Tạp chí Sông Hương - Số 229 (tháng 3)
Nữ doanh nhân xứ Huế
10:28 | 10/09/2008
HỒ ĐĂNG THANH NGỌCCó một hiện tượng lịch sử lý thú, ở những nơi khác vốn dĩ bình thường  nhưng ở Huế theo tôi là rất đặc biệt, đó là tại mảnh đất này sau hơn ba mươi năm ngày đất nước thống nhất, đã hình thành một thế hệ nữ doanh nhân thành đạt giữa chốn thương trường.

Những đài các đất kinh kỳ, e lệ thái quá, đành hanh kiểu “con yêu bánh nậm”, hay tính khí mưa nắng thất thường kiểu “thời tiết Huế như tính tình con gái Huế”... tưởng chừng như khiến con gái xứ Huế không thể làm nên doanh nghiệp được đã dần được điều chỉnh, thay vào đó là sự chủ động hội nhập vào cuộc chơi lớn của nữ giới Huế. Chủ động một cách rất con gái Huế khiến Việt Nam có thêm nét văn hóa độc đáo toát ra từ những “con yêu bánh nậm” giữa chốn thương trường: cân bằng hài hòa giữa rụt rè và kín kẽ, giữa e lệ và khéo léo, giữa mềm mại và quyết liệt, giữa đành hanh và nghiêm cẩn, giữa nhu thuận và quyết đoán...
“Con yêu bánh nậm” là cách nói đùa đầy yêu thương của người Huế xưa dành cho con gái Huế. Và đem được cái chất “con yêu bánh nậm” vào thương trường thì có thể hiểu là chủ nhân của nó phải là hàng cao thủ, biết làm chủ tất cả mọi tình huống, tức là “biết mình biết ta trăm trận trăm thắng” vậy.
Ngày xưa, xứ Huế kín cổng cao tường là thế mà cũng có một số nữ doanh nhân nổi tiếng, được mọi người biết đến. Tất nhiên là nữ doanh nghiệp hồi đó cũng chỉ là chủ một số “đặc sản Huế” như Mụ Rớt, Mụ Cửu Ớt... Dân Huế có câu đố: “Mụ chi nổi tiếng ầm ầm/chưa đi đã té, chưa cầm đã rơi/ Ngày nay mụ đã qua đời/ Mà trong thiên hạ lắm người mượn tên/ Nhất nghệ tinh nhất thân vinh/ Mấy ai bắt chước nấu nêm cho bằng”. Theo bác sỹ Bùi Minh Đức, câu đố đó là của Ông Cai Trường trong Đặc san Quốc Học Đồng Khánh Nam California năm 1998. Bảo Thắng trả lời như sau: “Mụ Rớt nổi tiếng ầm ầm/ Ngự Viên, Gia Hội ai lầm được tên/ Tiếc thay phần số không bền/ Chu du tiên cảnh sống miền Thiên Thai/ Thế gian thương mụ nhiều tài/ Bún bò tên mụ ăn hoài chẳng no”. Cũng hai tác giả nói trên có câu đố về mụ Cửu Ớt như sau: Hỏi “Bà chi tên tuổi thường kêu/ Văn giai cửu phẩm, bạn nhiều mụ tra/ Bảng đề trước chợ Đông Ba/ Phì phèo, bập bập ai qua cũng dòm”. Đáp là “Tên bà Cửu Ớt khó quên/ Thuốc lá cẩm lệ Huế mềm lạ chi/ Đông Ba dừng lại một khi/ Mua vài ba gói mệ dì hút chơi”... Thuốc lá cẩm lệ và thuốc nhuộm răng mụ Cửu Ớt ngày xưa được bán ở cửa hiệu trước mặt chợ Đông Ba, nổi tiếng trong suốt hai thập niên 1940-1960. Còn Bún Bò Giò Heo Mụ Rớt xưa nay vốn là “thương hiệu” thượng hạng làm vinh danh bún bò giò heo xứ Huế... Lan man chuyện bún bò giò heo, ngày xưa ở góc đường Chi Lăng không biết có quán bún tên chi mà có cung cách bán hàng lạ lắm. Học giả Vương Hồng Sển có lần ăn xong về da diết nhớ. Trong bài Lai rai nhớ lại những món ăn Huế, ông kể: “Cái mụ buôn bán lạ kỳ: ăn một tô chưa thấm tháp vào đâu, vì tô có một chút nhéo. Kêu thêm tô thứ nhì, ăn lưng lửng biết mùi, kêu tiếp tô thứ ba, mụ trả lời cộc lốc: “Hết rồi”!...Một người nướng thịt biệt tài dường thế, chết thật uổng”. Chuyện ấy không biết có phải là kể về Mụ Rớt hay không?
           
Ấy là cái kiểu “đành hanh” của “con yêu bánh nậm” Huế đó. Đem chuyện đi hỏi xem nữ doanh nghiệp Huế bây giờ có dám “đành hanh” như thế không, các chị cười cười. Hiện Thừa Thiên Huế có khoảng 2000 doanh nghiệp (có đăng ký kinh doanh) trong đó khoảng 30% là doanh nghiệp nữ, chưa kể đến hàng vạn hộ kinh doanh cá thể. Nữ doanh nhân xứ Huế hiện tại nhiều người rất nổi tiếng mà tên tuổi họ gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp. Công ty Dược Trung ương Huế gần đây làm ăn hiệu quả, gắn với tên tuổi của một nữ giám đốc đầy cá tính, chị Nguyễn Thị Tâm. Cũng rất nổi tiếng vài năm lại đây, được du khách trong và ngoài nước biết đến là Khu du lịch phục hồi sức khỏe nước khoáng Thanh Tân. Thiên nhiên ban tặng nơi đây món quà vô giá, đó là vùng mỏ nước khoáng với đầy đủ các yếu tố có lợi cho sức khỏe con người đang tiềm ẩn trong lòng đất. Tuy nhiên, hàng trăm năm qua, vùng mỏ này không được ai nghĩ đến vấn đề khai thác. Chị Lê Thị Châu, Chủ tịch HĐQT và chị Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Khu du lịch Thanh Tân là những nữ doanh nhân có ý tưởng lớn. Từ vùng đồi cát sỏi năm xưa, các chị đã đầu tư 30 tỷ đồng vốn của gần 200 cổ đông để tạo nên một khu SPA lý tưởng, thu hút hàng vạn du khách mỗi năm. Để thuyết phục được cổ đông đổ tiền vào nơi sỏi đá, hẳn các chị phải có uy tín rất lớn mới làm được. Khu du lịch Thanh Tân rộng 30 ha, vùng sát chân núi có dòng suối tự nhiên đẹp như tranh, có con đường uốn lượn bao quanh đồi. Tại trung tâm nước khoáng nóng, du khách có thể chọn cho mình một trong những điểm ngâm tắm ngoài trời. Ở khu vui chơi và ăn uống có hồ sóng biển nhân tạo, cho du khách cảm giác đang tắm biển trên vùng núi non sơn cùng thủy tận. Nơi này còn có một sân chơi rộng rãi để đốt lửa trại hoặc tổ chức văn nghệ vào những buổi dã ngoại ban đêm. Tôi đã từng có những đêm lửa trại ở đó, nằm bên lửa nhìn lên trời đầy sao, nghe tiếng nai tác trong xa khuất núi rừng Phong Sơn, lòng bồi hồi nhớ vài chục năm trước mình đã đến đây với hoang vu lau lách, thấy thật lòng nể phục những bóng hồng đã biến cải đưa thiên nhiên về thật gần với con người.
Có những nữ doanh nhân biết cách phát huy những giá trị sản phẩm truyền thống Huế để tạo nên những giá trị độc tôn trong thương trường thời hiện đại. Ví như phấn nụ Huế của cửa hiệu Bà Tùng nằm ở đường Tô Hiến Thành. Đây là loại mỹ phẩm độc nhất vô nhị của Huế mà nhiều nữ du khách đến đây, khi ra về trong hành lý thường mang theo vài chục thỏi để dùng hoặc làm quà. Ngày xửa ngày xưa, một trong số rất ít người thị nữ biết được phương thức pha chế phấn nụ và chuyên sản xuất phấn trong cung đình chính là bà ngoại của bà Tùng. Sau năm 1945, người thị nữ xuất cung truyền bí quyết lại cho con gái là Trần Thị Thiểu. Bà Thiểu sau truyền lại cho hai con gái là bà Tùng và bà Phương. Cả hai đều đang bán phấn nụ ở Mỹ và thành phố Hồ Chí Minh, song hàng năm đều phải về Huế sản xuất vì chỉ có nước mưa Huế mới làm nên phấn nụ. Bí quyết gia truyền làm phấn nụ cho biết phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu, nguyên liệu chính là thạch cao hảo hạng cộng với mười mấy vị thuốc bắc, thế nhưng bắt buộc phải dùng nước mưa xứ Huế mới nhào nặn nên những thỏi phấn danh bất hư truyền. Mưa Huế làm cho xứ Huế buồn hiu hắt bao nhiêu thì lạ thay cái rỉ rả của những trận mưa thúi trời thúi đất lại kết nên cái tinh chất làm đẹp làn da con gái, phải chăng đó chính là luật bù trừ của đất trời? Mỗi năm, cửa hiệu bà Tùng sản xuất hàng tạ thỏi phấn nụ được đưa đi khắp nơi trên thế giới, và rất được các phụ nữ đã có tuổi ưa dùng...
Một sản phẩm đặc sản Huế khác được một nữ doanh nhân tạo dựng thương hiệu lừng lẫy là Mè xửng Thiên Hương của bà chủ Hồ Thị Hoa. Ra đời từ năm 1978, Công ty TNHH Mè xửng Thiên Hương được phát triển kế tục nghề sản xuất bánh kẹo gia truyền có từ những năm 1940. Trong sâu thẳm tâm hồn một người con xứ Huế, chị Hoa nuôi trong mình ý thức giữ nghề gia truyền, coi kẹo mè xửng là đặc sản của quê hương để giới thiệu với du khách. Người ta tiếp thị mè xửng với vô số cách: nào là giảm giá, trả hoa hồng cao cho đội ngũ lái taxi, xích lô, xe ôm, nhà hàng... nếu họ đưa được khách đến mua mè xửng. Với một chữ “Tâm” thiền định, Thiên Hương không chọn lối đó. Chị Hoa có cách tiếp thị không ồn ào nhưng rất độc đáo đó là làm tốt chất lượng sản phẩm rồi tiếp thị trực tiếp từ chính người thân, bạn hữu của mình. Mỗi khi gặp bạn bè, người thân, chị mời họ thưởng thức kẹo mè xửng rồi nhờ họ gửi đến bạn bè, bà con nơi xa chút đặc sản xứ Huế, gọi là quà “cây nhà, lá vườn”. Công việc tiếp thị chân tình đó không ngờ lại có tác dụng lớn, những đơn đặt hàng kẹo mè xửng từ hải ngoại bay về ngày càng nhiều và hiện qua “kênh” tiếp thị này, 50% sản lượng mè xửng Thiên Hương đã được xuất ngoại, sang cả  Mỹ và Trung Quốc vốn là những thị trường cực kỳ khó tính. Sản phẩm của Thiên Hương đã tham gia hầu hết các hội chợ và triển lãm trong nước, đạt được nhiều huy chương. Các năm 2003 và năm 2005, mè xửng Thiên Hương đã được Giải thưởng Sao vàng Đất Việt. Mới đây, Thiên Hương được trao Cúp Sen vàng thương hiệu nổi tiếng Việt Nam và Quốc tế, Giải thưởng Bạch Thái Bưởi...
Cũng là đặc sản Huế nhưng đến hai lần đưa tôm chua xứ Huế lên hàng Giải thưởng Sao vàng Đất Việt thì chỉ có Tấn Lộc mới làm được. Chủ doanh nghiệp là chị Nguyễn Thị Thanh Liễu có một câu chuyện đầy thế thái nhân tình. Trước ba mẹ chị làm tôm chua, mắm ruốc chỉ bán quanh quẩn trong xóm, mấy chị em đi học một buổi còn một buổi phụ giúp mẹ đóng mắm vào chai. Chị Liễu từng đậu vào Đại học Kinh tế TP HCM song học được năm thứ hai thì mẹ mất. Là chị cả trong gia đình nên chị Liễu phải nghỉ học, thay mẹ tiếp nối nghề gia truyền nuôi các em ăn học. Đến năm 30 tuổi, đàn em khôn lớn chị mới lập gia đình và cùng chồng mở rộng cơ sở vì nhu cầu của khách du lịch đến Huế muốn thưởng thức mắm ruốc ngày càng lớn. Ở Huế có những loại mắm mà không thể thiếu trong bữa ăn nên cơ sở Tấn Lộc theo nhu cầu đó mà sản xuất. Chẳng hạn mắm nêm đi liền với món bún mắm nêm ở Huế; thịt bò tái, bò nhúng, bánh cuốn thịt heo ba chỉ cũng ăn với mắm nêm. Bây giờ các loại mắm ở cơ sở Tấn Lộc lên đến 26 loại, như mắm tôm, cà pháo, ruốc, ớt tương, mắm nêm... cơ sở mở rộng đại lý trên phạm vi cả nước và xuất sang Mỹ, Thái Lan, Lào... Mỗi ngày cơ sở xuất ra 10 tấn đủ các loại vậy mà có lúc chị Liễu chẳng dám ký hợp đồng vì làm không kịp để bán.
Chủ cơ sở Mỹ nghệ Trường Tiền là chị Lê Thị Lệ Hương, một phụ nữ xinh đẹp, năng động và làm cho tôi ngạc nhiên bởi hai lẽ: Thứ nhất, chị nói rằng ở Huế làm giàu không khó. Thứ hai, chính sự năng động hội nhập thị trường của chị với hàng vạn sản phẩm về Huế được tiêu thụ khắp thế giới. Tôi nhận ra từ việc hình ảnh Huế theo du khách bốn phương tỏa đi muôn nơi, cơ sở Mộc Mỹ nghệ Trường Tiền đã thật sự góp phần quảng bá cho văn hóa Huế... Năm 1993, chị Hương bắt đầu kinh doanh hàng mỹ nghệ, đơn thuần mua hàng về và bán lại cho du khách. Kinh doanh như thế cũng có lời song chị thấy nhiều cơ hội kiếm ra tiền bị bỏ lỡ khi không có những mẫu mã đáp ứng nhu cầu của khách. Năm 1995, chị gom góp đủ số vốn cần thiết và thế là cơ sở Mỹ nghệ Trường Tiền được hình thành, vừa sản xuất vừa tiêu thụ hàng mỹ nghệ. Không dừng lại ở chỗ sản xuất đồ gỗ, chị lặn lội ra Hà Nội và vào TP Hồ Chí Minh học công nghệ mới về làm hàng mỹ nghệ từ chất liệu composic. Sau đó, chị tìm thầy học thêm một khóa về mạ đồng trên tất cả các chất liệu (trừ kim loại). Tự đầu tư để học rất tốn kém và học cũng rất căng song chị quyết chí theo đuổi. Chị còn theo học một khóa về thiết kế hàng mỹ nghệ do “Tây” dạy. Từ đó, chị có những cách tân mẫu mã phối hợp được nét dân gian và hiện đại rất được nước ngoài ưa chuộng. Chịu khó, kiên nhẫn là cơ sở hàng đầu của việc làm giàu - chị Hương nói. Với chị, làm giàu ngay trên đất Huế bằng cái nghề mỹ nghệ không khó. Miễn là phải có tâm, có trí, có nhẫn, có tín. Chữ “Tâm” theo chị Hương không đơn thuần là có đạo đức, là lòng tốt, mà còn có trong đó lòng yêu nghề, có trí tuệ để làm nghề, có chữ nhẫn để không vội nản chí, có chữ tín để giữ gìn và phát huy thương hiệu... Chị nói, khách du lịch đến với Huế ngày càng nhiều, nào là khách quốc tế, nào là Việt kiều về nước, nào là khách nội địa. Huế cũng là vùng đất di sản, hình ảnh Huế luôn được du khách tha thiết mang theo sau mỗi chuyến đi, vì vậy nghề mỹ nghệ, làm hàng lưu niệm ở Huế có nhiều cơ hội để làm giàu, và chị đã làm được như thế. Cơ sở Mỹ nghệ Trường Tiền đang tiếp tục đầu tư cho tương lai. Chị Hương vừa cho lắp đặt một máy chạm khảm trị giá 28.000 USD để phục vụ cho mở mang sản xuất...

Cứ liệt kê như thế, chắc chắn sẽ phải tốn hàng trăm trang giấy mới giới thiệu hết những chân dung của giới nữ doanh nhân xứ Huế hiện nay. Chẳng hạn như vào phường Thuận Lộc (Huế) thăm HTX Thêu do chị Bùi Thị Tuyết làm chủ nhiệm để thấy lòng nhiệt huyết gìn giữ nghề thêu truyền thống ra sao. Đưa ẩm thực Huế vào phục vụ du lịch không ai qua nhà hàng Ý Thảo của chị Trương Thị Cúc hay Tịnh Gia Viên của bà Tôn Nữ Hà. Một sáng nào đó lên nhấp ngụm trà ở Vũ Di Đình trên vùng thông reo Thiên An mới biết phụ nữ Huế ngày nay dám mở mang không gian ẩm thực ra sao. Ấy là chưa kể biết bao nhiêu người phụ nữ Huế không chỉ thành danh trên thương trường mà cả trong văn học nghệ thuật, thơ của các chị cũng khiến bao người xao động như chị Hoàng Xuân Thảo vừa quản lý cửa hiệu vàng Duy Mong danh tiếng vừa làm thơ, hay nữ thi sỹ Vạn Lộc làm dâu xứ Huế hiện đang xây cất công trình thi nhân ở làng Hương Cần bên dòng sông Bồ xa vắng...
Cũng có người từng nếm mùi thất bại song đã không buông xuôi số phận mà kịp kiên định bươn chải thương trường để đứng vững trở lại, làm cho nhiều người nghiêng mình kính phục. Tôi muốn nói đến trường hợp của nữ doanh nhân xứ Huế Võ Thị Kim Loan. Kinh doanh mặt hàng vàng bạc đá quý, với những mẩu mã thuộc hàng siêu đẳng, sản phẩm của Kim Loan từng xuất hiện làm người ta ngạc nhiên ở Festival Huế 2000, sau đó được lưu hành khắp thế giới. Thế rồi những tai nạn thương trường, những biến cố lớn của cuộc đời nối tiếp nhau, đẩy Kim Loan đứng trên bờ vực phá sản, hàng chục tỷ đồng vốn phút chốc đội nón ra đi. Thế nhưng người phụ nữ Huế có bản lĩnh kỳ lạ này như có tâm linh đất trời nâng đỡ giữa chốn trần ai, bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình, Kim Loan đã lật ngược được thế cờ, lấy lại vốn ban đầu và đang ngày càng phát triển trở lại. Kim Loan nói rằng trong kinh doanh, mất tiền mới chỉ mất một nửa, mất can đảm và nghị lực mới là mất tất cả. Làm kinh doanh thì phải biết chấp nhận khi lời khi lỗ, khi thắng khi thua, như trời khi mưa khi nắng là lẽ thường tình. Kim Loan thuộc lòng câu nói của Khổng Tử: “Điều vinh quang nhất của con người không phải ở chỗ không bao giờ vấp ngã, mà chính là vươn lên từ mỗi lần vấp ngã”. Thất bại như một “thiết bị” tốt nhất để đo độ mềm yếu của con người, nó còn cho những kinh nghiệm để khắc phục nhược điểm, bởi “thành công trong thành công chỉ là một, thành công trong thất bại là tất cả”.
Đó là một câu chuyện dài mà viết về nó, chắc chắn có những điều chúng ta không thể tin nổi đó là sự thật. Thương trường là chiến trường, câu nói đơn sơ thế mà nghe từ miệng người phụ nữ Huế nói ra mới nhẹ nhàng, mới sâu lắng vô thường làm sao! Ngày đầu năm ngồi bên người phụ nữ có chút đỉnh thời gian rảnh sau bao năm bôn ba giữa bụi trần, ôn lại chuyện cũ, tịnh như chuyện thương trường chỉ là chuyện chơi cho vui, cái còn lại là một chữ “Tâm” cháy bỏng, mà lạ làm sao, gần như bất cứ một nữ doanh nhân xứ Huế nào cũng nặng mang với nó...
Nữ doanh nhân xứ Huế là vậy đó. Không dừng lại, không để bị tụt hậu, họ tham gia bất cứ một diễn đàn, thảo luận nào liên quan đến doanh nghiệp, nhất là khi Việt hội nhập sân chơi lớn WTO. Gần đây nhất là vấn đề công tác quản lý công nghệ thông tin - thương mại điện tử, tôi đã chứng kiến các chị bàn thảo nghiêm túc về các vấn đề quản lý nhà nước về thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh, cách thức tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả... Một cách không quá ồn ào, nữ doanh nhân xứ Huế đang chủ động hội nhập một cách tuyệt vời vào thương trường, theo một phong cách Huế an nhiên mà năng động, lịch lãm lạ thường...
                            Huế, tháng 2.2008
                              H.Đ.T.N

(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng