Mất 10 phút đạp xe, chúng mình, khoảng mười mấy bạn - theo sự dẫn đường của người bạn “chủ xướng” chuyến đi hôm nay đến một nhà thờ nhỏ nằm trong khuôn viên của viện dưỡng lão Thị Nghè. Mình đạo Phật, không biết nhiều về đạo Thiên Chúa, mình chỉ biết đó là một nhà thờ thờ thánh Martino, vì trong khoảng sân khiêm tốn của nhà thờ là một bệ đá, bên dưới khắc những lời sùng bái thánh Martino, và đứng bên trên là bức tượng thánh Martino tay cầm thánh giá, có nước da ngăm đen và nụ cười hiền từ, có thiên thần quỳ phục 2 bên. Chúng mình làm quen với các bạn trong ca đoàn nhà thờ rồi cùng nhau sinh hoạt tập thể với những bài hát, những trò chơi, vừa là để gắn kết tình cảm, vừa là “tập dược” trước để chốc nữa sang sinh hoạt với các em. Nhóm chúng mình, gần 30 người (chưa kể người lớn), có bạn thờ thánh Martino, người theo Tin lành, Công giáo, cũng có những người đạo Phật (như mình), thậm chí có cả những bạn đạo Cao Đài, song lúc ấy, tất cả đều quây quần sinh hoạt, ca hát với nhau rất vui vẻ và vô tư…, vì chúng mình có cùng một tấm lòng khi đến đây, mặc dù mỗi người một tôn giáo. Từ lâu mình đã nghĩ, sự khác biệt tôn giáo vốn không quan trọng. Vì dù là đạo nào, mình tin, đích đến cuối cùng và cao xa nhất cũng giống nhau, đó là bình an, hạnh phúc và giải thoát, không phải cho riêng cá nhân mình, mà là cho toàn thế giới, không riêng gì nhân loại! Trong giây phút đó, trước những gương mặt tuổi trẻ bừng sáng, niềm tin ấy của mình càng trải rộng, vững vàng… 9h30, chúng mình bắt đầu khởi hành với sự “lãnh đạo” của một vài người lớn trong nhà thờ, có cả thầy Ái - người đã tập cho chúng mình những bài hát và trò chơi sinh hoạt khi nãy. Người xách túi bánh, người xách nước, trái cây…, chúng mình đi bộ sang Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè - cách đó không xa lắm. Bước chân đầu tiên đặt vào trung tâm, mình nghe vang vọng bên tai lời ca của bài hát Giáng sinh quen thuộc: We wish you a merry Christmas! We wish you a merry Christmas! We wish you a merry Christmas! And a happy new year! Có một đoàn người nào đó đã đến trước chúng mình và đang sinh hoạt Giáng sinh vui vẻ với các em. Một tấm phông xanh lớn được giăng và trang trí đơn giản với những dây kim tuyến, hoa và hình ông già Noel. Bên dưới trải một tấm bạt rộng cho các em ngồi, những chiếc nón đỏ Giáng sinh được đội lên những cái đầu dị dạng đang lắc lư theo nhạc… Khuôn sân khá rộng với vườn hoa, cầu tuột, nhà banh… rải rác một số em đang chơi đùa. Chúng mình đứng sững lại, không ai nói được với ai một lời nào… Có lẽ ai cũng giống như mình, bỗng thấy toàn thân tê điếng và cổ họng như nghẹn lại, bỗng nhiên mình hiểu, một lần nữa, thế nào là “xót xa như rụng bàn tay”. Những đứa trẻ không lành lặn, cơ thể đầy những khiếm khuyết và hình như tất cả đều bị bệnh Đao…, ngơ ngác, không làm chủ được những động tác của mình, không những thế, còn là những đứa trẻ… mồ côi… Tạo Hóa thật lạ, Người có thể tạo nên những sinh vật tuyệt mỹ và hoàn hảo, vậy mà Người vẫn cho ra đời những sinh vật đau khổ trớ trêu. Con người cũng lạ, họ có thể cười trên nước mắt người khác, điều đó mình đã thấy nhiều lần, và bây giờ, lại đang khóc trước những nụ cười. Một xơ chạy ra đón tụi mình, lúc bấy giờ, mọi người mới như hoàn tỉnh lại. Như muốn xua đi đám mây buồn bã đang kéo đến, thầy Ái bước hẳn vào sân, chơi xích đu cùng với một em khuyết tật đang ngồi sẵn đó, thầy hòa giọng vào bài ca đang vang lên rộn rã: We wish you a merry Christmas… Mình cùng các bạn bắt tay vào xếp bánh trái ra đĩa, mang đến cho các em. Lúc mình đang bưng mọi thứ xuống, bỗng thấy có một bàn tay kéo nhẹ gấu quần kèm theo một tiếng gọi ngọng nghịu: - Chị…, chị.. Đó là một đứa trẻ không có hai chân, em ngồi liệt một chỗ, mặt mũi, áo quần tèm lem bánh kẹo và nước ngọt. Em xích qua một bên, vỗ vỗ tay vào chỗ trống bên cạnh, mình mỉm cười với em, ngồi xuống, mình hỏi tuổi em, em duỗi ra sáu ngón tay một cách khó khăn, chậm chạp. - Em sáu tuổi à? Em gật đầu. Cũng bằng giọng ngọng nghịu, em nhả ra từng chữ: - Chị… tên… gì? - Chị tên Thi. Còn em tên gì? Em phát âm một cái tên, nhưng mình nghe không rõ, em lặp lại nhiều lần, mình vẫn không nghe được tên em là gì. Người em nhỏ dường như cũng không quan tâm nhiều đến chuyện mình có nghe được tên em hay không, em đưa mắt nhìn xuống hộp rau câu mình đang cầm trên tay, tỏ vẻ muốn ăn. Mình đút cho em từng miếng nhỏ, em ăn được, nhưng rất khó khăn. Song dù sao, em vẫn còn đỡ hơn nhiều đứa trẻ khác. Có những em, miếng rau câu vừa đưa được vào bàn tay các em đã bị các em vô ý bóp nát. Nhìn các em tiếc rẻ nhìn vụn rau câu còn sót lại trên những ngón tay không thể duỗi khép theo ý muốn, mình dùng tay đút cho các em ăn, song, miếng rau câu dù đưa vào tận miệng, các em vẫn không ăn được, bởi vì hàm cũng không thể làm việc theo ý muốn… Vậy mà, đáp lại nét mặt buồn bã của mình vẫn là nụ cười rộng đến mang tai… Sau một hồi đi lòng vòng, mình làm quen và chơi đùa được với khá nhiều em trong trung tâm. Có em loay hoay mãi, tìm cách đóng một chiếc hộp nhỏ, bên trong chứa những đồng xu bằng nhựa. Em nhờ mình đóng nắp hộp phụ, mình đóng lại xong, em cầm lấy, loay hoay một hồi rồi lại mở ra, rồi lại nhờ mình đóng lại. Nhìn em chơi với chiếc hộp, mình đoán, có lẽ đối với em, những đồng xu nhỏ và chiếc hộp ấy có một ý nghĩa thiêng liêng. Một em trai cũng chừng sáu tuổi, bé tẹo, có nước da trắng và đôi má hồng, song cũng như những đứa trẻ khác, đầu em dài, mắt em hơi lệch và tay chân lóng ngóng. Nhưng em lại tỏ ra là một đứa trẻ năng động. Em kéo mình ngồi xuống một chiếc ghế đá, hỏi mình có biết bài Bắc kim thang không? Vậy là em và mình cùng hát theo nhịp vỗ tay những lời ca đã theo mình suốt cả tuổi thơ: Bắc kim thang Cà lang bí rợ Cột qua kèo Là kèo qua cột Chú bán dầu Qua cầu mà té! Chú bán ếch Ở lại làm chi? Con le le đánh trống thổi kèn Con bìm bịp thổi tò tí te tò te! Sau đó, em kéo mình đi thăm một số nơi trong trung tâm. Em đề nghị dẫn mình lên lầu, nhưng sau khi mình cố giải thích với em rằng các xơ sẽ không cho đâu, xơ sẽ la chị đấy, em gật đầu rồi dẫn mình vào một căn phòng rộng chất đầy đồ chơi, quà cáp và những bộ trang phục Noel. Em chỉ những đồ chơi và gọi tên chúng. Em biết trái xoài, nhưng không biết trái táo, trái nho, biết cái bếp củi, nhưng lắc tay mình hỏi cái bếp gas nằm kế bên là cái gì. Em chỉ con công, bảo đó là con gà trống. Dường như em đến từ một miền quê, nên tuổi thơ em chỉ có thể biết trái xoài trong vườn, chứ không được biết trái táo, trái nho Mỹ; biết cái bếp củi vẫn dùng trong một ngôi nhà chốn thôn quê, chứ không biết đến cái bếp gas thành phố; biết con gà, chứ chưa từng thấy con công. Một xơ bước vào phòng, cười với mình rồi cúi xuống ôn tồn với em: - Vào đây phá, xơ Bạch la đấy! - Xơ Bạch la? Xơ cười rồi chỉ vào xơ: - Còn đây là xơ nào? - Xơ Bạch? - Không phải! - Xơ Quyền? - Ừ! Lộn xơ Bạch với xơ Quyền hoài! Mình chào xơ rồi đưa em ra ngoài chơi. Đi ngang cái chuông gió, em tung người vỗ mạnh khiến những lái chuông vỡ ra tiếng kêu leng keng loảng xoảng. Em thích chí cười tít rồi phóng lên người mình, đòi ẵm. Được bế lên, em siết chặt lên cổ mình, ấn vào má và tóc mình những nụ hôn, dụi đầu vào mình như chú mèo con nũng nịu. Bế em đi được mấy vòng sân thì có bác chạy ra gỡ em xuống, bảo với mình rằng: “Nó biết đi đó! Đừng có chiều nó nghe con!”. Đợi bác ấy đi khuất, em lại phóng lên người mình đòi bế! Mệt nhoài vì sáng đi vội chưa ăn sáng, nhưng lòng cảm thấy rất vui… Một lát sau, biết mình mệt lắm, em lau mồ hôi đang chảy trên mặt mình, rồi tranh thủ bất ngờ phóng qua người một bạn khác cùng nhóm với mình khi bạn ấy đi ngang qua. Một tay em kẹp cổ người bạn kia, một tay vẫn nắm chặt lấy tay mình, miệng mở ra nụ cười chung rộng đến mang tai… Mình còn làm quen được với một em nữa - một em gái đã lớn, nhận ra được rõ ràng qua hình thể. Ngoài ra, những đứa trẻ ở nơi đây dường như trong cùng một độ tuổi về tâm lý. Các em có cùng một vẻ mặt, cùng một nụ cười, cùng những dáng điệu lóng ngóng tay chân và giọng nói ngọng nghịu. Song người em gái mình mới quen dường như không biết nói, em câm lặng, chỉ đáp lại những câu hỏi của mình bằng những nụ cười chỉ có thể thấy, chứ không thể nghe. Nắm chặt tay mình, em dắt mình đến một lan can trông xuống sân có trồng hoa giấy. Từ chỗ ấy có thể nhìn thấy toàn cảnh trung tâm, nhìn thấy những đứa trẻ khác đang vui đùa trên xe lăn, đang quàng vai bá cổ những người bạn mới. Nhìn em cười, trong lòng lại xót xa… Tạo Hóa ơi, Người keo kiệt với những đứa trẻ này đến thế sao? Không cho chúng có được đến một nụ cười sảng khoái bình thường… Theo sự dẫn dắt nhiệt tình của em, mình đến một căn phòng khá rộng, trên tường là những dấu chân, dấu tay đầy màu sắc của các em mà các xơ đã cố tình in lên đó. Mỗi dấu chân, dấu tay đều được ghi tên và có dán kèm một tấm hình của các em ở cạnh. Đó là căn phòng dành cho những em còn nhỏ. Những chiếc giường nôi được xếp thành từng hàng chạy dọc theo căn phòng. Trong những chiếc nôi là những đứa trẻ bất hạnh, da bọc xương, cơ thể cong vẹo, ngơ ngác nhìn người khách lạ đang đứng sững lại ở cửa phòng. Dùng khăn các cô bảo mẫu đưa lau mũi cho các em, mình thầm cám ơn ba mẹ, cám ơn số phận đã cho mình sinh ra là một đứa trẻ may mắn…, thầm cầu nguyện cho các em…, dù các em không hoàn chỉnh về mặt hình thể và thần kinh, nhưng mong sao chính những khiếm khuyết ấy vẫn có thể mang đến cho các em sự an bình, hạnh phúc. Chính những khiếm khuyết ấy đã đưa các em đến đây, gởi các em vào vòng tay yêu thương và nhận được sự sẻ chia - dù của số ít hay phần đông xã hội. Các em không phải ra ngoài kia và đối mặt với đời, các em chỉ phải đấu tranh gay gắt với bản thân… Người em gái không cho mình nán lại đấy lâu, em lại kéo mình đi đến những chỗ khác. Cuối cùng, em ngồi bệt xuống tấm thảm lớn được cuộn tròn lại đặt ở một khoảng trống, ra hiệu cho mình ngồi cạnh. Mình vừa ngồi xuống, em đã đặt đầu lên đùi, cười nụ cười cố hữu… Bàn tay em vuốt nhẹ má mình, rồi áp luôn vào đấy, nhìn đôi mắt em, cứ ngỡ như đã quen em từ lâu lắm… Rồi em dắt mình xuống tầng trệt, cũng vào phòng của xơ Bạch! Nhưng em không để ý đến những món đồ chơi, em tỏ ý con búp bê ngồi điệu đà, tóc xõa dài chưng trong chiếc tủ kiếng. Rồi em dắt mình đến bên bể cá kiểng màu sắc lấp lánh, em và mình cùng ngồi bệt xuống đất, ngắm say say sưa những chú cá chỉ bé bằng ngón tay út đang bơi lội tung tăng. Em bỗng chú ý đến miếng gương bên dưới bể cá. Thấy em nhìn, mình cũng nhìn vào đó và mỉm cười với em trong gương, gương mặt em lộ vẻ ngạc nhiên, hết nhìn ảnh mình trong gương rồi quay ra nhìn mình bên ngoài. Em đưa tay vuốt má mình, nhìn vào gương cũng thấy ảnh của em đưa tay vuốt má ảnh của mình, như chợt nhận ra điều gì mới lạ và thú vị lắm, em mở rộng miệng ban phát nụ cười. Trong khi mình vẫn còn ngỡ ngàng, chẳng lẽ…, đây là lần đầu em nhận ra được hình ảnh trong gương…? - Kim! Đến giờ cơm trưa nãy giờ rồi sao con chưa đi ăn? Các bạn ăn gần xong hết rồi đó! Tiếng một xơ vang lên sau lưng tụi mình, ra em tên Kim… Xơ đỡ em ngồi dậy, ôn tồn bảo em đi đến nhà ăn ngay đi, rồi xơ quay sang phía mình: - Em nó biết chỗ đến nhà ăn, con đi theo em để biết nhà ăn của các cháu nằm ở đâu. Kim dẫn mình đến một dãy phòng dài mà từ xa, mình đã thấy trong một căn phòng rộng là những chiếc bàn vuông được sắp xếp khá rộng rãi, một bàn ngồi bốn em, đứng cạnh là những cô bảo mẫu phụ các em chuyện ăn uống. Một cô trong số đó chạy ra, nắm lấy tay Kim. - Tụi cô tìm con nãy giờ! Tới giờ ăn nãy giờ rồi mà đi đâu vậy? Cô gỡ tay Kim ra khỏi tay mình. Kim đi theo cô, còn ngoái lại nhìn mình bằng đôi mắt buồn bã thoáng lo âu… Mình cũng thế, buồn vì sự chia ly…, lo âu vì không biết liệu đến khi nào mới có dịp gặp lại… Mình theo bước Kim và cô bảo mẫu đến gian nhà ăn. Mình đứng bên ngoài, dõi theo Kim khi em được đặt ngồi vào bàn, gài lên cổ chiếc khăn ăn. Em vừa ăn vừa ngóng ra cửa, mình đành nép vào một góc khuất…, vì cũng đã đến giờ về… Trung tâm với 400 em, mỗi em một hoàn cảnh, song trong tận sâu mỗi trái tim, các em có lẽ cùng chung một ước mơ… Noel này, mình không mong gì cho mình, đối với mình, một buổi sáng đến với các em hôm nay, được cùng sẻ chia với các em, giúp các em thu nhặt niềm vui Giáng sinh, đã là một món quà vô giá. Mình chỉ mong, an lành, hạnh phúc sẽ đến với tất cả mọi người trong đêm Giáng sinh, đặc biệt là các em, sẽ được tình yêu của Thượng Đế rủ tới, giúp các em đạt được những ước mơ thầm kín song cháy bỏng của mình… We wish you a merry Christmas… H.T
(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)
|