Tạp chí Sông Hương - Số 227 (tháng 1)
Một ngày theo Nguyễn Tuân đi chơi Huế
16:57 | 15/09/2008
NGUYỄN QUANG HÀBấy giờ là năm 1976, đất nước vừa thống nhất. Bắc trở về một mối. Người miền Bắc, miền xôn xao chạy thăm nhau, nhận anh em, nhận họ hàng. Không khí một nhà, vui không kể xiết.

Hôm ấy anh Trần Hoàn, lúc đó đang làm trưởng ty Văn hóa Thừa Thiên Huế, gọi tôi lên phòng anh, bảo:
- Ngày mai anh Nguyễn Tuân vào thăm Huế, em sắp xếp đi chơi với anh Nguyễn Tuân nhé!
Quả thật tôi ngại. Đi với Nguyễn Tuân, một người thông minh và hiểu biết như thế, lỡ có gì anh ấy hỏi mà mình không trả lời được thì còn ra làm sao nữa. Nghĩ thế, tôi bảo anh Trần Hoàn:
- Anh Nguyễn Đắc Xuân, anh Phan Thuận An là những người am tường về Huế, anh nên bảo các anh ấy đi chắc là thuận lợi hơn em.
Anh Trần Hoàn cười độ lượng:
- Dại thế. Đi với anh Nguyễn Tuân để anh ấy dạy cho chứ.
À, ra anh Trần Hoàn có ý tốt vậy. Tôi nhận lời.
Hôm sau, mới đầu giờ chiều tôi đã tới hội văn nghệ 26 Lê Lợi đón anh Nguyễn Tuân.
Xe anh Nguyễn Tuân tới, tôi giúp anh xách đồ vào phòng, rồi chạy ngay ra xem anh Tuân có cần gì. Anh đứng đợi tôi ngoài cổng. Anh vẫy tôi theo. Từ hội văn nghệ ra sông Hương chưa đầy 100 mét. Anh Nguyễn Tuân lững thững đi, tôi theo sau. Đứng bên bờ sông Hương, anh Nguyễn Tuân nhìn ngược dòng nước, lại nhìn xuôi dòng nước, rồi anh nói như anh nói với một người bạn đứng bên mình:
- Sông Hương ơi! Nguyễn Tuân đã về đây.
Nói xong, đứng thẫn thờ một lúc, anh quay vào. Tôi có cảm giác sông Hương với Nguyễn Tuân giống như một người bạn thân lâu ngày gặp lại.
Lúc chia tay, anh Tuân dặn:
- Ngày mai anh em mình đi chơi sông Hương nhé!
Sáng hôm sau tôi cho đò tới đón anh. Hai anh em ngược sông. Anh Tuân bảo:
- Không thi thố gì với ai, cứ cho đò chạy chậm, để anh em mình vừa đi vừa ngắm cảnh.
Anh Nguyễn Tuân ngồi ngay mũi đò. Chả thấy lúc nào anh ngồi yên. Khi thì nhìn qua dòng nước trong vắt, anh ngắm những sợi rong cùng mấy con cá nhỏ lượn lờ dưới đáy sông, khi thì anh xắn tay áo, thả cả nửa cánh tay xuống nước để xem dòng nước mát đến đâu, khi thì anh đứng lên ngắm hết những chùm quả sung súc sỉu bờ bên này, rồi lại ngắm những ngọn tre lả lướt vươn dài ra đùa giỡn với những ngọn sóng lăn tăn.
Khi đò đi qua Kim Long, anh Nguyễn Tuân đọc câu thơ xưa, mà như đang tự nói với chính mình:
“Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”.
Rồi anh tự mỉm cười như đang sống trong ký ức mình, một kỷ niệm xa xưa.
Từ Kim Long, mắt Nguyễn Tuân chạm vào ngọn tháp 7 tầng chùa Thiên Mụ. anh nhìn mãi, vậy mà đò đi qua chùa, anh vẫn lẳng lặng không nói gì. Anh quay qua nhìn đăm đắm làng Nguyệt Biều như đang tìm ở đó canh gà xứ Thọ Xương xưa.
Đi đến đoạn sông giữa chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén, anh bảo cho dừng đò lại. Anh chắp hai tay phía trước, nhìn xuống dòng sông, một lát sau anh nói:
- Ở chính chỗ sông này em ạ, ông già của anh đã làm một câu thơ, câu thơ như thế này: “Sông Hương có nhớ ta chăng. Ta đi ta nhớ cái thằng đò đưa”. Đầu óc các cụ cũng ngang tàng lắm phải không em?
Trong bụng tôi nghĩ không biết các cụ có sống ngang tàng đắm đuối như Nguyễn Tuân bây giờ?
Đò qua điện Hòn Chén, tới chợ Tuần, tôi bảo anh:
- Chợ Tuần có cháo bầu dục nổi tiếng lắm, hai anh em ta lên ăn sáng rồi qua thăm lăng Minh Mạng.
Vào quán, tôi gọi cho hai tô cháo bầu dục.
Anh Tuân bảo:
- Để đó cho anh.
Rồi anh tới gần ông chủ quán đứng bên nồi cháo, anh xin tự làm. Anh lấy những miếng bầu dục đã thái, bỏ vào chiếc thìa, loại thìa có nhiều lỗ ở lòng thìa, anh nhúng thìa bầu dục vào nồi cháo, một tí lại nhấc lên xem. Cuối cùng anh đổ bầu dục vào hai tô, bấy giờ mới cho ông chủ quán múc cháo vào, bưng ra bàn cho chúng tôi.
Anh Tuân múc khẽ từng miếng bầu dục, nhai chậm chạp như vừa nhai vừa suy nghĩ, anh nói:
- Nhiều hàng cháo bầu dục họ không biết làm, bầu dục chín quá, cứng queo, ăn cứ bã ra. Anh chỉ nhúng cho bầu dục vừa chín tới. Em ăn thấy miếng bầu dục có ngọt không?
Người ta thường bảo anh Nguyễn Tuân rất sành ăn. Quả là như vậy, miếng bầu dục nào cũng ngọt thỉu, mới nhai đã tan ra cùng cháo, tô cháo thơm ngọt hẳn lên.
Ăn cháo xong, hai anh em qua sông vào lăng. Gặp ông già trông coi lăng ở giữa sân. Vì lịch sự, tôi để hai người trò chuyện lang thang với nhau. Lúc ra về Nguyễn Tuân chỉ người coi lăng, nói với tôi:
- Đừng bao giờ coi thường người coi lăng. Đó mới chính là người giữ gìn nền văn hóa của chúng ta.
Dừng một lát, Nguyễn Tuân nói tiếp:
- Anh hỏi ông giữ lăng: Lăng Minh Mạng khác với các lăng khác ở chỗ nào? Ông đáp: Ông có thấy từ cổng vào, qua nhà bia, qua điện thờ, cho đến nơi cuối cùng là mộ Minh Mạng thẳng tắp không? Thời Minh Mạng là thời nghiêm minh, thịnh trị nhất của nhà Nguyễn, nên kiến trúc lăng thẳng tắp như hình một lưỡi gươm. Đường thẳng này là biểu tượng đường thẳng của lưỡi gươm thời thịnh trị đó ông ạ.
Ông gật gù:
- Tuyệt. Trông con người khù khờ, bình thường thế kia mà thật uyên bác, thật sâu sắc. Sâu sắc đến thế là cùng.
Quả thật cách nhìn đời, nhìn người của Nguyễn Tuân cũng khác người. Ông biết trong những nhân cách, những tài năng, chứ không đánh giá con người ở dáng vẻ bề ngoài.
Đến trưa anh em chúng tôi thả đò theo dòng nước về xuôi. Mặt nước sông phẳng như mặt gương, lững lờ đến nỗi người ngồi trên đò cũng không nhận ra dòng nước chảy. Ngồi trên đò thật êm, không cả cảm thấy bồng bềnh. Đò qua Bạch Thổ, qua Suối Yến, qua Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu về Vĩ Dạ. Nguyễn Tuân đứng trên đò nhìn bao quát vùng Cồn Hến, Vĩ Dạ. Ông hỏi tôi:
- Em có biết vì sao có tên Vĩ Dạ không?
Tôi đáp:
- Em nghe nói xưa Vĩ Dạ là một vùng lau lách, ngút ngàn màu trắng hoa lau nên có tên như vậy.
Ông khen:
- Khá!
Rồi ông gật gù:
- Dấu tích lau lách còn trong thơ Hàn Mặc Tử. Chỉ có Hàn Mặc Tử tài hoa mới có cái nhìn vời vợi đến như vậy – Ông đọc – “Trong khóm vi lau dào dạt mãi. Nỗi lòng ai đó sao im đi. Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm. Lộ cả khuôn vàng dưới đáy khe”.
Tôi nhìn ông đọc thơ, mà đôi mắt ông mơ màng, vẻ không nhìn đâu cả, mà như ông lại đang nhìn đi rất xa. Cũng đôi mắt ấy, cũng tâm trạng ấy khi đò đi qua vùng đất của thành Hóa Châu xưa. Ở những giây phút ấy con người nghệ sĩ trong Nguyễn Tuân bộc lộ một cách hết sức kín đáo, lặng thầm. Hèn chi những trang viết của ông về Huế cứ nặng trĩu từng con chữ.
Đến phá Tam Giang, Nguyễn Tuân thích trèo thang lên nhà chồ để hưởng cái gió Tam Giang mênh mông, rồi ông xuống đò lang thang hết bờ nò sáo này đến bờ nò sáo kia. Ông bảo tiếc là lúc này chưa phải chập choạng hoàng hôn để nhìn đàn tôm kéo nhau đi kiếm ăn, lần lần bên hàng cọc nò. Ở đây, thêm một lần nữa Nguyễn Tuân bộc lộ cái thú nhấm nháp của mình.
Trong đò của ngư dân trên phá Tam Giang, đò nào cũng có bếp, có lò than để chiều khách ăn đặc sản của phá. Hôm nay Nguyễn Tuân không ăn trên đò, ông bảo đem lò than và tôm lên ngồi bên giếng Cam Lồ ngay dưới chân núi Túy Vân để nhấm nháp. Ông tự nướng lấy tôm. Đôi đũa ông gắp tôm lật đi lật về. Ông chìa một con tôm vừa gắp trong lò ra, đưa đến trước mặt tôi, ông bảo:
- Em ạ, nướng tôm còn một chút lòng đào như thế này, ăn mới biết thế nào là vị tôm ngọt. Tôm phá Tam Giang, tôm rằn nước lợ ở đây ngon nhất nước đó, em à.
Vừa nướng tôm, ông vừa lấy ra từ túi áo ngực trái một chai rượu chỉ to bằng bốn ngón tay và cũng lép như bàn tay, ông chạm chai vào vai trần của tôi:
- Em có thấy chai rượu ấm lên không? Hơi nóng của trái tim ủ nó nóng lên đấy. Uống rượu nóng thế này mới bốc và mới biết thế nào là hương thơm của rượu.
Ông lấy trong túi áo kia một chiếc chén nhỏ bằng hạt mít. Ông chắt rượu ra đó, mỗi chén rượu, ông lại nhắm một con tôm lòng đào. Ông đưa cho tôi một chén rượu:
- Nào em, hãy nếm một chút hương vị thanh tao của cuộc đời này đi.
Quả nhiên uống rượu nóng thấm thía một cách kỳ lạ. Tôi chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Bính: “Em rót cho anh nước rượu đầu. Hai đứa uống chung và lại thẹn. Nghẹn ngào hai đứa uống chung nhau”.
Quay nghiêng, tôi thấy bóng chúng tôi in trên mặt nước giếng Cam Lồ. Giếng nước ngon đến nỗi hàng ngày vua nhà Nguyễn cho thuyền xuống đây, múc nước Cam Lồ đem về cho cả Hoàng cung dùng. Dẫu Nguyễn Tuân không nói gì về cái giếng này, song tôi hiểu thâm ý của ông, cuộc chơi nào của ông cũng đến tận cùng.
Chiều ông bảo đem đò chở ông ra cửa Tư Hiền, đó là cửa biển thông từ đầm Cầu Hai ra biển. Đò dừng trước cửa biển, Nguyễn Tuân rót chén cuối cùng trong cái chai lép ra uống nốt. Khà một tiếng khoái trá, ông vừa hỏi tôi, lại vừa trả lời:
- Em có biết tại sao cửa Tư Hiền có hai tên gọi không? Tên thứ hai là cửa Tư Dung. Vì lần ấy vua Lê Thánh Tông vào dẹp giặc Chiêm Thành. Thuyền ông vào đầm Cầu Hai tránh gió. Qua cửa này ông gặp một người con gái đẹp, ông đã đặt tên Tư Dung để kỷ niệm cuộc gặp gỡ tình cờ mà tuyệt vời này – Ông chép miệng – Tư Dung! Tư Dung! Tư Dung! Tuyệt thật.
Mặt trời tà tà, tôi nhắc ông đã đến lúc về, ông cười bảo tôi cho đò ra đứng ngoài cửa Tư Dung. Bờ biển phía cửa Tư Dung là Chân Mây. Ông cứ cho đò đứng đó như chờ đợi, mà đúng là chờ đợi thật. Lát sau ông chỉ cho tôi ở bãi Chân Mây, nước bốc hơi lên thành cột, thành một cột mây. Cột mây lên thật cao rồi cứ thế từ từ thành đám mây trắng bay về núi Túy Vân, mây quanh quẩn ở đó mãi rồi mới bay về ngọn Bạch Mã ở phía Tây. Cuộc xoay vần mây kỳ lạ như thế nên có tên Chân Mây và Túy Vân là vậy.
Nguyễn Tuân nói:
- Tiềm năng du lịch của Huế vời vợi, không biết bao giờ họ mới biết khai thác tiềm năng này đây.
Đám mây từ Chân Mây ra Túy Vân và bây giờ nó ôm lấy ngựa Bạch Mã ngủ, như đứa con nhỏ ngủ thiếp trên ngực mẹ, ông mới cho đò về.
Anh Trần Hoàn đợi đò ở bến Trường Tiền. Bạn Huế tíu tít dắt Nguyễn Tuân về quán Âm Phủ, đi sau anh Hoàn hỏi:
- Sao, một ngày đi với Nguyễn Tuân sao?
Tôi đáp:
- Đúng như anh nói. Kiến thức của anh Nguyễn Tuân thật mênh mông. Cám ơn anh đã cho em theo anh Nguyễn Tuân đi chơi Huế.
- Ngày mai đi tiếp chứ?
Tôi reo lên:
- Ôi, còn gì bằng. Xin anh cho em đi hết cuộc chơi này nhé!
Anh Hoàn gật đầu hể hả như vừa làm xong một bản nhạc Sơn Nữ ngày nào.
N.Q.H

(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng