Tạp chí Sông Hương - Số 229 (tháng 3)
Về căn nguyên bản chất văn học
14:39 | 10/09/2008
NGUYỄN DƯƠNG CÔN(Trao đổi về tiểu luận Văn học như là tư duy về cái khả nhiên của Trần Đình Sử, Văn Nghệ số 24 ngày16/6/2007)

Gần đây, trên trên tuần báo Văn Nghệ, số 24 ra ngày 16-6-2007, Trần Đình Sử trong bài tiểu luận: Văn học như là tư duy về cái khả nhiên, đã đưa ra một quan niệm cùng lô-gíc như là mới lạ về bản chất và căn nguyên của bản chất văn học. Đặt ra và giải quyết vấn đề về bản chất của văn học luôn là một công việc thường xuyên và cần thiết. Thật ra, dù ở thời điểm nào, dù với thành tựu rực rỡ đến mấy, đối với khoa văn học, bản chất con người cũng như bản chất văn học vẫn cứ còn chứa đựng những bí ẩn ở các cấp độ khác nhau, dành cho các nhu cầu nhận thức và các quan niệm, mục tiêu sáng tác văn học khác nhau. Việc Trần Đình Sử, với tư cách nhà nghiên cứu lần đầu tiên ở Việt Nam đề xuất và bước đầu giải minh về cái khả nhiên và coi cái khả nhiên là căn nguyên sâu xa nhất của bản chất hư cấu của văn học, trước hết là công việc đặt vấn đề hết sức cần thiết, đặc biệt nhằm đánh thức tư duy lí luận văn học bằng ngôn ngữ tiếng Việt, trong tình trạng nó còn hết sức khó khăn, rất bé bỏng và non yếu hiện nay. Bài tiểu luận kể trên có đóng góp rất đáng ghi nhận ở chỗ nó đã góp phần mở ra những gợi nghĩ nhằm thoát khỏi những định kiến tập quán đã tỏ ra bất cập và lỗi thời không chỉ ở nhận thức mà còn ở cung cách đối xử với bản chất và đặc trưng văn học. Ít nhất, nó cũng đã là tiếng nói đòi xem lại những khiếm khuyết không chỉ của mĩ học Mác-xít mà còn của cả triết học Mác.

Tuy nhiên, bài tiểu luận kể trên, chính từ động cơ “gỡ bí” cho những hạn chế vốn có của triết học và của mĩ học, đã bộc lộ một tình trạng ngộ nhận về căn nguyên bản chất và đặc trưng của văn học.Từ định hướng hướng tới đối tượng của nhận thức nói chung, đặc biệt của đối tượng của văn học, Trần Đình Sử đơn phương lựa chọn lô-gíc lấy bản chất, đặc trưng của đối tượng làm qui định cho bản chất, đặc trưng của chủ thể nhận thức. Hơn thế, trong tư thế viện dẫn và tưởng tượng về căn nguyên siêu thực sinh ra thế giới Vật chất mang tên là Tồn tại trong hệ thống thuật ngữ chung của triết học, ông lí giải đặc trưng hư cấu cũng như bản chất siêu thực của văn học. Lô-gíc này của ông được miêu tả thoả đáng rằng: Chính đặc trưng hư ảo của thế giới khách quan mang tên là Cái Khả Năng qui định bản chất siêu thực và phong cách hư cấu của văn học. Thật ra lô-gíc này chỉ là phương thức truyền thống thô thiển của chủ nghĩa duy vật trong triết học và của chủ nghĩa hiện thực trong mĩ học. Nó vừa khiến ông hưng phấn vừa khiến ông khó chịu dùng nó để thoát khỏi nó nhằm vượt sang thế giới của chủ nghĩa duy tâm trong triết học và chủ nghĩa siêu thực trong mĩ học. Trong tình trạng không có nền tảng triết học nào ổn định, không còn mĩ học nào chi phối cơ bản và nhất quán nữa, Trần Đình Sử, sau cuộc vượt thoát đó lại trở về với hiện thực khách quan nhưng là hiện thực khách quan có bản chất và đặc trưng siêu thực và hư ảo(!) mang tên là cái khả năng hoặc là cái khả nhiên.

Có lẽ, Trần Đình Sử là người đầu tiên của khoa văn học bằng ngôn ngữ tiếng Việt đã có dũng cảm đề xuất một nền tảng triết học mới cho không chỉ lí luận văn học mà còn cho cả sự nghiệp sáng tạo văn học. Đề xuất này của ông đòi hỏi phải có quan niệm nhận thức về cái gọi là Cái khả năng. Cái khả năng, theo ông là trạng thái siêu thực, là cái vừa ở bên ngoài làm căn nguyên sinh thành nên thế giới tồn-tại-ngoài-ý-thức-con-người vừa ở bên trong hiện thực của Tồn tại làm bản chất, đặc trưng của hiện thực tồn tại. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ của quan niệm về Cái khả năng của Trần Đình Sử (chưa bao hàm lô-gíc vận động của nó) đã chứa đựng mâu thuẫn phi thống nhất khiến quan niệm đó không sao thoát khỏi tình trang sớm chết yểu từ mưu toan ra đời của nó. Chính tình trạng không tìm được điểm vững chắc (lúc thì khả năng ở trong lúc thì khả năng ở ngoài trong tình thế luôn bị đe doạ, ám ảnh bởi vô số khả năng có thể hoặc không có thể hiện thực hoá…) mà nó chưa tìm định được khả năng bao quát nhất quán cho niệm của nó. Vì phải dấn thân đi trong thế giới tù mù siêu linh nhất dành cho nhận thức thế-giới-của-khả-năng, Trần Đình Sử không thống nhất được các yếu tố cơ bản tạo nên quan niệm của mình. Lúc thì ông quả quyết: “Hiện thực là bất cứ khách thể nào (sự vật, trạng thái, tình huống) đã tồn tại với tính cách là kết quả của một khả năng nào đó” theo cách viện dẫn từ điển triết học của Rodental, nghĩa là thừa nhận có qui luật, qui trình nào đó Khả năng biến dạng thành Tồn tại từ tư cách nó từng là cái phi tồn tại". Lúc thì ông lại chỉ dẫn: Khả năng tiềm tàng trong hiện thực (tiềm lực), và trong những điều kiện nhất định nó có thể chuyển hoá thành hiện thực (chắc là hiện thực khác? - NDC ), song không thể gọi khả năng là hiện thực và ngược lại cũng vậy, cái gì là hiện thực thì không còn là khả năng”. Như vậy, Trần Đình Sử vừa tách biệt thế giới của vô tận cái khả năng ra khỏi thế giới của vô tận cái Tồn tại - ngoài ý thức con người - đã vội vàng đưa thế giới đó (ít nhất là một phần nào đó của nó) trở lại với thế giới của vô tận cái Tồn tại. Ở đây, trước đòi hỏi “gói gọn” thế giới Khả năng, người ta không biết Trần Đình Sử đem đặt nó ở đâu? Có lẽ ông đành phải đặt nó ở giữa hai phạm trù bất tử của mọi triết học là Ý thức và Tồn tại! Chắc chắn ông đã làm như vậy đó. Làm như vậy đó, nên ông tha hồ đắc dụng thi pháp luận lí “nói câu trước đá câu sau” kiểu như thế này: “Cái hiện thực có thể là cái không có khả năng hiện thực. Cái khả năng cũng có thể là cái không có khả năng." Cái ý thức nhị nguyên luận khiến ông tuỳ thích dùng “vỏ vật chất” của phạm trù hiện thực thay cho “vỏ vật chất” của phạm trù khả năng. Thật ra, cái hiện thực trong “Cái hiện thực có thể là cái không có khả năng hiện thực” là cái khả năng đội tên cái hiện thực mà thôi. vv..và vv.
Tìm thấy thế giới khả năng trong tư thế hình dung về nó từ những gợi nghĩ tiền bối từ Aristote đến Haidêgger về phạm trù Khả năng trong mĩ học, dường như Trần Đình Sử đã thiết lập được niềm tin khoa học không chỉ cho khoa học về thế giới quan mà đặc biệt và thiết yếu hơn là cho mĩ học đương đại khi nó đang ở thời buổi khó khăn nhất của lịch sử tư tưởng. Chính trong tình thế đó ông đòi hỏi: “Nghiên cứu bản chất nhận thức của văn học, theo chúng tôi, nhất thiết đòi hỏi phải chỉ ra đối tượng đặc thù của văn học, phải giải thích cái lô-gíc vì sao nhận thức trong văn học lại cho phép nhà văn hư cấu và gắn liền với lí tưởng thẩm mĩ về cuộc sống cũng như tình cảm chủ quan của chủ thể nhận thức và sáng tạo, những điều mà nhận thức khoa học nói chung không chấp nhận”. Và, từ đó, để giải thích cái lô-gíc vì sao trong nhận thức văn học lại cho phép nhà văn hư cấu… Trần Đình Sử tìm ra đặc trưng cấu trúc nội tại của cái khả năng và cơ chế qui định của nó dành cho nhận thức của văn học. Muốn làm được như thế, trước hết, ông cho: “Hiện thực với tư cách là sự thực hiện của những khả năng, nó là sự thật, là vật chất, nó có tính ngoan cố không cho phép ai có thể bóp méo, cắt rời, nhào nặn để sáng tạo nên bất cứ hình tượng nào.” Ông cho hiện thực vậy thôi, rồi có lẽ ông thương hại văn học nên ông an ủi nó bằng cách rằng tuy thế văn học vẫn cứ xây dựng được những hình tượng văn học miêu tả những nhân vật lịch sử mà vốn ông cho là “hiện thực có tính ngoan cố không thể bóp méo, cắt rời, nhào nặn" như “hình tượng Bác Hồ (chẳng hạn trong thơ Tố Hữu, Minh Huệ, Chế Lan Viên…) đều là những cái khả nhiên trong cảm thụ của tác giả”(!)… Từ chỗ quá say mê với Cái khả năng, Trần Đình Sử đã “tưởng tượng” ra một Aristote gây cho những ai từng biết đến tác giả Thi pháp học nỗi kinh ngạc không tài nào lí giải nổi: “Như thế, có thể nói, theo Aristote thì văn học không phản ánh hiện thực mà chỉ là tư duy về những khả năng của hiện thực, hoặc nói theo lối đã quen, văn học chỉ phản ánh các khả năng của hiện thực”. Có lẽ, Aristote không đến nỗi như Trần Đình Sử chỉ bảo dẫu có quan tâm đến vai trò của nhận thức về cái khả năng của văn học (xin nhấn mạnh là cái khả năng của văn học - của trí tưởng tượng của con người bằng ngôn ngữ văn học-NDC). Chắc chắn Aristote có nói: “Nhiệm vụ của nhà thơ không phải ở chỗ nói về các sự việc đã xảy ra mà là nói về cái có thể xảy ra theo qui luật sác xuất hay qui luật tất nhiên…”. Nhà triết học vĩ đại vào bậc nhất của lịch sử tư tưởng này trong khi nhấn mạnh vai trò nhận thức cái có thể xảy ra, ông vẫn chưa bao giờ xa rời nguyên tắc cơ bản nhất của chủ nghĩa duy vật, ông quan niệm về cái có thể xảy ra là cái khả năng của hiện thực tồn tại, ông nhấn mạnh vai trò nhận thức cái khả năng trên cơ sở nhận thức được về cái đã xảy ra thực sự chứa đựng trong nó cái khả năng có thể xảy ra đó. Chính vì quan niệm nhà thơ phải tìm được cái khả năng đó và nhận lấy sứ mạng trình diễn nó không phải là chỉ để trình diễn nó mà là để tìm thấy bản thân mình khả dĩ được tìm thấy và trình diễn bằng cái có thể xảy ra đó. Thành ra, chính Aristote là người đầu tiên của lịch sử triết mĩ đã đề xuất đuợc định luật trường cửu là Văn học phải mô phỏng hiện thực cuộc sống bằng hình tượng ngôn từ. Ý nghĩa mô phỏng - bắt chước - sao chép cuộc sống của Aristote không có nghĩa là từ bỏ bản chất, phong cách của thế giới tưởng tượng, hư cấu của văn học. Như vậy, quan niệm về mối quan tâm cơ bản của văn học, theo Aristote, vẫn là hiện thực tất yếu đã xảy ra mà trong hiện thực đó có chứa đựng các khả năng đồng thời bị ám ảnh chi phối bởi các khả năng khác ngoài nó. Giao nhiệm vụ cho nhà thơ như vậy không có nghĩa Aristote xui dại các nhà thơ đuổi cổ hiện thực tất yếu đã xảy ra để chỉ say mê dạy bảo cả làng rằng văn học chỉ quan tâm đến cái khả năng dù là bất cứ khả năng nào ở đâu đẩu đầu đâu ngoài thế giới của Tồn tại. Chính Aristote quan niệm cái khả năng là một loại trạng thái khả năng của hiện thực, nghĩa là nó là một loại hiện thực vừa bản chất nhất vừa hư bản chất nhất của hiện thực tất yếu đã xảy ra. Vì thế, làm sao lại có thể cho Aristote rằng ông chỉ khẳng định nhiệm vụ mô phỏng - bắt chước - sao chép cái khả năng được? Và hơn thế, làm sao có thể cho Aristote rằng: “Như thế, có thể nói, theo Aristote thì văn học không phản ánh hiện thực, mà chỉ là sự tư duy về những khả năng của hiện thực, hoặc nói theo lối đã quen, văn học chỉ phản ánh các khả năng của hiện thực” như Trần Đình Sử được? Trong tâm trạng tiếc nuối cho sự vụng dại, sơ ngộ của toàn bộ lịch sử triết học, Trần Đình Sử, trong cơn thao thức với cái khả năng mà ông mới hình dung về nó: “Điều đáng tiếc là phạm trù này cho đến nay trong phạm vi triết học thường chưa được phát triển đúng mức phải có”, ông đi tới cảnh tỉnh toàn bộ sự nghiệp tiếp cận văn học rằng: “muốn hiểu bản chất của văn học không thể không nghiên cứu nội dung, đặc điểm của phạm trù quan trọng này.” Và, trong thao thức với cái khả năng đó, ông còn khiến chúng ta hết sức ngạc nhiên khi ông chê bai văn học hiện thực chủ nghĩa rằng: Như thế, văn học, nhất là văn học hiện thực chủ nghĩa theo lí thuyết kể trên (ý ông nói lí thuyết của chủ nghĩa duy vật biện chứng dành cho sáng tạo văn học) chỉ quan tâm đến hiện thực với các khả năng thực tế mà thôi.” Thật là buồn quá cho các nhà văn vĩ đại và tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện thực trong lịch sử văn học nhân loại. Chắc rằng, trong đó, Trần Đình Sử cũng không bỏ qua cho Sec-xpia, Xec-văng-téc, Ban-giắc, L. Tôn-stôi, P. Đốc-stôi-ép-ski, F. Káp-ka… và cả các vị như Gác-xi-a Mác-két, Mi-lăng Kun-đê-ra… nữa! Để buồn cho văn học hiện thực chủ nghĩa, ông còn cảnh báo rằng: “Đối với nhu cầu sáng tạo và đời sống tinh thần của con người thì cái khả năng là quan trọng nhất, bất kì là khả năng nào"(!). Đây thật sự là một cuộc cảnh báo khôi hài bởi trong đời sống sáng tạo của con người thì cái khả năng, hiểu theo nghĩa khả năng có thể có và thực có của chính đời sống đó mới là cái quan trọng nhất. Nhưng đối với đời sống sáng tạo của con người thì chưa chắc cái khả năng ngoài nó đã là cái quan trọng nhất bởi mối quan hệ giữa nó với cái hiện thực tất yếu đó mới là cái quan trọng nhất. Chính mối quan hệ đó, bằng tất cả các tính chất, trong đó đặc biệt là khả năng chọn lựa của con người, mới là cái quyết định nhất đối với nhu cầu sáng tạo và đời sống tinh thần của con người. Chính mối quan hệ đó, đặc biệt với khả năng lựa chọn của con người, mới cho phép nhu cầu sáng tạo và đời sống tinh thần của con người tránh né được, loại bỏ được những khả năng trong vô số bất cứ khả năng nào tiêu cực, gây hại, huỷ diệt nhu cầu sáng tạo và đời sống tinh thần của con người, kể cả khả năng ngộ nhận có thế giới hư cấu tồn tại ngoài ý thức con người cùng khả năng phủ định bản chất duy vật của mĩ học Aristote, qui luật điển hình hoá định mệnh của văn học và phẩm chất mô phỏng hiện thực tất yếu đã có của văn học hiện thực chủ nghĩa. Trần Đình Sử, trong say mê với cái gọi là cái khả năng đã tiến tới phủ định sạch trơn qui luật điển hình hóa trong văn học. Ông cho rằng: “Quan niệm ấy tuy có cơ sở nhưng vẫn còn không ít nhược điểm. Nó không cho thấy mối liên hệ giữa điển hình với lí tưởng và tình cảm, cảm hứng của nhà văn. Nó cũng không giải thích được sự đa dạng của văn học. Bởi vì, nếu tiêu chí nhận thức là cái điển hình thì đối với mỗi loại người trong xã hội chỉ cần sáng tạo được một điển hình là đủ, không nhất thiết cần có nhiều điển hình. Càng nhiều điển hình thì tính điển hình của chúng sẽ giảm sút. Đó là chưa kể cái điển hình được hiểu là cái tất yếu đã được tổng kết, biến văn học thành sáng tác minh họa cho lí luận.”. Ở đây, người ta dễ thấy quan niệm của Trần Đình Sử loại bỏ tính thống nhất hữu cơ trong chi phối của qui luật điển hình hóa trong văn học. Ông làm như cái chung loại bỏ cái riêng, hễ cứ hiến thân cho cái chung là mất cái riêng bằng cách cho quên đi rằng: không có cái chung nào chứa đựng cái riêng cả mà chỉ có cái riêng mới chứa đựng được cái chung mà thôi. Và như thế, ông biến cái chung thành kẻ thù không đội trời chung với cái ngẫu nhiên mà theo ông chính cái ngẫu nhiên mới phản ánh sinh động hiện thực. Ở đây, xin cho chúng tôi lưu ý rằng: Cái ngẫu nhiên dẫu có phải đi kèm với cái riêng, nó cũng không mang nổi mưu toan loại bỏ cái chung và hơn thế trong tương quan sinh động hóa, nó còn gia tăng sức sinh động cho cái riêng trong bối cảnh có được cấu trúc tài hoa hài hòa của tổng thể tác phẩm hướng tới trình diễn khối mâu thuẫn thống nhất giữa cái chung với cái riêng. Thật là khôi hài khi thấy ai đó đi lấy sự phi thành đạt trong tuân thủ các qui luật văn học, trong đó có qui luật điển hình hóa, để đổ lỗi cho chính các qui luật đó. Nó giống như khi thấy một nhà văn, thậm chí cả một nền văn học bất tài, thất đức chỉ đi làm ra thứ văn học tiêu khiển vô lối song lại luôn mồm chê bai nguyền rủa rằng các qui luật thiên định của văn học là dại dột, là không giải thich nổi cái nọ cái kia, là thủ phạm làm hư hỏng, kém cỏi văn học! Một trong những sứ mạng vĩ đại nhất của văn học là khám phá - sáng tạo nên những hình tượng điển hình về con người điển hình cho cộng đồng, dân tộc và nhân loại, ở đây, lại bị Trần Đình Sử lãng quên mà cho rằng nếu cứ tuân thủ qui luật điển hình hóa “thì đối với mỗi loại người chỉ cần sáng tạo một điển hình là đủ.”. Thật ra, điển hình hóa trong văn học đâu có cơ giới, đơn giản như vậy, đâu có làm theo kiểu phân loại hóa như các nhà giáo phân loại học trò, các nhà xã hội học phân loại đặc tính cộng đồng, các nhà chính trị phân loại cán bộ nguồn… bởi điển hình hóa trong văn học là khám phá ra những mẫu hình sự sống con người chưa từng được khám phá mà chỉ văn học mới khám phá được theo kiểu riêng của nó. Có lẽ do giao phó cho điển hình văn học trở thành điển hình xã hội học nên Trần đình Sử mới thấy sự nguy hại của văn học đi tuân thủ qui luật thiên định điển hình hóa của chính văn học!
Từ chỗ bức bối không sao tìm thấy sự lí giải bản chất và phong cách siêu thực và hư cấu của văn học, Trần Đình Sử đã tìm thoát khỏi tình trạng đó bằng cách tìm đến phạm trù Cái khả năng trong cặp phạm trù Hiện thực và Khả năng của triết học duy vật biện chứng. Nhưng với cặp phạm trù đó, lầm tưởng cái khả năng là trạng thái siêu thực của Tồn tại - ngoài ý thức con người - thậm chí nó như là thế giới tưởng tượng, hư cấu của “bộ não” của Tồn tại, nó tưởng tượng ra tất cả vô số mọi khả năng kể cả các khả năng là cái không có khả năng. Ở đây, năng lực tư duy cao cấp nhất của con người có thể bị khuất phục bởi phát minh ra trí-tưởng-tượng-của-Tồn-tại do trí tưởng tượng của Trần Đình Sử mà có (!). Nhưng dù thế nào đi nữa, điều chắc chắn là ông đã chỉ dẫn rằng: “Do thế, cái khả năng mới là đối tượng đặc thù của nhận thức văn học”. Thế là từ chỗ không còn đủ niềm tin khoa học rằng hiện thực tất yếu đã có vốn từng được ông coi là đối tượng đặc thù của văn học, ông đã tìm ra niềm tin khoa học mới rằng "cái khả năng mới là đối tượng đặc thù của văn học”. Xem lại cách đặt vấn đề cho ra đời Cái khả năng của Trần Đình Sử chỉ nhằm giải minh căn nguyên của bản chất siêu thực và phong cách hư cấu của văn học mà thôi: Nghiên cứu bản chất nhận thức của văn học, theo chúng tôi nhất thiết đòi hỏi phải chỉ ra đối tượng đặc thù của văn học, phải giải thích cái lô-gic vì sao nhận thức trong văn học lại cho phép nhà văn hư cấu và gắn liền với lí tưởng thẩm mĩ về cuộc sống cũng như tình cảm chủ quan của chủ thể nhận thức và sáng tạo, những điều mà nhận thức khoa học nói chung không chấp nhận”. Như vậy, Trần Đình Sử tìm thấy căn nguyên bản chất, phong cách siêu thực và hư cấu của văn học không phải từ bản thân tư duy văn học mà là từ đối tượng mà ông cho là đối tượng đặc thù của văn học, nghĩa là, theo ông, bản chất của chủ thể nhận thức không được qui định bởi cấu trúc đặc thù nội tại của chủ thể nhận thức mà bị qui định bởi bản chất của đối tượng đặc thù của nhận thức(!). Sự thật thì hoàn toàn không phải như vậy. Chả thế mà đối tượng đặc thù của nhà nghiên cứu văn học là văn học nhưng bản chất, phong cách tư duy khoa học của nhà nghiên cứu văn học lại chẳng thể là siêu thực và hư cấu về thực tiễn lịch sử văn học. Ở Việt , thời hiện đại có rất nhiều nhà nghiên cứu uyên thâm đều nhiệt thành và tha thiết mong muốn và đã trở thành nhà văn chỉ bằng tư duy nghiên cứu văn học của họ. Thế nhưng không có nghĩa là do bản chất của đối tượng đặc thù của khoa nghiên cứu văn học là văn học mà nhà nghiên cứu văn học không sáng tác văn học vẫn trở thành nhà văn đích thực. Ở đây có một sự thật: Nếu cứ tuân thủ lo-gíc kể trên của Trần Đình Sử thì chúng ta buộc phải thừa nhận bản chất của Tư duy là bản chất của Tồn tại bởi đối tượng đặc thù của tư duy là tồn tại!… Nếu thừa nhận như vậy thì toàn bộ thành tựu của lịch sử khoa học về thế giới quan buộc phải trở thành số không và sự nghiệp làm mĩ học và làm lí luận văn học cũng phải cáo chung.
Thật ra, đối tượng đặc thù của văn học không phải là thế giới hiện thực tất yếu đã xảy ra, lại cũng không phải là thế giới khả năng theo hình dung của Trần Đình Sử. Đối tượng đặc thù của văn học chính là Con Người. Từ cổ sơ nhất cho tới mãi mãi về sau định kiếp ấy của văn học không thay đổi được dù chính kịch ấy có thể ở các mức độ khác nhau trong các văn cảnh lịch sử khác nhau có bị các tấn bi hài kịch dành cho nó làm lu mờ, méo mó đến đâu hoặc do các tham vọng tôn giáo, quyền lực và tâm lí thực dụng xã hội học cũng như do tác động thời cuộc của các nghệ thuật khác văn học dành cho nó những ưu đãi hoặc ngược đãi đến mấy. Nhưng, như vậy, đối tượng đặc thù của văn học là con người thì hiện thực cuộc sống còn là gì đối với văn học nữa? Sự sống con người gắn liền với thế giới vật chất xung quanh nó. Nhưng cái gọi là sự sống con người lại không thể tách khỏi mối quan hệ sống còn với hành vi của chính nó, nó phải vận động trong không - thời gian vũ trụ hoặc nằm trong không - thời gian đó. Vận động của sự sống con người trực tiếp làm nên cái gọi là hành vi, lịch sử hay gọi là cuộc sống hiện thực của con người. Hiện thực cuộc sống con người, hiểu theo nghĩa đó chính là toàn bộ vận động và sản phẩm của vận động nhân-tính-hóa-thế-giới-vật-chất. Thành ra công việc khám phá con người tất yếu phải bao gồm mật thiết không thể tách rời hai lĩnh vực nhân tính: một là, thế giới nội tâm con người, và, hai là, thế giới hiện thực nhân tính ngoài con người mang tên là cuộc-sống-con-người. Thế giới thứ nhất, người ta gọi là thế giới bản thể con người hay có thể gọi là thế giới Sự Người. Thế giới thứ hai người ta gọi là thế giới cuộc sống hiện thực con người hay có thể gọi là thế giới Sự Đời. Văn học có khám phá hiện thực cuộc sống như thế nào và đến mấy cũng chỉ cốt để khám phá con người là chủ thể của cuộc sống đó. Đối tượng đặc thù của văn học là con người có nghĩa là đặc thù con người mới chính là đối tượng đặc thù của văn học. Như vậy, hiện thực cuộc sống con người chỉ là đối tượng phương thức trọng yếu làm phương thức công cụ trọng yếu của văn học nhằm khám phá đối tượng đặc thù là chủ thể của hiện thực đó.
Từ căn nguyên cho đến các mối quan hệ nội bộ và ngoại giới của cấu trúc bản chất và phong cách của văn học, đương nhiên không thể chỉ do đối tượng đặc thù là con người qui định. Chủ thể sáng tạo văn học là con người, đối tượng đặc thù của văn học là con người và nữa, chính con người còn sắm vai là khách thể tiếp nhận văn học. Vì thế, chính mối quan hệ của con người từ cả ba vai sắm đó đối với văn học mới là căn nguyên của bản chất, phong cách siêu thực và hư cấu của văn học. Nhưng, trong cả ba vai sắm đó, của con người, không phải vai nào cũng là… quyết định nhất, cũng ngang bằng nhau. Thế vai nào của con người sắm vai quyết định nhất trong số đó? Đó là vai con-người-nhà-văn-trong-tư-duy-sáng-tạo-văn-học. Cố nhiên, đó không phải là con người nhà văn trong tư cách xã hội học với các quan hệ nhân thế, với các nhãn mác đủ kiểu của anh ta…, nghĩa là chỉ là con người với tư cách chỉ là thế giới nội tâm của anh ta mà thôi. Với vai sắm con-người-nhà-văn như vậy, trong mối quan hệ sống còn với thế giới hình tượng ngôn từ mô phỏng thế giới nội tâm mà anh ta khám phá được từ trong chính bản thân mình hoặc trong hiện thực cuộc sống. Tư duy khám phá thế giới của nhà văn chính là tư duy từ cảm tính đến lí tính trở lại cảm tính, dẫu Trần Đình Sử có tìm cách để tư duy các nhà khoa học chấp nhận thành tư duy khoa học như họ thì nó cũng không tài nào thay đổi được bản chất nhận thức của nó.
Thế giới sự sống con người - thế giới hình thành và vận động tổ hợp những xung động sinh học tựu trung và phát sinh - một hình thái vận động hết sức đặc biệt của một tổ chức vật chất hết sức đặc biệt mang tên là bộ não con người. Thế giới sự sống con người, tuy là thế giới hết sức phong phú, phức tạp và vô cùng ẩn chứa những bí ẩn dành cho nhận thức của chính con người - dành cho dục vọng sống cảm nhận về chính bản thân nó. Tuy vậy, điều chắc chắn biết được về nó đã là: Nó cấu trúc vận động bằng hai trạng thái cơ bản mâu thuẫn và thống nhất, thứ nhất là trạng thái xung động thuần-tuý-nội-nguyên và, thứ hai là trạng thái xung động hấp-dẫn-ngoại-giới. Suy cho cùng thì thế giới sự sống cá thể con người cũng chỉ có thể "xây dựng" bằng một loại vật liệu duy nhất mang tên là cảm giác con người, con người cảm giác về thế giới bên ngoài và cảm giác về chính nó (kể cả cảm giác về cảm giác của chính nó). Bởi thế, con người là cơ-thể-sinh-học-người cảm giác mình đang sống. Cơ thể sinh học đó không có, không còn cảm giác mình đang sống thì nó không phải là con người nữa, người chết không phải là con người mà là xác chết của con người. Mỗi một cảm giác nào đó của con người đều có cấu trúc vận động bằng hai trạng thái xung động hấp đẫn nội nguyênngoại giới.Trạng thái xung động hấp dẫn ngoại giới của cảm giác đương nhiên chịu sự chi phối hình thành tính chất từ ngoại giới mà người ta có thể hình dung được và gọi là trạng thái “mang hình ảnh của thế giới bên ngoài”. Trạng thái xung động hấp dẫn nội nguyên của cảm giác cơ bản nảy sinh không chịu sự chi phối hình thành tính chất từ ngoại giới mà người ta có thể hình dung được và gọi là trạng thái “không trực tiếp chụp hình ảnh thế giới bên ngoài”. Như vậy, trạng thái xung động hấp đẫn ngoại giới của cảm giác là “trạng-thái-hiện-thực” hay gọi là “kết-cấu-thực” của cảm giác, còn trạng thái xung động nội nguyên là "trạng-thái-phi-hiện-thực” hay gọi là “kết-cấu-ảo” của cảm giác. Như vậy, chính kết-cấu-thực của cảm giác là nhân tố cơ bản – “vật liệu cơ bản” cấu trúc nên trạng thái hấp-dẫn-ngoại-giới-trạng thái phản ánh hiện thực khách quan của sự-sống-con-người. Và, như vậy, chính kết-cấu-ảo của cảm giác là nhân tố cơ bản – “vật liệu cơ bản” - cấu trúc nên trạng thái phi-hấp-dẫn-ngoại-giới, nội-nguyên-siêu-thực của sự sống con người. Chính khả năng vận động đặc biệt của não bộ con người chuyển hoá được cảm-giác-thành-ấn-tượng và ngược lại chuyển hoá được ấn-tượng-thành-cảm-giác là khả năng nhân-hoá căn nguyên nhất của cơ-thể-sinh-học-con-người. Yếu tố - “vật liệu” cơ bản để chuyển hoá cảm giác thành ấn tượng là kết-cấu-thực của cảm giác - cảm giác tập nhiễm “hình ảnh của thế giới khách quan” thành “một thứ vật chất của tinh thần” mang tên là ấn tượng. Qui trình ấn tượng hoá đó chính là qui trình ngôn-ngữ-hoá của sự sống con người. Qui trình ngôn ngữ hoá đó chính là qui trình xâm chiếm, áp đặt hay nói đúng hơn là chấp nhận xâm lấn, áp đặt cơ chế của cấu trúc và giới hạn - gọi tắt là lô-gíc - của thế giới khách quan (đặc biệt trong dạng thức hình tượng của nó) vào thế giới sự sống con người. Ngôn ngữ, bởi vậy, chẳng qua chỉ là sản phẩm của thi pháp vật chất hoá bản thân mình để làm nguồn năng sinh dưỡng chính mình của sự sống con người. Thật là vô cùng khó khăn cho hình dung về cơ chế vận động nội bộ mỗi đơn vị cảm giác cũng như cơ chế vận động nội bộ sự sống con người - cơ chế tương tác giữa hai thành tố cơ bản mâu thuẫn trong thể thống nhất: hữu và phi áp đặt cơ chế hấp dẫn từ thế giới khách quan. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể hình dung chắc chắn đúng rằng: Hai trạng thái đó luôn có quan hệ mật thiết sống còn, vừa lây nhiễm vừa dị biệt, vừa say mê vừa kiểm soát, vừa hưởng thụ vừa từ chối… lẫn nhau. Nhưng, có một hình dung còn chắc chắn đúng và có vị trí nền tảng hơn. Hình dung đó là: Mọi sự sống trong vũ trụ của chúng ta trước hết và sau rốt đều “vị kỉ” là tối thượng. Vì thế, sự sống con người, rốt cục nó có ham muốn thành đạt đến mấy trong nhận thức thế giới khách quan, nó vẫn chỉ nhằm “phụng sự” cho sinh tồn trạng thái, bản chất nội nguyên của nó… Cảm tình hoá, chủ quan hoá không chỉ là qui trình tất yếu mà còn là qui luật khởi nguyên bản chất nhất của vận động tư duy. Thật ra, chẳng có vận động “tư duy” nào là thuần tuý phản ánh chỉ để, chỉ dừng ở sao chép, chụp ảnh thế giới khách quan cả. Nội năng “nhào nặn, chế biến” hình ảnh thực của thế giới khách quan để hình thành không chỉ hình ảnh tổng thể mà còn “cảm ứng” được lô-gíc nội tại của hình ảnh tổng thể đó, chắc chắn được tạo nên nhờ có vai trò tương tác giữa kết cấu ảo với kết cấu thực của cảm giác. Chính kết cấu ảo của cảm giác, chính trạng thái nội nguyên sắm vai trò liên kết các kết cấu thực, các trạng thái hấp dẫn ngoại giới của con người tạo nên những hệ thống có những lô-gíc nội tại khác nhau có thể miêu tả chân thực, chính xác hoặc miêu tả phi chân thực, mờ nhoà, sai lệch so với hình ảnh tổng thể của thế giới khách quan. Như vậy thựcảo luôn tương tác lẫn nhau, nảy sinh, điều chỉnh, kiểm soát lẫn nhau… trong thể mâu thuẫn thống nhất của cấu trúc vận động cảm giác. Qui luật và qui trình này chính là “thi pháp” của sự sống con người. Qui luật, qui trình này có thể gọi là vật chất hoá bản thân mình để làm nguồn năng sinh dưỡng chính mình, chết-hoá để làm nguồn năng sống-hoá, hiện-thực-hóa để siêu-thực-hóa chính bản thân mình. Đó chính là căn nguyên tạo nên nguồn năng vận động mang tên là vận động tưởng tượng của con người. Cái mà chúng ta gọi là nhào nặn hình ảnh thực của thế giới khách quan chính là vận động tương tác giữa trạng thái nội nguyên với trạng thái hấp dẫn ngoại giới của sự sống con người, bản chất của vận động nhào nặn đó chính là bản chất sáng tạo của con người. Trong vận động nhào nặn đó, kẻ chủ nhân ông thiên định của vận động nhào nặn đó chính chính là trạng thái nội nguyên của sự sống con người, nó là trạng thái vận động căn bản nhất giữ cho con người là thực thể tinh thần tồn tại độc lập tương đối với thế giới vật chất, và vì thế, nó được gọi tên là bản thể con người. Nó, chỉ có nó, mới là kẻ chứa đựng tính chất căn bản nhất của con người trong toàn bộ cấu trúc vận động của sự sống con người. Chính nó mới là cái cấu trúc vận động nên nguồn năng của thế giới tâm hồn con người bao hàm các cấu trúc vận động vô thức, cảm giác, linh cảm, tình cảm, tâm linh và các trạng thái tư duy phi-hiện-thực, phi-lí khác. Cho nên, cái khả năng siêu thực hóa thế giới, cái khả năng nhạy cảm về cái khả năng có thể xảy ra mà không thể sảy ra được của thế giới khách quan… mà Trần Đình Sử đề xuất chẳng qua cũng chỉ là thế giới thuộc thế giới nội tâm con người mà thôi. Kẻ thủ phạm siêu thực hóa thế giới khách quan không phải chính là thế giới khách quan mà là con người thực thi “tội ác” đó ngay trong thế giới tinh thần nó. Thật ra, thế giới tâm linh là thế giới ở trong thế giới tâm hồn con người, nó có căn nguyên từ nội lực áp đặt trở lại của xung động nội nguyên sự sống con người đối với sự áp đặt hình ảnh của thế giới khách quan, cái nội lực mà người ta quen gọi là nội lực ham muốn trả lời trước khi đặt ra câu hỏi, nó không chỉ là cơ sở của niềm tin tôn giáo mà còn là cơ sở của tư duy nghệ thuật, trong đó có tư duy văn học với “cái thói” siêu thực hóa, hư cấu hóa hình ảnh của thế giới khách quan. Hình như, sự tìm đến và tìm ra cái khả năng, cái khả nhiên của Trần Đinh Sử là theo kiểu tư duy ứng-linh-cảm của nhà văn chứ không phải theo kiểu tư duy của nhà khoa học, nhà lí luận văn học. Thật ra, “những điều mà nhận thức khoa học nói chung không chấp nhận” đối với nhận thức hiện thực của văn học, như Trần Đình Sử khẳng định, nên được đòi hỏi phải cải thiện bằng cách nào đó nhằm mục đích càng nhận thức sâu sắc hiện thực khách quan để nhận thức sâu sắc hơn về con người trong tư cách con người là đối tượng đặc thù, tối thượng của văn học, chứ không phải để đồng hóa nhận thức văn học với nhận thức khoa học, không phải vì sợ” khoa học nói chung không chấp nhận” mà nhận thức văn học phải đi tìm cái khả nhiên của thế giới khách quan để thay cái-khả-nhiên-của-con-người làm đối tượng đặc thù của mình...

Như trên chúng tôi đã trình bày, ngôn ngữ ngôn từ là sản phẩm công cụ của một trong những phương pháp thuộc thi pháp sinh tồn của sự sống con người - sự sống ấy tự vật-chất-hóa bản thân mình thành cái-vỏ-vật-chất để làm công-cụ cho vận động hết sức đặc biệt của nó là vận động tư duy. Ngôn ngữ ngôn từ được vật chất hóa xác định hoàn toàn chính là ngôn ngữ thành văn dân tộc, là cái kho “vật chất” của toàn xã hội, người ta gọi là ngôn ngữ kinh viện. Cái kho đó đương nhiên được nhập kho ngần nào đó vào thế giới sự sống cá thể con người. Khi nào các ngôn tố trong cái kho kinh viện của cá nhân đó được sử dụng, lúc đó ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ văn cảnh. Kẻ thủ phạm biến ngôn ngữ kinh viện thành ngôn ngữ văn cảnh trong thế giới sự sống cá thể con người chính là kết cấu ảo của cảm giác, trạng thái xung động nội nguyên của sự sống con người. Qui luật và qui trình văn cảnh hóa đó chẳng qua là qui luật và qui trình nhân-tính-hóa-trở-lại theo kiểu riêng của mình cái thứ vật chất đã được nhân tính hóa theo kiểu riêng của toàn dân tộc. Với bản tính và tập tính siêu thực của mình, bản thể con người trong cuộc can dự vào khám phá thế giới khách quan mang tên là tư duy luôn có nội lực và luôn thực thi sinh ra thế giới tưởng tượng khác và hoàn toàn khác cái thể giới khách quan mà sự sống con người đã tiếp nhận được. Các thế giới đó, người ta gọi là những thế giới siêu thực. Và với các thế giới siêu thực đó trong tương quan so sánh với thế giới hiện thực, kích thích trở lại sự sống con người làm cho nó nảy sinh nội lực vật chất hóa thế giới siêu thực nào đó trong số chúng bằng ngôn ngữ văn cảnh hóa, nhằm đưa thế giới siêu thực đã vật chất hóa bằng ngôn ngữ đó cho sự sống cá thể người khác và cho cả cộng đồng xã hội. Đó mới chính là qui luật và qui trình nảy sinh và hình thành không chỉ bản chất, phong cách mà còn cả cấu trúc một loại sản phẩm đặc biệt mang tên là văn học.Thành ra, văn học chẳng qua chỉ là sản phẩm bản-thể-con-người-hóa một tập hợp ngôn ngữ ngôn từ văn-cảnh-hóa nhằm tái sinh trong toàn xã hội những cá thể sự sống con người. Và chính vì thế, chính vì có cái khả năng ngôn ngữ hóa bản thể con người trong tương quan hiện sinh và lịch sử với cộng đồng, dân tộc và nhân loại mà nảy sinh ra cái khả năng con người cảm nhận được và vật chất hóa được bằng ngôn-ngữ-ngôn-từ-văn-cảnh sự sống cá thể người khác cùng cảm nhận được nhân tính khả dĩ đã có và khả dĩ có thể có trong hiện thực cuộc sống…

Tóm lại, để… trở lại, có thể khẳng định chắc chắn đúng, cái khả năng hoặc cái khả nhiên dành cho văn học không phải là cái ở thế giới khách quan như quan niệm, niềm tin và đòi hỏi của Trần Đình Sử, mà cái khả năng hoặc cái khả nhiên ở ngay trong thế giới sự sống con người, nó giúp cho con người có một trong những thi-pháp-sống là sáng tạo văn học và chính thi pháp của văn học, chẳng qua cũng chỉ là thi pháp mô phỏng theo thi pháp của sự sống con người mà thôi.
                         Thái-Bình 8-7-2007
                                    N.D.C

(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng