Tạp chí Sông Hương - Số 226 (tháng 12)
Thợ đóng cối xay
15:58 | 17/09/2008
ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.

Chưa rõ mặt người anh Tư đã đưa đám bàn ghế đặt dưới gốc cây trứng cá, trong lúc đó vợ anh - chị Hiền nhóm lò than đun nước sôi, chế sẵn vào những chiếc phích. Quán lẹp xẹp vậy mà đông khách. Cà phê pha đậm, thơm ngon. Khách uống cà phê sớm là những bác đạp xích lô, xe thồ rỗi việc, dăm anh công an trông coi trong trại tạm giam mắt đỏ ngầu vì phải thức đêm, các bác hưu trí đi tập ngoài bãi biển trở về vừa nghe bản tin buổi sớm, vừa bàn chuyện thế sự. Quán cà phê cóc của anh Tư chị Hiền đã có mặt ở đây cả chục năm trời. Căn hộ cấp bốn trong dãy nhà gia binh bị bao quanh bởi đám dây thép gai bùng nhùng, nằm sát khu đất hoang, chó ỉa sau ngày giải phóng chia cho cán bộ, công nhân viên không ai buồn nhận, bây giờ thành ra có giá. Mặt tiền rộng 8m, ăn sâu 5m giáp với tường rào của nhà tạm giam. Ngày vợ chồng Tư Hiền đến đây cỏ dại mọc dày. Con nít chơi đùa chỉ sợ rắn cắn. Đi ra hơn trăm mét đã là bãi cát ven biển, chạm mặt đã gặp dãy núi đá lô nhô của Hòn Tre, Hòn Chụt. Đêm sóng vỗ vào bờ cát nghe cồn cào nôn nao cả ruột gan. Rừng cây phi lao ngoài bãi cát mọc xen lẫn những bụi bờn bờn, cây gai, khoai lang dại, chỉ tiện cho đám cướp giật và những cô gái điếm hành nghề.

Hơn 20 năm sau, dãy phố nhà Tư Hiền thành ra có giá. Đường trải nhựa, gạch lát vỉa hè. Một đoạn phố ngắn vài trăm mét đã mọc lên dăm bảy cái khách sạn, nhà nghỉ cao năm bảy tầng. Gian nhà tập thể của vợ chồng Tư Hiền cũng “ăn theo” tân trang lại, nâng mái đổ tầng. Đã có nhiều người tới dạm mua ngôi nhà để xây biệt thự, khách sạn. Anh Tư chị Hiền nhất quyết không là không. Đồng lương hưu ít ỏi và mấy ly cà phê, thêm dăm chục đĩa bánh bèo, bánh hỏi bán cho đám con nít ăn sáng trước khi tới trường đủ để cho hai vợ chồng già sống no đủ. Niềm vui mỗi ngày là được nghe tiếng chân quen thuộc, tiếng gậy tre đánh chó của mấy bà già trong xóm đi bơi biển qua gọi xéo vào nhà hối thúc chị Hiền trở dậy nhóm bếp, nổi lửa. Anh Tư sau lúc bưng cà phê cho khách ngồi lặng lẽ nhìn vị giáo sư già vừa đánh cờ tướng, vừa bình phẩm những nhân vật mà ông quen biết từ ngày còn ở Hà Nội, nay người thăng quan tiến chức, mai có kẻ ra hầu toà. Đối thủ cờ của vị giáo sư thường là một anh nhà văn về hưu, cũng có khi là nhà đạo diễn kiêm biên kịch cho những vở tuồng, thiếu chân một bác xích lô cũng là đối thủ. Mỗi sáng, một ly cà phê đen đặc quánh đủ để ông đánh cả chục ván cờ có thua, có thắng. Có những hôm thiếu tay chơi cậu hoạ sĩ là người lót đường. Cậu hoạ sĩ trẻ đáng tuổi con trai út của giáo sư, mới ra trường được vài năm. Không xin được vào cơ quan nhà nước, cậu đi chép tranh thuê cho Galeri trên phố và âm thầm vẽ tranh để hy vọng một ngày nào đó sẽ nổi tiếng.

Một buổi sáng, lúc quán còn vắng khách cậu hoạ sĩ dõng dạc tuyên bố:
“- Năm năm nữa cháu sẽ tổ chức một cuộc triển lãm tranh cá nhân mang tên “Vẻ đẹp biển!”. Cậu ta bình thản uống ly cà phê đen rồi nói tiếp: “ Dứt khoát lúc ấy cô chú Tư sẽ là khách mời đặc biệt của cháu”. Ông giáo sư thủng thẳng: “Hẳn cậu không quên tôi chứ?”. “Quên sao được bác. Bác là vị khách đặc biệt thứ hai”. Ông giáo sư đùa: “Cậu có định mời ông dân biểu”. Ông “dân biểu”, vị giáo sư già vừa nêu có tên là Xu cũng thỉnh thoảng uống cà phê ở quán cây sứ. Ông dân biểu đã ngoại thất thập, nhưng có cô vợ trẻ. Ông Xu đã từng được bầu trúng Hội đồng Nhân dân của phường một lần cách đây đã lâu, tính khí thất thường, hay quan trọng hoá từ chuyện to tới chuyện nhỏ. Ông giáo sư không ưa, hay gọi đùa ông Xu là ông dân biểu. Hai vợ chồng ông Xu sống trong một ngôi biệt thự cũ, đã hoá giá. Tháng đôi ba lần, ông Xu ra uống cà phê, mỗi lần ông Xu uống không bao giờ anh Tư cầm tiền của ông ta trả cho ly cà phê sáng. Nhắc tới ông dân biểu, cậu hoạ sĩ nói: “Không ông Xu cháu sẽ đưa vào tranh cùng với chiếc cối xay của chú Tư… Chú có chịu không?”. Anh Tư nghe cậu hoạ sĩ nói vậy, vội xua tay: “Chết chết ai lại đi đưa cái cối xay vào tranh. Chỉ có tôi cổ giả mới giữ nó”. Cậu hoạ sĩ vụt đứng dậy vươn vai và nói: “Chú Tư ơi! Chú là người thợ đóng cối xay cuối cùng của thế kỷ XX. Cháu dám cá với chú bây giờ không còn tìm đâu ra người thợ đóng cối xay nữa”. Chị Hiền đang ngồi xếp bánh bèo ra đĩa, góp chuyện: “Nè, chú Đông, vẽ ai thì vẽ nhưng vẽ cái cối xay của cô là phải trả tiền đồ làm mẫu. Tài sản quý giá của cô chú đó nghe”. Cậu hoạ sĩ hùng hồn tuyên bố: “Cô muốn lấy bao nhiêu tiền nhuận mẫu cháu cũng trả”.

Trên tầng hai nhà anh Tư quả là có một cái cối xay lúa, đan bằng tre đóng đất nện. Hàng răng gỗ đóng ở hai mặt thớt chiếc cối xay đã mòn vẹt. Một bên tai cối tròn nhẵn thín vẫn còn đính ở đấy chiếc tràng xay bằng gỗ. Chiếc cối xay như một bảo vật của gia đình. Không sợ trộm cắp bẻ khoá, đục tường vào nhà lấy đi đem bán đồ cổ và có bán cũng chẳng ai mua. Vài chục năm nay người dân quê đã xay xát gạo, đánh bóng gạo bằng máy. Chiếc cối xay trở thành mẫu vật để cậu hoạ sĩ vẽ tranh. Câu chuyện về chiếc cối xay đất ấy lại liên quan tới một đoạn đời của ba con người, tình cờ tôi biết được sau những lần ngồi uống cà phê, xin phép chép lại hầu bạn đọc.

Tôi nhớ có hôm, ông giáo sư vừa đánh cờ tướng với cậu hoạ sĩ, buột miệng hỏi: “Quái lâu nay không thấy ông dân biểu đi tập ngoài biển nhỉ?”. “Ông dân biểu của bác có chuyện rồi!”. Cậu hoạ sĩ vẫn không dời mắt khỏi con mã, chỉ chờ ông giáo sư sơ hở là chụp. Tôi ngồi hóng hớt nghe được một câu: “Cô vợ trẻ với ông dân biểu không đồng thuận ý kiến. Ông dân biểu quen ăn mỡ heo. Cô vợ trẻ biểu ăn dầu đậu nành giảm béo. Chẳng hiểu họ tranh luận những gì, một lúc thấy bàn ghế xô nhau và kết cục là chai dầu đậu nành vọt qua cửa sổ bay thẳng từ tầng sáu xuống dưới đất”. “Khủng khiếp! Cậu có bịa không đấy nhóc?”. Ông giáo sư giương mục kỉnh như có ý không tin. “Cháu bịa, cháu chết?”. “Ấy đừng chết… Cậu chết thành phố ta lại mất một tài năng văn nghệ…”. Ông giáo sư chép miệng và nhanh tay nhón một quân pháo trong lúc cậu hoạ sĩ không để ý, căng cổ ra cãi. Anh Tư ngồi nghe chuyện cười khùng khục trong cổ họng, đế thêm: “Hệt như ngày nào lão ta quăng cái mũ sắt lính ngụy từ nhà sàn xuống tận dưới suối khi phát hiện ra tôi ôm hôn cô Hiền, làm chết cả một bầy cá xanh”. Chị Hiền đang mải pha chế nước mắm chấm bánh bèo ở gần đấy, liếc xéo chồng hứ một tiếng: “Gớm cái ông này, ai thèm hôn ông?”. Nhưng tôi biết rõ chi tiết thứ hai ném mũ sắt chết cả một đàn cá suối là bịa. Hoạ cái mũ sắt lính nguỵ có nhồi thủ pháo, lựu đạn. Nhưng trong câu chuyện đùa của anh Tư về cái mũ sắt ném chết cá còn ẩn chứa cả nỗi uẩn khúc, éo le của người trong cuộc. Chỉ có điều sau bao nỗi thăng trầm của hai người đàn ông và một người đàn bà, chiến tranh đã không cướp đi một ai. Đã có thời họ là đồng đội của nhau, nhưng cũng là tình địch của nhau. Có lúc kẻ nọ hành xác, đày đoạ kẻ kia. Nhưng đến một ngày người kia lại đến đè ngửa kẻ nọ, nếu không ông ta sẵn sàng cầm dao đâm chết đứa con trai ruột của mình dám lấy sạch tiền của ông để đi bao gái và đánh bạc.

Câu chuyện bắt đầu từ một trạm xá tiền phương của một đơn vị đóng ở bờ nam Khe Trăng. Gọi là trạm xá cho oai, thực ra chỉ có một ông bác sĩ trạm trưởng, một ông chính trị viên và sáu cô vừa là y tá vừa là hộ lý, nấu ăn. Ở trạm xá ngoại trừ ông bác sĩ và ông chính trị viên, số y tá, hộ lý vừa phải lo chăm sóc thương binh vừa phải đi gùi gạo, nấu cơm, đi hái rau rừng, đi cáng thương. Khi có địch càn y tá, hộ lý cũng phải cầm súng đi chốt gác. Làm nhiệm vụ bảo vệ, cáng thương cho trạm xá còn có một trung đội vận tải, nhưng họ không thuộc biên chế của trạm xá. Công việc bận rộn nhất của trạm xá là mỗi khi sư đoàn, trung đoàn mở chiến dịch còn không chẳng mấy khi trạm xá có đông thương binh, bệnh binh. Những ca thương binh nặng, trạm xá chỉ sơ cứu rồi cho chuyển đi Quân y viện 94, Viện 26… Có lúc bình thường ở trạm xá chỉ có vài ca thương binh nhẹ, nhiều nhất là lính sốt rét; nhưng để lo cho đủ miếng ăn, lo chạy càn, bảo vệ thương bệnh binh nhiều khi rất vất vả. Vào mùa mưa lũ, nước sông Hương, sông Bồ dâng cao. Mưa trắng núi, trắng rừng, trạm xá không có gạo dăm bữa, nửa tháng là chuyện thường. Để có cái ăn cho thương binh, các cô hộ lý, y tá của bệnh xá phải mang quần áo, thuốc men - chủ yếu là thuốc sốt rét, thuốc cảm, đau bụng, viên C, mì chính, muối vào sâu trong rừng gặp đồng bào đổi sắn, đổi lúa, rau lang… Đường rừng đi bộ tới được các bản người Pacô, Vân Kiều cũng mất vài ba ngày.

Anh Tư là lính bộ binh của KX bị mắc kẹt ở trạm xá Khe Trăng vừa tròn hai tháng mười tám ngày. Anh bị thương vào cánh tay. Viên đạn AR15 của tên lính ngụy đi phục kích chỉ đủ sức phá vỡ một rẻ xương cánh tay. Giá như Mỹ không đổ quân càn ở Động Chuối, núi Bông, Dốc Chè, và trận lũ đầu mùa nhấn chìm sông Bồ, Khe Trăng, Khe Lu hẳn anh Tư đã được đưa ra ngoài Viện 94 để điều trị. Ông Xu ngày ấy là chính trị viên bệnh xá đến gặp Tư động viên: “Đồng chí bị thương, nhưng không nguy hiểm đến tánh mạng. Giáp ranh địch đang càn. Sông Bồ đang lụt. Trong lúc chờ đợi, đồng chí ở lại với anh em trạm xá… Chờ thời cơ… Tôi thay mặt cấp uỷ, lãnh đạo trạm xá phân công nhiệm vụ chính trị cho đồng chí như vậy… tư tưởng đồng chí đã thông chưa nào? Khi công việc hoàn thành, tôi sẽ chấm điểm thi đua gửi về cho đơn vị”. Tư suýt phì cười khi nghe ông Xu huấn thị, hệt như những buổi ông tập trung cả trạm xá có cả thương bệnh binh để thông báo tình hình thời sự. Loanh quanh vẫn chỉ là chuyện ta thắng, địch thua khắp nơi quân dân miền đang vùng lên quật khởi đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào… Nghe ông Xu nói xong, Tư bảo: “Ở đơn vị tôi không ai người ta chấm điểm thi đua. Bộ đội chỉ có mỗi việc sáng đi chốt gác, bám địch. Chiều tối đi đồng bằng, gặp tụi bảo an thì đánh không thì vào nhà dân mua gạo, đậu phộng…”. Ông chính trị viên trạm xá phê bình ngay: “Đơn vị cậu không chấm điểm thi đua, báo công là khuyết điểm”. Tư nghe và chỉ cười. Cái “thời cơ” mà Tư phải chờ đợi là mỗi buổi sáng theo các o đi vào rừng bẻ măng giang và hái môn vót. Hạnh phúc nhất là được vào rẫy đồng bào gùi sắn, gùi lúa. Xay giã lúa nương để có hạt gạo cũng công phu lắm. Buổi tối, các cô nấu ăn, phục vụ đưa lúa xuống hầm, bịt vải vào đầu chày giã lúa trong những chiếc mũ sắt Mỹ. Hì hục cả đêm cũng chỉ được vài lon gạo. Một lần Tư bảo ông Xu: “Anh cho tôi đóng một cái cối xay, xay lúa!”. “Cối xay! - Ông chính trị viên reo lên - sáng kiến… sáng kiến! Cậu biết đóng cối hử, khá lắm. Tôi sẽ báo cáo với trên”. Tư chẳng biết cấp trên là ở đâu. Nhưng sáng hôm sau ông Xu đã thông báo: “Lãnh đạo đồng ý cho đồng chí đóng cối xay, xay lúa. Ta còn kháng chiến lâu dài, còn phải nhờ cậy đồng bào nhiều …”.

Tư được cấp năm lon gạo, một lon muối, một muỗng mì chính và vác theo túi đồ nghề vào rừng chặt lồ ô, chuốt nan đan cối. Khó nhất là tìm đâu ra gỗ nhãn, để làm dăm đóng cối. Mất một ngày trời, Tư leo núi tìm được cây dẻ gai thay cho gỗ nhãn làm nêm cối. Bao năm không cầm đến cái cưa, cái tràng, cái đục, phải vài ngày cánh tay Tư mới đỡ nhức mỏi. Nghề đóng cối xay Tư học lỏm được ở bác Cả Điền. Ngày hè nghỉ học ở làng, Tư đi theo bác Cả Điền sửa cối, đóng cối mới cho bà con nông dân. Bác Cả Điền đi trước vai khoác chiếc tay nải trong để bộ đồ nghề làm cối, tay xách chiếc điếu cày. Tư gánh mấy vòng răng cối gỗ nhãn, theo sau. Gia chủ nào gọi vào đóng cối, sửa cối là ngày hôm ấy hai thầy trò có cơm rượu thịt. Tư sáng dạ, lại khéo tay hay được bác Cả Điền khen. Anh đâu ngờ rằng một ngày kia lại trở thành người thợ đóng cối xay bất đắc dĩ trong rừng.

Bước sang ngày thứ năm thì Hiền đến. Cô mang vào cho Tư thêm 5 lon gạo, muối và mì chính. “Ông Xu lệnh cho em mang gạo, muối cho anh và coi thử công việc đến đâu để em về báo cáo với thủ trưởng. Chiều em về phải mang theo gùi rau”. “Thủ trưởng của cô quan tâm tới lính gớm nhỉ. - Tư nói giọng trêu chọc cô y tá - Rau khỏi cần đi kiếm, chốc tôi cho. Tôi tìm thấy ở đây cả một khe núi mọc đầy môn vót, môn thục, tai voi…”. “Thế thì nhất em rồi. Bù lại, trưa nay em nấu giúp anh ăng gô cơm…”. “Trao đổi vậy là công bằng”. Tư bảo và anh lại tập trung vào công việc đóng cối. Hiền là học sinh Đồng Khánh, hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên bị lộ, theo ông chú lên rừng từ sau đợt Mậu Thân - 68. Những ngày nằm ở trạm xá, hình như Hiền có cảm tình với Tư. Tư cũng thật sự thích cô. Không hẳn vì cô ăn nói nhẹ nhàng, có duyên mà vì cô là người có học thức, hiểu biết. Khi biết Tư đã tốt nghiệp tú tài - theo cách gọi của người - cô càng quý trọng anh hơn. Nhưng cũng vì Hiền là hoa khôi của trạm xá nên cô cũng là người hay bị mấy anh thương bệnh binh, cánh lính vận tải đàm tiếu, thêu dệt nhiều chuyện. Một trong những người mà Hiền căm ghét và tỏ ra có ý khinh thường chính là ông Xu - chính trị viên của trạm xá. Ông Xu mới ngoài 30 tuổi, đã có vợ và một con ở quê. Xuất thân là một anh nông dân chạy máy nổ bơm nước, sau mấy kỳ đại hội xã viên được bầu vào chân phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp. Lần lữa mãi, vào những năm 1970, Xu mới phải nhập ngũ. Sau 9 tháng huấn luyện, học tập Xu được phong thiếu uý dẫn quân đi B. Ai ngờ vào chiến trường Xu bị giữ lại điều về làm chính trị viên cho trạm xá. Các cô y tá và cả mấy anh lính hay thóc mách đồn rằng ông Xu từng bị vài cô (còn cô nào thì đấy là điều bí mật nội bộ!) cho ăn tát và hắt nước vào mặt khi hứng tình, ông Xu giở trò sàm sỡ. Đã có cô vốn từng là y tá, hộ lý ở trạm xá phải lặng lẽ khoác gùi, ba lô chuyển đi công tác ở đơn vị khác.

Bữa cơm được dọn ra dưới tán cây rừng. Đã lâu, Tư có được một bữa ăn ngon đến vậy. Hai lon gạo nấu đầy một ăng gô Liên Xô. Hiền bổ một hộp cá nấu với mì chay ông Phật. Chỉ một loáng, hai người đã chén sạch cơm và mì chay. Mồ hôi chảy nhễ nhại trên gương mặt sáng xanh của Tư. Hình như Hiền ăn ít hơn, có ý nhường cho anh. Trong lúc cô y tá của bệnh xá nằm ngủ trên võng, Tư đã tranh thủ hái xong cho cô gùi rau. Anh không ngủ, ngồi chẻ từng mảnh nhỏ gỗ dẻ để tối hong khô trên than lửa. Dăm cối xay làm bằng gỗ nhãn là tốt nhất, nhưng giữa rừng sâu đào đâu ra nhãn? Đang chăm chú mài con dao găm Liên Xô vào phiến đá, tự nhiên Tư thấy nóng ở lưng. Anh chưa kịp quay lại đã thấy Hiền vòng hai tay qua ngực anh và áp má nàng vào tấm lưng trần nhớp nháp mồ hôi. “Em yêu anh!” Tư chỉ nghe được ba chữ ấy. Đầu óc anh quay cuồng vừa như hoảng loạn bởi điều lớn lao nhất bất ngờ ập đến, vừa xúc cảm trào dâng bởi hạnh phúc đến không ngờ. Hiền là cô y tá đẹp có tiếng ở trạm xá, cha mẹ cô ở thành phố đều đi dạy học. Một ông anh trai là bác sĩ, cô là sinh viên nhưng lại ham mê cách mạng. Gia đình, anh em có những bất đồng về chính kiến, nhưng sự nhiệt tình và lòng hăng say khát vọng của tuổi trẻ, muốn đổi đời mà Hiền đã bỏ nhà, bỏ học đường đến với cách mạng, đi kháng chiến. Những ngày Tư nằm trạm xá, được cô chăm sóc. Anh biết cô là người có bản lĩnh cứng cỏi, có phần ương bướng của một cô gái tự ý thức được trách nhiệm về bản thân mình. Chỉ có điều Tư không hiểu sao Hiền lại lựa chọn anh để nói câu ấy. Tư chỉ là một trong số cả trăm thương bệnh binh, dừng chân nơi trạm xá. Phải nhiều năm sau nữa, khi trở lại rừng tìm về thác đá ở Khe Trăng, gặp lại Hiền anh mới hiểu hết câu nói ngắn gọn, kiệm lời của người con gái. Còn bây giờ? Rừng trưa nghiêng ngả trong những đợt gió đổ ào ào trên tán lá cây xanh rợp một khoảng trời. Con thác Bơn đổ nước ào ào xuống Khe Trăng, bươn bả vượt qua những ghềnh thác, hẻm núi đổ ra sông Bồ. Đã nhiều lần Tư và những người lính bộ binh KX đi đánh địch ở vùng sâu, vào làng gặp dân mò mẫm quanh các xóm ấp La Chữ, An Hoà, Kim Long. Nhìn về phía đông, thành phố hừng lên trong ánh điện. Ngọn đèn trên đỉnh Phu Vân Lâu chớp đỏ. Từng trái hoả châu xanh lét treo trên bầu trời hắt xuống mặt nước sông Hương lấp loáng. Thành phố Huế đấy, nhưng trong tâm thức của Tư và những người lính thấy xa xôi vời vợi, cách trở. Còn bây giờ một người con gái Huế bằng xương bằng thịt đang hiện hữu ngay bên anh. Hai con người ở hai vùng đất khác nhau, chưa có thời gian dài để trò chuyện, quen biết, nhớ mong. Nhưng trái tim họ cùng nhịp đập thổn thức và hoà quyện làm một trong niềm đam mê say đắm. Họ nằm thả mình trên một tảng đá lớn bên bờ Khe Trăng rất lâu. Không gian im ắng. Chỉ có tiếng nước dưới lòng khe, tiếng con tắc kè kêu bảy tiếng thảng thốt. Nếu không có tiếng máy bay OV10 lâu lâu đảo vòng trên đầu phát ra thứ âm thanh quái dị, không ai nghĩ chiến tranh, bom đạn chết chóc ở liền kề. Chợt Tư buột miệng: “Thật phi lý!”. Hình như Hiền hiểu được điều anh nghĩ, nàng ghì anh xuống và nói: “Chỉ có tình yêu của anh và em hiện hữu”. Có tiếng pháo nổ đâu đó nổ ở ngả địa đạo 310. Hiền ngồi dậy, vấn tóc: “Không khéo địch càn, anh à”.

Những chuyến đi vào rừng sâu gặp nhau của Tư và Hiền không lọt qua mắt ông Xu. Đến lần thứ ba Hiền mang gạo muối ra tiếp tế cho Tư đã bị ông phát hiện. Một cuộc họp chi bộ khẩn cấp được triệu tập ngay trong đêm, kèm theo hai quyết định. Quyết định thứ nhất Hiền bị kỷ luật khai trừ lưu đảng một năm và đưa lên trại sản xuất của tỉnh tại Làng Tà trồng rau sắn. Quyết định thứ hai, anh lính bộ binh Tư phải quay trở lại giáp ranh ngay để đơn vị kiểm điểm về hành vi “phi đạo đức”. Cho dù Tư đã cố khẳng định họ đến với nhau vì tình yêu, sẽ chờ đợi nhau… vân vân và vân vân. Nhưng theo ông Xu, mọi lý lẽ đưa ra chỉ là ngụy biện cho hành động “tha hoá về mặt đạo đức của người chiến sĩ cách mạng trong lúc cuộc chiến đấu đang nước sôi lửa bỏng” (!). Đó là kết luận cuối cùng được ghi trong biên bản của cuộc họp chi bộ trạm xá.

Tư và Hiền ra đi không còn có cả cơ hội chia tay nhau nữa… Tư tần ngần nhìn chiếc cối xay lúa anh đã dành vào đấy công sức hơn một tháng trời. Chiếc cối xay giúp các chị phục vụ thay cho việc giã gạo bằng chiếc mũ sắt của Mỹ. Chiếc cối xay mới chỉ kịp khoan, dùi lửa thủng một bên tai cối. Một tai cối còn lại chưa kịp hoàn thành. Cậu hoạ sĩ khi vẽ lại cái cối xay bằng tranh sơn dầu đã gặng hỏi chủ nhân. Anh Tư, chị Hiền nhìn nhau cười. Chị Hiền bảo: “Thời chiến tranh, người ta làm cối chỉ có vậy!”.
Ba năm hai tháng mười bốn ngày sau, Tư mới có dịp trở lại cánh rừng ở bên bờ Khe Trăng tìm vợ. Lúc ấy, chiến tranh đã chấm dứt. Anh không còn phải leo dốc, cuốc bộ mà ngược dòng sông Bồ bằng con thuyền máy cao tốc, lấy được của thuỷ quân ngụy ở bến Đông Ba. Hai người gặp nhau nước mắt dàn dụa. Ai cũng tưởng người mình yêu đã chết. Tư cõng vợ xuống thuyền và nhờ mấy người lính khiêng chiếc cối xay lúa để về Huế ra mắt cha mẹ vợ.

Buổi sáng ấy biển động. Lất phất vài hạt mưa. Quán cà phê cây sứ vắng khách hơn mọi ngày. Dãy bàn ghế nhựa nằm tênh hênh dưới các gốc cây trứng cá được che thêm bằng những chiếc ô lớn của hãng bia Heniken. Đã quá nửa giờ vẫn chỉ có một mình ông giáo sư ngồi nhâm nhi chén cà phê đen đánh cờ một mình. Anh Tư phóng xe máy đi lấy cây đá về cho vợ, bật cười trêu vị giáo sư: “Ai thắng, ai thua thưa giáo sư?”. “Thằng tay phải thua thằng tay trái. Ngu quá đi mất”. Chị Hiền nhìn ông giáo sư cười ngất.
Quãng gần nửa giờ sau, cậu hoạ sĩ trẻ mặc độc cái quần soóc lửng, áo phông ngắn tay nhoe nhoét màu sơn cưỡi trên chiếc xe honda sáu bảy lao tới quán. Chưa kịp gạt cần chống xe, cậu hoạ sĩ trẻ nói ngay: “Hai bác biết tin gì chưa? Cậu hoạ sĩ trợn tròn đôi mắt - Đêm qua, ông dân biểu chết rồi!”. Anh Tư như không tin vào đôi tai mình hỏi lại: “Cậu nói ông Xu á?”. “Thì ổng chớ ai nữa. Chết vì treo cổ hay uống thuốc ngủ quá liều, đại loại như vậy… Mới bảnh mắt, công an thành phố đến đầy nhà, khám nghiệm tử thi ngay tại hiện trường. Khám xong họ đưa ổng vào nhà xác rồi”. “Sao cậu biết rành rẽ vậy?”. Vị giáo sư hai tay cầm hai quân cờ, không biết tay nào sẽ xơi tay nào, gương mục kỉnh lên hỏi cậu hoạ sĩ: “Cháu ở tầng năm, ổng ở tầng sáu. Cháu với mấy gia đình phải lên làm chứng ký vào biên bản”. Anh Tư thẫn thờ: “Vậy cô vợ trẻ của ổng đâu?”. Cậu hoạ sĩ giơ tay lên trời: “Nói tới cổ làm gì… Cổ theo thằng bồ bỏ đi Sài Gòn đã cả tuần nay rồi còn gì”.

Ba gã đàn ông, ngồi ba góc như ba ông đầu ra không nói năng chi. Ba ly cà phê nguội ngắt. Như thể họ nghe rõ tiếng rít gào của một ông già đã ngấp nghé tuổi 70 trong cái lần cách nay không lâu, ông bắt gặp cô vợ trẻ đi chơi với tay bồ ngoài bãi biển... “Ông thì ông giết! Lành làm gáo, vỡ làm muôi…”.
Hỡi ôi! Ông Xu đã chết. Lấy ai để mà giết cô vợ trẻ hư đốn, mê lão chỉ vì căn nhà biệt thự đã hoá giá ước tính bán được cả vài trăm cây vàng… Lão chết, lấy ai để vài tháng một lần lên trại tù thăm nuôi thằng con trai duy nhất không chịu học hành, mải ăn chơi đua đòi đi theo mấy đứa đâm thuê chém mướn, gây rối ở nhà hàng đánh người ta trọng thương.

Ông giáo sư là người đầu tiên phá vỡ không khí im lặng: “Làm một ván chăng?”. Cậu hoạ sĩ trẻ lắc đầu quầy quậy: “Cháu thua… Cháu xin thua bác. Cháu chẳng còn tâm trí nào để đánh cờ”. Ông giáo sư thủng thẳng đứng dậy: “Tuỳ… Để cậu tự do suy nghĩ về cái tiêu đề cho cuộc triển lãm tranh nay mai”.
Đâu đó, sấm động ngoài biển. Cả ông giáo sư và cậu hoạ sĩ trẻ không hề biết anh Tư vào nhà từ lúc nào. Anh đứng bên chiếc cối xay, châm lửa hút thuốc và ngồi vào phía bên tai cối chưa bị đục thủng, lặng lẽ nhìn ra biển. Mưa giăng giăng ngoài xa. Đứng từ gác hai, anh thấy thương những con thuyền của ngư dân xóm Bóng vẫn lầm lũi ra khơi như những pháo đài di động trên mặt nước.
                                    Hà Nội 9/2007
                               Đ.K.C

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mái chuồng gà (17/09/2008)