Tạp chí Sông Hương - Số 226 (tháng 12)
Nhân giỗ đầu nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
15:27 | 17/09/2008
Vậy là tròn một năm kể từ sớm đông ấy Nguyễn Xuân Hoàng giã biệt cõi trần khi Huế còn chìm trong sương giá. Chỉ vỏn vẹn 99 ngày gắn bó, nhưng anh là nỗi ray rứt giữa lúc Sông Hương đang ẩn hình những ngọn sóng... Lật giở hơn ngàn trang bản thảo của anh, mấy ai không giật mình trước sự cay cực đến xót xa để có được một đời văn bình dị?Giỗ đầu, bạn bè và đồng nghiệp Xuân Hoàng đã cùng với Sông Hương thắp lên nén nhang tri ngộ...(Nguyễn Khắc Thạch - Lê Văn Chương - Hoàng Diệp Lạc - T. E - Nguyễn Trương Khánh Thi - Đinh Thu - Ngàn Thương - Trần Hạ Tháp - Nhất Lâm)
Nhân giỗ đầu nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng


Đọc tuyển tập Nguyễn Xuân Hoàng

NGUYỄN KHẮC THẠCH

Văn chương vốn vô mệnh nhưng người làm ra văn chương thì có mệnh nên nó vẫn phải chịu lụy phần. Nói văn là người hay người là văn cũng không khác khi ý niệm chúng ta vượt ra ngoài quan hệ tương thuộc giữa tâm và vật, giữa chủ thể và khách thể. Văn nghiệp của một nhà văn là sự tích hợp những chuỗi lâm sự biến cảm qua bút lực đời họ. Những đặc tính này khá rõ nét trong di cảo của một nhà văn đoản mệnh có tên là Nguyễn Xuân Hoàng.
Đoạn bút ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, cái tuổi độ chín của sự sáng tạo, anh vẫn kịp để lại hàng ngàn trang viết từ truyện ngắn, tản văn, tiểu luận đến thơ. Ở đấy, dù cái được biểu đạt phải biểu đạt dưới hình thức nào, nó vẫn thị hiện những đặc trưng thể loại riêng biệt theo nguyên tắc đồng đẳng qua sự “trình diễn” của cây bút này.

Đấy là sự trình diễn cái tôi cộng hưởng các khí cụ tri thức ở ba cấp độ bản năng (vô thức), lý trí (ý thức) và linh cảm (siêu thức). Nhà văn không thể viết nếu không có tri thức. Nhưng tri thức nhà văn, nói theo cách nói của Osho, phải là tri thức “lòng giếng”, chứ không thể tri thức “hồ chứa”. Mốt sính học hàm, học vị thời nay, số nhiều trí thức sa vào “tri thức hồ chứa”. Người ta múc từ ngoài vào, múc lẫn nhau, múc đầy sự tù đọng. Chỉ có lòng giếng là luôn luôn tự “đổi mới” mình qua sự đối lưu trong mạch nguồn tiềm linh minh triết.
Dù kinh nghiệm còn ít, vốn sống chưa nhiều nhưng khi tri giác nội tại được đánh thức bởi lòng chân thành dâng hiến, Hoàng đã chiêu dưỡng được đầy đủ những gì cần thiết cho hành trang nghệ thuật của mình. Văn Hoàng thanh thoát, bồng bềnh như sương khói, không bám víu, không dính mắc vào đâu. Đấy là thứ văn đạt ngưỡng “cái nhạt” theo quan niệm mĩ học truyền thống phương Đông. Nó lấy sự kín đáo để chưng diện. Đằng sau cái vẻ tẻ nhạt, lạnh lùng ấy hiện hữu một sức sống bền bỉ. Cái nhạt là cái thường tục, thường hằng không đối thủ, không tranh chấp. Khác với cái phi thường. Cái phi thường của ngày hôm nay sẽ là đêm trước của cái phi thường ngày hôm sau. Cái nhạt của văn chương dường như tương đồng với ý nghĩa cái nhạt của Đạo lão “Đạo mà nói ra thì nhạt và vô vị”. Văn Hoàng dù viết ở thể loại nào, đề tài nào cũng nhất quán trung trinh trong dòng biểu cảm nên nó “áp đặt” đối tượng tiếp nhận vào thế “khích tâm” hơn là “khích trí”. Lẽ thường, cái gì không khích trí thì cái đó không được đem ra đánh giá. Song, mặt nào đó của ý nghĩa tồn tại, cái không được đánh giá lại là cái luôn luôn được đánh giá. Đấy cũng là cách trình hiện của những tác phẩm nghệ thuật bàng bạc các phẩm chất mĩ học, triết học và tôn giáo.

Cho dù đến với cuộc đời này chỉ một khoảng ngắn ngủi nhưng Nguyễn Xuân Hoàng đã trải nghiệm hết thảy mọi khổ đau, hạnh phúc. Hạnh phúc của sự sẻ chia và sáng tạo, khổ đau của lòng quyến niệm và chia ly. Phẩm cách của Hoàng đồng khí với phẩm cách các nghệ sĩ lớn xứ Huế mà anh từng ngưỡng mộ như nhà thơ Phùng Quán, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở họ đều có năng lực “ám thị” những người tâm giao một dòng tình cảm “tự kỷ” nên ai ai cũng thấy họ như là “thứ của riêng”. Khi biết sống vì mọi người thì đồng thời cũng được sống trong mọi người. Đó là chân lý qui ước và là thuộc tính của những người lớn hơn chính mình. Sự thực, Hoàng đã lớn hơn chính mình trên cả phương diện cuộc đời và tác phẩm.

Với sự tri cơ và tình tri ngộ, nhà xuất bản Thuận Hoá cho ra mắt bộ tuyển tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng nhân ngày giỗ đầu của anh. Thật ý nghĩa, thật cảm động. Đây cũng là tâm nguyện của bằng hữu chi giao Nguyễn Duy Tờ, Lê Huỳnh Lâm, Đinh Thu, Trần Huyền Sâm, Minh Tự... Và, tôi là người có vinh dự được tôn lên hàng “trưởng lão” thay mặt anh em nói vài lời mào sách. Không nỡ và không thể chối từ sự tin cậy đó, tôi đã phải làm cái việc “ngôn giả bất tri”...                                                                                                                           N.K.T  

Nguyễn Xuân Hoàng với người Huế ly hương
LÊ VĂN CHƯƠNG

Nỗi lòng của những người tha hương, cuộc đời đôi khi chỉ biết an phận ở một chân trời góc biển nào đó, chẳng hẹn được ngày trở về nơi bật tiếng khóc đầu tiên, mảnh đất chôn nhau cắt rốn khi lọt lòng mẹ. Người Huế tha hương mấy ai không quay quắt mỗi khi nhớ về quê nhà. Nguyễn Xuân Hoàng đã vẽ lên bức tranh Huế thương như một liều thần dược xoa dịu nỗi nhớ của những người con xứ Huế mang kiếp ly hương.
Cây phượng vĩ bên cầu Trường Tiền, cội ngô đồng trong công viên Tứ Tượng, dòng Hương Giang với ngọn đèn chài lấp ló, màu tím Huế như thương nhớ ai trọn cả đời người mà không kịp chọn ngày trở về với đất kinh thành bốn mùa sương khói. Với những hình ảnh đó, mấy ai không khỏi chạnh lòng khi đang phiêu bạt nơi đất khách, để rồi chơi vơi như màu tím buồn hoang dại của cánh hoa lục bình trôi dạt. Xuân Hoàng là kẻ đồng hành, bạn tri âm, buồn vui với những người con đất Huế thiếu vắng hình bóng quê nhà.
Tôi đọc Hương mùa thu, Cỏ hoa xứ Huế như được đi chân trần êm ả trên cỏ dại bờ sông Hương, mà nghe hoa ngũ sắc tỏa mùi hương thơm ngai ngái, được nhìn sắc màu sen hồ Tịnh... Đọc ngấu nghiến từng dòng như đứa trẻ được ăn vật lạ thật ngon, lại sợ mau hết. Cảm ơn, cảm ơn thật nhiều; Hoàng đã đưa những người con xứ Huế mang kiếp ly hương về với cánh mai gầy Phu Văn Lâu, với màu phượng vĩ cháy lòng, cả phấn thông vàng Ngự Bình và tiếng vạc kêu đêm đông Vĩ Dạ.

Mang kiếp ly hương như tôi, Xuân Hoàng là tấm gương nhiệm màu, rọi lên những hình ảnh quê nhà bốn mùa u hoài những ai chưa kịp trở về nghe câu hát: “Bao kiếp giang hồ ly biệt thường tình, có ai nhớ ai nơi Hương Bình” (Đêm tàn bến Ngự - Văn Cao). Tôi dành một tình cảm đặc biệt cho Hoàng, hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp con người tài hoa này.
Một sáng mùa thu, Hoàng lặng lẽ đến vườn nhà tôi, một quán cafe cũng lặng lẽ lúc nắng sớm khi mưa chiều. Như đã quen thân từ kiếp nào, Hoàng với tôi trò chuyện suốt buổi sáng. Đêm ấy Hoàng uống rượu trong vườn nhà tôi với anh em nhà báo. Trong hơi men nghĩa tình, Hoàng đã hát bài “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn, đáp lại tôi hát bản “Nghe những tàn phai” và đi hợp âm la trưởng mà Hoàng thích.

Cuộc vui bao giờ cũng ngắn ngủi, Hoàng lên tàu về Huế lúc nửa đêm, để lại một dư âm, một chia sẻ trong tôi. Một đoạn trong tùy bút “Vườn Huế giữa lòng đất Quảng”, Hoàng viết cho tôi: “Huế trong anh là nỗi nhớ dai dẳng, buốt rứt. Những ngày nắng quái, những đêm gió mưa, những lúc khỏe mạnh và cả những lúc đau ốm... Huế thấm trong da thịt anh như tiếng gọi của con đò trên phá Tam Giang, tiếng trống trường làng một buổi sáng mai sương lạnh, và tiếng ru ầu ơi của bà mẹ Sịa ngày nào”.
Lúc chia tay, Hoàng hẹn mùa hoa sưa vàng sẽ trở lại thăm tôi, nhưng rồi Hoàng đành lỗi hẹn. Mùa xuân năm sau Hoàng lại về, sỏi đá nhà tôi như lao xao, mừng ngày Hoàng trở lại vườn xưa, nắng ấm mùa xuân như đang thăm hỏi Hoàng trên mái tóc bồng bềnh, trên đôi mắt đa cảm. Thế là chúng tôi bày cuộc vui mừng ngày hội ngộ. Như trong hơi men rượu có thơ, Hoàng viết tặng tôi bốn bài. Một khổ thơ trong bàì “Thư gửi Mecghi”:
Cái chết là hạnh phúc
Tình yêu là tâm hồn
Tham vọng là đau khổ
Bao cuộc đời vùi chôn

Dành một trang, Hoàng ghi thơ không đề, và viết hai câu cuối cùng:
Ta đi bỏ lại bên thềm vắng
Một đóa vô thường em hái không
?”
Lại thêm một lần chúng tôi chia tay trong lưu luyến. Hoàng sống và làm việc ở ngoài Huế, yêu từng chiếc lá ngọn cỏ của đất Thần kinh. Linh cảm cũng khiến xui cho Hoàng chọn một ngôi vườn Huế giữa lòng đất Quảng nói lên lời chia tay cuối cùng, rồi Hoàng mãi mãi ra đi trong lặng lẽ.

Một sớm mùa đông 16/12/2006, nhận được điện thoại báo tin Hoàng đã mất, lòng tôi se lại qua những cơn gió mùa Đông Bắc buốt lạnh, cành lá hàng sưa cũng chập chờn lao xao, rồi từng chiếc lá rơi cuốn theo những cơn mưa mịt mù.
Thôi rồi! Bước chân Hoàng sẽ không bao giờ trở lại vườn xưa, mà lần này Hoàng đã nhẹ nhàng phiêu diêu, như Minh Tự nói: “Hoàng đi nhẹ nhàng như mây như gió”.
Ai tha hương không thấy mình cô quạnh, trong bước chân lữ thứ, nước mắt Trịnh Công Sơn cũng đã tuôn trào vì nỗi nhớ quê nhà:
“Rồi một ngày kia khăn gói đi xa / Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà / Lòng thật bình yên mà sao buồn thế / Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ” (Bên đời hiu quạnh).
Hoàng rất yêu nhạc Trịnh, say mê hát bài “Như một lời chia tay”, Hoàng đã lấy câu “Những hẹn hò từ nay khép lại” làm tựa đề một tùy bút viết cho Trịnh Công Sơn và khép lại cho cả đời mình.
Nếu còn trên cõi đời này, Xuân Hoàng và Trịnh Công Sơn sẽ thật gần gũi nhau, vì “Cỏ hoa xứ Huế”, “Hương mùa thu” của Xuân Hoàng biết đâu sẽ làm dịu lại nỗi nhớ quê nhà của Trịnh nhạc sĩ trên bước đường đây đó.

Hoàng đã đốt cháy những cánh hoa phượng đỏ bập bùng, đã pha những giọt mực tím bằng lăng tuổi học trò, đã ngân nga tiếng chuông chùa Thiên Mụ cho khách ly hương, và cuối cùng Hoàng đã làm những giọt mưa xứ Huế ngậm ngùi rơi rơi trên hàng cây long não phố Đạm Tiên, khóc tiếc thương cho một đời người tài hoa bạc mệnh.
         L.V.C

40 năm có khi là 80 năm ở cõi trần
HOÀNG DIỆP LẠC

Đọc những trang bản thảo của Nguyễn Xuân Hoàng chợt thấy bài “Anh vẫn còn bên bạn bè”. Đó là bài viết của Hoàng sau một năm anh Thái Ngọc San từ giã cõi trần. Và mới đó lại sắp đến ngày giỗ đầu của Nguyễn Xuân Hoàng và Hoàng vẫn còn trong lòng anh em và bầu bạn. Câu thơ mà Hoàng thường đọc, thường hát vẫn văng vẳng bên tai với chất giọng Quảng Ngãi pha miền cao nguyên. Không biết Hoàng giờ này đang ở cõi nào, nhưng trong trần gian này vẫn còn lưu lại hơn ngàn trang viết của Hoàng. Văn là phần hồn của con người, vậy là Hoàng vẫn đang ở trần gian cùng với anh em, chỉ có điều Hoàng không viết nữa, viết mấy cho vừa, đem chữ của các nhà văn khắp thế giới ra sắp xếp trên bề mặt trái đất, có lẽ lấp đầy trái đất đến mấy ngàn lớp. Vậy mà trần gian vẫn không đổi thay. Vẫn chiến tranh, vẫn đố kị, thù hằn, nhỏ nhen,... chung quy lại con người vẫn THAM, SÂN, SI. Con người không đổi thay theo chiều hướng tốt mà lại đổi theo chiều xấu hơn. Như lời của văn hào Dostoievski từ thế kỷ XIX đã nói: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Và đến bây giờ, thế kỷ XXI, những trang văn của Hoàng rất đẹp, lấp lánh những giọt pha lê trong veo và với Hoàng những trang văn đó, trước tiên là cứu rỗi cho chính mình. Hoàng ơi, cuộc hành trình của một đời người cũng thật lạ lùng, từ cái ngày hai con người xa lạ làm nhiệm vụ của thượng đế, rồi đến lúc rời khỏi cơ thể của mẹ để chào đời, lúc đó chúng ta chưa có tên và chúng ta phát ra một thứ âm thanh mà những người tiền bối gọi là khóc. Sự có mặt của Hoàng ở trần gian này là hoàn toàn thụ động. Kể từ giây phút đó, không biết chúng ta đang chết dần dần hay đang sống. Vì suốt thời gian nằm trong bụng mẹ, chúng ta đều được thừa hưởng một năng lượng để phát triển mà chính mình hoàn toàn không biết, cũng như vậy, con người khi rời xa môi trường tha nhân đó, để rơi vào môi trường mới với đầy rẫy những cảm thọ, mà dù muốn hay không thì mọi người cũng phải lãnh nhận qua ngũ uẩn, qua lục căn, dần dà hình thành nên tập quán và một ngày nào đó, mỗi người lại tự hỏi “Ta là ai?”, là Xuân Hoàng, là Duy Tờ, là Đinh Thu, là Hạ Tháp,… và mỗi cái tên lại gắn với mỗi con người. Rồi Hoàng lớn lên bên dòng sông Vệ, mà Hoàng gọi là dòng sông Mẹ với bao kỷ niệm của tuổi thơ, bao nhiêu hình ảnh quê nhà để hình thành nên một Nguyễn Xuân Hoàng. Cũng kỳ lạ thay, Hoàng lại rời xa sông Mẹ, để đến với dòng Hương Giang thơ mộng mà Hoàng gọi là sông Cha (trong tùy bút Sông Mẹ sông Cha của Nguyễn Xuân Hoàng), dòng sông thứ hai đã níu giữ Hoàng cho đến giây phút cuối đời. Nơi dòng sông Cha, Hoàng đã trưởng thành và để lại cho đời thêm những cái tên Hạnh Lê, Hoàng Bình Thi, Nguyễn Vân Cù, Ngô Đồng Thuỷ,… và để lại gần 2000 trang văn lung linh chỉ ở tuổi 40. Những ngày bên nhau, Hoàng thường tâm sự, sau khi bé Nai, cu Thi trưởng thành, mình sẽ về quê sống với mẹ già và viết… Ai ngờ Hoàng lại một lần nữa rời dòng sông Cha, cũng như giây phút rời khỏi cơ thể của mẹ, bây giờ Hoàng lặng lẽ rời sông Hương, rời dòng sông trần gian đầy khổ lụy và không ai biết Hoàng đã đi đến đâu, đi đến với một bà mẹ mới, trong một hình hài khác, hay đi lên nước Thiên đàng, hay xuống Hoả ngục để làm phận sự của một bồ tát hay về với nước Cực Lạc và có thể Hoàng trở về với cái không của những tháng ngày Nguyễn Xuân Hoàng chưa xuất hiện trên mặt đất này. Dù sao Hoàng cũng đã xuất hiện 40 năm ở mặt đất này, và đã để lại những hình ảnh đẹp trong lòng anh em và bè bạn cùng với gần 2000 trang viết. Với tấm lòng chân tình của người bạn; anh Duy Tờ đã đảm nhận công việc in ấn những di cảo của Hoàng để lại. Vậy là, anh em đã chuyển giao cho anh Nguyễn Duy Tờ, giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa những tập bản thảo hiện có để thực hiện một tuyển tập Nguyễn Xuân Hoàng khẳng khái, với những thể loại: truyện ngắn, bút ký chân dung Trịnh Công Sơn, bút ký, tuỳ bút, tản văn, phê bình,… và đặc biệt là phần cảm văn (phần này là những bài viết của Hoàng về những tác phẩm của đồng nghiệp mà anh Tờ gọi là cảm văn). Sau những tập tùy bút Hương mùa Thu, Cỏ hoa xứ Huế là đến Ký ức Quỳnh Hương mà người bạn thân Quý Dũng đỡ đầu và nay tập sách đã đến với bạn đọc. Như lời Hoàng từng nói, tập Ký ức Quỳnh Hương là tập cuối cùng của thể loại tuỳ bút, và Hoàng sẽ dừng viết tuỳ bút để chuyển sang tiểu thuyết. Còn nhớ những ngày gần Festival 2006 Hoàng cầm một cuốn Ký ức Quỳnh Hương, bản in vi tính tự đóng bìa để ra mắt cùng bè bạn thân thiết, trong ánh mắt Hoàng như muốn nói đã xong bổn phận với thể loại tùy bút. Xin được trích một đoạn văn của Nguyễn Xuân Hoàng trong bài viết về Thái Ngọc San.

“...Cũng hiếm có ai khi nằm xuống lại được yêu thương như Thái Ngọc San, anh có những người bạn tốt, chân thành đến mức cuộc đời phải ghen tị. Chưa làm thơ bao giờ, bỗng nhiên Thái Nguyên Hạnh lẩn thẩn làm thơ khóc bạn. Nguyễn Miên Thảo, Viêm Tịnh, Trần Thức, Nguyễn Văn Hoá,... có mặt thường xuyên để lo hậu sự cho bạn, như là các anh đang lo cho chính bản thân mình vậy. Có lẽ một tình bạn lớn thật sự, chính là ở chỗ khi có một người nằm xuống, khi cái hư vô len lỏi vào đời sống con người, và khi con người bất chợt ngộ ra một ngày nào đó mình mất đi một người bạn thân thiết nhất, một sự mất mát không thể đền bù...”.


Cũng như vậy, người nằm xuống như Hoàng càng rất hiếm. Khi Hoàng nằm xuống, ngoài gia đình và đồng nghiệp cùng cơ quan ở Đài TRT, Tạp chí Sông Hương, còn lại là những người bạn từ xa đến gần, những người bạn học thời phổ thông từ Quảng Ngãi xa xôi đã có mặt ở Huế, thầy Nguyễn Hữu Nam cũng có mặt, anh em công tác từ Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn cũng tranh thủ về, anh em từ Quảng Nam, Đà Nẵng cũng ra với Hoàng, cùng anh em ở Huế người khóc kẻ cười như mất trí. Những người anh thế hệ trước cũng đến với Hoàng như: Trương Văn Thanh, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Viêm Tịnh,... rồi hình ảnh cảm động nhất là một người bạn mù, một mình đến viếng hương hồn của Hoàng. Ngày đó xứ Huế mưa dầm dề, cả góc phố Nguyễn Trường Tộ đầy nước mắt và hoa, hoa từ mọi miền đất nước gửi về. Cuộc đời của Hoàng sống nhẹ như mây khói và ra đi nhẹ như khói mây. Bao nhiêu vui buồn cùng bạn bè, bao nhiêu lo toan chuyện áo cơm, nhưng với văn chương Hoàng rất trân quý. Một chữ của bạn cũng quý như một chữ của mình. Vậy đó, đến từ đâu không biết, sống hết mình với mọi người, ra đi lặng lẽ. Một đời người như vậy thì 40 năm ở trần gian có khi là 80 năm, mà những con số này có ý nghĩa gì chứ! Ai bảo Hoàng không thọ và xin được hỏi sống thế nào mới gọi là thọ?
      
                                    H.D.L


Lửa tình (Viết cho anh)
T. E

Lửa phát ra ánh sáng, lửa sưởi ấm con người trong những ngày lạnh giá, lửa đem đến niềm vui bất tận và lửa cũng đem đến những đau đớn lạnh lùng khi lửa điên dại thiêu đốt thành tro mà nhân loại đã dày công tạo dựng.
Nhưng có một ngọn lửa mà không bao giờ phản lại lòng ta, đó là thứ lửa phát ra ánh sáng nồng ấm của tình yêu. Đó cũng là ánh sáng của dải Ngân hà và những ngôi sao hằng đêm rực cháy trên trời cao. Lửa từ đôi mắt đau đáu chờ mong của Ngưu Lang Chức Nữ, lửa của sự nhung nhớ ray rứt, lửa toả ra ánh sáng thiên đàng tình yêu.
Tôi gọi đó là lửa tình. Anh đã dành cho tôi quá nhiều ngọn lửa đam mê. Lửa tình của anh trong tôi không bao giờ tắt được. Lửa tình của anh đã cho tôi sự sống trong những tháng ngày đen tối đã qua. Lửa tình anh đã vực tôi dậy từ độ sâu thăm thẳm của nỗi buồn khủng khiếp thành niềm vui hạnh phúc đâu ngờ. Anh đã sống cùng tôi với lửa tình làm bừng lên đêm tối.
“Ở nơi tối tăm anh viết về ánh sáng
 trong bóng đêm, anh nói chuyện mặt trời
 câu văn cũ sáng rưng giữa cõi đời bệnh tật
 tối tăm nào giết được cánh hoa rơi.”
Lửa tình của anh làm tôi không lạnh giá bao giờ, tôi không cô độc dù rằng anh đã rời xa cõi tạm. Tôi sẽ chờ anh, như anh đã chờ tôi, chờ như:
“Hàng cây đợi mùa Đông, bến sông chờ mùa Hạ
 Ta chờ nhau mùa Thu, cho cây vàng rụng lá,
 Hiu hắt đôi bàn tay
 Ắp iu ngọn lửa hồng”.
Lửa tình của anh đã sưởi ấm cho tôi những ngày không gặp nhau:
“Yêu em anh tặng hoa tình ái
 Nở cả những ngày ta thiếu nhau”.

Lửa tình trong anh không bao giờ tắt được, cho dù chân anh đau, ngồi một chỗ không gặp được tôi:
“Chân bệnh, không đưa người đi được
 Đành đứng trông theo lối cỏ mòn
 Hun hút đường xa, cơn gió lạnh
 Tóc huyền, em xõa, giữa môi son”.
Anh ơi, tình anh làm sao em lạnh được. Anh đã viết cho em trong ngày sinh nhật, giờ đây em cầm tấm thiệp trên tay mà nước mắt trào dâng: “Em là lưu vật của đời anh. Em là dòng nước trong lành, anh vẫn uống hàng ngày. Em là không khí ban mai anh vẫn thở vào mỗi buổi sáng. Em là cô Tấm thảo hiền từ trái thị bước ra để cho anh gã nhà văn nghèo một ngọn lửa ấm nồng nàn. Ôi trong đêm tối, bóng đêm là mái tóc em u huyền, nơi cho linh hồn anh cư trú suốt cả một đời. Và những lúc phủ tóc em lên mặt mình, anh muốn nói một lời thì thầm chỉ có lòng anh nghe, chỉ có tim anh biết mà thôi: “Tóc kia ơi, sao mày xanh đến vậy”.

Anh ơi! Anh có biết rằng nếu cuộc sống hiện giờ đây mà em không có ký ức hoài niệm đẹp của những ngọn lửa tình mà anh đã dành cho em thì làm sao em sống nổi. Em đã khóc, vì nhớ anh, nhớ anh đến điên dại cả người. Em đau đớn khi sờ vào những kỷ vật mà anh đã tặng em. Những trái thông rơi, đã thôi không còn ai lượm nữa. Những bình hoa vắng những cánh hoa vàng mà em hằng thích mỗi khi anh mang về. Và chiếc lược kia vắng bàn tay sưởi ấm để vuốt tóc cho em. Chùm muối ra hoa, và bầy chim sẻ bay thôi không còn anh ngắm nữa, những bài thơ hay đang nằm im trên trang giấy bởi thiếu một linh hồn.

Nhớ anh, em đã đi những con đường nơi mình đã đi, như những ngày anh còn sống:
“Anh sẽ đi trên những con đường ngày xưa
 có bóng chân em, nhạt nhoà bụi nắng,
 Anh sẽ hôn lên đôi môi mình thầm lặng
 hương ngọt ngào ngày cũ môi em”.
Anh ơi! Anh chỉ vắng em những ngày em đi xa, mà anh đã thấy bầu trời đã tắt, đêm tối bao trùm lên tất cả:
“Vắng em, ly cà phê đắng hơn mọi ngày
 Đêm tối, tối hơn đêm tối
 Anh cầm trên tay nỗi buồn tả tơi
 Gương mặt em dịu hiền như gương mặt sông Hương
 Chảy qua tim anh đau nhói
 Ôi! Sao quá nhiều bóng tối
 Những ngày vắng… Em”.

Thì giờ đây, em lặng lẽ một mình nhớ anh, chờ anh, mong anh, đợi anh về hàng đêm trong hoài niệm lửa tình. Tình yêu anh đã dành cho em như những ngọn lửa tình rực cháy, xoá tan đi mọi sự nhọc nhằn, xoá tan đi sự phân chia ngăn cách hai cõi trần này. Lửa tình của anh mãi mãi là linh hồn mà anh đã sưởi ấm cho em, để em không cô độc bao giờ. Bởi tình yêu là linh hồn, mà linh hồn là bất tử phải không anh?
Linh hồn của anh rực sáng trong tim em, như lửa tình anh đã dành cho em sự nồng nàn ấm áp yêu thương.
22/11/07
T.E



NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI


Những nụ cười

Gồm trăm nụ cười đỏ
Nụ cười thì mới bắt đầu
Nụ cười tươi tắn
Nụ cười tạm biệt con người...

Cả trăm nụ cười trên thế giới
Nụ cười của Ba cuối cùng!

Đêm Giáng sinh của Ba

Đêm giáng sinh năm kia
Trở lại một đêm buồn
Đêm giáng sinh của Ba
Chính là đêm mười sáu*

Con thấy một cỗ xe
Đang chở quà trong đó
Quà giáng sinh huyền ảo
Quà giáng sinh của Ba.

------------
(*) Ngày mất của ba Khánh Thi
            

ĐINH THU

Tưởng niệm Hoàng

Nửa đêm rót rượu giật mình
Từ hư vô bạn hiện hình bước sang
Cười xanh xao nụ võ vàng
Rung bút nhả chữ phút mang mang lòng
Bàn tay định mệnh thắt vòng
Cụng ly nhau giữa mơ mòng đêm đông
Biết là Sắc tức thị Không
Trần gian giữ được bóng hồng là xanh
Tài tình một đoá mong manh
Mùa xuân chết đứng trên nhành hoàng hoa
Lưỡi gươm oan nghiệt sáng loà
Chém vào ký ức mấy toà nhớ nhung
Gõ bàn hát giữa mê cung
Nhìn bạn mất hút ngàn trùng lỗ đen
Không trăng sao chẳng lửa đèn
Có chăng gió hú điệu kèn tiễn đưa
Một mình đẫm nước mắt mưa
Đất trời im tiếng ai thưa dậy hồn

NGÀN THƯƠNG


Như là giấc mộng

Những dòng văn tắt lịm
Tiễn Hoàng về chốn xa
Nghe lòng ai thương nhớ
Huế thâm trầm mưa sa

Chiều mùa đông bịn rịn
Vương dài trên hành lang
Bên dòng sông trong, đục
Buồn rơi xuống mênh mang

Nửa đời chưa đi hết
Bài văn điếu ngập ngừng
Miền
Cỏ lau tóc mẹ
Bỗng nhuốm màu rưng rưng...

TRẦN HẠ THÁP


Lập thể khói và mưa

vẫn còn mưa cho người ở lại
giọt dưới mái quê xa
chờ chín rụng quả vườn khô trước gió
khuôn mặt nhăn nheo trở giấc
quệt ngang vạt đêm
ướt sũng
những đứa trẻ mênh mông nhà mới
không thấy cầu thang nhiều dép
đỏ mắt bục cửa
với tay về phía câu thơ
đón đưa
ôm ngang lưng giấy trắng
hẻm núi phía trời chiều
trắng tràn ly mây bọt
thủ tục chào bàn
rót mời nhau
cỏ thay người nốc cạn
weekend không chủ nhật
chim sơn ca tổ đất
cầm chịch ngày từ đâu tới
tiếng hót vãi vào mây
rơi rụng lời Trịnh ca mọc dại
lấp cửa động hoa vàng
vô thanh
một kẻ nằm nghe thơ lục bát
rũ sạch mưa
từ nay thôi ướt áo
sóng Albert Camus bồng bềnh  trán tóc
người khách lạ đi rồi
nhổ neo gió Zorba phất phới
thuyền trôi trong biển đất
khắc khoải Nostradamus
mưa đục bia sấm ký
khản tiếng
sói đồng hoang
đong đưa lá mùa thảo nguyên tình tự

NHẤT LÂM

Dấu chấm

Em xa đầy năm ấy...
Ngợ ngờ đời chiêm bao
Hoàng trong tôi tươi rói
Đêm đông Huế đầy sao

Ngày em còn rất trẻ
Rong ruổi mùa lang thang
Ta tìm nhau quán nhỏ
Tài hoa lạc cung đàn

Một chiều thu quán Huế
Ga vàng lá bằng lăng
Tôi trở về hy vọng
Em lên tàu tuổi xanh1

Đã tiễn nhau nhiều bận
Đầy rượu sánh hoa tươi
Đâu ngờ lần tiễn ấy2

DẤU CHẤM  một cuộc đời.

Huế đông 2007

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

---------------
(1) Hoàng đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ
(2) Hoàng tiễn tôi đi trại viết Nha Trang, tháng 12/2006.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng