Tạp chí Sông Hương - Số 229 (tháng 3)
Nỗi bất hạnh nhỏ
10:54 | 10/09/2008
JAMES JOYCELGT: James Joyce (1882 - 1941) là một trong những khuôn mặt lớn nhất của văn xuôi Anh - Ailen và châu Âu thế kỷ XX. Ông “là nhân vật trung tâm của văn xuôi hiện đại”, một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất, gây phản ứng mạnh nhất, “một trong những thần tượng của thời đại” đối với văn nghệ sĩ trẻ và giới trí thức châu Âu đương thời.
Nỗi bất hạnh nhỏ

Mối quan tâm chính của ông xuất phát từ mối quan hệ giữa con người với chính mình qua mối quan hệ giữa con người với kẻ khác, với xã hội nhân quần. Ông chú ý phân tích tinh tế thế giới nội tâm với diễn biến ý thức bên trong của con người. Ông là một nhà văn luôn quan tâm đến phương tiện, hình thức diễn đạt nghệ thuật, luôn tìm tòi một kỹ thuật mới để mô tả tính phức tạp của nội tâm con người hiện đại. Ông đã mở đường mới cho tiểu thuyết hiện đại với kỹ thuật “dòng ý thức”, thủ pháp “đồng hiện” cách sử dụng “biểu tượng”, “huyền thoại" với trò chơi các ngôn ngữ, văn phong, trò chơi lắp ráp kết cấu, trò chơi giấc mơ giữa thức và ngủ.
Đam mê văn chương và ước mơ viết những tác phẩm mới mẻ, cách tân, đoạn tuyệt với truyền thống cũ cả hình thức lẫn nội dung, cuộc đời ông là sự trả giá khắc nghiệt, ông phải luôn vật lộn chống lại nghịch cảnh, thành kiến, nghèo túng, bệnh tật, sự đè nén của xã hội. Tác phẩm của ông bị kiểm duyệt, bị cấm đọc, thậm chí bị đốt nữa, nhưng ông kiên trì sáng tạo. Tiếng tăm ông trở nên lừng lẫy khi Ulysses, một trong những tác phẩm vĩ đại và độc đáo nhất từ trước đến giờ được xuất bản vào năm 1922. Ông được đánh giá là nhà văn lớn của chủ nghĩa hiện đại châu Âu.
Các tác phẩm quan trọng của ông là:
Dubliners (Những cư dân thành phố Dublin, 1914), Portrait of the Artist as a young man (Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ, 1916), Ulysses (1922), Finnegan's wake (Finnegan tỉnh thức, 1939), mỗi tác phẩm đều có sự mới lạ và khác biệt trong ngôn ngữ và phương pháp tiếp cận so với các tác phẩm khác.
Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc
Sông Hương
truyện ngắn “Nỗi bất hạnh nhỏ” dưới đây của ông qua bản chuyển ngữ của Trần Ngọc Hồ Trường. Đây là một truyện không có truyện, đi sâu vào thế giới tâm trạng của con người, sử dụng người kể chuyện ngôi thứ ba, nhưng chọn điểm nhìn bên trong với lăng kính nội tâm của nhân vật chính. Môtíp chủ yếu của truyện là một cuộc gặp gỡ của nhân vật chính có tâm hồn nghệ sĩ ở tỉnh lẻ với người bạn “thành đạt trong báo chí” ở thủ đô về quê nhà. Từ đó gây ra những chuyển biến xáo trộn mơ mộng bên trong tâm hồn nhân vật chính trước, trong và sau cuộc gặp gỡ. Đặc biệt là sự đụng chạm giữa giấc mơ văn chương bay bổng và cuộc đời thường nhật chật hẹp nhỏ nhen. Nhân vật trong truyện có một chút gì gần giống như nhân vật Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao nhưng với một cách viết khác.
                                                            BỬU giới thiệu


Tám năm trước y tiễn bạn ra đi North Wall và chúc bạn may mắn. Gallaher thành đạt: người ta có thể nói ra điều đó nhờ vào vẻ của một người đi nhiều, bộ trang phục vải tuýt tươm tất và giọng nói tự tin của hắn. Có rất ít người tài năng như hắn, lại càng ít hơn những người vẫn còn đàng hoàng dù thành đạt như thế. Gallaher chân thành và xứng đáng được trở nên thành đạt. Có một người bạn như vậy gọi là một điều đáng nói. Suốt lúc ăn trưa tới giờ, Chandler Bé luôn nghĩ đến cuộc gặp sắp diễn ra với Gallaher, đến lời mời của Gallaher và thành phố London kỳ vĩ nơi Gallaher sống. Y bị gọi là Chandler Bé vì dù tầm vóc y chỉ dưới trung bình một chút thôi nhưng làm cho ta có cái cảm giác y là thường nhỏ con. Tay y nhỏ và trắng, dáng vóc y mảnh khảnh, giọng nói lặng lẽ còn phong thái thì tao nhã. Y hết sức chăm chút cho mái tóc mềm mại cùng râu mép của mình và kín đáo dùng nước hoa cho khăn tay. Những chiếc móng tay hình bán nguyệt của y thật điệu đà và khi y cười, bạn có thể thoáng thấy một hàng răng trắng thơ ngây.
Ngồi trong bàn viết trong khách sạn Hoàng Đế, y nghĩ về những đổi thay trong tám năm ấy. Người bạn mà y biết ngày trước còn nghèo túng, xộc xệch giờ đã là một nhà báo danh giá trong làng báo London . Y thảng hoặc dừng trang viết, mệt mỏi nhìn ra cửa sổ. Ánh sáng mờ đục của hoàng hôn cuối thu phủ trên những thảm cỏ và lối đi. Nó hắt cơn mưa bụi vàng li ti vào những chị giữ trẻ nhếch nhác, vào những ông già lụ khụ đang gà gật ngủ trên băng ghế: nó lấp lóe trên mọi vật đang chuyển động - trên lũ trẻ đang nhảy la hét dọc theo những lối đi rải sỏi và trên những người đi ngang qua khuôn viên. Y ngắm hoàng hôn và nghĩ về cuộc đời: và (nhưng vẫn vậy khi y nghĩ về cuộc đời) y trở nên buồn bã. Một nỗi u sầu miên man xâm chiếm y. Y thấy tranh đấu để chống lại số phận là vô ích làm sao, điều đó là dấu hiệu của sự khôn ngoan mà tuổi tác đã trao cho y.
Y nhớ đến những tập thơ trên kệ sách ở nhà. Y mua chúng khi còn độc thân và nhiều buổi chiều, khi ngồi trong căn phòng nhỏ phía trước phòng ngoài, y muốn lấy xuống một tập và đọc cho vợ nghe. Nhưng nỗi thẹn thùng luôn giữ y lại: và do thế các tập thơ vẫn cứ còn trên kệ. Thỉnh thoảng y đọc lại vài vần thơ cho chính mình nghe và điều đó an ủi y.
Khi hết giờ làm việc, y đứng dậy rời khỏi bàn và nhã nhặn chào các bạn đồng nghiệp. Y vọt ra từ chiếc cổng tò vò kiểu cổ của khách sạn Hoàng Đế, dáng vẻ cụm rụm và bước nhanh xuống đường Henrietta. Hoàng hôn vàng vọt đang dần tàn và không khí trở nên nóng gắt. Một đám trẻ con đang tụ tập trong bụi mù trên đường. Chúng đứng dậy hoặc chạy hoặc bò lên những thềm trước các cánh cửa mở để hoặc ngồi chồm hổm như chuột trên các ngưỡng cửa. Y cặm cụi dấn bước qua những khu ổ chuột và những tòa lâu đài bỏ hoang đầy những bóng ma, nơi ngày trước giới quý tộc Dublin từng chè chén ầm ĩ. Không có kỷ niệm quá khứ nào trong y bởi tâm trí y đầy ắp những niềm vui hiện đại.
Y chưa từng đến quán bar Coless's nhưng y biết rằng đó là một bar nổi tiếng. Y biết ở nhà hát ra, người ta đến đó để ăn sò và uống rượu: và y nghe người ta nói bồi bàn ở đó nói tiếng Pháp và tiếng Đức. Bước nhanh trong đêm, y thấy những chiếc taxi đỗ xịch trước cửa quán bar và những bà mệnh phụ giàu có được các quý ông đi kèm theo, xuống xe và nhanh chóng bước vào. Họ bận những bộ đầm lòe loẹt và khoác áo choàng không tay. Mặt họ đánh phấn và họ đỡ váy đầm lên khi chúng chạm đất. Y luôn bước qua mà không quay đầu nhìn. Y có thói quen bước nhanh trên đường, dù là ban ngày hay bất cứ khi nào y thấy mình đang trên phố mà trời đã khuya, y sẽ vội vã bước, vẻ lo sợ và phấn khích. Tuy nhiên, thi thoảng y tìm kiếm nguyên nhân nỗi sợ của mình. Y chọn những con đường tối nhất và hẹp nhất, và khi y táo bạo bước tới, sự lặng yên của bước chân y, những hình dáng lặng yên vẩn vơ làm y lo lắng và thi thoảng âm thanh của những tiếng cười gần đâu có làm y run rẩy như một chiếc lá.
Y quẹo trái, xuôi theo đường Capel. Ignatius Gallaher trên báo chí London ! Tám năm trước, ai có thể biết điều đó? Tuy nhiên, giờ đây, nhìn lại quá khứ, y có thể nhớ lại nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có một tương lai sáng sủa ở bạn của y. Người ta từng nói Ignatius Gallaher phóng đãng. Tất nhiên khi đó hắn có giao du với những kẻ phóng túng, rượu chè và vay mượn tiền bạc tứ tung. Cuối cùng hắn dính vào chuyện mờ ám, liên quan đến tiền bạc: sau rốt, đó là một trong những lý do giải thích vì sao hắn ra đi. Nhưng không ai phủ nhận rằng hắn có tài. Ignatius Gallaher luôn có những điều gì đó gây ấn tượng cho bạn, dù bạn muốn hay không muốn. Ngay cả khi hắn rách rưới và cùng quẫn, hắn vẫn giữ một vẻ mặt tự tin. Chandel nhớ lại và việc nhớ lại làm cho má y ửng đỏ và tự hào. Một trong những lời nói của Ignatius Gallaher khi hắn đang ở trong một hoàn cảnh khá khó khăn:
- Nào, các cậu, đừng lo, hắn thường nói vô tư. Cái mũ không vành biết suy nghĩ cân nhắc của mình đâu rồi?
Đó là con người của Ignatius Gallaher: và khỉ thật, người ta chẳng thể nào không khâm phục hắn.

Chandaler Bé bước nhanh. Lần đầu tiên trong đời, y thấy mình thanh cao hơn những người y đi qua trên đường. Lần đầu tiên, tâm hồn y nổi dậy chống lại sự nhớp nhúa của đường Capel. Rất có thể là: nếu bạn muốn thành đạt, bạn phải ra đi. Bạn chẳng thể làm gì được ở Dublin . Khi băng qua cầu Grattan, y nhìn xuống sông, về phía bến cảng và thấy cảm thương cho những căn nhà tồi tàn còi cọc. Với y, chúng dường như là một đám kẻ lang thang tụ tập với nhau ở hai bên bờ sông, những chiếc áo khoác của chúng phủ đầy bụi và bồ hóng, bị toàn cảnh hoàng hôn làm cho mụ mị và đợi cơn gió lạnh đầu tiên của đêm về đánh thức, run rẩy rồi xéo đi. Y tự hỏi liệu y có thể viết nên một bài thơ để biểu hiện những ý tưởng của mình. Có lẽ Gallaher có thể sẽ đem chúng đăng trên báo chí London . Y có thể viết điều đó mới mẻ chăng? Y không chắc những ý tưởng muốn diễn tả bằng thơ là gì nhưng ý nghĩ rằng khoảnh khắc thơ ca chạm vào y đã mang đến cho y một niềm hy vọng non trẻ. Y mạnh dạn dấn bước.
Mỗi bước chân đưa y đến gần London hơn, xa hơn cuộc sống chừng mực phép tắc của y. Ánh sáng bắt đầu lấp lóa phía chân trời trong tâm tư của y. Y chưa quá già, mới ba mươi hai tuổi. Tính cách y có thể nói đã đến độ trưởng thành. Có rất nhiều những tâm trạng và cảm giác mà y muốn diễn tả bằng những câu thơ. Y cảm nhận được chúng. Y thử cân đo tâm hồn mình xem thử đó có phải tâm hồn của một thi sĩ. Y nghĩ, u sầu là nốt chủ đạo trong tính tình của mình nhưng sự u sầu đó được đức tin, sự nhẫn nại được lặp đi lặp lại và niềm vui giản dị làm dịu vơi đi. Nếu như y có thể diễn tả tâm hồn mình trong những tập thơ, chắc có lẽ sẽ có người đọc, y sẽ chẳng bao giờ nổi tiếng: Y biết như vậy. Y chẳng làm ngả nghiêng mọi người nhưng có thể cuốn hút được anh em bà con của y. Có lẽ các nhà phê bình Anh sẽ công nhận rằng y là một trong những nhà thơ của trường phái Xentơ nhờ vào tâm điệu u buồn trong thơ y: Chandler có những phần thơ phóng túng và duyên dáng... Nỗi buồn bâng khuâng tràn ngập những vần thơ ấy... Điệu Xentơ... Có chút thiếu sót là tên của y không có vẻ Ailen cho lắm. Có thể hay hơn là cái tên của mẹ y trước họ của y: Thomas Malone Chandler, hoặc hay hơn là: T.Malone Chandler. Y sẽ nói với Gallaher về điều đó.
Y theo đuổi những ý nghĩ miên man quá hăm hở đến mức đã đi quá mức đường cần đến và phải quay lại. Khi đến gần quán bar Corless's, nỗi bồi hồi bắt đầu áp đảo y và y dừng lại, ngập ngừng trước cửa. Cuối cùng, y mở cửa và đi vào.
Ánh sáng và tiếng ồn ào của quán bar làm cho y thoáng lừng khừng trên lối vào. Y nhìn loanh quanh nhưng những ly rượu xanh, đỏ làm mắt nhìn của y bị nhập nhoạng. Đối với y, quán bar dường như quá đông người và y có cảm giác mọi người đang tò mò nhìn ngó y. Y liếc nhanh sang trái và phải, (cau mày một chút để tạo nên vẻ nghiêm nghị), nhưng khi đã nhìn rõ hơn một tí, y thấy rằng không ai quay nhìn y: và đây, rõ rành rành là Ignatius Gallaher đang tựa lưng vào quầy bar, hai chân dang rộng cắm xuống đất.
- A Tommy, cậu đây rồi! Sao thế? Uống gì đây, mình đang uống uýtki: thứ này ngon hơn dùng nước giải khát. Uống sôđa? Lithia? Hay nước khoáng? Cậu uống gì mình uống nấy. Uống gì có vị một chút... Này, garçon(1), cho hai ly uýtki mạch nha... Vâng, từ khi mình gặp lần cuối, cậu thế nào rồi? Trời, chúng ta đã già đi biết bao. Này, cậu đã thấy dấu hiệu tuổi tác trên người mình chưa? Mặt chưa hốc hác và u ám hơn phải không?
Ignatius dỡ mũ ra và để lộ ra một cái đầu to, tóc húi cao. Mặt hắn nặng nề, tái nhợt và râu được cạo nhẵn. Đôi mắt màu lam xám của hắn giúp làm giảm đi vẻ xanh xao ốm yếu, nhẹ tỏa sáng trên chiếc cà vạt cam sặc sỡ. Giữa các chi tiết đối nghịch ấy là cặp môi dài ngoẵng, kì dị và nhợt nhạt. Hắn cúi đầu và lấy hai ngón tay dễ thương sờ vào nhóm tóc ít ỏi trên đỉnh đầu. Chandler Bé lắc đầu ngao ngán. Ignatius Gallaher đội mũ trên đầu trở lại.
- Nghề báo, hắn nói, làm người ta tàn tạ. Lúc nào cũng vội vàng hấp tấp, tìm đề tài và có khi chẳng tìm ra; và nữa, luôn phải có cái gì đó mới mẻ trong bài viết. Mình nói nhé, phải thoải mái vài hôm, kệ xác chuyện bài vở, tin tức. Có thể nói, mình được về quê cũ là mình mừng quá rồi. Cứ thư thả, nghỉ ngơi. Mình thấy khỏe ra nhiều khi về lại Dublin lem luốc dễ thương này. Tommy, thế là cậu đã đến đây. Cần nước lã không? Cứ nói.
Gallaher pha ly rượu uýtki của y thật loãng.
- Cậu không biết uống sao cho ngon à. Ignatius Gallaher nói. Mình uống nguyên chất.
- Mình có thói quen uống rất ít. Chandler Bé nhã nhặn nói. Gặp lại bạn bè cũ cũng chỉ uống chừng nửa ly. Vậy thôi.
- Nào, vâng, Ignatius Gallaher nói vui tươi, ly rượu này mừng tình bạn xưa cũ.
Họ cụng ly và uống.
- Mình có gặp lại một số bạn bè xưa cũ, Ignatius Gallaher nói: O'Hara đang lận đận. Nó làm gì?
- Chẳng làm gì cả, Chadler Bé nói. Nó thất cơ lỡ vận.
- Nhưng Hogan thì có địa vị rồi phải không?
- Vâng, nó làm ở Sở Địa chính.
- Có một buổi tối mình gặp nó ở London và nó có vẻ rất nhiều tiền... Chán cho O'Hara. Đen quá phải không?
- Còn do nhiều thứ khác. Chadler Bé nói cộc lốc.
Ignatius cười.
- Tommy, hắn nói, mình thấy cậu chẳng thay đổi chút nào. Cậu vẫn cứ là người nghiêm nghị như ngày xưa, thường la rầy mình những sáng chủ nhật khi mình bị đau đầu và tưa lưỡi. Cậu nên ít nhiều đi đây đi đó. Cậu có bao giờ đi đâu chưa, trong một chuyến du lịch nào đó?
- Mình có tới Isle of Man. Chadler Bé nói.
Ignatius cười.
Isle of Man ! Hắn nói. Nên đi Paris hoặc London, Paris hay hơn. Đến đấy cậu sẽ thích.
- Cậu đã đến Paris ?
- Mình đã đến! Mình đã lang thang ở đó.
- Nó có đẹp như người ta nói không? Chadler Bé hỏi.
Y hớp một chút rượu trong khi Ignatius Gallaher uống cạn ly.
- Đẹp? Ignatius Gallaher nói, nhấn giọng và chép miệng. Cậu biết đó, cũng không đẹp lắm. Nhưng tất nhiên nó đẹp... Cái nhìn là nhịp sống của Paris ... Vâng, không có thành phố nào vui tươi, năng động, dịch chuyển như Paris ...
Chandler bé uống cạn ly uýtki và sau một hồi trục trặc, y bắt gặp người bồi bàn. Y gọi hai ly nữa.
- Mình đã đến Moulin Rouge, Ignatius Gallaher tiếp tục khi người bồi bàn mang ly đi, và mình đã vào tất cả những quán cà phê đông khách nhất. Các quán ấy dành cho những người tự tin, không dành cho những anh chàng đạo đức giả như cậu!
Chandler Bé không nói gì cho đến khi người bồi bàn mang ra hai ly rượu; sau đó, y nhẹ cụng ly bạn và uống để đáp lại ly rượu bạn mời lúc đầu. Y bắt đầu thấy lâng lâng. Giọng điệu và cách ăn nói của Gallaher không làm y hài lòng. Có gì đó thô tục ở bạn trước đây y thấy không có. Nhưng có lẽ đó là hệ quả của cuộc sống ở London , trong sự hối hả và cạnh tranh của nghề báo. Vẻ duyên dáng cũ vẫn còn ẩn hiện trong phong cách phô trương mới xuất hiện. Và sau hết là Gallaher đã sống, đã từng trải, Chadler Bé nhìn lại ganh tỵ.
- Mọi thứ ở Paris đều vui tươi, Ignatius Gallaher nói. Người ta biết tận hưởng cuộc sống - và cậu có nghĩ như thế là đúng không? Nhưng cậu có muốn được sự vui thích hoàn hảo thì nên đến Paris . Và, mình muốn nói cho cậu biết ở đó người ta rất có cảm tình với người Ailen. Khi họ biết mình từ người Ailen tới, họ rất vồ vập với mình.
Chandler Bé hớp bốn, năm hớp rượu:
- Nói cho mình biết, y nói, có đúng là Paris đồi bại như người ta nói không?
Ignatius Gallaher lấy tay phải làm dấu thánh giá:
- Chỗ nào ở Paris cũng đồi bại, hắn nói. Tất nhiên, cậu sẽ thấy có những chỗ đúng đắn. Chẳng hạn các cuộc khiêu vũ của sinh viên. Nếu thích thì cậu sẽ thấy sôi động khi các cocottes (2) bắt đầu lẳng lơ. Mình nghĩ cậu biết họ rồi chứ?
- Mình có nghe họ về nói.
Ignatius Gallaher uống cạn ly uýtki và lắc đầu.
- À, hắn nói, cậu có thể nói những gì cậu thích. Không ở đâu mà phụ nữ có sức sống và phong cách như phụ nữ Paris .
- Như vậy đó là một thành phố đồi bại. Chandler rụt rè khẳng định, ý mình muốn nói là nếu như so sánh với London hoặc Dublin .
- London ! Ignatius Gallaher nói. Chỉ bằng sáu phần một, còn Dublin chỉ bằng một nửa. Cậu hỏi Hogan bạn mình ấy. Khi cậu đến London , mình có đưa cậu ấy đi chơi một vòng. Cậu ấy sẽ làm sáng mặt cậu ra. Này, Tommy, đừng có nhấp một tí tí như vậy. Uống cạn đi.
- Không thực sự là....
- Ô nào, một ly nữa cũng chả sao đâu. Gì vậy? Ly nữa nhé?
- À, ừ....
- François (3), hai ly nữa. Tommy, cậu hút thuốc chứ?
Ignatius móc thuốc ra. Hai người bạn mồi thuốc và lặng lẽ phì phèo cho đến khi rượu được mang đến.
- Mình nói cho cậu biết ý kiến của mình, Ignatius Gallaher nói, nhô người ra sau một hồi bị chìm khuất phía sau đám khói thuốc lá. Chuyện trò về chuyện đồi bại! Mình có nghe về một số trường hợp - mình đang nói gì vậy? Mình biết họ những kẻ... đồi bại.
Ignatius suy tư rít thuốc lá và sau đó, bằng giọng điệu êm đềm của một nhà sử học, hắn bắt đầu phác họa cho bạn thấy những bức tranh đồi bại đang lan tràn ở nước ngoài. Hắn tóm lược sự đồi bại của các thủ đô và dường như muốn trao cành cọ cho Berlin . Có những điều hắn không đoán chắc (bạn bè kể lại cho hắn) nhưng có những điều hắn rất rành nhờ từng trải. Hắn không tha cho giới nào, hạng người nào. Hắn tiết lộ nhiều bí ẩn của các cơ sở tôn giáo ở Lục địa và miêu tả những vụ cộm cán trong giới thượng lưu và kết thúc bằng việc kể chi tiết một câu chuyện về một nữ công tước Anh, một câu chuyện mà hắn tin là có thật. Chandler Bé kinh ngạc.
- À, vâng, Ignatius Gallaher nói, chúng ta đang ở Dublin già nua làng nhàng, nơi chẳng có những chuyện như thế.
- Cậu sẽ thấy nó tẻ nhạt làm sao, Chandler Bé nói, sau khi cậu đã được đến những nơi khác!
- Vâng, Ignatius Gallaher nói, trở về đây thấy thật thư thả, cậu biết đó. Và, nói cho cùng thì như người ta nói, đây là quê cũ, đúng không? Mình không thể không có sự cảm thông với nó. Đó là bản tính của con người... Nhưng nói cho mình biết vài điều về cậu. Hogan nói với mình là cậu đã... nếm được mùi hạnh phúc vợ chồng. Hai năm rồi phải không?
Chandler Bé đỏ mặt và mỉm cười.
- Vâng, y nói. Mình đã cưới vợ được mười hai tháng, vào tháng năm năm ngoái.

- Mình hy vọng là giờ này mình chúc cậu lời chúc tốt đẹp nhất cũng chưa trễ, Ignatius nói. Mình không biết địa chỉ cậu nếu không lúc đó mình đã gửi lời chúc đến cậu.
Hắn đưa tay và Chandler Bé bắt tay hắn.
- Vâng, Tommy, hắn nói, mình chúc vợ chồng cậu hạnh phúc, tiền bạc rủng rỉnh và cậu sẽ chẳng bao giờ chết cho đến khi mình bắn cậu. Và đó là lời chúc của một người bạn cũ và chân thành. Cậu biết thế chứ?
- Mình biết thế, Chandler Bé nói.
- Có con chưa? Ignatius Gallaher nói.
Chandler Bé lại đỏ mặt
- Tụi mình có một đứa, y nói.
- Con trai hay con gái?
- Một chú nhóc.
Ignatius vỗ vào lưng bạn cái phịch.
- Hoan hô, hắn nói, không ngờ cậu đó Tommy.
Chandler Bé mỉm cười, nhìn ly rượu bối rối và lấy ba chiếc răng cửa ngây thơ cắn vào môi dưới.
- Mình hy vọng cậu sẽ dùng một buổi chiều đến chỗ chúng mình chơi trước khi về London , y nói. Vợ mình sẽ rất vui khi được gặp cậu. Chúng ta sẽ nghe nhạc và...
- Rất cảm ơn cậu, Ignatius Gallaher nói. Mình xin lỗi là mình không thể đến được. Tối mai mình phải đi rồi.
- Tối nay, cậu có thể...?
- Rất tiếc không được. Cậu biết đó, mình về đây cùng với một người, cũng là một tay trẻ trung thông minh, và chúng mình sẽ đến một sòng bạc nhỏ. Chỉ để...
- Ô, trong trường hợp...
- Nhưng ai biết, Ignatius Gallaher thận trọng nói. Năm tới có thể mình sẽ nhảy về đây, khi đó mình sẽ đến cậu. Đây chỉ là chuyện để dành niềm vui ấy mà.
- Hay lắm, Chandler Bé nói, năm tới cậu phải dành cho chúng mình một buổi chiều. Giờ đồng ý như vậy nhé?
- Vâng, đồng ý, Ignatius Gallaher nói. Parole d'honneur (4), nếu năm tới mình về.
- Và để giải quyết dứt điểm chuyện hứa hẹn, Chandler Bé nói, chúng ta sẽ uống thêm một ly nữa.
Ignatius lấy chiếc đồng hồ to màu vàng ra và xem giờ.
- Ly cuối cùng nghe? Hắn nói. Vì cậu biết đó, mình có một cuộc hẹn.
- Vâng, chắc chắn, Chandler Bé nói.
- Vâng, Ignatius Gallaher nói, chúng ta uống một ly nữa, một deoc an doruis (5) - một cụm thổ ngữ thích hợp để chỉ một ly wisky nhỏ.
Chandler Bé gọi rượu. Vẻ ửng đỏ thoáng nổi lên trên mặt y rồi lan ra, đỏ bừng khắp mặt. Một chuyện nhỏ cũng có thể làm cho y đỏ mặt vào bất cứ lúc nào: và giờ đây y thấy người bừng bừng và phấn khích. Ba ly uýt ki nhỏ đã đi vào đầu y và điếu xì gà nặng đô của Gallaher đã làm cho đầu óc y rắm rối, bởi y là người kiêng rượu và ốm yếu. Cuộc gặp gỡ đầy kích động với Gallaher sau tám năm, việc tìm thấy chính mình trước Gallaher ở quán bar Corless's trong sự bao vây của tiếng ồn ào và ánh sáng đèn, việc lắng nghe những chuyện kể của Gallaher và chia sẻ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi với Gallaher về cuộc đời thành đạt và được đi nhiều của hắn đã làm chao đảo sự thăng bằng trong bản tính dễ bị tổn thương của y. Y cảm nhận sâu sắc sự đối lập giữa cuộc đời y và cuộc đời bạn y và đối với y, điều đó dường như là không công bằng. Gallaher tuổi tác nhỏ hơn và học vấn thấp hơn y. Y chắc rằng y có thể làm được những điều gì đó hay đẹp hơn những gì bạn y đã làm hoặc có thể làm, một điều gì đó cao đẹp hơn sự hào nhoáng của nghề báo nếu như y có cơ hội. Điều gì đã ngăn trở y? Sự rụt rè nhút nhát đáng tiếc! Y đã nhìn thấy điều gì đó phía sau việc Gallaher từ chối lời mời của y. Gallaher đã nhân danh tình bạn mà đối xử kẻ cả với y, cũng như đã nhân danh chuyến về thăm mà đối xử kẻ cả với Ailen.
Người bồi bàn mang rượu ra. Chandler Bé đẩy một ly về phía bạn và tự tin cầm ly kia lên.
- Ai mà biết được? Y nói khi họ nâng ly. Năm tới khi cậu về biết đâu mình sẽ có được niềm vui là chúc ông bà Ignatius Gallaher sống lâu và hạnh phúc...
Ignatius vừa uống ly rượu vừa diễn cảm nhắm một mắt lại phía trên miệng ly. Khi đã ngà ngà, hắn thích thú chép miệng, đặt ly rượu xuống và nói:
- Này cậu, chẳng phải lo quái gì về chuyện đó. Mình cần phải chơi, tận hưởng cuộc đời trước khi lấy vợ, nếu như mình sẽ có vợ.
- Một ngày nào đó cậu sẽ..., Chandler Bé nói lặng lẽ.
Ignatius chồm người, nhô chiếc cà vạt và mở to đôi mắt nhìn bạn.
- Cậu nghĩ vậy sao? Hắn nói.
- Cậu sẽ có vợ. Chandler Bé nói chắc nịch lặp lại, như mọi người khác nếu như cậu gặp được cô gái như ý.
Y hơi nhấn giọng và y biết rằng y đã biểu lộ ra hết con người của mình; nhưng dù cho má y đã ửng đỏ hơn, y vẫn không thấy nao núng trước cái nhìn của bạn y. Ignatius Gallaher nhìn y một hồi và nói:
- Nếu chuyện đó xảy ra, cậu cầm chắc là sẽ thấy không bình thường. Mình muốn làm tiền. Cô ta phải có một tài khoản mập ú ở ngân hàng, nếu không cô ta sẽ không thích hợp với mình.
Chandler Bé lắc đầu.
- Sao, cậu có biết sống là gì không? Ignatius Gallaher nói quyết liệt. Mình nói là ngày mai mình sẽ có cô gái ấy và tiền. Cậu có tin không? Vâng, mình chắc là vậy. Có hàng trăm - mình đang nói gì vậy? Hàng ngàn các em Đức và Do Thái rủng rỉnh tiền, nên mừng vì thế. Cậu cứ đợi đấy, xem thử mình có chơi được một nước bài tuyệt chiêu hay không. Mình nói là mình sẽ làm. Cậu cứ đợi.
Hắn đưa ly vào miệng uống cạn ly rượu và cười lớn. Sau đó hắn trầm ngâm rồi lặng lẽ hơn nói:
- Nhưng mình không vội. Người ta phải biết đợi. Mình không muốn buộc mình vào một người phụ nữ, cậu hiểu chứ?
Y chép miệng, nuốt nước bọt và nhăn mặt.
- Phát chán, y nói.

Chandler Bé ẵm đứa bé trên tay ngồi trong phòng phía trước phòng ngoài. Để tiết kiệm tiền bạc họ không thuê người giúp việc nhưng Monica, em gái của Annie thỉnh thoảng sáng hoặc chiều đến để phụ giúp. Nhưng Monica đã về quê từ lâu. Bây giờ là chín giờ kém mười lăm. Chandler Bé về nhà muộn, không mua trà được và hơn thế y cũng đã quên không mua cho Annie bịch cà phê ở cửa hiệu Bewley's. Tất nhiên thị bực dọc và trả lời y nhát gừng. Thị nói thị chẳng thể làm gì được nếu không có trà và khi gần đến giờ cửa hiệu ở góc đường phía trước nhà đóng cửa, thị quyết định đi ra ngoài để mua mười lăm xu trà và hai pao đường. Thị khéo léo đặt đứa bé lên tay y và nói:
- Nè. Đừng có làm cho nó thức dậy đó.
Một chiếc đèn nhỏ có chao bằng sứ trắng đứng trên bàn và ánh sáng của nó đổ tràn lên trên bức ảnh trong khung bằng sừng sần sùi. Đó là ảnh của Annie. Chandler Bé nhìn bức ảnh và dừng mắt ở đôi môi mỏng mím chặt. Thị mặc chiếc áo choàng mùa hè màu xanh lợt mà y đã mua làm quà cho thị vào ngày Thứ Bảy. Chiếc áo ấy tiêu mất của y mười pao mười một nhưng nó đã làm cho y đau đớn sợ hãi làm sao. Hôm đó y phải khổ sở biết bao, phải đợi ở cửa hiệu cho đến khi hết người, đứng ở quầy tính tiền và cố tỏ ra thoải mái trong khi cô ả bán hàng đem ra một chồng áo choàng nữ, trả tiền ở quầy và quên nhận lại tiền thối, bị gọi lại và cuối cùng, cố giấu vẻ mặt ửng đỏ khi rời cửa hiệu bằng cách kiểm tra lại xem thử gói áo đã được gói kỹ chưa. Khi mang áo về nhà, Annie hôn y và bảo chiếc áo rất đẹp và mốt; nhưng khi nghe nói đến giá thì thị vứt chiếc áo lên bàn và nói rằng trả mười pao mười một là đã bị hớ. Lúc đầu thị muốn trả áo lại nhưng mặc thử thị rất thích, đặc biệt là thích hai tay áo. Thị hôn y và nói y thật dễ thương vì đã nghĩ đến thị.
Hừm!....
Y lạnh nhạt nhìn vào đôi mắt trong bức ảnh và chúng cũng lạnh nhạt nhìn lại y. Chắc chắn rằng ấy là đôi mắt đẹp và khuôn mặt trong ảnh cũng đẹp. Nhưng y thấy trên khuôn mặt ấy có điều gì đó xấu xí. Sao nó vô tình và kiêu kỳ vậy? Sự điềm tĩnh của đôi mắt trêu tức y. Chúng cự tuyệt và coi thường y: không có sự mê say và cảm xúc trong đôi mắt ấy. Y nghĩ đến những lời Gallaher nói về các cô gái Do Thái giàu có. Những đôi mắt đen Phương Đông, y nghĩ, tràn ngập cảm xúc và khát khao, khêu gợi làm sao! Tại sao y phải cưới đôi mắt trong bức ảnh kia?
Y miên man với câu hỏi ấy và sợ hãi liếc quanh phòng. Y thấy có điều gì đó xấu xí ở những vật dụng, y mua trả góp cho ngôi nhà. Annie đã chọn chúng và chúng đã gợi nhắc đến thị. Nỗi oán giận lờ mờ đối với cuộc đời bừng thức dậy trong y. Y có thể trốn thoát khỏi căn nhà nhỏ của y không? Bây giờ gắng sống táo bạo như Gallaher có quá trễ không? Y có thể đến London được không? Còn có những vật dụng chưa được trả hết tiền. Giá như y có thể viết một cuốn sách và cho xuất bản thì điều đó sẽ mở ra một con đường cho y.
Một tập thơ của Bairơn nằm trên bàn trước mặt y. Y thận trọng lấy tay trái mở tập thơ vì sợ rằng sẽ làm cho đứa bé thức dậy và bắt đầu đọc bài thơ đầu tiên trong tập thơ:
Gió lặng, chiều u ám,
Chẳng còn ai vẩn vơ,
Trong khu rừng nho nhỏ,
Khi tôi trở lại thăm
Mộ người tôi yêu dấu
Vãi hoa lên xương tàn.
Y dừng lại. Y nghe những âm điệu của các dòng thơ ấy chờn vờn bay quanh y. Chúng u buồn làm sao! Y cũng có thể viết được những dòng thơ như thế để diễn tả nỗi u hoài trong hồn mình? Có rất nhiều điều y muốn diễn tả: chẳng hạn cảm xúc của những lần đứng trước cầu Grattan. Giá như những cảm xúc ấy có thể trở lại...
Đứa bé thức dậy và bắt đầu khóc. Y lật trang thơ và cố dỗ nó: nhưng nó không chịu dỗ. Y bắt đầu đòng đưa nó tới lui trên cánh tay nhưng nó càng gào khóc dữ dội. Y đòng đưa nó nhanh hơn và bắt đầu đọc đoạn hai:
Đất mộ sâu nàng tựa,
Đất nơi xưa...
Vô ích. Y không thể đọc được. Y chẳng có thể làm được bất cứ điều gì. Tiếng gào khóc của đứa bé xuyên thủng màng nhĩ y. Vô ích, vô ích! Y là tù nhân của cuộc đời. Cánh tay y run lên vì giận và bất chợt y cúi xuống thét vào mặt đứa bé:
- Im đi!
Đứa bé im một lát, co thắt lại vì sợ rồi bắt đầu gào lên. Y nhảy xuống ghế, ôm đứa bé trong tay bước nhanh tới lui trong phòng. Nó bắt đầu nấc lên thảm thương. Hụt hơi bốn năm giây và sau đó lại òa lên nấc. Các bức tường mỏng của căn phòng vọng lại tiếng nấc. Y cố vỗ về nó nhưng nó càng nấc lên dữ dội. Y nhìn vào khuôn mặt co rúm, run rẩy của đứa bé và bắt đầu thấy sợ. Y đếm thấy có bảy tiếng nấc liên tiếp và sợ hãi ôm đứa bé vào ngực. Nếu như nó chết!...
Cửa bung ra và một phụ nữ trẻ chạy vào, thở hổn hển.
- Sao vậy? Sao vậy? Thị gào lên.
Đứa bé nghe giọng mẹ nó vỡ òa lên nấc tức tưởi.
- Không sao cả, Annie... Không sao... Y bắt đầu mếu máo. Thị vứt gói trà và đường xuống nền nhà và giật đứa bé từ tay y.
Chandler Bé chống chế cái nhìn của thị và lòng y quặn lại khi bắt gặp sự căm ghét trong đôi mắt đó. Y bắt đầu lắp bắp:
- Không có gì... Nó... nó khóc... Anh không thể... Anh không biết làm gì cả... Mà sao nào?
Không để ý đến y, thị ôm chặt đứa bé trong tay bước tới bước lui trong phòng và dỗ dành:
- Cục cưng của mẹ! Cục cưng của mẹ! Con sợ hả con? Mẹ đây này! Mẹ đây!... Âu ơ... Cục cưng yêu quý nhất trên đời của mẹ! Mẹ đây nè!
Chandler Bé thấy má mình bừng lên xấu hổ và y đến đứng ở ngoài vòng sáng của chao đèn, lưng quay về phía nó. Y lắng nghe tiếng nấc lặng dần, lặng dần; và nước mắt hối hận trào dâng trong mắt.
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch
(Từ Dubliners, NXB David Campbell Publishers Ltd., London, 1991)
(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)

----------------
(1) garçon (tiếng Pháp nguyên bản): bồi.
(2) Cocottes (Tiếng Pháp trong nguyên bản): Cô gái lẳng lơ.
(3) François (tiếng Pháp trong nguyên bản): bồi.
(4) Parole d'honneur (tiếng Pháp trong nguyên bản): hứa danh dự.
(5) Deoc an doruis: Tiếng Xentơ của người Ailen.

Các bài mới
Các bài đã đăng