" – Phùng Quán phát biểu như thế; sau đó có dám hành động như từng phát biểu không? một khi lâm tình huống:
- Một bên là kỷ niệm muôn đời về nhất (nguyệt) dạ đế vương (cái đêm (trăng) ấy đêm gì?):
"Ha ha! Rượu xứng danh là bậc thiên tài tạo nên ảo tưởng.
Bầu trời Cố đô đêm đó không một gợn mây, không một vì sao. Vừng trăng mười sáu hoàn hảo đến khó tin, kiêu sa, lộng lẫy như một vị hoàng đế cao ngạo, cô độc, trị vì một giang sơn trống rỗng, đẹp mà đơn điệu đến kinh hoàng! (...) Giò đăng quang đã điểm. Hoàng đế râu tóc rối bù, vận long bào vải chàm cũ bạc, chân dận dép lốp máy kéo nặng như cặp cùm, hơi thở nức men rượu, khoác tay Hoàng hậu (Nàng – VT), vận áo pun, quần bò mốc, mí mắt tô xanh màu mất ngủ, móng tay móng chân sơn đỏ, chuếnh choáng tiến vào cửa chính Ngọ Môn Quan..." (TPQ, tr.120-121).
- và một bên là loạt dấu hỏi ngóc lên như đàn rắn độc:
(...) Tình cờ tôi chợt hiểu
Một tháng có nhiều đêm trăng
Và thời buổi ngày nay
Vào Hoàng cung là chuyện quá dễ dàng
Cả con bò con heo cũng đi trên Trung lộ (11)
Những gì em nói với tôi hôm đó
Em đã nói với nhiều người...
Nếu "nhà thơ" thổ lộ loạt thắc mắc đó với Nàng, thổ lộ những câu thơ:
(...) khóc niềm tin yêu nát tan
(...) khóc ngai vàng mộng tưởng
(...) khóc Trăng Hoàng Cung bị lấm bẩn
(...) khóc không biết lấy gì để gột sạch Trăng...
thì tất nhiên Nàng sẽ không khi nào tha thứ kẻ dám nghi ngờ có tính "xúc phạm" Nàng như thế, tình yêu sẽ nát vụn, địa ngục xuất hiện, rồi "nhà thơ" chắc chắn sẽ trở thành tử tù nơi địa ngục đó. Vậy "nhà thơ" – Phùng Quán có dám nêu thắc mắc với Nàng chuyện "tôi đã bị dối lừa" (TPQ, tr.129) hay không? có dám công bố bài thơ Tôi khóc (trong có câu "Tôi đã bị dối lừa") hay không? Mâu thuẫn xem ra còn căng thẳng hơn cả tình huống của chàng Hoàng tử Đan Mạch ngày xửa ngày xưa...
Kết thúc mâu thuẫn: "tôi" – "nhà thơ" – Phùng Quán vẫn đọc bài thơ Tôi khóc trước Nàng và một số bạn Nàng (nhà Nàng thường "chật cứng khách", và nhiều quý khách cũng háo hức muốn được biết nội dung bài thơ Tôi khóc) – Vì:
"Sự thật còn lớn hơn cả tình yêu, lớn hơn cả trái tim (tôi nhấn mạnh – VT). Chối bỏ sự thật ôi điều này nó vượt quá sức tôi" (TPQ, tr.147).
"Nhà thơ" – Phùng Quán thơ hay, mà tiên giác cũng tài:
"Giờ bất hạnh đời tôi đã điểm!... Nghe xong bài thơ, Nàng vụt đứng ngay dậy, trút bỏ toàn bộ vẻ dịu dàng kiều diễm, nói với tất cả giận dữ, bằng cái giọng nanh nọc, cay nghiệt mà có lần tôi đã được nghe... – "Mời anh ra ngay khỏi nhà tôi! Anh đã coi tôi như một con điếm! – Nàng bĩu môi giọng chuyển sang chế riễu khinh miệt – Anh tưởng là tôi yêu anh à? Tôi yêu anh từ bao giờ vậy? Gian phòng tôi chật chội nóng thiêu như sa mạc. Ngày này qua ngày khác, anh ngồi ám suốt từ sáng đến chiều. Khách bạn tôi đến chơi, thấy anh họ đều muốn bỏ về. Vì lịch sự tôi đành phải giới thiệu anh là nhà thơ! Nhiều người ngạc nhiên hỏi tôi: Nhà thơ? Đẹp như thơ kia mà! Sao nom anh ta rách rưới bầm dập đến phát khiếp! Không khéo lại mắc lừa đấy! Mời... anh. .. ra!".
Tình tuyệt vọng
Trái tim tôi như trái cây bị dập nát
Rụng xuống từ cành cao
Tình tuyệt vọng là ngọn sào
Chọc cho trái cây rụng xuống...

Trái cây rụng
Vẫn mơ... giấc mơ hoang tưởng
May ra được gót chân em dẫm nát
Để trước khi tan vào bụi đất
Còn được hôn gót chân yêu...

Nhưng em la lối phàn nàn
- Gian phòng tôi nóng thiêu như sa mạc
Anh đến ngồi quá lâu
Càng thêm nóng bức
Anh thở như người sắp chết khát
Chút khí trời ít ỏi của tôi!
Quá đau khổ
Tôi hóa thành lì lợm
Tôi xin em bớt giận...
Nếu không được ngồi
Thì tôi xin đứng
Cùng với cây chổi em dựng ở xó nhà
Nếu không được thở!
Tôi sẽ nín thở!
Như cái ngày còn đi chăn trâu cắt cỏ
Tôi suýt chết dưới đáy giếng làng
Vì mãi lặn mò con cá bống thần cô Tấm bỏ quên...
Em giận dữ la lên:
- Đứng trong xó nhà cũng không được đứng!
... Thì tôi xin ra đứng trước hiên...
- Đứng trước hiên cũng không được đứng!
... Thì tôi xin ra đứng ngoài ngõ...
- Đứng ngoài ngõ cũng không được đứng!
... Thì tôi xin ra đứng đầu đường
Tôi nhìn vào khung cửa nhà em
Môi rát bỏng những lời yêu thương...
- Đứng đầu đường cũng không được đứng!
Lời yêu thương cũng không được nói!
... Thì tôi xin chết...
Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt
Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh...
Dù hỏa táng
Dù chôn xuống chín tầng đất
Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình!
(...)
(TPQ, tr.144-146)
Xin mượn lời tác giả bài viết Phùng Quán lạy dưa thay cho lời bình luận đoạn "thơ văn xôi đỗ" trích trong tác phẩm "tiểu thuyết tình 13 chương" THC vừa rồ: "Tôi kết bạn với Phùng Quán hơn 20 năm nhìn thấy ở họ Phùng một cốt cách nghĩa khí suốt đời không thay đổi". "Cốt cách nghĩa khí" của họ Phùng hẳn liên quan ít nhiều đến một nét tính cách đặc biệt của người mẹ hoàng phái nhan sắc: Tôn Nữ Thị Tứ – bà say mê, thuộc làu, hay kể cho Quán nghe nhiều sự tích anh hùng nghĩa hiệp trong các tiểu thuyết cổ Trung Quốc: Thủy Hử, Tam Quốc Chí, Đông Chu liệt quốc...". Nhà thơ Lê Huy Quang nói rõ thêm: "Những người thân, bạn hữu của nhà thơ Phùng Quán từ trong nước đến nước ngoài, từ trong hay ngoài giới văn nghệ... tất cả đều yêu quý và kính trọng nhân cách sống, nhân cách làm người, nhân cách nghệ sĩ của nhà thơ Phùng Quán" (Tlđd).
Trình bày ngắn gọn mà tài tình qua một hình tượng đơn giải khái quát được cốt tủy nhân phẩm Phùng Quán, đó là nhà báo Đỗ Quang Hạnh trên báo Lao Động (số 18, 1-2-1997): "Phùng Quán – Nhà thơ cởi trần": Phùng Quán, anh là nhà thơ cởi trần... Khi còn sống, anh thường bảo: "Đi với Bụt, hay đi với ma, tôi đều cởi trần".
Đúng là cốt cách một kẻ sĩ "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Cốt cách ấy, phẩm giá ấy chính là một bài Thơ, bài Thơ lớn, thành công lớn, kiệt tác trong suốt một đời gắn bó với Thơ của Phùng Quán.
Thì cũng tương tự thuở "tiền chiến", tác giả Tiếng thu (1939) kết luận về Tản Đà: "Con người Nguyễn Khắc Hiếu chính là cái tác phẩm tuyệt xảo, một bài thơ hay nhất trong sự nghiệp Tản Đà" (Bây giờ đây, khi nắp quan tài đã đậy lại – 1939).
Hà Nội, 6-6.2002
V.T

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

-------------------------
(1) Có lẽ là bị bồi hoàn học bổng (rembourser) chứ không phải "học phí" (V.T)
(2) Xem chú thích trên (V.T)
(3) Phùng Quán dịch – Thơ Phùng Quán (TPQ) Nxb Hội Nhà văn – H.1995 (tr.65)
(4) Trăng Hoàng Cung (THC) – in trong TPQ (tr.31) – đối chiếu với THC của Nxb Thanh Văn (California – 1993), có một vài chỗ xuất nhập về nội dung. Những trích dẫn THC trong bài viết này đều lấy ở bản của Nxb Hội Nhà văn (1995).
(5) Do khả năng đọc thơ đặc biệt truyền cảm hấp dẫn, nên trước đó ít lâu, Phùng Quán đã có ý định đi dọc đất nước ngâm thơ như đi hát xẩm, hy vọng tích lũy được một món tiền trợ giúp Phùng Cung xuất bản thơ. Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Mai Văn Hoan nhớ lại một lần Phùng Quán đọc thơ ở Huế: "Anh xuất hiện uy nghi như một vị thánh sau bao nhiêu đầy ải (...). Tôi đã từng nghe nhiều người đọc thơ nhưng chưa từng thấy ai đọc một cách truyền cảm như anh. Giọng anh lúc sang sảng, lúc trầm hùng, lúc nghẹn ngào u uất. Anh không phải chỉ đọc bằng lời mà đọc bằng cả bầu khí huyết của mình". (Nhớ anh Phùng Quán – Sông Hương, 1-1996).
(6) Phùng Quán viết kịch bản này dựa theo truyện tranh
Chiếc cối giã trầu bằng thép (tranh vẽ của Huy Toàn – Nxb Văn hóa dân tộc, 1984). Lời trong truyện tranh là của Phùng Quán, nhưng lại ghi là: Thanh Tịnh (sau khi nhà văn tài năng nhân đức Thanh Tịnh hồ hởi ủng hộ Phùng Quán việc mượn bút danh).
(7) Nhà vốn ở số 3, Hàng Cân – trưởng nữ cụ Vũ Huy Ngọ (tổ tiên quê Hải Dương, về Hà Nội sống đã được 5 đời, dòng dõi Vũ Quốc Trân, tác giả truyện thơ nôm
Bích Câu Kỳ Ngộ, thế kỷ 19) và cụ Nguyễn Thị Minh (quê Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội).
(8) Vạn pháp vô thường, "di tích văn hóa" này hiện nay đã xuống cấp lắm: gỗ mọt lỗ chỗ, mực đã phai màu..
(9), (10) Tôi nhấn mạnh (V.T)
(11) Đường dành riêng cho Vua đi trên sân Đại triều (V.T).

Các bài đã đăng
Bahnar (09/09/2008)