Tạp chí Sông Hương - Số 228 (tháng 2)
Cuộc chiến đấu giải phóng nhà lao thừa phủ Tết Mậu Thân năm 1968 ở Huế
15:11 | 11/09/2008
PHAN VĂN LAITrong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Huế đã nổi lên là một chiến trường xuất sắc, được Đảng, Chính phủ tặng danh hiệu: “Tiến công nổi dậy, anh dũng kiên cường”, được Bác Hồ khen ngợi: “Bác rất vui mừng vừa qua Huế đã đánh giỏi, công tác giỏi, thu được nhiều thắng lợi to lớn” và được cả nước tự hào về Huế.

Thực hiện chủ trương tiến công ở Huế, trong đó có mục tiêu rất trọng yếu phải nhanh chóng chiếm lĩnh nhà lao Thừa Phủ với yêu cầu không để kẻ địch sát hại hàng ngàn cán bộ, cơ sở cách mạng của ta đang bị chúng giam giữ. Từ bước chuẩn bị các đồng chí lãnh đạo an ninh khu và thành phố Huế đều trăn trở, lo lắng toan tính một kế hoạch thật hệ trọng, một bài toán hết sức khó khăn, phức tạp và khó lường. Với phong cách chỉ đạo sâu sát, cụ thể và kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu ở chiến trường, đồng chí Lê Minh - Phó Bí thư khu uỷ, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu Trị Thiên Huế - Trưởng ban an ninh khu, đồng chí Nguyễn Đình Bẩy - Phó trưởng ban thường trực an ninh khu, đồng chí Tống Hoàng Nguyên - Phó trưởng ban an ninh khu, Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban an ninh thành phố Huế đã bàn bạc thống nhất một kế hoạch chỉ đạo cơ sở điệp báo của an ninh và của Thành uỷ trong thành phố, kể cả tổ chức của Đảng trong nhà lao Thừa Phủ nắm tình hình trong nhà lao. Chỉ sau một thời gian, cơ sở đã cung cấp khá đầy đủ tài liệu về Ban giám thị nhà Lao, lực lượng, quy luật và bố trí canh phòng của địch; phân loại số người đang bị giam giữ; đặc biệt cơ sở báo cho ta biết chúng đã cài sẵn hệ thống mìn clây-mo xung quanh các phòng giam để sẵn sàng bấm nút tiêu diệt tù nhân nếu bị cách mạng tấn công.
Nhiệm vụ giải phòng nhà lao Thừa Phủ được lãnh đạo an ninh khu báo cáo với khu uỷ phân công đồng chí Nguyễn Đình Bẩy vừa tham gia ban chỉ đạo cánh Nam Huế, vừa trực tiếp làm mũi trưởng, mũi tấn công khu vực phía tây nam Huế, trong đó có mục tiêu nhà lao Thừa phủ. Lực lượng mũi tấn công này có một tiểu đoàn quân chủ lực số hiệu 815, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội biệt động, 1 phân đội trinh sát vũ trang thành phố Huế và một số cán bộ an ninh khu. Theo kế hoạch, 8 giờ sáng ngày mở đầu chiến dịch mũi tiến công này đã chiếm lĩnh được hầu hết các mục tiêu trọng yếu như Toà tỉnh Trưởng, Toà đại biểu chính phủ bắc Trung Nguyên Trung phần, Ty Bình Định nông thôn, các cơ quan CIA và nơi ở của cố vấn Mỹ đóng trên địa bàn... Nhưng làm sao không khỏi lo âu, day dứt vì đã qua 2 ngày vẫn chưa được giải quyết được dứt điểm mục tiêu nhà lao Thừa Phủ, tính mạng hàng ngàn đồng chí, đồng đội của mình đang treo trên sợi tóc, nếu không được giải cứu sẽ có tội với Đảng, với nhân dân và anh em mình. Đồng chí Nguyễn Đình Bẩy - Ban chỉ huy Tiểu đoàn 815 và mọi cán bộ, chiến sĩ đều nung nấu và suy tư như vậy.
Với quyết tâm giải phóng nhà lao Thừa Phủ, tối ngày thứ ba (tức ngày mồng 4 tết) đồng chí Nguyễn Đình Bẩy quyết định triệu tập một cuộc họp khẩn cấp toàn đơn vị tại sân trường Đồng Khánh để cán bộ, chiến sỹ hiến kế giải phóng nhà Lao. Ngồi giữa sân trường trong đêm tối giá lạnh, sau khi nghe đồng chí Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 815 trình bày ngày qua đơn vị đã tấn công nhưng không đạt yêu cầu, cả đoàn người đều im lặng đến nghẹt thở, hy vọng hôm nay sẽ tìm ra một cách đánh mầu nhiệm để có thể chiếm lĩnh được mục tiêu mà vẫn bảo toàn được người của ta không bị địch sát hại, tránh được thương vong cho bộ đội. Với bản lĩnh và kinh nghiệm của người cán bộ chỉ huy đã từng trải qua chiến trận, đồng chí Nguyễn Đình Bẩy với giọng nói xúc cảm của người con xứ Huế, đồng chí đã động viên cán bộ, chiến sĩ của mình tiếp tục nêu cao ý chí tiến công, không bi quan chán nản, không lùi bước trước khó khăn, khắc sâu lòng căm thù địch, khơi dậy tình thương yêu đồng chí, đồng đội của mình đang trong lúc lâm nguy và dõng dạc khích lệ: “Đêm nay chúng ta hứa với nhau dù có hy sinh cũng phải giải cứu cho được anh em mình đang bị giam cùm trong ngục tù, nhất định không để chúng sát hại đồng chí, đồng đội của mình”. Nói đến đây, bỗng trong đêm tối có tiếng phát ra: “Chúng ta nhất định phải giải phóng nhà lao trong đêm nay”; rồi có tiếng xì xào hỏi lại: “Vậy, ta đánh bằng cách nào? bằng phương tiện gì? Trong khi cơ số đạn của đơn vị đã cạn, chưa được bổ sung”. Được cán bộ, chiến sĩ đồng lòng và quyết tâm, như thế cờ đã mở, đồng chí Nguyễn Đình Bẩy tiếp tục nói lên suy nghĩ về cách đánh của mình. Đồng chí nhắc lại trận đánh ngày qua chúng ta mới đánh bằng đòn quân sự mà chưa vận dụng đầy đủ phương châm đánh địch bằng 3 mũi giáp công, nay ta đánh bằng cả quân sự, chính trị, binh vận nhất định sẽ đem lại hiệu quả, trong khi ta đang ở thế thắng, thế áp đảo, bọn cai ngục và binh lính của chúng đang hoang mang, dao động đã qua 3 ngày không thấy quân Ngụy đến cứu viện. Đồng chí Nguyễn Đình Bẩy vừa dứt lời, trong bóng tối nhiều người đứng lên đồng thanh tán thành, khí thế sôi động hẳn lên. Ban chỉ huy tiểu đoàn đồng tình triển khai kế hoạch từ bên ngoài tấn công chính trị, binh vận vào trong nhà Lao và thống nhất hẹn nhau đúng 3 giờ sáng ngày 4/2/1968 tập kết tại vị trí đã định để đúng 3giờ 30’ sẽ nổ súng.
Ngay sau cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đình Bẩy phân công cho đồng chí cán bộ thông tấn xã Việt , được bố trí theo cánh quân để đưa tin. Suốt đêm đó, đồng chí này đứng trên thành nhà của trường ở sát nhà Lao, dùng loa thông báo tin chiến thắng của cách mạng trong toàn miền . Tin quân giải phóng đã chiếm thành phố Huế và các Quận lỵ, tuyên truyền chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng, kêu gọi binh lính đang canh gác nhà lao bỏ súng trở về với cách mạng, đồng thời động viên anh chị em đang bị địch giam giữ xiết chặt hàng ngũ cùng đứng lên phá gông cùm của địch để giải phóng cho mình.
Nhờ kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền, địch vận đã có tác dụng và hiệu quả thiết thực đến tinh thần tư tưởng hàng ngũ địch trong nhà lao. Vào 1 giờ sáng 4/2/1968, một nguỵ quân, từ trong nhà lao trốn trại giam ra ngoài theo một đường cống thoát nước thì gặp bộ đội ta và được dẫn về chỉ huy sở. Qua khai thác, nguỵ quân này cho biết: “Anh, chị em trong nhà lao đang sẵn sàng chờ quân giải phóng để phá nhà lao; bọn cai ngục và lính canh gác đang rất hoang mang vì không thấy quân nguỵ đến cứu viện, hiện có một đường cống thoát nước từ trong nhà lao ra, có thể di chuyển mỗi chuyến 3 người theo hàng một, nếu quân giải phóng tin tôi, tôi tình nguyện dẫn đường”. Kiểm tra lời khai và thái độ của nguỵ quân này là có cơ sở, đồng chí Nguyễn Đình Bẩy và ban chỉ huy tiểu đoàn thống nhất kế hoạch dùng nguỵ quân này dẫn đường, kết hợp bộ đội ta bao vây từ bên ngoài với lực lượng theo đường cống thoát nước tiến nhập vào bên trong mở cổng nhà lao để quân ta tấn công. Đúng giờ quy định, nguỵ quân này dẫn 2 chiến sĩ của ta theo đường cống thoát nước vào đến trung tâm nhà lao, bắn 3 phát súng làm hiệu lệnh, từ cổng chính quân ta xung phong tràn vào tấn công, bị đánh bất ngờ bọn cai ngục và binh lính canh gác trại hoảng sợ và có phần đã được ta tuyên truyền, địch vận nên chúng không phản ứng và đầu hàng. Quân ta không ai bị thương vong, lập tức anh chị em trong trại nổi dậy reo hò, phá cửa buồng giam và bộ đội ta cũng kịp thời phá khoá các buồng xà lim giải thoát cho cán bộ, đảng viên của ta bị địch giam. Chỉ trong vòng chưa đầy ba mươi phút, toàn bộ 2.300 cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng được đưa về tập kết tại địa điểm số 5, đường Lê Lợi. Đến 5 giờ sáng, 500 thanh niên, bộ đội, du kích hăng hái tham gia chiến đấu được lựa chọn bổ sung ngay cho bộ đội và lực lượng an ninh tiếp tục cuộc chiến đấu trong thành phố. Trong số này có người đã anh dũng hy sinh ngay trong lòng thành phố qua các trận chiến đấu ác liệt, giành giật với kẻ thù từng dẫy nhà, đường phố 26 ngày đêm làm chủ thành phố thân yêu. Số anh em còn lại được bàn giao cho bộ phận công tác hậu phương tiếp tục bổ sung cho các lực lượng.
Cuộc chiến đấu giải phóng nhà lao Thừa Phủ năm 1968, đến nay đã trải qua 40 mùa xuân nhưng vẫn khắc sâu trong tâm trí cán bộ, đồng bào Thừa Thiên Huế về một sự kiện lịch sử đặc sắc, một dấu ấn đượm tình người. Đó là sinh mạng hàng ngàn chiến sĩ cách mạng được bảo toàn trong thời khắc hiểm nguy, hàng ngàn trái tim yêu nước được tiếp thêm nhiệt huyết, rồi hàng ngàn con người đó tiếp tục xông pha, chiến đấu, hy sinh và cống hiến cho quê hương và đất nước.
                                                                                                            P.V.L

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 

Các bài mới
Món quà Noel (11/09/2008)
Các bài đã đăng
Tình hoa (11/09/2008)
Về làng (11/09/2008)