Tạp chí Sông Hương - Số 225 (tháng 11)
Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về Lê nin và Cách mạng Tháng Mười
15:36 | 26/09/2008
HÀ VĂN THỊNH                                                  Luận điểm trung tâm của Tư tưởng Hồ Chí Minh là Độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH. Đó là quan điểm chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình Cách mạng Việt . Chính vì thế, nắm bắt một cách sâu sắc tinh thần biện chứng của chủ nghĩa Lê Nin để vận dụng thật sáng tạo kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười (CMT10) vào hoàn cảnh cụ thể của Cách mạng Việt Nam (CMVN) là mục đích xuyên suốt của Tinh thần và Tư tưởng Hồ Chí Minh.


1. Ngày thứ nhất mà Nguyễn Ái Quốc (NAQ) trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (26.12.1920) được đánh dấu bằng sự kiện dứt khoát: Người khẳng định rằng những đảng viên của Đảng Xã hội Pháp, muốn thành lập một Đảng Cộng sản thì phải thực hiện nguyên tắc “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa”. Đây phải được coi là Tuyên ngôn Hồ Chí Minh - bởi 15 chữ ấy bao quát rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, con đường mà CMT10 đã đi sẽ là con đường duy nhất của CMVN như về sau Người nói, “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Thứ hai, NAQ đã vạch ra chiến lược đại đoàn kết mà nội dung cơ sở của nó là đoàn kết quốc tế; cụ thể trong trường hợp này là sự không thể phân chia; không thể không gắn kết của cách mạng chính quốc và thuộc địa.

Thứ ba, dường như NAQ đã tiên đoán được thật rõ ràng vai trò của mình đối với dân tộc Việt nói riêng, phong trào cộng sản quốc tế nói chung nên ngay sau đó người tuyên bố đanh thép: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội…”. Nếu chúng ta xét về hoàn cảnh một người dân thuộc địa, 30 tuổi, dám nhân danh cả loài người ngay tại chính quốc của thuộc địa ấy mới thấy được cái dũng khí phi thường và tầm vóc tiên tri – cái chỉ có ở một thiên tài! Thứ tư, ngay trong Ngày thứ nhất ấy, NAQ đã có niềm tin vững chắc vào “Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền… đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương”. Có thể nói, không thể tìm ra một dẫn chứng nào tốt hơn để hiểu cách mà NAQ đã khái quát thật ngắn nhưng thật đủ ý nghĩa của CMT10 đối với CMVN. Thứ năm, khi bàn về CNXH, NAQ chưa hiểu rõ CNXH là gì, CNCS là gì; nhưng rất nhanh sau đó, Người đã tìm hiểu kỹ về những kinh nghiệm của CMT10 như Người đã đoan quyết: “Đến năm 1897 tờ báo Kêxari mới ra đời… Tờ báo (ấy) thường xuyên phổ biến cho độc giả tìm hiểu phương pháp cách mạng Nga” (chúng tôi nhấn mạnh – HVT). Chỉ có ai thường xuyên đọc tờ báo Kêxari của Ấn Độ mới có thể viết ra câu đó. Qua đây, chúng ta càng thấy rõ hơn về khối lượng kiến thức rất lớn mà NAQ đã tiếp cận khi tìm đến, để hiểu, CMT10.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết riêng về Lê Nin và chủ nghĩa Lê Nin tất cả là 8 bài (không kể việc bàn về Lê Nin trong các bài chung khác). Trong đó, tiêu đề “Lê Nin và các dân tộc thuộc địa” được dùng chung cho 3 bài viết vào tháng 1.1924, tháng 2 và tháng 12.1925. Bài cuối cùng Hồ Chí Minh viết về Lê Nin là bài “Chủ nghĩa Lê Nin vĩ đại muôn năm” (tháng 4.1962).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng nhất của tư tưởng của Lê Nin, là ở chỗ, “Lê Nin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng, nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được”; vì thế, chủ nghĩa Lê Nin “không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi…”.  

Khi bàn về chủ nghĩa Lê Nin, Hồ Chí Minh đã nêu ra luận điểm quan trọng, đó là, Người khẳng định những thành công của CMVN đã “góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê Nin”. Điều đáng chú ý, đây là bài viết cho báo Sự Thật, thời điểm năm 1962, nên vì lý do ngoại giao, Hồ Chí Minh chưa khẳng định Đường lối CMVN do Đảng Lao động Việt Nam (ĐCSVN ngày nay) đề ra là sáng tạo, độc lập, tự chủ như bây giờ chúng ta thường xuyên nhấn mạnh, nhưng qua cách viết rất uyển ngữ, ai cũng hiểu: “Chúng tôi cố gắng làm đúng như Lê Nin dạy; Chúng tôi đều cố gắng làm theo đường lối mà Lê Nin đã vạch ra” (chúng tôi in nghiêng – HVT). Sự sáng tạo của Đảng ta nói chung, Hồ Chí Minh nói riêng đã được Hồ Chí Minh khẳng định trong một bài viết khác, nhân dịp kỷ niệm CMT10, in trên báo Sự Thật 5 năm sau, ngày 1.11.1967: “…Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công”.

Nếu đọc những dòng chữ ghi cảm tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Sổ Vàng lưu niệm tại điện Kremli cách đây 52 năm (13.7.1955), chúng ta sẽ rất bất ngờ khi thấy: “Lê Nin, người thầy dạy vĩ đại của cách mệnh vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lê Nin muôn đời bất diệt”. Nghe câu trên có cảm giác như Hồ Chí Minh vừa mới nói sáng nay. Rõ ràng, cần, kiệm, liêm, chính của người cán bộ cách mạng là nỗi trăn trở, day dứt lâu dài của Hồ Chủ tịch. Ngay giữa Hồng trường ở nước Nga xa xôi mà Người vẫn nghĩ đến điều đó, đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức của người thầy vĩ đại là Lê Nin, đủ để biết Người lo lắng đến mức nào. Qua đây, chúng ta càng hiểu hơn việc học tập đạo đức cách mạng từ các vị lãnh tụ như Lê Nin, Hồ Chí Minh là quan trọng biết bao!

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết khá nhiều về CMT10, nhất là trong các dịp kỷ niệm hay đi thăm Liên Xô. Bài cuối cùng là bài nhân kỷ niệm 50 năm CMT10, tháng 11.1967, dài đến 5.000 chữ.
Bên cạnh những ý nghĩa, kinh nghiệm chung phổ biến mà hầu hết các nhà sử học đã bàn đến, trong bài này xin phép không nhắc lại; theo tôi, Hồ Chí Minh đã có những ý kiến đáng chú ý sau đây, tập trung trong bài viết Kỷ niệm 40 năm CMT10 với nhan đề “Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông”, tháng 11.1957, dài đến gần 8.000 từ. Đây là bài viết theo đơn đặt hàng của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Liên Xô. Và, đây cũng là bài Bác Hồ viết dài nhất, dành nhiều suy nghĩ tâm huyết nhất về sự kiện trọng đại này.

Thứ nhất, một trong những ý nghĩa quan trọng nhất mà Hồ Chí Minh chỉ ra đó là CMT10 đã đưa ra một mẫu mực về “khả năng lật đổ nền chuyên chính của bọn bóc lột…”. Cái đáng bàn là ở chỗ, chính nhờ cái giá trị của “khả năng” ấy mà CMVN nói riêng, cách mạng của nhiều nước mới vận dụng sáng tạo và thành công. Nói như thế cũng có nghĩa là Hồ Chí Minh đã cảnh báo mọi ý định rập khuôn, máy móc theo hình mẫu của CMT10 là sai lầm. Quả thực, chỉ cần có hai từ nhưng Hồ Chí Minh đã nhắc nhở và căn dặn chúng ta rất nhiều.

Thứ hai, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “Cách mạng Tháng Mười đã đem đến cho các dân tộc phương Đông một sự giúp đỡ có tính chất quyết định…” (chúng tôi nhấn mạnh – HVT). Về mặt logic hình thức, CMT10 diễn ra trước thắng lợi của CMVN gần 30 năm nhưng Hồ Chí Minh vẫn dùng cụm từ “giúp đỡ” và “quyết định”. Nếu chúng ta nhìn lại những sách và chuyên khảo về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì sẽ thấy chúng ta đánh giá sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em chỉ ở tầm mức “quan trọng”. Cách nhìn đó đối chiếu với phương pháp luận Hồ Chí Minh, rõ ràng là chưa thỏa đáng. Theo chúng tôi, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiểu lầm trong quan hệ ngoại giao đầy phức tạp của thế giới đương đại.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đầy tự hào về thành công to lớn của Đảng Lao động Việt Nam trong việc vận dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm của CMT10 trong đoạn văn sau:
“Cuộc cách mạng trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là một cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ. Để đưa cuộc cách mạng đó đến thắng lợi, có thể và cần phải thành lập một mặt trận dân tộc rất rộng rãi, đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội… Giai cấp tư sản dân tộc có thể tham gia tích cực vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Cuộc cách mạng trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trước hết là cuộc cách mạng nông dân”.
Trước hết, phải thấy là CMT10 không hề có một trung tâm đoàn kết các tầng lớp xã hội là tổ chức Mặt trận. Đây là sáng tạo độc đáo của CMVN mà điển hình nhất là Việt Độc lập Đồng minh do Hồ Chí Minh sáng lập ngày 19.5.1941. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh về tính chất rất rộng rãi của tổ chức này. Luận điểm thứ hai là khẳng định về tính tích cực của giai cấp tư sản dân tộc. Ngay cả Lê Nin cũng chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm này. Luận điểm thứ ba về cuộc cách mạng nông dân là một tư tưởng đột phá táo bạo. Có thể coi đây là một trong những đóng góp đáng kể nhất của Tư tưởng Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận cách mạng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Sau cùng, phải lưu ý là, theo chúng tôi, đây là một trong 10 bài viết có tầm vóc lý luận sâu sắc nhất, đáng nghiên cứu nhất khi chúng ta tìm hiểu về Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.

Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là cái kho chân lý dường như vô tận. Có những vấn đề tưởng chừng như đã hiểu, đã biết nhưng đọc lại các trước tác của Người, chúng ta lại tìm ra những dấu ấn mới, những viên ngọc mới. Sự lung linh, vô giá của nhân cách và tư duy Hồ Chí Minh là ánh sáng rực rỡ nhất làm nên sự vĩ tuyệt của hai tiếng Việt .
Ngày 27.1.1924, trong bài: “Lê Nin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Sự Thật, NAQ viết: “Làm những điều mà Người (tức Lê Nin – HVT) đã căn dặn chúng ta, đó chẳng phải là phương pháp tốt nhất để tỏ tình yêu mến của chúng ta đối với Người hay sao?”.

Hôm nay, chúng ta rất muốn nhắc lại rằng, phương pháp tốt nhất để thể hiện tình cảm của mỗi người dân Việt Nam đối với Hồ Chủ tịch; phương pháp tốt nhất để thực hiện bổn phận và trách nhiệm của mỗi công dân trong thời đại mới, để đưa đất nước Việt Nam tiến lên trên con đường hùng cường, giàu mạnh; chính là, học tập tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh từ một cách nhìn khác: Ánh sáng của chủ nghĩa Lê Nin và tấm gương CMT10.
             H.V.T

(nguồn: TCSH số 225 - 11 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng