Tạp chí Sông Hương - Số 229 (tháng 3)
Sông Hương dòng sông huyền thoại
11:09 | 10/09/2008
TRƯƠNG THỊ CÚCTừ buổi hồng hoang của lịch sử, hình ảnh ban đầu của xứ Huế chỉ thấp thoáng ẩn hiện qua mấy trang huyền sử của đất nước Trung Hoa cổ đại. Tài liệu thư tịch cổ của Trung Quốc đã kể lại từ năm Mậu Thân đời vua Đường Nghiêu (2353 năm trước Công nguyên), xứ Việt Thường ở phương Nam đã đến hiến tặng vua Nghiêu con rùa thần từng sống qua ngàn năm tuổi.

Vua Nghiêu đã mô phỏng theo hình dạng chữ khoa đẩu trên lưng rùa thần để sáng tạo nên lịch rùa (theo sách Cương Mục Tiền Biên của Kim L‎‎ý Thường và Thống Chí của Trịnh Tiều). Có lẽ đây là loại lịch sớm nhất của loài người. Đến năm Tân Mão đời vua Thành Vương nhà Chu (1063-1026 trước Công nguyên), x Việt Thường lại ba lần sai sứ đến cống chim trĩ trắng (theo Sử Ký của Tư Mã Thiên). Xứ Việt Thường nằm ở nơi nào hiện nay cũng mơ hồ như huyền sử, nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn vẫn khẳng định đất Kinh sư (nay là Thừa Thiên Huế) “là đất Việt Thường thị”(1). Không rõ vào lúc đó rùa thần có bơi lội trên dòng sông Hương hay không, nhưng loài chim trĩ thì đến nay vẫn còn quyến luyến quanh các khu rừng đầu nguồn sông Hương.
Trên vùng đất nầy, về phía thượng lưu sông Hương, nhóm cư dân Tà Ôi vẫn còn lưu giữ truyền thuyết về sự ra đời của con người khá ly kỳ. Chuyện kể rằng từ ngàn xưa, lúc trời đất bị thảm họa, loài vật chỉ còn lại hai “cô cậu” chó đực và chó cái, con người lại chưa có mặt. Vào lúc trời hạn hán, sông suối cạn kiệt, đôi chó duy nhất còn lại trên mặt đất đã vượt qua nhiều núi đồi hiểm trở mới tìm được nguồn nư
c. Chó cái đang bụng mang dạ chửa phải lê mình đến bên bờ suối. Đúng lúc chúi mình xuống uống nước cũng là lúc chó cái chuyển dạ, sinh ra một quả bầu dài. Một nửa quả bầu nằm dưới nước, nửa còn lại nằm vắt trên bờ. Qua nhiều tháng liền, nửa quả bầu trên bờ bị nắng hạn nung nóng đen thẫm, nửa ngâm dưới nước trở nên trắng hơn. Khi mùa xuân đến thì quả bầu vỡ ra và những con người đầu tiên từ lòng quả bầu vươn dậy. Số người nằm ở nửa quả bầu trên bờ có nước da ngăm đen, những người nằm ở nửa quả bầu dưới nước có làn da trắng hơn. Số người có làn da trắng hơn xuôi theo dòng sông về đồng bằng sinh sống và trở thành người Kinh. Những người có làn da ngăm đen đi ngược về đầu nguồn tìm rừng phát rẫy, trở thành người Tà Ôi bây giờ(2). Câu chuyện cổ kể về sự tích Kinh-Thượng được sinh ra cùng một quả bầu ở Trị Thiên Huế phảng phất dấu ấn tương đồng với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở thành trăm con, 50 con theo mẹ lên rừng, 50 con theo cha xuống biển của người Việt. Huyền thoại từ đầu nguồn sông Hương đến nay vẫn được người Tà Ôi lưu giữ dưới hình thức chuyện kể An xoar trong sinh hoạt cộng đồng của vel, rẫy.
Cũng từ dòng sông nầy, xuôi về phía hạ lưu, tại làng Khuất Phố trước đây, nay là làng Hải Cát, huyện Hương Trà, những cư dân Chăm đã dựng đền thờ thần Mẹ xứ sở Po Yan Inư Nagar tại núi Ngọc Trản. Hình ảnh người mẹ sáng tạo thế giới của dân tộc Chăm tiếp tục được người Việt, nhất là các đời vua triều Nguyễn tôn thờ dưới hình thức chuyển hóa thành nữ thần Việt: Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Đặc biệt dưới thời Đồng Khánh, vừa lên ngôi nhà vua đã cho tôn tạo, đổi tên đền Ngọc Trản thành điện Huệ . Đại Nam Thực Lục đã ghi: “Vua khi còn ẩn náu thường chơi xem núi ở đấy, mỗi khi đến cầu khẩn, phần nhiều có ứng nghiệm. Đến nay vua phê bảo rằng: “Đền Ngọc Trản thực sự là núi Tiên nữ linh sơn sáng đẹp muôn đời, trông rõ hình thế như con sư tử uống nước sông, quả là nơi chân cảnh thần tiên. Đền ấy nhờ được linh khí đắc nhất, cứu người độ đời, giúp cho phúc lộc hàng muôn, giúp dân giữ nước. Vậy cho đổi đền ấy làm điện Huệ , để biểu hiện ơn nước một phần trong muôn phần”(3).
Tương tự như đền thờ thần Mẹ xứ sở của người Chăm trở thành Tiên nữ linh sơn bên bờ sông Hương, dọc theo dòng sông nầy, những hình tượng Chăm bằng đá lạ lại được người Việt tôn thờ thành những nữ thần linh thiêng, đi kèm với huyền thoại dân gian ly kỳ. Tại làng Thanh Phước huyện Hương Trà, Đại Nam Nhất Thống Chí đã cho biết: “Tương truyền, tr
ước
có một người chài bủa lưới ở sông. Khi kéo lưới lên thấy nặng, bèn lặn xuống nước xem biết là có viên đá vướng lưới, bèn dời đi khúc sông khác. Đến đêm, mộng thấy một bà già bảo rằng: “Ta đây là thần, nếu đem được ta lên bờ, ta sẽ phù hộ”. Ngày hôm sau, người chài họp những người đồng bọn lặn xuống sông khiêng đá lên bờ,... đem để ở chỗ sạch sẽ rồi dựng đền tranh để thờ. Từ đấy tỏ ra linh ứng. Hồi đầu bản triều phong là “Kỳ Thạch phu nhân chi thần”(4). Ngôi đền Kỳ Thạch phu nhân với bức phù điêu Civa múa đến nay vẫn còn được người dân làng Thanh Phước gìn giữ, tế lễ hàng năm.
Ở tận cuối nguồn sông Hương, bên bãi Bát Thát gần cửa biển Thuận An, một tảng đá thiêng có hình tượng như người đàn bà có thai đã được người dân lập đền thờ phụng với danh hiệu Thai Dương phu nhân (bà Dàng có thai). Danh hiệu Thai Dương đã trở thành tên của làng Thai Dương. Tương tự như Kỳ Thạch phu nhân, Đại Nam Nhất Thống Chí cũng cho biết: “Tương truyền trước có người dân trong xã tên là Bố, đánh cá ở cửa biển, một hôm mưa gió tối tăm, đến nửa đêm mưa tạnh trời quang, Bố thấy cạnh bờ có viên đá kỳ dị, bèn v xoa, rồi ngủ đi, chợt mộng thấy một người đàn bà nhan sắc đẹp đẽ nói: “Ta đây là Thai Dương phu nhân, mi là người phàm, sao dám nhờn như thế? Phải đi ngay”. Bố giật mình tỉnh giấc biết là đá thần, liền khấn ngay rằng: “Nếu đá có thiêng, xin phù hộ cho tôi đánh cá được”. Từ đấy mỗi ngày đánh cá được càng nhiều, bèn dựng đền tranh ở bến sông để thờ viên đá... Từ đấy lừng lẫy anh linh. Hồi đầu bản triều cầu gió thường được linh ứng, bèn sửa làm đền miếu, có lệ quốc tế”(5). Tục thờ cúng Bà Dàng có thai còn gắn liền với câu chuyện dân gian bi thảm về cuộc tình duyên oan nghiệt của đôi trai gái người Chăm, gốc gác là anh em ruột, do lưu lạc từ nhỏ, lớn lên gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ. Lúc người vợ mang thai, tình cờ người chồng phát hiện vợ mình chính là em gái nên lặng lẽ bỏ đi. Người vợ ngày đêm mong ngóng chồng đến hóa đá. Tập tục thờ cúng Bà Dàng cuối năm âm lịch ở Thai Dương đã đi vào tục ngữ xứ Huế, mô tả đầy đủ trình tự bốn ngày chăm
sóc, tắm rửa, trang sức và tế lễ tượng thần:
Hai mươi làm tốt
Hai mốt xỏ tai
Hai hai đeo hoa
Hai ba tế Dàng.
Và cũng bên dòng sông Hương, những huyền thoại thuần Việt lại tiếp tục nẩy sinh. Vào năm 1696, khi Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán đến Thuận Hóa giúp chúa Nguyễn Phúc Chu, nhân làm hai bài thơ về chùa Thiên Mụ cũng đã nhắc đến:
Trích tiên chuyện cũ truyền Thiên Mụ
 Hồn mộng mơ màng trở lại đây
(6).
Câu chuyện tiên nữ bị đày (trích tiên) ở chùa Thiên Mụ đã được Nguyễn Khoa Chiêm kể lại trong bộ Nam Triều Công Nghiệp Chí viết năm 1719: “Một hôm chúa nhân khi nhàn hạ đi du ngoạn các nơi núi non sông biển, chẳng đâu không khắp. Khi đến xã Hà Khê, huyện Hương Trà, thấy giữa chốn đồng bằng đột khởi một gò đồi cao dáng tựa như chiếc đầu rồng đang ngoái nhìn về phía núi mẹ. Đoan vương Nguyễn Hoàng trong bụng lấy làm ưa thích, bèn trèo lên đồi cao ngắm nhìn khắp xung quanh, chợt thấy một đoạn hào đào cắt ngang dưới chân núi. Nguyễn H
oàng thầm nghĩ lấy làm tiếc, chưa biết nguyên do ra sao. Sau đó Đoan vương tìm người địa phương hỏi thăm ngọn đồi kia tên gọi là gì. Người địa phương thưa rằng:
- Chúng tôi là dân mọn, chỉ nghe lời truyền của các cụ ngày xưa bảo rằng: Núi nầy rất linh thiêng, khoảng đời nhà Đường có viên đại tướng tên là Cao Biền từng đi khắp nơi núi non sông biển nước ta xem những nơi nào có vượng khí linh thiêng thì tìm cách cắt yểm đi, ý là muốn cướp đoạt nước Nam ta. Cao Biền thấy trên núi nầy có khí thiêng bèn đào phía sau chân để cắt mạch đi khiến cho linh thiêng về sau không cư tụ được. Đêm hôm ấy bỗng có một người đàn bà thể sắc trông thì còn trẻ, nhưng mày tóc bạc phơ, mình vận áo đỏ quần xanh ngồi dưới chân núi kêu gào than vãn, rồi cất tiếng nói to: “Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều, thì nên lập chùa thờ Phật, cầu thỉnh linh khí trở về nơi núi nầy để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo”. Người đàn bà ấy nói xong liền biến mất. Dân trong vùng ghi nhớ lấy hình dáng bà ấy, đặt tên là núi Thiên Mụ. Ấy là sự tích người xưa truyền lại như thế, đúng sai ra sao, bọn dân chúng tôi không biết rõ, mong tôn ông minh xét.
Nguyễn Hoàng nghe nói cả mừng bảo rằng:
- Ấy là bà lão bảo ta mở nền định đất, biến nhà thành nước để nên nghiệp lớn.
Nói đoạn, sai người cất dựng chùa Phật, viết biển đề chữ “Thiên Mụ tự”. Từ đó dân chúng tới cầu khẩn đều thấy linh thiêng ứng nghiệm”(7).

Khởi đầu từ những huyền thoại về rùa thần và chim trĩ trắng, về quả bầu sản sinh loài người ở vùng đầu nguồn sông Hương, những huyền thoại gắn với dòng sông nầy về sau lại mang hình tượng của những vị nữ thần: Từ thần Mẹ xứ sở Po Yan Inư Nagar – Thiên Y A Na đến Kỳ Thạch phu nhân, Thai Dương phu nhân và bà tiên Thiên Mụ mày tóc trắng phơ, vận áo đỏ quần xanh trên đồi Hà Khê đều mang đậm yếu tính nữ, yếu tính của dòng sông Hương. Đến thời hiện đại, trên dòng sông thơ mộng nầy, một huyền thoại mới đầy chất thơ lại xuất hiện tiếp. Huyền thoại mới không còn phảng phất phong vị truyền thuyết ly kỳ, huyền bí nhưng vẫn rất huyễn hoặc, thu hút lòng ngưỡng mộ của nhiều người Huế và du khách: Huyền thoại trường Đồng Khánh.
Không rõ từ những ngày đầu mới thành lập năm 1917, ngôi trường nữ bên dòng sông Hương quy tụ những tiểu thư đài các một thời đã tạo nên những ấn tượng gì ở xứ kinh kỳ, nhưng theo dần với thời gian, ngôi trường nữ sinh Đồng Khánh với những chiếc nón nghiêng, những tà áo dài rợp hai bờ sông, rợp cả con đò ngang Thừa Phủ và cầu Trường Tiền đã là một thế giới kỳ lạ của riêng Huế: dịu dàng, kín đáo, đài các, mơ hồ và rất huyễn hoặc, huyễn hoặc như một huyền thoại thu hút nhiều chàng trai xứ Huế. Ngày nay ngôi trường đã thay tên gọi. Thế giới độc đáo chỉ riêng có của nữ sinh Huế đã bị phá vỡ bởi những khuôn mặt của học sinh nam, sinh hoạt học đường cũng không còn những nét đầy nữ tính công-dung-ngôn-hạnh. Con đò Thừa Phủ một thời cũng mất bóng. Tiếng guốc của nữ sinh không còn khua vang trên các nhịp cầu Trường Tiền. Chất thơ của dòng sông xem chừng cũng đang bị nhiều áp lực đe dọa. Ngôi trường Đồng Khánh thuở nào nay đã trở thành một huyền thoại, chỉ còn đọng lại trong k‎‎ý ức của lớp người lớn tuổi và chuyện kể về Huế một thời. Biết đến bao giờ dòng sông Hương lại xuất hiện thêm một huyền thoại mới.
Ngày ấy chắc cũng mơ hồ như một huyền thoại.
T.T.C
(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)

 

-----------------------------
(1) Quốc Sử quán triều Nguyễn – Đại Nhất Thống Chí. Bản dịch Phạm Trọng Điềm. T.1. Thuận Hóa. 1997. Tr. 13.
(2) Trần Nguyễn Khánh Phong – Tiếp cận truyện cổ Tà Ôi. Tạp chí Sông Hương. Số 219 tháng 5. 2007. Tr. 63-64.
(3) Quốc Sử quán triều Nguyễn – Đại Thực Lục. Bản dịch Viện Sử học. T.37. Hà Nội, Khoa học Xã hội. 1977. Tr. 127-128.
(4), (5) Quốc Sử quán triều Nguyễn – Đại Nhất Thống Chí. Sđd. Tr. 114-115.
(6) Thích Đại Sán – Hải Ngoại Ký Sự. Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt . Huế. Viện Đại học Huế. 1963. Tr. 200.
(7) Nguyễn Khoa Chiêm – Triều Công Nghiệp Diễn Chí. Bản dịch Ngô Đức Thọ (dưới nhan đề Trịnh Nguyễn Diễn Chí) T.1. Huế. Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên. 1986. Tr. 110-113.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng