Văn bản được viết bằng mực màu xanh, chữ nhỏ li ti nhưng do cách trình bày sáng sủa nên dễ đọc, kể về hồi ức của bốn người thoát nạn trong một vụ hỏa hoạn kỳ lạ xảy ra tại thành phố trước đó ba năm. Bốn hồi ức được kể bằng bốn giọng văn hoàn toàn khác nhau, tuy chúng có chung một đặc điểm là lủng củng. Hồi ức thứ nhất, nếu căn cứ vào cách hành văn thì có thể phỏng đoán rằng người viết là một người đàn ông đứng tuổi, kể về cảm giác khi ngọn lửa bắt đầu liếm vào người ông ta. Hồi ức thứ hai, có lẽ là của một thằng bé tầm mười tuổi, kể về cơn hoảng loạn của nó khi nó bắt đầu ho sặc sụa vì khói. Đoạn hồi ức thứ ba, có thể đoán rằng người viết chính là bà mẹ của thằng bé, kể rằng khi ngôi nhà bắt đầu ngập trong lửa thì cơn hoảng sợ của bà ta vượt qua giới hạn của sức chịu đựng, nó khiến bà ta hoàn toàn vô cảm trước cái nóng thiêu đốt của ngọn lửa và bà ta đột nhiên rơi vào một trạng thái suy tư miên man về một vụ cưỡng hiếp xảy ra cách đây ba mươi năm khi bà ta còn là một cô bé bẩy tuổi. Hồi ức thứ tư tường thuật toàn bộ chi tiết của vụ hỏa hoạn bằng một giọng văn trung tính hoàn hảo đến mức nếu chỉ căn cứ vào văn bản người ta không thể đưa ra bất kỳ nhận định gì về tác giả của nó.
Khi đọc hết dòng cuối cùng của hồi ức thứ tư thì Đinh Hoài Viễn cảm thấy một sự thôi thúc đến mức không thể cưỡng lại được khiến anh không còn cách nào khác là phải đọc lại văn bản từ đầu. Lần đọc thứ hai này, kỳ lạ thay, mang đến cho anh ta một nhận thức khác hẳn lần đọc thứ nhất, anh không còn thấy bất kỳ dấu vết nào từ kinh nghiệm của lần đọc thứ nhất, như thể người ta vừa xóa sạch những ký tự của văn bản này và thay thế nó bằng một văn bản hoàn toàn khác. Những ký tự ấy hiển nhiên vẫn còn nguyên vẹn, không thay đổi một chút gì, nhưng trong cảm nhận của anh, nội dung của nó đã hoàn toàn thay đổi. Anh nhận ra rằng nếu đọc liền một mạch, không nghỉ ở bất cứ đoạn nào, thì sẽ nhận ra ngay rằng đây chắc chắn là một văn bản hoàn chỉnh do một người duy nhất viết bằng một giọng văn mà sự biến điệu của nó trong các trường đoạn lớn đến mức nếu đọc riêng từng đoạn người ta sẽ có cảm giác nó được bốn người khác nhau viết. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Cách đọc này đưa đến một thông điệp hoàn toàn khác hẳn, như thể đằng sau nó vừa hiển lộ một ẩn dụ mạnh mẽ và sáng sủa đến mức Đinh Hoài Viễn có cảm tưởng trong lần đọc thứ hai này anh vừa bóc đi lớp nghĩa thứ nhất của văn bản, thay vào đó anh đọc được một lớp nghĩa hoàn toàn khác so với lớp nghĩa ban đầu; sự thay đổi này rõ đến mức anh cảm thấy không có lý do gì để không đi theo hướng diễn giải của lớp nghĩa thứ hai. Câu chuyện về một vụ hỏa hoạn lúc này hoàn toàn bị che mờ bởi một câu chuyện khác cũng được viết dưới dạng hồi ức về một vụ án mạng phức tạp, trong đó hung thủ sử dụng hơi độc để giết tất cả bốn nạn nhân. Vụ án này được thể hiện bằng nhiều lớp lang, ẩn dưới mỗi lớp lang là một âm mưu không dễ gì làm sáng tỏ, trong đó xác suất để bất kỳ nhân vật nào trở thành thủ phạm cũng ngang bằng xác suất hắn ta là nạn nhân. Và đương nhiên, Đinh Hoài Viễn không có cách nào khác là phải đọc lại văn bản lần thứ ba ngõ hầu mang đến một sự tường minh trong việc xác định hung thủ thực sự của vụ giết người.
Lần đọc thứ ba này té ra lại đưa đến một câu chuyện khác hoàn toàn không liên quan gì đến vụ án của lần đọc thứ hai. Ở đây, Đinh Hoài Viễn đọc thấy một khung cảnh tự sự cực kỳ lãng mạn của một cặp trai gái đang yêu. Nó bắt đầu bằng những câu văn mượt mà, hẳn nhiên không kém phần tinh tế, miêu tả bầu trời trong xanh phản chiếu trên mặt hồ, nơi cặp trai gái đang ngồi tâm sự. Tiếp đến, bằng một thủ pháp gợi tả đặc biệt khi miêu tả những cơn gió miên man, văn bản này mang đến cho người đọc một cảm giác bất an thường trực, dẫn đến một linh cảm có tính chất điển hình rằng có một sự hiểm nguy vô hình nào đó đang rình rập cặp trai gái. Tuy nhiên, cảm giác bất an không thể tránh khỏi này lại khá mơ hồ. Ẩn đằng sau những đặc tả về hàng cây, cái ghế đá nơi cặp trai gái ngồi, rồi đến cái vòi phun nước, những bông hoa cúc màu vàng, hàng gạch lát đường màu xám, người đọc bắt gặp một cảm giác hồi hộp y như cảm giác xem đến hồi gay cấn nhất của một bộ phim trinh thám: tiếng nhạc nổi lên, cảnh quay sâu hun hút, kèm theo mỗi một va đập nhỏ là một thứ hợp âm rùng rợn, như thể những hiểm họa khôn lường đang rình rập ở bất cứ nơi đâu. Cảm giác này không phải là ngẫu nhiên, bởi chỉ vài câu sau đó, Đinh Hoài Viễn bắt đầu có linh cảm rằng ngay sau lưng cặp trai gái đó là một người đàn bà một tay dắt một đứa trẻ con khoảng mười tuổi, tay kia lăm lăm một con dao găm – chính xác phải miêu tả bằng từ “lăm lăm” mặc dù trong văn bản hoàn toàn không có “con dao găm” mà cũng chẳng có từ “lăm lăm” nào hết. Rõ ràng bà ta đang có ý định ám sát cặp trai gái kia. Đến đây thì văn bản đột ngột kết thúc, nhưng ẩn ý của nó thì hoàn toàn rõ ràng y như trong các tiểu thuyết chương hồi: muốn biết người đàn bà kia hành động ra sao, xin mời các bạn tiếp tục đọc lại văn bản một lần nữa.
Do đó, Đinh Hoài Viễn lại tiếp tục lần đọc thứ tư. Bây giờ, có thể nói anh hoàn toàn bị cuốn hút vào cái văn bản kỳ lạ này. Hoàn toàn có thể đoán trước được là trong lần đọc thứ tư này, anh lại được thưởng thức một câu chuyện hoàn toàn khác. Quả đúng như vậy, lần này là một câu chuyện về bốn người nhà sư trong khi tìm kiếm sự giác ngộ đã bị lạc lối vào một mê lộ huyền bí. Câu chuyện này được viết bằng một thứ văn phong ngắn gọn, giản tiện nhưng tinh tế và có sức gợi rất cao. Nó chủ yếu tập trung vào cuộc hội thoại của bốn nhà sư trong khi họ tìm cách thoát ra khỏi mê lộ. Nội dung của cuộc hội thoại cực kỳ đặc biệt. Thoạt tiên, nó làm cho người đọc có cảm giác đây chỉ là những câu thoại vụn vặt, chắp vá, hết sức tầm thường. Nhưng nếu đọc chậm rãi, người ta lại thấy đây hình như là một cuộc tranh luận triết học vô cùng sâu sắc ẩn dưới một lớp vỏ của một thứ ngôn ngữ giản dị và có phần tiết chế. Càng đọc chậm, cảm giác này càng rõ rệt hơn; về sau, nó rõ rệt đến nỗi cứ sau mỗi một câu Đinh Hoài Viễn lại phải dừng lại một lúc để ngẫm nghĩ. Anh có cảm giác như mình vừa lĩnh hội được một tư tưởng hết sức cao siêu nhưng cảm giác ấy ngay lập tức mất đi, tan biến vào hư không bởi trong khi cố tư duy về nó bằng chính thứ ngôn ngữ giản dị đã diễn đạt nó thì hóa ra nó lại chẳng đọng lại trong anh một ý niệm rõ rệt nào cả, như thể anh đang cố gắng dùng một cái rổ thưa để múc nước. Cảm thấy như thể đang lạc trong một mê cung của kho tàng tri thức nhân loại, anh tin rằng chỉ cần anh diễn đạt lại trung thực, tỉ mỉ và trọn vẹn những suy nghĩ của anh trong khi đọc cái văn bản kia thì không nghi ngờ gì nữa, những thứ anh viết ra chắc chắn sẽ là một danh tác triết học có thể làm lu mờ toàn bộ các trước tác của Socrates, Plato, Aristotle, Montaigne, Descartes, Locke, Spinoza, Leibniz, Berkeley, Hume, Kant, Hegel, Husserl, Shopenhauer, Kierkegaard, Nietzsche, Heidegger, Sartre, Wittgenstein và Dewey. Nhưng anh không thể làm được điều đó mặc dù anh đã cố gắng hết sức. Những nỗ lực của anh hoàn toàn vô vọng. Thành tựu đáng kể nhất là một lần, bằng một sự tập trung cao độ, anh đã nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa của một câu. Thế nhưng khi vừa đọc sang câu kế tiếp thì ngay lập tức những gì anh vừa nắm bắt đã bị xóa sạch. Sau cùng, Đinh Hoài Viễn nghĩ ra một cách. Sau khi đọc xong một câu và chậm rãi suy ngẫm về nó, anh sẽ lấy giấy ra, viết lại chi tiết những gì anh vừa cảm nhận được, sau khi kết thúc công việc ghi ra giấy thì anh sẽ tiếp tục chuyển sang đọc câu thứ hai. Tuy nhiên, thật không may cho anh bởi ý tưởng này lại đến quá muộn. Câu đầu tiên anh áp dụng chiến thuật này lại chính là câu cuối cùng của văn bản. Và tất nhiên, anh chỉ còn một lựa chọn duy nhất là áp dụng lại chiến thuật này từ câu đầu tiên của văn bản. Nhưng những kinh nghiệm của những lần đọc trước mách bảo anh rằng, trong lần đọc tiếp theo, anh sẽ lại được tiếp nhận một nội dung hoàn toàn khác. Câu chuyện về bốn nhà sư bây giờ không có cách nào lấy lại được nữa.
Đến đây, Đinh Hoài Viễn mới chợt nhận ra rằng, trong thời gian vừa qua, anh đã bỏ phí quá nhiều cơ hội. Nếu như anh ghi lại nội dung của từng lần đọc cái văn bản kỳ dị đó thì hẳn lúc này, anh đã có bốn phiên bản khác nhau từ một văn bản gốc. Mê man trong cảm giác kích thích cao độ, Đinh Hoài Viễn chợt nẩy ra ý tưởng về một cuốn tiểu thuyết dựa trên những phiên bản của những lần đọc khác nhau. Khi vừa chợt nẩy ra ý tưởng này, thì ngay lập tức anh nhận thấy rằng hóa ra bốn cái phiên bản vừa xong dường như có một mối liên hệ nào đó rất sâu sắc, nằm trong một tổng thể chặt chẽ. Anh có linh cảm rằng chỉ cần chép tất cả các phiên bản này ra, chắp nối lại chúng với nhau là cái tổng thể ấy sẽ hiện ra, điều này chắc hẳn cũng tương tự như việc sắp xếp một bức tranh ghép. Và như thế, có lẽ anh không chỉ giải mã được một văn bản kỳ diệu nhất thế giới mà anh còn có cơ hội viết một cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất trong lịch sử văn chương nhân loại. Nghĩ đến điều này, Đinh Hoài Viễn cảm thấy phấn khích tột độ. Anh có cảm tưởng mỗi giây, mỗi phút lúc này đều là những khoảnh khắc ghi hình của lịch sử, giống như thời điểm của cuộc cách mạng đang đi vào giai đoạn chín muồi, khi vĩ nhân cảm thấy mình dần chạm đến sự vĩ đại mà định mệnh bắt hắn ta phải gánh vác. Và thế là anh bắt đầu lần đọc thứ năm với một cảm giác phấn khích ghê gớm, tất nhiên là đọc trong tư thế sẵn sàng viết, một tập giấy trắng và cây bút bi luôn sẵn sàng trong tay anh.
Phiên bản của lần đọc thứ năm hẳn nhiên là một câu chuyện khác. Đó là một văn bản mang đến cho người ta cảm giác nó rất dài bởi không có một dấu chấm hay dấu phẩy. Ngôn ngữ miên man như thể người viết đang nhập đồng. Có lẽ, chính xác phải nói là có lẽ bởi rất khó xác định, nội dung của phiên bản này là những dòng suy nghĩ miên man của một người đàn bà đang thủ dâm trên giường ngủ. Người đọc có thể nghe thấy rõ ràng tiếng rên rỉ của khoái lạc, những âm thanh gừ gừ như tiếng những con mèo cái trong thời kỳ động đực. Không chỉ có thế, đọc phiên bản này, người ta còn có cảm giác hình như có ba cặp mắt đang dòm trộm người đàn bà thủ dâm trên giường ngủ. Tất nhiên đây là một cảm giác mơ hồ hơn là một sự khẳng quyết, bởi chính văn bản, trong lần đọc thứ năm này, cũng chẳng đưa ra một nhận định sáng sủa nào, thậm chí nó chẳng hề có đoạn nào đề cập đến ba cặp mắt trên, nhưng ẩn ý của nó rõ ràng là không thể chối cãi.
Phiên bản của lần đọc thứ sáu miêu tả một cuộc chiến tàn khốc giữa bốn quốc gia. Mối liên hệ giữa các quốc gia này rất nhập nhằng, đến mức người ta có cảm giác mỗi một quốc gia này vừa là đồng minh lại vừa là kẻ thù của ba quốc gia còn lại. Bất cứ lúc nào, cuộc chiến cũng có thể nổ ra và hòa bình cũng có thể thiết lập bất kỳ thời điểm nào, không kể hoàn cảnh. Thế cuộc cứ thế thay đổi liên miên, biến dạng trong từng câu văn. Ở câu này, người đọc đang theo dõi cuộc tổng tấn công của ba quốc gia vào một quốc gia thì ở ngay câu sau, hóa ra đấy lại là cuộc chiến của hai liên minh, mỗi liên minh gồm hai nước, đến câu sau nữa thì lại là một cuộc chiến vòng tròn giống như trò chơi mèo đuổi chuột: quốc gia thứ nhất tấn công quốc gia thứ hai, quốc gia thứ hai tấn công quốc gia thứ ba, quốc gia thứ ba tấn công quốc gia thứ tư, quốc gia thứ tư, không thể tránh khỏi, lại phải tấn công quốc gia thứ nhất. Câu cuối cùng trong văn bản miêu tả hòa bình được thiết lập ở bốn lãnh thổ, nhưng ẩn dụ của nó hóa ra lại là về một cuộc chiến tranh lạnh với quy mô cực lớn.
Phiên bản của lần đọc thứ bảy kể lại chuyến đi săn của nhà vua, hoàng hậu, công chúa và hoàng tử đặt trong khung cảnh cuối thế kỷ XV ở một quốc gia ở Nam Âu. Nội dung của nó hoàn toàn không có gì đặc biệt nhưng ở đây, lối văn biền ngẫu được sử dụng lại mang đến một nhịp điệu bất ngờ khiến người đọc tưởng như đang đọc một bài kinh cầu nguyện với lời lẽ vô cùng kì dị. Phiên bản của lần đọc thứ tám là một đoạn hướng dẫn sử dụng thuốc nổ gồm bốn bước được viết theo một lối phúng dụ kỳ quặc. Phiên bản của lần đọc thứ chín miêu tả cảm xúc êm đềm của một đôi vợ chồng già trong buổi tiệc kỷ niệm đám cưới bạch kim, nhưng rõ ràng người ta vẫn thấy luẩn quất trong những câu văn êm ái, mượt mà là hình ảnh đau khổ đến tuyệt vọng của hai kẻ nhân tình, một của người chồng, một của người vợ.
Phiên bản của lần đọc thứ mười là những câu rời rạc ghi chép lại bốn sự kiện lớn xảy ra ở bốn châu lục khác nhau, mỗi sự kiện cách nhau đúng một thế kỷ, tất cả được kết nối một cách tinh vi bằng những thủ pháp nghệ thuật đặc biệt khiến cho người đọc có cảm giác các sự kiện đó xảy ra liên tục theo quan hệ nhân - quả tại một địa điểm duy nhất, có thể là bất cứ nơi nào trên thế giới. Cứ mỗi lần đọc khác nhau, Đinh Hoài Viễn lại trải qua một kinh nghiệm duy nhất không bao giờ lặp lại. Cái văn bản gốc, giống như cái nồi cơm của chàng Thạch Sanh, chưa bao giờ phải hứng chịu bi kịch của sự cạn kiệt cảm hứng. Đến phiên bản thứ chín mươi mốt thì Đinh Hoài Viễn cảm thấy mệt nhoài như bị tra tấn trong một chuỗi những trò chơi liên tục. Người anh bắt đầu ở trạng thái lâng lâng. Anh quyết định nghỉ ngơi chốc lát, và trong lúc nghỉ, anh không thể cưỡng lại sự tò mò muốn đọc lại những phiên bản mà anh đã ghi. Chỉ đến lúc đó, anh mới phát hiện ra một điều còn kỳ diệu hơn nữa ở cuốn tiểu thuyết có chất liệu được tạo ra từ những phiên bản của những lần đọc khác nhau – lúc này không nghi ngờ gì nữa, nó thực sự có hình hài của một cuốn tiểu thuyết đang viết dở. Bằng những cách ghép khác nhau, chẳng hạn phiên bản lần đọc thứ tám với phiên bản lần đọc thứ mười ba, phiên bản lần đọc thứ tư với phiên bản lần đọc thứ hai mốt, anh sẽ có những tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Anh bắt đầu mường tượng cấu trúc của cuốn tiểu thuyết của mình giống như một cỗ bài tam cúc. Người ta có thể ghép chúng theo bộ ba tướng-sĩ-tượng hay xe-pháo-mã, đồng thời họ cũng có thể ghép chúng theo bộ đôi: đôi xe, đôi pháo, đôi mã. Mặt khác, nếu định nghĩa các ký hiệu khác đi một chút thì anh lại có một bộ bài tú lơ khơ tương đối hoàn chỉnh, con tướng có thể thay cho con át, con tượng có thể đóng thế con đầm... Cứ mỗi lần xáo trộn vị trí phiên bản ấy, anh lại có trong tay một kiệt tác văn chương – anh cảm thấy hoàn toàn tự tin khi gọi nó là một kiệt tác văn chương, tuy nhiên vẫn phải nói rằng hình như nó vẫn phảng phất chút hơi hướng của những tác phẩm bậc thầy. Chẳng hạn, trong lần tráo bài thứ nhất, cuốn tiểu thuyết bắt đầu định hình trong một thể loại xuyên tạc Kinh Thánh, trong đó tất cả mọi thứ cứ lộn tùng phèo hết cả lên: Abel ngủ với vợ của Cain, Adam hóa ra lại là một nhân vật đồng tính nam, Judas là một người đàn ông đa cảm và yếu đuối, Sáng Thế Ký ở trong hình thức của một cuốn tiểu thuyết trinh thám hết sức tinh vi, sách của Job thì viết bằng một thứ ngôn ngữ vỉa hè, tràn ngập từ đầu đến cuối là những từ lóng chỉ bộ phận sinh dục, Kinh Lạy Cha được viết theo thể thơ lục bát dài lê thê, đọc lên nghe không khác gì những câu vè rẻ tiền.
Ở lần tráo bài thứ hai, bố cục của cuốn tiểu thuyết lại trở nên lỏng lẻo đến kỳ lạ, như thể nó là một tập hợp dài dằng dặc những câu danh ngôn. Ở trang đầu người ta có thể đọc được một cái gì đó gần giống như là nhật ký của Kafka viết đâu đó vào năm 1915, ở trang thứ hai lại mang âm hưởng của bức thư của Van Gogh gửi cho em trai vào một ngày nào đó của tháng Tư năm 1889, trang tiếp theo thì rõ ràng là bắt chước lá thư của Rilke gửi cho một nhà thơ trẻ tuổi vào ngày 16 tháng Bảy năm 1903, giở một trang bất kỳ sau đấy thì lại gặp nguyên đoạn đầu “Một mùa địa ngục” của Rimbaud. Đây đó người đọc có thể bắt gặp những đoạn triết lý rối rắm xen kẽ trong đó là những câu thơ tinh tế đầy chất phai mờ, những ý tưởng lủng củng được sắp xếp liền mạch, tạo nên hiệu ứng âm vang giống như những bài kinh cầu nguyện.
Ở lần tráo bài thứ ba, Đinh Hoài Viễn lại tìm thấy đoạn đầu là một tập hợp khổng lồ những câu hát đồng dao. Đọc kỹ hơn một chút, anh lại thấy hình như chúng mang cấu trúc của một chuỗi xoắn kép, mô phỏng cấu trúc ADN. Rồi lại có những câu mà sức mạnh ngôn ngữ của nó lớn đến mức nó bắt buộc người ta phải đọc theo một cách duy nhất: cách đọc của một người cầm tờ giấy hát thánh ca trong buổi lễ nhà thờ sáng chủ nhật, cảm giác của người đọc cũng y hệt như vậy, trong lòng hắn dâng tràn một cảm xúc hân hoan và thành kính đến tột độ và mặc dù đọc nó một mình nhưng hắn lại có cảm giác như thể có hàng ngàn người đang đứng cạnh mình cùng cất tiếng, hòa vào dàn đồng ca tưởng tượng ấy. Ở đoạn khác, nếu đọc to lên ta lại có cảm giác như đang ở trong một quán cafe ở New Orlean, nghe một nhạc công da đen chơi một điệu nhạc jazz bằng cây kèn saxophone.
Chưa hết, Đinh Hoài Viễn lại phát hiện ra rằng từng câu trong mỗi phiên bản mà anh ghi có một sức kết dính mạnh mẽ đến nỗi anh có thể ghép bất kỳ mười câu nhặt ngẫu nhiên ở mười phiên bản cũng được nhặt ngẫu nhiên thành một đoạn văn hoàn chỉnh cực kỳ mạch lạc. Các từ ngữ trong những phiên bản ấy cũng vô cùng đặc biệt. Mỗi một từ đều có thể hiểu theo hàng chục nghĩa khác nhau nhưng khi ghép chúng lại với nhau nếu không cẩn thận, ta sẽ được một câu vô nghĩa tuyệt đối, như thể đó là một thứ mật mã được viết bằng những ký tự của một thứ ngôn ngữ chưa hề được biết tới.
Đinh Hoài Viễn bắt đầu lâng lâng trong cảm giác thăng hoa. Anh cảm thấy anh giống như một Đấng Sáng Tạo Toàn Năng, có thể sáng tạo ra bất cứ thứ gì, bất chấp những yếu tố như là chất liệu, thời gian, và những quy tắc. Từ một thế giới ban đầu, anh có thể tạo ra hàng triệu thế giới khác nhau. Từ một cái không-có-gì, anh có thể tạo ra đồng thời hàng triệu cái không-có-gì và hàng triệu những cái có-gì. Từ một từ, có thể là bất kỳ từ nào, anh có thể nhân nó lên thành một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ, một bản giao hưởng, hay một bức tranh Thánh tích. Anh hoàn toàn không cảm thấy bất kỳ một giới hạn nào trong sáng tạo ngôn ngữ.
Tuy nhiên, một điều đáng buồn là cuốn tiểu thuyết mà Đinh Hoài Viễn viết ra từ những phiên bản đọc ấy sẽ không bao giờ được xuất bản. Trưa ngày hôm sau, bạn bè Đinh Hoài Viễn đã phát hiện ra anh ta trong trạng thái mê sảng bên bàn viết. Họ đưa anh đến bệnh viện, ở đó bác sĩ nói rằng anh bị hôn mê sâu do suy nhược thần kinh nặng. Anh mất vào buổi tối ngày hôm sau trong bệnh viện. Trong đám giấy tờ nằm la liệt trên sàn nhà, người ta thu thập được tám mươi bẩy tờ giấy chép tay, tất cả có cùng một nội dung, giống hệt nhau đến từng dấu phẩy. Nội dung của nó dĩ nhiên cũng không có gì đặc biệt, hoàn toàn có thể suy đoán rằng nó được chép ra từ một mẩu tin bình thường trên một tờ nhật báo, trong ấy ghi lại bốn lời kể của những nạn nhân thoát chết trong một vụ hỏa hoạn xảy ra trong thành phố cách đây ba năm.
Nagoya
09/2007 N.N.P
(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)
|