Tạp chí Sông Hương - Số 235 (tháng 9)
Vùng sâu
16:17 | 30/09/2008
TÔ NHUẬN VỸ           (Trích tiểu thuyết )...2. Chiếc cầu xa lộ ào ào xe qua và gió chiều bất chợt. Ngọn gió nồm phóng khoáng hình như thổi về phố sớm hơn mọi chiều cũng không làm loãng bớt đi không khí nồng bức đặc quánh giữa mùa hè của vùng cầu trung tâm thành phố.

Búa tạ nện chát chúa xuống xà beng, đục phá các mảng bê tông. Cả cuốc chim thi nhau mổ tóe lửa như gãi tức mặt cầu. Cả một đám người nhốn nháo, giữa mê man gỗ, tre, thùng, đá tảng… lươm bươm tha tới “khoanh” gần cả nửa mặt cầu. Tiếng la gọi, cả hét toáng lên, của đám thợ áo quần xanh đẫm bụi bị luốt đi trong tiếng còi xe và tiếng nổ xọc xạch lạ lùng của cỗ máy phát điện vừa được cẩu đến sáng nay, đặt chình ình lạ mắt trên lề của đường bộ hành.

Phước dấn lên dốc cầu, mong chóng thoát qua cái vùng bỗng nhiên nhức buốt này. Nhưng, như để “hưởng ứng” cái không khí bức sốt đó, chiếc xích lô bỗng “éo” một tiếng thật khiếp như bị phanh kít lại. Phước vọt xuống, loay hoay đẩy lui đẩy tới chiếc xe bỗng nặng trịch giữa tiếng la lối om sòm của đủ loại xe cộ bất ngờ bị ngáng lại phía sau. Tiếng xin lỗi và nụ cười dã lã của Phước cũng lại như khiến tiếng la lối càng om sòm và gay gắt hơn. Một dáng băng đỏ loáng thoáng trong cái mớ lộn xộn. Và một câu nói ngay cạnh:
- Anh đưa giùm xe vô lề cầu.
Phước ngẩng lên và sửng sốt: một người đàn bà, đồng phục xanh đã bạc như nhiều người đang làm việc trên mặt cầu. Nhưng… nước da trắng và đôi mắt đen láy. Như để gạt đi thoáng nghi ngờ của mình, anh nhận ra cái băng đỏ giữa khuỷu tay áo xanh và người ấy đang vẫy một thanh niên áo xanh khác gần đó tới phụ giúp Phước khiêng chiếc xe vào lề. Nhưng thật lạ, chiếc xích lô vừa được đặt xuống thì lại không bị kẹt kọt gì nữa, đẩy tới đẩy lui nhẹ bẫng!
- Anh giỡn chi kỳ vậy? - Người đàn bà bỗng lạnh lùng lắc đầu. Cái lắc đầu chán ngán khiến Phước chạnh lòng.
- Xin lỗi, tôi không giỡn.
Có lẽ giọng nói chân thành của Phước đã giúp anh.
- Anh mới đi xe lần đầu à?
Xe qua khỏi cầu rồi Phước mới nhớ là mình quên trả lời câu hỏi của người đàn bà. Người đàn bà công trường ấy còn trẻ, như một cô gái, và quá đẹp.
Anh mới đi xe lần đầu à?” Sao cô ta đoán giỏi thế? Thế đấy, đi xe… Người ta vẫn gọi điếm đò, điếm chợ, cả loại điếm phong lưu hành nghề là đi khách. Đi khách, đi xe… Một nỗi buồn tê tái quặn buốt ruột Phước.

Ngày Phước khoác ba lô tạm biệt rừng núi miền Tây và anh chị em trong tiểu đoàn thanh niên xung phong để trở lại thành phố, trong đêm lửa trại và rượu đoác tưng bừng chia tay, một cuộc “cá cược” chết bỏ đã nổ ra giữa những tay “tham mưu con” và “tướng số tử vi mi-ni”. Kẻ khẳng định phen này Phước sẽ được thăng quan tiến chức, nếu không bí thư thành đoàn thì bét cũng phải ngồi ghế phó thường trực, xúp cái tay Hoán rệu rã hơn ghế mục lâu nay đi. Người thì khẳng định Phước sẽ “thượng kinh ký sự”, mà ký sự suốt hai mươi tư tháng tại trường Nguyễn Ái Quốc Hà Nội, mấy cha tổ chức chứng tỏ tầm nhìn và trách nhiệm của mình về việc bồi dưỡng lực lượng trẻ kế cận bao giờ cũng theo bài bản ấy cả. Có mấy cô đội viên hay xúc cảm và giàu trí tưởng tượng, trong đó có nàng thường ngày có vẻ cảm tình với tiểu đoàn trưởng nhất, lại nói xéo ra Thủ đô gặp toàn gái Hà thành thanh lịch, chắc gì hai ba năm anh Phước đã về lại cái xứ nghèo khổ và sầu thúi ruột ni. Nghe mà thương bạn bè quá. Bất giác lúc ấy Phước nhớ lại mùa giáng sinh Bảy hai, cả thành phố, cả tổng hội sinh viên, sôi sục trong những ngày hướng về Hà Nội đang cháy ngút trời ngọn lửa đánh trả B52 Mỹ. Trong lòng Phước lại dậy lên mong ước, như giữa những giây phút sục sôi ấy ra được tận nơi chốn thiêng liêng đó. Rưng rưng trong lòng Phước hai câu thơ vang dội hào khí dân tộc cả một thời kháng chiến, đã bao lần vang lên trong các giảng đường, trong các đêm không ngủ của phong trào, Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long…

Nhưng…
Khi về đến Thành đoàn, đáp lại cái bắt tay nồng nhiệt và thái độ hồ hởi có phần hồi hộp của Phước, cái tay Phó bí thư thường trực mà bạn bè tiểu đoàn gọi là cái ghế mục ấy chỉ đáp lại bằng bàn tay hờ hững mềm như lông thỏ, nụ cười đãi bôi và một thông báo không lạnh không nóng:
- Cứ nghỉ ngơi cho khỏe đã. Tổ chức sẽ gặp Phước sau.
“Cũng phải thôi”, Phước nghĩ thế, “chẳng lẽ nói chuyện công việc ngay sau cái bắt tay”. Nhưng, Phước vẫn cười nói với hy vọng câu chuyện sẽ tiếp tục:
- Ông nhớ là mình rất khỏe. Và điều quan trọng là bỏ anh em trên Mụ nú về đây không phải để nghỉ ngơi nghe.
Cái ghế mục gật gật ra ý hiểu, và đồng tình nữa, vẫn không nói thêm gì khiến Phước cụt hứng.

Đợt “nghỉ ngơi cho khỏe” đó kéo dài suốt ba tháng. Chẳng phải chờ để đi học, cũng chẳng phải chờ để đề bạt. Cứ chờ để mà… chờ.
Thực ra, chỉ qua một tuần “ngồi chơi xơi nước”, đến mấy cửa mà Phước đoán là “biết chuyện” nhất, chứng kiến cái không khí vẫn lịch sự, vẫn ra vẻ chân tình nhưng, với con người luôn “nóng bỏng” như Phước, anh nhận ngay ra cái hơi lạnh giá toát ra từ những cuộc tiếp xúc ấy. Linh cảm cho Phước biết là có chuyện gì đó rồi. Linh cảm ấy càng khẳng định hơn khi Phước xin trở lại tiểu đoàn đang giữa những ngày gian khổ nhất ở miền Tây thì bị từ chối, với lý do cũng đơn giản là đã có tiểu đoàn trưởng mới. Phước yêu cầu làm một cán bộ thường, thậm chí một đội viên cũng được, vì anh không quen và không thể quen ngồi chơi giữa những ngày bạn bè và cả thành phố đang ngập đầu vào công việc như thế này. Người ta lại cười, đối với anh, bố trí như vậy sao tiện.

Phước bật cười. Cười hơ hơ… Thường thế, cứ khi nào tới đoạn thắt ngặt nhất thì giải pháp đơn giản nhất luôn đến với anh. Phước quyết định gặp chính Bí thư thành ủy, người trước đây đã trực tiếp kết nạp anh vào Đảng trong những ngày hoạt động bí mật. Đăng ký mấy lần ở văn phòng, Chánh văn phòng trả lời vẫn chưa “xếp lịch làm việc” được, lại cũng không hẹn dù cho cái hẹn đó còn lâu dài. Phước hơi bối rối khi lờ mờ hiểu rằng chính Bí thư thành ủy cũng tránh gặp mình. Phước quyết định, vào nửa đêm trời mưa to gió lớn - thời điểm dứt khoát ông có nhà - đến gõ cửa.
Chính Bí thư thành ủy ra mở cửa, vì trong nhà chỉ còn ông là người đang thức làm việc vào cái giờ hiu hắt đó mà thôi.
Ông không ngạc nhiên trước việc xuất hiện của Phước, thậm chí phong thái đêm ấy của ông khiến Phước nghĩ rằng, thậm chí có thể ông đã đoán biết tiếng gõ cửa lúc ấy chỉ có thể là của Phước. Nhưng ông không vồn vã, chỉ lặng lẽ đưa khăn bông lớn cho Phước lau khô người, pha trà nóng mời Phước uống, rồi lại lặng lẽ ngồi trước mặt Phước, ngước nhìn đâu giữa mông lung và liên hồi rít thuốc. Không khí ấy bất giác khiến Phước ấm lòng.
- Anh cũng tránh tôi nữa sao?
- Không tránh. Nhưng mình chưa muốn gặp.
Ông lặng lẽ đứng dậy. Sự thẳng thắn đã bắt đầu giữa họ. Nên căn phòng ấm hẳn. Và, như tôn trọng cuộc sống đêm cần tuyệt đối yên tĩnh, họ nói với nhau rất ít từ, như thì thầm của tháng ngày bí mật.
- Anh không tin tôi ư?
Câu hỏi thật giản dị nhưng nhìn thái độ trầm tĩnh, từ tốn của Bí thư thành ủy lúc này Phước biết câu hỏi của anh sẽ không được trả lời, thậm chí sự không trả lời ấy đã dự tính sẵn trong óc ông trước khi đối diện với Phước. Cái gì đã diễn ra, đã thay đổi trong người cán bộ Đảng một thời anh kính trọng này? Tại sao con người rất hiểu anh lại không đứng ra lý giải giúp anh nếu có, và chắc đang có, điều gì hệ trọng đang giáng xuống đời anh? Mà là chuyện gì kia?
- Điều duy nhất mình có thể giúp cậu lúc này - Ông kéo Phước về phía cửa - là thúc đẩy điều gì nhập nhằng sẽ mau rõ ràng ra.
Ông ấy muốn kết thúc câu chuyện và muốn đẩy Phước về.
- Với Cách mạng, với nhân dân, không có điều gì tôi không rõ ràng cả. Anh cũng không tin điều ấy sao?
- Mình cũng cầu mong như vậy.
Lần này ông nắm chặt tay Phước. Nhưng bỏ ngay ra và quay lưng đóng cửa lại.

Chính sau cuộc gặp Bí thư thành ủy đêm ấy, Phước đã khẳng định rằng, tình thế lạ lùng này chỉ có thể liên quan hai lần ở tù của anh, đặc biệt liên quan tới Larry, đúng hơn là về kế hoạch mà Larry đã từng lôi kéo anh kèm theo sự dọa dẫm nếu anh từ chối.
Lẽ nào một âm mưu của địch, mà lúc ấy anh cười khinh cho là trò chơi con nít, lẽ nào cái trò chơi may trúng rủi trật ấy, cái trò chơi xổ số ấy lại có giải thưởng độc đắc cho thằng Larry? Lẽ nào đôi mắt tinh tường của Cách mạng, thường như có đeo chiếu-yêu-kính trong cuộc đối đầu với địch thủ, lại không nhận ra những âm mưu giản đơn abc như vậy? Lẽ nào, lẽ nào… Lại lẽ nào! Những cái lẽ nào nghịch đời, mà cứ dần dà thắt ngặt đời Phước, vào một thời điểm tưởng phơi phới nhất của đời Phước.

Tuy nhiên, anh cũng thầm cảm ơn Bí thư thành ủy, chắc có bàn tay của ông, nên cuộc gặp của anh với cơ quan phản gián đã sớm diễn ra.
Họ mời anh lịch sự, kín đáo, nhưng suốt cả một tuần ở nhà khách đặc biệt, nội thất trang bị như ở một khách sạn sang trọng, cơm bưng nước rót chu đáo với mức ăn cao, nhưng kín đáo tuyệt đối. Và Phước không được rời khu vực ấy “để làm việc liên tục”. Mà liên tục thật, ngày hai ba buổi khiến Phước mệt bã ra. Có buổi đã thực sự là những cuộc đấu khẩu quyết liệt. Vì vậy, Phước vẫn coi đó là bảy ngày bị tù, oái oăm thay, bị ngồi nhà tù của cách mạng!

Người nói chuyện chính với Phước trong những ngày đó là đại úy Hoài.
Nhập cuộc, hình như viên đại úy khá thẳng thắn khi đi ngay vào giai đoạn mà trước đây Phước tự hào nhất trong cuộc đời của mình nhưng những ngày qua bỗng khiến anh ngại ngùng nhất, giai đoạn bị địch giam cầm. Viên đại úy từ tốn giải thích mục đích cuộc làm việc là có “một số vấn đề phức tạp” của những tháng ngày trước đây có liên quan trực tiếp đến cuộc đấu tranh còn rất quyết liệt giữa địch và chúng ta hiện nay, rất cần đến sự giúp đỡ của đồng chí. Nhưng chính sự nhận ra cái giọng từ tốn ở cả hai tiếng đồng chí đã khiến Phước nhận ra tiếp điều thứ hai: viên đại úy đọc một bài viết sẵn trong trí nhớ, viết sẵn từng chữ. Điều đó tiếp diễn suốt hai ngày đầu: xin bắt đầu từ vụ địch bắt anh năm Bảy Mốt, trong vụ chống độc diễn, vâng, nhưng xin anh kể tỉ mỉ cho, càng tỉ mỉ càng tốt, từ trước vụ chống Thiệu cắt băng khánh thành cầu Mới… Điệp khúc “xin anh kể tỉ mỉ cho” lặp đi lặp lại hoài hoài, đến buổi sáng thứ ba thì Phước phát nôn nao như bị uống thuốc xổ giun liều mạnh, quá khó chịu, liền rời ghế đứng dậy:
- Thôi, đại úy hỏi huỵch toẹt vô vụ Larry muốn lôi kéo tôi cộng tác với chúng nó đi, đừng vòng vo tam quốc nữa!

Đại úy cũng vụt đứng lên, một thoáng long lanh trong đôi mắt đầy tự tin. Đợi cho Phước trấn tĩnh lại và trở lại ghế, đại úy ngồi xuống theo. Giọng viên đại úy chợt nhỏ hơn.
- Hãy gọi tôi là Hoài.
Một thoáng im lặng, như để hiểu thực chất của lời đề nghị, Phước rướn người qua cái bàn mica rộng:
- Hoài à, các anh nghi ngờ tôi ư?
Hoài như bị câu hỏi đẩy ra khỏi ghế ngồi, đứng lặng lẽ. Và lặng lẽ rời xa bàn làm việc đi lại như để dấu sự bối rối. Đến lúc này Phước mới thực sự quan sát viên đại úy và anh gần như quá sửng sốt: mái tóc dài lượn sóng đen mượt, lông mày như nét vẽ thủy mặc, nước da trắng và nụ cười quá chừng hiền hậu. Một người đàn ông quá đẹp, với giọng Hà Nội luyến láy như hát, phong thái lịch thiệp và tự tin. Một người như thế, lại khoác áo đại úy cái ngành “chết khiếp” này, dù đang đi lại trước mắt đó, Phước vẫn thấy có một cái gì thật khập khiễng.

Dù hỏi vậy, hỏi để được nghe trực tiếp sự lý giải, để sờ cho được mức nóng lạnh của sự đời, chứ Phước biết đã đến ngồi ở cái phòng này thì chuyện lẫn lộn đã tới mức nghiêm trọng. Từ trong sâu xa của một ý chí quật cường và kiêu hãnh đã hun đúc thành sức mạnh để sống, để đấu tranh qua bao tháng ngày gian khổ của cuộc đời Phước, từ chất của ý chí ấy đã có lúc bật lên một thách thức: Không nói gì hết, không tường trình gì hết, cây ngay không sợ chết đứng! Ta không thể tiếp tay cho những người nhân danh bảo vệ cách mạng nhưng thực ra là bộc lộ một cách thê thảm sự mất lòng tin ở nhân dân, mất lòng tin ở đồng chí đồng đội và chính loại người đó vẽ lên một chân dung cơ quan phản gián cách mạng, chân dung tổ chức Đảng quá chừng kém cỏi.

Nhưng con người trước mặt Phước kia, có phải là loại “họa sĩ” đó không? Hình như phải và hình như… không phải. Bất chợt Phước nhớ đến Larry. Hay anh ta cũng lại giống Larry: anh ta không thể nói chính kiến của riêng mình trong khi thi hành công vụ? Rõ ràng, dù sao Phước cũng đã dồn Hoài vào chân tường với câu hỏi đó. Ít ra là Phước đang nghĩ như vậy, đang nở một nụ cười chua cay thế kia.
- Phước có tin ở bản thân mình không? - Hoài đã đứng đối diện, nhìn thẳng vào mắt Phước.
- Ông nói sao?
- Nếu Phước tin ở bản thân mình thì không nên hỏi tôi câu đó.
Buổi làm việc cũng kết thúc cùng câu nói mà mới nghe, hoàn toàn Phước không hiểu. Và Phước càng không hiểu hơn khi, suốt những buổi làm việc sau đó, Hoài hoàn toàn không động chạm gì đến Larry và mọi tiếp xúc, quan hệ giữa anh và hắn trong những ngày ở tù. Gần như phần lớn những người mà Hoài muốn tìm hiểu, Phước đều bất ngờ, hoặc lâu nay ít quan tâm, thậm chí hoàn toàn không hay biết gì hết, ở tận cả vùng mà hiếm khi Phước lui tới.

Suốt một thời gian dài sau đó, tình thế của Phước cũng chẳng được sáng sủa gì mà ngược lại, trầm trọng hơn. Thường vụ thành ủy đã chính thức thông báo cho Phước biết, có “một số khúc mắc” trong thời gian ở tù mà hiện nay các cơ quan có trách nhiệm dù đã và đang cố gắng vẫn chưa tháo gỡ được, theo quy định về bảo vệ trong sạch nội bộ của tổ chức Đảng trong tình hình phức tạp hiện nay, Phước phải tạm nghỉ sinh hoạt Đảng và trong tình cảnh như vậy, công việc chính quyền cũng tạm nghỉ một thời gian “thích hợp”. Số “Đảng viên phong trào” phải tạm đình chỉ sinh hoạt vì “có một số khúc mắc chưa tháo gỡ được” như Phước, cộng với số kết nạp trước đây “không đúng thủ tục quy định” bị xóa tên, đã trên dưới hai chục người. Phước xót xa chua cay cho mình một phần nhưng nỗi tê tái trước một tình cảnh lại dày vò anh nhiều hơn. Phần lớn anh em lại đều kiểu bất cần “quân tử tàu”, cứ “cây ngay không sợ chết đứng”, không thanh minh, không lý giải, thậm chí thách thức và phát ngôn không chính xác khiến tình hình đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Sự phức tạp có thể ngay tức khắc biến thành nghiêm trọng khi, trong số đã từng là “đồng chí” không phải không có kẻ xấu giả mạo, không phải hồ sơ nào của Larry “để mất”, “để rơi” lại cũng đều là hồ sơ giả. Trong lúc đó, số cán bộ có trình độ, có hiểu biết thực tế hoạt động nội thành trước đây lại ít, có thể đếm trên đầu ngón tay, phần lớn lại “mới rợi” từ miền Bắc vào chi viện sau ngày giải phóng, không ít trong số đó rờ đâu nghi có địch nấy.

Việc Phước đạp xích lô cũng là chuyện bất ngờ. Gia đình bác xich lô cạnh nhà đi kinh tế mới Buôn Hồ, phải bán tất cả những gì không thể mang theo. Phước là con người hoạt động, một ngày nằm dài thườn thượt cứ có cảm giác chân tay như sắp nổi rêu xanh. Một nỗi chán ngán, mệt mỏi như một tiếng thở dài choán ngợp tâm trạng Phước, len lỏi vào tận xương tủy Phước. Để thoát khỏi tình trạng chưa từng gặp phải đó trong đời mình, Phước mua chiếc xich lô của bác hàng xóm. Anh em, bạn bè phản đối tưng bừng vì cho rằng làm như vậy là “bôi bác phong trào”. Cán bộ có trách nhiệm, kể cả Bí thư thành ủy, có nhắn tới, là đừng làm cái việc “bôi bác cách mạng” đó, đừng bất mãn kiểu đó.

Phước không nghe tất cả lời khuyên ấy với lý do cũng rất giản dị: Phước không muốn chết mục ruỗng bởi sự ăn không ngồi rồi, còn la cà hết quán cóc này tới vỉa hè nọ nói chuyện ba zẻm, tán láo và chửi đổng, anh đều ngán ngẩm và kinh ngại.
Một buổi tối, như vẻ có công chuyện đi ngang qua nên tranh thủ tạt vào nhà Phước, Hoài cũng khuyên anh vài lời như bạn bè khuyên lâu nay. Nhưng nghe Hoài nói, Phước cảm giác đó là mấy lời “cho phải đạo”, hình như không phải là chủ ý của việc Hoài “bất ngờ” tạt vào thăm Phước. Khi hai người chia tay ngoài sân, Hoài nói:
- Tôi mong Phước luôn bình tĩnh. Vấn đề khá rắc rối.
- Tổ chức của Hoài nhắn tới tôi câu đó à?
- Của tôi.
- Riêng của Hoài?
- Từ nỗi đau của một người bạn thân thiết nhất của tôi, tôi nói điều đó với Phước.
Không biết giọng nói Hoài trong không gian đêm ngào ngạt hương ngọc lan của vườn nhà hay sự hé mở một tâm hồn nơi Hoài đã khiến trong lòng Phước có một thoáng xao xuyến. Phước chợt nhớ lại đôi điều mới biết sau này về Hoài: Người con trai Hà Nội đó đã lặn lộn ở vùng ngoại ô, đã chịu nóng lạnh của phong trào thành phố từ trước ngày giải phóng.

Mấy người bạn từ tiểu đoàn về, đem theo không khí bụi bặm và hoang sơ của rừng núi, khiến cho không khí trong căn nhà độc thân của Phước bớt cái lạnh lẽo được suốt một buổi chiều và qua đêm.
- Sắn ở đây thiếu giống chi mà tụi bây tự hành xác mình vậy? - Phước lắc đầu nhìn bao tải sắn vừa từ trên vai một anh “lực điền” hất ịch xuống giữa nền nhà - Cả sân Ngọ môn và quanh đàn Nam giao cũng bị cuốc lên trồng sắn, sắp thành “kinh đô sắn” tụi bây không biết à?
- Dư biết! - Cậu “lực điền” vừa lau mồ hôi vừa vừa toét miệng cười - Nhưng đây là sắn của tụi em trồng. Mà không, có cả công anh phát bụi và giẫm miểng bom què cẳng một dạo đó. Ăn một chút “tình rừng” chớ.
Phước cảm thấy vui. Và lại đùa:
- “Chút tình rừng” thì một hai củ là cành càng bụng dạ rồi, cần chi cả tạ.
- Bộ anh tính ăn một mình sao? - Cô gái trẻ, thân tròn như hột mít, đang gỡ nút ba lô con cóc, bất giác phát bẳn - Cái xóm nhà lá này cho mỗi nhà vài củ đã đủ chưa? Bộ ở đây thôi màn ca nhạc “độc lập tự do ăn bo bo thế gạo” rồi à?

Nói xong, cô vào bếp lục tìm cái rổ nhựa và cả cái xô xách nước đem lên, đặt chịch xuống giữa nhà, làm mặt giận, dốc từ trong ba lô con cóc ra không biết cơ man nào là rau xanh, giọng dấm dẳn:
- Chê rau tập tàng ni nữa đi! Mấy đứa trong tiểu đoàn bộ đi “bình định” gần cả cánh rừng suốt buổi sáng để kịp tụi ni đem về cho anh đó.
Phước ngồi ngẩn ra giữa căn nhà lộn xộn sắn khoai rau ráng, giữa cái mùi “mồ hôi rừng” nồng hắc thật khó lẫn của mấy đứa “em út phong trào”, giữa cái chất thiệt-lòng với nhau, thiệt lòng với đời của họ, cho dù cơ cực trần ai, cho dù sốt rét thương hàn, cho dù đã từng có công trạng mà mãi vẫn không ai đoái hoài, cho dù bao cảnh bao chuyện khiến lòng dạ nhức buốt…, thì họ vẫn trọn vẹn với nhau, trọn vẹn với anh, như những ngày anh còn sống chung với họ ở rừng miền Tây. Họ vẫn nhớ đến cả cái thú ăn rau tập tàng của Phước. Và điều quan trọng hơn là biết anh đang buồn khổ, họ về thăm anh chiều nay, đêm nay thôi, để sáng sớm mai trở về đơn vị. Ôi chao là cái tiểu đoàn thanh niên xung phong của anh, chẳng biết người ta lập ra để làm gì. Ném lên cái xó rú miền Tây ấy khai hoang giữa lúc ngay ở thành phố này, ngay giữa vùng đồng bằng này cũng còn biết bao công chuyện, không biết cái chủ trương đó trúng trật và sẽ hiệu quả chừng nào, chỉ biết tổ chức cách mạng hô ở đó đang là “tiền tuyến”, đang là nơi khó khăn của ngày hôm nay, chỉ cần chừng đó, hàng ngàn cánh tay trẻ trung của thành phố đã rần rật giơ lên.

Quanh nồi cơm chiều hấp sắn, canh tập tàng tôm tươi, cân thịt ba chỉ vừa mua ở chợ xép với tôm chua dưa giá, bữa ăn của bốn anh em họ thật tưng bừng. Người nào người nấy rịn mồ hôi trán và chảy tràn nước mắt vì cơm nóng canh nóng, vì chùm ớt xanh chấm ruốc tươi ăn rau ráu, vì cái tình đồng đội nóng lạnh có nhau. Ăn xong, cô bé “hột mít” xin phép tạt qua nhà bên Thành Nội một chút rồi quay lui. Phước giục hai anh kia tranh thủ về nhà để khuya kịp lên lại đơn vị thì cả hai đều gạt đi, họ nói cần thì nửa đêm gà gáy họ tạt qua nhà một chút cũng được. Đến đây thì Phước hiểu rằng, ba cô cậu này được tiểu đoàn giao nhiệm vụ về thăm và “làm công tác tư tưởng” mình đây. Anh cười thầm với một tâm trạng vừa ấm áp vừa buồn lạnh.

Ba anh em trải chiếu giữa sân và bày bình rượu đế cùng mấy xấp thịt nai rừng khô ra.
- Con nai bắn được tháng trước, để dành phần anh đây.

- Nào, chúc may mắn cho tất cả anh em bạn bè!
Uống cạn gần nửa bình rượu rồi và mấy nhà hàng xóm đã sập cửa tắt đèn đi ngủ rồi, ba anh em vẫn không ai nói một lời. Mỗi người thả suy nghĩ của mình theo dòng sông riêng của mình. Dòng sông của Phước là một dòng sông rừng. Nó chảy ngược, chảy ngược mãi lên thượng nguồn. Khi nó chỉ còn là một con suối cạn, nước chỉ còn đọng vũng ở những hốc
lớn giữa những vai núi xếp tầng xếp lớp những khộp đá khổng lồ. Những thân đoác cổ thụ che rợp cả rừng đá. Ngược lên nữa, khi mây đặc quần tụ dưới các tán lá và quấn quýt quanh người như từng vắt sợi bông thì một quầng sáng bạc oà ra và đỉnh núi đã ở nơi bước chân họ. Đỉnh núi là một khoảng rộng tròn vừa vặn cho cả tiểu đoàn thanh niên xung phong thẫn thờ đứng mặc niệm cuối buổi chiều ấy. Dưới chân họ toàn đá trắng và bầu trời đỏ rực như máu. Chính giữa đỉnh núi, chính giữa đội hình tiểu đoàn là một ngôi mộ xếp đầy những tảng đá trắng nhất cùng hàng trăm nhánh hoa rừng. Bó hương dưới phố vừa kịp gởi lên, tỏa khói nhè nhẹ, uốn lượn quanh mồ như một tiếng nấc thầm, rồi vờn nhập vào biển mây trắng của rừng già.

Người con gái đẹp tuyệt vời ấy rời mái trường thành phố lên rừng vào những ngày tan nát nhất của phong trào nội thành sau Mậu Thân. Cũng lại là những tháng ngày cơ cực, gian nan nhất của chiến khu. Các cơ quan cứ rút lui, rút lui, rút lui… Các đơn vị cứ chạy dài. Tất cả lần lượt bồng bế nhau lên tới tận biên giới Việt - Lào. Nhưng hậu cần thành phố không thể lên chỗ năm non ấy được. Phải cằn về, phải cắn răng trụ lại giáp ranh. Và bom trùm xuống tàn sát. Biệt kích chôm chụp, tập kích triền miên. Và đói. Rau dại cũng chẳng còn một cọng ở giải giáp ranh, cây cỏ chết ngặt hết từ lâu vì chất độc và bom phát quang. Đây đó đã có người chết đói. Nhưng người con gái ấy vẫn đi lại giữa rừng cháy, vẫn qua về các cơ quan, vẫn xinh tươi rực rỡ với nụ cười mê hoặc trên môi. Cứ như nàng sống và cười bằng khí trời bất diệt. Nàng là bông hoa rừng cháy, là niềm vui của cả chiến khu, và nàng như một sự gọi kêu của thành phố thân yêu giục những đứa con trai con gái hãy mau trở về. Nhưng một trận bom tàn mạt đã dày nát bấy cơ quan nàng. Căn hầm chữ A thành nấm mồ của nàng và năm đồng đội. Ngày ấy, người yêu của nàng đang lặn lội ở vùng sâu, ở nội ô để móc nối lại phong trào. Anh là một thành ủy viên trẻ, trước đó là một sinh viên khoa học. Họ quen và thân nhau từ những ngày ly khai của khu chiến thuật Mười Một. Bảy tháng sau, người con trai ấy có dịp trở lại rừng, anh xin tổ chức và rồi để ba ngày liền đi tìm nơi an nghỉ của nàng. Anh nhận ngay ra nàng: giữa lổn nhổn xương cốt cái còn cái đã thành đất là lả tả mấy hạt cúc tím của chiếc áo len nàng đã mặc suốt từ mùa thu qua hết mùa xuân lạnh lẽo của chiến khu. Anh lặng lẽ chôn cất nàng, không để cho bất cứ ai giúp mình làm việc đó, cũng như đã lặng lẽ tìm kiếm, đào bới, như một cái bóng kỳ bí của núi rừng đang đào bới một hồn thiêng. Không khóc, không hề có một giọt nước mắt nào chảy ra, anh đứng trước nấm mộ suốt cả nửa buổi chiều còn lại ấy, để cho nước mắt chảy vào lòng. Anh lấy một chiếc cúc tím đơm lên áo mình, ở chỗ gần trái tim, rồi ngay đêm ấy anh lặn lội trở về vùng sâu.

Ngày tiểu đoàn thanh niên xung phong lên miền Tây, người con trai ấy đã nhờ Phước, nếu có điều kiện thì đưa giúp mộ nàng về thành phố, trước khi đưa về làm ơn báo cho anh hay. Theo sơ đồ của chính tay anh vẽ và anh đã giữ trong ngực mình bao năm trời, Phước và anh em đã tìm ra ngay ngôi mộ. Nó ở ngay trong khu vực trú đóng của tiểu đoàn. Nhưng toàn tiểu đoàn và Phước đã không đưa mộ nàng về thành phố. Ở đó, nghĩa trang liệt sĩ đang xây dựng dở dang. Nhưng điều hệ trọng nhất không phải là điều đó, mà câu chuyện bình dị ấy đã làm cho tất cả trái tim trong tiểu đoàn thổn thức. Họ đã âm thầm kết nạp nàng vào danh sách tiểu đoàn. Nàng vẫn còn sống. Vậy thì nàng phải ở đây, giữa lòng tiểu đoàn anh em bạn bè của nàng đây. Cho đến một ngày đơn vị hoàn thành sứ mạng ở miền Tây thì nàng mới cùng về với anh em. Ngày ấy, cả thành phố Huế sẽ mỗi người một bông hoa tím ùa ra cửa ô đón nàng và chúng ta.
Họ đã đưa nàng lên đỉnh núi trắng của rừng già chiều ấy.
- Anh đang nghĩ đến nấm mộ trắng phải không? - Một người hỏi.
- Còn các cậu?
- Bọn em nghĩ ngày đưa chị ấy về phải tổ chức thật đẹp anh ạ.
- Đẹp?...
- Có báo cho “ông ấy” không anh?
Một thoáng xót xa trong lòng Phước: ông ấy có còn nhớ đến những tháng ngày đó không để mà báo tin đi rước nàng về?
Người con trai có mối tình lặng lẽ và thiết tha với Bông-hoa-rừng-chiến-khu ngày ấy chính là Bí thư thành ủy bây giờ.
...
                                                T.N.V

(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)

 

Các bài mới
Thu (30/09/2008)
Các bài đã đăng