Tạp chí Sông Hương - Số 228 (tháng 2)
Mai Văn Hoan - người đi tìm ảo ảnh
16:58 | 11/09/2008
HOÀNG VŨ THUẬT           Chưa ai để ý đến đâu           Cây đứng khép mình lặng lẽ...                                        (Cây lặng im)
Mai Văn Hoan - người đi tìm ảo ảnh


Tôi cảm thấy Mai Văn Hoan đang nói về mình và thơ của mình. Mai Văn Hoan làm thơ khá lâu, từ những năm bảy mươi đã có thơ xuất hiện trên báo chí. Anh viết khá nhiều nhưng đăng tải lại dè dặt. Đúng hơn, trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tạng thơ Mai Văn Hoan chưa phù hợp lắm nên hơi khó in. Mai Văn Hoan vẫn lặng lẽ viết như cây lặng im cần mẫn kết một vòm xanh cho tới bây giờ.
Viết về anh, tôi như người tình chọn cây làm nơi hò hẹn để bàn chuyện thơ.
Thật ra, thơ Mai Văn Hoan đã đi vào độc giả bằng nguồn “xuất bản” khác. Từ trong vở, trong sổ tay của học sinh, sinh viên... thơ cứ thế được nhân lên thành số lượng lớn, vượt qua những vùng đất tác giả chưa từng đặt chân tới. Điều ấy tự nói: thơ có nhiều cách đến với người đọc. Công chúng sẵn sàng đón nhận mỗi khi thơ làm được bổn phận của mình.
Đọc những tập thơ Ảo ảnh, Giai điệu thời gian, Hồi âm, Trăng mùa đông, Giếng tiên, Lục bát thơ... của Mai Văn Hoan, tôi mới có điều kiện tổng hợp, khái quát về thơ anh. Thơ Mai Văn Hoan thuộc dạng có nhiều ý kiến, nhận định không giống nhau. Làm thơ “mỗi người một vẻ”. Thơ Mai Văn Hoan cho tôi một thiện cảm, ví như Prísvin khi quan sát thiên nhiên buổi sáng mùa xuân, ông nhận ra một cái gì đó, một cái gì không nhìn thấy, nhưng không hề đứng yên.
Thơ Mai Văn Hoan là vậy, bình thản, không trau chuốt, tạo hình câu chữ, nhưng đọc toàn bài là một một mạch dính kết vững chắc, tạo nên tứ thơ khoẻ khoắn, năng động. Mai Văn Hoan không tàng hình bút pháp, anh bày hết ra sự thật hàng ngày:
Anh muốn biết ở tôi điều bí mật
Nhưng đời tôi có bí mật được đâu!

Bài thơ kết thúc một cách tự tin, trong sáng:
Có thể bây giờ nàng không yêu tôi nữa
Có thể nàng rồi sẽ thuộc về anh

Ở ngoài đời cuộc tình tôi tan vỡ
Nhưng trong tôi nó mãi mãi nguyên lành
! 
                                                        (Điều bí mật)
Anh tự phá vỡ mình không phải bằng kĩ thuật mà bằng cái chìa khoá đặc biệt, mở từng cánh cửa đời sống:
Chỉ cần một que diêm
Thế là thành ngọn lửa

Cớ sao em lần lữa?
Điếu thuốc vẫn còn nguyên!
                                       
(Điếu thuốc và que diêm)
Nút ấn quan trọng ấy là bản chất của sự vật, làm nên chất liệu cung cấp cho nguồn năng lượng cảm hứng. Đối tượng chính thơ Mai Văn Hoan là tình yêu. “Em” trở thành nhân vật trung tâm của mọi cảm xúc. Nhân vật “em” là một “ảo ảnh” suốt đời thi sĩ kiếm tìm:
Vâng, dẫu chỉ là ảo ảnh
Nhưng đời tôi nếu vắng em

Trái đất trở nên giá lạnh
Mặt trời thành một quầng đen
!            
                                                       (Ảo ảnh)
Ra thế, nếu thiếu đi nỗi khát khao, thiếu một sự mong đợi dù chỉ để mong đợi thì con người không thể sống nổi. Con người phải sống với những tiện nghi, đồ đạc quanh mình: dãy ghế đá và chiếc bàn bằng đá, những bản nhạc xập xình, căn phòng chật... nhưng cao hơn, con người còn sống cả những gì ngoài nó. Mục đích thơ Mai Văn Hoan xuất phát từ đó chăng?
Đi tới mục đích này, anh không bận tâm nhập cuộc hay không nhập cuộc. Dĩ nhiên người viết văn không thể quay lưng lại cuộc đời, phải đi, phải sống và phải viết. Có điều, giữa những tâm điểm bề bộn của đời sống, anh biết lọc lấy cho mình nguồn cảm xúc, làm chủ nó để viết những bài thơ theo cách của mình.
Quan niệm thẩm mỹ của anh không đơn điệu. Cái đẹp hoà nhập vào mọi trạng thái của tâm hồn:
Khi thì đắm chìm trong hoài niệm:
Chân lặng lẽ giẫm lên con đường cũ
Con đường xưa ta từng bước sóng đôi
Khuya đưa tiễn, chia tay nhau trước ngõ
Chiếc hôn dài còn nồng ấm trên môi
                                                           (Thăm lại vườn xưa)
Lúc đơn côi vò xé với lòng mình:
Hoa chong chóng bay theo chiều gió thổi
Xác sò nằm trên bãi vắng chơ vơ
...
                                                          (Chuyện vỏ ốc, vỏ sò)
Có khi dứt khoát, mạnh mẽ:
Nên bây giờ tôi quyết định chia tay
Dẫu điều đó có làm em đau khổ
Tôi sẵn sàng chịu bao lời phẫn nộ
Để cứu em thoát địa ngục đời tôi.

                                                          (Tự thú)
Thất vọng đấy, để rồi tiếp tục hy vọng:
Anh cảm thấy thịt da mình trẻ lại                                        
Sương dần tan dưới bảy sắc cầu vồng
                                                            
(Bài thơ buổi sáng)     
Mai Văn Hoan viết về tình yêu với mong muốn thức dậy sức sống trong con người, hướng con người đi đến cốt cách cao thượng, xoá dần những thói ích kỷ, tầm thường. Dẫu đất trời có mưa chiều, nắng sớm thì thơ vẫn phải là đôi cánh bướm chập chờn say!
Không chỉ dừng lại ở chuyện tình, thơ Mai Văn Hoan còn đề cập đến những vấn đề xã hội một cách tinh tế, không quyết liệt, ào ạt theo kiểu một số tác giả khác.
Ấy là anh phát hiện “vầng trăng se giá” giữa mùa đông khắc nghiệt:
Đã đến tuần có trăng
Mà mây giăng mờ mịt
Mà mưa, mưa rả rích

Mà gió thốc lạnh lùng...
Vầng trăng mùa đông khác thường mới quý giá làm sao!
Như quả chín hiếm hoi
Treo trên cây tháng chạp

                                               (Trăng mùa đông)
Ấy là phiên toà đặc biệt trong đó tình huống xảy ra thật bất ngờ, ngoài luật lệ thông thường: bị can và chánh án hôn nhau!
Ấy là cuộc đụng độ với con Tô Xám, khi nhà thơ đứng chờ người yêu trước ngõ:
Này Tô Xám xin mày đừng sủa nữa
Im đi Tô, cho tao được yên nào!
Mày cứ gào làm chi cho rát cổ
Cái mõm mày sao cứ chõ vào tao?
                                                (Nói với Tô Xám)  
Thể hiện một cách tự nhiên, bằng sự rung động tự nhiên trong những hoàn cảnh khác biệt, hình thức thơ theo đó mà linh hoạt, đa dạng một cách tự nhiên: khi trang nghiêm, trầm buồn; khi sôi động, hài hước. Có khi anh cố ý để cho câu thơ thừa lời. Lại có cả những câu thơ lấy đà, dẫn dắt, làm đệm cho câu sau. Lối viết như thế có người không đồng tình, nhưng tôi nghĩ: nhờ vậy mà thơ anh không lẫn với thơ của người khác.
Thơ Mai Văn Hoan phản chiếu con người của anh. Điều đó thể hiện rất rõ qua trò ú tim. Anh cất công đi tìm một hư ảo. Và ngỡ rằng tìm được thật, nhưng rồi khi tới nơi đã lại tan biến từ bao giờ:
Số phận tôi thường trớ trêu như vậy
Hạnh phúc với tôi như kẻ trốn, người tìm
Như dòng chữ em viết trên cát ấy

Sóng xoá đi khi tôi mới thoáng nhìn.
Thơ ca đích thực sẽ không mệt mỏi trong sự khám phá. Hướng cảm xúc về những gì ngoài nó, chính đấy là yếu tố lãng mạn của thơ. Lượng  tin cuộc sống rất cần thiết, nhà thơ phải bay qua lượng tin để bắt lấy ý nghĩa nhân bản lâu dài. Điều ấy trở thành nguyên tắc cội rễ của thơ.
                                                                            H.V.T

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Món quà Noel (11/09/2008)
Mùa xuân em (11/09/2008)