Tạp chí Sông Hương - Số 228 (tháng 2)
“Me Mỹ” kể chuyện Huế sau Tết Mậu Thân
15:08 | 11/09/2008
NGUYỄN THỊ THANH SUNGLGT:Bà Nguyễn Thị Thanh Sung sinh năm 1949 tại An Cựu (Huế), cựu học sinh Đồng Khánh, cựu giáo sinh trường Sư phạm Qui Nhơn, dạy tiểu học ở Quảng Tín (Quảng Nam ngày nay). Năm 1973, lấy Bill Fleming cố vấn an ninh tại Toà Lãnh sự Hoa Kỳ tại Huế. Năm 1974, bà  theo chồng qua định cư ở Mỹ. Bill vẫn tiếp tục phục vụ trong Bộ Ngoại Giao. Hiện bà sống cùng gia đình tại Potomac, Maryland .

Đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, bà cho xuất bản một hồi ký mang tên “Không Biên Giới”. Trước khi xuất bản, cuốn hồi ký được Nguyễn Văn Khanh (đài Á Châu Tự Do), nhà văn Bùi Bích Hà, nhà sử học Lê Xuân Khoa, ông Nguyễn Đình Vĩnh đọc bản thảo, rồi đưa và giới thiệu với nhà văn Doãn Quốc Sĩ và nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đọc qua, duyệt, sửa và hiệu đính.
Hồi ký có 26 tiểu truyện. Trong một số tiểu truyện (số 16, 19, 23…) tác giả viết về sự tàn bạo của quân đội Mỹ-VNCH. Riêng tiểu truyện số 6 tác giả dành riêng kể chuyện chính quyền VNCH sau Tết Mậu Thân 1968. Một “me Mỹ” mà viết về chuyện tiêu cực của Mỹ và VNCH, với người thực việc thực, lại được nhiều nhà văn, nhà sử học duyệt sử chắc chắn có độ tin cậy cao. Sông Hương xin trích đăng tiểu truyện nầy đến độc giả gần xa.

Hồi ký

Vđến Huế, nhìn lại gia đình, nhìn lại mái nhà xưa, con đường cũ, lòng tôi hớn hở, hớn hở thật vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi xa nhà. Tôi không thấy anh Mua, tôi tưởng là anh Mua không còn muốn ở nhà tôi nữa? Nhưng em tôi nói là anh Mua về nhà anh ăn Tết.
Những ngày đầu Xuân, trời lành lạnh, hoa nở khắp nơi, hoa được bày bán khắp mọi nẻo đường. Cảnh vật như được phủ lên một lớp sơn của bầu trời xanh thẳm, lòng người rộn ràng theo với nhạc Xuân, bạn bè gặp nhau chào hỏi ríu rít. Người xa trở về đem lại niềm vui gói trọn trong lòng, trong những món quà trên tay, trong túi, và trong nụ cười luôn nở trên môi. Không gì đẹp bằng, rộn ràng bằng chúa Xuân. Để bày tỏ với chúa Xuân, để tranh đua với chúa Xuân, trong những ngày đầu Xuân là tuổi Xuân, tuổi Xuân trong lòng những người trẻ vì Xuân, cho Xuân.
Chúng tôi là những mùa Xuân của chúa Xuân, bất kể đến chiến tranh, để sống cho trọn những ngày Xuân. Chúng tôi dạo phố mùa Xuân, may áo quần mới, mua hoa quả tươi, và mua những gì cần thiết để chào đón đêm Giao thừa, kể cả những phong pháo màu đỏ như máu, máu của chiến tranh.
Đêm giao thừa, chúng tôi giúp Mẹ nấu cúng, bàn thờ hương khói nghi ngút. Trước bàn thờ, Ba, Mẹ tôi quì xuống, miệng cầu lẩm bẩm những gì đó. Một hồi lâu ông bà đứng dậy nhường chỗ cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ còn lại sáu đứa, mấy chị lớn đã đi lấy chồng, đón Xuân ở nhà chồng, anh Trai có về nhưng lại đi chơi nhà bạn. Những người làm được nghỉ. Sáu đứa chúng tôi theo thứ tự từ lớn đến nhỏ.
Chị Nhung, tôi, Huyền, Anh, Lan Anh đến Tiến quì trước bàn thờ tổ tiên, chúng tôi cầu xin bất cứ một cái gì theo ý muốn. Ban phước lành hay không là quyền của tổ tiên. Còn xin thì chúng tôi mặc sức mà xin. Xin nhiều quá rồi, hết chuyện để xin, nhưng không đứa nào trong chúng tôi dám đứng dậy trước. Thấy vậy Mẹ tôi ra lệnh cho đứng dậy, và cho phép đem thức ăn vào phòng ăn, chúng tôi được lệnh ăn, ăn bất cứ cái gì đã cúng xong. Còn cái gì chưa cúng thì không được sờ tay đến, hỗn với tổ tiên là không được với Mẹ tôi. Người luôn luôn kính trọng người chết hơn là người sống. Nhưng chúng tôi quá no rồi, xin Mẹ đi đốt pháo, khi đó tiếng pháo đêm giao thừa đã bắt đầu rộn rã vang dội khắp mọi nơi. Ba tôi không cho chúng tôi đốt pháo, vì nghĩ chúng tôi con gái lớn rồi, còn con trai, thì lại còn nhỏ. Đi ngủ là giải pháp thích hợp nhất, giúp Mẹ dọn dẹp xong là cả nhà đi ngủ, nhưng không làm sao ngủ được. Tiếng pháo mỗi lúc mỗi lớn, rồi lại càng dồn dập hơn, dồn dập như tiếng súng, thỉnh thoảng tiếng pháo trống phụ thêm vào làm như tiếng bom đạn. Càng về khuya, thì cả hai thứ tiếng đua nhau nổ, nổ một hồi thì tiếng pháo không đủ sức mạnh để đua tiếng súng. Tiếng pháo trống nhường lại cho tiếng bom, tiếng lựu đạn.
Không còn nghi ngờ gì nữa cả. Chiến tranh đang đánh đuổi chúa Xuân ra khỏi thành phố, ra khỏi lòng người. Trong chốc lát, trong đêm tối, giấc mơ Xuân từ giã tuổi Xuân, thay thế cho nhạc Xuân là lời nguyện cầu. Lời cầu nguyện như không bao giờ chấm dứt, cầu nguyện để đừng bị chết oan trong đêm Xuân, đang độ xuân thì.
Mặt trời mọc, ánh sáng mặt trời mạnh đủ để tạm dẹp yên tiếng súng trong phút chốc. Lợi dụng ánh sáng mặt trời, quân đội đồng minh Hoa Kỳ, và lính Cộng Hòa xuất hiện trên con đường Duy Tân, từng nhà một, họ gõ cửa, cửa mở, họ ra lệnh cho mọi người phải từ bỏ thành phố ngay lập tức, đi về vùng quê để tránh bom đạn. Thế là như bão táp, đoàn người lần lượt bỏ nhà ra đi, đi đâu, không biết đi đâu? Cứ cắm đầu đi như cái máy, đi như người không có hồn, đi theo làn sóng người.
Riêng gia đình tôi, vì cây muối lớn ở trước nhà bị bom nổ trúng, nên gốc cây bật ra, thân cây và cành cây bổ xuống, chấn ngang cửa, cửa không mở được. Quân đội Mỹ để cho gia đình tôi chết cô đơn, chết một mình trong thành phố chết. Nhưng may thay, Ba tôi trèo lên cao, nhìn qua khe cửa thấy được những gì đang xẩy ra bên ngoài, Ba tôi ra lệnh Mẹ tôi, và chúng tôi gói ghém được bất cứ cái gì đem theo được là đem. Ba tôi lấy chìa khóa mở cánh cửa sau và chúng tôi ra đi, mặc dù có hơi muộn một tí, nhưng không sao. Làm cái đuôi lẻ loi, còn hơn chết cô đơn một mình.
Ba, Mẹ tôi đi trước, đàn con sáu đứa lủi thủi theo sau, đi mà không biết đi đâu. Đến đầu cầu An Cựu, giữa ngã tư đường, sự lựa chọn thiên đàng nơi địa ngục trong lúc chiến tranh thật là khó. Ba tôi nhìn qua, nhìn lại, nhìn trước, nhìn sau, nhìn đến Mẹ tôi, rồi đến chúng tôi, không tìm được câu trả lời, cuối cùng Ba tôi nói:
“Đằng trước mặt là cầu An Cựu, không qua cầu được, xác chết đang nằm trên cầu. Đằng sau lưng, không đi lui được, thành phố đằng sau đang bốc cháy. Không đi về phía tay mặt được, vì đó là con đường đi đến nhà thờ, chúng ta không phải là tín đồ Công giáo, Thiên Chúa sẽ không nhận chúng ta. Con đường còn lại duy nhất là con đường bất an nhất, vì ngay ngày thường, súng đạn còn hay nổ, nói gì đến lúc bất thường. Nhưng dừng chân ở đây cũng không được! Đây là địa ngục rõ ràng nhất, người chết đang nằm ở đó kìa.”
Sau một hồi do dự, Ba tôi ra lệnh, đi con đường bất an, vì Ba tôi nghĩ rằng ngày thường nó bất an, nhưng ngày bất an thì biết đâu nó lại bình thường?
Mẹ tôi dẫn chúng tôi theo Ba, vừa đi vừa nói:
 “Con người sống chết có số, có mạng cả rồi. Có đi đến chỗ chết cũng vì cái số, thôi thì đi mau lên, đi cho đến khi không còn đi được nữa thì ngừng. Ngừng để sống, hay ngừng để chết thì có đi mới biết được.”
Con đường chúng tôi đi qua là con đường Phát Lát, khi đi ngang qua ngôi trường Tiểu học thời thơ ấu, ngôi trường xưa nhìn chúng tôi, chúng tôi nhìn lại, lòng nghẹn ngào, tê tái không nói được một câu. Trường thanh vắng quá, không vào thăm trường được, thế thì đoàn người lẻ loi của gia đình tôi tiếp tục trên con đường buồn tẻ.
Khi đi ngang qua một ngôi nhà quen thuộc, Mẹ tôi biết được là nhà của một người bạn. Mẹ tôi dừng bước, nhìn vào trong nhà, biết được chủ nhà không chạy đi đâu cả. Mẹ tôi dẫn Ba tôi và chúng tôi vào, đến trước cổng nhà thì ông chủ nhà ra tiếp. Sau một hồi tay bắt mặt mừng, họ cho chúng tôi tạm trú tại đó, chờ ngày bình yên.
Ở đó có một số người đang tỵ nạn. Họ là bà con của bà chủ. Ông chủ chỉ vào một bên góc và nói:
“Trong góc là chỗ tránh dễ bom đạn nhất, anh chị cứ tự nhiên, hay muốn ở góc nào thì tự ý, chúng tôi đã có cái hầm ở đằng sau lưng nhà, rất tiếc là hầm không rộng đủ cho cả gia đình anh chị.”
Sau khi cám ơn họ xong, Mẹ tôi lấy cái góc nhà, nơi có kê một cái sập gỗ lớn, để tất cả đồ đạc chúng tôi mang theo được trên sập gỗ, Ba tôi kê sập cao hơn để làm cái hầm tâm lý. Trải một chiếc chiếu lớn ở dưới sập gỗ là chúng tôi cả sáu đứa chun vào ngồi bên nhau, nhìn lên trên đầu thấy có tấm gỗ là chúng tôi yên tâm. Đêm đến tiếng súng lại vang lên, tiếng bom đạn phụ họa vào, lời nguyện cầu của chúng tôi vang lên trong đêm thâu như tiếng nhạc buồn.
Cái đêm kinh hoàng nhất là cái đêm có một trái bom bay xuyên qua mái nhà chúng tôi đang tạm trú, làm thủng mái nhà, rồi đâm đầu xuống vạt đất trống bên hông nhà. Khi nghe tiếng nổ lớn, gần, rồi tiếng bom  đâm thủng mái nhà, chúng tôi kêu gào thật lớn, ôm nhau thật chặt, xong nhắm mắt lại, nín thở để chờ tiếng nổ, và chờ sự chết. Chờ một giây, hai giây, mà giống như chờ cả thế kỷ, chờ gần tắt thở, tưởng là chết vì tắt thở, nhưng không nghe tiếng nổ, không thấy sự chết, chúng tôi thở ra thật mạnh, để biết mình còn sống.
Mạng sống, và sự sống của chúng tôi như chuông treo chỉ mành, nhưng rồi thời gian vẫn trôi qua, những cái chuông tiếp tục đeo theo chỉ mành.
Tối hôm đó, có ba người Việt Cộng đến gặp tất cả mọi người trong nhà. Họ đưa ra một cuốn sổ nhỏ, gọi là Sổ Vàng, mong Ba tôi đóng góp, ủng hộ Cách Mạng.
Ba tôi sợ đưa hết tiền, gạo mang theo thì chúng tôi sẽ chết đói, Ba tôi lưỡng lự. Nhưng, mẹ tôi đã đưa hết số tiền đem theo cho họ. Họ hỏi tên Ba tôi, rồi lật Sổ Vàng ra ghi vào.
Đêm hôm đó Ba tôi không hề nhắm mắt được, quyển sổ vàng ám ảnh Ba tôi. Màu vàng là màu của phản bội. Ngày xưa đời vua chúa, họ lấy màu vàng cho Hoàng tộc, ai mặc áo quần màu vàng, dùng đến cái gì có màu vàng là họ đem ra chém. Màu của độc tài.
Những ngày còn lại ở đó là những ngày dài vô tận, những đêm đen tối kinh hoàng, những lời cầu nguyện khôn nguôi.
Sáng sớm hôm đó, mặt trời thức dậy như có được thêm niềm hy vọng, bầu trời trong sáng hẳn ra. Khói thuốc súng của những đêm thiếu đạn trước đây, như tàn theo với mây, biến mất với gió.
Rồi tiếng người nói, có tiếng bước chân ai nặng nề dưới cái nắng bình minh, bóng người to lớn dần, tiếng nói vang lên với âm điệu khác thường, xa lạ, giọng nói đượm vẻ anh hùng như ra lệnh, cái lệnh gì không ai hiểu cả. Chúng tôi ở “dưới hầm” chun ra, nhìn họ như nhìn vị cứu tinh, mặc dù không hiểu, nhưng nhìn hành động của họ là mình hiểu ngay:
Quân đội đồng minh Hoa Kỳ đây! Tự do đây! Hòa bình đây!
Chúng tôi như cá gặp nước, như người đói được cho ăn, như người chết được cứu sống, vội vàng khăn gói trở lại mái nhà xưa. Ba, Mẹ và chúng tôi cám ơn ông bà chủ nhà, ra về.
Trên đường về, hai bên là những chàng lính Mỹ trẻ, tay cầm súng, miệng tươi cười, như vừa chào đón, vừa bảo vệ cho đoàn người đang lần lượt đi qua.
Cũng con đường bất an ấy, bây giờ sao nó bình an quá. Chúng tôi nhìn lại những người lính Mỹ trẻ với sự cảm phục, với lòng biết ơn, và với chút thẹn thùng, e lệ. Đi qua khỏi họ, mang theo hình ảnh họ, hình ảnh mới nhất, khác nhất trong lòng tuổi trẻ chúng tôi.
Về đến nhà, mới biết nhà tan, cửa nát, nhưng không vì thế mà buồn, chúng tôi vui vẻ như gặp lại, tìm lại được những kỷ niệm của mình. Ba tôi thuê người đến dọn sạch sẽ, lợp lại mái ngói, để tránh mưa, tránh nắng tạm thời. Mẹ tôi dò hỏi thân nhân, bà con, người ăn, kẻ làm v.v. Chỉ mấy ngày sau đó, thì tình hình vùng ngoại ô lại đến lúc bất an. Ba, Mẹ tôi mở cửa để chào đón ông, bà chủ nhà đã cho chúng tôi lánh nạn trước đây. Ngoài họ ra, Mẹ tôi còn tiếp một cặp vợ chồng người bà con cùng họ với Mẹ ở bên kia cầu An Cựu. Theo với vợ chồng này là hai anh con trai lớn của họ. Người anh tên Tứ, người em tên Đỗ. Họ chỉ ở nhà tôi có vài ba ngày là đi. Còn cặp vợ chồng cho chúng tôi tị nạn ở nhà họ, thì họ lại ở nhà tôi lâu hơn. Vì ở lâu hơn nên chúng tôi mới có dịp làm quen, nói chuyện với họ. Người chồng tên là Bùi Xuân Trữ, còn người vợ thì chúng tôi chỉ biết và nghe gọi là bà Ban Trữ, có thế thôi. Ông Ban Trữ là một người thông minh, học cao, hiểu rộng. Ngoài chữ Nho, ông còn nói thạo tiếng Pháp, ông đã từng đi học ở Pháp, và có con đang ở Pháp. Nói chuyện với ông chúng tôi học hỏi thật nhiều. Có lần ông gọi tôi lại và nói:
 “Cô Thanh Sung! Nhìn cô tôi tưởng cô là người trong tranh.”
Nghe đến đây, tôi mừng thầm vì hiểu lầm ông, tôi tưởng ông khen tôi đẹp, tôi không nói gì cả, chỉ e lệ mỉm cười. Thấy thái độ của tôi như vậy, ông biết ngay là tôi đã hiểu sai ý ông, nên ông mới đính chính ngay:
“Sở dĩ tôi nói như vậy là vì đã mấy ngày hôm nay rồi, tôi thấy cô vẫn mặc có một bộ áo quần mà cô đang mặc đó thôi. Ngày nào cô cũng giống ngày nào, chẳng khác gì người trong tranh.” 
Nhìn mặt ông lúc đó, tôi buồn muốn khóc. Không nói năng gì được nữa cả, tôi bỏ đi.
Ngày tôi mặc bộ đồ khác, cũng chính là ngày họ giã từ chúng tôi. Họ đi nhưng không bao giờ chúng tôi quên được.
Chỉ có vài ngày sau khi Huế không còn nghe tiếng súng nữa, thì gia đình tôi bất an. Khi chiếc xe Jeep màu xanh, hai ông lính đậu xe lại trước nhà, nhảy xuống xe, họ đi thẳng vào nhà, Ba tôi đang đứng đó, họ nói:
“Ông là Nguyễn Đăng Hiếu”.
Ba tôi trả lời: “Dạ thưa phải.”
Họ không nói gì hết, đến gần và còng tay Ba tôi lại rồi kéo lên xe. Mẹ tôi ở nhà dưới chạy lên chận họ lại và hỏi:
“Tại sao lại bắt chồng tôi? Ông ấy đã không làm gì cả.”
Một ông trả lời với Mẹ tôi: “Chúng tôi có lệnh bắt. Chúng tôi không cần biết ông ta có làm gì hay không. Chúng tôi bắt ông căn cứ trong quyển Sổ Vàng. Khi đi bọn Việt Cộng đã vô tình hay cố ý để lại cho chúng tôi. Quyển Sổ Vàng của chúng, lọt vào tay của chúng tôi, nó trở thành quyển Sổ Đen. Bà có biết không?”.
Nhìn vào mặt Ba tôi, ông kia vừa kéo vừa nói:
 “Ông nặng tội lắm, đi mau ra xe theo chúng tôi.”
Ba nhìn theo chúng tôi, đôi mắt đỏ hoe, chúng tôi nhìn theo Ba nước mắt lưng tròng. Hình dáng Ba khuất hẳn đằng xa, nước mắt chúng tôi trào ra như mưa trút xuống trên nền nhà, tiếng khóc của Mẹ bây giờ vang lên như lời than thở, vừa khóc Mẹ vừa nói:
“Lần đầu tiên Ba mấy con bị tù, Mẹ vì chưa biết phải làm gì, Mẹ đã đem số tiền lớn ra chạy hết, nhưng khi ba con vào tù lần thứ nhì, lần này thì Mẹ biết cách. Mẹ chạy đến cầu cứu Trung tá Nguyễn Sang. Trung tá là người tốt, người đã thương gia đình mình, đã thấu hiểu nỗi oan ức của Ba và nỗi khổ của Mẹ, cho nên Trung tá mới ra tay giúp đỡ nhà ta. Sau đó trở thành bạn, cho đến ngày Trung tá bị đổi vào . Trung tá đi rồi, Ba bị bắt lại, Mẹ mới chạy đến cầu cứu ông Võ Như Nguyện, cũng như Trung tá, ông Nguyện là một người tốt, đạo đức. Ông cũng ra tay giúp đỡ gia đình mình và cũng đã trở thành bạn. Bây giờ đây, đang lúc loạn lạc, chiến tranh, ông ấy và gia đình chạy loạn ở đâu chưa về, thì làm sao Mẹ tính đây. Mấy lần trước đây, Ba con bị tù là nghi oan. Lần này thì không còn nghi oan gì nữa, tên Ba đã nằm trong cuốn Sổ Vàng rõ ràng quá. Trời ơi là trời! Thật đúng là tình ngay, mà lý gian.”
Vừa khóc, Mẹ vừa than. Nhìn Mẹ, chúng tôi cảm thấy bất lực, dư thừa. Mặt dầu trong nhà bây giờ là có đông đủ các con, và thêm ba ông rể.
Một tuần sau ngày Ba tôi bị bắt, cũng một chiếc xe Jeep xanh đó, đậu trước mặt nhà, nhưng lần này thì họ không bắt ai cả, chỉ đến báo tin mà thôi, người lính đến gần Mẹ tôi và nói:
 “Bà và người nhà lên đường rầy xe hỏa gần nhà Ga, để nhận xác chồng bà. Khi nhận ra, nhớ đem về chôn cất ngay lập tức.”   
Nói xong, ông lên xe phóng đi không cần biết phản ứng của Mẹ tôi như thế nào? Khi nghe ông nói thế, ban đầu Mẹ tôi hơi hoảng hốt, nhưng đến khi hết hoảng hốt, thì Mẹ tôi ngất đi. Vài ba phút sau, Mẹ tôi tỉnh dậy. Còn chúng tôi thì như bầu trời tự đâu rơi xuống đổ lên đầu, không còn đủ sức để khóc nữa.
Anh Trai khóc xong, lên tiếng:
“Mẹ ơi! Mẹ đừng buồn, đừng khóc nữa, con tin rằng Ba không thể nào chết một cách thê thảm như vậy. Vì suốt đời Ba chưa làm một việc gì quá hung dữ, để bây giờ phải chết như vậy! Mẹ tin con đi.”
Em của Mẹ là dì Nguyệt, đứng gần đó và cũng tin như vậy nên phụ theo:
“Tôi cũng tin như Trai, và nghĩ rằng Trai nói có lý. Chị đừng khóc nữa, để từ từ xem coi.”
Mẹ tôi lên tiếng lớn:
“Từ từ gì nữa? Xem coi gì nữa? Đừng tin gì nữa? Người ta đến gọi đi lấy xác rõ ràng quá rồi, rõ ràng như cái tên nằm trong quyển Sổ Vàng thuộc về phía bên kia, màu vàng là màu của  phản bội. Khi quyển sách vàng lọt vào tay bên này, thì nó trở thành màu đen là màu của chết chóc. Ba của các con chết rồi còn gì nữa mà tin với không tin. Không tin để đừng đi lấy xác về à!”.
Nghe vậy dì Nguyệt mới nói:
“Người ta đâu có nói đi lấy xác đâu? Người ta nói đi nhìn xác trước, nếu nhận ra thì đem về chôn. Nhưng không vì vậy mà không đi được. Chị thì quá khổ, quá yếu không đi nhìn xác được, tôi tình nguyện đi cho, Trai đi theo với tôi.”
Nghe đến tên anh Trai, sợ thanh niên dễ bị bắt, nên Mẹ tôi nói:
“Không, Trai không đi được, để Mẹ đi.”
Thấy Mẹ tôi quá tội, tôi tình nguyện:
“Con và dì Nguyệt là mau nhất.”
Dì cầm tay tôi hai dì cháu vừa đi, vừa chạy lên đường rầy xe lửa, qua khỏi nhà Ga, đi theo đường rầy về phía núi, từ đằng xa nhìn tới, chúng tôi đã bắt đầu thấy những xác chết nằm la liệt hai bên đường rầy. Sự sợ sệt từ đâu bắt đầu chiếm lấy và bao phủ lên người tôi, tôi cầm chặt tay dì như có ý định kéo lui. Dì lên tiếng như để trấn an:
“Họ bị bắn đêm hôm qua, bây giờ họ chết keo rồi, không làm gì tụi mình được đâu. Vả lại mình phải đến tìm Ba con chớ.”
Nhìn đã gần hết số người rồi, mà vẫn chưa thấy Ba tôi, tự nhiên tôi hết sợ, và tự đâu niềm hy vọng dâng lên. Dì tôi lên tiếng:
“Dì biết rõ lắm, dì tin vào lời Trai vì thấy nó nói có lý.
Thôi đi về con hè! Hai mươi cái xác không có cái nào đi theo mình cả, cũng chẳng xác nào còn đủ sức để đưa tay ra vẫy chào.”
Chúng tôi giã từ xác chết, trên đường về nhà thấy lòng thanh thản với niềm hy vọng.
Về đến nhà thấy mặt chúng tôi như là đi chợ Tết về. Mẹ tôi nhìn tôi như có ý cho chúng tôi biết là bà đã chờ đến một thế kỷ dài. Dì lên tiếng:
“Không có, không thấy, và không tin được là anh phải chết như vậy.”
Tôi tiếp lời dì:
“Ba chưa chết đâu Mẹ ạ! Con đói bụng quá, đi kiếm cái gì ăn đã.”
Vừa nói tôi vừa chạy vào nhà bếp, chị Nhung, Huyền, Anh, Lan Anh, Tiến chạy theo, rồi cả bọn đua nhau lên tiếng:
 “Thấy gì? Dễ sợ không? Kể cho tụi này nghe với.”

Đang đi tới phía bếp, tôi bỗng quay đầu hẳn lại phía họ và đột nhiên lên tiếng ồ ồ lớn, rồi vồ vào họ như xác chết đứng dậy để chụp lấy, cả bọn hét lên đâm đầu chạy.
Kiếm được thức ăn, tôi đem ra bàn ngồi ăn, mới vừa bỏ thức ăn vào miệng, hình ảnh mấy xác chết hiện lên xin ăn vì đói quá. Tôi không nuốt xuống được, đem thức ăn vào lại bếp.
Hai ngày sau đi tìm Ba tôi, Mẹ tôi ra lao Thừa Phủ. Đi một vòng ngoài thấy nhà tù vắng tanh, đến cổng dừng ngoài chờ. Không dám hỏi han, không dám khơi dậy, vì linh tính cho Mẹ tôi biết có một sự nhầm lẫn, thiếu sót gì đây trong việc Ba tôi còn sống. Đến gần chiều tối, thì trong cổng có một người gác cổng già đang lụm khụm mở cổng đi ra. Mẹ tôi chờ một phút sau mới dám chạy theo và hỏi:
“Dạ thưa ông! Ông làm việc trong đó?”
Ông ta chậm chạp trả lời:
 “Tôi gác ở trong bây giờ hết phiên, tôi đi về.”
Mẹ tôi hỏi thêm:
 “Tôi có người chồng tên Nguyễn Đăng Hiếu đang bị tù bên trong ấy, ông có biết có ai tên đó không?”
Nhìn chăm Mẹ tôi một hồi, ông mới lên tiếng:
“Trời ơi! Bà là vợ của cái ông đầu trọc, ốm nhom đó phải không? Trời ơi! Ông ấy thật là may, trong cái đêm người ta đem nhóm ông đi, ông vì ốm, đau, ngồi trong góc, rồi chết luôn. Người ta đã không thấy, và không biết nên bỏ quên ông luôn. Ngày sau tôi đến gác, dọn dẹp, tưởng không có ai nữa, chết hết rồi, thì bỗng nghe tiếng rên rỉ, tôi chạy vào té ra ông còn một mình ở đó, còn sống. Thấy tội quá, tôi lặng lẽ đưa ông đến chỗ tù dành riêng cho mấy người mới bị tình nghi đến chính trị mà thôi. Tội của họ chưa nặng lắm. Thôi bà về đi, để một vài ngày nữa, tình hình lắng dịu bớt, bà tìm cách chạy cho chồng bà ra. Bây giờ vẫn đang còn lộn xộn lắm. Họ đang giành giựt quyền hành, đang lợi dụng tình hình để thanh toán lẫn nhau.”
Mẹ tôi cám ơn ông, biếu ông một số tiền, rồi ra về.
Đúng một tuần sau, Mẹ tôi tìm đến ông Võ Như Nguyện, như một ân nhân, như một người bạn chân tình. Ông giúp Mẹ tôi thêm một lần nữa. Mặc dù lúc đó ông là Viện trưởng Viện Hán học.
Ba tôi về đến nhà, như người chết, sống lại...
                                        N.T.T.S

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 

Các bài mới
Món quà Noel (11/09/2008)
Các bài đã đăng
Tình hoa (11/09/2008)
Về làng (11/09/2008)