Tạp chí Sông Hương - Số 228 (tháng 2)
Người đàn bà bên bến sông
16:00 | 11/09/2008
DƯƠNG HIỀNChuyến xe tốc hành đưa tôi và Huy đi, chẳng biết nơi đến như thế nào nhưng vì chưa biết nên tôi háo hức với những tưởng tượng kỳ diệu.Những hàng cây và những ngôi nhà lướt qua bên ô kính như những thước phim chiếu về cảnh vật. Có lẽ ít ai khám phá ra kiểu thưởng thức ngắm cảnh qua ô kính xe hấp dẫn và đẹp đẽ như thế…

Huy đá mũi giày một cái vào chân tôi hỏi:
- Đang thả hồn lên mây hả? hay nhiệt huyết thanh xuân của bà bắt đầu xẹp rồi?
Huy có vẻ đắc chí với câu nói của mình nên ngả đầu ra thành ghế cười ha hả.
- Thôi ông ơi, làm gì có.
Thực ra tôi tình nguyện lên vùng xa dạy học không ít người mắng tôi là hâm. Bởi tôi có đủ điều kiện để ở lại nơi thành phố dạy học. Nhưng tôi thương các em ở đó thiếu thốn nhiều thứ, đói cơm áo mà đói cả chữ. Nếu những người như tôi và Huy không đi thì ai đi? thử hỏi ai cũng muốn sung sướng ở thành phố đủ đầy thì những đứa trẻ ở nơi này ai dạy? Ai có thể đưa ánh sáng đến cho những mầm xanh tương lai nơi heo hút xa xôi này?
Chiếc xe lâu lâu lại nẩy lên một cái làm tôi hết cả hồn. Huy rút trong túi áo ra bao thuốc lá liếc xéo sang tôi hỏi vờ: Không biết tui hút thuốc thế này có làm ảnh hưởng đến bà không nhỉ?
- Ông tự biết chứ hỏi gì nữa, ghét nhất là kiểu hỏi giả đò như ông.
Nói xong tôi mỉm cười nhìn ra ô cửa kính xe. Tôi và Huy thân nhau từ năm thứ hai trong một lần cùng diễn tập văn nghệ chuẩn bị cho hội diễn mừng ngày 20/11. Huy thường gọi tôi là bà. Ban đầu tôi đã vặn ngay câu gọi ấy rằng tôi đã già đâu mà gọi là bà hử, nhưng Huy thật quỷ quái khi trả lời. Già rồi chứ chi nữa mà không, vài năm nữa tôi gọi bà là cố ấy chứ! Cứ thế lâu rồi thành quen nghe cũng hay hay, tôi cũng chuyển từ gọi cậu sang gọi ông với Huy.
Chiếc xe tuýt một hồi còi dài rồi đỗ xịch xuống bến xe miền đông. Lúc này đã 21 giờ đêm, Huy hỏi tôi: Bà đói không? Tôi với bà ăn cái gì đi, còn lâu nữa mới có chuyến xe lên Đồng Xoài.
Chúng tôi tạt vào cái quán nhỏ gần bến xe gọi hai tô phở bò. Huy tinh nghịch hỏi tôi: Bà ăn tô bé hay lớn hơn tôi?
- Bằng ông!
Tôi trả lời kèm với cái liếc mắt thật ranh mãnh. Nhiều lúc nghĩ Huy trông cũng dễ thương.
Sinh ra Huy chẳng biết bố mẹ mình là ai, Huy sống với ông bà ngoại, rồi ông bà qua đời Huy được một người dì đưa về nuôi, cho ăn học. Nửa ngày đi học, nửa ngày Huy phụ dì dượng chế biến mắm. Một loại mắm cà đóng lọ, nghe nói nghề này đời ông cố để lại, có tiếng  tăm nên mắm bán rất chạy.
Hôm tình nguyện lên Bình Phước dạy học Huy cầm mảnh giấy huơ huơ trước mặt tôi.
- Chỉ hai đứa mình thôi Trâm ơi, buồn quá ta.
Tôi xẵng giọng:
- Buồn thì ông ở nhà đừng đi nữa.
- A, gớm nhỉ?! Tôi lại sợ bà đi một mình nhớ tôi khóc chịu không nổi?
Giờ nghĩ lại may mà có Huy chứ nếu mình tôi chắc phát khóc vì nhớ nhà.
Huy gắp miếng thịt bò bỏ sang bát tôi.
- Thưởng cho bà đấy xem ra là đói hơn tôi.
- Vậy à, sao ông biết?
- Vì tôi mới ăn có một phần hai bát mà bà đã hết hai phần ba rồi.
- Vậy sao chỉ gắp cho tôi có một miếng thôi? Cả tôi và Huy cùng cười… Có lẽ tôi và Huy lúc này chưa giống thầy cô giáo lắm, cũng phải thôi vừa mới ra trường mà.
Tôi và Huy ăn xong, một hồi lâu mới có chuyến xe lên Đồng Xoài. Chúng tôi xách lỉnh kỉnh mấy thứ hành lý lên xe. Chiếc xe băng băng trong màn đêm mịt mờ, cái cảm giác lạnh làm tôi khẽ rùng mình. Tôi bắt đầu tưởng tượng và hình dung ra cái quang cảnh sắp đến với mình. Còn Huy hình như đã ngủ, mà sao cái khuôn mặt của Huy lúc ngủ khác thế nhỉ? Cái đầu tựa ra thành ghế để lộ vẻ mặt đầy u uẩn. Có phải sự vui vẻ bên ngoài của Huy chỉ là cái vỏ bọc mà bên trong là cả một nỗi niềm tâm sự? Vầng trán cậu ta nhăn lại dưới ánh đèn trong xe toả ra cái màu đỏ nhờ nhờ. Tôi chợt nghĩ có khi nào Huy tình nguyện lên vùng xa dạy học bởi còn có một mục đích riêng nào khác?
Mẹ Huy nghe nói là một phụ nữ đẹp, khi còn là một nữ sinh phổ thông đã sớm yêu và tin một cậu bạn cùng trường con của một cán bộ tỉnh. Không may cô bị có thai nên phải nghỉ học, gia đình vì sợ xấu hổ với hàng xóm nên ban đầu bắt cô phải đi phá cái thai đó. Nhưng thai đã lớn nên buộc phải giữ lại đẻ.
Cũng chẳng biết nguyên nhân thế nào mà sau khi sinh Huy được mấy tháng cô bèn bỏ đi mất tăm. Nghe nói cũng có đăng tin tìm nhưng không có kết quả. Cũng may Huy càng lớn càng ngoan lại khôi ngô tuấn tú.
“Tới rồi mấy cô chú ơi, xuống xe thôi”. Người tài xế vừa đập vào mang xe vừa gọi lớn cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
Huy mở mắt nhưng có vẻ còn ngái ngủ. Cậu ta vươn vai một cái lấy hai bàn tay xoa xoa mặt cho tỉnh. “Sao nhanh thể nhỉ?” Huy vừa hỏi vừa với tay lên giàn xe lấy hành lý.
- Ở đây là chỗ nào vậy ông Huy?
- Chợ Bình Thắng!
Buổi sáng chợ đã bắt đầu tấp nập, hình như đêm qua trời ở đây có mưa hay sao mà con đường bỗng trở nên ướt nhẫy. Một thứ đất màu đỏ nhão nhoẹt và dính người dễ sợ đến nổi đôi giày của tôi nặng trịch như đeo thêm một tảng đá.
Huy ngoắt xe thồ chở tôi và Huy lên Sông Bé. Lúc này tôi thực sự mệt nên hỏi Huy một cách sốt ruột: Gần tới chưa ông Huy? Sao lâu dễ  sợ vậy?
- Gần rồi bà ơi, miền đất hứa kia kìa.
Huy chỉ tay về phía mờ mờ một màu xanh thẳm cao su và cà phê. Huy có vẻ sành sỏi bởi vì tốt nghiệp phổ thông Huy có vào nơi này rồi. Huy hái cà phê cho một chủ đồn điền để kiếm tiền cho năm sau đi học. Vì thế bên tôi cậu ta giống như một hướng dẫn viên.
Chúng tôi đến nơi đã hơn 10 giờ trưa. Đón chúng tôi là một người phụ nữ trạc tuổi 45. Khuôn mặt đẹp nhưng thoáng một nét buồn. Huy giới thiệu người quen thân như ruột thịt, cứ gọi là dì Ba.
Dì Ba làm đủ nghề kiếm sống: đưa đò, làm nương, đến mùa cà phê đi hái cà phê cho người ta, đến mùa bắp đi hái bắp, mùa nước thì ở nhà ai gọi đò thì dì Ba đưa đò…
Căn nhà lá lụp xụp vẻ tạm bợ bên con sông nước chảy ồ ạt gọi là Sông Bé! Ngôi nhà không có đàn ông nên cô đơn và lạnh lẽo. Tôi tò mò nhiều lắm mà không dám hỏi sợ chạnh lòng làm dì Ba buồn, với lại quá khứ của mỗi con người đôi lúc lại là một vết thương của cuộc đời.
Huy và dì Ba nói chuyện gì đó trong vui vẻ và thật thân thiện. Họ quen biết nhau trong cái năm Huy vào lần đầu hái cà phê. Một người con trai thiếu bố, thiếu mẹ với một người phụ nữ không chồng không con. Hai hoàn cảnh ấy đã hình thành nên sợi dây cảm thông trong họ và bây giờ trông họ giống như hai mẹ con.
Huy cầm con dao gọi tôi ra vườn cắt hoa chuối vào làm rau bóp ăn với cơm. Bữa cơm ở nhà dì Ba đạm bạc đơn sơ chỉ mấy con cá, đĩa rau mà sao ăn ngon thật. Tôi nhìn kỹ dì Ba thêm một chút. Người đàn bà còn mơn mởn thế kia sao lại không lấy chồng lại ở một mình bên bến sông như vậy? nhiều lúc tôi nghĩ hay dì Ba đã từng lấy chồng nhưng chồng chết? Hay dì ấy ở một mình vì không muốn lấy chồng? Sao dì ấy không xin một đứa con ở cùng cho nó vui nhỉ? Dì Ba nhìn Huy thật trìu mến, có lúc lại như lẩn tránh, bất chợt Huy xoá ngay dòng suy nghĩ của tôi.
- Trâm này, bà lo mà chuẩn bị tinh thần đi, thế nào bà cũng ngao ngán với cái sự thật đau lòng sắp tới cho mà xem.
- Ý ông là sao?
- Là cái trường học na ná cái kho thu hoạch cà phê của bác Sáu. Chỉ khác là có bàn ghế với bảng đen, là những đứa học trò áo quần xộc xệch thậm chí còn có thể đứt nút nữa... mà thầy cô thương học trò thì đi dạy phải cầm theo kim chỉ để mà khâu cho chúng... Huy cứ vậy mà tuôn ra mấy lời thật thà đến mặn chát. Dì Ba cười, nụ cười đẹp một cách mặn mà mà lại trông khá quen quen nhưng tôi không lí giải được.
- Tụi nhỏ ở đây tội nghiệp lắm. Gia đình nhiều lúc cơm chưa đủ ăn nói gì đến cái chữ hả các cháu, nhưng các cháu đến đây bằng tình yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ biết đâu ngày mai tươi sáng đã bắt đầu?!
Tôi thực sự bất ngờ trước những lời nói đó của dì Ba. Một người đàn bà cô đơn, nghèo khổ nhưng sao có được những suy nghĩ sâu xa đến vậy?
- Dì ơi, giá mà trường gần hơn một chút con xin dì cho con được ở cùng với dì, dì có đồng ý không vậy?
- Tao cũng thích tụi bay ở cùng cho vui nhưng sợ cái túp lều thế này bay không ở ấy chớ. Thế lúc nào hai đứa đến trường?
Ngày mai thưa dì. Có lẽ tối nay chúng con ở với dì rồi mai phải xuống trường xem tình hình thế nào.
- Ờ thế cũng được, nhưng xuống đó nhớ là lên thăm dì nghen, chứ dì ở một mình cũng buồn.
Sáng ra dì Ba đã chuẩn bị bữa cơm sáng, ở đây người ta cũng ăn sáng bằng cơm. Món cá khô rim đường, một đĩa rau… chủ yếu tôi và Huy ăn chứ dì Ba chẳng ăn mấy. Ăn xong cả tôi và Huy chào dì rồi lên đường đi qua một rừng cà phê bạt ngàn, rồi ra thấu con đường đất đỏ đi khoảng 300m nữa mới tới trường. Hiệu trưởng và các thầy cô giáo ra tận cổng đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật vồn vã. Tụi học sinh mở to mắt nhìn thầy cô giáo mới đúng như những gì Huy nói, lớp học lưa thưa chỉ không quá mười lăm em. Nhìn chúng cố gắng nghiêm túc trong những bộ áo quần nghèo khổ bỗng tôi nghe lòng nghẹn đắng.
Lâm, một thầy giáo được xem là trẻ nhất ở đây, quê Nghệ An đã công tác được ba năm, đưa ánh mắt nhìn núi rừng một vẻ xa xăm sau đó lắc đầu nói với chúng tôi:
- Ừ! tớ hy vọng, hy vọng rằng có “sức người sỏi đá cũng thành cơm”! Lâm nói rồi cùng chúng tôi sắp xếp chỗ ở.
Ở đây không có điện nên dùng đèn dầu, đêm tôi cố vặn tim đèn thật to mà cảm giác vẫn không sáng nổi. Tôi tự nói với mình là biết chấp nhận nghĩa là chiến thắng. Sự mệt mỏi dễ ru tôi vào giấc ngủ nên mới ngã người xuống giường tôi đã ngủ một cách ngon lành. Mới sáng ra Huy đã lọc tọc sang cầm theo cái bịch đen, tôi hỏi gì thế? Huy cười khà khà, mắm bà ơi, quà cho dì Ba mà quên mất, sang đây hẹn bà lên dì Ba cùng tui.
Chúng tôi tới khi dì Ba đang hái bông bí ngoài vườn. Thấy tôi và Huy dì Ba mừng lắm. Huy trao mấy lọ mắm cho dì Ba, thứ mắm mà ông bà Huy đã tạo ra một thương hiệu ở nơi cái làng Hạ ấy. Dì Ba cầm lấy lọ mắm sau đó dì run bắn lên, mặt biến sắc, cả tôi và Huy hoảng hốt đỡ lấy dì. Huy hình như nghĩ tại cái thứ mắm này dị ứng với dì nên vội cho vào bì định xách đi cất, nhưng dì ấy đã ngăn lại. Mãi một hồi lâu dì Ba run run hỏi Huy thứ mắm đó làm bằng gì, ở đâu, hiện giờ ai làm? Huy nói trước đây ông bà còn sống, cháu với ông bà vẫn làm, dì dượng cháu cũng làm. Giờ ông bà mất nên chỉ còn dì dượng chế biến thôi ạ.
Bỗng nhiên dì Ba khóc nức nở hỏi Huy có phải tên ở nhà thường gọi là Tí không? Cả tôi và Huy đều giật mình trước câu hỏi của dì Ba.
Trời bỗng nhiên đổ mưa, mưa ào ạt, căn nhà của dì Ba khẽ rùng mình. Huy như một tảng đá lạnh băng không nói được gì, còn tôi nổi da gà với suy nghĩ vụt thoáng qua trong đầu.
Dì Ba vẫn chưa hết cơn xúc động...
Là một cô gái đang tuổi ăn học, sống trong một gia đình nề nếp gia phong. Vậy mà vì quá yêu và bồng bột nên dì đã trao thân cho người con trai ấy nhưng khi có thai, cậu đó đã chối phăng... Bị bố mẹ nhiếc mắng, xóm làng dè bỉu, miệt thị... dì đành để Huy lại và trốn nhà đi... Dì đã chôn vùi tuổi xuân của mình bên dòng sông này... Dì Ba nấc lên trong nước mắt: “Dì chính là mẹ đấy, mẹ của con đó Huy”.
Tôi không nói được gì hết, còn Huy như không tin được điều đang xảy ra. Tôi thả bước ra dòng Sông Bé đang cuộn chạy để hai con người đó ở lại bên nhau. Có lẽ từ đây ngôi nhà bên dòng sông không còn hoang vu nữa. Giờ thì tôi lí giải được nụ cười quen quen của dì Ba lúc mới gặp.
Tôi lượm một viên sỏi ném xuống con sông rồi khẻ bất giác cười… Biết đâu một ngày chính tôi sẽ cầm lại được viên sỏi đó ngay chính ở quê hương mình?
                                                                                                            D.H

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Món quà Noel (11/09/2008)
Mùa xuân em (11/09/2008)
Tình hoa (11/09/2008)
Về làng (11/09/2008)